KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN THEO
QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Tác giả: Ivan Salvadori
Mặc dù ĐTC Phanxicô tuyên bố không muốn viết một khảo luận về
sự thánh thiện, nhưng Tông huấn “Gaudete et exsultate”[1]
(được ban hành ngày 19-3-2018) có thể coi như tóm tắt quan điểm của ngài về sự
thánh thiện. Dựa theo cấu trúc của văn kiện, linh mục Ivan Salvadori, giám đốc
đại chủng viện Como (Italia), đã trình bày nội dung qua 5 điểm sau đây:
Đây là bài thuyết trình thường huấn cho Phong trào Công giáo
Tiến hành Giáo phận Como, ngày 1/5/2019.[2]
Chữ viết tắt:
GE = Gaudete et Exsultate.
ĐTC = Đức thánh cha
*
* *
Trong cuốn tiểu thuyết “Khách sạn của những phụ nữ buồn”, nữ
văn sĩ Marcela Serrano, người Chile, có đoạn viết như sau: “Tôi chẳng tha thiết
gì với sự thánh thiện. Hoặc ít là tôi chẳng còn tha thiết nữa, bởi vì trước
đây, có lần tôi đã đi tìm nó. Nhưng lúc ấy, tôi không biết những giới hạn và sự
nhàm chán của nó”[3]. Đó là lời tuyên bố của một
nhân vật trong tiểu thuyết, cho thấy nỗi thất vọng của mình trước tất cả mọi lý
tưởng về sự thánh thiện. Đã có một thời, người ấy đã đi tìm, nhưng sau đó đã
cương quyết từ chối sau khi khám phá những giới hạn của mình, và bắt đầu nghi
ngờ rằng sự thánh thiện không đồng nghĩa với vui tươi mà là với nhàm chán.
Chúng ta nên thành thực tự hỏi: con đường thánh thiện có còn
là đề xuất cho một cuộc đời sung mãn và thành tựu, có khả năng làm thỏa mãn những
ước ao và khát vọng thâm sâu nhất không? Hay – như nhiều người vẫn nghĩ – nó là
biểu hiện của một cuộc đời hụt hẫng, bị cầm hãm và cắt xén những khát vọng hạnh
phúc, vì thế cần phải tìm hạnh phúc ở nơi khác?
Tông huấn thứ ba của ĐTC Phanxicô được dành để bàn về sự
thánh thiện và lấy tựa đề từ hai động từ mà Chúa Giêsu đã dùng để khích lệ các
môn đệ đang chịu bách hại và sỉ nhục vì Người: “Gaudete et Exsultate”, “hãy vui
mừng và hoan hỉ” (Mt 5,12)[4]. Như thế, phần nào tựa đề đã
cho chúng ta một chìa khóa để hiểu được đề tài thánh thiện theo ĐTC Phanxicô:
vui mừng.
Đức thánh cha – vang âm của toàn thể Kitô giáo – nhận thấy
niềm vui như là kết quả trực tiếp nhất của cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Niềm vui ở
đây là “sự an ủi thiêng liêng” mà thánh Inhaxiô đã viết trong sách Linh-thao:
đó là “niềm vui nội tâm thúc đẩy và thu hút về những thực tại trên trời và sự cứu
rỗi linh hồn, mang lại cho linh hồn sự tĩnh lặng và an bình trong Đấng Tạo
Thành và Chủ Tể”[5]. Như ta cũng đọc thấy trong
Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), đó là “niềm vui tràn ngập
trái tim và cuộc đời của những người đã gặp gỡ Chúa Giêsu”[6].
Đây cũng là từ ngữ biểu lộ động lực cơ bản của Kitô giáo trong hai chuyển động
gắn bó với Đức Kitô và được sai đi vào thế giới. Thực vậy, một đàng niềm vui
thúc đẩy người môn đệ gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô; đàng khác, nó cũng là sức
mạnh mời gọi người môn đệ ra khỏi chính mình để chuyển đạt cho mọi người biết rằng
mình đã tìm được giải đáp cho bí quyết cuộc đời ở nơi gặp gỡ với Thiên Chúa.
Mục đích của tông huấn không phải là cung cấp một khảo luận
về sự thánh thiện, với định nghĩa và phân loại, nhưng – một cách khiêm tốn hơn
và có lẽ hữu ích và cần thiết hơn – đó là “làm vẳng lại một lần nữa, lời mời
nên thánh, tìm cách du nhập vào khung cảnh hiện đại, cũng với những rủi ro,
thách đố và cơ may” (GE 2). Như vậy, điều mà ĐTC muốn nhắc nhở trong tông huấn
này “tiên vàn là lời mời nên thánh mà Chúa gửi đến mỗi người chúng ta” (GE 10)
hôm nay; việc cải tổ Giáo hội cũng như hạnh phúc của mỗi người đều phải đi
ngang qua cửa này.
Cuộc cải tổ mà ĐTC mong mỏi nơi Giáo hội không nằm ở kế hoạch
tổ chức và các “chiến lược”, nhưng – sâu xa hơn, ở chỗ nó chỉ có thể thực hiện
bằng cách đặt Thiên Chúa làm tâm điểm, tìm kiếm và gặp thấy Người trong hết mọi
việc, theo châm ngôn thời danh của thánh Inhaxiô: “Curet primo Deum”[7] (mà ta có thể diễn dịch thế
này: hãy làm thế nào để luôn luôn đặt Thiên Chúa ở ngay trước mắt, trước hết mọi
sự).
Rảo qua 5 chương của văn kiện, tôi muốn nắm bắt cấu trúc của
nó và làm nêu bật những chủ đề chính. Cách riêng, tôi muốn tìm cách trả lời những
câu hỏi sau đây: sự thánh thiện Kitô giáo hệ tại điều gì? Đâu là những nét nổi
bật hơn cả? Sự thánh thiện tăng trưởng trong dân Thiên Chúa bằng cách nào, và
đâu là những kẻ thù ngăn chặn nó?
I. Tâm điểm của sự thánh thiện: thường nhật, cộng đồng,
cá vị và tiệm tiến
Khởi điểm của toàn thể cuộc
đàm đạo – được khai triển trong chương I - ở chỗ ý thức rằng sự thánh thiện là
vận mệnh ơn huệ của mỗi người. Vận mệnh bởi vì là tiếng gọi của Thiên Chúa Tam
Vị mà cũng vì là khát vọng nằm trong thâm tâm mỗi người. Không có sự thánh thiện
nằm bên ngoài cuộc gặp gỡ giữa sự tự do vô hạn của Thiên Chúa, Đấng trao ban sự
sống và hạnh phúc đích thực cho con người khi dựng nên nó, và sự tự do hữu hạn
của con người (GE 1), có thể quyết định trả lời có hoặc không cho lời mời ấy. Ở
đây, ĐTC lấy lại một tư tưởng then chốt của Lumen gentium: tất cả đều được mời
gọi nên thánh[8], với mẫu gương là Chúa Giêsu
“Đấng khai mở và kiện toàn đời sống thánh thiện” (LG 40).
Sau khi đọc kỹ bản văn, tôi nghĩ là theo ĐTC Phanxicô, có bốn
chỉ số nếu phối hợp chặt chẽ với nhau sẽ cho ta một bức chân dung rõ nét của sự
thánh thiện Kitô giáo: thường nhật, cộng đồng, cá vị, tiệm tiến.
a) Một sự thánh thiện thường nhật.
Yếu tố thứ nhất trong tư tưởng của ĐTC là “sự thánh thiện thường nhật”, diễn ra
trong cuộc sống hàng ngày của Dân Thiên Chúa[9].
Thánh Linh “đổ tràn ơn thánh thiện xuống cho toàn thể đoàn dân trung tín của
Thiên Chúa” (GE 6). Cái nhìn của ĐTC không chỉ giới hạn vào sự thánh thiện của
những vị thánh đã được tuyên phong, nhưng là sự thánh thiện được khuếch tán qua
chứng tá của biết bao nhiêu anh chị em, nhờ đó chúng ta được thôi thúc đừng dừng
lại dọc đường, nhưng hãy tiến thẳng đến cùng đích (GE 3). Ngài nói: “Tôi thích
ngắm nhìn sự thánh thiện trong Dân Thiên Chúa kiên trì, nơi những cha mẹ âu yếm
giúp cho con cái được lớn lên, nơi những người nam nữ lao lực để kiếm miếng
bánh mang về nhà, nơi những bệnh nhân, nơi những nữ tu cao niên vẫn tươi cười.
Chính trong sự kiên trì tiến tới mỗi ngày mà tôi nhận thấy sự thánh thiện của
Giáo hội chiến đấu” (GE 7). Đây là một tư tưởng thường gặp nơi các câu nói của
ĐTC, chẳng hạn như trong một cuộc phỏng vấn dành cho bán nguyệt san La Civiltà
Cattolica hồi tháng 8 năm 2013[10]. Trong cuộc phỏng vấn ấy,
ngài cũng nói đến một “sự thánh thiện của tầng lớp trung lưu”, mà tất cả chúng
ta đều có thể tham gia. Thành ngữ này được trích từ ông Joseph Malègue, một nhà
văn người Pháp. “Sự thánh thiện có thể tìm thấy trong đời sống thường ngày và
giữa những người gần gũi với chúng ta, chứ không phải nơi những khuôn mẫu lý tưởng,
trừu tượng hay siêu phàm”[11]. Cũng chẳng nên tìm những
khuôn mẫu không hề sai sót, nhưng là những con người “ngay cả giữa những bất
toàn và sa ngã, vẫn tiếp tục tiến tới và làm đẹp lòng Chúa” (GE 3). Như vậy,
không phải là những con người hoàn thiện, nhưng là sẵn sàng.
b) Một sự thánh thiện cộng đồng.
Chỉ số thứ hai có thể đặt tên là sự thánh thiện cộng đồng. ĐTC muốn nói rằng sự
thánh thiện chẳng bao giờ là kết quả của một sự chinh phục cá nhân, nhưng được
lồng trong đời sống của một thân thể Dân Thiên Chúa. Người viết như sau: “Không
ai tự cứu độ riêng mình, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta nhờ những mối dây
tương quan được thiết lập trong cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn chúng ta
đi vào động lực của một dân tộc” (GE 6). Thực ra trong tông huấn Evangelii
gaudium Người đã nói đến một thứ “huyền nhiệm” chung sống[12].
Mặt khác, nếu Giáo hội là một dân tộc, thì sự thánh thiện phải mang tính “toàn
dân”[13], chứ không phải là tuyển lọc.
c) Một sự thánh thiện cá vị. Sự
thánh thiện cộng đồng không loại bỏ đặc tính thứ ba là cá vị. Sự thánh thiện
luôn gắn liền với một con người độc đáo. Không có những khuôn mẫu trừu tượng hoặc
lý tưởng có thể ăn khớp cho hết mọi người. Sự thánh thiện mỗi ngày thật là đơn
giản, được đan dệt bởi những chuyện vụn vặt, nhưng mỗi người cần nhận ra sứ mạng
mà Thiên Chúa đã ủy thác cho mình. Thật là ấn tượng khi thấy ĐTC Phanxicô nhắc
đến những thí dụ cụ thể hơn là những khuôn mẫu trừu tượng. Thiên Chúa muốn cho
mỗi người chúng ta diễn tả sự thánh thiện của mình một cách độc đáo. Vì thế, cần
phải khám phá con đường riêng, cách thức nên thánh riêng cho phép ta diễn tả được
cái điểm ưu tú nhất của mình (GE 11). “Xin Chúa cho bạn biết nhận ra đâu là lời,
sứ điệp của Chúa Giêsu, mà Người muốn nói cho thế giới qua cuộc đời của bạn”
(GE 24).
d) Một sự thánh thiện tiệm tiến.
Chỉ số cuối cùng của sự thánh thiện có thể nói là tính cách tiệm tiến. Cần phải
cân nhắc những giới hạn của con người, con đường tiến bộ của mỗi người, cũng
như mầu nhiệm của ân sủng tác động trong thâm tâm của mỗi người: “Ân sủng tác động
trong lịch sử và thường là một cách tiệm tiến. Vì thế nếu chúng ta chối bỏ tính
cách lịch sử và tiệm tiến này, thì trên thực tế chúng ta có thể đi đến chỗ phủ
nhận và ngăn chặn nó, mặc dù chúng ta đề cao nó bằng lời nói” (GE 50).
Do đó, sự thánh thiện nổi lên từ
toàn bộ cuộc sống, chứ không phải từ việc phân tích tỉ mỉ tất cả mọi chi tiết
và tất cả mọi hành động của một con người. Chính là từ toàn bộ cuộc sống – bao
gồm cả những giới hạn và sai lầm – mà nổi lên mầu nhiệm của một con người có khả
năng phản chiếu Đức Giêsu Kitô vào thế giới hôm nay (GE 23). Theo lời ĐTC, nguy
cơ trầm trọng nhất nằm ở chỗ “khẳng định Thiên Chúa ở nơi không có Người, bởi
vì Người hiện diện cách huyền nhiệm trong cuộc đời mỗi người, trong cuộc sống mỗi
người theo như Người mong muốn” (GE 43). Trong đức tin, ta không thể cư xử như
là những kiểm-soát-viên cuộc đời của người khác. Đây là một điều rất quan trọng,
theo Đức Phanxicô kế thừa tinh thần của thánh Inhaxiô Loyola là “tìm kiếm và gặp
gỡ Thiên Chúa trong tất cả mọi sự”[14],
đến nỗi ĐTC dám viết rằng “ngay cả bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những
khung cảnh rất khác biệt, Thánh Linh gợi lên những dấu chỉ của sự hiện diện của
Người để giúp đỡ ngay cả các môn đệ của Đức Kitô”[15].
II. Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện
Trong chương II của Tông huấn, ĐTC lưu ý đến hai sự sai lầm
len lỏi vào văn hóa và cung cách của con người thời nay, và thu hút nhiều người.
Đây là hai thái độ vẳng lại hai lạc thuyết đã bị phi bác vào các thế kỷ đầu
tiên: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô[16].
ĐTC coi hai lạc giáo này như là sự bóp méo sự thánh thiện (GE 35), bởi cả hai đều
muốn cho mình thay thế Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Nói cách khác, thuyết
ngộ giáo và Pelagiô muốn loại Đức Kitô ra khỏi trung tâm đức tin và lấy các học
thuyết khác xem ra hấp dẫn để thay thế: thuyết ngộ giáo cho rằng chúng ta có thể
trở nên tốt hơn nhờ sự hiểu biết (gnosis); thuyết Pelagiô cho rằng sự hoàn thiện
nằm ở nỗ lực cá nhân, ý muốn cá nhân để thay đổi thế giới. “Trong cả hai trường
hợp, Đức Giêsu cũng như tha nhân chẳng còn chỗ đứng nữa” (GE 35): chỉ có sự hiểu
biết của chúng ta hoặc sự cố gắng của chúng ta mà thôi.
a) Thuyết ngộ giáo. Nguy cơ thứ
nhất đe dọa sự thánh thiện là thuyết ngộ giáo (hoặc tân ngộ giáo). Đây là một
trong những lạc thuyết mạnh mẽ nhất trong Giáo hội vào hồi thế kỷ II và III[17]. Theo thuyết ngộ giáo,
trong con người có một yếu tố thần linh (một “mảnh vụn thần linh”) rơi vào thế
giới vật chất và hiện bị giam giữ trong vật chất do bản tính xấu xa của nó. Sự
cứu độ có thể đạt được nhờ sự hiểu biết (gnosis tiếng Hy-lạp) chân lý: duy sự
hiểu biết mới giúp cho cái yếu tố thần linh được giải thoát khỏi vật chất và trở
về thiên giới[18].
Tuy rằng thuyết ngộ giáo không còn ra mặt dưới hình dạng như
hồi các thế kỷ II-III nữa, nhưng không thể nói được là nó đã hoàn toàn biến mất.
Trái lại, có một hình thức mới, tức là tân-ngộ giáo – thu gọn đức tin vào một
hình thức hiểu biết, trong đó, nói cho cùng, chỉ còn có đạo lý, các tư tưởng và
suy tư của chúng ta. Người ta không còn nói đến việc gặp gỡ Chúa Kitô nữa.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sự hoàn thiện của con người
không được đo lường bằng số lượng những dữ liệu hoặc kiến thức thu tích được,
nhưng là “cấp độ đức mến” (GE 36). Thuyết ngộ giáo không phát sinh từ tà ý,
nhưng từ chỗ hời hợt: từ một tâm trí bị xơ cứng vì bách khoa từ điển của những
ý tưởng trừu tượng, nhưng không có khả năng đụng chạm đến thể xác đau khổ của Đức
Kitô nơi tha nhân (GE 20). Hay nói theo một dụng ngữ của Đức Phanxicô, chúng ta
đối diện với một “Giáo hội không có dân”,[19]
nghĩa là một Giáo hội đầy rẫy những ý tưởng, nhưng lại không có khả năng lắng
nghe các đòi hỏi của dân chúng. Ngay cả đạo lý cao siêu của Giáo hội, nếu thiếu
mất sự nối kết với thể xác của dân chúng, thì cũng trở nên một “lâu đài bằng giấy”,
như đã nói trong tông huấn Evangelii gaudium (số 39). Trong một bài giảng Thánh
lễ ở nhà thánh Marta, Người nói: “Hành vi thánh thiện cao cả nhất của chúng ta
chính là nơi thể xác của người anh em và nơi thể xác của Đức Giêsu Kitô”[20].
Nói tóm lại: thuyết ngộ giáo càng trở thành nguy hiểm khi nó
xúi giục chúng ta tin rằng mình sẽ khá hơn nhờ sự hiểu biết, hoặc đức tin là một
hệ thống tư tưởng giúp chúng ta chế ngự thực tại. Khuyết điểm chính của nó nằm ở
chỗ không có khả năng tìm hiểu lịch sử cụ thể của mỗi người, và muốn “làm bá chủ
mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng, cũng như mầu nhiệm cuộc đời của người khác”,
như ta đọc thấy ở số 39 của tông huấn.
b) Thuyết Pêlagiô. Nguy cơ của
thuyết này ở chỗ cho rằng sự tiến bộ của ta không hệ tại các ý tưởng (sự hiểu
biết hay đạo lý) nhưng tùy thuộc vào sự cố gắng cá nhân. Trong trường hợp này
cũng vậy: vị trí của Đức Kitô được thay thế bằng một sản phẩm của con người.
Vào thời xưa, phái Pêlagiô đã đặt nặng cố gắng cá nhân và ý chí đến nỗi quên rằng
sự thánh thiện tiên vàn là công trình của ân sủng, hoa trái của sự ngoan ngoãn
với Thánh Linh. Không có hành vi nào của con người mà không được ân sủng Chúa
nâng đỡ.
Đứng trước sự lệch lạc này, Giáo hội kể từ công nghị Orange
II (năm 529) đã dạy rằng không phàm nhân nào có thể lập công trạng hay mua lấy
quà tặng của ân sủng; mọi sự hợp tác của con người với ân sủng cũng là quà tặng
của chính ân sủng. “Thậm chí cả lòng ước ao được nên thanh sạch cũng là do
Thánh Linh tuôn đổ và tác động trong ta”, như ta đọc thấy trong điều luật IV của
công đồng[21].
Hệ luận là con đường nên thánh cần được đức khiêm tốn tháp
tùng. Điều này còn được lặp lại trong chương IV của tông huấn, khi mà đức khiêm
tốn được móc nối với những hoàn cảnh chịu nhục mạ.
Đức khiêm tốn đâm rễ trong tâm hồn nhờ những việc hạ mình; nếu
không có hạ mình thì chẳng có khiêm tốn cũng chẳng có thánh thiện. Nếu bạn
không có khả năng chịu đựng hoặc thực hiện những sự hạ mình, thì bạn chẳng
khiêm tốn cũng chẳng thánh thiện gì (GE 118).
Thử hỏi: ai là những người theo thuyết tân Pelagiô? Theo Đức
Phanxicô, đó là những Kitô hữu nghĩ rằng mình nên trọn lành nhờ sức riêng, và
như vậy, họ không còn tôn thờ Chúa là nguồn mọi ân sủng mà là tôn thờ chính
mình. ĐTC đưa ra nhiều thí dụ khác nhau: họ bị ám ảnh bởi luật lệ; họ ưa thích
khoe các thành tích xã hội hoặc chính trị; họ muốn phô trương phụng vụ, đạo lý
và uy tín của Giáo hội; họ tìm hư danh trong các hoạt động; họ thích thú những
công tác tôn vinh bản thân (x. GE 57). Từ đó, ta thấy một thứ Kitô giáo nặng về
quy tắc luật lệ, nhưng lại thiếu hấp dẫn vì vẻ đơn sơ (GE 58).
Dù sao, thật đáng ngạc nhiên khi nhận ra rằng hai đối thủ của
sự thánh thiện – ngộ giáo và Pêlagiô – có liên quan đến hai quan năng chính yếu
của con người: tư tưởng (ngộ giáo) và ý muốn (Pêlagiô). Điều này ra như muốn
nói rằng hai kẻ thù của sự thánh thiện không đến từ bên ngoài chúng ta, nhưng
có gốc rễ trong ta; thậm chí, chúng nằm ngay ở hai khả năng – kiến thức và ý muốn
– làm nên sự cao cả của con người.
III. Noi theo tinh thần Bát phúc
Trong chương III, sau khi đã phác họa những chỉ số của sự
thánh thiện Kitô giáo cũng như cảnh báo những méo mó của nó, văn kiện đi vào
câu hỏi trọng tâm: làm thế nào để nên thánh? Câu trả lời khá đơn giản: hãy thực
thi các mối phúc thật. Câu trả lời dựa trên một tiền đề của thánh Inhaxiô, đó
là: sự thánh thiện được thực hiện khi ta diễn tả trong thân mình những lựa chọn
và thái độ của Đức Kitô. Nếu Chúa Giêsu đã sống theo tinh thần các chân phúc,
thì người tín hữu cũng phải làm như vậy.
Do đó con đường nên thánh khởi đi từ việc chiêm ngắm những mầu
nhiệm cuộc đời Đức Kitô và từ đó rút ra những quy tắc thực hành. Trong chương
này, ĐTC nêu bật rằng Kitô giáo là một tôn giáo thực tiễn. Hiểu biết và suy
nghĩ về đạo thì chưa đủ, còn cần phải đưa ra hành động. Chính nhờ hình thái này
– nghĩa là các chân phúc – mà làm lộ rõ căn tính Kitô giáo, khác biệt với những
khuôn thước hành động của thế gian.
Nhờ vậy, linh đạo Kitô giáo mang theo ít là hai đặc điểm. Một
là tránh được việc tách rời sự cầu nguyện khỏi hành động. Thứ hai, nó cung cấp
cho các Kitô hữu một phương án sánh đôi với lối lý luận của thế gian, bởi vì
các chân phúc đi ngược với những điều mà thế gian tin tưởng; chúng mang tính
cách trái ngược với thói đời. Chỉ cấn lấy một thí dụ để làm sáng tỏ điều ấy: nếu
thế gian tuyên bố rằng hạnh phúc nằm ở chỗ giàu sang phú quý, thoả mãn chính
mình, thì ngược lại, chân phúc đề cao rằng sự nghèo khó là một tài sản còn quý
giá hơn nữa bởi vì nó mở cửa trái tim cho Thiên Chúa ngự vào (GE 67-70). Trong
chương này, ĐTC điểm qua tất cả và từng chân phúc, và chú giải từng điều một
cách thẳng thắn.
IV. Vài đặc trưng của sự thánh thiện trong thế giới
hôm nay
Chương IV khá độc đáo bởi vì tìm cách du nhập ý tưởng về sự
thánh thiện vào thế giới hôm nay. ĐTC nêu bật năm đặc điểm đáng chú ý vào thời
đại chúng ta, được coi như “năm cách biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa và đối
với tha nhân” (GE 111). Tôi xin liệt kê vắn tắt từng điểm một.
a) Cương quyết nội tâm. Có nghĩa
là đứng vững trong Chúa, cương quyết chấp nhận những nghịch cảnh và thăng trầm
của cuộc sống, kể cả những cuộc tấn công về phía người khác. Đó là sự trung tín
với tình yêu, không thay đổi, và cứ ở lại bên cạnh tha nhân, cho dù điều này
không mang lại sự thích thú gì.
b) Vui tươi và biết khôi hài. ĐTC
viết rằng “thánh nhân có khả năng sống vui tươi và có óc khôi hài” (GE 122).
Bài học này lấy từ thánh Tôma Aquinô; trong sách Tổng luận thần học, tác giả viết
rằng hoa trái của đức mến là niềm vui, bởi vì người yêu luôn vui thích vì được
kết hiệp với kẻ được yêu[22]. Tuy dù trong cuộc đời người
Kitô hữu có thể có những lúc cam go và những thời của thánh giá, “nhưng không
gì có thể tiêu hủy niềm vui siêu nhiên” (GE 125). Tật rầu rĩ không phải là dấu
hiệu của thánh thiện. Chúa muốn cho chúng ta “tích cực, biết ơn và đừng quá phức
tạp“ (GE 127).
c) Bạo dạn. Tính bạo dạn cũng là
thành phần của sự thánh thiện. Tân Ước dùng danh từ parrhesia, ám chỉ thái độ
can đảm thúc đẩy các thánh tông đồ loan báo Đức Giêsu Kitô giữa những nghịch cảnh.
Không có sự thánh thiện Kitô hữu chân chính nếu thiếu nhiệt tình. Những người
loan báo Tin Mừng mà buồn rầu và chán chường thì chẳng loan báo được gì cho ai
hết[23]. “Giáo hội không cần nhiều
công chức quan liêu, nhưng cần những thừa sai hăng hái, say mê thông truyền sự
sống chân thực” (GE 138).
d) Cộng đồng. Đây cũng là một đặc
trưng của Kitô giáo, bởi vì, theo Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã ước mong sao
cho “tất cả được nên một” (Ga 17,21).
e) Cầu nguyện liên tục. Đặc tính
cuối cùng của sự thánh thiện là cầu nguyện bền vững. ĐTC nhắc lại rằng “sự
thánh thiện hệ tại ở chỗ thường xuyên mở rộng đến cõi siêu việt; điều này được
diễn tả qua sự cầu nguyện và thờ lạy. Thánh nhân là một con người có tinh thần
cầu nguyện, có nhu cầu đàm đạo với Thiên Chúa” (GE 147).
Duy chỉ trong thinh lặng, ta mới có thể phân định những con
đường thánh thiện mà Thiên Chúa đề ra cho ta (GE 150). Đối với mỗi người môn đệ,
họ không thể nào không đến bên cạnh Thầy, lắng nghe và học hỏi Thầy. Cần nói
thêm rằng việc cầu nguyện không khiến cho chúng ta xa cách lịch sử. Nếu Thiên
Chúa muốn đi vào lịch sử, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng cần được đan dệt
với việc nhớ lại những gì mà Chúa đã làm cho chúng ta. Như tông huấn nhắc nhở ở
số 154, thánh nhân phải là “người bạn hữu của các anh em mình, hằng cầu nguyện
nhiều cho dân chúng” (2Mc 15,14).
V. Đời sống Kitô hữu như cuộc chiến đấu
Chương cuối cùng của tông huấn đề cập đến cuộc chiến đấu
tinh thần, với tựa đề: “Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên miên” (GE
158). Bởi vì việc thuộc về Đức Kitô mang tính cách toàn diện triệt để, cho nên
cuộc chiến đầu tinh thần nằm trong cuộc sống Kitô hữu, nghĩa là chiến đấu chống
lại tất cả những gì ngăn cản Đức Kitô trở nên trung tâm của cuộc đời: tư tưởng,
tâm tình, hành động.
Tuy là một đề tài cổ điển của thần học tâm linh Kitô giáo,
nhưng nó đã bị lãng quên trong những thập niên gần đây[24].
Thời nay, ít người nói đến đời sống tâm linh, nghĩa là đời sống tương quan chặt
chẽ với Thiên Chúa. Đề tài chiến đấu tinh thần lại càng hiếm khi được nhắc đến:
đây là một thứ kỷ luật khắt khe, nhưng trên thực tế giúp cho con người sống tự
do đích thực, khi dám quyết định “Có” hay “Không” theo sự xác tín, chứ không phải
bị lôi cuốn bởi những luận điệu tuyên truyền. Dù sao, việc làm môn đệ Đức Kitô
luôn bao hàm một lựa chọn quyết liệt, chứ không phải là một thư thái an nhàn. Sự
lựa chọn đòi hỏi phải xác định lập trường, và điều này đưa đến một cuộc chiến đấu
chống lại ba kẻ thù, theo lời ĐTC Phanxicô.
a) Chiến đấu chống lại sự mỏng
giòn của bản thân. Kẻ thù thứ nhất là tính giòn mỏng của ta, những xu hướng, tựa
như tật lười biếng, ghen tương, v.v... Như vậy, cuộc chiến đấu trước tiên là chống
lại chính mình. Chiến trường không phải ở ngoài ta, nhưng là ở trong trái tim,
được hiểu như là trung tâm của những quyết định, tư tưởng, tình cảm, ước muốn.
Khi Kinh Thánh nói đến trái tim thì cần hiểu về nơi thâm sâu nhất của ta, nơi
mà ta khẳng định cái “bản ngã” của mình. Trong một bài giảng tuyệt vời, ông
Origène nói như sau “Ta phải chiến đấu ngay trong mình, bởi vì kẻ thù phát xuất
từ trái tim của mình. Điều đó không phải là do tôi nói mà chính Chúa Giêsu: Từ
trái tim mà phát sinh những ý tưởng xấu xa, sát nhân, dâm ô, trộm cắp, làm chứng
gian, lộng ngôn (Mt 15,19)”[25]. Thật vậy, trái tim là nơi
diễn ra sự cộng lực giữa thần trí Thiên Chúa (Thánh Linh) và trần trí con người.
b) Chiến đấu chống lại thế gian
và não trạng thế gian. Người tín hữu không chỉ giao tranh chống lại sự mỏng
giòn của mình, mà còn chống lại “thế gian và não trạng của thế giới lừa gạt ta,
khiến cho chúng ta đâm ra u mê, tầm thường, thiếu dấn thân và không có niềm
vui” (GE 159). Chúng ta đang sống trong một thế giới bé nhỏ như một ngôi làng,
và được thông tin về tất cả những gì xảy ra trong đó. Chúng ta ý thức hơn rằng
con người sống nhờ các mối tương quan. Thực ra điều này không hoàn toàn mới lạ,
bởi vì các tín hữu của những thế kỷ đầu tiên đã ý thức rằng mình sống trong xã
hội chứ không cô lập:
Người Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập
quán (…) Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận
mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và
trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là
khó tin[26].
Đàng khác, chỉ cần nhớ rằng Chúa Giêsu không chỉ “đến trong
thế gian” mà còn phái các môn đệ “đi khắp các nẻo đường” (Mt 22,9), trong cánh
đồng bao la của thế gian. Tuy nhiên, thế gian vừa là nơi gặp gỡ trao đổi cũng vừa
có thể là nơi gài cạm bẫy. Trước hết thế gian là nhân loại mà Thiên Chúa đã yêu
thương và ban Con Một của Người (x. Ga 3,16-17), nhưng thế gian cũng có khả
năng làm cho chúng ta đi chệch hướng do những lý luận và lối sống không luôn
luôn phù hợp với Tin Mừng.
c) Chiến đấu chống lại ma quỷ. Sau cùng, chúng ta đừng quên
rằng người Kitô hữu còn phải giao tranh với ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ (GE
159). Trong thư gửi các tín hữu ở Êphêsô, thánh Tông đồ đã viết: “Cuộc chiến của
chúng ta không phải chống lại phàm nhân, mà với những quyền lực thần thiêng, với
những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời
cao” (Ep 6,12). Vì lý do ấy, sức lực chúng ta không đủ khả năng nếu không được
yểm trợ bởi quyền năng đến từ Thiên Chúa. Một cách gián tiếp, thánh Phaolô cung
cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn để đọc các thực tại: Ai tưởng rằng người môn đệ
cần phải chiến đấu trên một bình diện nhân sinh – hoặc tự nhiên –, thì quả là
nông nổi, bởi vì không ý thức rằng cuộc giao tranh cuối cùng, mà Giáo hội phải
đương đầu, nằm trên bình diện siêu nhiên.
Nói cách khác, nếu chúng ta giới hạn việc quan sát thực tại
duy chỉ dưới nhãn quan của con người, với tiêu chuẩn thực nghiệm, thì sẽ mắc
nguy cơ (mà nhiều nhà thần học cũng rơi vào) là phủ nhận sự hiện hữu của ma quỷ,
cho rằng đó chỉ là một huyền thoại, một biểu tượng của sự dữ ở trong ta. Nhưng
nếu làm như vậy thì ta sẽ không giải thích được vì sao sự dữ lại có một sức tàn
phá ghê gớm đến thế.
Ngược lại, ĐTC nói, nếu chúng ta lắng nghe mặc khải và quan
sát thực tại từ một viễn ảnh siêu nhiên, lúc ấy chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của
ma quỷ được Kinh Thánh chứng thực ngay từ những trang đầu tiên, nhưng kết thúc
với sự chiến thắng của Thiên Chúa. Mặt khác, ngay lời kinh mà Chúa Giêsu dạy
chúng ta – Kinh Lạy Cha – đã kết thúc với câu kết: “Xin giải thoát chúng con khỏi
Ác thần”. Như vậy, ma quỷ là một nhân vật đang quấy rối chúng ta, và Chúa Giêsu
dạy ta phải cầu xin cho được giải thoát khỏi nó.
Như vậy ĐTC có thể viết rằng:
Đừng nghĩ rằng ma quỷ là một huyền thoại, một biểu tượng, một
ý tưởng. Sự lường gạt này đưa chúng ta đến sự lơ là, không chịu canh phòng, và
lơ đãng. Ma quỷ không cần chiếm hữu ta đâu. Nó đầu độc ta bằng sự căm thù, buồn
phiền, ghen tương, những tật xấu. Và như thế, khi chúng ta không biết đề phòng,
ma quỷ lợi dụng để hủy hoại đời ta, các gia đình và cộng đoàn của chúng ta (GE
161).
Thật thú vị khi ĐTC trưng dẫn một tư tưởng của Đức Phaolô VI
ở chú thích số 121:
Một trong nhiều điều cần
thiết nhất là đề phòng khỏi sự dữ mà ta gọi là Ma quỷ [...]. Sự dữ không chỉ là
một sự khiếm khuyết nhưng là một sự hữu hiệu, một hữu thể sống động, thiêng
liêng, đã bị hư hỏng và làm người khác hư hỏng. Một thực tại khủng khiếp, huyền
bí và đáng sợ. Sẽ là đi ra ngoài lời dạy của Kinh Thánh và Giáo hội, những ai
không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của nó; hoặc coi nó như một nguyên ủy tự lập
chứ không phải là thụ tạo bắt nguồn từ Thiên Chúa; hoặc ai giải thích rằng nó
là thực tại ảo, một thứ nhân cách hóa các lực lượng của các tai ương của ta[27].
Dĩ nhiên, vạch mặt các kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu thì
chưa đủ; cần phải chỉ ra những công cụ mà Giáo hội cung cấp cho cuộc chiến đấu
này. Để giao tranh, các dụng cụ tự nhiên tựa như sự quyết tâm, kiên trì thì
chưa đủ. Có một câu Thánh vịnh nói rất chính xác rằng: “Trong cuộc chiến đấu của
con, xin Chúa hãy đích thân chiến đấu” (x. Tv 43,1; 119,154); điều này muốn nói
rằng cuộc chiến chống lại thế gian và lực lượng ác thần chỉ có thể thực hiện nhờ
các vũ khí siêu nhiên. ĐTC viết:
Trong cuộc chiến này,
chúng ta có những vũ khí mạnh mẽ mà Chúa đã ban: đức tin được diễn ra qua việc
cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, cử hành Thánh lễ, thờ lạy Thánh Thể, các việc bác
ái, đời sống cộng đoàn, dấn thân truyền giáo (GE 162)
Kết luận
Trên đây là tóm lược con đường thiêng liêng mà Đức Phanxicô
đề ra cho Giáo hội trong kế hoạch cải tổ, cũng như cho mỗi người tín hữu chúng
ta trong việc đạt đến hạnh phúc. Có lẽ câu châm ngôn của Dòng Tên được trích dẫn
ở số 160 có khả năng thu gọn quy tắc nền tảng để nên thánh: “Non coerceri a
maximo, contineri tamen a minimo, divinum est” và được chính ĐTC giải thích như
sau: “đừng đặt giới hạn cho điều cao cả, tốt nhất, đẹp nhất, nhưng đồng thời,
hãy tập trung vào điều bé nhỏ, vào bổn phận đang làm hôm nay”[28]. Bí quyết nên thánh nằm ở sự
căng thẳng giữa niềm khát vọng vô biên và thực tế phũ phàng ở lúc này.
Phụ lục: Những vị
thánh được trưng dẫn trong tông huấn Gaudete et Exsultate
Lặp lại giáo huấn của công đồng Vaticano II về lời mời gọi tất
cả mọi người nên thánh, Tông huấn sử dụng những thuật ngữ như là ”sự thánh thiện
của ông hàng xóm”, “sự thánh thiện của giới trung lưu” để nhấn mạnh rằng sự
thánh thiện không phải là một lý tưởng cao vời, dành riêng cho một ít người ưu
tuyển. Không phải thế, tất cả mọi người đều có thể nên thánh. Tuy vậy, điều này
không có nghĩa là sự thánh thiện mang tính đồng bộ. Ngược lại, sự thánh thiện
trong Giáo hội thật là đa sắc, bởi vì Chúa có một chương trình riêng cho từng
người. Và ra như để chứng tỏ điều này, tông huấn đã trưng dẫn 40 khuôn mặt
thánh thiện khác nhau, không phải trong một danh sách tổng hợp, nhưng được phân
phối rải rác từ đầu đến cuối. Chúng ta hãy rảo qua một vòng[29].
Tông huấn mở đầu ở số 3 với “Đám mây các nhân chứng” (x. Hr
12,1), khởi đi từ vài nhân vật của Cựu Ước (Abraham, Sara, Môsê, Gideon, v.v…)
rồi các vị của Tân Ước tựa như bà ngoại của Timotê, tượng trưng cho những tấm
gương thánh thiện trong gia đình.
Qua số 5, khi nói đến những người thực hiện các nhân đức anh
hùng, tông huấn đan cử thí dụ của chân phước Maria Gabriella Segheddu, nữ tu
Trappe, dâng hiến đời mình để cầu nguyện cho sự hợp nhất của Giáo hội (+1939). Ở
số 8, thánh nữ Têrêsa Bênêđicta Thánh giá (Edith Stein), một nữ tu dòng Cát
Minh, được trích dẫn qua một đoạn văn nói đến chứng tá của bao vị thánh âm thầm.
Khuôn mặt của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được nhắc đến
ở số 9 (và sẽ còn được lặp lại ở các số 45, 91, 96). Một vị thánh cũng nhắc đến
nhiều lần là Gioan Thánh giá (số 11, 117, 148); ngài đã gặp nhiều khó khăn khi
cổ động việc cải tổ dòng Cát Minh.
Số 12 được dành cho “thiên tài nữ giới”, những phụ nữ đã góp
phần vào việc xây dựng Giáo hội kể cả bằng học thuyết đạo lý: các thánh
Hildegard Bingen, Birgitta, Catarina Siena, Têrêsa Avila (còn được nhắc đến ở số
149), Thérèse Lisieux (còn được nhắc đến ở số 54 và 72, vị chi tất cả là 3 lần).
Khi bàn đến việc sống cho giây phút hiện tại, tông huấn số
17 trích dẫn linh đạo của Đấng đáng kính Nguyễn Văn Thuận.
Mặc dù tư tưởng của thánh Inhaxiô Loyola đã phảng phất đây
đó trong suốt cả tông huấn, nhưng tên của vị tổ phụ được nhắc đến lần đầu tiên ở
số 20, và sẽ còn được lặp lại ở các số 69 và 153.
Ở số 32, khi nói đến giá trị của sự thánh thiện đối với việc
thăng tiến con người, tông huấn trích dẫn gương của nữ tu Giuseppina Bakhita
(+1947) một phụ nữ da đen bị bán làm nô lệ nhưng đã khám phá ra phẩm giá cao
quý của mình.
Trong bối cảnh của chương II, bàn về hai kẻ thù tinh vi của
sự thánh thiện: một là thuyết ngộ giáo, hai là thuyết Pelagiô, ta thấy xuất hiện
ba vị thánh dòng Hèn mọn, đó là thánh Phanxicô Assisi, thánh Antôn Padova và
thánh Bonaventura (số 46). Thánh Phanxicô còn xuất hiện một lần nữa ở số 100,
và thánh Bonaventura ở số 174. Liên quan đến nhóm Pêlagiô, đương nhiên phải nhắc
đến thánh Augustinô (số 49 và 52). Sự cần thiết của ân sủng cũng là đạo lý của
các giáo phụ Gioan Kim Khẩu, Basilio (số 52), cũng như thánh Tôma Aquinô (số 59
và 106).
Tuy các thư thánh Phaolô được trích dẫn nhiều lần, nhưng tên
của ngài xuất hiện minh thị kể từ số 60 rồi các số 73, 76, 86, 113, 122 và 127.
Các tác giả khác của Tân Ước được tông huấn nhắc đến là Luca (số 70 và 81),
Mátthêu (số 96).
Trong khung cảnh của Chương Ba bàn về Bát phúc, chúng ta gặp
thấy nhiều vị chứng nhân: thánh Vinh-sơn Phaolô (số 100 và 126), thánh Têrêsa
Calcutta (số 100 và 107), thánh Bênêđictô (số 100 và 107).
Chương Bốn đề cập đến vài đặc điểm của sự thánh thiện vào thời
này, một lần nữa ta lại gặp thánh Gioan Thánh giá nhắc nhở đức khiêm nhường (số
117), rồi thánh nữ Faustina Kowalska về sự tín thác (số 121). Làm thánh thì phải
vui chứ: đó là sứ điệp của các thánh Thomas More, Vinh-sơn Phaolô, Philipphê
Neri (số 126).
Một đặc trưng nữa của sự thánh thiện là cộng đồng. Đây là cơ
hội để giới thiệu các cộng đồng thánh nhân ở số 141, chẳng hạn như bảy thánh
sáng lập Dòng Tôi tớ Đức Mẹ hoặc bảy chân phúc nữ tu dòng Thăm viếng Madrid, và
đặc biệt là các thánh tử đạo cùng với đồng bạn ở Nhật Bản (Phaolô Miki), Triều
Tiên (Anrê Taigon), Brasil (Roque Gonzalez), Algérie (dòng Trappisté ở
Tibhirine). Tư tưởng được tiếp nối với các cộng đồng tu trì, chẳng hạn như
Bênêđictô và Scholastica, và thậm chí hai mẹ con Mônica và Augustinô (số 142).
Thánh gia Nazareth cũng có thể xếp vào đặc điểm này (số 143).
Khi nói đến việc kiên trì cầu nguyện, thánh Gioan Thánh giá
và Têrêsa Avila lại được trưng dẫn ở các số 148-149. Còn nơi chân phúc Charles
de Foucauld chúng ta học cách cầu nguyện thờ lạy và chúc tụng (số 155).
Trong chương V nói về sự chiến đấu và tỉnh thức, tông thư giới
thiệu thánh José Gabriel del Rosario Brochero một cha xứ Argentina (+1914) như
tấm gương hăng say với công tác mục vụ của linh mục.
Tông thư kết thúc với tấm gương Đức Trinh nữ Maria, người đã
sống tinh thần Bát phúc, người đã sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, người
đã cẩn thủ mọi điều trong trái tim, người đã để cho trái tim mình bị lưỡi gươm
đâm thâu (số 176).
Tóm lại, trong bản danh sách này, chúng ta có thể đếm được
35 cá nhân và 5 nhóm. Phía nam giới có 22 cá nhân và 4 nhóm; phía nữ giới có 13
cá nhân và 1 nhóm. Các thánh tử đạo Triều Tiên họp thành một nhóm gồm cả nam và
nữ.
Thời sự Thần học - Số 93, tháng 08/2021, tr.
122-144
Nguồn: tsthdm.blogspot.com
[1] ĐTC PHANXICÔ, Tông huấn « Gaudete Et Exsultate » về ơn gọi nên thánh vào thời nay (2018).
Câu nói « Duy chỉ có một điều buồn là … không làm thánh » là của ông Léon Bloy (x. L.
BLOY, La donna povera, Reggio
Emilia 1978, 375), được trích dẫn trong tông huấn, chú thích 32.
[2] Nguyên văn: “Non c'è che una tristezza, quella di non essere santi”. Struttura e significato della “Gaudete ed Exsultate” http://www.azionecattolicacomo.it/wp-content/uploads/2019/05/Gaudete-ed-Exsultate.pdf
[4] X. A. SPADARO, «
Gaudete ed Exsultate. Radici, struttura e significato della Esortazione
apostólica di papa Francesco », in La
Civiltà Cattolica 169 (2/2018), 107-123 ; M.G. MASCIARELLI, « Santi.
Guida di lettura alla terza esortazione del pontificato », in Il Regno. Attualità 63 (1/2018),
198-199 ; M. GRONCHI, « Introduzione », in Francesco, « Gaudete ed Exsultate »
; A. NUGNES, « Ripartire dalla santità. Un invito alla lettura di Gaudete et
Exsultate », in Rassegna di Teología
59 (2018), 357-371 ; E. DAL COVOLO, « Invito alla lettura di Gaudete et
Exsultate », in PATH 17
(2018), 231-239.
[14] IGNAZIO DI
LOYOLA, Esercizi Spirituali,
230-237 ; Id., Autobiografía, 99
; Id., Costituzioni della Compagnia
di Gesu, n. 288.
[15] ĐTC PHANXICÔ, «
Gaudete ed Exsultate », 9 (X. ĐTC GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư « Novo Millennio
Ineunte », 56).
[16] Việc chiến đấu chống
lại thuyết ngộ giáo và thuyết Pelagiô được đề cập nhiều lần trong huấn quyền của
ĐTC Phanxicô, chẳng hạn như tông huấn Evangelii
gaudium số 67, 93 ; Diễn từ
dành cho phái đoàn hành hương giáo phận Breada (22-6-2013 ;
[18] X. B. SESBOÜÉ, « Primi
discorsi cristiani e tradizione della fede », in B. SESBOÜÉ, ed., Storia dei Dogmi, I, Il Dio della
Salvezza. I-VIII secolo. Casale Monferrato 1996, 31.
[19] X. Bài giảng Thánh lễ ở nhà thánh Marta (ngày
11.11.2016), L’Osservatore Romano (12.11.2016), 8.
[27] ĐGH PHAOLÔ
VI, Huấn giáo buổi tiếp kiến chung
ngày 15-11-1972, in Insegnamenti, X (1972), 1168-1170.
[28] GE 169. Chú thích của
người dịch. Nếu muốn dịch sát nghĩa câu châm ngôn thì phải nói : « Đừng chịu giới
hạn bởi bất cứ điều gì to tác, tuy vậy hãy dừng lại trong điều gì nhỏ nhất : đó
là thần thánh vậy ». Nhân tiện, nên biết là tư tưởng thánh Inhaxiô được tông huấn
trích dẫn nhiều lần : số 20 (suy gẫm các mầu nhiệm Chúa Kitô) ; chú thích số 18
(Sách Linh thao 102-104) ; số 69 (santa
indifferenza) ; chú thích số 68 ; số 153 về việc nhớ lại ơn Chúa cùng với
chú thích số 116. Sau cùng, tông huấn đã dành khá nhiều đoạn (số 166-175) để
bàn về sự phân định (discernimento),
một đề tài rất là Ý-nhã.
[29] Emilia Flocchini, Chi sono i santi della lettera
sulla santità di Papa Francesco? http://www.lacrocequotidiano.it/articolo/2018/04/10/chiesa/chi-sono-i-santi-della-lettera-sulla-santita-di-papa-francesco