GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Giuse Phạm
Đình Ngọc SJ
Hồi nhỏ con nghe chúng bạn nói ngoài nghĩa địa thường có
bóng ma. Nhất là rằm tháng Bảy hoặc lúc trăng sáng, nhiều hồn ma hiện về. Là
người công giáo, con vẫn thắc mắc không biết hiện tượng ấy có thật không? Có hồn
ma không?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Hồi nhỏ thế hệ 8x, 9x, chúng tôi đôi lần thử
những trò chơi liên quan đến ma quỷ: ma lon, chơi trốn tìm nhưng bị ma dấu, gọi
hồn...Dĩ nhiên tụi nhỏ chúng tôi luôn sợ hãi những câu chuyện về bóng ma, nhưng
đứa nào cũng tò mò thích chơi, thích nghe và thích thử tìm hiểu về những chuyện
ly kỳ này. Thời đó, tôi còn nhớ nhiều bạn kể rằng đã gặp bóng ma ngoài nghĩa
trang. Nhiều luồng sáng xuất hiện ngoài đó, thi thoảng còn thấy người mặc áo trắng
lượn lờ. Nhất là nhiều người thế hệ trước kể về những chuyện rùng rợn liên quan
đến người bị sét đánh, nếu không canh chừng mộ của họ, người khác sẽ lấy tay của
người chết để đi ăn cắp.
Tôi không biết đó có phải là những câu chuyện
có thật không, nhưng rõ ràng đó là những hiện tượng được đồn thổi râm ran. Nhất
là những chuyện ma quỷ, những ngày trăng rằm, và nhất là tháng cô hồn, những
câu chuyện ấy lại càng được thổi phồng nhiều hơn. Thời học sinh, sinh viên, nhiều
đứa bạn sợ run khi nghe chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn. Tất cả những tình tiết ấy
khiến chúng tôi nửa tin, nửa ngờ.
Hơn nữa, nơi những nghĩa trang vùng thôn quê
(nhất là ngày trước), thường không có ánh điện. Màn đêm u mờ, ảo ảnh của ánh
trăng luôn gợi lên những hình ảnh rùng rợn liên quan đến hương hồn người chết
hoặc ma quỷ hiện ra. Ngược lại, ngày nay nơi nhiều nghĩa địa, nhất là giữa chốn
thị thành luôn có ánh sáng, cảm giác rùng rợn ấy cũng phần nào giảm dần. Tuy vậy,
những câu chuyện về thế giới bên kia luôn khiến con người thắc mắc, tò mò và đặt
nghi vấn.
1. Thân
xác và linh hồn
Trong câu hỏi của bạn, nghĩa trang dĩ nhiên là
nơi của người chết. Theo niềm tin của nhiều tôn giáo, Công Giáo cũng thế, con
người là sự kết hợp tổng hòa giữa hồn (soul) và xác (body). Thân xác được cấu tạo
từ những tế bào, những nguyên tố hóa học hữu cơ và vô cơ. Nếu chiếu về lúc
Thiên Chúa sáng tạo con người, thì Ngài lấy đất nặn lên hình hài con người. Sau
đó, ngài thổi hơi để trao ban sự sống cho con người[1].
Đó là linh hồn. Đạo Công Giáo tin rằng linh hồn bất tử, vì linh hồn làm cho con
người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7 và Mt 10,28). Khi chết, linh hồn lìa
thân xác để đến trước tòa Thiên Chúa chịu phán xét. Linh hồn có thể được lên
Thiên Đàng, hoặc phải vào Luyện Ngục để chịu thanh luyện. Tình trạng tồi tệ nhất
là linh hồn phải xa Hỏa Ngục đời đời. Như thế, Công Giáo không tin sau khi chết,
linh hồn bình thường có thể trở về trần gian, và cũng không có chuyện gọi hồn
người chết trở về. Tôi nói bình thường, vì thực tế có những hiện tượng ma nhập,
quỷ nhập vào người sống. Chúng ta sẽ bàn sau.
Như vậy, ngoài nghĩa trang là những nấm mồ
chôn cất thân xác người đã chết. Ngày nay nhiều thi thể được thiêu lấy tro. Hài
cốt thường được giữ trong nhà thờ hoặc nơi xứng đáng. Chúng ta tưởng nhớ và cầu
nguyện cho linh hồn của họ. Đến ngày tận thế, Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta
biết thân xác ấy sẽ sống lại để hòa làm một với linh hồn, và chịu phán xét ngày
cánh chung.
Như thế, thân xác là tạm bợ. Ngày chết của
thân xác là chân lý hiển nhiên. Về phần linh hồn, từ thời xa xưa, các triết gia
Hy Lạp như Socrates, Plato và Aristotle luôn tin rằng linh hồn bất tử. Về sau,
Giáo Hội Công Giáo cũng tin rằng linh hồn thuộc thế giới thiêng liêng, nên cũng
bất tử. Hơn nữa, chúng ta cũng đọc thấy điều này khi Đức Giêsu trên thập giá
nói với anh trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên
Thiên Đàng.” (Lc 23,43). Tuy nhiên, Kinh Thánh lại không nói minh nhiên về linh
hồn bất tử, nhưng chỉ đề cập tới việc hy vọng vào sự sống lại mà thôi.
Vì không có hình hài, nên linh hồn “là nguyên
lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn
làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người.” (Youcat số
62). Khi rời thân xác, nguyên lý ấy vẫn tồn tại. Có thể từ điểm này mà biết bao
chuyện ma quỷ, hồn vía được đồn thổi trong những câu chuyện ma quỷ của dân
gian!
2. Có
bóng ma không?
Một hiện tượng mà ngành phân tâm học và tâm lý
cũng chân nhận là: nhiều người nằm mơ thấy ma quỷ. Ma nhập, ma đè, ma quấy cũng
là hiện tượng có thật ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Bởi đó, trong Giáo Hội
thường có những người được đặc cách để trừ tà. Giáo Luật quy định tại điều
1172:
§1. Không ai có thể
trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và
minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương.
§2. Đấng Bản Quyền
địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan
và có đời sống vẹn toàn.
Đây đó chúng ta nghe hoặc chứng kiến hiện tượng
người này bị ma nhập, người kia bị quỷ ám[2]...
Theo quan điểm Kitô giáo, tuy linh hồn là giống thiêng liêng, nhưng sau khi chết,
linh hồn ấy cũng không được phép nhập vào người sống. Vì linh hồn ấy vẫn là của
con người, chứ không phải là của thần linh.
Trong hiện tượng trên, Giáo Hội tin rằng đó là
sự quấy phá của ma quỷ, của thần dữ. Trong Tin Mừng, nhiều lần chính Đức Giêsu
cũng trừ tà, buộc quỷ ám phải ra khỏi thân xác con người[3].
Hơn nữa, Ngài còn cho thấy chúng rất dữ tợn, đông đúc và luôn hãm hại con người.
(x. Mt 8,28–34). Hiện tượng ma quỷ nhập vào người cũng là điều đáng quan tâm,
nhưng bạn hỏi không có ý nói đến những điều này, nên chúng ta không bàn thêm.
Có bóng ma, linh hồn người chết trở về không?
Trước khi trả lời câu này, chúng ta phân biệt
một vài thuật ngữ liên quan đến thế giới bên kia:
Quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei (鬼), dùng để gọi linh hồn của những người đã chết. Theo quan điểm của người
phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con người sẽ đầu thai chuyển thế vào
kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lại
trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ[4].
“Quỷ là hóa thân của ma” (Đạo Cao Đài). “Quỷ (devil) là các thiên thần lạc lối”
(Do Thái Giáo). Theo truyền thống Công Giáo coi ma quỷ là một thiên thần sa ngã
(quỷ vương Lucife). Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ, dẫn con người đến chỗ bất tuân
Thiên Chúa (GLHTCG 391–394). Ma quỷ còn được gọi là tên Ác thần, hiện thân của
sự dữ. Con người có thể chiến thắng Ác Thần bằng cầu nguyện nhờ ân sủng của
Chúa Kitô. (GLHTCG 254).
Như vậy, nếu hiểu “hồn ma” là linh hồn của người
đã chết, thì linh hồn ấy dĩ nhiên là có thật. Đó là xác tín và cũng là mục đích
tồn tại của Giáo hội, nhằm cứu lấy các linh hồn, đem họ trở về với Thiên Chúa.
Còn về chuyện linh hồn ấy có trở về dương thế không, theo Giáo Lý Công Giáo dạy
rằng:
“Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu
phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình
trong tương quan với Đức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện,
hoặc được hưởng phúc trên trời, hoặc sa địa ngục vĩnh viễn.” (số 1022).
Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy những hiện tượng
linh hồn người chết trở về mà chúng ta gọi nôm na là hồn ma. Chẳng hạn, một câu
chuyện đáng tin mà chính thánh Gioan Boscô (1815–1888), kể trong hồi ký của
ngài.
Trong những tháng đầu tiên của năm học thần học
(1838), có lần thánh Gioan Boscô cùng với người bạn thân là Lu–y Comollo đọc mẩu
chuyện về cuộc đời của vị thánh nọ. Sau đó, Gioan bình luận rằng: “Thật là đẹp
nếu một trong hai người chúng ta, ai chết trước, và nếu Thiên Chúa cho phép thì
sẽ về báo cho người kia những tin tức về cõi đời sau. Họ đã bắt tay giao kèo với
nhau. Sau đó mấy tháng, cơn sốt cao đã khiến Comollo qua đời ngày 2 tháng Tư
năm 1839. Trước khi mất, Comollo đã siết chặt tay người bạn thân của mình là
thánh Gioan Boscô. Vào đêm sau khi an táng người bạn thân 22 tuổi, chính Gioan
và 20 chủng sinh khác chứng kiến một hiện tượng lạ lùng. Gioan viết chi tiết
trong hồi ký:
“Chiều
hôm đó, cha đã lên giường trong một nhà ngủ dành cho 20 chủng sinh, và cha rất
bồn chồn, tin chắc rằng đêm đó lời hứa sẽ được thực hiện. Vào lúc 11 giờ 30, một
tiếng ồn sâu lắng nghe vang lên ở các hành lang. Nó giống như một toa xe lớn được
kéo bởi nhiều con ngựa đang tiến dần đến cửa nhà ngủ. Nó càng lúc càng vang lên
ghê sợ tựa tiếng sấm, khiến cả nhà ngủ rung lên. Các thầy chủng sinh khiếp hãi
chạy trốn khỏi giường để qui tụ lại với nhau, tạo cho nhau được thêm can đảm.
Chính lúc đó, và giữa cái thứ sấm gầm sâu lắng và hãi hùng đó, cha nghe rõ ràng
tiếng của Comollo ba lần vang lên: Bosco, Bosco, Bosco mình đã được cứu rỗi! Tất
cả nghe thấy tiếng ồn, có một số nghe thấy tiếng là không hiểu ý nghĩa; tuy
nhiên một số bạn khác đã hiểu y như cha. Bằng chứng là trong cả một thời gian
lâu dài về sau lời ấy vẫn được nhắc lại trong chủng viện. Đó là lần đầu tiên
như cha nhớ là cha đã thực sự sợ hãi: Cha sợ hãi khủng khiếp đến nỗi rơi vào một
cơn bệnh nặng, gần như đã ở bên bờ mộ rồi.”[5]
Thánh Gioan kết thúc chương hồi ký của mình:
“Lần Lu–y hiện ra này được kể lại nhiều lần cho các bề trên của Nguyện Xá”.
Trong câu chuyện trên, tại sao linh hồn lại
“được phép” trở về dương thế? Thánh Augustinô đơn giản trả lời: “Qua mệnh lệnh
bí ẩn của Thiên Chúa”. Điều đó chỉ xảy ra với sự cho phép và qua quyền năng của
Thiên Chúa, với mục đích nào đó. Tuy nhiên, “những lần cho phép”[6]
ấy không nhiều.
Như vậy, bóng ma của người quá cố nơi nghĩa
trang mà nhiều người đồn thổi dường như không đến từ niềm tin của Công Giáo.
Ngược lại, từ truyền thống tâm linh dân gian và có thể là từ vài niềm tin tôn
giáo khác, nghĩa trang là nơi linh hồn người chết hay hiện về. Nhất là những
đêm trăng rằm (trăng biểu hiện cho thế giới âm linh[7]),
hoặc rằm tháng Bảy[8],
nhiều người vẫn tin rằng vong linh người chết lượn lờ trên dương thế. Dù đúng,
dù sai, tâm thức ấy thường lôi cuốn nhiều người và biết bao câu chuyện về thế
giới hồn ma ấy được thêu dệt trong đời sống của chúng ta. Dĩ nhiên là người
Công Giáo, nhiều người cũng bị ảnh hưởng và hiếu kỳ về niềm tin dân gian ấy.
3. Hãy
chăm sóc linh hồn
Với vài chia sẻ trên đây, người viết không có
ý đi vào thế giới huyền bí và mang màu sắc mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trước câu
hỏi của bạn, và trước hiện tượng về thế giới linh hồn, ma quỷ, mỗi người chúng
ta ý thức về cuộc sống đời sau. Trong thế giới người vô thần, họ gạt bỏ tất cả
những gì liên quan đến Thượng Đế, đến đời sau và không cần chăm sóc linh hồn
mình. Ngược lại, tôn giáo chỉ cho người ta những con đường để linh hồn con người
được bình an, được hạnh phúc đời sau. Do đó, ngay ở đời này ước chi người Công
Giáo để tâm chăm sóc cho linh hồn của mình.
Là người Công Giáo, chúng ta tin rằng thân xác
và linh hồn luôn là món quà của Thiên Chúa. Chính Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con
người. Ngài cho mỗi người có linh hồn để sống, có lý trí để nhận biết Thiên
Chúa, và có quả tim để yêu mến Ngài. Trên hành trình ấy, tiếc là con người thường
bị tên Ác Thần cám dỗ. Có khi nó lôi kéo con người vào những con đường mê tín,
khiến con người không tin vào Thiên Chúa.
Là người con của Chúa, dĩ nhiên chúng ta được
mời gọi không tin vào những trò lừa bịp của Ma quỷ. Chúng ta cũng không nên liều
lĩnh chế nhạo, hoặc đi vào thế giới của Ma quỷ, vì chúng xảo quyệt và thông
minh hơn con người. Ngoài ra, chúng ta cũng ý thức sự hiện hữu của Sự Dữ. Chúng
không phải là một điều trừu tượng, nhưng là một “nhân vật”, là Satan, Ác thần,
là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Trong tiếng Hy Lạp Satan: Diabolos
(διάβολος) có nghĩa là chia rẽ. Chúng chia rẽ con người với Thiên Chúa. Bởi đó,
kẻ nào càng bắt tay cộng tác với chúng, người ấy càng xa rời Thiên Chúa.
Đừng quên Ma quỷ có thể đội lốt hồn ma, bóng
vía để lợi dụng các thực hành huyền bí này hầu thao túng và áp bức người ta.
Thái độ tốt nhất mà Giáo Hội Công Giáo mời gọi là: “cấm đoán bất cứ toan tính
nào tìm cách liên lạc với người chết qua các phương tiện như chiêm tinh, cầu
cơ, lên đồng, v.v.. Lý do thì hiển nhiên: những toan tính như thế để “gọi hồn
người chết… che giấu ước muốn có quyền năng… cũng như ao ước muốn liên kết với
các thế lực huyền bí.” (GLHTCG, số 2116).
Hãy chạy đến với Thiên Chúa, với Đức Maria và
các thánh để được trợ giúp. Trong bầu không khí thánh thiện ấy, chúng ta hy vọng
có đủ sức mạnh để lướt thắng những cơn cám dỗ của đời thường. Thay vì tò mò, thử
thách và đi vào thế giới hồn ma ấy, chúng ta hãy chăm sóc linh hồn mình với
phương thế: thánh lễ, cầu nguyện, hãm mình đền tội, làm việc bác ái và sống tín
thác vào Thiên Chúa. Ngoài ra, nghĩa trang cũng là mảnh đất để ta nhớ về những
linh hồn đã khuất. Tạ ơn Thiên Chúa vì những linh hồn đã được hạnh phúc trong
Nước Thiên Đàng. Van xin Thiên Chúa cho những linh hồn đang còn chịu nhiều đau
khổ trong chốn Luyện Ngục. Trong tâm thế ấy, nghĩa trang là đất thánh thiêng,
nơi thân xác con người trở về với bụi đất để chờ ngày Thiên Chúa đến lần thứ
hai.
Thay lời
kết
Hy vọng chút chia sẻ trên đây trả lời được phần
nào câu hỏi của bạn. Chắc chắn đó là chủ đề quan trọng và rộng lớn. Quan trọng
vì linh hồn luôn gắn liền với từng người, là phần sức sống của con người. Hồn
an xác mạnh ai cũng để tâm. Rộng lớn vì khi trả lời có bóng ma hay không, nó
liên quan đến nhiều tôn giáo, thuật ngữ và cả những truyền thống niềm tin dân
gian. Rất may bạn đã giới hạn đề tài trong khuôn khổ niềm tin Công Giáo. Do đó,
với chút chỉ dẫn của Giáo Hội Công Giáo, hy vọng câu trả lời sáng lên hơn. Để từ
đó, chúng ta biết mình tin vào Ai và những điều Thiên Chúa tỏ lộ nhằm chỉ với một
mục đích là để cứu độ con người: cả linh hồn và thân xác.
Xin Chúa chúc lành cho bạn. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục. Họ là những người thân yêu của chúng ta. Với lời nguyện cầu của người sống, các linh hồn ấy sẽ được Thiên Chúa đoái thương đưa về Thiên Đàng, nơi hạnh phúc tràn đầy.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm:
[1] Trong tiếng Latin anima là linh hồn,
là sinh khí; vì thế, chúng ta có thể nói rằng linh hồn tạo sinh khí cho thể
xác, làm thể xác sinh động.
[3] Chẳng hạn, Ðức Giêsu trừ một tên
quỷ câm (Lc 11,14–23); lần khác, Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ ô uế và chữa lành
cho bé trai (Lc 9,37–43); Ngài trừ nhiều quỷ (Mc 1,32–34).
[5] Teresio Bosco, SDB, Don Bosco, Một
Tiểu Sử Mới, dịch giả: Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB, tr. 137-139.
[6] Chúng ta cũng đọc thấy điều này
trong Tin Mừng Thánh Luca (Lc 16,19-31). Sau khi ông nhà giàu chết và bị đày xuống
âm phủ, ông van xin tổ phụ Abraham sai anh La-da-rô (người đã chết), về dương
thế để cảnh cáo anh em ông nhà giàu còn trên dương gian. Tuy nhiên, Abraham
không đồng ý.
[8] Theo quan niệm ở một số quốc gia
Châu Á, Việt Nam cũng vậy, người ta phải cúng cô hồn trong rằm tháng Bảy (Tết
Trung nguyên) do người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm
tháng 7, những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và những cô
hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế. (xem thêm: vi.wikipedia.org)