Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn
WHĐ (02.6.2021) – Đời hôn nhân là một cuộc
lữ hành và một tiến trình, là chính cuộc sống của đôi bạn, là một cuộc xuất
hành liên tục đi ra khỏi tình trạng cũ trước đó cũng như hiện giờ để mở ngỏ cho
mọi cơ hội mới đang hình thành trong quan hệ với người khác và với những người
khác. Đó là một tiến trình liên tục khám phá sự khác biệt của nhau đồng thời chấp
nhận để tìm được một sự hài hòa gia đình, một giá trị lớn lao hơn vô hạn.
Không thể hình dung được một cuộc sống hôn
nhân mà lại không có khủng hoảng, xung đột, hay căng thẳng. Đúng hơn, có khi
chính sự thiếu vắng căng thẳng, chính sự yên ắng không sức sống, chính sự hòa
bình không do xây dựng mà do chịu đựng là triệu chứng đáng lo ngại của một cuộc
hôn nhân thực tế không được xây dựng hằng ngày bởi một dự phóng, mà từng ngày
trôi qua trong quán tính và im lặng.
Gia đình là ngã tư đường nơi những căng thẳng
ngày nay của nơi công cộng và chốn riêng tư gặp gỡ nhau. Ở nguồn gốc của những
khủng hoảng vợ chồng thường có nguyên nhân là người ta không có khả năng nhìn
nhận và đón nhận chính thực tế của riêng mình, thực tế của người bạn đời, thực
tế của cả cặp vợ chồng.
1. Kẻ phải lòng thì có tưởng tượng phong phú
Nơi một đôi bạn mới lấy nhau thường người
ta thấy những bộc lộ của họ như muốn tan chảy hòa quyện vào nhau. Dường như
không có khoảng cách giữa thực tại và mộng mơ. Một đàng người ta say đắm, đàng
khác người ta sống chỉ những gì tinh túy nhất. Những người mới lấy nhau sống chủ
yếu với trí tưởng tượng của họ.
Thuở ban đầu lưu luyến ấy là một thời gian
mạnh mẽ gây cho cả hai người những bàng hoàng, kinh ngạc, mê mẩn, quyến rũ. Đời
đẹp như là giấc mơ ấy, thật là lý tưởng! Tự khép mình trong thế giới tâm tưởng của
tình yêu, hai người xem ra không thể tách rời nhau được; có nguy cơ là mỗi người
có thể phản chiếu tưởng tượng của mình lên người kia. Khi phóng chiếu sự tưởng
tượng của mình lên tha nhân như thế có thể người ta luôn luôn và chỉ yêu chính
mình. Giống như là một bong bóng to đùng trong đó hai người nhìn nhau, nghe
nhau, sống với nhau, nhưng mọi sự còn lại thì ở ngoài. Nhưng cái bong bóng ấy
không thể giải quyết mọi chiều kích và hơi thở của cuộc sống, và, khi người ta
bị yêu sách phải mở rộng cõi lòng cho những yếu tố khác lạ (tha tính), hai người
thấy mình hoài nghi khi phải giải quyết chuyện thực tế cuộc sống: Đối tượng yêu
thương, “người yêu” đó, sao khác nhiều với những gì mình đã tưởng.
Tới đây cần phải sẵn sàng để sống điều mà
các nhà tâm lý gọi là sự than khóc thứ nhất cho cuộc hôn nhân: một sự mất mát
mà không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng. Vả lại, đối với con người đối diện
với một chia ly, mất mát luôn luôn là một khó khăn. Tuy nhiên, nhờ suy nghĩ và
nhìn nhau ở bên trong người ta có thể đi đến chỗ hiểu được rằng không phải là họ
mất người yêu còn đang sống đó, nhưng là mất cái ‘hình ảnh' mà người ta đã tạo
ra cho mình về người yêu, hay cái lý tưởng về đôi lứa. Đó chỉ là một sự mất đi
những hình ảnh đã tưởng tượng! Nếu không có bước chuyển căn bản này, người ta
không thể tiếp tục xây dựng chính thực tế đôi bạn và những xung đột ẩn núp ở
góc xó nào đó sẽ sẵn đó trườn ra.
2. Nhìn nhận người bạn đời rất khác biệt với ta là một
nỗi khó khăn
Cuộc hành trình mạo hiểm nhưng cũng rất
phong phú và năng động của đôi bạn chỉ thực sự bắt đầu khi họ biết nhìn nhận “sự
khác biệt” của nhau trong quan hệ vợ chồng “một xương một thịt”.
Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều cặp vợ chồng
đổ vỡ. Rất có thể nguyên do của khủng hoảng sau cùng dẫn hôn nhân của họ đến thất
bại vì họ thiếu óc thực tế, có lẽ họ đã không thực sự hiểu biết nhau, không biết
con người thực tế của nhau (gồm những vốn quý, sự phong phú, và cả những giới hạn,
khuyết điểm của nhau). Không hiếm những cặp vợ chồng chỉ sống như hai cái bóng
cùng tồn tại trong đau khổ, trong một thế thăng bằng chông chênh chực ngã gục.
Nhìn nhận người kia khác biệt với tôi là một
giai đoạn khó khăn phải trải qua, nhưng rất cần thiết cho việc xây dựng đời sống
gia đình. Sẽ có những hậu quả khá nghiêm trọng nếu tha nhân, tức người bạn đời,
không được nhìn nhận với thực tế của người ấy; nếu hai người không nhìn nhận
nhau, nếu họ không chấp nhận mọi mặt tích cực cũng như tiêu cực của nhau.
Nếu ai đó nhìn nhận chúng ta, yêu thương
chúng ta, đón nhận chúng ta đúng như thực tế chúng ta là như thế đó, thì sẽ có
điều nhiệm mầu xảy ra. Ơn cứu độ bắt đầu. Đó chính là sự phong phú thực sự của
đời hôn nhân. Đó chính là lý do tại sao sống cô độc một mình sẽ nên hết sức
nghèo nàn. Đó là lý do tại sao được chọn và được yêu lại là một đặc ân.
3. Đời sống tính dục không được thỏa mãn
Khủng hoảng hôn nhân cũng có khi lửa âm ỉ
đã bắt đầu bén từ chỗ không thỏa mãn ái ân.
Trước hết, có những thực hành tính dục như
một thứ quyền lực áp đặt trên người khác hoặc chỉ như là một kiểu hành lạc. Những
kiểu đó không diễn tả tình yêu cũng không làm cho tình yêu ra hoa kết trái.
Chúng còn xa lạ lắm với tình yêu đích thực.
Ngược lại, có một sai lầm người ta hay vấp
phải xuất phát từ một lối giáo dục có xu hướng đàn áp tính dục trên bình diện
luân lý cũng như tôn giáo, và là nguồn cho bao nhiêu đau khổ của con người. Sai
lầm đó chính là ở chỗ người ta không coi trọng sự đồng cảm của đôi bạn với nhau
về tính dục. Vẫn còn thấy ở đây đó quan niệm nghĩa vụ vợ chồng, một quan niệm cổ
xưa hé mở cho thấy một tình cảnh thụ động buồn tẻ. Người ta vẫn còn có thái độ
phản vệ, với xu hướng chế ngự và chối bỏ, hoặc duy lý hóa và đè nén, khả năng
tính dục của con người.
Một đôi bạn mà không sống sự hòa điệu vui
tươi đồng cảm về tính dục, sẽ thấm thía nỗi buồn của một tình yêu “bị gặm mòn”
trong thinh lặng, sẽ kinh nghiệm sự thịnh nộ của những nhục nhằn bị đè nén, nỗi
cay đắng của bao cảm xúc đã không thể bộc lộ, tình héo khô bởi nhiều cảm giác
không có cơ hội để sống. Sự khủng hoảng không thể không phản âm trên toàn bộ cuộc
sống vợ chồng, bởi lẽ một quan hệ tính dục không mặn nồng và bị ức chế cách này
cách khác sẽ dễ trở thành một thói quen ngăn trở xây đắp một tình thân mật vợ
chồng về mặt tâm lý, khả dĩ đem lại một sự thỏa mãn và thành tựu nào đó cho cả
hai vợ chồng.
4. Không thể tách ly khỏi bóng dáng của cha mẹ
Mọi đôi bạn nếu muốn sống thực sự cuộc sống
lứa đôi của mình phải luôn hướng tới sự tách ly khỏi hình bóng của cha mẹ. Thiếu
tách ly khỏi cha mẹ, về thể lý cũng như về tâm lý, có thể trở thành nguyên do
(có khi kín đáo và không được ý thức) cho những khủng hoảng sâu xa trên hành
trình hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Người ta cảm thấy bất an nghĩ rằng cuộc sống
lứa đôi của mình chưa bao giờ thật sự bắt đầu và càng không cảm thấy nó triển nở
một cách riêng tư và độc lập đối với bóng dáng cha mẹ.
Điều chính yếu không phải là tách ly để mà
quên, nhưng để có khả năng biến đổi những khuôn mặt đó trở nên mới trong nội
tâm của mình và việc nội tâm hóa đó phải nhiều lắm để làm phát sinh một tự ngã
mới từ những hình bóng đó. Những hình ảnh của cha của mẹ ấy sẽ được sống một
cách mới mẻ và cách khác với trước.
Có khi khuôn mẫu của cha mẹ, và một cách đặc
biệt khuôn mẫu của người mà đã để lại trên ta một dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt
thời kỳ ta lớn dậy, tồn tại nơi một trong hai người bạn đời sâu đến nỗi được
tái tạo lại trong thực tại gia đình mới với cũng một cung cách cư xử hằng ngày
y như thế. Và còn hơn thế nữa, khuôn mẫu ấy xuất hiện khi người ta giáo dục con
cái qua sự tái hiện lại cùng những khuôn văn hóa và qui tắc giáo dục xưa.
Chỉ người nào có can đảm và sức mạnh tách
ly dần khỏi những người khác, kể cả cha mẹ mình, để thể hiện chính mình cách đầy
đủ, mới có thể tìm thấy lại được người khác và chính mình trong khuôn khổ của một
tình yêu dâng hiến chứ không phải là của một thứ vị kỷ được che đậy. Theo nghĩa
đó, lời mời gọi của Thánh kinh thật ý nghĩa và cấp bách: “Con người sẽ lìa bỏ
cha mẹ mình và cả hai sẽ nên một xác thịt” (St 2,24).
5. Những bất trung
Sự bất trung, là điều vốn thường xuyên bào
mòn quan hệ vợ chồng. Trước hết, là sự bất trung tinh vi và hằng ngày được thể
hiện gần như là không cố ý, và xem ra không góp phần gì quan trọng cho hành vi
phản bội, nhưng ngược lại, chính vì nhỏ nhặt và tinh tế mà nó dần đục khoét
thành những hố sâu ngăn cách.
Một hình thức đầu tiên của sự bất trung thường
nhật là sự bất trung của những kẻ không bước vào tương giao, không thực sự có đối
thoại. Lời nói có thể là dấu chỉ của sự trung thành, mà cũng có thể là của sự bất
trung nếu chúng không thực sự ăn khớp với cảm giác và tình cảm của chúng ta. Rồi
thinh lặng cũng thế, đó có thể chất chứa sự trung thành hay bất trung. Một thái
độ thinh lặng không nói nhưng kèm theo những cử chỉ yêu thương hay tận tụy thường
nhật với sự chia sẻ đầy đủ những tình cảm là một sự thinh lặng trung thành. Một
sự thinh lặng do không biết bộc lộ bằng lời những tình cảm như giận dữ, thù
ghét, phục tùng tự ý hay miễn cưỡng, muốn gây hấn mà không bộc phát được, không
chia sẻ qua những cử chỉ yêu thương hay có trách nhiệm, là một sự thinh lặng chất
chứa bất trung cản trở thiết lập mọi tương giao.
Do đó sự bất trung có thể nảy sinh do thiếu
tương giao sâu đậm trong cuộc sống hằng ngày, cũng như có thể nảy sinh do thường
xuyên thiếu sự chia sẻ và nhất là thiếu sự dịu dàng nhân hậu và đồng cảm. Sự bất
trung cũng nảy sinh khi mối quan hệ bị tàn phá do tràn ngập những khó khăn hay
ngược lại do sự đều đặn buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày. Tình trạng đó được nhận
ra khi thấy sự mệt mỏi chán chường chiếm ngự không gian sống của đôi bạn. Càng
ngày người này càng mất khả năng nhìn người kia với một cặp mắt mới; những lời
nói yêu thương dành cho nhau trở nên thưa dần.
Đối tượng của tình yêu thương có thể được
thay thế dễ dàng bởi những thứ khác như một sự né tránh. Công việc, hay thú
tiêu khiển giải trí cho tới lúc ấy chỉ như là trò giải trí cho qua thời gian rảnh
rỗi, bạn bè, nhà cửa, một góc vườn kín đáo nơi dành mọi bận tâm, chăm sóc. Người
ta không còn nghĩ kẻ sống bên cạnh mình luôn là một con người mới cần phải khám
phá, hiểu biết hơn về những khát vọng, hy vọng của người ấy, cũng như những thất
bại, suy nghĩ thầm kín nhất, những cảm giác sâu xa nhất của người ấy. Có thể có
cám dỗ về một thứ bất trung khác: một người đàn ông khác hay một người phụ nữ
khác là một cái gì mới mẻ, khả dĩ làm tươi mới lại những lời nói yêu thương đã
đi vào quên lãng, khả dĩ làm sống trở lại những cảm xúc, những tình cảm xem ra
như đã mất.
Rồi còn có một thứ bất trung cuối cùng, thường
ít được nhận thấy, đó là: chạy theo một lý tưởng đời đôi bạn tưởng tượng viển
vông, không thực tế. Lý tưởng đó có thể là về đối tượng phối ngẫu mà ta muốn sống
với, do trí tưởng tượng dựng lên một cách thiếu thực tế đến độ kẻ sống bên cạnh
ta không thể đáp ứng và chịu đựng nổi, cảm thấy mình không xứng hợp và dần dần
chối từ làm bạn đồng hành và nhường chỗ cho cái ‘đài tưởng niệm' không tưởng
đó.
6. Khi không có tự do
Một bất trung nặng nề là một bất trung
không đi tìm chính sự tự do của bản thân mình và cũng không giúp người bạn đời
kia được tự do.
Một cuộc hôn nhân trung tín là một hôn nhân
có sức giải phóng, đem lại sự giải thoát, tự do đích thật cho con người. Không
có mâu thuẫn giữa trung thành và tự do. Đúng hơn, trung thành là trung thành
trong tự do; tự do thật là tự do để yêu thương cách trung thành.
Sự tự do mà ta đang nói tới không phải là sự
tự do làm theo dục vọng và ước muốn riêng của mình, cho bằng là sự tự do của tư
tưởng và hành động. Nếu trí óc và con tim biết di chuyển tự do trong không gian
của một ước vọng và một dự phóng, là điều vốn được chia sẻ bởi người bạn đời
kia, thì người ta sẽ không có cảm giác bị áp chế, thất vọng, thù ghét ngấm ngầm
chực chờ bộc phát bạo lực. Những tâm trạng tiêu cực đó gây ra nhiều thiệt hại
cho đời sống hôn nhân và là nguyên nhân cho khủng hoảng sâu sắc, nhất là khi
chúng bị dồn nén với cảm giác tâm lý bị ức chế không bộc lộ được cách tự do.
Người ta thường nhân danh chính tình yêu mà
sinh chuyện áp chế, làm bầu khí ngột ngạt, với những qui định một chiều. Xác định
những điều đó và thoát ra khỏi chúng không phải dễ dàng. Bởi lẽ những khía cạnh
hoà tan vào nhau của ái tình thuở đầu hoạt động mạnh mẽ và len lỏi sâu xa đến độ
có khi sau nhiều năm hôn phối hai người vẫn không thể thoát ra khỏi sự quá lệ
thuộc nhau. Người ta cứ luôn cần phụ thuộc vào người kia hoặc cần người kia phụ
thuộc mình. Thế nhưng sự phụ thuộc đến độ nô lệ không phải là dấu chỉ của tình
yêu đích thật vì trong sự phụ thuộc đó không có tự do chọn lựa, không có nhiệt
tình tự nguyện dấn thân, không có sự dâng hiến của ân ban.
Hôn nhân không phải là một sợi dây ràng buộc
thắt chặt, nhưng là một sự hợp nhất tự nguyện và tự do qua từng ngày.
Hẳn là tự do làm ta lo sợ, nhất là khi phải
bỏ đi những khung suy nghĩ cũ kĩ mà từ đó người ta xây dựng cuộc đời và quan hệ
vợ chồng riêng mình. Đó là những cớ lý thuận tiện thường được dùng để chống đỡ
những bất lực và những sợ hãi của ta. Sợ phải phiêu lưu để tìm tòi khám phá những
điều mới mẻ, sợ mình không có khả năng chấp nhận những cách thức sống mới với
chính bản thân, với người bạn đời, với những người khác. Thế nhưng, chỉ có con
đường giải phóng được người bạn đời mới có thể sống hiệp thông thật sự.
Tự do chắc chắn là có mạo hiểm và đó chính
là điều đôi khi người ta sợ phải chấp nhận. Nhưng sự mạo hiểm của tự do của ta
và của người bạn đời mới là trọng tâm. Không có tự do cũng sẽ không có đạo lý
vì không có chọn lựa và cũng không thể có được tình yêu. Tự do ở ngay trung tâm
của cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống Thiên Chúa muốn phải được sống trong
tự do và đã trả bằng cái giá của thập tự.
7. Để kết luận
Đôi bạn nào cũng phải chiến đấu nhiều khó
khăn và khổ nhọc, có thể đôi khi như giãy giụa hấp hối, để đi qua khủng hoảng đời
hôn nhân và gia đình. Nhưng một khi đã đi qua khủng hoảng thành công, hôn nhân
trưởng thành giống như họ vừa sinh hạ một đứa con đầu lòng phải cưu mang lâu
năm. Câu chuyện con sâu bướm và cái kén sau đây minh họa cho ý nghĩa tích cực
đó của mọi khủng hoảng:
Có 1 con sâu bướm lớn lên trong một cái
kén, cuộc sống trong cái kén của nó thật là yên ả, dễ chịu. Tất cả những cái nó
cần đều có sẵn trong cái kén, thức ăn, nước uống, sự âu yếm của cái kén do mẹ
nó tạo ra. Tất cả những dữ dội của thời tiết đều không hề ảnh hưởng gì đến con
sâu, nắng gắt, mưa dầm, rét buốt vẫn cứ diễn ra, nhưng không hề ảnh hưởng gì vì
con sâu vẫn đang sống trong cái kén. Một ngày, con sâu đã trưởng thành, đến thời
điểm con sâu phải chui ra khỏi cái kén để trở thành một con bướm xinh đẹp tung
tăng bay lượn. Con sâu oằn mình giãy giụa để thoát ra khỏi cái kén, nó giãy giụa
rất lâu, rất đau đớn, rất mệt mỏi mà vẫn chưa thoát ra được. Nó tìm đủ mọi
cách, húc chỗ này kén không rách, nó húc chỗ khác. Hai cái cánh bướm đã mọc
trên thân nó vẫn còn rất yếu ớt nhưng liên tục phải vùng vẫy để phá kén. Nó mệt
quá, không thể cố gắng được nữa, nó đành phải nghỉ. Nhưng nó không thể nghỉ mãi
được vì nó đã trưởng thành, nó không thể sống trong kén. Hễ đỡ mệt là nó lại cố
gắng để phá rách cái kén để chui ra. Cứ như thế mãi, cuối cùng cái kén cũng phải
rách. Con sâu bướm lách mình ra khỏi cái kén. Nó vỗ đôi cánh bướm rực rỡ bay lượn
tung tăng trong bầu trời tự do.
Có một cậu bé rất thích loài bướm. Một hôm,
cậu nhìn thấy một con sâu bướm đang giãy giụa trong cái kén rất khổ sở và đau đớn.
Cậu muốn giúp con sâu ra khỏi cái kén để trở thành một con bướm xinh đẹp nên
đưa tay, nhẹ nhàng xé cái kén giúp con sâu. Nhưng rồi cậu bàng hoàng, con sâu
bướm trông thật thảm hại với đôi cánh dúm dó, nhợt nhạt, thân mình nó run rẩy,
loạng choạng trước những cơn gió nhẹ chứ đừng nói gì đến bay.
Cậu bé không biết rằng, cả một thời gian
dài con sâu bướm vật vã, tuyệt vọng, đau đớn, khổ sở, tìm mọi cách phá cái kén
để chui ra là chính lúc làm cho đôi cánh và thân mình nó cứng cáp dần lên. Là
lúc quan trọng để con sâu trở thành một con bướm xinh đẹp, bay lượn khắp nơi.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 81 (Tháng 3 &
4 năm 2014)