Lời nói đầu
Mầu nhiệm vô cùng phong phú của Đức Kitô đã được sống lại trong mầu nhiệm Giáo Hội và được biểu lộ qua các ơn gọi hết sức đa dạng và các bậc sống rất khác biệt nhau, mà dựa vào đó, sự hiệp thông trong Giáo Hội được tổ chức. Qua những hình thức cụ thể thực hiện các ơn gọi và bậc sống ấy, ta thấy chúng tương tự như tất cả các ân huệ mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên những người đã chịu phép rửa (x. 1Cr 12,4-6). Vì được sinh ra từ một nguồn gốc chung là Ba Ngôi nên các bậc sống khác nhau ấy đều liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi bậc sống này phối hợp với bậc sống kia, giúp nhau phát triển, nếu người ta biết sống các bậc ấy đúng với bản sắc của chúng và đúng với sự bổ túc cho nhau giữa các bậc sống ấy. Kế đó, mỗi bậc sống cũng như toàn thể mọi bậc sống đều phối hợp với nhau để làm cho Giáo Hội được mở mang và phát triển. Có như thế, chúng mới góp phần giúp Giáo Hội hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới, dựa vào sự phát triển rất sống động của các bậc sống.[1]
Sau khi Công Đồng Vatican II đề cao sự hiệp thông trong Giáo Hội là một thực tại vô cùng cao cả (hiệp thông không phải là đồng nhất mà là một ơn Chúa Thánh Thần được bày tỏ qua sự đa dạng của các đặc sủng và các bậc sống), người ta cảm thấy rằng cần phải minh giải rõ hơn thế nào là bản sắc của Giáo Hội, cũng như ơn gọi và sứ mạng riêng của Giáo Hội.[2] Chính vì lẽ đó, ba Đại Hội Thường Lệ vừa qua của Thượng Hội đồng Giám mục đã tập trung chú ý vào những điều này. Và tiếp theo sau các Đại Hội ấy là ba Tông Huấn của Đức Gioan Phaolô II: "Christifideles laici" bàn về ơn gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân, "Pastores dabo vobis" đề cập tới chức linh mục thừa tác và "Vita consecrata" nói tới bậc sống của những người theo chân Đức Kitô sát hơn bằng cách tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Nhờ đó, người ta đã ý thức một cách linh hoạt hơn đâu là tầm quan trọng và đâu là giá trị của bậc sống căn bản ấy trong đời sống Giáo Hội, theo đúng ý muốn của Chúa.[3] Như vậy, như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở, hai yếu tố phẩm trật và đặc sủng đồng tồn tại trong lòng Giáo Hội; cả hai đều góp phần canh tân Giáo Hội,[4] một cách khác nhau nhưng luôn luôn trao qua đổi lại với nhau.
Kinh nghiệm sau Công Đồng cũng cho thấy sự canh tân Giáo Hội, theo như Công Đồng mong muốn, đã từng tuỳ thuộc và tiếp tục tuỳ thuộc vào các giám mục. Điều ấy không thể nào xảy ra khác được, vì tác vụ của các giám mục là kiến thiết, bảo đảm và giữ gìn cộng đoàn Kitô hữu, như họ đã được đặt làm mục tử coi sóc, nhân danh Đức Kitô. Trong Giáo Hội địa phương của mình, mỗi giám mục đều là người thăng tiến hữu hiệu đối với đời sống của các Kitô hữu giáo dân và là người bảo vệ cẩn thận nhất đối với đời sống tu trì. Còn các linh mục chính là những cộng sự viên cần thiết, những nhà cố vấn cho các giám mục trong khi thi hành tác vụ và trách nhiệm dạy dỗ, thánh hoá và cai quản dân Chúa.[5]
Đến nay, khi Giáo Hội đã tiến tới ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, các giám mục vẫn cần phải dấn thân thi hành tác vụ của mình một cách cương quyết và can đảm như trong quá khứ, để canh tân Giáo Hội theo những chỉ thị của Công Đồng Vatican II, nhờ đó thế giới có thể "được biến đổi theo đúng với ý định của Thiên Chúa và đạt tới sự hoàn thành của mình".[6]
Đó chính là lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn đề tài sau đây cho Đại Hội thường lệ lần thứ 10 của Thượng Hội đồng Giám mục: "Giám mục, thừa tác viên Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, phục vụ niềm hy vọng của thế giới". Đề tài này muốn nhấn mạnh trước hết rằng niềm hy vọng của con người, của tất cả mọi người và của mỗi người, chính là Đức Giêsu Kitô.[7]
Đề tài này cũng muốn nói thêm rằng toàn bộ công tác của các giám mục đều là để phục vụ niềm hy vọng, bằng cách vừa loan báo vừa làm chứng về niềm hy vọng ấy cũng là loan báo và làm chứng về Đức Kitô. Mỗi giám mục cần phải lấy những lời nói sau đây của thánh Augustinô như là của mình: "Dù chúng tôi có là gì, anh em cũng đừng đặt hy vọng vào chúng tôi. Với tư cách là giám mục, tôi xin hạ mình thưa với anh em rằng tôi muốn cùng vui với anh em, chứ không muốn được anh em đề cao tán tụng. Tôi không hề khen những người nào mà tôi biết được đã đặt niềm hy vọng vào tôi: những người ấy cần phải được sửa sai, chứ chẳng được tôi trấn an đâu; những người ấy cần phải thay đổi, chứ chẳng được khích lệ gì đâu (...) Anh em đừng đặt niềm hy vọng vào chúng tôi, đừng đặt niềm hy vọng vào con người. Nếu chúng tôi tốt, chúng tôi đã là những thừa tác viên; nếu chúng tôi không tốt, chúng tôi vẫn là những thừa tác viên. Nhưng nếu chúng tôi là những thừa tác viên tốt lành và trung tín, lúc ấy chúng tôi mới đích thực là những thừa tác viên”.[8]
Đại Hội Thường Lệ lần thứ 10 của Thượng Hội đồng Giám mục chỉ có thể được chuẩn bị và sau đó được tiến hành dựa vào giáo huấn của Công Đồng Vatican II về các giám mục, những người kế vị các Tông Đồ, "những người cùng với Đấng Kế Vị Phêrô, Đại Diện Đức Kitô, và là vị Lãnh Đạo hữu hình của toàn thể Giáo Hội, cai quản nhà của Thiên Chúa hằng sống".[9]
Tham dự vào bí tích Thánh Chức một cách viên mãn, mỗi giám mục đều là nguyên lý và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong chính Giáo Hội đã được giao cho ngài phục vụ như người mục tử. Ngài sẽ làm sao cho Giáo Hội được phát triển thành Gia Đình của Chúa Cha, Thân Thể của Chúa Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, qua ba vai trò mà ngài được mời gọi đảm trách là giảng dạy, thánh hoá và cai quản. Trong Giáo Hội địa phương ấy, ngài sẽ là hiện thân sống động và cụ thể của Đức Kitô, "là mục tử và là giám mục" của lính hồn chúng ta (x. 1Pr 2,25), không những bằng lời nói mà còn bằng chính con người của mình.[10] Ngoài ra, vì Giáo Hội là sự hiệp thông giữa mọi Giáo Hội, nên chính khi xây dựng Giáo Hội địa phương mình, ngài cũng góp phần xây dựng Giáo Hội toàn thể, là "dấu chỉ và là phương thế thực hiện sự hiệp nhất sâu xa của con người với Thiên Chúa và sự thống nhất của toàn thể nhân loại".[11] Như vậy, Giáo Hội tăng trưởng thì "toàn thể gia đình nhân loại mới – một sự phác thảo của thời đại tương lai – cũng tăng trưởng”.[12]
Chính Công Đồng Vatican II đã khôi phục lại thực chất của Giám Mục Đoàn, tổ chức tiếp nối Tông Đồ Đoàn; thực chất này dành ưu tiên cho công tác mục vụ mà các giám mục thực thi trong sự hiệp thông với các giám mục khác và với đấng kế vị thánh Phêrô. Với tư cách là thành viên của Giám Mục Đoàn, tất cả mọi giám mục đều "đã được tấn phong không phải chỉ cho riêng một giáo phận, mà còn để cứu độ toàn thể thế giới"[13]. Vì dã được Đức Kitô đặt lên thể theo ý muốn của Người, các giám mục "phải có lòng quan tâm đối với toàn thể Giáo Hội. Sự quan tâm này, cho dầu không được thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, nhưng vẫn góp phần đáng kể vào ích lợi của Giáo Hội hoàn cầu".[14] Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội có mặt trong hết mọi văn kiện của Công Đồng Vatican II, như một trong những nguyên tắc có sức làm sống động các văn kiện đó. Nhưng riêng trong sắc lệnh "Christus Dominus" ta thấy xác định rõ hơn sứ mạng mục tử của các giám mục. Bộ Giáo Luật được ban hành năm 1983 chẳng những giữ lại hình thức của sứ mạng này, đồng thời còn xác định luôn cả quy chế của sứ mạng ấy. Nhưng mười năm trước đó, để minh hoạ khuôn mặt lý tưởng của vị giám mục biết thích nghi với thời đại chúng ta, cũng như để miêu tả cách chính xác hơn nét phác hoạ của vị giám mục về mặt luân lý, khổ chế và huyền nhiệm, Bộ Giám Mục đã phát hành cuốn Kim Chỉ Nam "Ecclesiae imago" (khuôn mặt Giáo Hội) (ngày 22-2-1973), mà hiện nay vẫn còn rất cập nhật và có giá trị.[15]
Đại hội Bất Thường lần thứ nhất của Thượng Hội đồng Giám mục – tổ chức vào tháng 10 năm 1969 xoay quanh chủ đề tính tập thể của các giám mục trong Giáo Hội – đã có điều kiện suy nghĩ cách sâu sắc về giáo lý của Công Đồng liên quan đến sự hiệp thông có tính cách bí tích giữa các giám mục. Ngoài ra, chính bản thân Thượng Hội đồng Giám mục đã là một dụng cụ vô cùng hữu hiệu để xây dựng sự hiệp thông. Khi được quy tụ lại trong Thượng Hội Đồng, "cùng với thánh Phêrô" ("cum Petro") và "dưới sự lãnh đạo của thánh Phêrô" ("sub Petro"), các giám mục đã có dịp mang đến cho Thượng Hội Đồng những kinh nghiệm của mình trong việc làm mục tử của các Giáo Hội địa phương và "làm cho sự liên kết, tức là nền tảng thần học và lý do biện minh có tính Giáo Hội và mục vụ cho việc hội họp thành Thượng Hội Đồng, được biểu lộ rõ ràng và linh hoạt”.[16]
Đại Hội Thường Lệ lần thứ 10 của Thượng Hội đồng Giám mục chắc chắn sẽ là dịp để ta nghiệm thấy sự kiện này: sự hiệp thông giữa các giám mục càng vững chắc thì sự hiệp thông trong Giáo Hội sẽ càng phong phú. Hơn nữa, chính nhờ trao đổi với nhau các kinh nghiệm sống mà thừa tác vụ của các giám mục càng thêm mạnh mẽ và vững chãi. Diễn ra trong bối cảnh của Năm Đại Thánh 2.000, lại tập trung chú ý vào khuôn mặt của chính vị giám mục tôi tớ phục vụ Tin Mừng để đem lại hy vọng cho thế giới Đại Hội sắp tới đây của Thượng Hội Đồng dự kiến một trong các mục tiêu của Đại Hội sẽ là làm nổi bật chân lý này: Giám mục "là người có nhiệm vụ cao quý là làm người đầu tiên công bố những lý do đem lại sự hy vọng cho thế giới" (1Pr 3,15). Niềm hy vọng này đã được lời hứa của Chúa hậu thuẫn, lại được nâng đỡ nhờ sự trung thành đối với Lời Chúa, “lời xác quyết chắc nịch là Đức Kitô đã sống lại, Người đã vĩnh viễn chiến thắng sự dữ và tội lõi".[17] Ngoài ra, nhân dịp ngàn năm thứ ba đến, cùng với tất cả mọi Ki tô hữu, các giám mục cần phải tìm ra trong đời sống Giáo Hội và xã hội để đánh giá lại và đào sâu thêm "những dấu chỉ của niềm hy vọng đã xuất hiện vào cuối thế kỷ này, cho dù mắt chúng ta thường không thấy vì chúng đã bị các bóng tối che khuất".[18] Niềm hy vọng của Kitô giáo được phổ biến thế nào là tuỳ thuộc rất nhiều vào việc can đảm loan báo Tin Mừng một cách toàn vẹn. Vì thế, đây phải là một việc ưu tiên trong số các công việc chính của các giám mục. Thế nên, vượt lên trên tất cả những bổn phận và nhiệm vụ quá nhiều của người giám mục, "vượt lên trên tất cả những ưu tư và gian khó di liền với công việc hằng ngày của người làm vườn nho cho Chúa, ta phải đặt niềm hy vọng lên hàng đầu và trên tất cả mọi sự".[19]
* * *
Các bài trong Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 01 (tháng 12 năm 1998) với chủ đề: Giám mục - Thừa tác viên của Tin mừng Đức Giêsu Kitô, phục vụ niềm hy vọng thế giới:
1. Bối cảnh hiện nay của sứ mạng giám mục
2. Những đặc điểm xác định tác vụ giám mục
3. Công tác mục vụ của người giám mục tại giáo phận của mình
4. Giám mục, thừa tác viên Tin mừng phục vụ hết mọi người
5. Hành trình tâm linh của các giám mục
Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1998
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 1 (Tháng 12 năm 1998)
_______
[1] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng "Christifideles laici" (30-12-1988), 55 : AAS 81 (1989) 503 ; Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng "Vita consecrata" (25-3- 1996), 31 : AAS 88 (1996) 404-405.
[2] Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn sau Thượng Hội Đồng "Vita consecrata" (25-3-1996), 4 : AAS 88 (1996) 380.
[3] Xem như trên, 29 : AAS 88 (1996) 492.
[4] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội "Lumen gentium", 12.
[5] Xem Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục "Presbyterorum ordinis", 7.
[6] Xem Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới "Gaudium et spes", 2.
[7] Xem như trên, 45.
[8] Thánh Augustinô, Bài giảng 340/A, 9 : PLS 2, 644.
[9] "Lumen gentium", 18.
[10] Xem như trên, 27.
[11] Như trên, 1.
[12] "Gaudium et spes", 39.
[13] Sắc lệnh về việc truyền giáo của Giáo Hội "Ad gentes", 38.
[14] "Lumen gentium”, 23.
[15] Xem Thánh Bộ Giám Mục, Kim chỉ nam "Ecclesiae imago" về công tác mục vụ của giám mục, 22-2-1973 (Nhà xuất bản đa ngữ của Vatican, 1973).
[16] Đức Gioan Phaolô II, Huấn từ gởi các Hồng Y, những thành viên trong dinh Giáo Hoàng và giáo triều Rôma, nhân dịp lễ Giáng Sinh, (20-12-1990), 6 : AAS 83 (1991) 744.
[17] Đức Gioan Phaolô II, Huấn từ gửi Hội Đồng Giám Mục Colombia (2-7-1986), 8 : L'Osservatore Romano, bản tiếng Pháp, số 28, 15-7-1986, tr.8.
[18] Đức Gioan Phaolô II, Tông Thư "Tertio millennio adveniente" (10-11-1994), 46 : AAS 87 (1995) 34.
[19] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn gởi các giám mục nước Áo nhân dịp viếng thăm ad limina (6-7-1982), 2 : L'Osservatore Romaưo, bản tiếng Pháp, số 30, 27-7-1982, tr.1.