CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM B
LM Antôn
Nguyễn Cao Siêu SJ
PHÚC ÂM: Ga 12, 20-33
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy Lạp.
Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa
ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philipphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và
Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn
vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà
không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh
nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời
này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta
ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó.
Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ
này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh
danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm
vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại
rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải
vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là
lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ
kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc các đoạn Ga 1,40-42; 6,8-9 và 12,22. Bạn có thấy ông
Anrê có nét gì đặc biệt không?
2. Gioan 12,23 có gì khác với Gioan 2,4; 7,30 và 8,20.
3. Đọc theo thứ tự các đoạn sau đây: Ga 2,4; 7,30; 8,20; 12,27.23;
17,1; 13,1.3. Theo bạn, "giờ" mà Đức Giêsu nói đến trong những
câu trên là lúc xảy ra những biến cố nào trong cuộc đời của Đức Giêsu?
4. Ga 12,24 dạy cho ta chân lý nào? Có thể áp dụng câu này
cho Đức Giêsu và cho chúng ta không?
5. Đọc Ga 12,26. Trong câu này, Đức Giêsu đứng ở vị trí trung
tâm. Bạn nghĩ gì về tương quan tam giác giữa Đức Giêsu-Thiên Chúa Cha-người phục
vụ Đức Giêsu?
6. Gioan 12,27 thật ra là một câu hỏi: "Lạy Cha, xin cứu
con khỏi giờ này sao?" Hãy tìm điểm khác biệt giữa Ga 12,27 với những lời
nguyện khác trong Vườn Dầu: Mt 26,37-39; Mc 14,33-36; và Lc 22,42-44.
7. Đọc Ga 12,32-33. "Được giương cao lên khỏi đất"
nghĩa là gì? Hình ảnh này có khác với hình ảnh ở Ga 12,24 không?
8. Bạn hiểu thế nào về câu Ga 12,32: "Tôi sẽ kéo mọi
người lên với Tôi"?
GỢI Ý SUY NIỆM: Hãy đọc lại toàn bộ bài Tin Mừng này. Hãy tìm
những câu cho thấy Đức Giêsu có thái độ lạc quan trước cái chết gần đến?
Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không? Đức Giêsu có mời gọi chúng ta bước
theo đường của Ngài không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trước hết ta thấy ông Anrê sau khi gặp Đức Giêsu và tin
Ngài là Đấng Mêsia, ông đã đưa em mình là Phêrô đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42).
Sau đó ông giới thiệu cho Đức Giêsu một em bé có năm ổ bánh lúa mạch và hai con
cá, từ đó Ngài có thể làm dấu lạ bánh hóa nhiều (Ga 6,8-9). Cuối cùng, trong
bài Tin Mừng này, Anrê là người cùng với Philípphê đến gặp Đức Giêsu để giới
thiệu cho Ngài mấy người Hy-lạp. Họ là những người dân ngoại lên Giêrusalem để
mừng lễ Vượt qua và muốn gặp Đức Giêsu (Ga 12,22). Như thế trong Tin Mừng
Gioan, ta thấy Anrê là người có khả năng kết nối để người ta gặp Đức Giêsu.
2. Trong Gioan 2,4; 7,30 và 8,20, chúng ta thường nghe nói giờ
của Đức Giêsu chưa đến. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu báo
cho biết giờ ấy đã đến rồi (Ga 12,23).
3. Trong Ga 2,4 Đức Giêsu dự tiệc cưới ở Cana cùng với Mẹ
Ngài và các môn đệ. Khi Mẹ Ngài có vẻ muốn Ngài làm một điều gì đó vì tiệc cưới
hết rượu bất ngờ, Đức Giêsu đã nói giờ của Ngài chưa đến; Trong
Ga 7,30 và 8,20 Đức Giêsu nói giờ của Ngài chưa đến, vì thế Ngài vẫn được
tự do hoạt động mà không ai dám tra tay bắt Ngài. Trong Ga 12,27 Đức Giêsu hai
lần nói đến giờ này, đây là giờ của Khổ nạn và Tử nạn, khiến Ngài xao
xuyến, sợ hãi, nhưng Ngài đã đón nhận giờ ấy: “chính vì thế mà con đã đến trong
giờ này”. Còn trong Ga 12,23 và 17,1 Đức Giêsu cho biết giờ ấy đã đến rồi,
nhưng đây lại là “giờ được tôn vinh”, dù là tôn vinh trong cái chết trên thập
giá. Vậy có thể nói trong Tin Mừng Gioan, “giờ” là thời gian diễn ra toàn bộ cuộc
Vượt Qua của Đức Giêsu: chịu khổ nạn, chết, được phục sinh và tôn vinh. “Giờ”
là một từ gói trọn tất cả các biến cố trên. Đức Giêsu được Cha sai đến trần
gian để cứu độ thế gian, “giờ” là lúc Ngài trở về với Cha sau khi hoàn tất công
việc được giao (Ga 13,1.3; 19,30).
4. Gioan 12,24 nói về câu chuyện tự nhiên của một hạt lúa khi
được gieo xuống đất. Hạt lúa cần thối đi, mục nát đi để có thể bật ra một cây
lúa mới mang nhiều bông hạt. Nếu nó không chết đi thì nó vẫn chỉ là một hạt lúa
thôi. Đức Giêsu dùng tiến trình bình thường và tự nhiên của hạt lúa để nói về
chính thân phận của Ngài và của các kitô hữu. Ai cũng phải chết đi mới sinh hoa
kết quả được. Chết ở đây là dẹp bỏ cái tôi ích kỷ và khép kín, nhưng cũng có thể
là cái chết thật sự về mặt thân xác như các thánh tử vì đạo. Đức Giêsu tự ví
mình với hạt lúa gieo vào lòng đất. Ngài đã chịu chết để sinh ra một đoàn dân mới.
Để có sự sống đời đời, chúng ta cũng phải liều mất mạng sống mình ở đời này như
Đức Giêsu (Ga 12,25).
5. Trong Ga 12,26, ta thấy tương quan thân thiết giữa Đức
Giêsu và người môn đệ. Môn đệ là người đi theo Thầy để phục vụ Thầy,
và ở với Thầy trong mọi lúc, đặc biệt lúc khốn quẫn gian truân. Nhưng
đây không phải chỉ là tương quan hai chiều giữa Đức Giêsu và người môn đệ, vì người
môn đệ phục vụ Thầy sẽ được Cha của Thầy quý trọng. Như thế có một tương quan
tam giác giữa Đức Giêsu, Thiên Chúa Cha và người môn đệ phục vụ Đức Giêsu. Ai
theo và phục vụ Thầy Giêsu thì Thiên Chúa Cha cũng đứng về phía người đó.
6. Khi so sánh Ga 12,27 với Mt 26,37-39; Mc 14,33-36; và Lc
22,42-44, ta thấy cả bốn đoạn văn trên đều cho thấy Đức Giêsu xao xuyến
trước cái chết sắp đến của mình. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu rõ ràng xin
Cha cất chén đắng, nghĩa là cứu mình khỏi chết, dù sau đó Ngài vẫn quyết tâm
làm theo ý muốn của Cha. Gioan 12,27 khác với các Tin Mừng Nhất Lãm ở chỗ Đức
Giêsu ngần ngại khi xin Cha cứu mình khỏi chết. Ngài chỉ mới đặt câu hỏi:
“Con biết nói gì đây: lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này ư?” Và lập tức
Ngài ý thức về sứ mạng: “Chính vì giờ này mà con đã đến.” Vậy chẳng có
lý do gì để Ngài xin Cha cứu Ngài khỏi giờ này, khỏi cái chết thập giá, dù nó
làm Ngài xao xuyến sợ hãi.
7. “Giương cao” (hypsoô) là một động từ được dùng trong Phúc
âm Gioan để chỉ việc Đức Giêsu chịu chết và được tôn vinh (Ga 3,14; 8,28;
12,32). Khi nói “được giương cao khỏi đất”, Đức Giêsu muốn nói đến cách
chết của mình (Ga 12,33). Đó là cái chết trên thập giá, bị treo lên cao như con
rắn đồng thời ông Mô-sê (Ga 3,14). Còn trong Ga 12,24, Đức Giêsu lại dùng một
hình ảnh khác, đó là hình ảnh hạt lúa rơi vào trong đất, bị chết đi để sinh cây
lúa mới trĩu hạt. Cả hai hình ảnh đều nói đến cái chết của Ngài, dù là rơi
vào trong đất hay được giương cao khỏi đất.
8. Khi được giương cao lên khỏi đất, nghĩa là qua cái chết trên thập giá và được tôn vinh, Đức Giêsu ban ơn cứu độ cho cả thế gian, cho mọi người chẳng trừ ai. Đức Giêsu chết và phục sinh có quyền năng kéo mọi người lên với Ngài. Ngài thích được ở cùng chỗ với các môn đệ (Ga 12,26; 14,3; 17,24). Lên với Ngài cũng là lên với Cha, là về nhà Cha (Ga 14,2), nơi có sự sống đời đời. Ai không cố tình cưỡng lại sức lôi kéo đầy yêu thương của Ngài, thì sẽ được Ngài nâng lên với Ngài, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.