GIỚI TRẺ DI DÂN VỚI NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ
LUÂN LÝ
Lm. Phêrô Nguyễn Hùng Hải, MF
WHĐ (7.10.2020) – Thế giới hôm nay đang sống
trong thời đại phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông
tin, đặc biệt là sự phát triển tột bậc của nền kinh tế, điều này đã mở ra một
chân trời mới cho nhân loại. Hơn thế nữa, một mối tương giao qua lại trên toàn
thế giới đã làm cho con người dễ dàng xích lại gần nhau hơn và cùng nhau phát
triển đời sống. Bởi đó, trong những năm gần đây, nơi các thành phố lớn, chúng
ta thấy vô vàn các công ty, xí nghiệp mọc lên chi chít. Thực trạng đó đã tạo
nên những cơ hội và vận may cho những người trẻ dễ dàng có được công ăn việc
làm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân Việt, vì đời sống xã hội sẽ được
nâng cao, công việc sẽ được ổn định hơn và cuộc sống con người sẽ được cải thiện.
Chính vì thế, hàng ngàn bạn trẻ đã rời xa quê hương, xóm làng, gia đình và bạn
bè, đặt chân đến các nơi đô thị để tìm công ăn việc làm và ổn định cuộc sống.
Chúng ta phải thừa
nhận rằng rất nhiều bạn trẻ đã nắm bắt được cơ may này để kiến tạo sự nghiệp,
xây dựng cơ ngơi và họ đã đạt được ước mơ đó. Tuy nhiên, là con người, sự thành
công về vật chất không phải là tất cả, mà phải có giá trị của đời sống tâm
linh, nhất là các bạn trẻ Công giáo: “Người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”
(Mt 4,4). Bởi đó, bên cạnh những cơ may, những thành công về công việc, các bạn
trẻ di dân hiện nay phải đối diện với bao sóng gió, bao thách đố trên con đường
sự nghiệp. Một trong những thách đố lớn nhất mà ngày nay các bạn trẻ di dân phải
đối diện, có khi phải trả giá, đó là những vấn đề về luân lý[1].
Trong bài này,
người viết xin gợi ra một vài suy nghĩ, không phải chỉ để tìm ra các thách đố
luân lý mà các bạn trẻ di dân phải đối diện, nhưng từ những thách đố đó, chúng
ta cần phải định hướng như thế nào để đồng hành với các bạn trẻ di dân, cách
riêng là những bạn trẻ di dân Công giáo, nhằm phân định được những giá trị cho
cuộc sống và vượt qua khó khăn của thời đại.
1. Bối cảnh xã hội và những vấn đề đặt ra
cho bạn trẻ di dân
Cuộc sống con người
luôn đặt ra cho chúng ta thấy hai mặt đối nghịch, chẳng hạn như: được mất, hơn
thua, phải trái, thương ghét, đẹp xấu, lớn nhỏ, nóng lạnh,... Và việc đối nghịch
này, chính là sự thật tất yếu để hình thành nên cuộc sống. Bởi đó, một cuộc sống
xã hội phát triển mở ra cho con người những cơ hội tốt, nhưng ở mặt khác thì
con người phải đối diện với vô số những vấn đề mà con người cần đắn đo suy nghĩ
và chọn lựa. Giới trẻ di dân ngày nay cũng vậy, họ có được nhiều cơ hội may mắn
trong một thế giới hiện đại, nhưng cũng có muôn vàn những thách đố phải đối diện.
Chúng ta cùng nhau sơ lược một vài khía cạnh của xã hội ảnh hưởng lên các bạn
trẻ di dân, để từ đây, chúng ta có thể đặt ra những vấn đề luân lý mà họ phải đối
diện.
a. Thời đại công nghệ 4.0[2]
Chúng ta đang sống
trong thời đại công nghệ 4.0, thời đại công nghệ liên quan tới hệ thống vật lý
không gian mạng, internet vạn vật và internet của các hệ thống. Hay nói cách
khác, thời đại công nghệ 4.0 là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
4. Cuộc cách mạng này khác hoàn toàn với ba cuộc cách mạng công nghiệp trong
quá khứ, khi các cuộc cách mạng trước chỉ thay đổi cách thức hoạt động của
ngành công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này đã làm dấy lên rất
nhiều câu hỏi cho nhân loại về vị trí và vai trò của con người trong thế giới
hôm nay. Bởi đó, người ta cho rằng thời đại công nghệ 4.0 mở ra một tiềm năng cải
thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao mức thu nhập cho dân số thế giới, với sự
chuyển dịch dần cơ cấu lao động: Từ lao động chân tay sang lao động trí óc.
Ngay cả trong đời sống con người, thời đại công nghệ 4.0 đã gần như thay thế những
lối sống truyền thống. Từ những tiếng hát à ơi của người mẹ, được thay thế bằng
giọng ca phát ra từ cái ipad; từ những cuộc gặp gỡ thân tình trò chuyện với nhau,
được thay thế bằng những phương thức ngồi gần nhau để bấm điện thoại; ngay cả
những phương cách đọc sách, suy tư, tìm kiếm và học hỏi nơi người thầy, thì nay
chỉ cần “google search” là có sẵn câu trả lời...
Nói lên điều này
để chúng ta nhận ra rằng, khoa học kỹ thuật và công nghệ là phương tiện giúp
con người mở rộng ghi nhận, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và đồng thời giúp
cho con người có đời sống phát triển, xã hội văn minh. Tuy nhiên, ở mặt trái,
thời đại công nghệ 4.0 có thể là phương tiện đẩy đưa con người vào những mối
nguy hại và những ngõ cụt của cuộc sống. Hiện nay, xuất hiện nhiều vấn nạn liên
quan đến tình trạng bạo lực trực tuyến, lừa đảo, kỳ thị, tin tức giả, phim ảnh
xấu, ma túy, mại dâm và nhiều tệ nạn khác. Những vấn nạn này phổ biến và lan rộng
cách nhanh chóng trên mạng xã hội, nó có thể lôi kéo và thậm chí xâm hại quyền
tự do thông tin riêng tư, tạo nên một hệ lụy rất khó đính chính hoặc xóa bỏ khi
cần thiết. Đây chính là một mặt trái mà các bạn di dân nếu không thận trọng,
không quyết đoán trong việc chọn lựa, hay nếu lạm dụng nó, họ sẽ phải đối diện
với những bất công và vấn nạn xảy ra cho họ trong đời sống, như lời cảnh tỉnh của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Mạng là
một cơ hội để thúc đẩy việc gặp gỡ người khác, nhưng cũng có thể làm tăng thêm
sự tự cô lập của chúng ta, giống như một mạng nhện có thể là một cái bẫy. Những
người trẻ là những người có ảo tưởng nhiều nhất rằng mạng xã hội hoàn toàn có
thể làm cho họ thỏa mãn về mặt tương quan”[3].
b. Du nhập văn hóa
Thời kỳ mở cửa,
tương quan qua lại giữa các nước cho chúng ta thấy một viễn cảnh mới của cuộc đối
thoại liên văn hóa, người ta có thể dễ dàng tiếp cận, du nhập, trao đổi và hiểu
biết các nền văn hóa từ các nước khác nhau. Như vậy, sự trao đổi văn hóa mang đến
cuộc sống đầy phong phú, gần gũi và có ý nghĩa, từ đó mở ra cho chúng ta một tầm
nhìn đầy mới mẻ và quan trọng cho cuộc sống. Chúng ta có thể lấy ví dụ: Những
năm trước thời kỳ 1980, khi người Việt chúng ta chỉ xoay quanh cuộc sống trong
một ngôi làng, gọi là văn hóa thôn làng, chúng ta chẳng biết đi đâu và cũng chẳng
có một viễn cảnh nào nhìn về các nền văn hóa khác. Nhưng rồi, với những chính
sách đổi mới, con đường mở cửa của đất nước đã từng bước thay đổi cách tiếp cận
của người dân Việt đối với các nền văn hóa khác, đặc biệt trong những năm gần
đây, nền văn hóa của các nước Tây phương, các nước phát triển đã thâm nhập một
cách mạnh mẽ vào văn hóa của người Việt, làm thay đổi tư duy và suy nghĩ khép
kín của người Việt.
Tuy nhiên, sự hội
nhập các nền văn hóa khác cần phải trải qua một tiến trình chuẩn bị và thích ứng,
đồng thời cũng phải có phương cách sàng lọc và cân bằng, nếu không nó sẽ dẫn đến
tình trạng các nền văn hóa không còn khả năng tìm gặp tiêu chuẩn của mình nơi một
bản sắc siêu việt hơn chúng, và cuối cùng giản lược con người vào một dữ kiện
thuần túy văn hóa[4]. Một
điều hiển nhiên mà chúng ta rất dễ nhận thấy trong việc du nhập văn hóa của đất
nước chúng ta trong bối cảnh thời mở cửa và toàn cầu hóa, đó là văn hóa Việt
Nam trở nên phong phú, đa dạng, có giá trị cao và được thế giới đón nhận. Nhưng
ngược lại, cũng xuất hiện những mặt tiêu cực, người ta dễ dàng nhận ra rằng nền
văn hóa truyền thống của Việt Nam đang dần dần bị biến đổi bởi các nền văn hóa
Tây phương, hay nói cách khác, nền văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của
người Việt, nay bị thay thế bởi một lối sống thực dụng du nhập từ các nền văn
hóa khác.
Đứng trước bối cảnh
thay đổi văn hóa hiện nay, chúng ta thấy rằng giới trẻ di dân rất nhạy cảm và dễ
dàng bắt nhịp với phong cách sống đa dạng và phong phú của các nền văn hóa khác
nhau. Họ dễ dàng tiếp cận và hòa nhập với văn hóa thế giới. Nhưng ở mặt khác,
do giới trẻ di dân hiện nay chưa có một nền tảng giáo dục vững chắc trên những
giá trị truyền thống, họ du nhập các giá trị văn hóa khác một cách ồ ạt, tự do
và thiếu chọn lọc. Hơn thế nữa, giới trẻ di dân hiện nay thích phong cách thực
dụng hơn là giá trị truyền thống. Đây chính là một trong các nguy cơ gây nên sự
đổ vỡ về lối sống đạo đức, tình cảm, tương quan gần gũi của nền văn hóa truyền
thống cho giới trẻ di dân hiện nay.
c. Vấn đề giáo dục
Giáo dục từ lâu
đã là một yếu tố rất quan trọng, thiết yếu trong việc phát triển con người, đất
nước, xã hội và ngay cả tôn giáo. Các quốc gia trên toàn thế giới, hay các tổ
chức khác nhau đều lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước,
xây dựng đời sống con người và tạo nên những chiến lược phát triển cho toàn xã
hội. Như vậy, giáo dục là điều kiện tiên quyết giúp quyết định nền kinh tế của
đất nước đó có phát triển hay không, xã hội đó có ổn định hay không, các tổ chức
có nhiều nhân tài để phục vụ cho sứ mạng, công việc của mình hay không và gia
đình có cuộc sống bình ổn và hạnh phúc hay không.
Bởi đó, chúng ta
thấy những năm gần đây, bài toán về giáo dục trở nên một đề tài tranh luận sôi
nổi của các chuyên gia, các tổ chức và các nước khác nhau. Ở đất nước Việt Nam
chúng ta, phải thực sự mà nói, vấn đề giáo dục đang đối diện với sự khủng hoảng,
bất cập và chưa vững chắc. Chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay chỉ quan
tâm đến việc dạy “chữ” cho học sinh,
sinh viên, nhưng việc dạy “nhân” và “nghĩa” thì lại bị buông lỏng, giảm sút,
nhất là các mặt đạo đức, lối sống. Trong bài chuyên đề “Chung quanh nan đề giáo dục”, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhận
định: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay quá
yếu kém, bất cập và mất định hướng, thiếu triết lý giáo dục và tụt hậu thê thảm
so với nhu cầu của thời đại”[5].
Ngay cả nơi môi trường xóm đạo và gia đình cũng vậy, chúng ta còn chưa quan tâm
đầy đủ và chưa cộng tác với nhau chặt chẽ để góp phần quan trọng tạo nên một
nhân cách, đạo đức và đức tin cho con em của chúng ta. Nhiều khi gia đình quá
buông lỏng, thả tự do hay ủy thác hoàn toàn cho các nhà giáo dục mà quên đi vai
trò thực sự của cha mẹ trong việc giáo dục đức tin, giáo dục con cái nên người.
Giới trẻ di dân
hiện nay, rời xa gia đình, họ chưa thấm nhuần một nền giáo dục căn bản và vững
chắc về cả văn hóa và đức tin. Vì thế, khi đối diện với thế giới hiện đại, với
các trào lưu văn hóa khác nhau tràn vào xã hội Việt Nam, điều này đã gây nên
cho họ một lỗ hổng rất lớn trong trường đời và trường đạo, họ dễ dàng chiều
theo một nền tục hóa của xã hội.
2. Một vài thách đố luân lý với giới trẻ
trẻ di dân
Đề cập đến một
vài yếu tố chính yếu của thời đại, văn hóa và giáo dục đang ảnh hưởng rất lớn đến
cuộc sống của giới trẻ di dân hiện nay, chúng ta sẽ đi vào từng phần một về những
thách đố luân lý mà giới trẻ di dân phải đối diện.
a. Thực trạng sống chung và vấn nạn tình
dục trước hôn nhân[6]
Cũng như các nước
Tây phương và các nước phát triển khác, vấn nạn quan hệ tình dục hay sống chung
trước hôn nhân trong bối cảnh xã hội hiện nay được các bạn trẻ xem như là một
chuyện bình thường. Họ không còn nghĩ chuyện tình dục là sự e thẹn, kín đáo, giới
hạn hay không thể vượt rào trước hôn nhân nữa. Họ dễ dàng sống chung, quan hệ
tình dục một cách tự do mà không nghĩ đó là vấn nạn luân lý như giáo huấn của
Giáo hội dạy: “Hành vi tính dục chỉ được
chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân, hành vi này luôn luôn là một tội trọng
và không được hiệp thông các bí tích”[7].
Với giới trẻ di
dân hiện nay, ngoài những ảnh hưởng của xã hội công nghiệp, tự do và hưởng thụ,
họ còn phải đối diện với những vấn đề rất lớn về tính dục. Việc các người trẻ
di dân phải sống xa quê hương, xa gia đình làm nảy sinh nơi họ nhu cầu yêu, được
yêu và cần được người khác quan tâm, đặc biệt người khác phái. Môi trường sống
trà trộn nơi các phòng trọ đông đúc và chật hẹp làm cho họ nảy sinh những mối
quan hệ gần gũi vượt quá giới hạn. Sân chơi lành mạnh cho các người trẻ di dân
lại là điều khan hiếm, họ chỉ biết bám víu vào chiếc điện thoại và mạng xã hội
để lập những mối quan hệ với nhau. Ngay cả những môi trường xã hội hiện nay,
nhan nhản những quán cà phê của những “túp
lều lý tưởng, hấp dẫn”, karaoke “ôm”,
massage “trá hình” và cả những địa điểm
tuyệt vời để cánh mày râu “vui chơi giải
trí thỏa mãn tính dục”. Đối diện với thách đố này, trên bình diện cá nhân,
các bạn trẻ cần khôn ngoan, trưởng thành trong việc chọn lựa những giá trị sống.
Đặc biệt, lòng đạo đức và niềm tin vững mạnh sẽ giúp cho các bạn vượt qua những
cám dỗ của một xã hội hưởng thụ.
b. Tránh thai và nạo phá thai[8] nơi giới
trẻ di dân
Theo kết quả biến
động dân số và kế hoạch hóa gia đình, do Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra
trong hội thảo hưởng ứng ngày tránh thai thế giới, diễn ra sáng ngày 23/9/2019 ở
Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có đến 300.000-350.000 trường hợp phá
thai. Từ cuối năm 2017, Việt Nam từng bị Tổ chức Y Tế Thế giới WHO xếp hạng là
một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu Châu
Á. Riêng thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) được đăng tải trên
trang web Dân Sinh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào ngày 4/9/2019
cũng nêu rõ trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở
độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên
và công nhân[9].
Điều này cho
chúng ta thấy, trong bối cảnh hiện nay, vấn nạn tránh thai và phá thai là điều
nhức nhối nơi đất nước chúng ta. Ở nhiều nơi trên khắp đất nước, từ nông thôn đến
thành thị, chúng ta thấy có nhiều địa điểm bán bao cao su, thuốc tránh thai và
dụng cụ tình dục. Ngay trên các trang mạng xã hội, chúng ta cũng thấy xuất hiện
rất nhiều lời mời chào, mua bán các dụng cụ phục vụ cho vấn đề này. Riêng vấn đề
phá thai, tại các thùng rác thải của các bệnh viện, một ngày người ta có thể nhặt
được ít nhất từ 5 đến 10 và thậm chí có thể đến cả 15, 20 thai nhi bị hủy hoại.
Với sự khủng hoảng
này, khi nhìn vào trong đời sống của giới trẻ di dân hiện nay, chúng ta nghĩ
sao? Họ có bị lôi kéo vào trào lưu này không? Thiết nghĩ đây là vấn đề thường
ngày xảy ra cho họ. Tiếp xúc và đồng hành với các bạn trẻ di dân nơi các giáo xứ
quanh vùng Bình Dương, tôi cảm thấy choáng ngợp khi thử đặt ra cho họ những câu
hỏi liên quan đến tránh thai và phá thai, những câu trả lời mà họ diễn tả cho
tôi là chuyện đơn giản: để khỏi có thai thì đương nhiên phải sử dụng biện pháp
tránh thai; hay nếu lỡ có thai, không cưới nhau, thì phải tìm cách “giải quyết” cái thai; vì nếu để cho gia
đình, họ hàng và bạn bè biết thì không tốt. Thế nên, chúng ta phải khẳng định rằng
một trong những thách đố lớn nhất đối với giới trẻ di dân, đó chính là vấn nạn
sống thoáng, sống dễ dãi và sống buông thả, để phải “giải quyết hậu quả” khi dùng các biện pháp tránh thai hoặc phá
thai.
c. Hiện tượng đồng tính luyến ái nơi giới
trẻ di dân
Thử làm một so
sánh nho nhỏ về quan điểm của mọi người liên quan đến đồng tính luyến ái cho một
vài năm trước đây và hiện nay, chúng ta thấy dưới con mắt của mọi người trước
đây, người ta coi vấn đề đồng tính luyến ái không mấy thiện cảm chút nào, dễ nảy
sinh phân biệt và hiểu lầm. Hiện nay, với việc nghiên cứu của khoa học và xã hội,
người ta dễ dàng hiểu biết, đồng cảm và tôn trọng hơn với những người đồng tính
luyến ái. Nhiều nước hiện nay như Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển…
coi vấn đề đồng tính là tự do, bình thường, nên họ đã chấp nhận cho người đồng
tính luyến ái có quyền lợi hợp pháp, trách nhiệm và ngay cả bảo vệ cho vấn đề
hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, con số này không đáng là bao so với toàn thế giới.
Phần lớn quan điểm của mọi người hiện nay dành cho người đồng tính là ở phương
diện đồng cảm và tôn trọng nhân vị. Giáo hội Công giáo[10]của chúng
ta không chấp nhận cho một “hôn nhân đồng tính”, nhưng chúng ta đứng trên
phương diện tôn trọng nhân phẩm của họ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn
Niềm Vui Yêu Thương đã khẳng định: “Chúng
tôi muốn khẳng định lại rằng mọi người, không phân biệt khuynh hướng tính dục,
phải được tôn trọng theo phẩm giá của họ và phải được đón nhận với lòng kính trọng,
hết sức tránh “mọi dấu hiệu kỳ thị bất công” và nhất là mọi hình thức gây hấn
và bạo lực. Còn đối với gia đình thì cần bảo đảm một sự đồng hành trân trọng, để
người có xu hướng đồng tính có thể nhận được sự trợ giúp cần thiết, để họ hiểu và thi hành trọn vẹn
thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình”[11].
Như vậy, nói đến
vấn đề đồng tính luyến ái, chúng ta không dễ dàng hiểu sâu được ngọn nguồn hay
không thể nào lý luận rõ ràng được, chúng ta dành phần này cho các chuyên gia
khoa học và các nhà luân lý. Chúng ta chỉ đứng trên phương diện mục vụ để nhìn
nhận mức độ và ảnh hưởng của nó đối với giới trẻ di dân hiện nay. Ở mức độ bối
cảnh đời sống xã hội, sự du nhập các nền văn hóa đa dạng, môi trường sống và
sinh hoạt, sự trưởng thành và việc phân định rõ vấn đề giới tính, chúng ta thấy
không ít các bạn trẻ di dân đã rơi vào tình trạng này. Có người vì những thay đổi
về giới tính, họ là những người ít nhiều, một cách thường xuyên cảm thấy một ước
muốn tình dục hướng về người cùng giới; có những người trong đời sống trưởng
thành cảm thấy hấp dẫn tình dục đối với người cùng phái; cũng có những người [12]cảm
thấy thoải mái và được khẳng định khi thân mật với người đồng tính ngoài ra
cũng có những người bị lôi kéo một cảm xúc tính dục hay do một điều kiện khó
khăn nào đó khiến họ rơi vào tình trạng này.
3. Định hướng mục vụ
Chúng ta đã từng
bước tìm hiểu một vài ảnh hưởng của xã hội trên đời sống của giới trẻ di dân, đồng
thời cũng đề cập đến các vấn đề và những thách đố thực tế mà giới trẻ di dân phải
đối diện. Ở phần này, chúng ta cùng nối kết với định hướng của Ủy ban Mục vụ Di
dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhằm gợi ra một vài hướng đi cụ thể
cho sứ mạng này.
a. Cùng một thao thức
Công đồng
Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, số 32 đã trình bày: “Hội thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo một sự đa dạng
lạ lùng. ‘Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận
không có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: Tuy nhiều nhưng chỉ một
thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ
phận của một thân thể’ (Rm 12,4-5)” [13]. Như thế,
Công đồng đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa dù ở vị trí nào cũng đều gắn kết với
nhau, để xây dựng một Hội thánh hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi và trong nhiệm thể
Đức Kitô.
Nói lên điều này
để chúng ta thấy rằng: Với sứ mạng mục vụ cho người trẻ di dân, toàn Giáo hội
đang thao thức tìm ra một hướng đi cụ thể nhằm giúp đỡ họ vượt qua những thách
đố và khó khăn; đồng thời, cũng định hướng cho họ đi theo con đường của Thiên
Chúa trong sự hiệp thông với Giáo hội. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ di dân
không phải chỉ ủy thác riêng cho Ủy ban Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt
Nam hay các ủy ban riêng biệt nơi mỗi giáo phận. Nhưng chúng ta phải coi đây là
trách nhiệm của mọi thành phần trong Giáo hội: Giám mục, các linh mục chánh xứ,
các linh mục, các cộng đoàn dòng tu, tu đoàn tông đồ và giáo dân. Tất cả các
thành phần này đều được mời gọi cộng tác, hiệp nhất với nhau, tránh việc phân
quyền, lạm quyền, ỷ lại hay dửng dưng trước trách nhiệm này. Chúng ta cùng gắn
kết với nhau trong thao thức mục vụ, mở ra một đường hướng cụ thể theo giáo huấn
của Giáo hội và tinh thần Tin mừng. Chính sự nối kết chặt chẽ này, cộng thêm với
ơn trợ giúp của Thần Khí, chúng ta cùng với giới trẻ di dân vượt qua những
thách đố và vững tâm bước đi trên con đường thánh thiện của Thiên Chúa.
b. Chuẩn bị xa
Triết lý cuộc sống
có câu: “Bộ rễ yếu ớt không thể nào giữ
được cái thân to khỏe”. Quả thực, cuộc sống muốn thành công, vững bền, bao
giờ cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Nếu muốn các thế hệ trẻ vững bền
và hạnh phúc trong đời sống, chúng ta cần phải xây dựng cho họ một nền tảng vững
chắc, nếu không, khi đối diện với những thách đố trong dòng chảy của cuộc đời,
họ sẽ dễ dàng vấp ngã.
Nơi những giới trẻ
di dân hiện nay mà chúng ta cảm nhận được, phần lớn nơi họ chưa có được một nền
tảng đạo đức căn bản, và đời sống đức tin của họ chưa thực sự bén rễ sâu.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do chúng ta chưa tập trung chuẩn bị cho
các em có được một nền giáo dục tốt, có kiến thức về đời sống, văn hóa và đạo đức
căn bản; đồng thời, phương pháp giáo dục đức tin cho các em còn nhiều lỗ hổng,
nhiều bất cập. Chính vì thế, khi bước vào cuộc sống, giới trẻ di dân rất khó đứng
vững và dễ nghiêng chiều theo những lôi kéo của xã hội.
Hướng đi cho công
việc chuẩn bị xa, đó là trách nhiệm của các cha xứ, gia đình, các anh chị em
giáo lý viên và những người làm công tác giáo dục. Về phương diện giáo dục văn
hóa, gia đình cần cộng tác với các giáo viên, các trường học để giáo dục kiến
thức và đạo đức cho các con em, không nên phó mặc hoàn toàn cho nhà trường.
Riêng đời sống đức tin, cha xứ, giáo lý viên và gia đình phải quan tâm thực sự
để cộng tác với nhau, nhằm trang bị cho các em có một nền giáo lý nền tảng, một
đời sống đạo đức căn bản và sự vững bền trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt về
việc lãnh nhận các bí tích: Rửa tội, Thánh thể và Thêm sức[14]. Đây
chính là đường hướng chuẩn bị từ xa và rất quan trọng cho người trẻ sau này khi
họ bước vào đời. Chúng ta cùng nhau hướng đến một thao thức định hướng cho sứ mạng
của giới trẻ di dân và đưa vào thực hành những việc làm cụ thể cho sứ mạng và
trách nhiệm của chúng ta.
c. Những việc làm cụ thể
Giáo hội Công
giáo Việt Nam chúng ta, với thao thức chăm sóc mục vụ cho người di dân tại các
đô thị, các giáo xứ và nhiều nơi khác nhau, đã có những chương trình và định hướng
theo sự hướng dẫn của Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt
Nam. Chúng ta cũng đã tổ chức những buổi sinh hoạt, cầu nguyện, nói chuyện, giảng
dạy hay thánh lễ dành riêng cho giới trẻ di dân được tổ chức hằng tuần, hằng
tháng và hằng năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước khởi đầu cho sứ mạng
này, chúng ta cần đi sâu hơn, mở rộng chương trình và đi vào thực tế, qua việc
áp dụng những văn kiện quan trọng của Tòa thánh và của Hội đồng Giám mục Việt
Nam để xây dựng nên dự án với các chiến lược[15]. Trước hết,
phải nghĩ đến kế hoạch nhân sự, chúng ta đã có các ủy ban từ phía Hội đồng Giám
mục Việt Nam, và từ mỗi giáo phận. Tuy nhiên, các tổ chức nhân sự này vẫn chưa
thực sự vững mạnh, chưa hoạt động thống nhất và thiếu liên kết chặt chẽ với
nhau. Phần lớn hằng năm, chúng ta chỉ đứng ở phương diện tổ chức đại hội, chứ chưa
có hướng đi cụ thể nào.
Bởi đó, thiết
nghĩ, để đi vào thực hành cụ thể, chúng ta cần mở ra các văn phòng trợ giúp
pháp lý, hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, nhà trọ và hỗ trợ bác ái. Kế
đến, chúng ta cần bổ nhiệm các linh mục tuyên úy đồng hành với các người trẻ di
dân, kết hợp với các cộng đoàn dòng tu, các tổ chức giáo dân để thăm viếng và
chăm sóc đời sống thiêng liêng cho họ. Ngoài ra, chúng ta nên mở ra các khóa
đào tạo nhân sự, tổ chức những buổi thuyết trình chuyên môn bổ ích tại các nơi
khác nhau, chuẩn bị các buổi tĩnh tâm, linh thao và các sinh hoạt thể thao, văn
hóa khác. Để thực hiện kế hoạch này, cần sự hỗ trợ của các đấng bản quyền, các
linh mục, đặc biệt các linh mục chánh xứ, linh mục dòng, các cộng đoàn tu sĩ,
tu đoàn tông đồ, các tổ chức giáo dân và ngay cả nơi chính các người trẻ di
dân.
LỜI KẾT
Di dân trong xã hội
hiện đại ngày nay đang là một vấn đề, một biến động rất lớn cho toàn thế giới,
cách riêng ngay chính tại quê hương Việt Nam chúng ta. Trào lưu những người trẻ
phải rời xa gia đình và quê hương để tìm cuộc sống mới, tìm công ăn việc làm
đang trở nên phổ biến. Khi bước đi như vậy, người trẻ di dân không thể không đối
diện với bao thách đố và khó khăn trong cuộc sống, có khi họ cũng phải đánh đổi
và trả giá bằng cả cuộc sống của mình. Chúng ta đã nhận ra được những vấn đề phức
tạp của họ, từ thực tế đời sống cho đến vấn đề luân lý và cả đạo đức thiêng
liêng. Đây chính là những dấu chỉ khó khăn của thời đại mà chúng ta cần đọc ra,
để chúng ta cùng nhau mở ra con đường phục vụ dựa trên những giá trị của Tin mừng.
Nhờ đó, chúng ta giúp cho các bạn trẻ di dân nhận ra được những khó khăn của họ
và thôi thúc họ can đảm, tin tưởng, phó thác cuộc sống cho Thiên Chúa, đồng thời
mời gọi họ tham gia và đóng góp các sáng kiến hữu ích, thiết thực nhằm hướng tới
một cuộc sống hiệu quả và lành mạnh trong lãnh vực di dân. Điều quan trọng là mời
gọi các bạn trẻ di dân hãy siêng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích và
luôn kết hiệp với Chúa, cầu xin Ngài ban sức mạnh của Thánh Thần để giúp chính
họ biết dấn thân một cách mạnh mẽ, nhằm chiến thắng những cám dỗ của thời đại.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)
[1] X. Ủy
ban Công lý & Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam (bản dịch tiếng Việt), Docat, số 31: “Giáo hội can dự vào các
vấn đề xã hội đến mức nào?”, 2017.
[2] Ibidem,
số 230: “Toàn cầu hóa tăng tốc không có nghĩa là tất cả các nước có cùng trình
độ phát triển như nhau và tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự nối kết
của nó. Hoàn toàn trái ngược: các vấn đề như nghèo đói, thiếu giáo dục, việc
chăm sóc sức khỏe kém cỏi, và vi phạm nhân quyền vẫn là những tin tức gây nhức
nhối. [...] Toàn cầu hóa, do đó, không chỉ có các thuận lợi mà còn làm trầm
trọng thêm nhiều vấn đề hoặc thậm chí gây ra các vấn đề hàng đầu”.
[3] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, năm 2019; x. Docat,
số 42: “Tôi có trách nhiệm gì, khi sử dụng các phương tiện truyền thông?”; số
44: “Có phương tiện truyền thông tốt và phương tiện truyền thông xấu không?”.
[4] Nguyễn
Thái Hợp, O.P., Một cái nhìn về giáo huấn
xã hội công giáo, Nxb. Phương Đông, 2013, Tr. 277.
[6] X. Ủy
ban Mục vụ Gia đình Hội đồng Giám mục Việt Nam (bản dịch tiếng Việt), Tông huấn Familiaris Consortio của Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II, số 11, NXb. Tôn giáo, 2011; Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
(bản dịch tiếng Việt), Youcat, sách Giáo lý dành cho người trẻ, số 403:
“Tình yêu có chỗ đứng nào trong đời sống tình dục?”; số 407: “Tại sao Hội Thánh
chống lại những quan hệ tình dục trước khi thành hôn?”; số 408: “Làm sao bạn
sống được như là Kitô hữu, nếu bạn đang có quan hệ tình dục, hoặc đã có quan hệ
tình dục trước hôn nhân rồi?”, NXb. Văn hóa – Văn Nghệ TP.HCM, 2016.
[7] Ủy ban
Giáo lý Đức tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (bản dịch tiếng Việt), Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số
2390, Nxb. Tôn giáo, 2016.
[8] Ủy ban
Giáo lý Đức tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (bản dịch tiếng Việt), Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số
2270: “Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ
cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải
được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là
quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội”.
[9] Báo động nạn nạo, phá thai ở Việt Nam, https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/0923-f-09232019145358.html
[10] Youcat, sách Giáo lý dành cho người trẻ, số 415: “Hội Thánh phán đoán thế nào về
đồng tính luyến ái? “Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và thân xác họ
là để trao hiến cho nhau. Hội Thánh chấp nhận những người thấy mình có khuynh
hướng đồng tính luyến ái. Ta không nên kỳ thị chống đối họ. Nhưng, Hội Thánh
xác định rằng: Những quan hệ tình dục giữa những người đồng tính luyến ái trong
bất cứ hình thức nào đều nghịch lại trật tự của tạo dựng”.
[11] Đức
Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Amoris
laetitia (Niềm Vui Tình Yêu), số 250 - bản dịch tiếng Việt của Hội đồng
Giám mục Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 2016; x. Youcat,
Sách Giáo lý dành cho người trẻ, số 65: “Người có khuynh hướng đồng tính
luyến ái thì sao?” - bản dịch tiếng Việt của Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.
[12] Trần
Như Ý Lan, Người Công giáo trước một số
vấn đề Y sinh học & Tính dục, Nxb, Tôn giáo, 2017, Tr. 216.
[13] Ủy ban
Giáo lý Đức tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (bản dịch tiếng Việt), Công đồng Vatican II, Nxb. Tôn giáo,
2012, Tr. 130.
[15] X. Hội
đồng Giáo hoàng về Mục vụ Chăm sóc Di dân và Người Lữ hành, Huấn thị về mục vụ chăm sóc anh chị em di
dân, 01/08/1952; Tình yêu Đức Kitô
dành cho di dân, 03/05/2004; Ủy ban Di dân Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn mục vụ di dân, 01/11/2017.