HỌC HỎI PHÚC ÂM

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

Phúc Âm: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.


CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Để ý những từ “hôm sau” ở các câu Ga 1,29.35. Bài Tin Mừng này nằm vào ngày thứ mấy?

2. Đâu là những tước hiệu của Đức Giêsu được nói đến trong Ga 1,35-42? Cho biết ý nghĩa của những tước hiệu ấy.” Đọc thêm Ga 1,29.

3. Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ tư là gì? Đọc thêm Ga 18,4.7; 20,15.

4. Đọc Ga 1,37-39. Tìm những động từ cho thấy những hành động của các môn đệ trong đoạn này.

5. Đọc Ga 1,38b và 1,41. Cho thấy hai môn đệ đã có tiến bộ trong việc hiểu biết về Đức Giêsu.

6. Đâu là hậu quả của việc Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình?

7. Đọc Ga 1,36-39. Bạn có thấy nhiều bước dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với hai môn đệ này không?

8. Anrê đã giới thiệu Đức Giêsu cho em mình là Simon, và dẫn người em của mình đến với Đức Giêsu. Bạn nghĩ gì về hành vi này?


GỢI Ý SUY NIỆM

Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê, rồi Anrê lại giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Theo ý bạn, để trở thành một người giới thiệu Đức Kitô, cần có những điều kiện gì?


PHẦN TRẢ LỜI

1. Có thể coi Gioan 1,19-28 là biến cố xảy ra vào ngày thứ nhất. Trong ngày này có phái đoàn từ Giêrusalem đến để điều tra ông Gioan Tẩy giả, và ông đã khiêm tốn cho họ thấy ông là ai. Còn Ga 1,29-34 là những chuyện diễn ra vào “hôm sau,” tức ngày thứ hai, trong đó Gioan Tẩy giả làm chứng về Đức Giêsu, vì ông đã thấy Thần Khí từ trời ngự xuống trên Ngài lúc chịu phép rửa của ông. Vào “hôm sau” nữa, tức là ngày thứ ba, Gioan giới thiệu Đức Giêsu với hai môn đệ của mình, và họ đã đi theo Đức Giêsu và đã ở lại nhà của Ngài đến chiều tối (Ga 1,35-42). Rất có thể, khi Anrê dẫn em mình là Simon đến gặp Đức Giêsu (Ga 1,40-42), thì đó đã là ngày thứ tư rồi.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được gọi bằng ba danh hiệu: Chiên Thiên Chúa, Rabbi, và Mêsia. Trước hết, Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho hai môn đệ (Ga 1,36). Ở Ga 1,29 Gioan còn nói: Ngài là Chiên xóa tội trần gian. Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng được gọi là Con Chiên đã bị giết, đã đổ máu để cứu chuộc muôn người và hiện đang sống (1 Pr 1,18-21; Kh 5,6-14). Sau đó, Đức Giêsu được hai môn đệ gọi là Rabbi, nghĩa là Thầy (c. 38). Họ đã có thầy là Gioan Tẩy giả, bây giờ họ coi Đức Giêsu như một vị thầy mới. Cuối cùng, ông Anrê đã giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô (Ga 1,41). Mêsia có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để làm một sứ mạng cho dân Chúa (x. Lc 4,18).

3. Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan là: “Các anh tìm gì?” (Ga 1,38). Trong vườn cây Dầu, Ngài đã hai lần hỏi những người đến bắt mình: “Các anh tìm ai?” (Ga 18,4.7). Sau khi được phục sinh, Ngài đã hỏi bà Maria Mácđala: “Bà tìm ai?” (Ga 20,15). Khi đặt câu hỏi như thế với động từ “tìm”, Đức Giêsu đã mời người đối diện đi sâu vào nội tâm, để xem ai là người mình đang nhắm đến. Không tìm kiếm thì cũng không thể tìm thấy.

4. Trong Ga 1,37-39 hai môn đệ của Gioan đã làm nhiều hành động. Họ đã nghe lời giới thiệu của Gioan (Ga 1,37), và họ chấp nhận lời giới thiệu ấy nên đã đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Nghe nói và đi theo là hai hành động quan trọng, được nhắc lại ở Ga 1,40. Có thể coi đây là bước đầu tiến trình trở nên người môn đệ. Họ đã hỏi về chỗ ở của Thầy: “Thầy ở lại đâu?” (Ga 1,38). Họ đã đến xem chỗ ở ấy, và đã ở lại với Ngài từ giờ thứ mười, tức 4 giờ chiều hôm ấy (Ga 1,39). Đến, xem và ở lại là những hành động quan trọng tiếp theo. Những hành động này đưa hai ông đi sâu hơn trong việc hiểu biết Đức Giêsu là ai.

5. Trong Ga 1,38b hai môn đệ gọi Đức Giêsu là Rabbi (Thưa Thầy). Đây là lối xưng hô bước đầu, bày tỏ sự kính trọng đối với người mà Thầy Gioan đã giới thiệu cho họ. Họ coi Đức Giêsu cũng là một vị thầy như thầy Gioan của mình. Còn trong Ga 1,41, sau khi đã gặp và ở lại với Đức Giêsu, một trong hai người là ông Anrê đã bắt đầu tin nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô. Giờ đây, đối với Anrê, Đức Giêsu không phải chỉ là một rabbi đáng kính, nhưng là Đấng Mêsia được dân Do-thái trông đợi từ bao năm, Đấng phải đến để mang ơn cứu độ, Đấng mà Thầy của mình là Gioan đã khiêm tốn làm chứng (Ga 1,26-34).

6. Khi giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình nhân lúc Ngài đi ngang qua (Ga 1,35-36), ông Gioan Tẩy giả chấp nhận để hai môn đệ ấy trở thành môn đệ Đức Giêsu. Sau khi hai môn đệ của mình đi theo Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả đứng đó một mình. Ông chấp nhận chuyện này, chỉ vì ông chấp nhận sứ mạng của mình là người mở đường, người làm chứng cho một Đấng khác cao trọng hơn ông vô cùng. Công việc của ông là đưa mọi người đến với Đấng ấy, kể cả các môn đệ đã gắn bó với ông. Gioan không coi đây là một hy sinh mất mát, nhưng là niềm vui (x. Ga 3,28-30).

7. Có nhiều bước trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và hai môn đệ, qua trung gian của ông Gioan Tẩy giả. Những bước này kết dính vào nhau thành một chuỗi. Nếu một bước bị hỏng, cả chuỗi sẽ bị đứt đoạn. Bước 1: Gioan giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của ông (Ga 1,36). Bước 2: hai môn đệ đáp lại bằng cách đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Bước 3: Đức Giêsu quay lại và hỏi: “Các anh tìm gì?” (Ga 1,38). Bước 4: hai ông trả lời bằng cách hỏi nhà của Đức Giêsu: “Thầy ở lại đâu?” (Ga 1,38). Bước 5: Đức Giêsu mời họ đến thăm nhà: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39). Bước 6: trước lời mời của Đức Giêsu, họ đã mau mắn đáp lại. Họ đã đến, xem và ở lại với Ngài (Ga 1,39). Nói chung, sẽ không có bước sau nếu không có bước trước. Một lời mời bao giờ cũng cần một lời đáp.

8. Sau cuộc gặp gỡ tại nơi Thầy Giêsu đang ở, Anrê hạnh phúc vì đã gặp được Đấng mà ông tin là Mêsia, Đấng mà dân tộc của ông đã trông đợi từ bao thế kỷ. Anrê không muốn giữ cho riêng mình niềm vui quá lớn này. Ngày hôm sau, ông muốn chia sẻ ngay hạnh phúc ấy cho người anh em ruột thịt của mình là Simôn. Ông đã tìm thấy (heuriskô) người em của mình, và đã giới thiệu với em: “Chúng tôi đã tìm thấy (heuriskô) Đấng Mêsia” (Ga 1,41). Sau đó ông dẫn Simôn đến gặp Đức Giêsu. Anrê đã đi đúng con đường của Thầy Gioan Tẩy giả. Ông đã gặp, đã tin, nên đã giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, và còn dẫn tới nơi. Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài. Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.

WHĐ (12.01.2024)