HỌC HỎI SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI NĂM 2022
Ủy ban Truyền thông xã hội / HĐGMVN
WHĐ (17.3.2022) -- Theo thông lệ, Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022 sẽ được cử hành vào Chúa nhật Thăng Thiên 29-5-2022.
Và trước đó, vào ngày 24-1-2022, toàn bộ sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022 đã được công bố để mọi người suy tư và học hỏi.
Dưới đây là những câu hỏi giúp đào sâu suy tư và học hỏi kỹ lưỡng hơn về sứ điệp này.
1. Chủ đề sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022 là gì?
Chủ đề sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022 là ‘Lắng
nghe bằng trái tim’.
2. Chủ đề này nối tiếp chủ đề của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông
xã hội năm 2021 như thế nào?
Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021, chúng ta
đã suy tư về nhu cầu “Hãy đến mà xem” để khám phá thực tế và có thể kể lại, bắt
đầu bằng cách trải nghiệm các sự kiện và gặp gỡ giao tiếp với người trong cuộc.
Để có thể giao tiếp cũng như đối thoại với người khác cách chân thực thì điều
kiện tiên quyết là phải biết lắng nghe nhau, lắng nghe bằng cả trái tim.
3. Những lý do cốt yếu khiến người ta cần phải lắng nghe nhau là gì?
Cần lắng nghe người khác vì nhu cầu lớn nhất của con người là mong
muốn được lắng nghe, nhờ đó được thấu hiểu, được cảm thông và trở thành đối tác
trong yêu thương. Về cơ bản, lắng nghe là một chiều kích của tình yêu.
Chính Thiên Chúa mời gọi con người: “Nghe đây, hỡi Israel (Shema
Israel)” (Đnl 6,4) để họ có thể đi vào mối tương quan đối thoại yêu thương giữa
Thiên Chúa và con người qua đức tin. Đức tin có được là nhờ lắng nghe và lắng
nghe cũng là ân sủng Chúa ban. Thiên Chúa luôn mặc khải chính mình và yêu cầu con
người sẵn sàng lắng nghe để đón nhận mặc khải đó. Con người trở nên giống hình
ảnh Thiên Chúa trong khả năng lắng nghe, đón nhận và dành không gian cho người
khác khi họ biết lắng nghe nhau cách đích thực.
4. ĐTC Phanxicô nhận
định thế nào về việc lắng nghe trong thế giới hôm nay?
ĐTC Phanxicô nhận định rằng: việc lắng nghe đang có một bước phát triển quan
trọng mới trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, với sự xuất hiện của nhiều
podcast và audio chat, nhằm khẳng định rằng: lắng nghe vẫn là điều cần thiết
trong giao tiếp của con người.
Nhưng trên thực tế, con người lại đang mất khả năng lắng nghe
những người trước mặt, cả trong các mối tương quan bình thường hằng ngày cũng
như khi tranh luận về các vấn đề quan trọng nhất của đời sống dân sự.
Trong cuộc sống hằng ngày, thay vì lắng nghe nhau, những câu
chuyện lại thường chỉ là “ông nói gà, bà nói vịt”. Đây là một triệu chứng cho
thấy, thay vì tìm kiếm chân lý và thiện hảo, người ta lại tìm kiếm sự đồng
thuận; thay vì lắng nghe, người ta lại chú ý đến cử tọa, cố gây ấn tượng cho cử
tọa bằng một câu nói nào đó nhằm chế giễu người khác. Ngay cả trong Giáo hội
cũng hình thành những cấu kết về ý thức hệ, chẳng còn biết lắng nghe, để lại
hậu quả là sự chống đối vô bổ.
Trong nhiều cuộc đối thoại, người ta chỉ đơn giản là đợi người kia
nói xong, rồi áp đặt quan điểm của mình: đối thoại chỉ còn là một cuộc song
thoại, một cuộc độc thoại với hai giọng nói.
Có một kiểu nghe không thực sự là nghe mà ngược lại: đó là nghe
lén. Việc nghe lén và theo dõi, khai thác người khác để trục lợi là một
cám dỗ thường xuyên mà ngày nay dường như đã trở nên quyết liệt hơn trong thời
đại của mạng xã hội.
5. Vậy cần phải lắng nghe như thế nào?
Cần phải lắng nghe cách chăm chú và lương thiện:
- chú ý đến người, đến nội dung và cách thế đối thoại;
- lắng nghe với toàn thể con người, với con tim rộng
mở, để có thể gần gũi nhau.
- lắng nghe chính bản thân mình, nghe được những
nhu cầu chân thật nhất của mình, trong đó có nhu cầu thiết lập tương giao với
người khác và với một Đấng khác.
- lắng nghe nhiều tiếng nói với sự kiên nhẫn bền bỉ.
- lắng nghe với sự cởi mở công bằng, tin tưởng và trung thực để tìm kiếm chân lý và thiện hảo.
6. Hai trường hợp 'lắng nghe' đặc thù được ĐTC Phanxicô nhắc đến trong sứ điệp là gì?
ĐTC Phanxicô nhắc đến
2 trường hợp lắng nghe đặc thù, đó là: 'lắng nghe người di cư' và 'lắng nghe trong Giáo
hội'.
7. Sứ điệp đã nói gì về việc 'lắng nghe người di cư'?
Để vượt qua những định kiến về người di cư và làm tan chảy sự
chai sạn của trái tim chúng ta, ta phải cố gắng lắng nghe câu chuyện của họ. Họ
không phải chỉ là những con số, không phải là những kẻ xâm lược nguy hiểm, mà
là những khuôn mặt và những câu chuyện, những ánh mắt, những mong đợi và những
khổ đau của những con người thực sự đang cần được lắng nghe. Hãy cho từng di
dân một cái tên và một câu chuyện! Hãy lắng nghe những câu chuyện của họ! Rồi
thì mọi người sẽ tự nguyện ủng hộ các chính sách di cư mà họ cho là phù hợp
nhất đối với đất nước của họ.
8. Sứ điệp đã nói gì về việc 'lắng nghe trong Giáo hội'?
Trong Giáo hội, công việc phục vụ đầu tiên ta phải dành cho người
khác trong tình hiệp thông là lắng nghe họ. Tự nguyện dành một chút thời gian
của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên. Ai không biết
lắng nghe anh chị em mình thì chẳng bao lâu nữa cũng sẽ không còn khả năng lắng
nghe Thiên Chúa. Chúng ta cần lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để có thể nói lời
của Chúa.
Một tiến trình Thượng hội đồng vừa được khởi động, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để lắng nghe nhau. Thực ra, sự hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trên sự lắng nghe nhau. Như trong một dàn hợp xướng, sự thống nhất không đòi hỏi sự đồng đều, đơn điệu mà là sự đa dạng, đa âm. Trong dàn hợp xướng, mỗi ca viên vừa hát vừa lắng nghe các giọng khác và để ý đến sự hòa hợp của tổng thể. Tất cả và từng giọng hát hoà âm với nhau để thể hiện hoà âm của toàn bộ bản giao hưởng do Chúa Thánh Thần soạn thảo.