INHÃ VÀ ƠN GỌI THIÊN CHÚA DÀNH CHO MỖI
NGƯỜI
Tác giả: Êli Thành, S.J.
“Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.
Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để
Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc
3,13-15).
WHĐ (25.1.2021) – Chúa mời gọi con người sống thân
mật và cộng tác với Ngài để dựng nên “Nước Thiên Chúa”. Kế hoạch và mục đích của Thiên Chúa khi sáng tạo trời đất là con
người được ‘kết thân nên một với Thiên
Chúa và với tha nhân trong tình yêu’. Thiên Chúa muốn con người sống
vinh quang và vĩnh viễn. Vinh quang của con người là mến yêu và phục vụ
Thiên Chúa.
Đức Kitô cho chúng
ta biết rằng, mỗi người là một tác phẩm quý báu của Chúa Cha. Tuy còn dở dang,
nhưng mỗi người có một giá trị cao quý trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa đang dựng nên trời đất, chưa hoàn tất, và Ngài kêu mời con
người cộng tác với Ngài.
Thiên Chúa dựng
nên con người có quyền tự do định hướng cuộc sống. Mỗi người tự
mình chọn lựa mục đích cuộc sống: sống
cho ai, sống làm gì? Quyền tự do là giá trị cao quý Thiên Chúa
ban cho mỗi người, chẳng ai lấy mất được. Mầu nhiệm của mỗi người
nằm trong quyền tự do của mình và những lựa chọn căn bản đối với
Thiên Chúa và tha nhân.
Vì tôn trọng
quyền tự do của con người, Thiên Chúa mời gọi chứ không áp đặt kế
hoạch Ngài dành cho mỗi người.
Thiên Chúa biểu
lộ ra thánh ý Ngài như một lời mời gọi. Lời mời Thiên Chúa dành cho mỗi
người xuất hiện trong tận đáy lòng như ước muốn đích thực và thẳm sâu nhất của
mình.“Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa,
nên lòng chúng con những bồi hồi khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong
Chúa” (Th. Âu-tinh).
Con người được mãn
nguyện khi kết thân nên một với Thiên Chúa.
Lời mời gọi của
Ngài luôn luôn kèm theo một nhiệm vụ trong vũ trụ Ngài đang dựng nên. Ước
muốn đích thực và thẳm sâu của mỗi người, là đẹp lòng Thiên Chúa và mang ích lợi
nào đó cho đồng loại. Trong ước muốn đích thực và sâu xa nhất của mỗi người,
Ngài gợi lên lòng khát khao kết hợp với Ngài và quan tâm đến tha nhân.
Con người luôn luôn
mong muốn cung cấp ý nghĩa cho đời sống và tìm vị trí của mình giữa đồng loại;
muốn được yêu mến và mến yêu tha nhân.
Chẳng ai có thể sống
một mình, bất cần đến tha nhân.
Sống theo ơn gọi và
sứ mệnh, con người sẽ chu toàn bổn phận của mình là làm tăng triển mối quan hệ
với Chúa và với gia đình nhân loại.
Giá trị của mỗi người
bắt nguồn từ tình thương và kế hoạch Chúa Cha dành cho họ, còn vinh quang hiện
tại và vĩnh viễn tùy thuộc vào những lựa chọn tự do của mỗi người khi vâng phục
Thánh Ý Chúa.
Thiên Chúa luôn
luôn hiện diện và đồng hành với con người, sẵn sàng dùng quyền năng của Ngài để
giúp mỗi người thành hình theo kế hoạch đầy vinh quang Ngài dành cho họ.
Kết luận: Mỗi người là tác phẩm
quý báu của Chúa; là một mầu nhiệm bén rễ trong Chúa Cha, có ơn gọi và sứ mệnh
huy hoàng, được thể hiện trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Ngài kêu mỗi người
bằng ‘tên’ vĩnh viễn chỉ một mình Ngài biết. Một ‘tên’ đầy vinh quang mỗi người
khám phá ra khi vâng phục Thiên Chúa và để Ngài dìu dắt mình trong hoàn cảnh của
cuộc sống.
Chúng ta cần hiểu
thêm: 1) Ơn gọi và sứ mệnh là gì? 2) Điều
kiện lắng nghe Thiên Chúa mời gọi, và 3) Cách phân định ơn gọi và sứ mệnh.
I. ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH CỦA MỖI NGƯỜI
Ơn gọi là tiếng nói của Thiên Chúa mời
gọi chúng ta kết thân với Ngài; là một tác động nội
tâm; là một luồng gió mang sức lực và hướng đi cho trái tim của mỗi người.
Ơn gọi là nền tảng
sống động và vững chắc của mỗi người; là nguồn mạch của lòng tin, cậy, mến. Ơn
gọi không bao giờ thay đổi, bởi vì Thiên Chúa là Đấng thành tín, chẳng bao giờ
thay đổi.
Trong ơn gọi, mỗi
người nhận ra tình thương Thiên Chúa dành cho mình, và khả năng đáp lại câu hỏi
‘Tôi
sống cho ai?’
Sứ mệnh là nhiệm vụ mỗi người được
giao phó trong vườn nho khi Thiên Chúa mời con người cộng tác với Ngài. Mỗi người được Chúa mời gọi để
chu toàn một sứ mệnh trong đời. Giá
trị cao quý của mỗi người bắt nguồn từ ơn gọi và sứ mệnh Thiên Chúa dành cho họ.
Sứ mệnh có tính
cách linh động và biến đổi liên tục; nhất là khi chúng ta thay đổi hoàn cảnh,
công việc và tình trạng sức khỏe.
Trong sứ mệnh được
giao phó, mỗi người có khả năng trả lời câu hỏi ‘Thiên Chúa mời con làm gì?
Ơn gọi và Sứ mệnh gợi
lên trong mỗi người lòng xót thương, quảng đại, và khôn ngoan; soi sáng mỗi người
lúc nhận định và lựa chọn.
Mặc dầu mỗi người
mong muốn thành công và được kết quả, tuy nhiên, nếu thất bại trong sứ mệnh,
chúng ta không thất vọng, bởi vì Thiên Chúa sẽ giao phó một sứ mệnh mới.
Trong Nước Chúa, chẳng
ai thất vọng, chẳng ai thất nghiệp!
Chúa kêu mời. Lời mời
gọi của Chúa được tỏ ra trong những ước ao sâu thẳm nhất và trong những khát
khao đích thực của chúng ta.
Tuy nhiên, mỗi người
tự do tìm hiểu hay làm ngơ trước kế hoạch Chúa dành cho mình. Khi chúng ta tìm
hiểu và đáp trả lời gọi của Chúa, cuộc sống có một ý nghĩa và một phẩm giá cao
đẹp. Trong Nước Thiên Chúa chẳng ai còn là nạn nhân hoặc có lý do để thất vọng
nữa.
Đặc tính của ơn gọi
và sứ mệnh. Ơn gọi và sứ mệnh Chúa Cha dành cho mỗi
người vẫn ở trong con yêu dấu của Ngài là
Đức Kitô. Đức Kitô được Chúa Cha mời gọi tự muôn thuở. Sứ mệnh của Ngài là
mang sự sống, và sự sống dồi dào cho mọi phàm nhân. Thiên Chúa mời gọi chúng ta
sống với Đức Kitô, nơi Người và trong Người. Chính Đức Kitô là ơn gọi của chúng
ta.
“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su
Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền
thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Kitô, để ta hằng ngợi
khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”.
(Ep 1,3-6)
Lời mời gọi của
Chúa làm xáo trộn kế hoạch của chúng ta, và mang
cho cuộc sống một đường hướng mới. Khi đáp lại, mọi sự biến đổi, một cách đột
ngột (như trong đời sống Phao-lô), hoặc theo một tiến trình lâu dài (như trong
cuộc sống I-nhã).
Lời mời gọi của
Chúa luôn luôn mở đường cho: a) lời mời hoán cải, b) lời
mời bước theo và kết thân với Đức Kitô.
a) Lời mời hoán cải:
Hoán cải là đổi hướng khi đi lầm đường và trở lại
đường lối của Chúa; là lấy làm hổ thẹn và ngượng ngùng vì những hành động hung
ác và ích kỷ; là mong ước sống theo lòng trong sạch, nhân từ và công chính; là
mong muốn nên giống Đức Kitô và ngày càng ‘đồng
hình đồng dạng’ với Ngài; tức là, ngày càng ‘suy nghĩ’ bằng suy nghĩ của Đức Kitô, ‘muốn’ bằng ý muốn của Đức Kitô, ‘nhớ’ bằng trí nhớ của Đức Kitô;
là ‘không yêu một tạo vật nào trên mặt đất vì chính tạo vật ấy, nhưng chỉ yêu
trong Đấng tạo dựng mọi sự’ (Lt 315).
Hoán cải tận gốc là
mở lòng cho Thần Khí tình yêu biến đổi chính tâm điểm đời mình, để ‘tôi sống, nhưng không phải tôi sống mà Đức
Kitô sống trong tôi’; là ngày càng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, và biến
thành một nguồn vui cho Ngài. Lòng biết ơn thúc đẩy chúng ta lắng nghe lời mời
gọi: ‘Đức Kitô đã làm gì vì tôi? Tôi sẽ
làm gì vì Ngài?
Như vậy ‘lời mời
gọi hoán cải’ trở thành ‘tiếng mời gọi bước theo Đức Kitô và kết thân với
Ngài’.
b) Lời mời bước
theo và kết thân với Đức Kitô. Chúng ta mong muốn ‘hiểu biết Đức Kitô một cách sâu xa hơn để mến
yêu và bước theo Ngài một cách trung thành hơn’ (Lt 104). Chúng ta biết ơn
Đức Kitô và muốn đẹp lòng Ngài. Ý muốn làm đẹp lòng Ngài mạnh hơn những mê
thích, tham lam và tư lợi cũ.
Đức Kitô đang biến
đổi chúng ta và ngày càng là tâm điểm trong đời sống; chúng ta quyết tâm bước
theo Ngài và chẳng có ai, chẳng có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Ngài! Chúng
ta ngày càng biết và mến yêu Đức Kitô; Ngài là bạn chí thân của chúng ta! Chúng
ta mong muốn luôn luôn ‘chia ngọt sẻ bùi’
với Ngài; muốn nên giống Ngài và khiêm nhường phục vụ; muốn sống nghèo với Đức
Kitô nghèo, bị sỉ nhục với Đức Kitô bị sỉ nhục.
Vì lòng mến Đức
Kitô và cảm thông với nhu cầu của đồng loại, chúng ta sẵn sàng chia sẻ sứ mệnh
của Ngài. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).
II. ĐIỀU KIỆN NGHE LỜI MỜI GỌI
Không phải bất cứ
ai cũng đều sẵn sàng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa. Theo I-nhã “không nên dẫn đưa bất cứ ai đi xa hơn vào
việc chọn bậc sống hay những cuộc thao luyện khác ngoài khuôn khổ tuần thứ nhất”
(LT 18).
Phải có những điều kiện nào mới nghe được lời mời bước
theo Kitô? Chúng ta hỏi như vậy không phải để ‘loại ai
ra’ mà để ‘dọn đường nghe và cộng tác’ với Thần Khí mời gọi chúng ta.
I-nhã nêu ra ba yếu
tố có liên hệ với khả năng ‘nghe’ và ‘đáp lại’: tuổi tác, văn hóa và năng khiếu.
Nhưng quan trọng hơn nữa là các yếu tố về ý muốn: “một người chỉ chú tâm tìm sự giúp đỡ để học hỏi và để đạt tới một sự thỏa
mãn linh hồn ở một mức độ nào mà thôi, muốn được hài lòng và bình an tâm hồn mà
thôi” (LT 18). Xem ra họ chưa sẵn sàng.
A. Một mức độ trưởng thành về tâm cảm. Tâm cảm bao gồm
các mối tình vui buồn, yêu ghét, dễ dãi khắt khe. Đặc biệt, là các mối tình
thân, tình bạn và tình ái mà nối kết người với người. Con người trưởng thành về
tâm cảm hay không, theo mức độ vượt qua giai đoạn ái kỷ và có khả năng xây dựng
các mối tình bạn thân mật với người cùng phái và khác phái.
Nếu một tu sĩ, chẳng
hạn, có tình cảm với một người khác phái, có thể nói được rằng, tu sĩ này thiếu
trường thành về tâm cảm nếu bị tình cảm chi phối họ trong nhiệm vụ, đời sống cộng
đoàn và xã giao nói chung. Ngược lại, trong trường hợp họ nhận ra, đối diện thực
tế, và không để tình cảm đó chi phối nhiều trong các mối tương quan; nếu họ
đương đầu với cảm tình đó một cách khôn ngoan, kín đáo và bình tĩnh, có thể xác
định rằng tu sĩ đó khá trưởng thành về tâm cảm. Mối tình đó có thể là dấu chỉ của
một giai đoạn trưởng thành khá cao.
Định nghĩa và kết
luận mức độ trưởng thành của một người về phương diện tâm cảm không phải là việc
dễ. Có thể nói được rằng, thiếu trưởng thành nếu bị chi phối bởi các mối tình
trong các bối cảnh nghề nghiệp, lúc điều hành, phân công, lượng giá và xã giao
nói chung. Còn nếu có khả năng kiềm chế và định hướng lại các mối tình, một
cách công bằng, sáng suốt và luôn luôn xây dựng, thì, có thể kết luận rằng mức
độ trưởng thành về tâm cảm của họ rất cao. Ngoài ra, có một số nét đặc thù được
coi như dấu chỉ trưởng thành về tâm cảm:
1. Có thể đối diện với thực tại: trong môi trường họ đang sống, họ hiểu biết chính mình cũng như người
khác, không tránh né các vấn đề và thách đố, không phí thì giờ coi truyền hình
và internet, phân biệt lý tưởng và thực tế của những ai đảm trách và huấn luyện.
Thường có thái độ đối diện và giúp đỡ chứ không phải trốn tránh các vấn đề.
2. Cố gắng phối hợp các xu hướng và thèm muốn lệch lạc của mình với lý
tưởng và kế hoạch phục vụ tha nhân: họ ý thức rằng,
các xu hướng đó không những không đe dọa lý tưởng, mà còn có thể đóng góp một
phần nào, để mang ích lợi cho người khác.
3. Tập trung nghị lực để phục vụ tha nhân, hơn là để đương đầu với các
vấn đề bản thân. Mặc dầu phải đương đầu với các xung đột nội
tâm, họ vẫn thực thi các kế hoạch lâu dài mang ích lợi cho người khác.
4. Không hy sinh lý tưởng để xoay xở với thực tế; đồng thời, giữ lý tưởng một cách linh động, để phục vụ. Chấp nhận các
thách đố. Tức là, không muốn rằng mọi sự ‘êm đẹp’ bằng mọi giá! Không cần mọi
người đồng ý, thán phục và ái mộ mình, cũng không sợ bị chống đối và ghét.
5. Mến yêu một cách vô vị lợi, không mưu tiện nghi, địa vị và ích lợi
riêng. Khi tiếp xúc với người khác, họ không bị chi
phối bởi các vấn đề và xung đột riêng, không lệ thuộc vào lòng mến yêu của người
khác; không lấy làm buồn khi người ta tự lập, không cần đến mình.
6. Cố gắng thực thi lý tưởng và kế hoạch với một thái độ thực tế, uyển
chuyển, sáng kiến; biết lúc nào nên nói và can thiệp,
lúc nào nên im và đợi chờ; họ nhường nhịn mà vẫn không đầu hàng và bỏ cuộc.
7. Tin tưởng vào người khác và biết đương đầu với những khuyết điểm của
họ, cũng như đối diện với khuyết điểm của chính mình, mà vẫn tin tưởng Chúa
đang sử dụng mình. Họ bình tĩnh, ít khi nổi nóng.
8. Trong mối tương quan với người khác, không lệ thuộc, cũng không đối
lập, mà luôn luôn tìm cách cộng tác. Không tự cô lập hóa trong thế
giới nhỏ bé của mình. Hay hỏi ý kiến của người khác và tìm sự đóng góp của họ;
sẵn sàng nghe ý kiến, đề nghị và thay đổi quan điểm và kế hoạch sẵn có, nhưng,
vẫn có thể quyết định một mình. Tôn
trọng quyền tự do của người khác cũng như của chính mình.
Đương nhiên, chẳng
ai có tám thái độ trên một cách hoàn hảo.
B. Thanh tẩy động lực thôi thúc lựa chọn
bậc sống. Những
ước muốn “lập gia đình” hay “đi tu” có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do và động
lực khác nhau. Do đó chúng ta cần tìm hiểu những gốc rễ đó. Phân định động lực
nghĩa là khám phá ra tại sao mình muốn lấy người này hay đi tu, mặc dầu khi lập
gia đình hay đi tu phải hy sinh nhiều. Những
động lực thôi thúc thanh thiếu niên lựa chọn một bậc sống bắt nguồn từ ba ước
muốn chính: 1) Sống an toàn và bảo đảm,
2) Hưởng thụ và sáng tác, 3) Kết thân với Đức Kitô và phục vụ tha nhân.
a) Sống an toàn, bảo đảm, và bảo vệ đời sống
hiện tại và tương lai. Động lực này thúc đẩy chúng ta tìm hiểu những gì người
ta đòi hỏi và mong chờ nơi mình; cố gắng làm trọn bổn phận, chấp nhận tất cả và
cố gắng hòa hợp với nếp sống mới. Chúng ta cố gắng hòa đồng với mọi người và
tìm hiểu phải làm gì để được chấp nhận, khen ngợi và quý trọng; để được danh
thơm tiếng tốt và bảo đảm hiện tại và tương lai lâu dài. Chúng ta mong muốn ‘an
cư lạc nghiệp’.
Nếu đây là động lực
chính, thì sẽ được biểu lộ ra qua:
-
Thái độ thụ động, vô tư lự;
-
Ít nói, ít thắc mắc; hay im lặng, không phát biểu ý kiến;
-
Giấu vấn đề riêng, sợ mất ‘danh thơm tiếng tốt’, bị mời về;
-
Dễ bị tự ty mặc cảm, sợ mình làm không đủ, làm sai.
-
Hay bị cám dỗ về tình cảm và tính dục trong tư tưởng.
-
Thiếu vui vẻ, hăng hái.
b) Hưởng thụ, thành công và sáng tác. Trong
động lực này chúng ta phân biệt hai nguồn vui: là những gì mình hưởng thụ, và
những gì chúng ta sáng tác. Hưởng thụ như
ăn ngon, ngủ kỹ, nhà cửa đẹp, có tiện nghi: cơ hội giải trí, du lịch. Nguồn vui
thích thứ hai là tăng thêm khả năng và hiểu
biết chuyên môn, du học, cũng như
kết quả của những việc làm của mình, như
dạy học, làm việc xã hội, lớp ‘Tân Tòng’ hay ‘Dự Bị Hôn Nhân’, diễn nhạc. Họ
mong muốn phát triển khả năng và được cung cấp phương tiện để làm việc có kết
quả. Họ mong muốn ngày càng được tôn trọng và giao trách nhiệm.
Nếu đây là động lực
chính, thì sẽ được biểu lộ ra qua nét:
-
Quan trọng hóa mọi kết quả và thành công của mình.
-
Hay nói về những gì mình viết, làm và thực hiện,
-
Không biết nghe ý kiến hay đề nghị của người khác,
-
Sợ bị phê bình và sửa lại.
c) Kết thân với Đức Kitô và phục vụ tha nhân. Đã được Kitô tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em và với
chính mình; được Ngài ban cho một tư cách và niềm hy vọng mới, chúng ta biết
ơn, tin tưởng, mến yêu và muốn đáp lại các ơn huệ quý báu đó. Chúng ta mong muốn
bước theo Đức Kitô, ‘chia ngọt sẻ bùi’ với Ngài; muốn tìm hiểu ý nghĩa trong nếp
sống mới; cố gắng xây dựng những mối tương quan thân mật và thành thật giữa người
với người. Nhờ tác động của Thần Khí, chúng ta ngày càng khao khát sống đẹp
lòng Thiên Chúa và kết thân với anh chị em;
Nếu đây là động lực
chính, thì sẽ được biểu lộ ra qua nét:
-
Vui vẻ trong việc nhỏ, bình tĩnh trong việc lớn,
-
Tình yêu của Thần Khí tràn ra đến anh chị em chung quanh.
-
Cảm thấy tự do và ưa thích những gì mình bắt buộc phải làm,
-
Ngày càng quan tâm và mong muốn phục vụ người chung quanh,
-
Con người nội tâm ngày càng chớm nở và sinh hoa trái,
-
Ngày càng trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Đức Kitô.
Cả ba loại động lực
đều hiện diện và thôi thúc mọi người khi chọn lựa bậc sống. Điều quan trọng là
ý thức, đối diện và cầu mong rằng động lực Đức Kitô ngày càng lớn mạnh và trở
thành động lực chính.
C. Triển nở một ‘nội tâm’ ngày càng
thâm sâu. Nội
tâm là gì? “Kho tàng của anh ở đâu, thì trái tim anh ở đó” (Mt 6,21). Tâm điểm nội tâm là nơi mỗi người đặt những câu hỏi: Tôi mong ước gì cho tôi và cho anh chị em?
Tôi yêu ai? Tôi sống cho ai? Ai làm chủ trái tim và cuộc sống tôi? Tâm điểm
là nơi xuất hiện các câu trả lời để định hướng cuộc sống của mình. Tâm điểm là
một nơi chốn sâu xa hơn cõi nội tâm chúng ta đạt tới khi ‘tập thiền’; là nơi
khác hẳn cõi ‘vô thức’ của phân tâm học, bởi vì đây là nơi chúng ta định hướng
các mối tương quan và chọn lựa quan trọng theo lời mời gọi của Thiên Chúa.
Tâm điểm nội tâm nằm
dưới quyền tự do của mỗi người, và vì lý do đó, mỗi người chịu trách nhiệm về
tâm điểm của mình.
Thiên Chúa kết thân
nên một với các tín hữu đến mức độ nội tâm của mỗi người đã được triển nở. Nếu
nội tâm chưa được triển nở nhiều, sự kết hợp, tuy cao quý vì là kết hợp với
Thiên Chúa, sẽ bị giới hạn. Càng mở rộng nội tâm, sự kết hợp cũng được thẳm sâu
thêm.
Để triển nở nội
tâm, con người cần:
- Nhận ra sự nghèo hèn của mình. Ơn gọi
làm con Thiên Chúa, là bạn chí thân của Đức Kitô, vượt xa khả năng của loài người.
Nhờ lòng tin tưởng con người mới có thể bước vào thế giới Thiên Chúa. ‘Con người đạt đến Thiên Chúa nhờ không hiểu
hơn là nhờ hiểu’ (Gioan Thánh Giá). Con người cần nhìn nhận rằng, lời mời gọi
của Chúa Cha là một ân huệ nhưng không, và mình chẳng làm gì được, để kết thân
nên một với Ngài, ngoài việc mở lòng và phó thác mình trong bàn tay yêu mến của
Ngài.
- Mong muốn kết thân nên một với Thiên Chúa. Khát khao Thiên Chúa chính là chuẩn bị để kết hiệp cùng Ngài. Những nỗi
khao khát sâu xa của chúng ta bắt nguồn trực tiếp từ tình yêu bừng cháy của Thần
Khí. Đây chính là ngọn lửa mà Đức Kitô mang đến thế giới này.
Ba Bậc Khiêm Nhường, giúp chúng
ta đặt câu hỏi: trong tình bạn với Đức Kitô, tôi sẵn sàng đi đến đâu? Ba bậc là ba mức độ ‘từ bỏ mình để bước
theo Thầy’; ba mức độ ‘lu mờ đi để Thầy nổi
bật lên’:
a) ‘Quyết
tâm không mất lòng Thầy’, vâng phục lề luật và các bổn phận của mình, khỏi
phạm tội. Tôi đã lựa chọn Ngài! Mặc dầu tôi chưa làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự,
nhưng tôi đã quyết tâm bước theo Ngài và chẳng có ai, chẳng có gì có thể tách
tôi ra khỏi Ngài!
b) ‘Quyết
tâm đẹp lòng Thầy’ và chọn lựa những gì làm đẹp lòng Ngài. Tình thân với Đức
Kitô đang triển nở trong lòng tôi. Tôi thành thật biết ơn Đức Kitô, muốn đẹp
lòng Ngài. Ý muốn làm đẹp lòng Ngài mạnh hơn những mê thích, tham lam và tư lợi.
Tôi không tiếc từ bỏ sở thích riêng để làm vừa lòng Ngài. Tôi ưa thích những gì
Ngài ưa thích, và ghét bỏ những gì Ngài không muốn.
c) ‘Được
thông phần những đau khổ với Thầy’, để nên giống Đức Kitô khiêm nhường phục
vụ, tôi muốn và chọn lựa sống nghèo với Đức Kitô nghèo, bị sỉ nhục với Đức Kitô
bị sỉ nhục hơn là giàu sang và danh vọng; ao ước được coi là ngu dại vì Đức
Kitô, Đấng bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái và khôn
ngoan ở thế gian.
- Hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa. Chúng ta
mong muốn ngày càng mến yêu và muốn làm đẹp lòng Ngài, yêu mến những gì Ngài
yêu mến, ghét bỏ những gì Ngài ghét bỏ. Vì lý do đó tâm hồn chúng ta cần được
thanh tẩy, được giải thỏa ràng buộc, và biết ngày càng đồng cảm với những gì
Ngài ưa thích, với những gì Ngài ghê tởm. “Phúc
thay ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
III. CÁCH PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI VÀ SỨ MỆNH
Những gì Thiên Chúa
muốn, Ngài cho biết ngay và rõ ràng cho những ai lắng tai nghe và sẵn sàng tuân
theo. Nếu Ngài không nói, là vì Ngài để chúng ta quyết định. Khi ‘im lặng’,
Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta nói một lời. Không biết nói lời nào, thì Thần
Khí sẵn sàng soi sáng và phụ trợ. Đã nói lời của mình, thì Thiên Chúa vẫn chuẩn
nhận, ủng hộ và giúp chúng ta thực hiện bằng bình an, niềm vui và lòng kiên
trì.
Chúng ta mong ước
được Thiên Chúa dìu dắt, nhất là trong ơn gọi sống cũng như lúc hoạt động; khi
chúng ta chọn lựa ‘sống cho ai’, và ‘làm gì cho Nước Trời’. Thực tế, có ba mục
đích lựa chọn: - “bậc sống” (Hôn
Nhân, Tận Hiến, độc thân ở ngoài đời). - “lối
sống” (sống ở đâu, với ai, mức độ giàu nghèo), và “sứ mệnh” (làm gì, với mục đích nào).
Để biết Chúa thúc
giục ra sao, chúng ta chú tâm đến những chuyển động của thần loại và ảnh hưởng
của chúng (an ủi và sầu khổ).
Theo thánh I-nhã,
có ba “thì” để xin Thiên Chúa dìu dắt lúc lựa chọn:
‘Thì một’: là khi Thiên Chúa đánh động và
lôi kéo ý muốn một cách thẳm sâu và rõ ràng đến nỗi không nghi ngờ được. Đây là
một luồng gió tâm linh thôi thúc chúng ta theo một đường hướng nào đó, ban bình
an, và xóa bỏ mọi lo âu, xao xuyến. Sở dĩ không nghi ngờ được là vì chúng ta được
tác động trong tận đáy lòng, nơi các cảm xúc và thèm muốn trần tục không vào được.
Vì lý do đó, ơn này
luôn luôn thiêng liêng, rõ ràng và thấm thía.
Đồng thời, sự rõ
ràng đó, mặc dầu vẫn chỉ một hướng đi, nhưng không cụ thể, bao lâu Thiên Chúa
không chỉ cho chúng ta thực hiện bằng cách nào, ở đâu và lúc nào.
Được đánh động như
vậy là một ơn rất quý báu, bởi vì mang đến cho mình bình an, niềm vui và sức lực
để lựa chọn và tiến lên trên đường đó. Đã bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì bình an,
niềm vui và sức lực đó mãi mãi sưởi ấm lòng mình mỗi lần chúng ta trở về tận
đáy lòng. Về phía Thiên Chúa sẽ không bao giờ biến mất.
‘Thì Hai’: khi nhận được đủ ánh sáng qua
những an ủi và sầu khổ thiêng liêng, tùy theo mình bước theo một trong những lựa
chọn cụ thể. Nếu bước theo một đường mà đem ra thực hiện, nếu chúng ta được an ủi
thiêng liêng thì chúng ta đang được Thiên Chúa khuyến khích đi tiếp trên đường
đó. Ngược lại, nếu cảm thấy sầu khổ và xao xuyến thiêng liêng, thì chúng ta nên
dừng lại và tìm hiểu tại sao; hoặc thử một kiểu khác, đến khi được an ủi thiêng
liêng trở lại.
Đây cũng là lúc thuận
tiện để áp dụng ‘thì Ba’.
‘Thì Ba’: khi chúng ta yên tĩnh suy xét một
cách sáng suốt, không bị cảm xúc trần tục nào chi phối; tức là, không bị cảm
xúc tham lam hoặc thích thú trần tục chi phối, cũng như không bị ác cảm và
thành kiến nào ảnh hưởng. Để sáng suốt lựa chọn, chúng ta cần tìm hiểu, bao
nhiêu có thể, hoàn cảnh thực tế, nhu cầu và ước muốn của những người chúng ta
muốn phục vụ, cũng như của chính mình và của những người cùng chung phục vụ;
tìm hiểu đầu đuôi của những gì chúng ta muốn làm, và phương tiện sẽ áp dụng, để
xác định các ‘lợi’ và ‘bất lợi’ theo từng cách làm.
Cách lựa chọn: Thánh I-nhã chỉ vẽ cho chúng ta phương thức chuẩn bị nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Trước hết, chúng ta cần một tư thế bình tâm, sẵn sàng lựa chọn bất cứ lối nào trong các đường hướng nằm trước mặt mình: tức là không thiên vị, cũng như không sợ và không loại trừ bên nào cả. Để vun trồng thái độ bình tâm, ngài khuyên chúng ta:
- Tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng,
dìu dắt và chỉ bảo suốt thời gian lựa chọn, cách làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.
-
Nhớ cứu cánh cuộc sống và ý muốn làm đẹp lòng Chúa;
-
Nhớ gương sáng và lời dạy bảo của Chúa Kitô;
-
Hướng lòng vâng phục Thiên Chúa và ‘chia ngọt sẻ bùi’ với Đức Giêsu.
Trong thời gian chuẩn
bị cũng như lúc chọn lựa, thánh I-nhã mời gọi chúng ta hãy đặt mình trong những
hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn: Tưởng tượng người đang chọn lựa không phải là
chúng ta, mà là người thân, mà chúng ta muốn khuyên bảo. Ngài mời chúng ta tưởng
tượng chúng ta đang lúc cuối đời. Đặt mình trong giờ lâm tử, và tự hỏi trong
giây phút này tôi nên lựa chọn ra sao.
Chia sẻ kết quả với
một người linh hướng.
Chúng ta cần nhắc lại
mục đích lâu dài, nhìn các ích lợi và
hoa trái nếu hoạt động theo một kiểu nào đó, cũng như bất lợi và nguy hiểm khi làm như vậy; nhìn lại các ích lợi và hoa trái nếu không làm; những
bất lợi và nguy hiểm nếu không làm
(xem Lt 178 đến 188, trang 15-16).
Theo truyền thống
I-nhã, Linh Thao là thời gian thuận
tiện nhất để nhận định ơn gọi.
Sử dụng những thử nghiệm: Những thử nghiệm này không chỉ là sinh hoạt phục vụ mà còn là những cơ
hội giúp tìm ơn gọi của mình. Lúc Linh Thao cũng như trong thời gian thực hiện
các thử nghiệm, chúng ta nên chú ý đến những biến đổi nội tâm, như thánh I-nhã
đề nghị trong thời kỳ thứ hai để chọn lựa.
Những kinh nghiệm
này, là những cơ hội thuận tiện để chúng ta được đánh động và tìm thấy lời mời
gọi của Chúa.
Một vài thử nghiệm
thuận tiện có thể là:
- Phục vụ và sống gần
người nghèo và đau yếu
- Tham gia những
sinh hoạt tông đồ và phục vụ, để thoát khỏi hoàn cảnh quen thuộc của mình và thử
những hoàn cảnh khác biệt. Lúc đó, chúng ta sẽ nhận ra những khả năng cũng như
giới hạn của mình. Đây cũng là cơ hội dấn thân một cách vô vị lợi.
- Tham dự những
chương trình học hỏi và huấn luyện.
Linh hướng cá nhân: Khi thường
xuyên gặp vị linh hướng, mục đích chính không phải là xin những lời khuyên hoặc
hỏi ngài xem chúng ta phải làm gì, nhưng là chia sẻ những kinh nghiệm sống của
mình để hiểu rõ hơn những gì Chúa muốn nói với mình và những gì Ngài mời chúng
ta làm. Đương nhiên, cũng có khi vị linh hướng có thể giải thích một vấn đề hoặc
cho một lời khuyên. Vị linh hướng là phương thế thiết yếu để nhận định ơn gọi
mình, nhất là trước và sau Linh Thao.
BẢN VĂN CỦA THÁNH I-NHÃ
“Lời Mở Đầu để lựa chọn”
Trong mọi lựa chọn
tốt, về phần chúng ta, ý hướng của chúng ta phải đơn sơ chỉ nhằm mục đích tại
sao tôi được dựng nên, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa và để cứu rỗi linh hồn
tôi; và như thế, bất cứ điều gì tôi lựa chọn phải giúp tôi đạt tới cứu cánh vì
đó tôi được tạo dựng, không nên xếp đặt cứu cánh theo phương tiện, nhưng phải xếp
đặt phương tiện theo cứu cánh. Chẳng hạn, có nhiều người, trước tiên chọn hôn
nhân, thứ đến mới phụng sự Thiên Chúa trong hôn nhân, mà phụng sự Thiên Chúa lại
là cứu cánh. Cũng thế có những người trước hết muốn được chức vụ, và sau đó mới
muốn phụng sự Thiên Chúa nhờ chức vụ đó.
Như vậy, những người
ấy không đi thẳng tới Thiên Chúa nhưng muốn Thiên Chúa đến ngay vào những quyến
luyến lệch lạc của họ, và do đó họ lấy phương tiện làm cứu cánh và cứu cánh làm
phương tiện. Như vậy cái mà lẽ ra họ phải đặt lên hàng đầu thì họ lại để xuống
hàng cuối, vì trước hết, chúng ta phải lấy làm mục tiêu lòng khao khát phụng sự
Thiên Chúa, vốn là cứu cánh và thứ đến mới nhận chức vụ hay kết hôn, nếu thấy
việc đó thích hợp hơn đối với tôi, vì đó là phương tiện để tới mục đích. Như vậy,
không gì thúc đẩy tôi lấy hoặc bỏ phương thế này hay bỏ phương thế kia, nếu
không phải chỉ là để phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi đời
đời. (Linh thao, 169)
Để biết phải chọn lựa những gì, gồm bốn điểm và một ghi
chú
Điểm nhất: điều cần thiết là tất
cả những điều chúng ta muốn lựa chọn đều tốt lành và đúng theo đường lối của Mẹ
Thánh Giáo Hội, chứ không phải là những điều xấu hay những điều trái ngược với
Giáo Hội. (170)
Điểm hai: có những lựa chọn
không thể thay đổi, chẳng hạn như chức linh mục, hôn nhân; còn những lựa chọn
có thể thay đổi, chẳng hạn như nhận lãnh hay khước từ một chức vụ, nhận lãnh
hay loại bỏ những của cải đời này. (171)
Điểm ba: trong những lựa chọn
không thể đổi, một khi đã lựa chọn rồi, thì không được chọn lại nữa, vì không
thể tháo bỏ được, chẳng hạn như bí tích hôn nhân, chức linh mục; chỉ còn phải
xem xét nếu mình đã không lựa chọn đúng trật tự, mà theo những quyến luyến lệch
lạc, thì ăn năn hối hận và rồi cố gắng sống một cách tốt lành trong bậc sống
mình đã lựa chọn. Một lựa chọn như vậy chúng ta không thể nói là do Thiên Chúa
mời gọi như vậy, vì đó là một cuộc lựa chọn lệch lạc. Có nhiều người lầm lộn
trong việc ấy, coi sự lựa chọn lệch lạc của mình như ơn kêu gọi của Thiên Chúa,
trong khi mọi ơn gọi của Chúa bao giờ
cũng trong sáng, không pha trộn chút gì từ ý xác thịt hay một quyến luyến lệch
lạc nào cả. (172)
Điểm bốn: nếu người nào đã chọn
lựa đúng và dưới ánh sáng của Thiên Chúa, thì không có lý do để nhận định một lần
nữa, nhưng chỉ xin ơn trên để sống và phục vụ ngày càng trung thành và quảng đại
thêm trong sự lựa chọn ấy. (173)
Ghi chú: nên chú ý rằng, nếu một
lựa chọn có thể đổi mà đã không lựa chọn đúng, thì điều có ích lợi là lựa chọn
lại để sinh hoa trái và đẹp lòng Thiên Chúa hơn. (174)
Ba thì lựa chọn lành mạnh
Thì thứ nhất: là khi Thiên Chúa
đánh động và lôi kéo ý muốn một cách rõ ràng, không thể hồ nghi; thì linh hồn
nên tuân theo điều đã được chỉ vạch; thánh Phao-lô và thánh Mát-thêu đã làm như
thế khi các ngài bước theo Đức Kitô Chúa chúng ta. (175)
Thì thứ hai: khi nhận được đủ
ánh sáng và sự hiểu biết bởi những an ủi và sầu khổ thiêng liêng, và phân định thần
lành và thần dữ khác nhau. (176)
Thì thứ ba: là thì yên tĩnh và
sáng suốt. Đây là khi mình ý thức con người sinh ra để làm gì, tức là để ngợi
khen Thiên Chúa, và để cứu rỗi linh hồn mình. Và với lòng ước ao ấy, chọn các
phương thế, hay một bậc sống trong lòng Giáo Hội. Tôi nói, ‘thì yên tĩnh’,
nghĩa là khi linh hồn không bị xao động bởi thần dữ, và có khả năng sử dụng những
kinh nghiệm, hiểu biết và ước muốn của mình cách tự do và yên tĩnh. (177)
Nếu trong thì thứ nhất hay thứ hai mình chưa được đủ ánh sáng để lựa chọn, thì sau đây là hai cách lựa chọn theo thì thứ ba. (178)
Cách thứ nhất để lựa chọn lành mạnh: Gồm sáu điểm:
Điểm nhất: là xác định điều tôi
toan lựa chọn, chẳng hạn một chức vụ hay nhiệm vụ phải nhận hay loại bỏ, hoặc bất
cứ điều gì khác vốn thuộc về sự lựa chọn có thể thay đổi được. (178)
Thứ hai: là nhớ mục tiêu và cứu
cánh tại sao tôi đã được dựng nên, là ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn
tôi. Kế tiếp xin ơn được bình tâm,
không có một quyến luyến lệch lạc nào, cũng không tha thiết để nhận hơn là từ
chối; nhưng tôi giữ mình như ở giữa một bàn cân để chỉ nghiêng theo đàng nào
tôi “cảm thấy” thích hợp hơn để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi.
(179)
Thứ ba: xin Thiên Chúa đoái
thương đánh động và soi sáng tôi để tôi nhận ra điều tôi nên làm về điều đó, và
mở óc suy xét và trí hiểu biết của tôi, để lựa chọn những gì thích hợp với ý cực
thánh và nhân lành của Người. (180)
Thứ bốn: suy xét sẽ có bao nhiêu
ích lợi và hoa trái khi
tôi có chức vụ hay nhiệm vụ đó, theo mục đích ngợi khen Thiên Chúa và cứu
rỗi linh hồn tôi mà thôi; và ngược lại cũng thế, xét xem những bất lợi và nguy hiểm khi có chức vụ ấy.
Cũng làm như vậy trong phần thứ hai, nghĩa là xét những ích lợi và bất lợi nếu không có chức vụ ấy. (181)
Thứ năm: sau khi đã cân nhắc mọi
khía cạnh như thế, coi xem lý trí nghiêng về phía nào hơn, và như thế, phải
theo lý trí chứ không theo tình cảm mà quyết định về điều đã được đề ra. (182)
Thứ sáu: khi đã lựa chọn hay quyết
định xong, chúng ta phải mau mắn cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, và dâng cho
Ngài cuộc lựa chọn đó, để Chúa Chí Tôn đoái nhận và xác chuẩn cho, nếu điều ấy
giúp phụng sự và ngợi khen Ngài hơn. (183)
Cách thứ hai để lựa chọn lành mạnh: Gồm bốn quy tắc và một ghi chú.
Thứ nhất: là tôi xin ơn trên để
động lực thúc đẩy tôi lựa chọn điều đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Và chỉ vì
tình yêu mến Đấng Tạo Hoá và Chúa chúng ta mà thôi. (184)
Thứ hai: tưởng tượng ra một người
mà tôi chưa bao giờ gặp thấy, và ước ao cho họ mọi sự hoàn thiện, suy xét điều
tôi sẽ khuyên họ làm và lựa chọn để sáng danh Thiên Chúa hơn và làm cho linh hồn
họ được hoàn thiện hơn; và tuân theo trong hoàn cảnh của tôi những gì mà tôi đã
đề nghị cho họ. (185)
Thứ ba: xét coi tôi đang lúc
nguy tử, thì lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình lựa chọn hiện bây giờ như thế nào, thì
tôi quyết định như vậy. (186)
Thứ bốn: ngắm nhìn và suy xét
tình trạng của tôi trong ngày phán xét thế nào, nghĩ xem lúc ấy lẽ ra tôi muốn
mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; những gì mà lúc ấy tôi muốn
mình đã tuân theo, tôi quyết tâm ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và
vui mừng trọn vẹn. (187)
Ghi chú: Một khi đã áp dụng những
quy tắc trên đây để được cứu rỗi đời đời, tôi sẽ dâng hiến cho Thiên Chúa, theo
như điểm thứ sáu trong cách thứ nhất lựa chọn. (188)
Để cải thiện đời sống
Điều lưu ý sau đây
liên quan đến những người đã được định vị ở bậc cai quản trong Giáo Hội hay ở bậc
hôn nhân, (dù có dư dật của cải hay không), nếu họ không có lý do để làm một cuộc
lựa chọn thay đổi, thì sẽ có ích lợi rất nhiều nếu họ nhận định về những phương
pháp nhằm cải thiện và canh tân đời sống
của họ; nghĩa là định hướng mọi phạm vi đời sống và bậc mình để làm vinh danh
Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình hơn. Để đạt tới cùng đích ấy, phải suy xét
và cầu nguyện nhiều, như đã giải thích, xem mình phải có nhà cửa và gia đình thế
nào, phải điều khiển và cai quản mọi sự ra sao, phải dạy dỗ gia đình bằng lời
nói và gương sáng ra sao; cũng thế, suy về của cải của mình, phải sử dụng bao
nhiêu cho gia đình và nhà cửa của mình, và phân chia bao nhiêu cho người nghèo
và các việc thiện. Không muốn, cũng không tìm sự gì khác ngoài việc ngợi khen
và làm vinh danh Thiên Chúa hơn trong mọi sự và qua mọi sự. Vì mỗi
người phải nghĩ rằng mình càng thoát ra khỏi lòng yêu mình, thèm muốn và ích lợi
riêng được bao nhiêu càng tiến tới trong mọi việc thiêng liêng bấy nhiêu. (189)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 88 (Tháng 5 & 6 năm 2015)