HỒ TIBÉRIADE TRONG ĐỜI SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Jean Grou

WGPQN (03.07.2023) - Hè lại đến rồi! Đây là thời gian thư giãn bên bờ hồ chẳng hạn. Dưới bầu trời thì chẳng thiếu chi mặt nước, và nhiều người trong chúng ta vui hưởng chúng. Người thì đi câu, kẻ thì đi thuyền để khám phá ngàn lẻ một cảnh đẹp. Trong các Tin Mừng, biển hồ Tibériade chiếm vị trí quan trọng. Đây là sân khấu của nhiều trình thuật và không kém phần quan trọng đến nỗi ta có thể xem nó như một nhân vật. Một nơi chốn phong phú về hành động và biểu tượng.

Còn hơn một cái hồ

Các tác giả Tin Mừng đôi khi gọi hồ Tibériade là biển (Mt 8, 24), điều này cho thấy nó khá rộng lớn. Tuy nhiên, với diện tích của nó (166 km2) không phải là ngoại lệ, so với những hồ lớn ở những nơi khác. Ở đây, nên nhớ rằng miền đất Đức Giêsu sống khá khô cằn và không có nhiều nước. Lại nữa, có vẻ như người Israel không chịu được sóng gió, khác với các dân tộc láng giềng khác, như người Phénicie chẳng hạn. Vì thế, hồ Tibériade mặc dù có kích thước khiêm tốn, hẳn đã gây ấn tượng với họ và khiến họ kiêng nể.

Hơn nữa, cũng nên biết rằng hồ Tibériade nổi tiếng với tâm trạng thất thường. Những cơn gió mạnh có thể đến mà không báo trước, khiến ngay cả những tay thuyền dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải bất ngờ. Vì thế, kích thước nhỏ không làm cho nó trở thành nơi vô hại. Tuy nhiên, đặc tính này không làm nản lòng người dân ven biển hành nghề đánh cá, một sinh kế quan trọng trong khu vực.

Hơn nữa, về mặt biểu tượng và trong Kinh thánh nói chung, nước là một thực tại hai mặt. Thật vậy, nó vừa cần thiết để sống còn vừa có khả năng gây tử vong vì chết đuối. Ngoài ra, mặc dù đầy tràn sự sống, nhưng biển cũng được coi là nơi ẩn náu của các thế lực xấu xa và cái chết.

Bức tranh toàn cảnh đã được vẽ xong, giờ chúng ta hãy lướt qua một số trình thuật trong các sách Tin Mừng mà trong đó hồ Tibériade chiếm một vị trí quan trọng.

“Hãy theo ta”

Trong các Tin Mừng Matthêô (4, 18-22) và Marcô (1, 16-20), lời mời gọi các môn đệ đầu tiên xảy ra khi họ đang ở bờ hồ, đánh cá hoặc chuẩn bị dụng cụ của mình. Đây là thời điểm quan trọng đối với Đức Giêsu, vì ngài đã thành lập nhóm hạt nhân của các tông đồ, là khởi nguồn của Giáo hội.

Cảnh diễn ra bên bờ hồ có ý nghĩa gì không? Để gặp ai đó, không phải chỉ cần đến nơi họ hành nghề sao? Cũng có thể đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cách Chúa Giêsu nói với các môn đồ tương lai cho thấy không phải vậy. Ngài nói: “Hãy theo ta, ta sẽ khiến các anh em trở thành kẻ lưới người” (Mt 4:19). Nói cách khác, ngài mời gọi họ từ bỏ nghề nghiệp để dấn thân vào một sứ mệnh. Cho đến lúc này, các ngư dân này kéo cá lên khỏi mặt nước khiến chúng chết. Bây giờ họ sẽ thả một loại lưới khác để dẫn người ta từ cái chết đến sự sống mới của Tin Mừng.

Hỡi biển và gió, Hãy yên lặng!

Một trong những trình thuật nổi tiếng nhất trong Tin Mừng là câu chuyện về cơn bão yên lặng (Mt 8, 23-27; Mc 4, 35-41; Lc 8, 22-25). Toàn bộ cảnh tượng được sắp xếp để tạo ra hiệu ứng tương phản giữa những gì đang xảy ra và thái độ của Đức Giêsu. Thực tế, Ngài ngủ trên sàn thuyền khi nó bị sóng gió lay động dữ dội. Trong khi Ngài đang ngủ, các môn đệ hoảng sợ và gọi thầy mình. Lập tức, Ngài ra lệnh cho gió và biển lặng đi, và chúng vâng phục Ngài. Cứ như là không gì có thể cưỡng lại lời nói của Ngài. Bạn bè của Ngài, ngạc nhiên, nhận ra rằng mình vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về con người này...

Đàn heo tự sát

Khi cơn bão dịu đi, Đức Giêsu và các môn đệ lên đường đến miền Gadara. Rồi một người bị quỷ ám[1] đến (Mt 8, 28-32; Mc 5, 1-13; Lc 8, 26-33). Đoàn quỷ xin Đức Kitô cho chúng nhập vào đàn heo, và được đồng ý. Tuy nhiên, khi ma quỷ nhập vào đàn vật thì chúng lao mình xuống biển. Như thế, thế lực sự dữ tự tìm về “môi trường tự nhiên” của mình, nơi hố thẳm vực sâu. Sau khi là mối đe dọa và nguy hiểm đối với các môn đệ, hồ Tibériade giờ đây có thể nói là đồng minh của Đức Giêsu. Nó cho phép Ngài kết thúc một tình hình khá bất ổn.

Một giảng đài nổi

Đức Giêsu đã có những dịp khác để sử dụng hồ Tibériade. Ngài đã nói với đám đông từ một chiếc thuyền nổi trên mặt nước (Mt 13, 1-2; Mc 4, 1-2). Các tác giả Tin Mừng xác nhận Ngài ở vị trí này vì có đông người vây quanh mình. Để khỏi bị lật nhào và có nguy cơ chết đuối, Ngài mượn một chiếc thuyền của các môn đệ và tiếp tục giảng dạy lâu giờ. Cách nào đó, điều này có nghĩa là mặt hồ trở nên người mang gánh truyền giáo.

Những bước đi trên hồ

Một ngày kia, Đức Giêsu cho các môn đệ qua bên kia hồ để Ngài lui về cầu nguyện. Lúc sau, màn đêm buông xuống và gió bắt đầu nổi lên. Chính lúc đó, Đức Kitô quyết định đi về cùng các bạn của mình… bằng cách đi trên mặt nước (Mt 14, 22-33; Mc 6, 45-52; Ga 6, 16-21)! Cảnh này được cho là một trong những cảnh hấp dẫn nhất trong các sách Tin Mừng, với phiên bản của Matthêô thêm phần kịch tính khi Phêrô cố gắng thực hiện "kỳ tích" giống như Thầy mình. Đôi khi người ta cố giải thích cách mà Đức Giêsu không bị chìm: Ngài ở một nơi mà nước hầu như mấp mé với đất, hoặc Ngài biết rõ nơi đó và biết đá nằm ở đâu đó để có thể đặt bước chân lên. Nhưng những suy đoán như vậy rõ ràng là đi không đúng đường, vì câu chuyện hoàn toàn nằm trong ý biểu tượng. Thật vậy, hãy nhớ rằng trong Kinh Thánh, biển được coi là hang ổ của các thế lực xấu xa và chết chóc. Khi đi trên sóng nước, Đức Giêsu thấy mình đang “chà đạp” những thế lực này, cho thấy rằng Ngài thống trị chúng, rằng Ngài ở bên trên chúng. Do đó, hồ Tibériade trở thành sân khấu cho mặc khải về căn tính sâu xa của nhà giảng thuyết thành Nazareth.

Những câu chuyện đánh lưới

Các tác giả Tin Mừng Luca và Gioan đều kể lại câu chuyện về mẻ cá lạ lùng (Lc 5, 1-11; Ga 21, 1-14). Trong trình thuật đầu, cách nào đó trình thuật đã hỗ trợ cho lời kêu gọi của các môn đệ đầu tiên. Ta có thể nói rằng hồ Tibériade đóng vai trò như một người mẹ nuôi dưỡng ở đây, nhưng không phải vậy, vì các ngư dân thậm chí còn không quan tâm đến việc đánh bắt của họ. Họ từ bỏ nghề nghiệp để theo Đức Giêsu.

Trong Tin Mừng Gioan, bối cảnh diễn ra ở đầu bên kia, sau khi Đức Kitô phục sinh. Có gì quan trọng khi nó đang diễn ra vào thời điểm này? Thật vậy, trong đoạn văn của Luca, tình tiết này có vai trò là khung cảnh cho lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên, thì trong chương cuối của Gioan, nó trở thành cơ hội để củng cố sứ mệnh của các tông đồ. Mọi chuyện đã hoàn tất! Khi Đấng Phục sinh rời bỏ họ, họ sẽ phải đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu bờ hồ Tibériade cách thực sự và dứt khoát.

Ta cũng có thể ghi nhận một sự khác biệt đáng kể giữa hai trình thuật về mẻ cá lạ lùng. Trong phiên bản của Luca, các môn đệ chẳng quan tâm gì đến mẻ cá khác thường của họ, còn trong trình thuật của Gioan, họ đưa cá cho thầy mình, Ngài nướng cá và phục vụ họ, kèm với bánh mì. Đây có thể là một ám chỉ đến cử hành Thánh Thể. Nhưng có lẽ tác giả Tin Mừng cũng muốn ám chỉ rằng chính Đấng Phục Sinh sẽ nâng đỡ những người của mình để hoàn thành sứ mệnh.

Giữa lòng thế giới

Còn gì để nhớ nơi cuối hành trình của chúng ta? Trước hết, các tác giả Tin Mừng muốn cho thấy Đức Giêsu chế ngự các sức mạnh thiên nhiên như thế nào. Và nếu như vậy, thì đó không phải vì vinh quang cá nhân của Ngài, để lòe đám cử tọa, mà vì nó phù hợp với sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của Ngài. Do đó, Ngài tiết lộ rằng nơi Ngài có sức mạnh thần linh, cũng chính là sức mạnh mà trong Cựu Ước đã thực hiện những điều kỳ diệu và lạ thường. Vì thế, Ngài xứng đáng với sự tin tưởng của chúng ta. Nhưng nếu Đức Giêsu thống trị các sức mạnh tự nhiên, thì điều đó không lấy Ngài ra khỏi thực tế cụ thể của môi trường Ngài đang sống. Ngài sống, hành động và nói, đi đứng trong thế giới vật chất, đặc biệt được bộc lộ qua vai trò ý nghĩa mà hồ Tibériade đảm nhận trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Ta gần như có thể nói rằng Ngài đã lấy mặt nước rất đặc biệt này, vốn là trung tâm của cuộc sống của người dân Galilê, làm của riêng mình. Và chính tại nơi đây một điều kỳ diệu được loan báo trong Tin Mừng: Thiên Chúa đầy quyền năng của Cựu Ước đã tự biến mình thành một con người trong chúng ta và nhận lấy cuộc sống của chúng ta trong mọi chiều kích của nó.

Parabole, Juin 2023, vol xxxix, no 2, tr. 14-15
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org (03.07.2023)

 


[1] Trình thuật của Matthêô nói có hai người.