HIẾU ĐẠO TỪ TÂM

Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP.
Đặc Trách Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục,
Ban Mục vụ Gia đình, TGP. Sài Gòn

Mục lục

1. Đạo hiếu trong đời sống Kitô giáo. 2

2. Sự hiếu kính đối với Cha Mẹ. 4

3. Lòng biết ơn dành cho Cha Mẹ. 6

4. Những điều khiến Cha Mẹ hạnh phúc nhất 8

5. Kết 10

6. Hồi tâm kết nối với Cha Mẹ


Các bạn thân mến,

Chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại của khoa học kỹ thuật, và sự phát triển không ngừng của ngành công nghệ thông tin. Khi các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... ra đời, giới trẻ dường như cũng được tự do hơn trong việc thể hiện bản thân mình. Tuy nhiên, một khi các bạn trẻ tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm. Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ, đặc biệt làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy. Điều đó dẫn đến việc người trẻ ngày nay rất dễ sống vô tâm, buông thả, sống bất hiếu, không quan tâm đến Ông Bà, Cha Mẹ. Bên cạnh đó, những giá trị đạo đức, nhất là chữ Hiếu, cũng đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, mà người trẻ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các bạn trẻ thường có xu hướng sống thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, sống chỉ biết đến nhu cầu của bản thân mình, mà không màng đến Cha Mẹ, thậm chí còn giết cả Cha Mẹ vì lợi ích và những ham muốn cá nhân.

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

lẽ hầu hết mọi đứa bé vừa mở mắt chào đời đã nghe văng vẳng câu hát ru ấy bên tai. Vũ trụ thiên nhiên hùng vĩ bao la, sánh ví công ơn Cha Mẹ như thế không có gì là quá. Mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên dưới mái ấm gia đình, có Ông Bà Cha Mẹ, có tình thương yêu đậm đà nhất. Rồi có lẽ tất cả chúng ta, ai cũng đã đôi lần được nghe hoặc nghêu ngao hát những câu hát rất dễ thương của Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu viết về Cha Mẹ: “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa, Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba Mẹ là lá chắn che chở suốt đời con. Vì con là con Ba, con của Ba rất ngoan. Vì con là con Mẹ, con của Mẹ rất hiền. Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền, Con đừng quên con nhé! Ba Mẹ là quê hương.” Làm sao chúng ta có thể kể hết công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, và còn gì cao quý hơn khi tình thương đáp lại tình thương. Vâng thưa các bạn, đó chính là Đạo Hiếu.

“Đạo Hiếu” được đón nhận và đi vào lối sống của người Việt Nam một cách tự nhiên, ở mọi thời và mọi nơi. Như thế, “Đạo Hiếu” được xem như “hạt giống của Lời” được gieo vào dòng máu và con tim của dân Việt qua muôn vàn thế hệ. Ngày nay khi gặp được Tin Mừng soi chiếu, “Đạo Hiếu” lại càng được đón nhận như một thành phần không thể thiếu trong toàn bộ đời sống của người Kitô hữu. Vậy Kitô giáo dạy gì về đời sống hiếu nghĩa? Mặc dù phạm vi điều răn thứ tư rất rộng, nhưng bài viết này chỉ xin đề cập đến bốn khía cạnh sau đây:

- Đạo hiếu trong đời sống Kitô giáo;

- Sự hiếu kính đối với Cha Mẹ;

- Lòng biết ơn dành cho Cha Mẹ;

- Những điều khiến Cha Mẹ hạnh phúc nhất;

- Hồi tâm kết nối với Cha Mẹ.

1. Đạo hiếu trong đời sống Kitô giáo

Muốn đánh giá nhân cách của một người, chúng ta thường nhìn vào sự hiếu hạnh của họ đầu tiên. Vì nếu một người mà ngay cả những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, thương yêu họ, mà họ cũng không thể kính trọng, thì dù có tài giỏi đến đâu, giàu có đến đâu, vị trí ngoài xã hội có cao trọng đến đâu, tất cả cũng đều là vô nghĩa và cũng đều sẽ tan biến theo mây khói rất nhanh. Song song đó, một người nếu thật sự muốn sống tử tế, thiện lành; thật sự muốn rèn luyện tài năng và cả đức hạnh; thì điều đầu tiên người đó cần làm, đó chính là làm tròn Chữ Hiếu đối với Cha Mẹ của mình.

Trước khi chúng ta sinh ra, thậm chí trước khi chúng ta thụ thai trong lòng Mẹ, Cha Mẹ đã yêu thương chúng ta rồi. Tình yêu đó càng ngày càng tăng triển sau khi ta sinh ra và trong khi ta lớn lên. Vừa lọt lòng mẹ, ta đã được bao bọc ấp ủ ngay trong vòng tay cha mẹ với một tình thương bao la nhất, vô vị lợi nhất. Tình thương đó đúng là vô điều kiện: thật vậy, dẫu chúng ta có không lành lặn, hoặc khó tính khó nết hay khó thương đến đâu; dẫu không ai có thể thương ta nổi, thì Cha Mẹ vẫn một mực yêu thương ta. Cha Mẹ không chỉ yêu thương ta bằng tình cảm suông, mà bằng những thể hiện cụ thể. Từ việc mang nặng đẻ đau, chăm sóc dưỡng nuôi, giáo dục ta nên người; cho đến việc lo lắng cho chúng ta từng miếng ăn giấc ngủ, thậm chí lo cho ta hơn cho chính bản thân Cha Mẹ. Vì thế, không thể nào kể hết được công ơn Cha Mẹ.

Chúng ta được như ngày nay, về thể chất cũng như tinh thần, về tài năng cũng như về đức hạnh, đều là do công ơn của Cha Mẹ, sẵn sàng chấp nhận đau khổ thiệt thòi, chịu cực chịu khổ vì ta. Trên trần gian này, quả thực, không ai yêu ta và có công lao với ta hơn Cha Mẹ. Vì thế, mỗi người chúng ta phải có bổn phận với Cha Mẹ mình trước hết. Trong mười điều răn Chúa truyền dạy, ba điều răn đầu dành cho tình yêu đối với Thiên Chúa. Điều răn thứ tư, Thiên Chúa dạy chúng ta “phải thảo kính Cha Mẹ”. Kinh Thánh đã dạy rõ về bổn phận hiếu nghĩa của con cái đối với những bậc sinh thành ra mình. Trước hết, trong Cựu Ước, một trong những luật nổi bật quan trọng về lòng thảo hiếu đối với Mẹ Cha là “Ngươi hãy thờ Cha kính Mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Luật Cựu ước cũng trừng phạt tội bất hiếu như sau: “Ai đánh trả Cha Mẹ thì phải chết. Ai bất hiếu với Cha Mẹ cũng phải tội chết” (Xh 21, 15-17).

Còn sách Châm Ngôn chương 30, câu 17 thì lên án nặng nề những ai khinh dễ bất kính, bỏ rơi Cha Mẹ: “quạ sẽ mổ và phượng hoàng sẽ xâu xé con mắt nào lườm nguýt, khinh dẻ tuổi già của mẹ”. Sách Huấn ca chương 3, câu 1-16 cũng đã dạy nghĩa vụ của con cái đối Cha Mẹ rất kỹ: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”, phải chăm sóc tuổi già của cha mẹ: “Con ơi, hãy giúp đỡ cha con trong lúc già yếu, con chớ làm cực lòng Người” “Con hãy kính trọng mẹ con, chớ có bỏ rơi Người một ngày nào trên đời” (Tôbia 4, 3).

Bên cạnh đó, tác giả sách Châm Ngôn cũng đã đề nghị con cái Chúa hãy có những thực hành cụ thể đối với Mẹ Cha như sau: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1, 8-9). Quả vậy, người con hiếu thảo phải là người con biết tuân giữ lời Cha truyền và nghe lời Mẹ dạy: “Hỡi con, lệnh Cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời Mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6, 20-22).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã yêu cầu sống Đạo Hiếu không chỉ trong lời nói mà cả trong hành động. Và chính Ngài, khi đến trần gian đã nêu cao gương hiếu thảo cho chúng ta. Trong thân phận con người, Đức Giêsu đã thể hiện lòng hiếu thảo cách toàn vẹn. Trước tiên Ngài luôn hiếu thảo với Cha trên trời, hoàn toàn tuân theo và thực hiện ý Chúa Cha trong mọi sự: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34). Thiên Chúa Cha cũng đã xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 17). Lòng vâng phục hiếu thảo ấy được sống triệt để với Thánh Giuse và Mẹ Maria tại gia đình Nadarét cũng tuyệt vời như thế: “Người đi xuống cùng với Cha Mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52). Cuộc sống ở trần gian của Ngài vỏn vẹn chỉ có ba mươi ba năm, nhưng Ngài đã dành ba mươi năm sống hiếu thảo, vâng lời trong gia đình Nadarét.

Qua mẫu gương của Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng đã dạy chúng ta rằng, chính cách sống hiếu nghĩa của người con sẽ làm cho Cha Mẹ được mừng vui hạnh phúc: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu. Chân lý và khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết, con hãy mua lấy chứ đừng bán đi. Thân phụ người công chính sẽ mừng vui, đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỷ. Ước gì cha mẹ con được hỷ hoan và người sinh ra con được mừng rỡ” (Cn 23, 22-25). Sách Huấn ca thì đề cao công ơn cha mẹ thế này: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn Mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28). Như vậy, củng cố đạo hiếu chính là củng cố nền tảng gia đình, và đó cũng là cách để Chúa Giêsu được hạ sinh trong từng thành viên trong gia đình của mỗi người chúng ta.

Lòng hiếu kính của người Kitô hữu không chỉ được bày tỏ khi các vị còn sống mà còn tiếp tục biểu lộ lúc các Ngài đã qua đời. Giáo Hội đã dạy chúng ta phải chu toàn đạo hiếu: nghĩa là phải tôn kính, biết ơn và vâng lời Ông Bà, Cha Mẹ trong những điều chính đáng; phải chăm lo cho Cha Mẹ được đầy đủ phần xác cũng như phần hồn; khi Cha Mẹ qua đời thì phải lo việc tang ma, làm các việc thiện, cầu nguyện và dâng lễ cho các Ngài, đặc biệt trong những ngày các Ngài qua đời, cũng như tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Tháng đó là tháng 11 và được gọi là Tháng Các Linh Hồn. Trong suốt tháng này, con cái, cháu chắt, người thân sẽ xin lễ, cầu nguyện, và làm việc thiện để cầu cho các linh hồn người thân đã quá cố. Nổi bật nhất là Lễ Các Thánh (ngày 1 tháng 11), và Lễ Các Linh Hồn (ngày 2 tháng 11). Bên cạnh đó, vào dịp đầu năm mới, hình ảnh Cha Mẹ, Ông Bà, tổ tiên từ cái nhìn đạo hiếu dân tộc còn được tìm thấy qua Thánh Lễ Đầu Năm. Thánh Lễ dâng lên để tạ ơn Thiên Chúa, Cha nhân lành, và cùng con người hòa nhập vào với thiên nhiên để tỏ lòng tôn kính và yêu thương Cha Mẹ. Giáo Hội Việt Nam cũng đã dành riêng ngày mùng Hai Tết Nguyên Đán để cầu nguyện, kính nhớ đến Ông Bà, Cha Mẹ và tổ tiên.

2. Sự hiếu kính đối với Cha Mẹ

Có câu chuyện thế này: Vào thời vua Minh Mạng, có hai Cha con kia, nhà ở gần nhau. Cha thì nghèo, mà con thì rất giàu. Đêm khuya nọ, người Cha lén sang nhà con mình xúc trộm gạo. Đứa con thức giấc, tưởng là kẻ trộm, vội vác gậy đánh ở đằng sau lưng Cha, và khổ thay, người Cha ngã lăn ra chết. Lúc ấy, người con mới nhận ra đó là cha mình. Các toà án Làng, Xã, Huyện đều xử là “ngộ sát” (giết lầm). Vụ án được xét là ổn và được gửi tường trình về kinh đô Huế. Khi vua Minh Mạng duyệt đến vụ này, người bỏ ra cả một đêm đọc đi, xem lại và cuối cùng vua bác bỏ bản án, buộc xử lại và truyền lệnh tử hình người con. Vua Minh Mạng phân tích rằng: “Không phải chỉ xét việc giết người, mà phải xét việc ăn trộm. Tại sao người Cha phải đi ăn trộm? Lại là ăn trộm nhà của con mình? Một người con giàu có mà để cho Cha mình đói khổ đến nỗi tối đêm hôm phải sang nhà con ăn trộm gạo, thế thì người con đó là gì? Có đáng là con không? Tội “bất hiếu” như thế thật đáng phải chết. Trước khi giết lầm Cha bằng gậy, thì đứa con đã để Cha chết nhục và chết đói rồi”. (Dương Quang Thoại, 2008).

Thưa các bạn, xã hội ngày nay cũng vậy, cũng không thiếu những đứa con như trong câu chuyện vừa rồi. Chúng ta đang sống trong thời đại mới - thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin; nó đã và đang làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao. Đáng tiếc thay, những giá trị đạo đức, nhất là tầm quan trọng của Chữ Hiếu lại đang ngày càng đi xuống. Nhiều người con dù đã tự lập, đã có chỗ đứng trong xã hội, đã là ông này bà nọ, họ có thể mua sắm biết bao tài sản, nhưng khi dành ra một ít của cải tiền bạc của mình để chăm sóc cho Cha Mẹ lúc tuổi già thì lại cứ mãi so đo đong đếm, tính tới tính lui. Khi Cha Mẹ nằm một chỗ hoặc bệnh tật, có những đứa con lại mang tiền hoặc thức ăn đến như một hành vi bố thí kẻ bần cùng. Những gì ta làm cho Cha Mẹ, ta cứ tưởng là nhiều lắm và có lẽ dường như, ta cũng không bao giờ có thể hiểu thấu được hết những gì Cha Mẹ đã làm cho ta. Hiếu thảo vừa là một đức tính của người có lương tri vừa là một thái độ khôn ngoan của người khiêm tốn. Chỉ khi có lương tri và có sự khôn ngoan, thì người trẻ mới có thể tiến xa và trở nên hữu ích cho xã hội.

Chúng ta có những người Cha người Mẹ trần thế, và chúng ta cũng có vị Cha chung trên Trời nữa. Đối với Thiên Chúa, bất hiếu là trọng tội như Xh 20, 12 và Lv 20, 9 dạy rằng: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa Cha Mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Vì thế, vâng lời Cha Mẹ là điều phải đạo, như lời thánh Phaolô đã nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời Cha Mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Và đó cũng chính là điều kiện để được sống và sống hạnh phúc trên trần gian này: “Kẻ làm con, hãy vâng lời Cha Mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính Cha Mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Vậy, hãy tôn kính Cha Mẹ nghĩa là gì? Tôn kính Cha Mẹ nghĩa là nhận biết tầm quan trọng của Cha Mẹ, với những hành động cụ thể được bày tỏ trong việc trao hiến, thương mến và chăm sóc. Đây là điều răn chứa đựng một hệ quả. Thật vậy, điều răn này dạy chúng ta rằng: “Hãy tôn kính Cha Mẹ ngươi, như Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi đã truyền, để tuổi thọ đời ngươi sẽ được kéo dài và ngươi sẽ hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi” (Dt 5, 16). Nghĩa là, biết thờ kính Cha Mẹ sẽ mang đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc trường thọ. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng phải nhớ, điều răn này không nói đến lòng tốt của Cha Mẹ, không đòi buộc Cha Mẹ phải hoàn hảo, cũng không đề cập đến những xứng đáng của Cha Mẹ, nhưng chủ yếu nhấn mạnh về thái độ của những người làm con dành cho Cha Mẹ của mình.

Tóm lại, chữ “Hiếu Kính” trong Kinh Thánh có nghĩa là hiếu thảo, tôn kính và phụng dưỡng Cha Mẹ. Tôn kính Cha Mẹ là thừa nhận giá trị thực tại và tầm quan trọng của Cha Mẹ trong cuộc đời chúng ta, thông qua các cử chỉ, hành động, thái độ cụ thể diễn tả sự tận tụy, tình yêu thương và săn sóc đối với Cha Mẹ. Đặc biệt, khi Cha Mẹ già, chúng ta cũng không được xem thường hay khinh bỉ họ. Chúng ta đều được Cha Mẹ sinh ra và nuôi lớn, nhưng Cha Mẹ chúng ta cũng đều là những con người bình thường, cũng đều có những yếu đuối và không hoàn hảo như ta mong muốn. Ví dụ: Có những Cha Mẹ tính khí nóng nảy, có những Cha Mẹ ít học nghèo khổ, có những Cha Mẹ quan niệm lạc hậu cố chấp, có những Cha Mẹ thân thể không được toàn vẹn, nhất là khi Cha Mẹ tuổi tác đã già, đầu óc không còn linh hoạt nữa, thân thể có mùi, nhiều khi còn đại tiểu tiện ngay trên giường, tính khí càng trở nên khó chịu, v.v...

Xin bạn hãy nhớ rằng, Cha Mẹ chúng ta là những thừa tác viên của Thiên Chúa trong việc sinh ra ta, nuôi dưỡng, giáo dục ta. Vì thế, Cha Mẹ cũng chính là đối tượng đầu tiên trong hành trình tu dưỡng và nên thánh của mỗi người chúng ta. Cho nên, dù Cha Mẹ bạn có như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng đều phải yêu thương họ, hiếu kính họ, và tôn trọng họ. Một người nếu mà ngay đến cả Cha Mẹ mình mà cũng không chịu bao dung, thì xin khẳng định rằng, người đó cũng chỉ là kẻ thua cuộc mà thôi. Bên cạnh đó, sự tôn kính Cha Mẹ còn phải được thể hiện qua cách sống của chúng ta. Tiền tài, danh vọng, địa vị, xét cho cùng cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài, đức hạnh mới là điều căn bản. “Lấy đức dày chở muôn vật” câu nói này vốn chẳng hề hư giả chút nào. Việc gìn giữ “danh thơm, tiếng tốt” cho gia đình, nỗ lực sống thiện lành, biết yêu thương và tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ, biết sống chứng nhân giữa đời thường, mới chính là cách thể hiện lòng hiếu kính quý giá nhất, ý nghĩa nhất của chúng ta dành cho Cha Mẹ.

3. Lòng biết ơn dành cho Cha Mẹ

Thánh Gioan Bosco đã nói rằng: “Hãy cho tôi một đứa trẻ có lòng biết ơn, tôi sẽ làm cho nó nên một vị thánh”. Vâng, lòng biết ơn chính là dấu chỉ của sự nên thánh, là ngôn ngữ của một trái tim biết yêu thương, và là khúc nhạc ngợi ca một tâm hồn cao thượng. Mang thân phận con người yếu đuối, mỏng giòn, mỗi người chúng ta khi sống giữa lòng thế gian, đều có những điều mà chúng ta cần đến sự trợ giúp của người khác để có thể hiện diện và tồn tại. Các bạn thử nghĩ xem, nếu không có Cha Mẹ, thì làm sao chúng ta được hiện hữu trên thế gian này? Và nếu chúng ta không thể hiện lòng ơn đối với các đấng sinh thành, thì liệu chúng ta còn có phải là người nữa không? Marcus Tullius Cicero -một triết gia và nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị La Mã cũng đã khẳng định rằng: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”. Hay như một thi sĩ người Anh, Samuel Johnson, thì cho rằng: “Lòng biết ơn chính là một hoa trái của công trình rèn luyện cao quý, bạn không tìm thấy nó ở những kẻ thô lỗ”.

Tôn kính Cha Mẹ không chỉ là một yếu tố nền tảng của lòng hiếu thảo, nhưng nó phát xuất từ lòng biết ơn đối với Cha Mẹ như lời Thánh Kinh đã dạy: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đền đáp cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28). Được có mặt trên đời này đã là một hạnh phúc, là một điều kì diệu và Cha Mẹ chính là người đã ban cho chúng ta phép màu kì diệu ấy. Sau nữa, Cha Mẹ là những người thân thiết nhất, gần gũi nhất với mỗi con người, nếu không biết ơn Cha Mẹ mình thì con người sẽ chẳng bao giờ biết ơn được những người khác, hoặc nếu có thì đó cũng chỉ là những thói đời giả dối, kệch cỡm. Lòng biết ơn Cha Mẹ là một trong những đức tính bản năng vốn có ở mỗi người, đồng thời cũng chính là nền tảng giá trị nhất của cuộc sống này. Từ lúc chào đời đến khi trưởng thành, chúng ta luôn nhận được mọi điều tốt đẹp nhất từ Cha Mẹ. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta thật sự hiểu rằng Cha Mẹ đã phải đánh đổi trong thầm lặng rất nhiều thứ chỉ để thấy được nụ cười của con mình. Với Cha Mẹ, các bạn luôn là tất cả và Cha Mẹ sẽ sẵn sàng làm mọi thứ để các bạn được vui. Thay vì mua những thứ tốt hơn cho mình, Cha Mẹ lại luôn ưu tiên cho những nhu cầu và sở thích của các bạn. Thật vậy, hầu hết bất cứ Cha Mẹ nào cũng sẽ luôn đặt niềm hạnh phúc và thoải mái của con cái lên trên hết. Khi các bạn chào đời cũng chính là lúc Cha Mẹ bắt đầu mất ngủ trong nhiều năm, bắt đầu chấp nhận làm việc thâu đêm, chẳng ngại mệt nhọc chỉ để chăm lo cho các bạn những điều tốt đẹp nhất.

Các bạn có biết tại sao khi bị bệnh chúng ta thường nghĩ đến Cha Mẹ nhiều nhất không? Đó là vì từ khi đưa ta đến với cuộc đời này, Cha Mẹ đã luôn đặt sức khỏe, hạnh phúc của ta lên trên mọi thứ. Hỡi những người làm con, các bạn có mặt ở thế giới này, trưởng thành từ khi còn là một đứa bé đỏ hỏn, Cha Mẹ đã phải tắm cho các bạn bao nhiêu lần, đã giặt quần áo cho các bạn bao nhiêu lần, các bạn có đếm được không? Khi các bạn chưa biết đi, thì chính Cha Mẹ là người dìu đỡ bạn những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Khi các bạn còn chưa thể tự băng qua đường, thì chính Cha Mẹ là người đã cầm lấy bàn tay bé xíu của các bạn, và giúp các bạn an toàn trước dòng người tấp nập qua lại. Khi các bạn chưa biết tự ăn cơm, thì chính Cha Mẹ là người đã kiên nhẫn ngồi hàng giờ đút cho các bạn từng muống ăn đấy.

Các bạn thân mến, lúc các bạn chập chững bước đi đến lúc trưởng thành cũng là chính là thời điểm mà mái tóc của Cha Mẹ bắt đầu có thêm những sợi bạc, cơ thể Cha Mẹ xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn lão hóa. Lúc các bạn đang dần dần có thể tự đứng trên đôi chân của mình, thì cũng là là lúc đôi chân của Cha Mẹ ngày một yếu dần và không còn sức lực để bảo vệ bạn nhiều như trước nữa. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, tình yêu của Cha Mẹ dành cho các bạn thì mãi mãi không thay đổi. Vì thế, đừng để đến khi quá muộn rồi bạn mới nhận Cha Mẹ đang ngày một già yếu đi. Khi hơi ấm của họ còn trong tay của bạn, khi giọng nói của họ còn văng vẳng bên tai, khi đôi mắt của họ còn nhìn về phía bạn thì hãy cố gắng làm tròn nghĩa vụ của người con, hay thủ thỉ tâm sự câu chuyện tuổi già, bởi vì có thể những hình ảnh đó sau này chỉ có thể còn trong ký ức bạn, những lời dạy bảo ấy mãi mãi không được nói ra nữa.

Cả cuộc đời Cha Mẹ dành trọn cho con cũng không mong cầu sự báo đáp, chỉ cần họ nhìn thấy các bạn trưởng thành, có cuộc sống ấm no đầy đủ coi như họ đã sống trọn vẹn cuộc đời. Đã bao giờ các bạn đặt mình là vị trí của Cha Mẹ để biết được những sợi tóc bạc đang dày lên ở trên đầu, Cha Mẹ chưa hưởng thụ niềm vui với con cháu thì mắt đã mờ dần đi, chưa nghe được lời yêu thương thì tai đã bị lãng. Cả cuộc đời lo cơm áo gạo tiền, mới chớp mắt đã hàng chi chít những nếp nhăn trên mặt. Tiền có thể mua cho các bạn căn nhà, mua cho các bạn rất nhiều thứ giá trị nhưng không thể mua được Cha Mẹ thứ hai, và càng không thể mua được tình yêu của Cha Mẹ dành cho các bạn. Vì thế, những ai đang còn Cha Mẹ, hãy chăm sóc Cha Mẹ, hãy dành thời gian bên Cha Mẹ ngay khi còn có thể. Hãy yêu thương Cha Mẹ, ngay khi họ còn cười. Hãy báo đáp công ơn Cha Mẹ, ngay khi họ còn nhận được. Hãy học cách thể hiện sự biết ơn Cha Mẹ, từ những việc nhỏ hàng ngày như giúp Mẹ nấu cơm, cùng Cha cắt tỉa cây cảnh. Các bạn biết không, khi các bạn thể hiện lòng biết ơn, Cha Mẹ sẽ biết rằng con cái của họ là những đứa trẻ tốt, họ sẽ cảm nhận rằng họ cũng được yêu thương chứ không phải chỉ là người trao đi yêu thương. Người Pháp có câu ngạn ngữ thế này: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Vì con tim cảm nghiệm được điều tốt người khác đã làm cho mình, cho nên người sống với lòng biết ơn người khác phải là người đạo đức, có văn hóa, và có giáo dục.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dạy chúng ta thế này: “Bỏ bê người già là một tội trọng. Người già không phải là người ngoài hành tinh. Chúng ta là họ - sớm hay muộn chúng ta không tránh khỏi, mặc dù chúng ta không muốn nghĩ về nó”. Ngài cũng nói thêm rằng: “Con cái không thăm nom, chăm sóc Cha Mẹ già yếu và bệnh tật của mình càng là tội trọng”. (Mary Rezac, 2016; được chuyển ngữ trong bài ‘Người già cô đơn - Chúng ta có quan tâm đến không?' của Trương Ngọc Thạch, 2016). Người lớn tuổi, xuyên suốt Thánh Kinh, không chỉ là hồng phúc Chúa ban, nhưng thực sự họ là những người được Chúa luôn quan tâm săn sóc: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát”.

Đạo hiếu và Lòng biết ơn Cha Mẹ là một điều không phải của riêng ai hay của một tôn giáo nào, nhưng của tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ. Đây là một quà tặng Thiên Chúa ban cho con người, gieo vào cõi lòng con người, để dẫn dắt con người trở về với Đấng là Chân Lý vẹn toàn. Thiên Chúa đã nói: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Hơn nữa, dưới bất cứ hình thức nào, người Kitô hữu nên ý thức rằng chúng ta thảo kính Ông Bà, Cha Mẹ, những người có công sinh dưỡng ta, nhưng chúng ta cũng không được quên những người già neo đơn không nơi nương tựa, vì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa và họ cũng cần lắm sự san sẻ tình yêu thương, quan tâm của chúng ta.

4. Những điều khiến Cha Mẹ hạnh phúc nhất

George Gurdjieff - một nhà tâm lý và đồng hành tâm linh đã viết một câu trên tường phòng khách của ông thế này: “Nếu bạn không thể hòa hợp với Cha mẹ của mình, xin hãy quay về. Tôi không thể giúp bạn”. Thật vậy thưa các bạn, hầu hết mọi rắc rối trong cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ việc bất hoà với Cha Mẹ. Các nhà phân tâm học cũng rút ra kết luận rằng, tất cả những gì họ có thể làm là đưa bạn quay về với những rắc rối tồn tại giữa bạn với Cha Mẹ bạn, và cố gắng giải quyết xung đột đó. Nếu bạn có thể giải quyết xung đột với Cha Mẹ mình, nhiều xung đột khác cũng sẽ tự khắc biến mất, vì chúng đều được sinh ra từ sự xung đột này. Bởi vậy, những đứa con hiếu thảo, nghĩa là biết vâng lời, biết coi trọng lời dạy dỗ của Cha Mẹ, chắc chắn sẽ dễ thành công hơn ngoài xã hội.

Bạn cũng hãy nhớ rằng, sự hiếu kính của người tin Chúa chủ yếu là bày tỏ lúc Cha Mẹ còn sống, vì khi chết rồi thì tất cả những gì chúng ta làm cũng vô ích mà thôi. Vì thế, cho dù bạn có hứa ngàn điều nhưng không làm bất cứ gì cả thì cũng không bằng hứa một điều và cố gắng hoàn thành lời hứa đó. Nếu bạn muốn làm cho Cha Mẹ hạnh phúc, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là làm sao để xứng đáng với sự tin tưởng nơi họ. Cha Mẹ của bạn có thể sẽ rất lo lắng nếu bạn luôn im lặng, giấu mọi chuyện trong lòng cho nên hãy tâm sự, hãy giãi bày nỗi buồn cũng như niềm vui trong cuộc sống hằng ngày của bạn với họ.

Hãy dành thời gian cho Cha Mẹ. Không nhất thiết là phải dành cả ngày để ở cạnh họ mà không làm gì cả, bạn có thể chỉ cần trò chuyện, nấu ăn, ăn uống, dã ngoại cùng với họ một buổi sáng hay vài tiếng đồng hồ cũng đã làm họ rất vui vẻ rồi. Nếu bạn là người bận rộn, hãy chọn những ngày cuối tuần để ở cạnh họ và làm họ vui vẻ. Đừng khiến cho họ cảm thấy bạn cần công việc hoặc những người khác hơn là họ. Có thể chỉ là chuẩn bị một bữa ăn thật ngon ngày cuối tuần. Bạn không cần phải nấu gì đó quá cầu kỳ, nhưng chỉ cần là một bữa cơm đơn giản và đong đầy tình yêu thương mà thôi. Bởi, điều quan trọng không phải là bạn đã nấu một bữa ăn ngon, mà là bạn đã dành thời gian ở bên cạnh Cha Mẹ và khiến Cha Mẹ có được niềm vui.

Nếu bạn vẫn đang là sinh viên và chưa quá bận tâm đến những gánh nặng của cuộc sống, thì hãy tranh thủ những giờ rảnh rỗi mà phụ giúp Cha Mẹ việc nhà. Chắc chắn mẹ bạn sẽ là người vui nhất đấy! Dù cho được yêu cầu hay không, bạn nên tự động làm việc nhà mà không cần nhắc nhở. Đơn giản chỉ là quét nhà, lau nhà hay rửa chén bát, hoặc lau bàn ghế. Đặc biệt là sau một ngày Cha Mẹ bạn làm việc mệt mỏi và bạn đã giúp họ làm hết công việc nhà, tâm trạng của họ sẽ tốt lên rất nhiều. Bạn không cần phải khoe với họ những gì bạn đã làm, họ chắc chắn sẽ nhận thấy nỗ lực và cố gắng của bạn. Cũng hãy học cách thể hiện lòng biết ơn của mình đối với Cha Mẹ mình, các bạn nhé. Hãy bắt đầu bằng việc thường xuyên nói cảm ơn mỗi khi Cha Mẹ làm điều gì đó cho mình. Thử nghĩ xem, nếu bạn có thể làm điều đó đối với những người khác, thì tại sao bạn lại không thể làm thế với chính Cha Mẹ của mình?

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy quan tâm đến Cha Mẹ nhiều hơn. Có thể Cha Mẹ bạn là người thường xuyên gọi điện hỏi thăm xem bạn đang làm gì, đang như thế nào,... chỉ để kiểm tra xem bạn có ổn hay không. Vậy thì giờ đây, bạn cũng hãy làm điều đó đối với Cha Mẹ, để Cha Mẹ cảm thấy rằng bạn cũng đang rất quan tâm, lo lắng cho họ. Cũng hãy dành cho Cha Mẹ những lời khen chân thành nhất, những điều mà bạn rất yêu, rất tôn trọng ở họ và rằng bạn rất biết ơn họ. Cha Mẹ bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều vì thật tâm bạn rất tôn trọng và đề cao họ như một người con có hiếu. Hãy thể hiện tình cảm với Cha Mẹ khi còn có thể. Một cái ôm, một lời nói hoặc bất kỳ cử chỉ yêu thương nào cũng có thể làm trái tim và tâm hồn họ lay động. Có thể bạn cảm thấy những điều này rất ngớ ngẩn nhưng rồi bạn sẽ nhận ra việc cho Cha Mẹ biết bạn yêu họ nhiều như thế nào là rất quan trọng đấy.

Hỡi những người làm con, điều cuối cùng, xin các bạn hãy luôn nhớ rằng, Cha Mẹ chính là những người đã trao cho chúng ta sự sống! Vì thế, đừng bao giờ, đừng bao giờ lăng mạ Cha Mẹ của chính mình, cũng như Cha Mẹ của bất cứ một ai, các bạn nhé.

5. Kết

Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, và là nền tảng đạo đức của xã hội. Kitô giáo là tôn giáo coi trọng Chữ Hiếu và đặt bổn phận hiếu kính lên hàng đầu trong các bổn phận của con người đối với nhau. Đây không chỉ là một hành động luân lý, mà còn là một điều răn được Thiên Chúa truyền dạy, một điều răn chỉ đứng sau ba răn dành riêng cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiếu kính trong đạo Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần được thể hiện qua các nghi lễ, mà phải được thể hiện qua chính mối quan hệ yêu thương đích thực: đó là sự hiếu thảo, kính trọng tuyệt đối dành cho Cha Mẹ. Những người trẻ đích thực của Chúa phải là người coi trọng Chữ Hiếu để làm sáng danh Chúa. Những người trẻ tin kính Chúa phải là người thành tâm hiếu kính Cha Mẹ và hết lòng thực thi Lời Chúa đã truyền dạy: “Trước hết phải ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (1 Tm 5, 4b).

6. Hồi tâm kết nối với Cha Mẹ

Xin thân tặng Quý Linh Mục, Tu Sĩ và những ai hướng dẫn, đồng hành với người trẻ bài Phút Hồi Tâm Ơn Nghĩa Sinh Thành sau đây.

Lưu ý, cần một bầu khí yên tĩnh, một chút nhạc nền, lời dẫn nhẹ nhàng giúp hồi tâm. Các bạn cũng có thể đọc chậm, suy gẫm để cảm nhận tình yêu thương của Cha Mẹ. Chúng ta cùng bắt đầu nhé:

Giờ đây, mời các bạn hãy dành ra ít phút lắng đọng cùng Chúa và kết nối với Cha Mẹ mình. Hãy ngồi trong thư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể. Hãy hít thật sâu và thở ra nhẹ nhàng, bạn có thể nhẩm câu: “hít vào yêu thương, thở ra yêu thương”... Hãy nhắm nhẹ mắt lại và hãy đặt tay lên trái tim mình. Hãy lắng nghe nhịp đập của trái tim bạn, lắng nghe dòng máu nơi trái tim bạn đang chảy, dòng máu này do ai tặng ban cho bạn? Hãy cảm nhận những rung động qua lòng bàn tay và qua từng ngón tay của bạn... Xin bạn hãy thầm nói lời cảm ơn.

Từ sâu thẳm trái tim, xin bạn hãy cảm ơn Chúa, là Đấng Tạo Hóa, Đấng ban cho bạn hơi thở sự sống. Ngài đã tạo dựng nên bạn thật diệu kỳ và lạ lùng, với những nét đặc trưng duy nhất chỉ có ở bạn mà thôi. Sẽ không một ai khác có những ý tưởng, những quan điểm, những khả năng, cá tính và đam mê giống như bạn. Hãy cảm ơn Chúa vì bạn đặc biệt và bạn là duy nhất.

Hãy đặt nhẹ đôi bàn tay xuống và tiếp tục nhắm mắt. Hãy cảm ơn Chúa vì Ngài ban cho bạn đôi mắt, để bạn nhìn ngắm bao kỳ công. Ngài ban cho bạn đôi tai, để bạn lắng nghe đủ mọi âm thanh. Ngài ban cho bạn đôi môi, để bạn hé nở nụ cười. Ngài ban cho bạn đôi tay, để bạn bưng chén cơm, để bạn cầm bút viết. Ngài ban cho bạn đôi chân và dẫn bạn đi khắp mọi nẻo đường. Rồi Chúa ban cho bạn cả khối óc, để bạn biết phân biệt điều thực điều hư và tận tụy hầu việc Ngài.

Xin bạn hãy cảm ơn Chúa vì Ngài ban cho đời bạn có Mẹ có Cha. Giờ đây bạn hãy kết nối sâu hơn với Cha Mẹ. Cha mẹ là những người đồng hành cùng Chúa để đưa bạn đến với thế gian này, Cha Mẹ đã thay Chúa nuôi dưỡng bạn khôn lớn từng ngày. Công Cha dạy bạn đi trên con đường mến Chúa, nghĩa Mẹ mời gọi bạn sống đời yên vui và bạn chính là niềm tự hào của Cha Mẹ. Giá như bạn có thể thấy hình hài bạn từ lúc con còn trong “trứng nước”, Mẹ bạn đã phải cố gắng vượt qua những cơn hành hạ của cơ thể như thế nào? Bạn đã sống nhờ máu huyết của Mẹ, sức sống của Mẹ đấy! Những ngày tháng mang bạn trong bụng, giá như bạn nhìn thấy được, có nhiều lúc Mẹ đã rất mệt mỏi, và đau đớn tột cùng.

Khi bạn chào đời, niềm vui mừng luôn đi đôi với nỗi lo âu, bao canh thức, trăn trở, bao lo toan, chăm sóc, chỉ mong sao bạn khỏe mạnh, lớn khôn. Giá như bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của Mẹ lúc bồng ẵm bạn trong đêm, vì bạn là đứa con khó ăn khó uống, khi trái gió trở trời, bạn khóc rả rích suốt đêm, Mẹ bế bạn trên tay đong đưa ầu ơ ví dầu, thân Mẹ đã mệt nhừ, đôi mắt díu lại nhưng vẫn không thể đặt lưng chợp mắt, vì bạn vẫn quẫy đạp và khóc rên rỉ. Và khi bạn đến tuổi cắp sách đến trường, Cha Mẹ lại càng lo lắng nhiều hơn nữa, chỉ nguyện sao tương lai bạn được rạng rỡ; không chỉ thành công, thành đạt, thành tài mà còn thành nhân và thành thánh!

Vậy mà, những cám dỗ của cuộc đời đã vô tình kéo bạn ra xa khỏi vòng tay Cha Mẹ. Có quá tàn nhẫn không khi bạn cứ mải mê lao theo những ước mơ, những hoài bão cá nhân mà làm đau lòng Cha Mẹ? Đã bao nhiêu lần rồi, bạn đã khiến Cha Mẹ tổn thương vì những lời nói cộc cằn, những hành vi thiếu kiểm soát, bằng sự lạnh lùng, ích kỷ và vô tâm? Phải chăng nhịp sống hối hả của thế gian đã khiến bạn quên mất rằng bạn thật may mắn hơn biết bao người, khi còn có Cha, có Mẹ để quan tâm, chăm sóc và để hết mực yêu thương. Giá như bạn có thể nhớ: Nhớ đôi bàn tay đã bao lần siết lấy tay bạn vỗ về yêu thương, dẫn dắt bạn khi bạn chập chững bước vào đời. Nhớ đôi mắt của Cha hao gầy. Nhớ bờ vai gầy guộc, bàn tay chai sạm của Mẹ.

Giờ đây, xin bạn một lần nữa hãy nhìn lại thước phim cuộc đời mình và hãy cảm nhận nhịp đập nơi trái tim bạn. Hãy nhẹ nhàng kết nối với trái tim của Cha Mẹ và hãy khẽ nói lời xin lỗi Cha Mẹ.

Xin bạn hãy nhớ rằng, có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. Gia đình - đó là nơi bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Từ giây phút này trở đi, hãy dùng tình yêu thương trọn vẹn để đối xử với Cha Mẹ, bạn nhé. Và cũng từ giây phút này trở đi, hãy tự hứa với chính bản thân bạn, rằng bạn sẽ không bao giờ làm tổn thương Cha Mẹ nữa, không bao giờ chà đạp lên Cha Mẹ nữa, không bao giờ làm cho Cha Mẹ buồn lòng bằng chính lời nói và hành vi của mình nữa.

Giờ đây, bạn hãy mở mắt ra, chắp tay lại chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho Cha Mẹ.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì mỗi người chúng con đều là một món quà sự sống, một tuyệt tác đầy yêu thương của Chúa. Xin giúp chúng con ý thức hơn về món quà vô giá này của Người để từ đó chúng con biết tôn trọng sự sống của nhau hơn. Xin thôi thúc chúng con luôn biết chăm lo cho tâm hồn và thân xác mình, để Chúa được lớn lên trong chúng con và để Người trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa cũng đã muốn biểu lộ tình yêu thương của Người dành cho chúng con qua tấm lòng yêu thương của những người Cha, người Mẹ của chúng con nơi trần thế. Chúa còn muốn rằng, sau Chúa, chúng con cũng phải tôn kính Cha Mẹ vì các Ngài đã có công sinh thành và dưỡng dục chúng con nên người. Nguyện xin Chúa chúc lành, nâng đỡ và ban mọi ơn lành hồn xác cho Cha Mẹ chúng con.

Xin giúp chúng con luôn biết lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu của các Ngài bằng cách sống hiếu thảo, yêu mến, tôn kính, vâng lời và phụng dưỡng các Ngài. Xin cho Cha Mẹ chúng con, ngay ở đời này luôn tìm thấy niềm hạnh phúc được phục vụ Cha và yêu mến Cha. Và xin cho chúng con, cùng với Cha Mẹ chúng con, một ngày kia rồi cũng được sum họp với nhau trên Nước Trời. Amen.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Dương Quang Thoại (2008), Chắp cánh cho tâm hồn bay cao, Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.

- Đinh Lập Liễm, “Thể hiện lòng biết ơn”, xem tại: http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/NamC/ThuongNien28.htm  (truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2021).

- Đinh Ngọc Lâm, “Đạo hiếu trong Kitô giáo”, xem tại: https://dongten.net/2011/11/23/d%E1%BA%A1o-hi%E1%BA%BFu-trong-kito-giao/ (truy cập ngày 20 tháng 01 năm 2021).

- Trương Ngọc Thạch, “Người già cô đơn - Chúng ta có quan tâm đến không?”, xem tại: http://phanxico.vn/2016/10/01/nguoi-gia-co-don-chung-ta-co-quan-tam-den-khong/ (truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2021).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)
WHĐ (19.6.2022)