KHUẤY ĐỘNG HAY CHỌN LỰA …
Tác giả: Hélène Pinard, FCSCJ
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
WGPQN (07.6.2021) - "Mátta! Mátta ơi! Chị
băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria
đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10, 41-42)
Đức Kitô
trong nhà Mátta, Tranh của Georg Friedrich Stettner († 1639)
Bản dịch
đoạn văn này khiến độc giả có sự so sánh giữa hai thực tại: đời sống chiêm niệm
và đời sống hoạt động, cái này được xem như hơn cái kia. Điều này đã gợi lên
nhiều phản ứng. Nơi vài người nào đó, giải thích này có thể đánh thức ước muốn
sống chiêm niệm. Nhưng đối với nhiều người, những người thấy mình như “Mátta”,
có một cảm giác tội lỗi vì muốn hơn thua với Maria.
Hệ quả của
giải thích này có thể đưa đến vài câu hỏi: Chúa có thực sự đặt vấn đề về việc
phục vụ bữa ăn mà Mátta đã làm? Ngài có thực sự nói rằng Maria tốt hơn chị
mình?
Bản dịch
nghĩa đen
Bản dịch
mà chúng ta thường nghe dựa vào góc độ chú giải của người dịch. Trong trường hợp
này, đây là một bản văn thuật lại những lời được nói bằng tiếng Aram, ghi lại bằng
tiếng Hy Lạp và dịch sang tiếng Latinh trước khi sang tiếng phổ thông (tiếng Việt
chẳng hạn). Vì thế có nguy cơ chuyển biến ý nghĩa. Cho nên, thật quan trọng để
tìm lại bản văn gốc và đọc lại nó với cái nhìn mới. Đưa một cái nhìn khác vào
trong một bản văn mà ta thuộc nằm lòng đòi hỏi phải nhiều nỗ lực.
Bản văn trong ngôn ngữ gốc, tiếng Hy Lạp, nói rằng: Vì Maria đã chọn phần tốt.
Bản dịch có thể mở rộng ra một cách đọc khác của bản văn. Trước hết, sự lựa chọn
từ “tốt hơn”,[1] làm nảy sinh sự so sánh
giữa Mátta và Maria, thế là có ý tưởng điều này tốt hơn điều kia. Đó có phải là điều mà Luca muốn chuyển tải?
Từ Hy Lạp mà người ta dịch là tốt
hơn thực sự chỉ là tính từ: tốt.[2]
Thêm vào
đó, cấu trúc của câu: “Chính Maria đã chọn
…”[3] gây
ấn tượng rằng chính gương mẫu của Maria mà ta phải theo. Bản dịch nghĩa đen là:
“Vì Maria đã chọn…” nhấn mạnh đến
một sự lựa chọn.
Ngữ cảnh
văn chương và giáo hội / Phục vụ Thiên Chúa và tha nhân
Đoạn văn nằm
trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem (Lc 9,51 đến 19,28). Ở chương 10, Luca
đã tập hợp những bản văn khác nhau nói về nhiệm vụ của các môn đệ (Lc 10,1-20). Đoạn ông trình bày những yếu tố chính yếu để sống
nhiệm vụ này (Lc 10,21-42). Trình thuật Mátta và Maria kết thúc
đoạn này (Lc 10,38-42).
Trong sách Tông Đồ Công Vụ, ta cũng tìm thấy một tình trạng tương tự với trình
thuật về Mátta và Maria:
Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu
Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc
phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế,
Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc
rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh
em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và
khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng
tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." Đề nghị trên được
mọi người tán thành… (Cv 6,1-5a)
Theo những
bản văn này, ta có thể kết luận rằng phục vụ Lời Chúa cũng quan trọng như là phục
vụ tha nhân. Đoạn sách Công vụ cho thấy rằng hai khía cạnh đều quan trọng và bổ
túc cho nhau, như vậy đáp ứng được các nhu cầu của cộng đoàn. Thật thú vị khi
lưu ý rằng ít nhất là một trong những người được chọn lựa để bàn ăn, Stêphanô,
cũng là người đã phục vụ Lời Chúa. Ngài đã trả giá điều đó bằng chính cuộc sống
mình (Cv 6 – 7). Không gì nghi ngờ rằng lòng bác ái theo mẫu gương của
người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,30-37) cũng lại là một phần
trong đời sống của các môn đệ. Khi đặt dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu bên cạnh
trình thuật Mátta và Maria, Luca muốn nói lên sự bổ túc này của tình yêu tha
nhân và tình yêu Thiên Chúa.
Chọn nghe
Lời và hành động… vì Nước Trời
Trong
trình thuật Mátta và Maria, Đức Giêsu trả lời Mátta rằng: “Mátta! Mátta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Chính Maria đã chọn phần tốt” (c. 41-42).
Giáo huấn
của Luca không liên quan gì đến sự kiện ngồi dưới chân Chúa thì tốt hơn là phục
vụ tha nhân. Để mang lấy hoa trái, phải nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời
với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết
quả” (Lc 8,15).
Sau đó,
Luca trở lại vấn đề lo lắng ở chương 12 trong Tin Mừng của mình. Sau khi nhắc lại
rằng điều chính yếu không phải nằm trong sự sống thể
lý (12,1-11) cũng không phải trong của cải vật chất (12,12-21), Đức
Giêsu mời gọi: “Đừng lo lắng” về của
ăn hay áo mặc … nhưng “Hãy tìm kiếm Nước
Trời” (12,22-32). Như Thánh Vịnh 119 đã nói: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài”
(Tv 119,57).
Giáo huấn
của Chúa nói về tầm quan trọng của việc chọn lựa phần tốt vì Nước Trời. Phải sống trong tình yêu Thiên Chúa và
tha nhân (câu trả lời của Đức Giêsu với thầy Lêvi, Lc 10,25) bằng
cách tránh khuấy động và lo lắng, điều mà Đức Giêsu khiển trách Mátta.
Trong ý
nghĩa này, tất cả cũng như Maria, Mátta được kêu mời chọn phần tốt khi hoàn thành sự phục vụ của mình, không phải
trong sự lay động hay lo lắng, nhưng giữ yên để nghe Lời Chúa hầu sinh hoa trái
vì Nước Trời. Đó là phần tốt sẽ không bị lấy đi khỏi Maria, nhưng là điều được
dâng tặng cho Mátta. “Ngươi phải yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí
khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27).
Nguồn: gpquinhon.org
[1] “Phần tốt hơn” theo bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn; “Phần
tốt nhất” theo bản dịch của cha An Sơn Vị và CGKPV.
[2] Dịch theo nghĩa đen là “phần
tốt” …. Hơn nữa, ta biết rằng tiếng Aram của Đức Giêsu, cũng như tiếng
Hípri, không có so sánh hơn (comparatif) hay so sánh nhất (superlatif).
(Augustin George, Assemblée du
Seigneur 47, Cerf, 1970, tr. 81). Đàng khác, từ “tốt hơn” (meilleur) có nhiều hình thức trong tiếng Hy Lạp, song Tân Ước Hy Lạp đã
giữ lại từ “tốt” (bonne) trong Lc 10,42.
[3] Theo bản dịch cha An Sơn Vị.