GP Thái Bình
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
I. Lược sử hình thành
1. Những
biến cố và mốc lịch sử quan trọng
a. Hạt
giống Tin Mừng trên đất Thái Bình
Có thể nói, hạt giống Tin Mừng được
gieo vào miền đất Thái Bình từ rất sớm. Theo sử sách để lại, năm 1638, sau khi
được cử đến Đàng Ngoài loan báo Tin Mừng tại Kẻ Chợ, bằng đường sông Luộc, cha
Felice Morelli đã đặt chân đến làng Bồ Trang (thuộc xứ Bồ Ngọc, Giáo phận Thái
Bình ngày nay) để giảng đạo và được người dân nơi đây niềm nở tiếp đón. Từ đây,
Tin Mừng dần dần được lan rộng đến các làng khác trong Phủ Thái Bình.
b. Công
đồng Phố Hiến (Dinh Hiến) 1670
Sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt đối với
Giáo hội Việt Nam và cách riêng đối với Giáo phận Thái Bình, đó là Công đồng
đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại phố Hiến, thuộc trấn Sơn
Nam, nay thuộc thành phố Hưng Yên, Giáo phận Thái Bình. Công đồng chính thức
khai mạc dưới quyền chủ tọa của Đức cha Lambert vào ngày 14/02/1670 nhằm phổ
biến các Nghị quyết của Tòa Thánh về trách nhiệm và quyền hành của các vị Đại
diện tông tòa, tổ chức cơ cấu mọi sinh hoạt tôn giáo trong Địa phận, đồng thời
ra Huấn thị gồm 33 điều khoản liên quan tới toàn thể Giáo hội Việt Nam.
2. Thời
gian và sự kiện chính thức hình thành Giáo phận
Ngày 09 tháng 03 năm 1936, với Sắc
chỉ Praecipuas inter Apostolicas của Đức Giáo hoàng Piô XI,
Giáo phận Thái Bình chính thức được thành lập (tách khỏi Giáo phận Bùi Chu) bao
gồm phần đất của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, với diện tích 2.207km2. Đây là
một vùng đồng bằng trải rộng, đất đai màu mỡ, nuôi sống trên 3 triệu dân, chạy
dài từ bãi biển Đồng Châu (phía Đông) tới nương khoai An Vĩ (phía Tây).
Sau khi thành lập, Giáo phận Thái
Bình ngày một thăng tiến về mọi mặt. Tính đến năm 1939, ngoài Đức cha Giáo phận
Gioan Casado Thuận, Giáo phận còn có 25 linh mục Dòng Đaminh (người Tây Ban
Nha), 57 linh mục người Việt Nam, 333 thầy giảng, 12 sư huynh Lasan, 10 nữ tu
Dòng Thánh Phaolô, 280 nữ tu Dòng ba Đaminh, 140.000 tín hữu trong 50 giáo xứ
và 552 họ lẻ (Theo thống kê năm 1939 của Les Missions Catholiques en
Indochine).
II. Địa lý và dân số
1. Địa lý
Từ khi thành lập đến nay, Giáo phận
Thái Bình vẫn gồm trọn tỉnh Thái Bình, 7 huyện và thành phố của tỉnh Hưng Yên,
chạy dài từ bãi biển Đồng Châu, Tiền Hải, Thái Bình đến nương khoai An Vỹ,
Khoái Châu, Hưng Yên.
2. Dân số
trên địa bàn
- Dân số tỉnh
Thái Bình cùng với 7 huyện và thành phố của Hưng Yên: 3.166.000
- Dân số Công
giáo: 133.156
3. Giáo
hạt và giáo xứ
Giáo phận Thái Bình có 108 giáo xứ,
368 giáo họ (trong đó, 63 giáo họ không còn nhà thờ), được chia thành 8 Giáo
hạt: Bắc Tiền Hải, Đông Hưng, Đông Hưng Yên, Kiến Xương, Nam Tiền Hải, Tây Hưng
Yên, Thái Thụy và Thành Phố.
4. Dòng
tu
Hiện có 16 dòng tu và tu hội với 232
tu sĩ đang hoạt động tại Thái Bình và Hưng Yên, góp phần cho công cuộc truyền
giáo đạt kết quả tốt đẹp.
5. Đôi nét
chính yếu về đời sống giáo dân
Người giáo dân Thái Bình từ xa xưa
đã được hướng dẫn bởi các Cha Dòng Đaminh với những hoạt động đạo đức bình dân
mang đậm nét hội nhập văn hóa, những lễ hội, những hội đạo đức... Lòng đạo đức
bình dân đó vẫn được duy trì và phát triển. Mặt khác, đời sống êm ả bên lũy tre
làng và tiếp xúc gần gũi với ruộng đồng, với thiên nhiên cũng dệt nên tâm tình
của người Thái Bình đúng như tên gọi của nó. Đức Tin được cắm rễ vào mảnh đất
thuần đồng bằng này đã trổ sinh nhiều hoa trái, đã cống hiến cho Giáo hội Việt
Nam nhiều chứng nhân anh hùng Tử Đạo (19 vị hiển thánh gốc Thái bình).
Để giúp cho lòng đạo đức bình dân
phát triển có chiều sâu và đáp ứng nhu cầu thời đại, trong những năm gần đây,
các vị chủ chăn, cách riêng Đức cha Phêrô chủ chăn Giáo phận, đã đẩy mạnh việc
học hỏi Lời Chúa và Giáo lý, đầu tư một cách bài bản cho các ban ngành đoàn thể
qua các cuộc hội thảo, thường huấn, tập huấn…
Ngoài những hoạt động trên, Đức cha
Phêrô đã dành nhiều thời gian để viếng thăm mục vụ tại các giáo xứ, giáo họ
trong toàn Giáo phận. Tính đến nay, ngài đã đến thăm và làm mục vụ tất cả các
giáo xứ và hầu hết các giáo họ trong toàn Giáo phận.
Song song với việc học hỏi về giáo
lý đức tin, ngài còn khuyến khích cộng đoàn, cách riêng là các bạn trẻ, hãy
quan tâm hơn nữa trong việc trau dồi tri thức khoa học để trở nên những người
Kitô hữu trưởng thành.
Một trong những trăn trở của Bề trên
Giáo phận và cộng đoàn Dân Chúa Thái Bình là vấn đề di dân, làm cách nào để
những người xa quê được quan tâm giáo dục về đức tin và đời sống đạo, giúp cho
họ vừa hòa nhập với các Giáo hội địa phương mà họ đang sinh sống vừa liên đới
với quê hương của mình.
Chúng con tin ở tình yêu Chúa và sự
khôn ngoan của Đức cha Phêrô, chủ chăn đầy nhiệt huyết của Giáo phận.
III. Nhân sự
1. Giám
mục đương nhiệm: Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ,
S.D.B.
2. Các vị
Giám mục tiền nhiệm:
- Đức cha
Gioan Casado Thuận (1936-1941)
- Đức cha
Santos Ubierna Ninh (1942-1954)
- Đức cha
Đaminh Maria Đinh Đức Trụ (1954-1982)
- Đức cha
Giuse Maria Đinh Bỉnh (1982-1989)
- Đức
Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, Giám quản (1989-1990)
- Đức cha
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1990-2009)
3. Linh
mục, chủng sinh, tu sĩ
Giáo phận Thái Bình hiện nay có 132
linh mục, 2 phó tế, 232 tu sĩ, 124 Đại Chủng sinh, 32 tu sinh và 32 dự tu.
IV. Cơ cấu tổ chức trong Giáo phận
1. Giám
mục Giáo phận: Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, S.D.B.
2. Ban tư
vấn
Ban tư vấn Giáo phận có 10 người,
gồm: cha Tổng Đại diện, cha Đại diện Giám Mục miền Hưng Yên, cha Giám đốc Chủng
viện, cha Giám đốc Nhà Chung Thái bình và quý cha Quản hạt.
3. Văn
Phòng Tòa Giám Mục Thái Bình
- Cha
Gioan Chu Văn Yên
- Cha Giuse
Nguyễn Đình Huynh
4. Các uỷ
ban của Giáo phận: Gồm 18 linh mục đứng đầu 18 Ủy ban
của Giáo phận
V. Các cơ sở của Giáo phận
1. Nhà thờ
Chính Tòa
Nhà thờ chính toà Thái Bình
tọa lạc tại trung tâm thành phố Thái Bình, có khuôn viên rộng trên 6000
m². Ngôi Thánh đường được thiết kế hai tầng, có chiều dài 81 m, rộng 24,8 m,
chỗ rộng nhất là 34,2 m, diện tích 2.260 m², 2 ngọn tháp cao 46 m.
2. Tòa
Giám mục
Tòa Giám Mục mới được xây dựng lại
với chiều dài 90m, rộng 64m, cao 27m và tum cao 13m tính từ mặt mái, với gần
300 phòng, được đánh giá là “chẳng những vĩ đại về kích cỡ, mà còn vĩ đại về
công năng sử dụng”.
Công trình này được coi là một trong
những công trình biểu lộ đức Tin của Giáo phận và là món quà dâng lên Thiên
Chúa và các bậc Tiên nhân trong dịp kỷ niệm 80 năm thánh lập Giáo phận
(1936-2016)
3. Chủng
viện Thánh Tâm Thái Bình (xem bài giới thiệu về
Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình)
4. Trung
tâm hành hương
Giáo phận Thái Bình hiện có 4 trung
tâm hành hương, đó là: Nhà thờ Chính tòa và Tòa Giám mục; Đền Thánh Tử Đạo Đông
Phú; Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót Bác Trạch; Đền kính Thánh Tâm Cao
Mại. Các trung tâm này hàng năm đón tiếp nhiều ngàn người đến hành hương
kính viếng.
VI. Hoạt động loan báo Tin Mừng và
bác ái xã hội
1. Loan
báo Tin Mừng
Đức Giám mục Giáo phận đã thành lập
Nhóm Tông đồ tự nguyện (trực tiếp) loan báo Tin Mừng cách trực tiếp và có chủ ý
nói về Thiên Chúa cho một ai đó cụ thể, cầu nguyện và đồng hành với họ.
Thành viên của nhóm gồm: Giám mục,
linh mục, tu sĩ các dòng tu đang hiện diện tại Thái Bình và giáo dân.
Hàng tháng, Nhóm họp theo miền và
khu vực để chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm, tổng kết, bàn thảo và đưa ra
phương hướng hoạt động cho tháng tới.
2. Bác ái
xã hội
Từ nhiều năm nay, ngoài hoạt động
của Ủy ban Bác ái Xã hội của Giáo phận, Đức cha Phêrô còn tổ chức những ngày
gặp mặt truyền thống của anh chị em bệnh phong và người khuyết tật vào trung
tuần tháng 12 hàng năm. Những ngày gặp mặt này quy tụ khoảng trên một ngàn con
cháu & bệnh nhân phong và khoảng gần năm ngàn người khuyết tật.
Văn phòng TGM Thái Bình
Cập nhật ngày 31/12/2017
- TGP Hà Nội ( 03/12/2017)
- GP Bắc Ninh ( 02/12/2017)
- GP Bùi Chu ( 01/12/2017)
- GP Hà Tĩnh ( 01/12/2017)
- GP Hải Phòng ( 01/12/2017)
- GP Hưng Hóa ( 01/12/2017)
- GP Lạng Sơn-Cao Bằng ( 01/12/2017)
- GP Phát Diệm ( 01/12/2017)
- GP Thanh Hóa ( 01/12/2017)
- GP Vinh ( 01/12/2017)