HỘI THÁNH HIỆP HÀNH HƯỚNG ĐẾN:
CHỮA LÀNH CÁC VẾT THƯƠNG, XÂY NHỊP CẦU TƯƠNG QUAN,
KHƠI DẬY NIỀM TIN, THẮP SÁNG HY VỌNG
BS Trần Như Ý Lan, CND
WHĐ (23.4.2022) - Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục
(HĐGM) thế giới 2023 là “để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời ngôn sứ và thị kiến,
cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau
đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và
mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp
thêm sức mạnh cho đôi tay”[1]. Bài viết này phản tỉnh về
các sứ vụ trên của Giáo Hội (GH) trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19, đọc
các dấu chỉ thời đại của thế giới, cách riêng của Việt Nam (VN).
Bài viết gồm các bước: trước hết quan sát, nhận định 1/ Ai bị
thương? Các vết thương nào cần được chữa lành? 2/ Ai chữa lành vết thương? Sau
đó phản tỉnh từ các dấu chỉ, sự kiện, để tìm phương thế chữa lành cùng với các
hoạt động: 3/ Xây dựng các nhịp cầu tương quan; 4/ Khơi dậy niềm tin và thắp
sáng hy vọng. Suy tư của bài luôn dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Trong phạm vi
giới hạn của bài viết, tác giả chỉ gợi mở vài nét chính yếu của một số vấn đề nổi
cộm trên thế giới và cách riêng tại VN. Còn khai triển bao quát hơn và cụ thể
hơn cần một nghiên cứu sâu rộng hơn.
I. AI BỊ THƯƠNG? NHỮNG VẾT THƯƠNG NÀO CẦN ĐƯỢC CHỮA
LÀNH?
Trước hết cần nhìn nhận là vấn đề nào cũng có hai mặt, bên cạnh
các vết thương mà xã hội hay GH với tư cách tập thể hay cá nhân đã và đang gây
ra, thì vẫn luôn có nhiều thành tựu tốt. Vì đề tài bàn về việc chữa lành các vết
thương nên bài viết chỉ giới hạn tìm hiểu các vết thương.
1. Khủng hoảng môi trường- sinh thái
Khủng hoảng môi sinh nay đã tới mức báo động cho cả nhân loại.
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thuộc Liên Hiệp
Quốc (LHQ) công bố ngày 17/11/2007 cảnh báo tình trạng trái đất ngày càng nóng
lên và các nước nghèo, người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên. Khí thải gây
hiệu ứng nhà kính tăng 70 % từ năm 1970 đến 2004. Các chất hơi độc như thán khí
CO2, khí độc methane CH4, thải ra không khí chủ yếu từ
các công xưởng, nhà máy, và do các lò sưởi gia đình gia tăng một cách đáng sợ:
cao hơn cả 650.000 năm từ trước tới nay.[2]
Nhiệt độ trái đất gia tăng tác động mạnh nhất đối với những người dễ bị tổn
thương như người có vấn đề về tim mạch, hen suyễn, người già, trẻ sơ sinh và
người vô gia cư. Ô nhiễm nước và không khí, chủ yếu do chất thải công nghiệp,
rác thải của các hộ dân cũng như các kim loại nặng, là một nguyên nhân quan trọng
của một số bệnh như ung thư. Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đứng thứ ba trong số
10 thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới do biến đổi khí hậu![3]
“Con người là thủ phạm
của thảm trạng môi trường hiện nay”. Đó là lời nhận định của các nhà bác học
và chuyên gia về môi trường, tham dự Hội nghị Quốc tế về môi trường tại Paris,
2015.[4] Từ thập niên 60 của thế kỷ
trước, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phaolô VI gửi sứ điệp đến các tín hữu nhắc nhở về
trách nhiệm bảo vệ môi sinh trong nhãn giới đức tin. Năm 1971, Ngài trình bày
con người là tác nhân của khủng hoảng môi sinh khi không tôn trọng thiên nhiên,
sản xuất và tiêu thụ không kiểm soát, con người một cách vô ý thức đang tiêu diệt
chính mình: “Qua việc khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với
một nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vật cho việc tàn phá của
mình”[5]. “Chủ nghĩa tiêu thụ, một lối
sống phung phí và khai thác trái đất và các nguồn tài nguyên nối kết một cách nội
tại với bất công chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới và là một vết thương ảnh
hưởng cả toàn bộ thân thể Đức Kitô” (Peter-Hans Kolvenbach SJ).
Chính con người đã và đang biến chất chính mình qua lối sống
quy ngã. Bầu khí xã hội tràn ngập về hưởng thụ và lợi lộc đang tác động tiêu cực
trên con người. Khoa sinh thái học hôm nay chưa giải quyết vấn nạn cho môi trường
sống của thân xác, thì lại đến môi trường tinh thần bị đe dọa.
2. Đại dịch COVID-19 với những hậu quả thiệt hại
không kể xiết
Đại dịch COVID-19 trong hai năm qua đã và đang gây ra một cuộc
khủng hoảng phức tạp, đa diện. Các mối liên kết xã hội, bất bình đẳng giàu
nghèo, giai cấp, phân biệt chủng tộc (tác động đến người gốc Trung Hoa và châu
Á), môi trường sinh thái, chính trị, quản trị, tín ngưỡng, lưu thông kinh tế...,
gần như toàn bộ hoạt động của xã hội đang bị SARS-CoV-2 tác động và chất vấn.
COVID-19 đã dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng trên toàn thế giới và đặt
ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế công cộng. Đến cuối năm 2021,
toàn cầu ghi nhận hơn 263 triệu ca nhiễm và hơn 5,2 triệu ca tử vong. Con số hẳn
nhiên còn tiếp tục tăng khi đại dịch bùng phát trở lại ở nhiều nơi, cùng với sự
xuất hiện của các biến chủng mới.[6]
Theo một tuyên bố chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và
Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy hệ thống y tế trên thế
giới và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất kể từ những năm 1930. Kinh
tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng chục triệu việc làm bị mất và chuỗi
cung ứng bị gián đoạn. Hơn nửa tỷ người trên toàn cầu đã bị đẩy vào cảnh nghèo
đói cùng cực vào năm 2020 do mất việc làm, phải tự trang trải chi phí chữa trị
COVID-19.[7] Khoảng cách giữa người giàu
và người nghèo ngày càng bị khoét sâu. Dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng và
kéo dài gây những sang chấn thể lý, tâm lý, tinh thần nặng nề cho các bệnh
nhân, thân nhân và đại đa số dân chúng. Tại VN, trừ trong chiến tranh, có thể
nói chưa bao giờ người dân đau đớn nhận tin người nhà chết cô độc vì bệnh
(COVID-19), không nhận được xác, chỉ nhận được hũ tro cốt vài ngày sau đó. Nhiều
trẻ mồ côi cả cha và mẹ do COVID-19.
Nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho thấy
COVID-19 đã gây ra tình trạng chia rẽ về địa lý, thế hệ và xã hội trên khắp
châu Âu. Điều này có thể định hình nền chính trị của lục địa này trong nhiều
năm tới. Khủng hoảng COVID-19 và cuộc điều tra nguồn gốc virus còn tác động mạnh
tới các mối quan hệ quốc tế, như giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.[8]
Tài liệu chuẩn bị của Synod nhận định đại dịch đã bộc lộ rõ
nét những bất bình đẳng và bất công vốn đã hiện hữu: nhân loại dường như càng bị
chao đảo bởi các tiến trình đại chúng hóa và phân mảnh; số phận bi thảm của các
di dân và người nghèo trên khắp thế giới chứng tỏ các hàng rào phân rẽ gia đình
nhân loại vẫn dựng cao kiên cố.
3. Một nền văn minh sự chết ngày càng lan rộng
Tại nhiều nơi trên thế giới, não trạng duy lợi thực dụng chi
phối đám đông dân chúng, suy thoái đạo đức, tội ác bạo lực, chiến tranh gia
tăng... Ngừa thai nhân tạo với một số cách thức thực chất là hủy phôi sớm, phá
thai, phá thai chọn lọc, phá thai ưu sinh, thụ thai nhân tạo kéo theo hậu quả hủy
phôi, đông lạnh phôi người, nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người, án tử hình,
gây chết êm dịu, ô nhiễm các nguồn nước, đất đai, bầu khí quyển, nhiễm độc thức
ăn... làm tăng tỉ lệ ung thư và các bệnh tật, đang là biểu hiện đen tối của một
nền văn minh sự chết.
Tại VN, ngừa thai nhân tạo, thụ thai nhân tạo, phá thai lan
tràn, chẳng những hợp pháp mà còn nhiều khi được khuyến khích, tán thưởng, án tử
hình được sử dụng ngày càng nhiều nhưng tính răn đe của án tử hình tỏ ra không
hiệu quả vì tội ác xã hội ngày càng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng tàn
bạo hơn. Tham nhũng, việc mua bán bằng cấp, tước vị là điều phổ biến. Hệ thống
nhân viên cán bộ thì mập mờ và hầu hết mọi sự thăng thưởng đều dựa trên những
tiêu chuẩn bên ngoài khả năng học thuật và kỹ năng, như mức độ lai lịch chính
trị, lai lịch gia đình, hay sự móc nối cá nhân.[9]
Tham nhũng ở chính quyền các cấp, các ngành nghề, ngay cả nghề y và nghề giáo,
không thống kê hết được với số tiền thất thoát nhiều vụ lên đến hàng ngàn tỷ.
Đáng tiếc, trừ vài cá nhân GM hiếm hoi, thì GH địa phương, với nhiều lý do chủ
quan và khách quan, dường như chưa lên tiếng nói đối thoại với chính quyền và
xã hội để xây dựng một nền văn minh sự sống, bảo vệ chân lý luân lý mà đức tin
Kitô giáo đòi hỏi; tuy có cố gắng, nhưng có lẽ GH chỉ ở tình trạng “tồn tại” và
xoay quanh lãnh vực bác ái, xây dựng nội bộ.
4. Khủng hoảng về đời sống tính dục của giới trẻ
Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình VN, trung bình mỗi
năm cả nước có gần 300.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19, trong đó
60 - 70% là học sinh, sinh viên. Giới trẻ ngày càng có quan niệm rất thoáng
trong tình yêu và tình dục. Nhiều người trẻ cho rằng tình yêu đi liền với tình
dục, sẵn sàng trao thân và chấp nhận “giải quyết” khi để lại “hậu quả” ngoài ý
muốn.[10] Việc giáo dục giới tính học
đường tập trung chính yếu vào “tình dục an toàn”, tức là dạy cách sử dụng bao
cao su tránh thai. Các em hầu như không được học về phẩm giá con người, ý nghĩa
và vẻ đẹp đích thực của tính dục, tình yêu chân thật, giá trị của thân xác. Du
nhập văn hóa phương Tây không chọn lọc, khủng hoảng đời sống gia đình, cha mẹ
ly dị, cuộc sống di dân... nhiều lý do đẩy các bạn trẻ đến sự suy đồi trong đời
sống tính dục.
Lý thuyết Phái tính xuất hiện những năm gần đây cổ vũ cho đồng
tính luyến ái và chuyển giới. Lý thuyết Phái tính bác bỏ sự khác biệt và tính hỗ
tương trong bản chất người nam và người nữ, và đề nghị một xã hội bỏ qua các
khác biệt về giới tính, như thế, loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình. Lý thuyết
này không xem quy chiếu khách quan nào làm chuẩn về phái tính. Sự chối bỏ đó
còn tấn công vào định chế hôn nhân, gia đình, vào thiên chức làm cha, làm mẹ và
sự truyền sinh.[11]
5. Gia đình - nền tảng của xã hội - bị lung lay
Khủng hoảng trong hôn nhân gia đình hiện nay phần đông là
các gia đình trẻ. Các xung đột thường là vợ/chồng ngoại tình, xung đột trong
cách nuôi dạy con, do yếu tố kinh tế... Nhiều gia đình trẻ, tuy vẫn gặp mặt hằng
ngày nhưng vợ chồng, cha mẹ - con cái giao tiếp rất ít, thời gian dành cho nhau
rất ít, mỗi người chìm vào thế giới ảo trong cái điện thoại thông minh. Phụ nữ
VN hiện đại độc lập về kinh tế, mang tư tưởng “bình quyền” vào tổ ấm nên ít khi
“chịu lụy” như xưa mà hay cãi vã nếu có mâu thuẫn. Ngoài ra, trong hoàn cảnh
kinh tế thị trường phát triển nhanh chóng, sự du nhập văn hóa phương Tây, tự do
kết hôn, ly hôn. được pháp luật nhìn nhận khiến cho mối liên kết hôn nhân dường
như lỏng lẻo hơn. Từ đó, tỉ lệ đổ vỡ hôn nhân gia tăng, số đông người trẻ dường
như thiếu tin tưởng vào hôn nhân, dễ dàng chấp nhận những gia đình khiếm khuyết
như làm mẹ đơn thân, ly hôn. Hậu quả của các cuộc ly hôn là con cái khủng hoảng
tâm lý, học hành sa sút, rơi vào tệ nạn xã hội.
Theo tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Lệ Hằng, trước đây một gia
đình truyền thống với nhiều thế hệ sống chung thường có tôn ti trật tự, những
giá trị văn hóa được bồi đắp như “kính trên nhường dưới”, có được sự chia sẻ,
điều hòa trong nếp sống và ứng xử giữa ông bà - cha mẹ - con cái. Còn một gia
đình hiện đại thiếu hẳn đi cái khung văn hóa truyền thống, thiếu đi một “nếp
nhà” cần thiết để tiết chế những mâu thuẫn, xoa dịu và giải quyết những bất đồng.
Người trẻ khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng và tâm lý để đối
diện với các vấn đề phức tạp hôn nhân.[12]
ĐTC Phanxicô nhận định sự suy yếu của nền văn hóa hôn nhân gắn liền với một sự
gia tăng nghèo đói và một loạt những vấn đề xã hội động chạm cách bất tương xứng
những người nữ, con cái và người già. Theo ngài, khủng hoảng gia đình là gốc rễ
của sự khủng hoảng sinh thái con người.[13]
6. Lạm dụng tình dục của giới giáo sĩ
Ngày 16/2/2019 ĐTC Phanxicô đã phê chuẩn quyết định của Bộ
Giáo lý Đức tin (GLĐT), ra lệnh trục xuất Theodore McCarrick khỏi hàng giáo sĩ
vì tội ấu dâm. McCarrick nguyên là một Hồng y và Tổng Giám mục (TGM) của tổng
giáo phận Washington, một nhân vật đầy thế giá trong GH, trong giới ngoại giao
và chính trị tại Hoa Kỳ.[14]
Cách nay hơn 20 năm, GH Hoa Kỳ đã bị tai tiếng tồi tệ về lạm
dụng tình dục. GH tại Úc hiện nay cũng đang đối mặt với khủng hoảng do các vụ ấu
dâm của giáo sĩ.[15] Sau Hoa Kỳ, Úc, thì một số
trường hợp lạm dụng tình dục của giáo sĩ được báo cáo tại Chile, Ireland, New
Zealand, Canada, và đây đó ở Châu Âu (như Pháp), Châu Mỹ La Tinh và Châu Á.[16] Không chỉ một số linh mục
(LM), tu sĩ lạm dụng tình dục, mà cả một số GM, hồng y cũng phạm tội ác kinh khủng
“làm tan vỡ trái tim con người” này nữa! Tại VN thực tế vẫn có xảy ra các lạm dụng
tình dục của giáo sĩ tuy báo chí và truyền thông ít đưa tin về việc này. Lý do
một phần do các tín hữu còn rất nể trọng giới giáo sĩ nên khi xảy ra, chỉ im lặng
chịu đựng, ít khiếu nại hay tố cáo.
Các nạn nhân, giới truyền thông, một cách chính đáng đã yêu
cầu phải trừng phạt các giáo sĩ ấu dâm và một số vị lãnh đạo trong hàng giáo phẩm
đã có các sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết một số vụ lạm dụng tình dục.[17] Cách riêng, chúng ta không
thể quên nỗi đau tinh thần thể xác mà các trẻ vị thành niên và những người dễ bị
tổn thương phải chịu do việc lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền bính và lạm dụng
lương tâm của nhiều tu sĩ, giáo sĩ.
7. Não trạng giáo sĩ
trị
Não trạng giáo sĩ trị được Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) nhắc lại như là thách đố của thời đại, thách
đố cho các tín hữu và là chướng ngại mà các tu sĩ, LM cần phải vượt qua để sống
và cho mọi người thấy Tin Mừng chính là niềm vui. Não trạng này được Tông huấn
“Giáo Hội tại Châu Á” cụ thể hóa qua hình ảnh của một GH thừa hoạt động, nhưng
thiếu chất sống. Một GH quá chú trọng đến công tác tổ chức, xây dựng, mục vụ và
hộ giáo... nhưng hời hợt trong việc làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng.[18] Hiểu rộng ra, não trạng
giáo sĩ trị là cách sống quan liêu, tìm kiếm sự an toàn và coi mình làm trung
tâm để ban phát hơn là để phục vụ của các tu sĩ và giáo sĩ. Vì thế, Đức
Phanxicô mong muốn “Có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở
ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu
vào sự an toàn riêng của mình” (EG, 49).
8. Phẩm giá, vai trò
của người nữ bị hạ thấp
Trong Thư gửi các Phụ nữ tham dự Hội Nghị Bắc Kinh ngày
29/6/1995 ĐTC Gioan Phaolô II thừa nhận “chúng ta thừa hưởng di sản của một lịch
sử vốn bị điều kiện hóa, trong mọi thời và trong mỗi góc độ, đã làm cho bước tiến
của phụ nữ trở nên khó khăn, không nhìn nhận phẩm giá của họ, biến đổi những đặc
quyền của họ, không thiếu những người nữ bị loại trừ và còn bị sống trong cảnh
nô lệ. Tất cả những điều đó đã ngăn cản người nữ thể hiện chính mình cách trọn
vẹn, và đã làm cho toàn thể nhân loại nghèo đi về gia sản thiêng liêng”. ĐTC
Gioan Phaolô II nhìn nhận nhiều nguyên nhân phức tạp gây ra tình trạng tiêu cực
này vì các hình thức văn hóa qua nhiều thế kỷ đã hình thành tâm thức và định chế
con người. Dù sao, trong đó có lỗi của một số GM, LM của GH, và ngài đã chân
thành xin lỗi vì điều đó.[19]
Nhìn chung, việc tranh đấu cho nữ quyền đã gặt hái được nhiều
thành quả lớn trong mấy thập niên qua. Ngày nay người ta nhìn nhận rằng các quốc
gia khó thịnh vượng nếu một nửa dân số không được giáo dục và học hành tốt hay
không được bao gồm trong diễn trình đưa ra quyết định. Thực tế, phụ nữ vẫn còn
đang chịu nhiều thiệt thòi. Đức TGM Francis A. Chullikatt, Sứ thần Tòa Thánh và
là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh LHQ, chỉ ra rằng sự lăng nhục
này thấy rõ nhất khi các trẻ gái bị nhắm như là mục tiêu để phá thai chọn lọc;
hay là nạn nhân của sát nhi hay bị bỏ rơi, không cho tới trường, chịu cắt bỏ bộ
phận sinh dục, bị cưỡng hôn, hay buôn bán. Sự kinh hoàng của bạo lực gia đình,
cưỡng hiếp, buộc phải triệt sản và phá thai đang đe dọa sức khỏe và mạng sống của
phụ nữ. Tuổi già cô đơn và nghèo khổ, không một chút an toàn về xã hội hay kinh
tế cho phụ nữ. Những vấn đề bất bình đẳng như thế đòi một phương thức bảo đảm
được sự bình đẳng của phụ nữ trong khuôn khổ phát triển toàn cầu.[20]
Tại VN, đáng buồn là đang khi xã hội ngày càng thăng tiến
người phụ nữ trong hầu hết mọi ngành nghề, phụ nữ có tiếng nói được lắng nghe,
thì trong GH đây đó vẫn còn nhiều hiện tượng hạ thấp phẩm giá, vai trò của người
nữ, các nữ tu. Theo lời kể của một số nữ tu đang phục vụ tại các giáo xứ, LM xứ
đối xử với các chị như người giúp việc (nhưng “lộc thánh” thì hiếm khi chia sẻ
cho các chị!), thậm chí la mắng các chị ngay trong thánh lễ, có LM tỏ thái độ
coi thường “trình độ văn hóa thấp” của nữ tu, đây đó xảy ra lạm dụng tình dục đối
với nữ tu. LM xứ giống như “ông vua con” trong “lãnh địa” giáo xứ của mình! Tôi
đã từng nghe một giáo dân kể lại cha xứ của anh rất hay nóng tính la rầy giáo
dân trước và ngay trong thánh lễ khiến các giáo dân rất chia trí và sợ hãi khi
tham dự thánh lễ! Đáng tiếc là các LM ấy nhiều khi không ý thức rằng khi “ra
oai” như thế thì các vị làm hạ thấp phẩm giá của chính mình!
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng GH là dân lữ hành, ngay từ
ban đầu các tông đồ đều là các con người bất toàn, được Chúa Giêsu tuyển chọn,
huấn luyện để ngày càng có tình yêu tinh tuyền hơn với Thiên Chúa (TC) và cuối
cùng chết vì nước Trời. Vậy thái độ của mỗi tín hữu cần trung dung không chỉ
trích quá đáng gây mất hiệp thông, cũng không quá “thần thánh” hóa các LM, GM để
rồi nhắm mắt làm ngơ chịu đựng trước các sai lầm của các vị ấy.
9. Khủng hoảng nền
giáo dục tại VN
Khủng hoảng một triết
lý giáo dục: Một trong các mối đe dọa lớn cho ngành giáo dục hiện nay là sự
bá chủ giáo dục bởi kiến thức khoa học. Một mặt, không thể chối bỏ những lợi
ích lớn lao của tri thức. Mặt khác, con người đã và còn phải tiếp tục trả giá về
việc chiếm lĩnh thành tựu khoa học không đi đôi với việc huấn luyện và trưởng
thành nhân bản. Các câu hỏi thiết yếu như “Con người là gì?” “Tinh thần có tồn
tại không hay chỉ có vật chất thôi?” “Mục đích đời người là gì?” “Cuộc sống cao
thượng là gì?” hiếm khi được đặt ra. Nhưng nếu có, câu trả lời được chấp thuận
duy nhất là câu có thể quan sát và đo lường được.
Khủng hoảng về một
chính sách - đường lối giáo dục đúng đắn: việc học kiến thức dàn trải mà
thiếu tính ứng dụng; sử dụng một hệ thống đánh giá năng lực đơn điệu để cào bằng
tất cả học sinh; coi trọng hình thức và thành tích phù phiếm, dối trá trong việc
dạy học; đa số học sinh học hết phổ thông mà không biết mình thực sự giỏi cái
gì, đam mê cái gì và nên chọn ngành nghề gì.
Suy thoái đạo đức của
một số nhà giáo, từ đó gây khủng hoảng niềm tin của học trò đối với thầy cô
giáo; hiện tượng mua điểm, đút tiền để qua môn, học hộ, thi hộ. Bạo lực trong học
đường giữa thầy cô giáo với học sinh, hay giữa các học sinh với nhau không còn
là hiện tượng hiếm hoi. Thầy giáo lạm dụng tình dục, ấu dâm học sinh.
II. AI CHỮA LÀNH CÁC VẾT
THƯƠNG?
1. Thiên Chúa là Đấng chữa lành
“Người chữa trị bao
cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 146, 3)
Sự hiện diện của TC cạnh bên những người nhỏ bé, những người
đau khổ là một khám phá lớn trong Cựu Ước. Từ nay con người không còn đơn độc
trước những khó khăn cuộc sống, và trước kiếp sống đau thương của một số người.
Đnl 1, 31 b: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mang anh em như một người mang
con mình suốt con đường anh em đã đi”. TC yêu thương trần gian và để trần gian
được chữa lành và cứu độ, TC đã cho Ngôi Lời nhập thể.
2. Đức Giêsu Kitô, Đấng chữa lành mọi đau khổ tật
nguyền
Tân Ước cho thấy trong sứ vụ công khai của mình, ở đâu Đức
Giêsu hiện diện, thì ở đó có sự chữa lành. Đối với Ngài, không có hình thức bệnh
tật thể xác hay tâm hồn nào lại không thể cứu chữa được. Ngài cảm nhận được nỗi
đau khổ của những người bệnh và chữa lành họ khi họ kêu xin Ngài, mở rộng tâm hồn
để đón nhận. Điều quan trọng, khi Đức Giêsu chữa lành ai đó, Ngài mời gọi họ đặt
niềm tin vào TC và vào Ngài.
Chính bởi những vết thương của Đức Giêsu Kitô mà nhân loại
được chữa lành. Ngôn sứ Isaia đã viết về vai trò “gánh tội trần gian” của Ngài:
“Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho
chúng ta được chữa lành” (Is 53,5). Cái chết trên Thập giá và sự sống lại của Đức
Giêsu trở thành Biến Cố “một lần cho tất cả” để cứu độ con người mọi nơi và mọi
thời.
Đức Giêsu nâng cao phẩm
giá con người, phẩm giá người nữ. Mỗi người được TC tạo dựng đều có phẩm giá
độc đáo không thể bị hủy diệt vì mang hình ảnh TC. Phẩm giá con người còn được
đề cao khi Đức Kitô mang lấy thân phận người và Ngài đồng hóa chính mình với những
kẻ đói khát, trần truồng, khách lạ, đau yếu, tù tội (Mt 25,31- 46). Đức Kitô đã
có một thái độ cởi mở, tôn trọng, đón tiếp, dịu hiền với các phụ nữ.
Chúa Giêsu hiền lành
và khiêm nhượng: hiền lành chứ không nhu nhược. Ngài can đảm nói lên sự thật
để chân lý được chiếu tỏa, thực thi tính ngôn sứ, dám vạch trần tội ác, sự dữ,
dù bị bách hại chứ không tìm sự bình an cho riêng mình. Ngài quát mắng quỷ xuất
ra khỏi người bệnh; đuổi bọn buôn bán ra khỏi đền thờ, la rầy Phêrô là “satan”
khi dám cản trở Ngài đi trên đường thập gia...
Con đường lãnh đạo của
Chúa Giêsu là con đường của người tôi tớ. Chúa Giêsu không tìm cách phấn đấu
cho sự vĩ đại cá nhân, không tìm trở thành trung tâm cho sự chú ý. Trong cộng
đoàn của Matthêu, Chúa Giêsu dạy các tông đồ tránh các kỹ thuật nhằm bảo đảm địa
vị bề trên. Không mặc các bộ đồ tôn giáo để thu hút sự chú ý, không dành các chỗ
ngồi riêng trong các hội nghị tôn giáo nhằm biểu trưng vai trò lãnh đạo (Mt
23,5-10). Con đường lãnh đạo của Chúa Giêsu là con đường của người tôi tớ, lãnh
đạo mà không thống trị kẻ khác, và mời gọi người ta hoán cải mà không ép buộc họ
phải suy nghĩ giống mình. Ngài không lạm dụng quyền lực của mình để tìm tư lợi.
Ngài biết rằng quyền lực của Ngài phát xuất từ, và cắm rễ trong TC Cha. Ngài diễn
tả uy quyền của tình yêu TC qua đời sống phục vụ con người. Ngài thi hành quyền
lực để nuôi dưỡng và giải thoát con người, giữ mối tương quan chính đáng với mọi
người. Các phép lạ của Ngài là dấu hiệu của quyền uy giải phóng và chữa lành.
Các dụ ngôn của Ngài thường là các nhận định đảo ngược trong tương quan quyền lực:
kẻ trước hết trở nên sau hết, người sau hết trở nên trước hết; người trên hết bị
hạ thấp và kẻ thấp hết được nâng cao. Đỉnh cao quyền uy của Ngài là cái chết cứu
độ trên thập giá.
Chúa Giêsu thanh tẩy
đền thờ của TC. Đọc Ga 2,13-22 có thể hiểu Đức Giêsu trong đường hướng của
các ngôn sứ lên án nền phụng tự giả dối, vì được thực hiện cùng với sự bất công
và bóc lột người nghèo. Đức Giêsu đã tấn công vào hệ thống kinh tế của Đền Thờ,
cái hệ thống mang lại cho các nhà lãnh đạo Do Thái giáo nguồn lợi to lớn. Chim
câu là là hy lễ của những người nghèo (Lv 5,7; 14,22). Lễ toàn thiêu và hy lễ
là những phương thế giao hòa với TC. Vì thế, những người bán chim câu trong Đền
Thờ là những kẻ thu lợi trực tiếp từ sự giao hòa của người nghèo với TC, và do
đó, họ là đại diện cho tất cả những phẩm trật có quyền “chấm mút” cách này cách
khác trong những “dịch vụ” liên quan đến TC. Đức Giêsu lên án mạnh mẽ việc làm
nhơ uế đền thờ, sự lạm dụng và bóc lột người nghèo. Đoạn Ga 2,13-22 có sức chất
vấn mạnh mẽ cuộc sống đạo của mỗi người và nhất là các vị chức sắc giáo sĩ.[21]
Đức Giêsu, nhà giáo dục
tài ba. Đức Giêsu đã huấn luyện 12 tông đồ từ những người tính khí và hoàn
cảnh khác nhau, ít học, lầm lỗi, ham địa vị danh lợi, yếu tin, nhát đảm, thậm
chí chối Thầy... trở thành những con người nhiệt huyết hăng say rao giảng Tin Mừng
và cuối cùng sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Nước Trời. 12 tông đồ đã có khả
năng thay đổi thế giới và ảnh hưởng gần 2 tỷ người Kitô giáo trong đó khoảng 1
tỷ người công giáo ngày nay, và còn mở rộng hơn nữa.
Đức Giêsu phục sinh về Trời, đã thiết lập GH hiệp hành để
thay Ngài dẫn dắt đoàn dân lữ hành.
3. Một Giáo Hội hiệp hành
Theo GH học của Công đồng Vatican II, GH là Dân Thiên Chúa
hiệp thông. Vai trò cốt lõi của GH địa phương như sự hiện thực hóa Tin Mừng tại
nơi mình sống, hay như sự nhập thể mầu nhiệm GH vào văn hóa, đời sống người dân
tại địa phương đó.[22]
Hướng đi của Synod 2023 xây dựng một GH hiệp hành là để băng
bó các vết thương của thân mình nhân loại hầu có thể khơi dậy niềm tin và thắp
sáng hy vọng. Vậy một cách logic, muốn băng bó chữa lành các vết thương thân
mình nhân loại thì phải kiến tạo được một GH hiệp hành ở cấp độ cơ bản từng cá
nhân tín hữu, tu sĩ, giáo sĩ, đồng thời mở rộng ở cấp độ gia đình, giáo xứ,
giáo phận, GH tại mỗi quốc gia, châu lục, rồi cả GH hoàn vũ. Đây là một tiến
trình thực hiện trong suốt ba năm chuẩn bị Synod 2023 và hẳn nhiên phải kéo dài
và hoàn thiện suốt đời mỗi người và toàn thể GH. Thật ra GH hiệp hành không phải
là ý tưởng mới, như Tài liệu chuẩn bị đã chỉ rõ ngàn năm đầu tiên, GH đã là một
GH hiệp hành. Liên Hội đồng GM Á Châu luôn nhắc nhở GH tại Châu Á phải luôn đồng
hành với hơn một tỷ người nghèo đói; thần học Á châu phải là nền thần học gắn
liền với cái miệng, đôi tay, bước chân của những người lao động chân lấm tay
bùn. Tại VN, đối thoại giữa GH địa phương với người cộng sản cũng cần được lưu
tâm.
Một câu nói thường nghe thấy “ngày nay người ta cần chứng
nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ tin vào thầy dạy thì bởi vì trước hết thầy dạy
đó là chứng nhân”. Con người là chủ thể gây ra các vết thương hằn sâu ngang dọc
trên thân thể nhân loại, nên con đường chữa lành cơ bản nhất là những con người
phải được hoán cải, thay đổi nội tâm, để cho Chúa ngự đến trong tâm hồn. Hơn ai
hết, chính các hồng y, GM, LM, phải được hoán cải nội tâm và phương thế sống để
có thể trở thành những người có khả năng sống mật thiết với Chúa, nói về Chúa,
làm chứng cho Chúa, thấm đẫm mùi chiên, trở thành một Đức Kitô khác, chứ không
phải “quá khác Đức Kitô”. Các vị ấy cùng với các Kitô hữu phải là những chứng
nhân của niềm vui, niềm tin và hy vọng.
4. Người Samari nhân hậu: mỗi tín hữu và toàn thể
GH
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn người Samari nhân hậu với lời mời
gọi mỗi người: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37). Khi GH công bố Đức Kitô là Đấng
“đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm
chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10, 38), GH nhận thức mình là người
mang sứ điệp cứu độ đang vang vọng với tất cả sự mới mẻ ngay chính giữa cảnh khốn
cùng và nghèo khổ của đời người (Evangelium
Vitae s. 32). Chúa Giêsu bảo các môn đệ “các con hãy cho họ ăn”, và Ngài cần
con người dâng lên năm chiếc bánh và hai con cá mà họ có rồi Ngài mới dùng quyền
năng biến bánh và cá hóa nhiều đủ cho đám đông dân chúng (Mc 6, 34-44). Qua hai
năm đại dịch COVID-19 hoành hành, sự hiện diện của những người Samari nhân hậu
khắp nơi thuộc mọi tầng lớp xã hội, tôn giáo, đã chữa lành phần nào vết thương
do đại dịch gây ra.
III. CHỮA LÀNH CÁC VẾT THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?
Công đồng Vatican II giúp những người đã chịu phép Rửa, cả
các giáo dân và giáo sĩ, ý thức lại rằng tất cả đều được kêu gọi để tham gia
tích cực vào sứ mạng cứu độ của GH (Lumen
Gentium, LG, 32-33). ĐTC Phanxicô nhắc nhở tiến trình Thượng HĐGM không phải
tranh luận ý thức hệ, mà là nơi hiệp thông giữa các đặc sủng, sự phân định
trong Thần Khí và đồng trách nhiệm. Mỗi người tùy theo đặc sủng của mình. Trên
con đường này, chúng ta không những cần thay đổi tâm thức, mà còn cần thay đổi
con tim, một sự hoán cải.[23]
1. Kiến tạo một thần học thực hành môi sinh Kitô
giáo
Thần học môi sinh là một nỗ lực để suy tư về môi sinh trong
nhãn giới cứu độ. Cần làm cho mọi người hiểu rằng cộng đồng sự sống của sinh
thái này đang bị đe dọa trầm trọng. Cần khơi dậy ý thức bảo vệ môi sinh. Đây
không phải chỉ là vấn đề môi trường sống mà thôi, nhưng còn là vấn đề con người,
thái độ sống và cả với cách cư xử với nhau, với vũ trụ, và thiết yếu với TC (x.
Laudato si' s. 14,18,19). ĐTC Gioan Phaolô II, khẳng định khủng hoảng môi sinh
đồng thời là một khủng hoảng về luân lý. Trong thông điệp đầu tiên, Ngài đã cảnh
báo: “Con người đã không nhìn vũ trụ với một ý nghĩa nào khác, ngoài mục đích sử
dụng trực tiếp và lạm dụng”. (1) Ngài kêu gọi toàn thế giới phải có
một sự hoán cải về mặt sinh thái,[24] [25]
cần gìn giữ những điều kiện luân lý cho một sinh thái nhân bản (écologie
humaine).[26] Việc bảo vệ trái đất đòi hỏi
thay đổi sâu xa trong “cách sống, kiểu mẫu sản xuất, tiêu thụ và cơ cấu quyền lực,
là những thứ đang thống trị xã hội”[27].
Việc phát triển mang tính nhân bản thực sự phải đưa đến một sự tôn trọng trọn vẹn
đối với con người, cùng lúc phải chú tâm đến vũ trụ, các loài thụ tạo khác, đến
“bản chất của từng sinh vật và liên hệ trao đổi của nó trong hệ thống xác định”.[28] Ngày nay, đối với Kitô hữu,
bảo vệ môi sinh chính là một lối sống cụ thể mầu nhiệm hiệp thông giữa TC, con
người và vũ trụ.
Thế hệ hôm nay phải phân định các giải pháp dài hạn và ngắn
hạn để bảo đảm cho các thế hệ tương lai có thể tồn tại và phát triển. Chúng ta
cần hiểu và hành động cụ thể ngay lập tức.
Một sự liên đới mới: Môi
trường và nguồn năng lượng của địa cầu ngày nay được xem là tài sản, lợi ích
chung nhân loại. Theo truyền thống Công giáo, lợi ích chung toàn cầu được đặc
trưng bằng nhiệm vụ đoàn kết liên đới, “một xác quyết vững chắc dấn thân cho lợi
ích chung,” “một ước muốn ‘mất chính mình' vì người khác thay vì khai thác họ,”
(Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei
Socialis, SRS s.38).
Mục tiêu hoàn vũ của
các tạo vật: TC đã ban hoa trái của trái đất để duy trì toàn thể gia đình
nhân loại mà không loại trừ hay ưu đãi riêng ai. Trong khi tiến về một nền kinh
tế duy trì môi trường, chúng ta buộc phải làm việc cho một hệ thống kinh tế
công chính chia sẻ công bình tài sản trái đất và hiệu quả lao động nhân loại
cho tất cả các dân tộc (Centesimus Annus,
s. 31).
Chọn lựa người nghèo:
Vấn đề môi sinh nối kết mật thiết với công bình cho người nghèo. Sự tiến bộ môi
trường không thể đạt được bằng với sự trả giá các quyền lợi của người lao động.
Các giải pháp cho môi trường phải không ép buộc chúng ta chọn lựa giữa một môi
trường tốt lành và một đời sống tốt đẹp cho người lao động. Theo ông Aloysius
John, Tổng thư ký Caritas quốc tế, tên mới của nạn nghèo ngày nay là cuộc khủng
hoảng môi sinh.[29]
Sự phát triển đích thật:
Sự phát triển kinh tế không bị kìm hãm không phải là câu trả lời đầy đủ để
cải thiện đời sống của người nghèo. Giáo huấn xã hội Công giáo không bao giờ chấp
nhận sự tăng trưởng vật chất như là một mô hình của phát triển. Phát triển đích
thật thúc đẩy điều tiết và ngay cả khổ chế trong sử dụng những nguồn tài nguyên
vật chất. Nó cũng khuyến khích một cái nhìn quân bình về thăng tiến con người
đi đôi với tôn trọng thiên nhiên.
Mạng lưới sự sống:
Chúng ta cần xây dựng các cầu nối giữa hòa bình, công bình, và các hiến chế và
biện pháp môi sinh.
Nguyên tắc cơ bản: Sinh
thái làm thành một phần hiểu biết của chúng ta về công bình và trở nên một chiều
kích thiết yếu cho đức tin, đời sống và sứ vụ của chúng ta. Thực hiện đối thoại
văn hóa, tôn giáo phải đi cùng với bảo vệ sinh thái. Bảo vệ sinh thái phải là một
ưu tiên tông đồ trong thế giới hôm nay, cho thế hệ hôm nay và ngày mai.[30]
ĐTC Phanxicô nhắc nhở cần thúc đẩy “văn hóa quan tâm” nhằm
chống lại biến đổi khí hậu. thúc giục chính phủ các quốc gia tôn trọng các cam
kết giảm phát thải CO2 và hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Cần nỗ lực để
đạt được mức giảm lượng khí thải, giảm việc sử dụng nước và điện, đồng thời sử
dụng các chiến thuật khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông bền vững,
tái trồng rừng và tái chế chất thải.[31]
2. Kiến tạo một tiến trình đào tạo LM toàn diện trưởng
thành nhân bản và tâm linh
Khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ hạ thấp tính khả
tín của GH. Dù sao đây vẫn là một thực tế mà GH phải can đảm đối mặt, tìm ra
phương thế dài hạn và ngắn hạn giải quyết, chăm sóc, đền bù cho các nạn nhân, kỷ
luật kẻ phạm tội, và ngăn ngừa tội phạm tương lai.
Các nạn nhân bị lạm dụng
tình dục: GH, qua GM hoặc vị đại diện của ngài, phải sẵn sàng lắng nghe các
nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời liệu cách giúp họ về tâm lý, tinh thần,
vật chất.
Bảo vệ các trẻ vị
thành niên: Tại một số quốc gia, nhằm bảo đảm cho trẻ vị thành niên được sống
trong “môi trường an toàn”, các chương trình giáo dục và ngăn ngừa đã được khởi
xướng ngay trong GH. Các chương trình này tìm cách giúp đỡ phụ huynh cũng như
những người làm công tác mục vụ và trường học nhận ra những dấu hiệu của sự lạm
dụng và có biện pháp thích hợp.
Việc đào tạo các LM và
tu sĩ tương lai: Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ
dữ đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian. Chính vì thế Ngài khẩn
khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (Ga 17, 15). “Khi còn ở với họ, Con đã
gìn giữ họ... Con đã canh giữ họ...” (Ga 17, 12). Thánh thiện là thuộc tính của
TC, làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian, với lối
suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa môn đệ chính
là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn
vẹn. “Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13). Được
thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào lại thế gian. Nếu
không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào, ta sẽ chẳng biến
đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.[32]
Điều cơ bản, như Tông huấn Pastores dabo vobis (Ta sẽ ban
cho các ngươi những mục tử) của ĐTC Gioan Phaolô II, cũng như các huấn thị của
các bộ thẩm quyền của Tòa Thánh chỉ ra, đòi hỏi gia tăng một sự phân định đúng
đắn ơn gọi tu trì và việc huấn luyện nhân bản và thiêng liêng trưởng thành,
lành mạnh, thấm nhuần đức khiết tịnh của các ứng viên LM, tu sĩ. Các vị đào tạo
cần giúp ứng viên, và cả chính các nhà đào tạo bản thân là giáo sĩ, ý thức về
những trách nhiệm gắn liền với tình phụ tử thiêng liêng của chính mình, của người
giáo sĩ, LM.
Trong Thư của ĐTC Phanxicô gửi dân Chúa ngày 20/8/2018, ngài
chỉ rõ một trong các nguyên nhân gây ra nạn lạm dụng tình dục là hình thái giáo
sĩ trị trong GH: “Hình thái giáo sĩ trị, dù được dung dưỡng bởi chính các linh
mục hay bởi những người giáo dân, đều gây ra sự chia tách trong thân thể Giáo hội;
sự chia tách này vừa khuyến khích vừa giúp duy trì nhiều sự ác mà ngày nay
chúng ta tố giác. Nói không với những lạm dụng là dứt khoát nói không với mọi
hình thái giáo sĩ trị”.[33] Đức Phanxicô đã chỉ cho thấy
nguyên nhân của nó đến từ những cám dỗ của thời đại và từ những tâm hồn nguội lạnh,
thiếu đời sống thiêng liêng, cầu nguyện. Về phần các LM, cần được hoán cải, gặp
gỡ được TC, để được biến đổi. Việc đào tạo LM thấm nhuần tinh thần Phúc Âm là
quan trọng. Về phần các giáo dân, các nữ tu cũng cần ý thức phẩm giá của mình,
và dám can đảm đối thoại thẳng thắn với các LM có thái độ giáo sĩ trị, tránh
khúm núm, sợ hãi hay tâng bốc LM, GM quá đáng.
3. Đào luyện lương tâm trưởng thành
Đời sống đức tin và luân lý của Kitô hữu không tách rời mà
hòa quyện với nhau thành câu chuyện lịch sử ơn cứu độ riêng cho người ấy. Nói
cách khác, sống đức tin là cùng với Chúa viết nên câu chuyện riêng của đời mình
trong thực thi luân lý hàng ngày. Huấn quyền với Luật GH và Luật TC như vị Thầy
dạy uy quyền đầy lòng thương xót, đại diện uy tín và thế giá của Chúa Kitô, chỉ
cho mọi người con đường đúng đắn để đi đến gặp Chúa. Lương tâm mỗi người sẽ được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chọn lựa các phương thế thích hợp với người ấy để
đi trên con đường đó. Với lương tâm trong sáng chân thực được thúc đẩy bởi Chúa
Thánh Thần, mỗi người sẽ viết nên câu chuyện lữ hành của đời mình, rất riêng và
độc đáo dưới con mắt Chúa và tha nhân.
4. Nâng cao phẩm giá người nữ
Vượt lên mọi quy định hiện hành của văn hóa đương thời đối với
người phụ nữ, Đức Giêsu tôn trọng nơi người nữ phẩm giá mà họ luôn có từ trong
kế hoạch và trong tình yêu của TC. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu, mỗi giáo sĩ phải tự
hỏi: sứ điệp của Ngài đã được đón nhận và thực hành đến đâu?[34]
ĐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh chính khi phụ nữ được giải phóng
khỏi mọi hình thức lạm dụng và thống trị, thì chính là lúc Tin Mừng Đức Kitô được
thể hiện. Đức TGM Chullikatt cho rằng phương thức đối với phụ nữ trong Các Mục
Tiêu Phát Triển Bền Vững phải thừa nhận và giúp phụ nữ vượt thắng được các rào
cản không cho phép họ bình đẳng, nhưng không được phép bắt buộc họ phải từ bỏ
các yếu tính của họ, giúp họ hiện diện trong mạng lưới liên hệ đem lại cho họ ý
nghĩa, sự phong phú, căn tính, và tình yêu nhân bản. Các liên hệ này, nhất là
vai trò trong gia đình, trong tư cách mẹ, vợ, người săn sóc, có những hiệu quả
sâu sắc đối với các chọn lựa của họ và việc họ ưu tiên hóa các quyền lợi trong
suốt đời sống của họ. Các chính sách lao động không chỉ tạo các cơ hội đồng đều
để có việc làm, mà còn phải bảo đảm có sự nhịp nhàng giữa việc làm có lương và
các trách nhiệm gia đình. Cần có các cố gắng nghiêm túc để trợ giúp phụ nữ
trong các chọn lựa gia đình của họ.[35]
Chính các phụ nữ, nữ tu cũng cần ý thức về phẩm giá của mình.
Ước muốn trở nên những thành tố chính trong lòng GH từ phía
giới trẻ và yêu cầu đánh giá đúng hơn về vai trò phụ nữ, cũng như tạo cơ hội
cho họ có không gian tham gia vào sứ vụ của GH, vốn đã được Synod 2018 lưu ý, đều
đã được xác nhận. ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm sáu nữ giáo dân vào Hội đồng Kinh tế
mà Ngài thiết lập ngày 24/2/2014.[36] Ngày 26/8/2021 nữ tu
Alessandra Smerilli, 46 tuổi, được bổ nhiệm làm thư ký của Bộ Phục vụ Phát triển
Con người Toàn diện - một chức vụ cao cho một phụ nữ trong giáo triều Rôma.[37] Đó là một dấu hiệu cho thấy
quyết tâm của ngài trong việc trao thêm nhiều trách nhiệm hơn cho phụ nữ tại
Vatican trong các vị trí không yêu cầu phải phong chức. Để có thể cũng làm được
như thế, các GH địa phương, các dòng tu cần nâng cao đào tạo tri thức cho các nữ
tu để họ có thể “đồng bàn” đối thoại, tư vấn cho các LM, GM trong các vấn đề
liên quan tri thức, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, ngay cả thần học, Kinh
Thánh.
5. Rao giảng và củng cố một Tin Mừng về tính dục và
hôn nhân
GH khẳng định con người là một tổng thể hiệp nhất hồn và
xác. TC tạo dựng con người là nam, là nữ, theo hình ảnh và họa ảnh của TC. Thân
xác con người là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Hôn nhân đặt nền tảng trên sự bổ
sung hỗ tương nam nữ. Công đồng Vatican II đã dạy: “Con người, tạo vật duy nhất
trên mặt đất do TC tạo nên cho chính họ, không thể nào hoàn toàn tìm thấy được
chính mình nếu không chân thành trao ban chính bản thân mình” (Gaudium et spes, s. 24). Giáo huấn của
GH về tính dục và hôn nhân là Tin mừng, vì đó là chân lý về tình yêu, và tình
yêu đích thực là sự toàn thiện của con người. Ý nghĩa của sự sống và của tính dục
con người được tóm tắt trong lời dạy “Yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con”
(Ga 15,12). Cốt lõi của luân lý tính dục là sự biểu lộ tình yêu TC qua thân xác
chúng ta. Con người được tạo dựng là nam, là nữ theo hình ảnh TC, được gọi để
yêu như TC yêu, trong sự hiệp thông phát sinh sự sống của các nhân vị. Yêu và
được yêu như TC yêu là khát vọng thầm kín nhất của con người. Tính dục thật đẹp,
vì nó được nhắm đến để diễn tả tình yêu trọn vẹn, thủy chung và sinh hoa kết
trái của TC.[38]
6. Đóng góp của một nền giáo dục Kitô giáo tại VN
Nhãn quan giáo dục
Công giáo: nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn diện
con người, chiều kích nhân bản, hướng về thiện ích chung của xã hội và chiều
kích thần linh, hướng về mục đích tối hậu của con người. Bởi đó, thanh thiếu
niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng
thể lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết sử
dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã
hội và GH (x. Giáo Luật s.795).
Đức Giêsu Kitô là mẫu gương người Thầy tuyệt hảo: Chúa Giêsu
đã dùng lời nói và gương sáng mà huấn luyện các môn đệ Ngài đã chọn. Mối tương
quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ là gương mẫu cho mối tương quan thầy-trò
ngày nay. Người môn đệ được mời gọi sống thân mật với Chúa, càng ngày càng trở
nên gần gũi Chúa nhiều hơn, chia sẻ tâm tình, hành động của Chúa.
Khơi dậy tình yêu quê
hương: Khi nhập thể, Con TC nhận mảnh đất Israel làm quê hương. Người Công
giáo VN trước khi là Kitô hữu đã là người VN. Đại dịch là cơ hội nhắc nhở người
dân Việt, cách riêng người trẻ Công giáo, cần yêu GH, yêu Chúa cụ thể qua những
đóng góp xây dựng mảnh đất quê hương hình chữ S còn bao thách đố khó khăn.
Người Thầy cần khơi dậy nơi học trò niềm tin vào Chân, Thiện,
Mỹ, tạo ra một môi trường học tập bình đẳng và nhân văn, giúp học trò tự tin,
tư duy độc lập, đam mê và sáng tạo. Đức Bênêđictô XVI mời gọi các giáo chức
Công giáo: “Hãy làm chứng cho niềm hy vọng. Hãy nuôi dưỡng việc làm chứng bằng
lời cầu nguyện. Hãy luôn chú tâm đến niềm hy vọng là đặc điểm đời sống của quý
vị (x. 1 Pr 3, 15) bằng cách sống chân lý mà quý vị đề ra cho các sinh viên”.
IV. XÂY DỰNG CÁC NHỊP CẦU TƯƠNG QUAN
1. Thúc đẩy sự hợp tác đa ngành
Đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng nhiều mặt trên
toàn cầu. Con người không thể bước ra khỏi đại dịch này mà lại không được biến
đổi sâu xa.[39] Biến chuyển của tình thế buộc
phương pháp làm việc phải đa ngành. Một tình huống mới xảy ra cần phải được xem
xét bởi các chuyên viên nhiều lãnh vực: nhà toán học dựng mô hình biến hóa, nhà
xã hội học dự đoán tác động của cơn dịch lên dân chúng, các nhà dịch tễ học và
môi trường sinh thái phối hợp tra cứu nguồn gốc virus gây bệnh, nhà nghiên cứu
ráo riết chế xuất vaccine, thuốc điều trị, các bác sĩ học hỏi và rút kinh nghiệm
tìm hướng điều trị thích hợp, chính quyền tìm phương thế giải quyết, xử lý
thách đố, khó khăn của dân chúng...
2. Xây dựng nhịp cầu giữa người giàu và người
nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo
Đại dịch toàn cầu COVID-19, “có lúc đã khơi lại rõ ràng cái
cảm thức chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con
thuyền, ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác. Phải
nhớ rằng nếu có được cứu, thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ
riêng ai đó được cứu” (Fratelli tutti
FT, 32).
3. “Nền kinh tế Phanxicô”: Kinh tế + Tình huynh đệ x
Phát triển = Tương lai [40]
Đây là một cách hiểu mới về kinh tế theo tinh thần của thánh
Phanxicô Assisi và thông điệp Laudato si'.
Những người trẻ, các nhà kinh tế, và các nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới
được mời cùng nhau suy tư để xây dựng một hiệp ước liên thế hệ nhằm thay đổi nền
kinh tế hiện tại và “thổi hồn” cho nền kinh tế tương lai, để nó công bằng, toàn
diện và bền vững hơn.[41]
Nền kinh tế Phanxicô đặt
con người ở trung tâm của nền kinh tế. Đại dịch khiến con người thêm mong
manh và người nghèo là những nạn nhân đầu tiên. Tiền của phải được dùng như một
phương tiện phục vụ cho việc xây dựng một nền kinh tế tốt đẹp, giàu ý nghĩa và
ân ban, không loại trừ ai, nó phải hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và đặc
biệt là những người khốn cùng.
Nền kinh tế xã hội
Phanxicô đầu tư vào con người, thực hiện một nền kinh tế toàn diện và bình
đẳng, phục vụ mọi người, bảo đảm nền giáo dục và công việc xứng đáng.
“Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai”:
Đối phó với các hiệu ứng dây chuyền về kinh tế của đại dịch, nền kinh tế
Phanxicô với một phương trình mới này có thể giúp phát triển kinh tế trong tầm
nhìn về tình liên đới đại đồng.[42]
4. Xây dựng tình huynh đệ, tình bằng hữu xã hội
theo Thông điệp Fratelli tutti
Thông điệp FT của
ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 3/10/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Fratelli tutti - Với hai từ này, thánh
Phanxicô Assisi đã gợi mở một lối sống mang bản sắc Tin Mừng. Chọn lời khuyên của
Thánh Phanxicô, ĐTC kêu gọi một tình yêu vượt quá các rào cản địa dư và khoảng
cách (s.1). ĐTC nhận định bức tranh y tế toàn cầu chỉ ra rằng “không ai sống
sót một mình” và thời gian này thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất”
nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (s.7-8). Một xã hội huynh đệ là một
xã hội phát triển nền giáo dục hướng đến đối thoại để loại bỏ “con virus của chủ
nghĩa cá nhân cực đoan” (s.105) và thúc đẩy mọi người cống hiến nhiều hơn.
ĐTC đề nghị hai phương thế để hiện thực hóa hình thức xã hội
này. Đó là: lòng tốt, nghĩa là ước muốn và làm điều tốt cho tha nhân (s.112);
và sự liên đới, hướng đến người đau khổ, người nghèo bị gạt ngoài lề xã hội, và
điều này được diễn tả qua việc phục vụ con người chứ không phải là các ý thức hệ
(s. 115). ĐTC gợi mở suy tư về “một nền đạo đức cho các mối quan hệ quốc tế”
(s.126), xây dựng tình bằng hữu xã hội mang tính quốc tế. Quyền được sống đúng
với phẩm giá con người là tất yếu, và bởi vì nhân quyền không có biên giới
(s.121). Một cách nào đó, tài nguyên của một quốc gia cũng là sở hữu của cả
nhân loại, không thể bị từ chối cho những ai đang cần đến dù người đó đến từ đất
nước khác. Do vậy, tuy quyền tư hữu tự nhiên đối với tài sản riêng là đúng đắn,
nhưng vẫn thứ yếu so với nguyên lý phổ quát là thụ tạo được ban tặng cho thế giới
(s.120).[43]
5. Đối thoại giữa Thiên Chúa, ông bà, cha mẹ và con
cái
Xây dựng gia đình dựa trên sự bổ túc vợ chồng nam nữ, thắt
chặt mối tương quan giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái để mọi người có
thể hiểu nhau, hiệp thông, đối thoại. Gia đình vẫn là nền tảng của việc sống
chung và là một bảo đảm chống lại sự tan rã xã hội. Gia đình là GH tại gia. Vợ
chồng cần dành thời gian cho gia đình con cái và cho nhau bên cạnh việc hoàn
thành trách nhiệm nghề nghiệp. Trong một bài phát biểu tại cuộc hội thảo quốc tế
liên tôn về sự bổ túc giữa người nam và người nữ, do Bộ GLĐT tổ chức, ĐTC
Phanxicô nhấn mạnh con cái có quyền lớn lên trong một gia đình với một người
cha và một người mẹ có khả năng tạo ra một môi trường thích hợp cho sự phát triển
của chúng và cho sự trưởng thành tình cảm của chúng. Ông bà tổ tiên và trên hết
là TC, là gốc rễ của gia đình. Giới trẻ cần được đồng hành để họ không bị ảnh
hưởng bởi não trạng độc hại về sự tạm thời và can đảm tìm kiếm một tình yêu vững
chắc và bền vững. Tức là lội ngược dòng văn hóa mang tính tạm thời, buông thả,
thậm chí thác loạn hiện nay.
6. Đối thoại giữa Kitô hữu và người Cộng sản
Bậc đáng kính Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận là một chứng tá
cho việc đối thoại giữa Kitô hữu và người cộng sản trong những năm ngài ở tù,
và đã dẫn đưa họ đến với yêu thương tha thứ. GH phải làm cho cộng đồng Kitô
giáo thành một chủ thể đáng tín nhiệm và là một đối tác đáng tin cậy trong hành
trình đối thoại xã hội, chữa lành, hòa giải, liên kết và tham gia. Một biểu hiện
tích cực tại VN: đại dịch COVID-19 mở ra sự hợp tác giữa chính quyền và các tôn
giáo ở tuyến đầu chống dịch, qua đó, có lẽ tương quan cởi mở và tôn trọng nhau
hơn.
7. Con người và vũ trụ
Toàn thể vũ trụ là nơi cư ngụ của TC. Khởi đầu tạo dựng, con
người đã đi dạo với TC trong hiu hiu gió mát. Xuyên suốt lịch sử, con người đã
tiếp tục gặp gỡ Đấng Sáng Tạo trên những đỉnh núi, sa mạc mênh mông, cạnh những
dòng thác... Trong những cơn bão và động đất, dân tìm ra những diễn tả của quyền
uy TC. Trong chu kỳ của các mùa, và vận hành các dải ngân hà, con người phân định
được những dấu hiệu của sự hiện diện, sự khôn ngoan và trung tín của TC. Nhãn
quan Kitô giáo về một vũ trụ thánh thiêng - một thế giới bộc lộ sự hiện diện của
Đấng Tạo Hóa bởi các dấu hiệu hữu hình và vô hình, có thể đóng góp xây dựng
trái đất một lần nữa thành ngôi nhà cho gia đình nhân loại. Tuong quan TC - con
người - các thụ tạo có thể diễn tả qua ba mối liên hệ không tách rời: giữa loài
người và các thụ tạo khác; loài người với TC; và TC với các thụ tạo khác.
Tôn kính Đấng Tạo Hóa hiện diện và hành động trong tự nhiên,
điều này có thể làm cơ sở cho việc con người trách nhiệm đối với môi trường. Bởi
vì chính cây cối, muông thú, đồi núi và đại dương, trong vẻ đáng yêu và siêu
phàm của chúng, nâng tâm trí chúng ta lên với TC. Tất cả thụ tạo thuộc quyền
TC, và làm tôn vinh TC. Vì vậy “nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là tôn trọng vạn
vật hơn là chỉ chăm sóc cho chúng. Đôi khi chúng ta cần để vạn vật một mình,
đôi khi sống hòa hợp với chúng”.[44] Thái độ tôn trọng này cần
xuất phát từ một sự hoán cải của con tim hơn là sự xác tín từ khối óc.[45] Chính là với Đấng Tạo Hóa
mà con người phải trả lời cho việc chúng ta làm gì, hoặc thất bại không làm, để
duy trì và chăm sóc cho trái đất và các thụ tạo khác (Tv 24,1). Sự viên mãn của
đời sống đến từ việc sống một cách trách nhiệm với các thụ tạo của TC. Tính quản
lý chỉ ra rằng chúng ta phải chăm sóc cho vạn vật theo những tiêu chuẩn không
phải do tự chúng ta đặt ra và đồng thời phải khơi nguồn tìm tòi những phương thức
để làm cho trái đất sinh sôi phong phú. Đây là một quân bình khó khăn, vừa đòi
hỏi một cảm nhận của sự giới hạn và một tinh thần của thực nghiệm.
Xây dựng được các nhịp cầu tương quan là bước khởi đầu để GH
khơi dậy niềm tin và thắp sáng hy vọng. Hai hoạt động này liên kết hữu cơ với
nhau, khi khơi dậy được niềm tin thì chắc chắn sẽ thắp sáng được hy vọng.
V. KHƠI DẬY NIỀM TIN- THẮP SÁNG HY VỌNG
Niềm TIN: là nhìn thấy ánh sáng bằng con tim của bạn,
khi những gì mắt bạn nhìn thấy chỉ là bóng tối.[46]
1. Đức tin của Tổ phụ Abraham
Niềm hy vọng nơi Abraham được Thánh Phaolô ghi nhận như “tin
vào điều chống lại hy vọng”: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông
cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18). Ngày
28/12/2016 trong buổi tiếp kiến chung, ĐTC Phanxicô đã nói với 8.000 tín hữu
tham dự: “Để tín thác phải biết nhìn với con mắt đức tin như tổ phụ Abraham đã
tin vào điều không thể được, và hy vọng vượt quá các lý luận của con người, của
sự khôn ngoan, cẩn trọng của thế gian, và điều thường được coi là lẽ phải”.
2. Đức Giêsu- Đấng khơi dậy niềm tin
Lc 24, 36-43: Đức
Giêsu hiện ra với các Tông Đồ. Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra đứng giữa
các môn đệ và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông sợ hãi, tưởng là thấy ma.
Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn
chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như
anh em thấy Thầy có đây?” Rồi Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Khi các
ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn
không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt
các ông. Đức Giêsu đã làm nhiều cách để họ tin rằng ngài đã phục sinh (mời
nhìn, mời sờ chạm, rồi Ngài ăn một miếng cá).
Ga 20, 24-29: Chúa
Giêsu phục sinh hiện ra với Tôma và các môn đệ. Đức Giêsu đến, đứng giữa
các ông và nói: “Chúc anh em được bình an”. Rồi Người bảo Tôma: “Đặt ngón tay
vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con!” Đức Giêsu giúp Tôma tin bằng cách khiêm hạ đến với ông, như thể
cho một mình ông; cho ông những điều ông đòi: thấy dấu đinh, xỏ ngón tay, đặt
bàn tay. Ngài khiêm hạ đối thoại với ông để ông tin.
Lc 24, 13-35: Đức
Kitô phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Tâm hồn của hai môn
đệ bị chìm trong đêm tối của nghi ngờ, của thất vọng vì Thầy Giêsu bị bắt, đánh
đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến,
chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Chúa Giêsu phục sinh đã “hiệp hành” với hai
môn đệ: cùng đi đường, cảm thông với sự mù tối của họ, giải thích Kinh Thánh, bẻ
bánh cùng ăn tối, và làm cho lòng hai ông “bừng cháy lên” ngọn lửa niềm tin.
Để xây dựng GH, Chúa đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ, huấn
luyện họ về lòng nhân ái và niềm tin vững mạnh nơi Chúa. Chúa hướng dẫn con
thuyền GH và con thuyền cuộc đời chúng ta để mỗi lúc gặp khó khăn chúng ta và cả
GH tin tưởng : “Hãy an tâm, có Thầy đây đừng sợ”. GH, cách riêng các mục tử hay
nhìn lên Đức Giêsu Kitô và học với Người.
3. Khơi dậy niềm tin trong hiện tại
Tin Mừng Maccô mở đầu với câu tuyên xưng: “Khởi đầu Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Suốt Tin Mừng không có thêm câu tuyên xưng nào
nữa, chỉ đến gần cuối, Chúa Giêsu mới được tuyên xưng là Con TC một lần nữa,
nhưng lời tuyên xưng không đến từ các môn đệ mà từ viên đại đội trưởng chỉ huy
việc thi hành án: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39) lúc Chúa
Giêsu bị đóng đinh chết đau thương nhục nhã trên thập giá. Maccô cho chúng ta
thấy chỉ khi trên thập giá thì căn tính đích thực của Chúa Giêsu mới tỏ hiện
ra. Và như thế, chỉ khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá mà
ta tuyên xưng rằng đây là Con TC thì đó mới là niềm tin sâu xa đích thực. Chứ
còn lời tuyên xưng vào Chúa lúc ta thành công, may mắn, hạnh phúc thì không thật
bảo đảm.[47]
Nhiều người bị khuất phục và đè bẹp bởi một cái chết bị tước
đoạt hết mọi viễn tượng của ý nghĩa và hy vọng. Một nhãn quan Kitô giáo là cần
thiết để có một hiểu biết tích cực về mầu nhiệm đau khổ và sự chết và từ đó
khơi lên niềm hy vọng. Vậy những ai sầu khổ, hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ta chẳng
lìa con, chẳng bỏ con bao giờ” (Dt 13,5). Thật ra, TC chẳng bao giờ muốn có sự
đau khổ, mà Ngài muốn sự sống của con người: một sự sống triển nở ngay trong những
đau khổ.
Chính Đức Giêsu Kitô, để chiến đấu và chiến thắng những cơn
cám dỗ, đã phải ăn chay suốt 40 ngày trong hoang mạc, hầu đặt trọn niềm tin vào
TC và Lời quyền năng của Ngài. Cũng thế, để có một Đất Hứa chan hòa sữa và mật,
dân Israel đã phải nằm gai nếm mật suốt 40 năm trường trong sa mạc. Cũng vậy,
thế giới có nhiều người thành đạt xuất thân nghèo nàn đói rách, anh chàng khuyết
tật Nick Vujicic đã phải phấn đấu với bao thử thách từ trong chính tâm hồn tới
xã hội chung quanh, chiến thắng các cơn cám dỗ thất vọng muốn tự tử khi biết lắng
nghe tiếng nói của TC để vươn mình lên, đứng vững và thăng tiến, và trở thành
nhà hùng biện thế giới về niềm tin vào TC.
ĐTC Phanxicô nhận định khi một người hoàn toàn tín thác vào
Chúa - người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian
truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy
vọng; và điều này dẫn đến bình an.
Những ngày tháng đại dịch kinh hoàng này, một điểm nổi bật
chung của số đông dân chúng là tâm trạng lo lắng. Nỗi lo là chính đáng, với lý
trí TC ban cho, con người cần có những lo liệu cho đời sống hiện tại và tương
lai. Nhưng sau khi đã làm hết sức, hãy phó dâng cho TC, Cha chúng ta trên Trời:
. .Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc
đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em,... Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”
(Mt 6, 19-34).
Thời gian đại dịch này chính là lúc mà người Kitô hữu chứng
tỏ với những người chưa biết Chúa về niềm tin tinh tuyền và đích thực vào Đức
Giêsu Kitô, Con TC hằng sống. Thế giới đang nhuốm màu xám buồn, các giáo sĩ, tu
sĩ, và các Kitô hữu có thể thắp sáng niềm tin cho thế giới chằng chịt vết
thương này bằng chứng tá đời sống vui, bình an, tha thứ, bác ái, quảng đại dấn
thân giữa muôn vàn thử thách gian truân.
4. Hy Vọng hướng tới tương lai
“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian
truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12)
Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, thần học gia
và bậc thầy của niềm hy vọng Kitô giáo đã nói: “Chỉ có một thất bại, đó là không
còn hy vọng nơi Chúa”. Trong nhãn quan Kitô giáo, hy vọng luôn luôn là niềm cậy
trông vào ơn cứu độ được TC hứa ban cho những ai tin vào Ngài, sống theo luật
Ngài.
Vâng, niềm hy vọng thay đổi tất cả mọi thứ. Nhìn cách lạc
quan, nhưng không kém thực tế: “Khi bầu trời tối đủ, thì bạn có thể nhìn thấy
các vì sao”.[48] Chính khi ấy, “Mùa tai họa
trở thành mùa hồng ân”. Ngạn ngữ có câu: với người lạc quan, mọi thử thách sẽ
biến thành cơ hội. Thật vậy, “Chúa có thể vẽ thẳng trên những đường cong”. Bill
Gates cũng theo hướng tích cực khi suy tư về COVID-19: “Khi nhiều người coi
virus Corona/COVID-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa
tuyệt vời... Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một
khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian cho suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học
hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ nữa tiếp
tục cho đến khi cuối cùng chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học”.[49]
Đức Hy Vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và
loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận
thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính TC, cắm rễ nơi Đức
Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần. Đức Hy Vọng hướng đến hạnh
phúc vĩnh cửu trên Quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ
khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ
chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo s. 1818).
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 127
(Tháng 1 & 2 năm 2022)
[1] Tài liệu chuẩn bị (PD, 32), trích
Phanxicô, Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Người trẻ (3/10/2018).
[2] “Hội nghị chống biến đổi khí hậu -
Paris 2015 / COP21: Những thách thức chưa từng có”, <http://www.ambafrance-vn.org/Nouvelle-traduction-Paris-climat>.
[3] Anh Tuấn, (Theo moitruong.com.vn/)
“Ô nhiễm không khí: Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư”, <http://khambenhnghe.com/O-nhiem-khong-khi-Nguyen-
nhan-hang-dau-gay-ung-thu_c2_543.html>; Phúc Long, “Jakarta chìm nhanh nhất thế giới, TP.HCM đứng
thứ 3”, <https://tuoitre.vn/akarta-chim-nhanh-
nhat-the-gioi-tp-hcm-dung-thu-3-20190503133848937.htm>, (3/5/2019).
[5] Address to FAO on the 25th Anniversary of its
Institution (16/11/1970), 4: AAS 62 (1970), 833, trích lại trong thông điệp Ls
s.4.
[6] Ngọc Anh - Danh Tâm - Tiến Hoàng, “Hai năm Covid-19
hoành hành thế giới”, <https://vnexpress.net/hai-nam-covid-19-hoanh-hanh-the-gioi-4399610.html>.
[7] Vũ Hoàng (Theo Reuters),
“Covid-19 đẩy hơn nửa tỷ người vào cảnh nghèo đói”, <https://vnexpress.net/covid-19-day-hon-nua-ty-nguoi-vao-canh-ngheo-
doi-4402108.html>, (12/12/2021).
[9] Hồng Lĩnh tổng lược, “Phúc Trình của
Đại Học Harvard về Hiện Trạng của Nền Giáo Dục Cao Đẳng-Đại Học tại Việt Nam:
Khủng Hoảng Suy Sụp và Phản Ứng”, <http://vietcatholic.org/News/Html/70794.htm>.
[10] Thanh Bình, “Giới trẻ Việt Nam ngày càng “thoáng” hơn
trong tình dục”, <https://kinhtedothi.vn/gioi-tre-ngay-cang-thoang-hon-trong-tinh-duc-353745.
html>, (30/9/2019).
[11] X. Nguyễn Hồng
Giáo, “Lý Thuyết Về Giống (Gender Theory) - Một Học Thuyết Kỳ Lạ Về Giới
Tính”, <http://catechesis.net/index.php/than-hoc/luan-ly/luan-ly-y-sinh-hoc/966-ly-
thuyet-ve-giong-gender-theory-mot-hoc-thuyet-ky-la-ve-gioi-tinh>.
[12] “Gia đình hiện đại khủng hoảng vì thiếu một ‘nếp
nhà'”, <http://webgiadinh.
org/gia-dinh-hien-dai-khung-hoang-vi-thieu-mot-quot-nep-nha-quot-800. html>, (Theo VietNamNet).
[14] Hannah Brockhaus, “McCarrick laicized by Pope Francis”, <https://www.catholicnewsagency.com/news/mccarrick-laicized-by-pope- francis-31512>.
[15] Joseph C. Pham (Theo
The Guardian) “Vị Linh Mục Ấu Dâm Gerald Ridsdale Bị Kết Án 11 Năm Tù Giam
Nữa”, <https://masimpress.com/ban-tin/vi-linh-
muc-au-dam-gerald-ridsdale-bi-ket-an-11-nam-tu-giam-nua>.
[17] Mark Miravalle, “10 Points to Ponder
in Examining the Cloyne Report”, <http://
www.motherofallpeoples.com/2011/08/10-points-to-ponder-in-examining-the-
cloyne-report/>.
[18] FM. Théophane - Thiên Phước, “Não trạng giáo sĩ trị: Nguyên nhân và phương thế chữa trị” <https://xitothienphuoc.net/nao-trang-giao-si-tri-nguyen-nhan-va-phuong-the- chua-tri/>, (2/1/2019).
[20] Vũ Văn An, “Quan điểm của Tòa Thánh về bình đẳng, nhất là về bình đẳng của phụ nữ”, <http://vietcatholic.org/News/Html/121528.htm>, (2/9/2014).
[21] Nguyễn Thể Hiện, “Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ”, <
http://dcctvn.org/chua- giesu-thanh-tay-den-tho/>.
[22] FABC/TAC,
Những Luận đề về GH địa phương: một suy tư thần học trong bối cảnh Châu Á, FABC Papers 60
[23] Ngọc Yến -
Vatican News, “Hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục 2023: Đây là nơi hiệp thông
giữa các đặc sủng, không phải tranh luận ý thức hệ”, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-08/thuong-hoi-dong-
hiep-thong-khong-y-thuc-he.html>,
(22/8/2021).
[25] X.
Catechesis (17/1/2001), 4: Insegnamenti 41/1 (2001), 179, trích lại trong Thông
điệp Laudato Si' s. 5
[26] Thông
điệp Centesimus Annus (1/5/1991), 38:
AAS 83 (1991), 841, trích lại trong Thông điệp Laudato Si' s.5.
[28] Gioan
Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei
Socialis (30/12/1987), 34: AAS 80
(1988), 559, trích lại trong Thông điệp
Laudato Si' s. 5.
[31] “Đức Giáo hoàng nói với Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu
của Liên Hiệp quốc: ‘Bây giờ là lúc thay đổi hướng đi'”, <https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-12/pope-francis-videomessage-un-climate-summit-2020-vatican. html>, (13/12/2020).
[32] Lm Nguyễn Cao
Siêu, “Xin Cha gìn giữ họ (5/6/2019 - Thứ Tư tuần bảy Phục sinh)”, <https://dongten.net/2019/06/04/xin-cha-gin-giu-ho-4-6-2014-thu-tu-
tuan-bay-phuc-sinh/>.
[33] “Hình thái giáo
sĩ trị”, <https://www.giaophanbaria.org/suy-niem-guong-song/on-goi/2020/11/19/hinh-thai-giao-si-tri.html>.
[35] Vũ Văn An, “Quan điểm của Tòa Thánh về bình đẳng, nhất là về bình đẳng của phụ nữ”, <http://vietcatholic.org/News/Html/121528.htm>, (2/9/2014).
[36] “Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm 6 phụ nữ vào Hội đồng
kinh tế Vatican”, <http://dcctvn.org/duc-giao-hoang-phanxico-bo-nhiem-6-phu-nu-vao-hoi-
dong-kinh-te-vatican/>,
(7/8/2020).
[37] “Nữ tu kinh tế gia Alessandra Smerilli được Vatican bổ
nhiệm”, <http://
phanxico.vn/2021/08/27/nu-tu-kinh-te-gia-alessandra-smerilli-duoc-vatican-
bo-nhiem/>, (27/8/2021).
[39] Nội dung chính yếu bài này được trích lại trong 3 bài
Phản Tỉnh về Đại dịch COVID-19 của tác giả đã được đăng trên báo Hiệp Thông.
[40] Hồng Thủy “Khai mạc “Nền kinh tế Phanxicô”: “Kinh tế
+ Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai”, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-
11/nen-kinh-te-phanxico-khai-mac-turkson-assisi.html>
[41] Hồng Thủy, “Nền kinh tế Phanxicô” được tiến hành
online từ 19-21/11/2020 <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-11/nen-kinh-te-
phanxico.html>.
[43] “Tóm tắt Thông điệp ‘Fratelli tutti
- Tất cả anh em'”, <https://www.vaticannews.
va/vi/pope/news/2020-10/tom-tat-thong-diep-fratelli-tutti.html>, (4/10/2020).
[44] Paul Fyle SJ, ASL, submission to IEN, May 2007, trích
dẫn trong Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and the
Environment,” 2008.
[45] Hyun- Chul Cho, submission to IEN, July 2007, được
trích dẫn trong Social Justice Secretariat, Society of Jesus, “Our Mission and
the Environment,” 2008.
[46] <https://princessofthelight.wordpress.com/2015/01/27/faith-close-your-eyes-
to-the-darkness-and-leapfrog-to-the-light-inspiration/>.
[47] Giám mục Nguyễn Văn Khảm, “Kinh Thánh 100 tuần, tuần
77”, <https://www.
youtube.com/watch?v=3g0ChO4v76I>.
[49] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all
equal in powerful open letter”.