GP Qui Nhơn

01/12/2017

Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Qui Nhơn

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN QUI NHƠN

Qui Nhơn, một Giáo phận cựu trào thuộc Giáo tỉnh Huế có lịch sử gắn liền với thuở ban đầu của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Hiện tại, Giáo phận Qui Nhơn đang trong những ngày sống và cử hành “Năm Thánh Giáo phận mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng” vừa được khai mạc ngày 26/07/2017 và sẽ bế mạc vào ngày 26/07/2018. Sau đây là vài nét giới thiệu khái quát về Giáo phận Qui Nhơn.[1]

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Vào thế kỷ 17, vùng đất Giáo phận Qui Nhơn hiện nay nằm trong lãnh thổ Đàng Trong, phần đất phía Nam của nước Đại Việt do chúa Nguyễn cai trị, đối lập với vương quốc Đàng Ngoài có vua Lê và chúa Trịnh thống lĩnh, lấy sông Gianh làm biên giới. Lịch sử của Giáo phận Qui Nhơn cũng chính là lịch sử ban đầu của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong, tức vùng đất thuộc Miền Trung và miền Nam nước Việt.

1. Thời kỳ “Bảo Trợ Truyền Giáo” (1615-1659)

Tháng 7 năm 1618: Phái đoàn các thừa sai Dòng Tên đầu tiên với các linh mục Phanxicô Buzomi, Phanxicô de Pina, Christophôrô Borri và thầy Antôn Dias đến lập “cư sở truyền giáo” đầu tiên tại Nước Mặn, cách phủ lỵ Qui Nhơn thời ấy khoảng 12km đường bộ, nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Từ Trung tâm truyền giáo đầu tiên này, các thừa sai học tập và nghiên cứu tiếng Việt để thiết định hệ thống chữ Quốc ngữ và mở thêm các cư sở truyền giáo khác cho vùng truyền giáo Đàng Trong: Cư sở Hội An (1619), cư sở Dinh Chiêm (1625).

Cùng với việc thiết lập các cư sở truyền giáo, công cuộc đào tạo nhân sự truyền giáo cũng được xúc tiến. Cụ thể, cha Đắc Lộ đã thiết lập “Hội Thầy Giảng” có quy chế như một tu hội mà hoa quả đầu mùa là cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên vào ngày 26/07/1644 tại Dinh Chiêm, Quảng Nam. Hơn 3 thế kỷ sau đó, vào ngày 05/03/2000, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã tuyên phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa Anrê Phú Yên với danh xưng “Chứng nhân đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam” (Juvenis Andreas, protomartyr Ecclesiae Dei quae est in Vietnamia…)[2].

2. Thời các vị Đại Diện Tông Tòa (1659-1960)

Nhờ sự vận động của cha Đắc Lộ, ngày 09 tháng 09 năm 1659, Toà Thánh thành lập hai Giáo phận Tông Tòa đầu tiên tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Ngoài và Giáo phận Đàng Tronglấy sông Gianh làm ranh giới. Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, thuộc Hội thừa sai Paris, được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông Tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong (1659-1679).

Gần cuối năm 1671, lần đầu tiên, Đức cha Lambert mới đến được nhiệm sở của mình. Trong chuyến viếng thăm mục vụ này, vào tháng 12 năm 1671, Đức cha thiết lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá tại An Chỉ, một họ đạo ở phía Nam Quảng Ngãi, ngày nay thuộc giáo xứ Châu Me. Đây cũng là quê quán của cha Giuse Trang, vị linh mục người Việt tiên khởi của cả nước, nguyên là thầy giảng, được Đức cha Lambert truyền chức linh mục vào ngày 31 tháng 03 năm 1668 tại Xiêm (Thái Lan).

Dưới thời của vị chủ chăn thứ 9 của Đàng Trong, Đức cha Gioan Taberd Từ, cha Bề trên của Giáo phận là linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính đã chịu tử đạo ngày 17 tháng 10 năm 1833, trong lúc ngài đang hoạt động mục vụ tại 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, vùng đất thuộc trọn Giáo phận Qui Nhơn ngày nay.

Đức cha Stêphanô Cuénot Thể (1840-1861), vị chủ chăn thứ 10 của Giáo phận Đàng Trong đặt Tòa Giám mục tại Gò Thị. Tại đây, ngày 05, 06 và 10 tháng 08 năm 1841, Đức cha triệu tập công nghị Giáo phận Đàng Trong để thống nhất công việc mục vụ và truyền giáo trong toàn Giáo phận.

Ngày 17 tháng 05 năm 1844, Giáo phận Đàng Trong được chia hai: Giáo phận Tây Đàng Trong gồm sáu tỉnh phía Nam và Cao Miên (Campuchia), phần còn lại là Giáo phận Đông Đàng Trong do Đức cha Stêphanô Cuénot cai quản. Ngày 27 tháng 08 năm 1850, phần đất từ đèo Hải Vân ra đến sông Gianh được tách khỏi Giáo phận Đông Đàng Trong để thành lập Giáo phận Bắc Đàng Trong.

Năm 1848, thừa lệnh Đức cha Cuénot, thầy sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, nguyên quán Đồng Hâu, Bình Định, đã trở thành người tiên phong thực hiện thành công ý định của Đức cha và miền truyền giáo Tây Nguyên thành hình từ đó.

Trong cuộc bách hại dưới triều Tự Đức, Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông đã chết vì đạo ngày 15 tháng 07 năm 1855. Sáu năm sau, chính Đức cha Stêphanô cũng chịu tử đạo ngày 14 tháng 11 năm 1861 và trong thời gian từ năm 1860 đến 1862 còn có 41 vị khác cũng đã chịu chết vì đạo.

Năm 1885, dưới thời Đức cha Phanxicô Xaviê Van Camelbeke Hân (1884-1901) một cuộc tàn sát khủng khiếp do nhóm Văn Thân thực hiện đã giết chết 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu và trên 24.000 giáo dân. Riêng trong ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, số giáo dân bị sát hại là 19.690 người.

Ngày 01 tháng 07 năm 1907, phần đất thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong từ mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay, đến giáp mũi Cà Ná, được sáp nhập vào Giáo phận Tây Đàng Trong. Ngày 03 tháng 12 năm 1924, Giáo phận Đông Đàng Trong được gọi là Giáo phận Qui Nhơn cho đến ngày nay. Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn xây dựng Tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 1925 đến 1927 (Chủng viện đã được Đức cha Cuénot Thể thiết lập trước năm 1850), khởi đầu tiến trình thành lập Dòng Mến Thánh Giá cải tổ và Dòng Thánh Giuse năm 1926, thành lập trại phong Qui Hòa năm 1929.

Năm 1931, Đức cha Augustinô Tardieu Phú (1929-1942) chuyển Tòa Giám mục từ Làng Sông về Qui Nhơn, xây dựng Đại chủng viện Qui Nhơn, ban sắc chỉ thành lập Dòng Thánh Giuse.

Ngày 18 tháng 01 năm 1932 vùng Tây Nguyên được tách khỏi Giáo phận Qui Nhơn để thành lập Giáo phận Kontum. Cũng trong năm ấy, Đức cha ban sắc chỉ thành lập Dòng Mến Thánh Giá cải tổ. Tại Qui Nhơn, Tòa Giám mục được xây dựng hoàn thành năm 1936 và nhà thờ Chính tòa năm 1939.

Ngày 05 tháng 07 năm 1957, Toà Thánh tách hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận khỏi Giáo phận Qui Nhơn cộng với tỉnh Bình Thuận thuộc Giáo phận Sài Gòn để thành lập Giáo phận Nha Trang và đặt dưới quyền cai quản của Đức cha Marcellô Piquet Lợi. Phần đất còn lại của Giáo phận Qui Nhơn được giao cho Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cai quản (1957-1963).

3. Thời kỳ Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960 đến nay)

Ngày 24/11/1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Tông hiến Venerabilium Nostrorum, thành lập Hàng Giáo phẩm Công Giáo Việt Nam. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, vị Giám mục Chính tòa tiên khởi Giáo phận Qui Nhơn, đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo phận mang lại nhiều kết quả phong phú.

Ngày 18 tháng 01 năm 1963, Tòa Thánh cắt hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín của Giáo phận Qui Nhơn lập thành Giáo phận Đà Nẵng và bổ nhiệm Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, O.P., được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Qui Nhơn trong hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng tại các vùng quê và miền núi của Giáo phận. Ngài qua đời vào ngày 20 tháng 05 năm 1974.

Ngày 29 tháng 07 năm 1974, cha Phaolô Huỳnh Đông Các được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Qui Nhơn. Ngài nhận được sự phụ giúp của Đức cha phó Giuse Phan Văn Hoa (30/03/1976 đến 06/10/1987). Thời gian này, khắp Giáo phận rơi vào tình trạng hoang tàn thời hậu chiến nên cần nhiều nỗ lực tái thiết và phục hồi.

Ngày 19 tháng 06 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Soạn làm Giám mục Giáo phận Qui Nhơn thay Đức Cha Phaolô nghỉ hưu. Trong bối cảnh đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, Đức cha Phêrô nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân sự cho Giáo phận.

Ngày 31 tháng 12 năm 2009, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi làm Giám mục phó. Đến ngày 30 tháng 06 năm 2012, Tòa Thánh chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, theo đó Đức cha Matthêô trở thành Giám mục Chính tòa Giáo phận Qui Nhơn. Đức cha Matthêô đẩy mạnh công cuộc truyền giáo của Giáo phận và mở Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng (1618-2018).

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

Giáo phận Qui Nhơn ngày nay gồm 3 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên với diện tích 16.194 km². 90% dân số là người Kinh, còn lại là một số người dân tộc: Chăm H’roi, Bahna, Cùa (Co), Hrê, Êđê, Raglai, Mnông, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu... tập trung sinh sống tại các huyện miền núi của cả ba tỉnh.

Tổng số giáo dân trong toàn Giáo phận là 73.212 trên tổng số 3.730.142 dân số 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Giáo dân người Kinh: 72.458 người; giáo dân các dân tộc thiểu số: 305 người.

III. NHÂN SỰ

- Giám mục đương nhiệm: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Chính tòa từ ngày 30/06/2012 với khẩu hiệu “Caritas Christi Urget Nos”. Giám mục nghỉ hưu: Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn (Giám mục Chính tòa: 1999-2012) với khẩu hiệu “Scis Quia Amo Te”.

- Số linh mục: 102 linh mục triều, 17 linh mục dòng và 4 phó tế. Số chủng sinh đang học tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang và đang phục vụ tại các giáo xứ là 45. Số chủng sinh đang học tại chủng viện Qui Nhơn là 46.

- Tu sĩ nam nữ: khoảng 294 (nam: 2; nữ: 292) thuộc 7 dòng tu đang phục vụ, gồm 3 dòng nam: Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Ngôi Lời và Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (tên gọi trước đây: Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, hay Dòng Đồng Công).

- 4 dòng tu nữ: Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương. Ngoài ra còn có Tu hội đời Thánh Tâm.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Giám mục: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

2. Tổng Đại diện: Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

3. Hội đồng Linh mục: gồm 26 thành viên

4. Ban Tư vấn: gồm 12 thành viên

5. Hội đồng Mục vụ: gồm 15 Ban, với 170 thành viên

6. Văn phòng Tòa Giám mục

7. Tòa án hôn phối

8. Các giáo hạt: Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Kim Châu, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Tuy Hòa.

9. Các giáo xứ và giáo họ biệt lập: 56 giáo xứ, 8 giáo họ biệt lập. Mỗi giáo xứ và giáo họ biệt lập gồm nhiều giáo họ.

V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN

1. Nhà thờ Chính tòa: xây dựng năm 1939. Địa chỉ: 122 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn.

2. Tòa Giám mục: xây dựng năm 1936. Địa chỉ: 116 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn.

3. Tiểu chủng viện Làng Sông: Thôn Quảng Vân, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

4. Trung tâm mục vụ (Tiểu chủng viện Qui Nhơn): Xây dựng năm 1968. Địa chỉ 120 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn.

5. Các trung tâm hành hương:

(1) Nước Mặn: điểm truyền giáo đầu tiên của Giáo phận

(2) Mằng Lăng: quê hương Chân phước Anrê Phú Yên

(3) Gò Thị: nơi Đức cha Stêphanô Cuénot Thể đã đặt Tòa Giám mục Đàng Trong, quê hương của Thánh Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông

(4) Đền Thánh Stêphanô Cuénot Thể tại Vĩnh Thạnh, được xây trên nền nhà Tôi tớ Chúa Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, nơi Thánh Giám mục Stêphanô Thể dâng Thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt và chết rũ tù tại nhà giam Bình Định

(5) Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng tại chân núi Xuân Vân, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI

- Về các đoàn thể gồm có: 57 hội đồng giáo xứ với 1.581 chức việc; 847 giáo lý viên; 148 ca đoàn với 3.126 ca viên; Legio Mariae gồm có: 1 Comitium, 106 praesidia senior với 1.475 hội viên, 30 praesidia junior với 526 hội viên, 902 hội viên tán trợ; 18 hội hiền phụ với 392 người; 35 hội hiền mẫu với 500 người; 7 tổ gia đình cùng theo Chúa với 66 người; 83 đội thiếu nhi Thánh Thể với 1.466 em; 40 đội trợ táng với 691 đội viên; 8 nhạc đoàn với 125 đoàn viên; 14 nhóm Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế với 481 hội viên, và một số đoàn thể khác như hội Mân Côi, nhà giáo, cựu chủng sinh Làng Sông - Qui Nhơn, sinh viên công giáo, đội trống, Khôi Bình, nhóm cầu nguyện Lòng Chúa thương xót…

- Về văn hóa: phòng truyền thống, tủ sách Nước Mặn, website Giáo phận, bản Thông tin, tuyển tập thơ văn Mục Đồng, giải Văn thơ Lm. Đặng Đức Tuấn dành cho học sinh phổ thông trong Giáo phận, giải Viết văn đường trường dành cho những người viết văn trong cả nước, nội san Hoa Biển của Câu lạc bộ sáng tác thơ văn công giáo Đồng xanh thơ Qui Nhơn.

- Về bác ái xã hội: Caritas Giáo phận.

VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

- Địa chỉ Tòa Giám Mục Qui Nhơn: 116 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn.
- Số điện thoại văn phòng TGM: 0256.3824360

- Fax: 02563828955

- Email: tgmqnhon@gmail.com; vptgmqn@yahoo.com

- Website: www.gpquinhon.org

Văn phòng TGM Giáo phận Qui Nhơn

Cập nhật ngày 31/12/2017

Tài Liệu Tham Khảo

1. Giáo Phận Qui Nhơn Qua Dòng Thời Gian

2. Cẩm Nang Năm Thánh

3. Lịch Công Giáo Giáo Phận Qui Nhơn Năm Phụng Vụ 2017-2018



[1] Nội dung bài viết nầy nầy chủ yếu dựa trên 3 tài liệu: GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, CẨM NANG NĂM THÁNH VÀ LỊCH CÔNG GIÁO GIÁO PHẬN QUI NHƠN NĂM PHỤNG VỤ 2017-2018.

[2] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sắc lệnh phong Chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên.

TIN LIÊN QUAN
LỊCH PHỤNG VỤ