GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Câu hỏi: Khoa học đã giải thích rất rõ ràng về các vấn đề
mang tính chất bí ẩn, liệu còn có thể giải thích bằng niềm tin tôn giáo?
Bạn thân mến,
Mối liên hệ giữa
đức tin và khoa học là một chủ đề rất hấp dẫn vì nó đụng chạm đến kinh nghiệm
thực tế của mỗi người chúng ta trong thời đại hiện nay. Nhất là khi chúng ta có
cảm tưởng rằng tiến bộ của khoa học dường như đang chứng minh niềm tin tôn giáo
là “lỗi thời,” nếu không muốn nói là “sai lầm” hay “ấu trĩ.” Trong toàn bộ bài
chia sẻ này, tôi vẫn sẽ dùng lại từ bạn sử dụng trong câu hỏi của mình là “niềm
tin tôn giáo”, nhưng nó được hiểu là “đức tin Kitô giáo.”
Có thể bạn đã biết,
khoa học tự nhiên bắt đầu phát triển rầm rộ từ cuối thế kỷ 17, khởi đầu cho một
giai đoạn mà người ta gọi là thời kỳ Khai Sáng, kéo dài đến đầu thế kỷ 19. Kết
quả nghiên cứu khoa học đã giúp người ta nhận ra một vài vấn đề Giáo hội dạy
trước đó là không đúng. Từ đó đến nay khoa học vẫn không ngừng phát triển, nhiều
điều trước đây còn là bí ẩn, thì bây giờ đã được tiếp cận và giải thích rõ ràng
hơn dưới ánh sáng của khoa học.
Vậy chúng ta có
nên lo sợ rằng đến một ngày nào đó khoa học sẽ thay thế tôn giáo không? Câu trả
lời là “không”. Bởi vì tôn giáo và khoa học tiếp cận sự vật hiện tượng từ hai
góc nhìn khác nhau nên chúng không những không loại trừ nhau mà còn bổ túc cho
nhau nhằm giúp con người hiểu biết chính xác và trọn vẹn hơn về thế giới tự
nhiên.
Không ít người
cho rằng tôn giáo và khoa học “có địa bàn hoạt động” khác nhau. Theo đó, đối tượng
của khoa học là thế giới tự nhiên, còn đối tượng của tôn giáo là thế giới siêu
nhiên. Trước đây, khi khoa học chưa phát triển thì con người thường quy những
hiện tượng bí ẩn hoặc không giải thích được về thế giới siêu nhiên, nơi được
cho là thế giới của Thiên Chúa và các thần linh. Hệ quả của cách hiểu như vậy
là mỗi khi khoa học vạch trần sự bí ẩn của một hiện tượng nào đó thì cũng đồng
nghĩa với việc phủ nhận vai trò của niềm tin tôn giáo nơi hiện tượng ấy. Nó là
“tự nhiên” chứ không còn “siêu nhiên” nữa.
Ví dụ như so với
trước đây thì ngày nay những hiện tượng sấm sét, động đất, sóng thần, nhật thực,
nguyệt thực, sao băng, thủy triều… không còn mang vẻ bí ẩn hay thần thiêng nữa.
Bởi vì con người có thể giải thích được chúng dựa vào kiến thức khoa học tự
nhiên. Khoa học được xem là ánh sáng xua tan bóng tối của những điều mê tín lầm
lạc trong nhiều tôn giáo và tín ngưỡng. Do vậy người ta có xu hướng đi đến kết
luận rằng khoa học là “kẻ thù không đội trời chung” với tôn giáo!
Tuy nhiên, chúng
ta sẽ thấy rằng tôn giáo và khoa học không những không phải là “kẻ thù” mà còn
có thể “đội trời chung” rất tốt. Ở đây ranh giới giữa khoa học và tôn giáo
không nằm ở loại đối tượng tiếp cận nhưng ở cách tiếp cận đối tượng. Hiểu theo
cách chung nhất: khoa học tìm hiểu mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng với
nhau trong thế giới tự nhiên, còn tôn giáo đặt thế giới tự nhiên trong tương
quan với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Theo đó, khoa học nghiên cứu quy luật hay
nguyên lý hoạt động của các sự vật hiện tượng.
Cho đến khi con
người chưa khám phá ra quy luật của một hiện tượng nào đó thì nó vẫn được coi
là bí ẩn, hay còn gọi là “khoa học chưa giải thích được.” Về phía mình, niềm
tin tôn giáo không tìm cách giải thích quy luật tự nhiên của một sự vật hiện tượng
nhưng lại đặt ra một vấn đề mang tính nền tảng hơn; đó là tại sao có cái đó (mà
không phải là không có!) và nó mang ý nghĩa gì trong công trình tạo dựng của
Thiên Chúa.
Để thấy được khoa
học và đức tin có thể song hành và bổ túc cho nhau như thế nào, trước hết chúng
ta cần biết rằng khoa học tự nó luôn có giới hạn trong cách tiếp cận thế giới tự
nhiên. Thật vậy, quan sát khoa học bị giới hạn trong thế giới khả giác, tức là
những gì có thể cân đong đo đếm được. Cho dù sự phát triển của kỹ thuật công
nghệ và máy móc tiến bộ đã giúp con người tiếp cận được những gì trước đây còn
là bí ẩn, thì tất cả đối tượng của khoa học vẫn luôn ở trong giới hạn của thế
giới khả giác.
Do đó khoa học
không thể đưa ra lời giải đáp cho những gì nó không bao giờ có thể đụng chạm tới
được. Cụ thể là khoa học chỉ quan sát được những hiện tượng trong không gian và
thời gian. Những gì nằm ngoài không gian và thời gian thì không thể là đối tượng
của khoa học.
Nói chung, khoa học
không bao giờ giải thích được mục đích tồn tại và ý nghĩa của một sự vật hiện
tượng, bởi vì điều đó nằm ngoài phạm vi của khoa học. Chính tôn giáo đã lãnh nhận
sứ mạng mà khoa học không thể đảm nhận được. Theo đó, đức tin và khoa học bổ
túc cho nhau để giúp con người hiểu đầy đủ hơn về thế giới tự nhiên, không chỉ
trong quy luật vận hành của chính nó (theo giải thích của khoa học) mà còn
trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mọi sự (theo hiểu biết của
đức tin).
Do vậy niềm tin
tôn giáo không loại trừ và cũng không lệ thuộc vào giải thích của khoa học. Cho
dù khoa học đã giải thích về một hiện tượng tự nhiên thì niềm tin tôn giáo vẫn
đóng vai trò cần thiết trong việc tìm ra mối liên hệ ý nghĩa giữa hiện tượng đó
với đời sống con người trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Thiên Chúa bí ẩn
là bởi vì con người cần có con mắt đức tin để nhận ra Ngài trong thế giới chúng
ta đang sống, chứ không phải vì Ngài ở trong một thế giới nào khác mà chúng ta
không thể đụng chạm được. Như thế, vấn đề của chúng ta không phải là tìm cách
phân biệt giữa “tự nhiên” và “siêu nhiên,” mà là chúng ta cần có con mắt “siêu
nhiên” để nhận ra Chúa đang hiện diện nơi những gì “tự nhiên.”
Con mắt “siêu
nhiên”, hay cũng có thể gọi là con mắt đức tin, giúp con người thấy Thiên Chúa
vẫn luôn không ngừng thông ban nguồn sống của Ngài cho mọi tạo vật trong thế giới
tự nhiên này.
Tạ ơn Chúa là có
những nhà khoa học lỗi lạc đã giúp chúng ta hiểu hơn nguyên lý vận hành của những
hiện tượng tự nhiên. Từ đó chúng ta thấy công trình Chúa làm ra thật là kỳ diệu.
Có thể kể ra đây một vài ví dụ như hàng tỉ tỉ tinh tú trong không gian vận hành
theo một quỹ đạo hoàn hảo đến mức không có một lỗi va chạm tai hại nào xảy ra;
hàng tỉ tỉ người trên thế giới nhưng không ai hoàn toàn giống ai, v.v…
Như thế ngoài con
mắt “khoa học” để tìm hiểu nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng trong
thế giới tự nhiên thì chúng ta vẫn cần thêm con mắt “đức tin” để nhận ra bàn
tay quan phòng của Thiên Chúa trong đó.
Thực tế là trong
một thời gian dài người ta đã không phân biệt rạch ròi giữa cách tiếp cận của
khoa học và của niềm tin tôn giáo, khiến hai lĩnh vực này nhập nhằng và có thể
nói là đã “lấn sân” nhau, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Chúng ta cần tỉnh
táo nhận ra điều này bởi vì cho tới thời đại ngày nay, tàn dư của cách hiểu sai lầm vẫn đang gây ra những cuộc tranh luận không có điểm
dừng khi bàn về mối tương quan giữa đức tin và khoa học. Sai lầm đó có thể phát
xuất từ Giáo hội Công giáo khi các vị lãnh đạo Giáo hội dựa vào nghĩa đen của từng
câu chữ trong Kinh Thánh hoặc tệ hơn nữa là sử dụng quyền lực chính trị của
mình để áp đặt kết luận về những vấn đề vốn dĩ thuộc lĩnh vực khoa học tự
nhiên. Điển hình cho việc này chính là vụ án Galileo.
Vào năm 1633,
Galileo đã bị Tòa án Giáo lý Công giáo kết án tội lạc giáo vì đã ủng hộ thuyết
nhật tâm của Copernic, cho rằng trái đất và các hành tinh khác quay quanh mặt
trời. Galileo có đầy đủ bằng chứng khoa học để ủng hộ lý thuyết này; bởi vì
chính ông đã dùng kính viễn vọng để quan sát và nghiên cứu đường di chuyển của
các hành tinh trong hệ mặt trời. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Giáo Hội lại dạy
người ta phải tin vào thuyết địa tâm của Aristotle với quan niệm rằng trái đất
là trung tâm của vũ trụ và mọi tinh tú đều chuyển động quanh nó. Có thể Giáo Hội
hiểu như vậy là vì đã dựa vào những câu trong Kinh Thánh như: “Chúa thiết lập địa
cầu, địa cầu chẳng lay chuyển.” (1Sb 16,30; Tv 93,1; Tv 96,10), “Chúa lập địa cầu
trên nền vững, không chuyển lay muôn thuở muôn đời!” (Tv 104,5), “Mặt trời mọc
rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.” (Gv 1,5).
Đây là một sai lầm
lớn, bởi vì mục đích Kinh Thánh được viết ra không phải để mô tả chân lý khoa học
mà là để trình bày chân lý đức tin. Chân lý khoa học là kết quả của quá trình
nghiên cứu thực nghiệm; còn chân lý đức tin là kinh nghiệm phản tỉnh của con
người về Thiên Chúa do chính Ngài mặc khải cho.
Ví dụ, trình thuật
Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sách Sáng thế không nhằm mô tả việc
vũ trụ được hình thành như thế nào và trong thời gian bao lâu theo cách hiểu của
khoa học. Nhưng điều ấy chỉ để nói lên rằng Thiên Chúa chính là Đấng dựng nên mọi
sự và mọi sự đều tồn tại được nhờ Ngài. Tương tự, chúng ta đọc từ trình thuật
Thiên Chúa tạo dựng nên Adam và Eva không phải như một chứng cứ khoa học dùng để
bác bỏ thuyết tiến hóa, nhưng như là chân lý đức tin, rằng con người được dựng
nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và có một vị trí đặc biệt trong công trình tạo
dựng của Ngài. Do đó cần phải khẳng định rõ ràng là không thể dùng Kinh Thánh để
giải thích các hiện tượng tự nhiên như khoa học được, tương tự như việc không
thể học toán qua tiểu thuyết văn chương được.
Tiếc là nhiều người
đã mắc sai lầm khi không ý thức về giới hạn của khoa học. Ví dụ, họ muốn dùng
những chứng cứ khoa học để chứng minh hay bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa, hoặc
là tìm hiểu về sự sống đời sau hay về ngày tận thế. Như chúng ta đã biết, đó là
điều không thể. Tương tự, nghiên cứu khoa học không thể giúp con người hiểu biết
hơn về linh hồn hay các quy chuẩn đạo đức trong đời sống con người. Nếu một nhà
khoa học có thể nghiên cứu về linh hồn thì thật ra đó chỉ là một dạng vật chất
được gọi là linh hồn chứ không phải thực sự là linh hồn. Khoa học cũng sẽ không
bao giờ tìm ra một bộ phận thần kinh nào đó trong não người có thể đóng vai trò
xác định và điều khiển hành vi luân lý. Như thế, dù có tiến bộ tới đâu thì khoa
học vẫn luôn mang giới hạn thuộc về bản chất của nó.
Bạn đã có nhận
xét rất đúng rằng: khoa học giúp giải thích rất rõ ràng về nhiều vấn đề mang
tính chất bí ẩn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải làm rõ từ “bí ẩn” ở đây nên
được hiểu như thế nào. Một mặt, có thể hiểu điều “bí ẩn” như một “bí mật” mà
khoa học chưa giải thích được. Những điều bí ẩn kiểu này vốn thuộc thế giới khả
giác, tức là đối tượng tiềm năng của khoa học. Nói là đối tượng tiềm năng là bởi
vì cho dù hiện nay khoa học chưa đủ tiến bộ để tiếp cận được nhưng tương lai
thì có thể, vấn đề chỉ là thời gian. Loại đối tượng này phải chờ khoa học tiếp
cận, khám phá, chứ không thể lấy niềm tin tôn giáo để giải thích thay cho khoa
học được.
Thật vậy, nếu dựa
vào niềm tin tôn giáo để giải thích các hiện tượng thực nghiệm thì chẳng khác
gì chúng ta đi vào vết xe đổ của lịch sử, lặp lại sai lầm của Giáo Hội trong
quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chỉ ra rằng có những điều “bí ẩn” nằm
ngoài khả năng tiếp cận của khoa học như: Thiên Chúa, linh hồn, sự sống đời sau
hay ngày phán xét, v.v... Với những đối tượng này thì vai trò tiếp cận thuộc về
niềm tin tôn giáo chứ không phải khoa học.
Bên cạnh đó, có
thể hiểu điều bí ẩn như là những gì chỉ có con mắt đức tin mới có thể nhìn thấy,
tức là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự. Hiểu theo nghĩa này thì
tất cả mọi sự đều chứa vẻ “bí ẩn”, tức đều là dấu chỉ giúp con người nhận biết
Thiên Chúa. Do đó, cho dù có những hiện tượng đã được khoa học giải thích bằng
các quy luật tự nhiên thì chúng ta vẫn cần đến đức tin để nhận ra sự quan phòng
sáng tạo của Thiên Chúa nơi chính các quy luật đó. Thiên Chúa dựng nên vạn vật
trong thế giới tự nhiên với quy luật vận hành của nó. Do vậy, khoa học phát triển
chỉ giúp con người khám phá ra các quy luật ấy thôi, chứ không thể dùng kết quả
nghiên cứu khoa học để bác bỏ vai trò của Thiên Chúa được!
Tóm lại, nếu có
những phát minh hay kết quả nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ những hiện tượng bí
ẩn vốn trước đây chỉ được lý giải bằng niềm tin tôn giáo, thì chúng ta không
nên lo sợ mà phải vui mừng là đằng khác. Tiến bộ khoa học sẽ giúp chúng ta nhận
ra rằng có những điều bí ẩn thực ra thuộc lĩnh vực khoa học, dùng niềm tin tôn
giáo để lý giải là không đúng.
Như thế, khoa học không những không loại trừ niềm tin tôn giáo mà còn giúp đưa tôn giáo về đúng vị trí của nó. Nhờ tiếp cận thế giới tự nhiên dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa, niềm tin tôn giáo đóng vai trò đưa ra định hướng cho việc nghiên cứu khoa học. Theo đó khoa học có thể giúp con người thăng tiến đời sống theo đúng kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Niềm tin tôn giáo hoàn toàn không phải là đối thủ cạnh tranh với khoa học, vì cả hai đều cần thiết trong việc giúp con người tiến đến gần Thiên Chúa hơn. Hóa ra tôn giáo và khoa học lại là hai người bạn tốt của nhau!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm: