HIỆP HÀNH VỚI HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
HIỆP THÔNG – THAM GIA - SỨ VỤ: CĂN TÍNH CỦA ĐỜI SỐNG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

Lm. Giuse Đinh Đức Hậu

WHĐ (20.11.2022) - “Giáo xứ có một lịch sử lâu dài, và ngay từ khởi đầu đã đóng một vai trò nền tảng trong đời sống Kitô hữu, trong sự phát triển và hoạt động mục vụ của Hội thánh” (Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ, số 6). Giáo xứ là nơi đáp ứng cho nhu cầu mục vụ rõ rệt, cụ thể đem Tin Mừng đến với dân chúng bằng việc thông truyền đức tin và cử hành Bí Tích. Vì thế, nét đặc trưng cụ thể của giáo xứ là nơi thờ phượng, một dấu chỉ của việc Chúa Phục Sinh hiện diện giữa dân Người.

Một linh mục chánh xứ không thể nào điều hành giáo xứ nếu không có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (HĐMV). (X. Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ, số 108). Thêm vào đó HĐMV không thể chỉ là một cơ quan hành chánh, nhưng là nơi để người tín hữu đóng vai trò tích cực trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, bởi từng tín hữu thành viên đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm Sức. (X. Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ, số 110).

Sắp tới đây sẽ có một Thượng Hội đồng Giám mục với chủ đề: Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành, trong đó có Hiệp thông - Tham gia và Sứ vụ. Bằng việc triệu tập Thượng Hội đồng này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội suy tư về một chủ đề có ý nghĩa quyết định đối với đời sống và sứ mạng của mình: “Con đường Hiệp Hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ 3”.

Với ý nghĩa này, chúng ta nhận thấy HĐMV Giáo xứ là nơi diễn ra tính Hiệp Hành thường xuyên và cụ thể nhất. Điều đó cũng cho thấy Hiệp Hành mang lại sức sống như thế nào cho giáo xứ. Nơi HĐMV giáo xứ, chúng ta thấy những đòi hỏi không thể thiếu của Hiệp thông - Tham gia và Sứ vụ. Do đó, các thành viên HĐMV giáo xứ cần ý thức về đặc tính này để thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn với HĐMV, đóng góp những ý kiến tích cực, mới mẻ cho phù hợp với hoàn cảnh và ít là cho thấy sức sống của một HĐMV. Nói cách khác Hiệp thông - Tham gia và Sứ vụ là căn tính của đời sống HĐMV.

Căn tính Hiệp Hành của HĐMV được cụ thể hóa như sau:

1. Hiệp thông: Gặp gỡ

Hiệp thông là gặp gỡ. Nếu hiệp thông là đồng tâm nhất trí, là một lòng một ý, thì gặp gỡ là phương thế để các thành viên Hội đồng mục vụ thể hiện sự hiệp thông theo nghĩa Kinh Thánh này. Mục đích của gặp gỡ là để tạo niềm tin, để thay đổi/biến đổi, để tạo niềm vui và để nhận ra phúc lành của nhau, của sứ vụ.

Có gặp gỡ mới tạo tương quan, một khi tương quan giữa các thành viên hội đồng trở nên mật thiết và gắn bó sẽ tạo niềm tin từ những lần gặp gỡ trực tiếp, diện đối diện. Một khi đã tin tưởng nhau thì các thành viên hội đồng sẽ dễ dàng tìm ra hướng đi chung cho những quyết định, cho những việc làm cụ thể. Vả lại, niềm tin ở đây không chỉ dựa trên lý trí, lý lẽ, mà tin ở đây còn bằng con tim, bằng lòng yêu mến. Do đó hiệp thông là gặp gỡ và yêu mến.

Gặp gỡ cũng mang lại niềm vui. Vui vì được gặp nhau, vui được làm việc chung. Gặp nhau là thấy trong nhau là niềm vui, những nụ cười. Niềm vui luôn khơi dậy những ước mơ, những khát vọng vươn lên. Niềm vui trong gặp gỡ còn khơi dậy tinh thần đổi mới hay ước muốn được biến đổi nơi các thành viên của hội đồng.

Gặp gỡ là tiến trình hai chiều, qua đó mỗi thành viên hội đồng vừa có cơ hội mở lòng mình để hiện diện với người khác, vừa có cơ hội đón nhận sự hiện diện của họ. Nhờ gặp gỡ các thành viên học được nhiều kinh nghiệm từ người khác. Nhờ gặp gỡ các thành viên được cảm thông, được đón nhận để khám phá ra chính mình (Hà Thanh Bình - Từ một cuộc gặp gỡ).

Thiếu gặp gỡ, con người dễ rơi vào thái độ ù lỳ, thụ động, kém sức sống. Mỗi thành viên hội đồng ý thức gặp gỡ trong hiệp thông là được biến đổi theo chiều hướng tích cực từ tinh thần cho tới hành động. Khi mỗi thành viên hội đồng có cái nhìn mới mẻ về công việc và thay đổi cách làm việc là họ đã được biến đổi nhờ các cuộc gặp gỡ mang tính tích cực và xây dựng đó.

Đã có những thay đổi và biến đổi nhờ gặp gỡ trong hội đồng. Thế nên gặp gỡ đúng đắn phải chăng là phúc lành Chúa ban và của mỗi thành viên hội đồng dành cho nhau phát xuất từ lòng chân thành quý mến, từ tình thương chia sẻ và từ tinh thần phục vụ lẫn nhau.

Gặp gỡ đem lại phúc lành nếu như mỗi thành viên HĐMV biết trân trọng các buổi họp của HĐMV, để giữ gìn mối tương quan được bền lâu. Chính vì thế trong giáo xứ HĐMV có 4 buổi gặp gỡ chính theo định kỳ cứ ba tháng một lần. Mỗi buổi họp chính này gồm có hai phần chính: Phần 1 là phần tường trình của các khu họ và hội đoàn ... trình bày các sinh hoạt các các ban ngành đoàn thể về sự thay đổi nhân danh, về những việc đã làm, những việc sẽ làm, ưu điểm và khuyết điểm của các việc đã làm. và đề bạt ý kiến lên cho cha sở xem xét. Tiếp đó là phần thứ hai, cha sở trả lời cho vấn đề được đặt ra, cũng như lưu ý mục vụ về các sinh hoạt trong giáo xứ .

Ngoài 4 buổi họp chính thì còn có những buổi họp bất thường có thể được triệu tập bàn về những vấn đề phát sinh cần được giải quyết, chẳng hạn mừng lễ bổn mạng của giáo xứ, bổn mạng HĐMV, tạ ơn Tân linh mục, tang chế... Tất cả các buổi họp này nhằm mục đích là tạo điều kiện cho các thành viên hội đồng gặp gỡ nhau, trao đổi giữa các thành viên và với cha sở.

Mẫu tường trình: (học hỏi từ các cha tiền nhiệm)

Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Giáo hạt Phú Thọ
Giáo xứ Bình Thới

BẢN TƯỜNG TRÌNH

QUÝ: …………………

GIÁO KHU: …………………

I.TÌNH HÌNH CHUNG

1.Tổng số giáo dân: (Số nóc gia: ………… số hộ ghép:…………….)

a.Nam: …………………………………………………………………………

b.Nữ: …………………………………………………………………………..

2.Số nhân danh Rửa Tội:  …………………………………………………

a.Trẻ em: ………………………………………………………………………

b.Người lớn: …………………………………………………………………..

3.Số tín hữu nhập xứ:  ………………………………………………………

a.Nam: …………………………………………………………………………

b.Nữ: …………………………………………………………………………..

4.Số tín hữu rời xứ: …………………………………………………………

a.Nam: …………………………………………………………………………

b.Nữ: …………………………………………………………………………..

5.Số bệnh nhân: …………………………………………………………….

a.Nam: ………………………………………………………………………….

b.Nữ: …………………………………………………………………………....

6.Số đôi hôn phối đăng ký: …………………………………………………

a.Công giáo - Công giáo: …………………………………………………….

b.Công giáo - Tân tòng: ………………………………………………………

c.Công giáo - Ngoại giáo:  ……………………………………………………

7.Số tín hữu qua đời:  ………………………………………………………

a.Nam: ………………………………………………………………………….

b.Nữ: …………………………………………………………………………....

II.NHỮNG VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN

(Tổ chức lễ bổn mạng, từ thiện bác ái, thăm viếng bệnh nhân, ....)

 …………………………………………………………………………………….

 …………………………………………………………………………………….

 …………………………………………………………………………………….

III.NHỮNG VIỆC SẮP THỰC HIỆN

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

IV.QUỸ TÀI CHÁNH (nếu có)

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

V.ĐÓNG GÓP - ĐỀ BẠT Ý KIẾN

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

Giáo xứ Bình Thới, ngày……….tháng……….năm……….

Người lập

 

Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Giáo hạt Phú Thọ
Giáo xứ Bình Thới

BẢN TƯỜNG TRÌNH

QUÝ:…………………

HỘI ĐOÀN::……………………………………

I.TÌNH HÌNH CHUNG

Tổng số hội viên:

a.Nam: …………………………………………………………………………

b.Nữ: …………………………………………………………………………..

II.NHỮNG VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN

(Tổ chức lễ bổn mạng, từ thiện bác ái, thăm viếng bệnh nhân, ....)

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

III.NHỮNG VIỆC SẮP THỰC HIỆN

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

IV.QUỸ TÀI CHÁNH (nếu có)

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

V.ĐÓNG GÓP - ĐỀ BẠT Ý KIẾN

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

Giáo xứ Bình Thới, ngày……….tháng……….năm……….

Người lập

2. Tham gia: Lắng nghe

Tham gia chính là dự phần vào công việc của từng khu họ, của các hội đoàn,... Nghĩa là các thành viên biết mình làm gì, làm như thế nào. từ việc tổng hợp các dữ kiện, dữ liệu cùng các phương cách để cụ thể hóa công việc của mình. Để tham gia thì điều trước hết phải có lắng nghe. Có lắng nghe mới hiểu việc mình sắp làm là gì, làm như thế nào cho đúng, cho hiệu quả. Hơn nữa mục đích của lắng nghe là để hiểu nhau, điều chỉnh thái độ làm việc và để cùng nhau thực hiện sứ vụ.

Hiểu nhau là một trong những vấn đề lớn của sinh hoạt HĐMV. Bất đồng, xung đột, cãi vã xảy ra là vì chưa hiểu nhau, vì thế buổi gặp gỡ không đạt kết quả và sứ vụ không hoàn thành. Để hiểu nhau phải có lắng nghe, lắng nghe cách chân thành và tôn trọng: tôn trọng người nói và người nghe.

Hiểu nhau sẽ giúp các thành viên biết điều chỉnh thái độ của mình trong khi làm việc chung với nhau. Chính thái độ cư xử đúng mực của mỗi thành viên hội đồng có xem trọng lời nói của người khác và sự lắng nghe của chính mình mới làm cho việc lắng nghe có ý nghĩa là khơi dậy sự lắng nghe của người khác khi đến lượt mình nói. Chú ý lắng nghe là dấu hiệu tốt cho việc hiểu nhau và đi đến một cam kết dấn thân làm việc chung.

Mẫu tường trình dự kiến mừng lễ bổn mạng (học hỏi từ các cha tiền nhiệm):

Tổng Giáo Phận Sài Gòn
Giáo hạt Phú Thọ
Giáo xứ Bình Thới

Lễ Mừng Kính Thánh: ….……………………….
BỔN MẠNG
Giáo Khu: ….………………………………………
Hội Đoàn: ….………………………………………

TỜ TRÌNH DỰ KIẾN

Gửi Cha Chính Xứ

I.TĨNH TÂM CHUẨN BỊ

* (Các) ngày:……….tháng……….năm……….vào lúc……….

* Thành phần tham dự: ……….……….……….……….……….……….……….

II.LỄ MỪNG (đúng ngày hoặc có thể thay đổi)

a)Thứ……….,lúc…….giờ……….phút, ngày……….tháng……….năm ……….

b)Y phục (đồng phục hoặc tự chọn):      

c)Thánh Lễ

* Giờ suy niệm, cầu nguyện trước giờ lễ (khoảng 20 phút)

* Đọc Sách Thánh: ……….(bài)

* Lễ vật: Bánh, rượu, hoa, nến, giỏ trái cây (nếu có)

…………………………………………………………………………………….

* Lời nguyện chung (tự soạn, ngắn gọn, ý nghĩa): Bốn câu theo thứ tự dưới đây:

+ Cầu cho các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh (cho thế giới, cho tổ quốc)

+ Cầu cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh

+ Cầu cho mọi thành phần trong Giáo xứ

+ Cầu cho Giáo khu, Hội đoàn

* Ca đoàn hát lễ:……………………………………………………………….

* Các Giáo Khu, Hội đoàn và thành phần được mời:

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

* Người đọc lời cám ơn (Đọc sau lời nguyện hiệp lễ):

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

III.LIÊN HOAN (Không bắt buộc)

* Số người tham dự:………………………số bàn………………………

* Địa điểm: 

…………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………….

Chấp thuận của cha chính xứ


Bình Thới, ngày……tháng……năm……

Người phụ trách

 

Với tờ tường trình dự kiến này, các ban điều hành khu họ, hay ban chấp hành các hội đoàn sẽ họp với nhau, lắng nghe và phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên, phối hợp nhịp nhàng và đồng thuận với nhau, nhờ đó việc tổ chức mừng bổn mạng sẽ có quy củ, dễ dàng hơn cho mỗi người.

Mỗi thành viên trong HĐMV cần ý thức rằng lắng nghe là để hiểu nhau. Một khi đã hiểu nhau thì biết cùng nhau tham gia thực hiện sứ vụ. Nghe để làm, không nghe suông để đó. Khi các thành viên tham gia sứ vụ chung thì các thành viên chứng minh rằng việc lắng nghe không phải là hệ quả của những cuộc thảo luận vô bổ, mà là kết quả của sự thinh lặng biết lắng nghe và có tác động thôi thúc tâm lòng của mỗi người mở ra đón nhận những lắng nghe khác nữa.

3.Sứ vụ: Phân định

Sau khi hiệp thông (gặp gỡ), tham gia (lắng nghe), chúng ta không kết thúc ở đó và để lại mọi thứ như trước. Mọi sự phải được thay đổi, cần suy xét đâu là sứ vụ phải thực hiện theo ý Chúa, theo đường hướng chung của Giáo hội, đặc biệt là dốc lòng thực hiện cho bằng được. Trước khi thực hiện sứ vụ cụ thể nào đó, các thành viên cần ý thức sứ vụ hiệp thông và tham gia của cá nhân mình, bởi lẽ nếu không có hiệp thông và tham gia của mình thì không có sứ vụ nào được thực hiện cả, hoặc sứ vụ chỉ nằm trên giấy, hoặc chỉ là những bàn cãi cho rôm rả.

Vì thế mục tiêu phân định là điều các thành viên HĐMV cần lưu tâm để ý. Phân định trước hết là nhận ra đâu là sứ vụ phải hướng tới, kế đó là phán đoán, chọn lựa giải pháp hợp lý. Trước đây và ngay lúc này, HĐMV phải đối diện với nhiều thách thức, nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, việc nhận ra đâu là sứ vụ phải giúp các thành viên có được giải pháp hữu hiệu, giúp nhau nhận ra vấn đề lúc này là gì, đúng sai, tốt xấu thế nào, cốt lõi của vấn đề là gì bằng quan sát, bằng trí tuệ và bằng kinh nghiệm...

Nhận thức đâu là sứ vụ cũng là dịp mỗi thành viên HĐMV xem xét mình bấy lâu có quan tâm đến sứ vụ của mình, nghĩa là mình có quan tâm đến hội đoàn hay giáo xứ của mình chưa, hay mình nghĩ rằng sứ vụ là của người đứng đầu, của người có trách nhiệm, còn bản thân mình không cần và không muốn đóng góp. Hoặc mỗi thành viên nhận ra động lực thúc đẩy chúng ta gặp gỡ, lắng nghe là do Chúa Thánh Thần hay do ý muốn cá nhân.

Phán đoán là khả năng tư duy để phân biệt và nhận ra những khác biệt trong chọn lựa, cũng như tách biệt từng sứ vụ, không có sự lẫn lộn, nhầm lẫn và tránh ngụy biện. Các thành viên HĐMV cần đòi hỏi bản thân phải có thói quen phán đoán, phân định, có lương tâm nhạy bén và tinh tế để chọn lựa giải pháp cho những sứ vụ của mình, làm để sáng danh Chúa hay là sáng danh tôi.

Chọn lựa bao giờ cũng là điều khó khăn, thường gây tranh cãi, nhất là với kinh nghiệm cay đắng bức xúc với những tổn thương trước đó. Do đó, phán đoán không chỉ là thói quen thủ đắc, nhưng phán đoán cũng là một ơn ban, cần cầu xin để bản thân đưa ra giải pháp được mọi người đồng cảm, đồng thuận, mà còn dẫn mọi người xích lại gần nhau và dốc lòng thực hiện sứ vụ.

Mẫu diễn tiến buổi tôn vinh thánh bổn mạng:

DIỄN TIẾN BUỔI TÔN VINH THÁNH BỔN MẠNG

(Bắt đầu vào lúc 17g45)

1. Chủ sự làm dấu Thánh Giá. (Mời cộng đoàn đứng)

2. Nguyện kinh (hoặc hát) Kinh Chúa Thánh Thần. (đứng)

3. Lời dẫn (đứng):

*Chủ sự đọc: Kính thưa cộng đoàn, Giáo khu ... (Hội đoàn ...)

cùng với toàn thể cộng đoàn giáo xứ hôm nay mừng lễ thánh .........,

bổn mạng của giáo khu 1, 2, ... (Hội đoàn .). Trong tâm tình tạ ơn Chúa, tri ân thánh bổn mạng, mời cộng đoàn tham dự giờ tôn vinh thánh bổn mạng, để cầu nguyện chung cho giáo xứ, cách riêng cho giáo khu 1, 2, ... (Hội đoàn...) được thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến giáo xứ, giáo khu 1, 2 ... (Hội đoàn ...) của mình, có thêm anh chị em tham gia vào công việc của giáo khu, (có thêm anh chị em tham gia hội đoàn …). Nhờ đó mà gia tăng lòng đạo đức của người tín hữu với Chúa và với giáo xứ.

4. Hát một bài về thánh bổn mạng hoặc một bài mang tâm tình tạ ơn Chúa, tạ ơn thánh bổn mạng. (đứng)

5. Đọc tiểu sử thánh bổn mạng, hoặc một bài suy niệm về thánh bổn mạng (mời cộng đoàn ngồi).

*Chủ sự đọc: Mời cộng đoàn ngồi lắng nghe tiểu sử thánh .

6. Kế đó, đọc kinh cầu với thánh bổn mạng. (ngồi)

7. Đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, một Kinh Sáng Danh. (ngồi).

8. Dâng hoa tôn vinh thánh bổn mạng.

* Chủ sự đọc lời dẫn: Giờ đây, kính mời quý ông bà, anh chị em trong giáo khu 1, 2, ... (Hội đoàn ...) dâng hoa tôn vinh thánh bổn mạng. Những bông hoa xinh tươi tượng trưng cho tấm lòng chân thành yêu mến của giáo khu (hội đoàn) chúng ta, xin được dâng lên thánh bổn mạng. Xin thánh bổn mạng đón nhận và chuyển cầu cùng Chúa chúc lành và ban bình an cho giáo khu 1, 2, ... (Hội đoàn ...) chúng ta.

(Đang khi người chủ sự đọc lời dẫn này, quý chức hướng dẫn giáo khu (Hội đoàn) lên dâng hoa)

*Sau khi dứt lời dẫn, ca đoàn hát một bài về thánh bổn mạng để kết thúc giờ tôn vinh (mời cộng đoàn đứng)

9. Kết thúc: Hát xong, chủ sự kết thúc:

*Chủ sự đọc: Giờ tôn vinh thánh bổn mạng đã kết thúc. Mời cộng đoàn ngồi, chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ. Xin cám ơn cộng đoàn.

Kết luận

Hội thánh thừa nhận rằng tính Hiệp hành là một phần không thể thiếu trong chính bản chất của mình. Do đó, các thành viên của HĐMV giáo xứ cũng cần phải mang trong mình thao thức này của Hội thánh và nỗ lực thực hiện luôn mãi tính Hiệp hành này trong chính hội đoàn và khu họ của mình trước hết, sau đó là với tương quan với HĐMV giáo xứ và cha sở.

Hướng tới một Hội thánh Hiệp hành trong đó có hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Hiệp hành là bước đi cùng nhau. Đây chính là động lực để mỗi thành viên HĐMV sống tinh thần hiệp hành của Hội thánh. Đó cũng là sứ vụ mà các thành viên HĐMV hướng tới để thực hiện.

Mọi thứ phải có sự thay đổi, sẽ không còn như trước nữa. Thay đổi khởi đi từ gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Trong gặp gỡ chúng ta hiệp thông; khi lắng nghe chúng ta được kêu gọi tham gia và khi phân định chúng ta nhận ra sứ vụ. Hy vọng sẽ có những thay đổi, sẽ có những sứ vụ mới được khám phá và thực hiện. Cuối cùng tất cả rồi cũng chỉ là mớ lý thuyết lại trở nên cũ kỹ nếu mỗi thành viên HĐMV không đứng dậy và bước đi cùng Hội thánh. Một viễn tượng tươi sáng đang chờ chúng ta. Nào cùng cất bước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO (NGUỒN INTERNET):

1. Hiệp hành là lối sống của Hội thánh (ĐTGM Giuse Nguyễn Năng)

2. Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành (ĐGM Giuse Đỗ Quang Khang)

3. Gặp gỡ Chúa để biến đổi đời sống (G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ từ vatican.va)

4. Tin – Gặp gỡ (ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên)

5. Từ một lần gặp gỡ (Hà Thanh Bình)

6. Mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống và ban cho chúng ta niềm vui (Linh Tiến Khải)

7. Sự thinh lặng biết lắng nghe (Những nẻo đường thinh lặng – Michel Hubaut)

8. Kinh Thánh nói gì về việc học lắng nghe?

9. Lắng nghe tiếng Chúa (God speaks to his people)

10. Sự phân định cá nhân (Vi Hữu chuyển ngữ - tgpsaigon.net)

11. Phân định trong đời thường (Lm. Nguyễn Cao Siêu – SJ)

12. Sự phân định.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)