LỄ HIỂN LINH
LM Antôn
Nguyễn Cao Siêu SJ
Phúc Âm: Mt 2, 1-12
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời
vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói:
“Vua người Do thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao
của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế,
vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất
cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô
sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng
Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ
hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ
lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi
han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng:
“Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo
tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ
lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho
tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng.
Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ
gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật:
vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với
Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Bài
Tin Mừng này có thể chia làm mấy phần? Các phần này diễn ra ở đâu?
2. Bạn
biết gì về con người của vua Hêrôđê? Vua này sợ điều gì nhất?
3. Bạn
biết gì về các nhà chiêm tinh (xưa thường gọi là Ba Vua)? Họ đại diện cho ai? Sự
xuất hiện của một ngôi sao mới có ý nghĩa gì đối với họ?
4. Mục
đích của các nhà chiêm tinh khi lên đường là gì? Có mấy động từ bái lạy trong đoạn Tin Mừng này? Đọc Mt
4,9-10; 14,33; 28,9.17. Đâu là ý nghĩa của cử chỉ bái lạy?
5. Đọc
sách ngôn sứ Mi-kha 5,2 và 2 Samuen 5,2. Hãy cho thấy Mt 2,6 là sự kết hợp của
hai đoạn sách Cựu Ước nói trên.
6. Đọc
Mt 2,11. Tại sao ở đây không thấy nói đến thánh Giuse?
7. Trong
bài Tin Mừng này, Đức Giêsu được gọi bằng những tước hiệu gì?
8. Qua
việc kể lại chuyện của các nhà chiêm tinh đến bái lạy Chúa, thánh Mátthêu muốn
nói cho chúng ta sứ điệp quan trọng gì? Đọc Mt 1,3.5.6; 8,5-13; 12,21;
14,21-28; 28,19-20.
GỢI Ý
SUY NIỆM
Chiêm ngắm
thái độ của các nhà chiêm tinh dân ngoại trong việc tìm đến với vị vua Do-thái
mới sinh. Hãy chiêm ngắm hành trình dài của họ theo ánh sao, lễ vật của họ, cử
chỉ bái lạy của họ và nhất là lòng tin của họ vào vị Tân Vương, dù đây chỉ là một
trẻ thơ bình thường ở ngôi nhà nhỏ tại Bêlem…
PHẦN
TRẢ LỜI
1. Bài
Tin Mừng này có thể được coi gồm 2 phần chính. Phần 1, gồm các câu 1-6, cho thấy
các nhà chiêm tinh từ Phương Đông lên đường đến thủ đô Giêrusalem để bái yết vị
Vua dân Do-thái mới sinh. Phần 2, gồm các câu 7-11, cho thấy các nhà chiêm tinh
từ Giêrusalem đi đến Belem; họ đã gặp được Vua và đã tiến dâng lễ vật. Câu 12
cho thấy họ từ Belem trở về xứ của mình.
2. Theo
lịch sử, Hêrôđê Cả trong bài Tin Mừng này là một người dân ngoại thuộc vùng
Iđumê (nằm ở phía tây nam của Biển Chết), đã trở lại đạo Do-thái. Ông được người
Rôma đưa lên làm vua dân Do-thái từ năm 37 trước Công nguyên. Ông nổi tiếng về
những công trình xây cất, trong đó có việc trùng tu Đền thờ Giêrusalem từ năm
20 trước Công nguyên. Trong mười năm cuối đời, vua này bị bệnh hoang tưởng; ông
sợ người nhà cướp mất ngai vàng nên đã giết bà vợ người Do-thái và ba đứa con
trai của ông. Như thế chúng ta có thể hiểu được tại sao ông đã giết các trẻ em ở
Belem: ông sợ có em sẽ lên làm vua thay mình. Ông qua đời vào năm 4 trước Công
nguyên.
3. Các
nhà chiêm tinh (magoi) ở đây đại diện cho thành phần trí thức của dân ngoại. Họ
ở phương Đông (Mt 2,1), rất có thể ở vùng Mêđia và Persia (thuộc nước Iran bây
giờ). Họ tin mình có khả năng quan sát các ngôi sao trên bầu trời và đọc ra được
ý nghĩa của chúng. Khi thấy ngôi sao lạ xuất hiện, các nhà chiêm tinh tin rằng
vị tân vương của người Do-thái đã chào đời.
Các nhà
chiêm tinh đôi khi được gọi là Ba Vua,
có thể là vì thánh vịnh 72,10-11 và Isaia 60,3-6 nói đến việc các vua đem lễ vật
đến dâng cho người con thuộc dòng vua Đa-vít, lễ vật gồm vàng và trầm hương. Vì
có ba lễ vật (Mt 2,11) nên có người suy đoán là có ba vị vua đến chầu, thậm chí
còn kể tên ba vị như sau: Balthasar đến từ Arabia, Melchior từ Persia, và Caspar từ Ấn-độ.
4. Họ
lên đường đi Giêrusalem với mục đích bái
lạy vị vua ấy (Mt 2,2). Khi gặp được Hài nhi, họ đã bái lạy Người như lòng
mong ước (Mt 2,11). Bái lạy
(proskuneô) là cử chỉ hết sức cung kính. Bái lạy có khi đồng nghĩa với thờ phượng như ở Mt 4,10, mà thờ phượng
là cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Bái lạy cũng thường đi với sấp mình (Mt 2,11).
Tin Mừng
Mátthêu thường dùng động từ bái lạy.
Quỷ dữ đã cám dỗ Đức Giêsu bái lạy nó
và Ngài đã mạnh mẽ gạt đi (Mt 4,9-10). Sau phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt nước
và làm cho sóng gió yên lặng, các môn đệ đã bái
lạy Ngài và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa (Mt 14,33). Người phụ nữ
Canaan bái lạy Đức Giê su để xin Ngài
chữa con gái bà (Mt 15,25). Các phụ nữ và các môn đệ đã bái lạy Đức Giêsu phục sinh (Mt 28,9.17).
5. Mátthêu
2,6 có thể là một câu được Mátthêu ghép từ sách ngôn sứ Mikha 5,1: “Phần ngươi
hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta
sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen”, và sách 2 Samuen 5,2:
“…Chính ngươi sẽ chăn dắt Ítraen dân Ta…” Khi ghép hai câu trên với nhau,
Mátthêu đã sửa đổi để thành Mt 2,6. “ Phần ngươi, hỡi Bêlem… người không hề là thành nhỏ nhất của Giuđa...”
Điều Mát-thêu muốn nhấn mạnh đó là Đức Giêsu đã sinh tại Bêlem. Bêlem là sinh
quán của vua Đavít, cũng là nơi chào đời của Đấng Kitô thuộc dòng dõi vua này.
Vậy Đức Giêsu chính là Đấng Kitô sinh tại Bêlem, đúng như lời ngôn sứ Mi kha.
6. Thánh
Mát-thêu chỉ nói đến Hài Nhi và thân mẫu, không nhắc đến thánh Giuse ở Mt 2,11,
dù thánh nhân đóng vai trò quan trọng khi vâng lời thiên sứ để nhận Maria làm vợ
và nhận thai nhi là con của mình (Mt 1,18-25). Có thể vì thánh sử muốn nhấn mạnh
đến việc Hài nhi được sinh ra bởi người mẹ đồng trinh do quyền năng Thánh Thần,
chứ không được sinh theo lẽ tự nhiên từ một người cha (Mt 1,20). Lối nói “Hài
nhi và Mẹ Người” còn được thánh Mát-thêu nhắc nhiều lần ở Mt 2,13.14. 20.21.
7. Trong
bài Tin Mừng này Hài Nhi Giêsu được gọi là “Đức Vua người Do-thái” (c. 2), là
“Đấng Kitô” (c. 4), và là “vị lãnh tụ chăn dắt dân Ítraen” (c. 6). Như thế, trong
cái nhìn của thánh Mát-thêu, Đấng Kitô mà người Do-thái mong đợi là một vị vua
có nhiệm vụ chăn dắt dân Israel.
8. Qua
bài Tin Mừng này (Mt 2,1-12), thánh Mát-thêu cho thấy Thiên Chúa không chỉ là Đấng
cứu độ của Israel, mà còn là Đấng cứu độ của cả thế giới. Ngài muốn lôi kéo mọi
dân tộc đến nhận biết Con của Ngài bằng những cách thức khác nhau phù hợp với
trình độ và não trạng của họ (ở đây là con đường của khoa chiêm tinh). Các nhà
chiêm tinh đến từ Phương Đông là đại diện cho các dân ngoại trên toàn thế giới.
Họ đã đến để thờ lạy và dâng lễ vật lên vị Vua của mọi dân tộc.
Tin Mừng
Mátthêu tuy là Tin Mừng được viết chủ yếu cho người Do-thái, nhưng lại có mối
quan tâm lớn đến dân ngoại như được minh chứng trong các điểm sau đây. Có bốn
phụ nữ dân ngoại trong gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,3.5.6). Ngài bắt đầu sứ vụ ở
Galilê, một vùng đất dân ngoại (Mt 4,15). Ngài chữa lành cho đầy tớ viên bách
quản dân ngoại và con gái bà dân ngoại vùng Canaan (Mt 8,5-13; 14,21-28). Đức
Giêsu là Người Tôi Trung loan báo công lý cho mọi dân tộc (Mt 12,18-21). Và cuối
cùng, Đức Giêsu phục sinh sai môn đệ đến với mọi dân tộc (Mt 28,19-20).