GIÁO XỨ ĐỒNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ ĐẾN GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

Lm. Antôn Hà văn Minh

WHĐ (18.10.2020) – Trong một lần đến nhà thờ tham dự thánh lễ chiều Chúa nhật, một khách du lịch hỏi cha xứ, nhà thờ rộng và chứa được nhiều người quá, có đông tín hữu đến dâng lễ, nhưng tại sao chỉ toàn người lớn tuổi, còn người trẻ ít quá vậy? Câu hỏi làm cha xứ giật mình, và quả thật tuy rất đông người đến dâng lễ ngày Chúa nhật, nhưng trong số đông đó các bạn trẻ chiếm một số quá ít ỏi, khoảng chừng 10%! Phải chăng đây là hiện tượng chung mà các giáo xứ tại Việt Nam đang đối diện: Hiện tượng các bạn trẻ ngày càng thờ ơ với đời sống đức tin của mình và chỉ cố gắng hết sức để giữ luật đi dâng lễ ngày Chúa nhật cho yên lương tâm? Đứng trước hiện tượng này, các vị mục tử đang tự hỏi: Phải làm gì đây? Đức Phanxicô trong Tông huấn "Chúa Kitô Đang Sống" đã đưa ra gợi ý: “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ‘Thiên Chúa’, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thiết thực về Người. Vì thế, điều cần thiết là Hội Thánh đừng quá bận tâm về mình, nhưng trước hết phải phản ánh Đức Giêsu Kitô. Điều này đòi hỏi Hội Thánh khiêm tốn nhìn nhận rằng có một số điểm cụ thể phải được thay đổi, và để làm điều đó thì Hội Thánh phải trân trọng quan điểm và cả những phê bình của người trẻ... vai trò thụ động dành cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; các khó khăn mà Hội Thánh thường gặp khi phải giải thích cách hợp lý cho xã hội đương thời về các lập trường tín lý và đạo đức của mình”[1].

1- Các bạn trẻ đang khao khát gặp gỡ Chúa Kitô?

Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một nhận định tương đối bi quan về thái độ ứng xử của đại đa số bạn trẻ về lối sống trong thời đại hiện nay: “Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”[2]. Tại sao được hưởng một nền văn minh với những tiện nghi do sự phát triển tột bậc của khoa học kỹ thuật mang lại, các bạn trẻ lại rơi vào một lối sống xem ra như đang đánh mất chính mình, đi ngược lại với kỳ vọng mà nền văn minh đem lại?

Có thể nói được rằng, các bạn trẻ ban đầu xem ra háo hức với những tiện nghi hiện đại mang lại, cuộc sống xem ra thoải mái hơn, thế nhưng tận cùng của những tiện nghi đó cũng chỉ mang lại niềm vui nhất thời không đáp ứng được sự khao khát tận đáy lòng của các bạn trẻ, “bởi lẽ trong một xã hội, người trẻ luôn là sức mạnh nội lực, là sự sống còn của cả dân tộc, họ phải lèo lái, dẫn dắt con thuyền dân tộc tiến vào tương lai trong sự thành đạt và tiến bộ của nhân loại. Mặt khác, người trẻ luôn là cầu nối giữa quá khứ của dân tộc với tương lai của thế giới; là nơi lưu dấu và cất giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc để chuyển trao cho lớp thế hệ trẻ mai sau”[3]

Quả thật, cho dẫu sống giữa một xã hội đang đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, phần đông các bạn trẻ vẫn canh cánh bên lòng về niềm khát vọng được thể hiện “cái tôi” vượt ra ngoài những định kiến, lề thói và truyền thống của gia đình, của xã hội. Nhà báo Ánh Dương đã đưa ra nhận định: “Khác với thế hệ trước, những người trẻ ngày nay không làm theo những gì xã hội muốn, họ theo đuổi điều bản thân cho là đúng chứ không bó buộc bản thân trong bất kỳ định kiến nào. Dám làm, dám dấn thân, dám phá bỏ giới hạn, và cứ như vậy một thế hệ làm-điều-không-thể ra đời. Những người trẻ có cái tôi khác biệt, thấu hiểu bản thân và biết tận dụng sức mạnh của chính mình trên con đường tìm tới thành công. Chính sự quyết liệt đó, thế hệ làm-điều-không-thể tạo ra nhiều thay đổi lớn, biến những điều không thể thành có thể”[4].

Thiết nghĩ đó cũng chính là nỗi khao khát của các bạn trẻ Công giáo, muốn thể hiện “cái tôi của con người đương đại” trong các sinh hoạt liên quan đến đức tin. Vâng, các bạn trẻ Công giáo đương đại đang mong muốn điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là muốn “xuất thần”, có nghĩa là muốn “ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời”[5]. Thế nhưng đâu là nền tảng cho ước mong “xuất thần” này? Nhiều bạn trẻ đã nỗ lực đi tìm một con đường để thoả mãn cho khát vọng này, con đường đi tìm cái đẹp, bởi nói như nhà văn Nga Dostoevsky: “Thế giới sẽ được vẻ đẹp cứu rỗi”[6]. Thế nhưng đâu là cái đẹp để mang lại sự cứu rỗi? Hầu như các bạn trẻ mới chỉ dừng lại ở con đường đi tìm cái đẹp nơi thân xác, mặc dầu vẫn biết rằng nét đẹp nơi thân xác cũng là vẻ đẹp phát xuất từ Thiên Chúa. Tuy nhiên Nhà thần học Evdokimov viết: “Không chỉ mình Thiên Chúa mặc lấy vẻ đẹp, ác thần cũng bắt chước Ngài, làm cho vẻ đẹp trở thành hàm hồ”[7], và vì vậy khi đi tìm cái đẹp để mong đem lại ý nghĩa đích thật cho cuộc sống, các bạn trẻ thường rơi vào cạm bẫy vẻ đẹp do ác thần mang lại, để rồi thay vì để cái đẹp giải thoát, các bạn trẻ lại bị sa đọa vì cái đẹp.

Thật ra, tự thẳm sâu các bạn trẻ vẫn khao khát một con đường tìm gặp cái đẹp đích thật, vì chỉ có cái đẹp đó mới có thể làm no lòng thoả dạ của tuổi trẻ. Đâu là con đường dẫn tới cái đẹp đó? Thưa đó chính là con đường Giêsu. Quả thật chỉ có Đức Kitô mới có thể làm cho các bạn trẻ tìm thấy được cái đẹp mang lại sự cứu rỗi, bởi nói như thánh Augustinô: “Khi làm người, một cách nào đó Ngài mặc lấy sự dơ bẩn, nghĩa là mang lấy bản tính phải chết, để đứng vào hàng ngũ con người, trở nên giống con người, để giúp bạn yêu vẻ đẹp bên trong. Người không còn dáng vẻ oai phong, để ban cho chúng ta dáng vẻ oai phong”[8]. Vì thế, có thể nói, mặc dầu đối diện với muôn vàn nẻo đường mà thế trần đang tạo ra với bao nhiêu sự hấp dẫn, các bạn trẻ vẫn khao khát một con đường dẫn tới niềm vui đích thật, hay nói cách khác các bạn đang nỗ lực để làm sao gặp được con người Giêsu, con người dẫn tới “sự xuất thần” để gặp một vẻ đẹp đích thật.

2- Giáo xứ giúp bạn trẻ gặp được con người Giêsu

Ở nơi đâu có thể giúp các bạn trẻ tìm thấy được con đường Giêsu để tìm thấy cái đẹp mang lại ơn cứu rỗi? Giáo Hội, vâng Giáo Hội là không gian trình bày con đường Giêsu một cách sống động và hiện thực, bởi Giáo Hội là một cộng đoàn được Chúa quy tụ để loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, được biểu tỏ nơi con người của Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nơi con người của Chúa Giêsu chứa đựng vừa ân sủng Tạo Hóa (chính Thiên Chúa), vừa ân sủng thụ tạo cao cả (thực tại Ngôi Hiệp)[9], vì thế Giáo Hội có trách nhiệm chỉ cho các bạn trẻ biết thực tại vẻ đẹp đích thật nằm ngay chính trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội đó được cụ thể hoá trong hoàn cảnh địa phương được gọi là giáo xứ.

Giáo xứ được Đức Phanxicô gọi là “nhà”, nơi đó các bạn trẻ tìm thấy trước hết con đường dẫn tới gặp Đức Kitô chính là “tình của các thành viên sống trong một mái nhà”, được gọi là “tình gia đình”. Thật vậy, vẻ đẹp của Thiên Chúa được mạc khải cho con người được tỏ bày qua “tình gia đình”, Con Thiên Chúa đến làm con trong một gia đình nhân loại, gia đình Nazareth. Chính từ nơi gia đình này, Người đã mạc khải cho con người về vẻ đẹp của lòng hiếu thảo, một vẻ đẹp mà cha ông Việt Nam đã cảm nhận và đã biểu tỏ trong những lời khuyên dạy con cái:

Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Nét đẹp đó chỉ tròn đầy khi Đức Kitô xuất hiện và chỉ cho biết thế nào là hiếu thảo. Thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu Philipphê đã diễn tả:

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8)

Đó là vẻ đẹp rạng ngời của lòng thảo hiếu, Chúa Cha cũng đã minh định điều đó: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17). Vẻ đẹp của lòng hiếu thảo không chỉ dành cho Cha trên trời, nhưng còn được Đức Kitô làm cho rạng rỡ thêm khi Người cũng thể hiện tâm tình hiếu thảo với cha mẹ dưới đất: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Đây chính là vẻ đẹp mà hơn bao giờ hết cần phải làm cho giới trẻ khát khao. Bởi vẻ đẹp của lòng thảo hiếu chỉ ra rằng, con người không tự bởi mình mà hiện hữu, nhưng có cội nguồn, để thấy được rằng cuộc sống chỉ có thể có được trong mối dây liên kết và từ mối dây này mỗi người ý thức về trách nhiệm cộng đồng, loại trừ tính ích kỷ cao ngạo, sự dửng dưng vô cảm.

Vẻ đẹp này được tìm thấy trọn vẹn nơi đời sống giáo xứ, bởi giáo xứ là một cộng đoàn được Chúa quy tụ nối kết với nhau để trở nên một cộng đoàn yêu thương. Có nghĩa là sự hiệp thông trong cùng một đức tin dẫn đưa người tín hữu tới sự hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu, qua đó, mọi người tín hữu trong giáo xứ được liên kết với nhau bằng mối dây đức ái Kitô giáo. Và từ sự hiệp thông này, các bạn trẻ sẽ được gặp Đức Kitô, Đấng sẽ thiết lập một sự kết nối với những kẻ đến với Người bằng tình bằng hữu, chính Người đã khẳng định: “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ…. Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga 15, 15), và qua tình bạn này, các bạn trẻ “sẽ học được biết cởi mở, hiểu biết, quan tâm đến người khác, đi ra khỏi cuộc sống thoải mái tiện nghi và cô lập của chính mình, chia sẻ đời sống mình với người khác”[10]. Thật vậy, sống trong một xã hội đầy nghi nan, các bạn trẻ luôn đối diện với nỗi băn khoăn: Ở nơi đâu có thể tìm được sự tin cậy để có thể thổ lộ, sẻ chia, và đồng cảm? Nỗi trăn trở đó chỉ có thể tìm được sự thoả mãn nơi tình bạn với Đức Kitô, vì chỉ có Người mới kết nối được tình bạn “bất khả phân ly”, một tình bạn trung tín và không bao giờ bỏ rơi người bạn của Người[11]. Quả thật nơi Đức Kitô các bạn trẻ sẽ học hỏi được nơi Người cách thế kiến tạo mối tương giao tốt đẹp với mọi người, và biết cách làm cho sức sống của tươi trẻ lan toả ra đến môi trường mình sống, chỉ dẫn các bạn trẻ “đốt lên một ngọn nến tin yêu trong cuộc sống hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối của nghi nan”, Người đã khích lệ: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6,38).

Nơi cộng đoàn giáo xứ các bạn trẻ sẽ còn tìm thấy những vẻ đẹp được ẩn mình trong các mối tương giao giữa người với người. Thật vậy, giáo xứ là một cộng đoàn hiệp thông bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông nơi giáo xứ khởi sự được thực hiện nhờ Bí tích Thánh tẩy, qua đó mọi Kitô hữu được tái sinh làm con Thiên Chúa, vì thế tất cả được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, cùng dự phần vào sản nghiệp mà Đức Kitô đã sắm sẵn qua cái Chết và sự Phục sinh của Người. Kế đến, nhờ bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu thực sự được dự phần vào Thân Thể Chúa Kitô khi bẻ bánh Thánh Thể, “vì bánh chỉ là một, nên tuy nhiều, tất cả chúng ta, những người cùng chia sẻ một bánh, chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Bằng cách đó, tất cả chúng ta trở nên chi thể trong Thân Thể Người, “còn ai tùy phận nấy mà thành chi thể cho nhau” (Rm 12,5) (LG 7).

Trong ngôi nhà giáo xứ, Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng nhằm hợp nhất và quy tụ mọi tín hữu lại với nhau để trở nên một cộng đoàn yêu thương. Ở ngôi nhà này tất cả tín hữu hợp nhất với nhau thành một gia đình của Chúa, nơi đó các bạn trẻ khám phá một vẻ đẹp của sự hiệp thông, mọi người không ai là xa lạ, tất cả là anh chị em với nhau, có cùng một sứ vụ đó là loan báo Tin Mừng Chúa Kitô đến cho mọi người. Và chính trong sự hiệp thông này, các bạn trẻ được mời gọi tham gia vào các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ để làm cho vẻ đẹp của Giáo Hội càng trở nên rạng ngời có sức thu phục nhiều bạn trẻ quan tâm tới Giáo Hội.

Quả thật chính trong ngôi nhà giáo xứ các bạn trẻ kín múc được nguồn cảm hứng từ cuộc đời của Chúa Giêsu, qua việc các bạn trẻ được hướng dẫn để lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, “với ý thức thuộc về một gia đình và một cộng đồng, trong việc mở lòng ra để được tràn đầy Thánh Thần và được hướng dẫn thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác, là ơn gọi riêng của mình”[12].

3- Thực trạng hôm nay: Giáo xứ vắng bóng giới trẻ

Cộng đoàn giáo xứ đang đối diện với một thực tại đáng buồn, hầu như các bạn trẻ đang xa dần với mái nhà giáo xứ, và đang định hướng sai lầm về khát vọng của chính mình. Cho dẫu vẫn nuôi trong mình khát vọng bay xa, ra khỏi những định chế, truyền thống “bảo thủ” để tìm cái mới lạ, nhưng khát vọng đó đang bị chao đảo bởi kẻ thù của thiện mỹ gây ra. Và nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô, não trạng của giới trẻ hiện nay đã hoàn toàn thay đổi, và sự thay đổi đó đã được “khởi động bởi những tiến bộ khổng lồ, mau chóng, được tích luỹ về phẩm và lượng trong các ngành khoa học kỹ thuật, được đem áp dụng ngay vào các lãnh vực khác nhau của tự nhiên và đời sống. Chúng ta đang ở một thời đại giàu trí thức và thông tin, dẫn tới các hình thức quyền lực mới, thường không được gọi tên”[13], từ đó đưa tới những hậu quả:

a) Nghi ngờ những thực tại đức tin:

Giới trẻ ngày nay hầu như không còn coi những thực tại đức tin là cứu cánh của cuộc sống, chỉ còn coi những thực tại trần gian là cùng đích. Thiên Chúa là một khái niệm ngày càng trở nên xa lạ, và khoa học thực nghiệm mới là cái đáng kể để cho giới trẻ quan tâm. “Công nghệ chính là lý do thay đổi lớn trong tư duy của thế hệ trẻ hiện nay. Công nghệ trở thành công cụ giúp những người trẻ vượt qua mọi giới hạn, sống đúng với chất riêng theo cách mình muốn, sở hữu cái ‘tôi’ không hòa lẫn và mang những mảng màu riêng biệt. Giới trẻ biết cách để cả thế giới phải chú ý đến mình, phải quan tâm đến những gì họ làm, những gì họ thể hiện và cả những thông điệp họ muốn truyền đạt tới thế giới bên ngoài”[14]. Vì thế, những thực tại đức tin được coi như là cái gì mơ hồ, không đáp ứng được những khát vọng hiện tại, một khát vọng mong muốn được bay xa với những tư duy sáng tạo làm biến đổi cuộc sống, biến đổi thế giới. Do đó họ không còn lấy đức tin làm nền tảng cho sự sáng tạo, đối với họ chỉ có công nghệ hiện tại mới là công cụ đáng tin cậy để thể hiện bản thân, thực hiện được niềm ước mơ. Và vì vậy cộng đoàn giáo xứ được coi là không gian chật hẹp, bị giới hạn vào trong những sinh hoạt thuần tuý tôn giáo, gò bó trong những giáo điều và nhiều khi đánh mất đi khả năng sáng tạo, chỉ còn là một sự lệ thuộc vào một hệ thống tín điều không còn chỗ cho những hoạt động đem lại những trải nghiệm cho cuộc sống như: Du lịch, những môn thể thao mang tính mạo hiểm, đi “phượt”, v.v… Giáo xứ không là không gian để cho họ thoả mãn ước mơ. Quả thật, các bạn trẻ đang rơi vào cạm bẫy của “nền văn hoá đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh, cái phù phiếm và cái tạm bợ. Cái thật nhường chỗ cho cái ảo”[15].

b) Hiểu sai về Giáo Hội:

Các bạn trẻ nhìn Giáo Hội như là một tổ chức mang tính xã hội hơn là một cấu trúc được Chúa thiết lập. Công đồng Vaticanô II đã định nghĩa về Giáo hội: “Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình, nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Nhưng Giáo Hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh” (LG số 8). Như vậy, Giáo Hội không đơn thuần là một tổ chức trần thế, vì Giáo Hội không do người thế thiết lập. Giáo Hội được hình thành từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nên Giáo Hội còn mang đặc tính thần linh. Và Giáo Hội hiện hữu để thực thi chương trình cứu độ con người của Thiên Chúa, chứ không phải để làm theo ý của con người.

Vì ảnh hưởng trào lưu tục hoá, và đề cao tự do cá nhân nên các bạn trẻ nhìn Giáo Hội như một công cụ phục vụ cho tham vọng của mình, bởi đó tư duy của bạn trẻ luôn mang tính thực dụng: Giáo Hội sẽ mang lại cho tôi những lợi lộc nào? Giáo Hội sẽ cho tôi được những gì trong cuộc sống này? Vâng, cuộc sống thế trần vẫn là ưu tiên hàng đầu, để rồi bạn trẻ cũng thường đặt cho Giáo Hội câu hỏi mà Phêrô đã hỏi Chúa hôm xưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? (Mt 17, 27)

4- Giáo xứ nỗ lực đồng hành với nỗi khao khát của giới trẻ

Giáo xứ vẫn luôn ý thức về sự hiện diện của mình, là một cộng đoàn được Chúa quy tụ hầu đem phần rỗi đến cho muôn người. Giới trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cho sứ vụ của Giáo Hội được thực thi cách hoàn hảo, nói như Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới vào những thập kỷ tương lai tuỳ thuộc vào các bạn. Các bạn hãy làm cho Giáo Hội tươi trẻ nhờ sự hiện diện thân thiện của các bạn”[16]. Vì thế, hơn bao giờ hết, giáo xứ phải ra sức canh tân sao để giáo xứ thực sự là “nhà ”, nơi tràn ngập tình yêu của một mái ấm gia đình, ở đó các bạn trẻ tìm thấy một sự đồng hành trên con đường tìm kiếm chân thiện mỹ, và phải hướng dẫn cho các bạn trẻ nhận ra giáo xứ là “tổ ấm” giúp các bạn khám phá ra vẻ đẹp đích thực, chứ không là nơi dừng chân tạm bợ để các bạn trẻ vận động tìm đồng minh cho tham vọng của mình. Hãy cho các bạn trẻ hiểu giáo xứ là cộng đoàn được Chúa quy tụ để sống yêu thương và tỏ bày tình yêu thương đến cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, bất hạnh, chứ không là nơi chuyên tổ chức quyên góp và làm việc từ thiện.

a) Chỉ dẫn đến với Đức Kitô để học cách yêu thương:

“Đối với rất nhiều người trẻ, những từ ‘Thiên Chúa’, ‘tôn giáo’ và ‘Giáo hội’ dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thiết thực về Người. Vì thế, điều cần thiết là Hội Thánh đừng quá bận tâm về mình, nhưng trước hết phải phản ánh Đức Giêsu Kitô. Điều này đòi hỏi Hội Thánh khiêm tốn nhìn nhận rằng có một số điểm cụ thể phải được thay đổi, và để làm điều đó thì Hội Thánh phải trân trọng quan điểm và cả những phê bình của người trẻ”[17].

Giáo hội hiểu thấu nỗi khao khát của các bạn trẻ, vì vậy Giáo xứ như “tổ ấm yêu thương”, sẽ giới thiệu đến các bạn trẻ vẻ đẹp toàn thiện nơi con người Giêsu. Người là một chàng trai trẻ tràn đầy sức sống và yêu thương. Nét đẹp nơi con người Giêsu chính là sức sống bắt nguồn từ một tình yêu mãnh liệt. Người mang đến cho nhân loại “tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu - sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con đường để đạt đến đó không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng”[18]. Quả thật, Đức Kitô, tình yêu hạ cố của Thiên Chúa, sẽ chỉ cho biết sự lệch lạc của giới trẻ hiện nay khi nói về tình yêu được hiểu đơn thuần là tình dục, “Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thành hàng hóa, thành ‘vật phẩm’; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá”[19]. Nếu tình yêu chỉ là tình dục, tình yêu đó không thể vẽ nên vẻ đẹp của con người bao gồm hai đặc tính: thần linh – chất thể, hồn – xác. Chúa Kitô sẽ hướng dẫn các bạn trẻ nhận ra rằng: Việc tôn vinh giả tạo thân xác có thể mau chóng trở thành thù ghét chính thân xác. Tình yêu phải là hành vi biểu lộ trọn vẹn “một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chẽ với nhau… Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình - sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc - nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu: Tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế”[20].

Đức Kitô không đưa ra những chỉ dẫn mang tính lý thuyết, nhưng chính Ngài đã hành động cách cụ thể hành vi tận hiến trong tình yêu khi Người lập Bí tích Thánh Thể. Chính nơi đây Người đã trao ban chính mình, và đã kết hiệp một cách mật thiết với những ai đón nhận Người qua Bí tích Thánh Thể. Trong một thế giới thực dụng hưởng thụ ích kỷ, đang giết dần cái đẹp đích thực, thì có thể tìm thấy nơi đâu nguồn sinh lực để phục hồi cái đẹp. Không đâu ngoài Đức Kitô. “Trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch virus corona, nước Ý đang thiếu các nhân viên y tế, linh mục bác sĩ Alberto Debbi - cha sở của giáo xứ Correggio, thuộc tỉnh Modena – Ý đã tạm thời mặc lại chiếc áo trắng thầy thuốc, trở lại bệnh viện ở Sassuolo để giúp đỡ những người đang đau khổ trong phòng bệnh.

Chia sẻ trên Facebook, linh mục Debbi đã giải thích về chọn lựa của mình: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Từ thứ Tư (18/03) tôi sẽ lại bắt đầu (tạm thời) nghề bác sĩ tại bệnh viện Sassuolo, ở khoa phổi, trung tâm covid-19. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khó khăn và đau khổ này, đây cũng là một cách để ‘bẻ chính mình ra’ và sẵn sàng phục vụ với mọi thứ chúng ta có… Bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh. Tôi chào tất cả mọi người! Can đảm lên!”[21].

Đây là cách thế mà giáo xứ phải tỏ ra cho các bạn trẻ, làm sao cho các bạn gặp được một Đức Kitô chói ngời yêu thương, nếu các thành phần trong giáo xứ: Cha sở, cha phó, và giáo dân luôn thể hiện được tình yêu như Đức Kitô qua sự hiệp thông, nâng đỡ, sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Giáo xứ phải là “nhà” nuôi dưỡng di sản văn hoá và truyền thống của cha ông Việt: “Chị ngã em nâng”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, nơi đào tạo nhân cách của con người để các bạn trẻ nhận ra “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái “nết” mà cộng đoàn Giáo xứ cần phải chuyển tới cho giới trẻ chính là gương sáng về đời sống thánh thiện. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề mời các bạn trẻ tham gia thảo luận, chẳng hạn chuyên đề về thái độ giới trẻ trước sự tiến bộ công nghệ hiện tại đối với đời sống đức tin… Hãy tạo cho các bạn trẻ ý thức được rằng, họ là chủ thể của đời sống giáo xứ, hãy cho họ cơ hội thể hiện điều họ khao khát đó là thích chia sẻ, thích lên tiếng và mong muốn được lắng nghe. Giáo xứ hãy khích lệ các bạn trẻ mạnh dạn thể hiện khát vọng của mình trong các sinh hoạt giáo xứ, nhưng phải giúp các bạn ý thức được rằng: “Là thành viên của Hội Thánh, chắc chắn chúng ta không được sống tách biệt với người khác. Họ phải cảm nhận được chúng ta là anh em, là người thân cận của họ, như các Tông đồ “được toàn dân mến phục” (Cv 2,47; x. 4,21; 5,13). Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, có những ước mơ khác mà thế gian không có, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, dũng cảm, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, của cầu nguyện, tranh đấu cho công lý và công ích, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người”[22].

b) Kiến tạo mối tương quan mang tính cá vị với Đức Kitô: 

Một vấn nạn mà xã hội hôm nay đang đối diện, đó là giới trẻ ngày nay đang hình thành một nền văn hoá thần tượng “lệch lạc” làm cho chúng ta phải giật mình. Tác giả Hoàng Lân, trong bài viết: “Thần tượng lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ” đã đặt vấn đề: “Tại sao trong xã hội văn minh, đủ đầy nhưng bạo lực học đường ngày một tăng với tính chất nghiêm trọng? Tại sao nhiều học sinh tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước sự mất mát của người thân, bạn bè nhưng lại có thể khóc ngất khi xem thần tượng biểu diễn? Tại sao thanh niên dễ nổi cáu, nóng giận, dẫn đến hành động phạm pháp?”[23] Và tác giả đưa ra một nhận định: “Thế giới chuẩn tắc thường ràng buộc con người, định hướng cho mỗi người đi theo chuẩn mực xã hội với giá trị đã được định sẵn. Nhưng với những người trẻ, đang đi tìm sự khác biệt, tìm ‘cái tôi’ thì ‘thế giới chuẩn tắc’ có thể khiến họ nhàm chán, và họ dễ bị hấp dẫn bởi những thứ vô nguyên tắc, những hành động điên rồ. Đó là lý do vì sao, những đối tượng giang hồ với hành động ngang ngược, bất cần dễ được đám đông giới trẻ tò mò, kích thích”[24].

Hiện tượng này là một thách đố cho đời sống giáo xứ được hiểu là “nhà”. Các bạn trẻ trong giáo xứ cần có được một định hướng đúng đắn để có thể xây dựng cho mình một nền văn hoá thần tượng đúng nghĩa. Bởi xã hội nào, thời nào cũng xuất hiện “thần tượng” chi phối mọi tư duy và lối sống của các bạn trẻ, cho nên Giáo Hội phải là ngọn hải đăng dẫn đường chỉ lối cho các bạn trẻ biết nhận định mục đích của việc tìm thần tượng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc định hướng cho các bạn trẻ xây dựng một nền văn hóa thần tượng đúng đắn, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Đại hội Giới trẻ Thế giới cứ 2 năm một lần, với mục đích đem các bạn trẻ đến gần với Đức Kitô và trở thành bạn hữu thân tình với Đức Kitô. Thánh giáo hoàng đã thành công trong việc làm cho các bạn trẻ gặp được Đức Kitô qua con người của ngài. Một bạn trẻ Hồng Kông khi đến Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Paris vào năm 1997, đã trả lời với một phóng viên: “Tôi đang chờ Đức thánh cha, bởi đây là điều quan trọng, vì chúng tôi có thể gặp được Đức Kitô ở nơi con người của ngài”. Quả thật, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thực sự đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ một lối sống lành mạnh, lòng dũng lực và sự can đảm. Ngài đã hướng dẫn các bạn trẻ biết khai phá con đường tương lai để hướng tới cứu cánh đích thực của cuộc sống, giúp các bạn trẻ tránh xa chủ nghĩa tục hoá, một chủ nghĩa đang ra sức loại bỏ đức tin Kitô giáo ra khỏi trí não của các bạn trẻ.

Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra đi về với cõi vĩnh hằng, nhưng đường lối mục vụ giới trẻ của ngài vẫn là nguồn cảm hứng giúp các giáo xứ kín múc được những kinh nghiệm dồi dào, hầu có thể đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống đức tin. Một trong những kinh nghiệm đó chính là dẫn các bạn trẻ đến gặp Chúa Giêsu bằng nỗi khao khát của các bạn: Không phải là một Đức Giêsu khô cứng được đóng khung trong các công thức tuyên xưng đức tin, nhưng là một Đức Kitô sống động, đầy nghị lực “dám nghĩ, dám làm” để hoán cải kẻ tội lỗi, như Người đã từng hoán cải một Lêvi, một Giakêu và v.v.. Điều đó cũng có nghĩa là giáo xứ phải thực sự xây dựng cho mình thành một cộng đoàn dám đi ra khỏi những định kiến cố hữu, nói như Đức Phanxicô: Các bạn trẻ “không muốn thấy một Hội Thánh im lặng và e ngại lên tiếng, cũng không muốn thấy một Hội Thánh chỉ biết loay hoay tranh đấu cho vài ba vấn đề ám ảnh mình. Để được người trẻ tín nhiệm, đôi khi Hội Thánh cần tìm lại sự khiêm tốn và đơn sơ lắng nghe, biết nhận ra một ánh sáng nơi những gì người khác nói giúp Hội Thánh hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Hội Thánh luôn phòng thủ, thiếu khiêm tốn, không biết lắng nghe, không chấp nhận bị chất vấn, sẽ đánh mất đi sự tươi trẻ và biến mình thành một viện bảo tàng. Khi đó, làm sao Hội Thánh có thể đáp lại những ước mơ của người trẻ?”. [25]

Thế nhưng, để có thể có được tiếng nói chung giữa đời sống giáo xứ và khát vọng của các bạn trẻ, giáo xứ cần giúp các bạn trẻ khẳng định lại đức tin của mình: Tôi tin vào ai? Và tại sao tôi tin? Chắc chắn đối tượng của đức tin Kitô giáo không gì khác hơn là “tôi tin vào Chúa”, nhưng Chúa không là một khái niệm mơ hồ vu vơ, “tin là có một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một ngôi vị sống động... Qua Đức Giêsu, chúng ta có thể sờ chạm tới Thiên Chúa, Đấng vô phương đạt thấu”[26].

Giáo xứ phải hướng dẫn cho các bạn trẻ hiểu đúng đắn về đức tin của mình, tuyên xưng đức tin là một quyết định dứt khoát về việc chọn lựa một tối hậu cho cuộc sống. Đây là việc quan trọng, bởi lời tuyên xưng tuy phát ra từ môi miệng con người, nhưng nền tảng của việc tuyên xưng vẫn là ơn thánh, chính Đức Kitô đã minh định điều đó: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 16, 17). Vì thế, việc cần thiết là giáo xứ phải làm cho giới trẻ nhận ra tầm quan trọng của Thánh lễ và việc chầu Thánh Thể, bởi đây là cách thế để các bạn trẻ gặp Chúa Giêsu một cách cá vị nhất, và là cơ hội để đưa ra một quyết định dứt khoát về đức tin của mình. “Thực ra, đức tin cần có một môi trường mà trong đó nó có thể được làm chứng và truyền đạt, một phương tiện phù hợp và tương xứng với những gì được truyền đạt... Để truyền thông sự sung mãn này, có một công cụ đặc biệt bao gồm toàn thể con người, thân xác và tinh thần, đời sống nội tâm và những liên hệ. Công cụ ấy là các Bí Tích, được cử hành trong phụng vụ của Hội Thánh. Trong đó thông truyền ký ức nhập thể, được liên kết với không gian và thời gian của cuộc sống, và liên hệ mật thiết với tất cả các giác quan; trong đó toàn thể con người được tham gia như một phần tử của một chủ thể sống động, và một phần của một mạng lưới các mối liên hệ cộng đoàn”[27], cho nên tách rời cuộc sống ra khỏi mối tương giao với các bí tích, đặc biệt đối với bí tích Thánh Thể là điều không thể làm cho các bạn trẻ gặp gỡ được Đức Kitô.

c- Giúp các bạn trẻ nhận ra vẻ đẹp của việc cầu nguyện:

Có thể nói phần nhiều các bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng trong cuộc sống vì những gãy đổ trong các mối tương giao bạn bè, đồng nghiệp, nơi sở làm, học đường. Thật vậy, khi đương đầu với những va vấp trong cuộc sống, lại thường gặp phải những chỉ trích hay ý kiến đối nghịch, cộng thêm áp lực từ cuộc sống, từ tiền bạc, mối quan hệ, công việc,…làm cho các bạn trẻ cảm thấy chán chường, rồi tự mình rút vào một góc xó không muốn tiếp xúc với ai. Nhiều bạn trẻ tự hỏi tại sao giữa một thành phố lúc nào cũng nhộn nhịp đông đúc như thế mà sao tôi lại cảm thấy cô đơn đến nỗi nhiều lúc cứ tưởng mình bị tự kỷ vì không biết chia sẻ với ai? Nhiều nhà văn đã trình bày một số đông bạn trẻ khi đối diện với nỗi cô đơn đã lấy hút sách, nhậu nhẹt, sex, bạo lực làm niềm vui để sống. “Mặc cảm bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề, bị chìm trong xã hội vô cảm, đã dễ chuyển hoá thành hành vi tìm kiếm sự nổi tiếng bằng sa đoạ hoặc tội ác”[28].

Đối diện với sự cô đơn của các bạn trẻ, hãy nói cho họ biết có một người sẵn sàng làm bạn với họ, sẵn sàng chia sẻ tâm tư vui buồn với họ, đó chính là Giêsu. Quả thật khi kết bạn với Chúa Giêsu, các bạn trẻ sẽ không bao giờ thất vọng, vì nơi Người các bạn tìm thấy được một tình bạn đích thật, nói như Đức Phanxicô: “Tình bạn với Đức Giêsu thì bất khả phân ly. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta, và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào”[29]. Chính Người sẽ cho biết “tình bạn không phải là một mối quan hệ nhất thời, tạm bợ, nhưng ổn định, bền vững, trung thành, chín muồi theo thời gian. Đó là một mối tương quan cảm mến nối kết chúng ta lại với nhau, và đồng thời đó cũng là một tình yêu quảng đại dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm điều tốt đẹp cho bạn bè. Mặc dù bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn có một số điểm chung khiến chúng ta cảm thấy gần gũi, thân tình để chia sẻ với lòng chân thành và tin tưởng”[30].

Con đường đến để gặp Chúa Kitô và kết nối tình bạn với Người chính là cầu nguyện. Quả thật cầu nguyện là phương thế có hiệu quả nhất để có thể làm bạn với Chúa Kitô, vì “Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Khi cầu nguyện chúng ta cởi mở tất cả với Người, chúng ta dành chỗ cho Người để Người có thể hành động và có thể bước vào và có thể chiến thắng” [31]. Khi kết  bạn với Đức Kitô các bạn trẻ sẽ không còn bị hụt hẫng giữa một thế giới sôi động này, sẽ không còn cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống đầy bon chen, và sẽ nhận ra cuộc sống của mình quả là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa đã trao ban, và sẵn sàng làm cho mình trở thành niềm vui cho người khác.

Kết

Một sinh viên thuộc đại học Cornell, Hoa Kỳ đã đưa ra một nhận định: “Ngày nay, khi hỏi thế hệ trẻ Việt Nam tin vào điều gì, có lẽ sẽ khó có thể tìm được một câu trả lời đồng thanh thỏa đáng như của những thế hệ trước, họ như đang khủng hoảng niềm tin. Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến sự hụt hẫng về lý tưởng. Sự hụt hẫng về lý tưởng dẫn đến thiếu sót trong mục đích sống. Càng ngày người ta càng thấy nhiều người trẻ sa lầy vào những cuộc vui quên ngày tháng… Người Việt trẻ dường như đang sống để hưởng thụ nhiều hơn”[32]. Sự khủng hoảng niềm tin không chỉ xảy ra nơi các bạn trẻ ngoài Kitô giáo, nhưng ngay cả các bạn trẻ Công giáo cũng đang đối diện với khủng hoảng về đức tin. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng này, nhưng tựu trung vẫn là cảm giác hụt hẫng nơi các bạn trẻ giữa một thế giới quá thực dụng, và hầu như vô nghĩa.

Hiểu được điều đó, Giáo Hội nỗ lực tìm cách củng cố đức tin cho các bạn trẻ bằng cách đồng hành với các bạn trẻ như là người mẹ hiền để mong đồng cảm với những thách đố mà các bạn đang đối diện hầu có thể giúp các bạn kiên vững trong đức tin của mình. Điều mà Giáo Hội có thể mang lại niềm vui cho các bạn trẻ hôm nay không gì khác, chính Đức Giêsu Kitô. Quả thật “đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Hội Thánh dường như là những từ trống rỗng, các bạn trẻ lại nhạy cảm với hình ảnh của Chúa Giêsu, khi hình ảnh này được trình bày một cách hấp dẫn và hiệu quả. Bằng nhiều cách, những người trẻ ngày nay nói với chúng ta: ‘Chúng con muốn thấy Chúa Giêsu’ (Ga 12,21), do đó biểu lộ mối quan tâm thánh thiêng này, là điều đặc trưng cho tâm hồn của mỗi con người: ‘Ao ước tìm kiếm tâm linh, khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, khắc khoải về tình yêu’[33].

Để có thể mang lại cho các bạn trẻ dung mạo Đức Kitô tươi trẻ, trước tiên Giáo Hội phải thay đổi chính mình, Giáo Hội phải “bắt nguồn và gắn liền với sự thật của lời Chúa và trong tình yêu của Chúa Kitô, đó là một Giáo Hội không yêu bằng lời, nhưng bằng những hành động cụ thể, bằng tình yêu có thể chia sẻ được, cảm nhận được, thấy được, đụng chạm được… Giáo Hội phải là nơi mà mọi con tim được gặp nhau và hợp nhất trong một con tim duy nhất, nơi người ta tôn trọng lẫn nhau, được hy vọng và vui mừng với nhau và với người khác, nơi không có phê bình chỉ trích, nơi mà tình huynh đệ được đề cao, nơi mà người sa ngã được trỗi dậy lần nữa, nơi người ta tin tưởng nhau, nơi mà các mối tương quan đều chân thành và tin tưởng, nơi không có hoài nghi và sợ hãi, nơi tôi cảm nhận được sự ấm áp trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa sau khi bị lạc mất vòng tay”[34].

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 119 (Tháng 7 & 8 năm 2020)



[1] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống” (Christus Vivit), ban hành tại Loreto, Roma ngày 25-3-2019, số 39&40. Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964 

[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung 2019, ban hành ngày 4-10-2019, tại Hải Phòng, số 3.

[3] Lê Nhân Tâm, Giới trẻ Việt Nam trong Thời kỳ Đổi mới, (Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004), tr. 278.

[4] Ánh Dương, Thế hệ làm điều không thể - Những người trẻ luôn khao khát bước ra thế giới bên ngoài và thể hiện cái tôi mãnh liệt. Nguồn: https://cafebiz.vn/the-he-lam-dieu-khong-the-nhung-nguoi-tre-luon-khao-khat-buoc-ra-the-gioi-ben-ngoai-va-the-hien-cai-toi-manh-liet-20191113154821734.chn

[5] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 164.

[6] X. Fyodor Dostoevsky, Gã khờ, dịch giả: Phạm Xuân Thảo, NXB Văn Học, 2002.

[7] X. Paul Evdokimov, Dostoïevski et le problème du mal, NXB Desclée de Brouwer, 1992.

[8] Trích lại trong bài “Về Vẻ Đẹp” của Lm Micae Trần Đình Quảng, nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/42VeVeDep.htm

[9] X. Felipe Gomez, Giáo Hội Học, NXB Antôn & Đuốc Sáng, Saigon 2002, Quyển I, tr. 208.

[10] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 151.

[11] X. Nt., số 154

[12] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 30.

[13] Đức Phanxicô, Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), ban hành ngày 24-11-2013, tại Roma, số 52.

[14] Ánh Dương, Thế hệ làm điều không thể - Những người trẻ luôn khao khát bước ra thế giới bên ngoài và thể hiện cái tôi mãnh liệt. Nguồn: https://cafebiz.vn/the-he-lam-dieu-khong-the-nhung-nguoi-tre-luon-khao-khat-buoc-ra-the-gioi-ben-ngoai-va-the-hien-cai-toi-manh-liet-20191113154821734.chn

[15] Đức Phanxicô, Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” số 62.

[16] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngỏ lời với các bạn trẻ trong Đại hội Giới trẻ Thế giới lần I tại Roma, ngày 23-3-1986.

[17] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 39.

[18] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas Est), ban hành ngày 25-12-2005, tại Roma, số 5.

[19] Nt.

[20] Nt., số 6

[22] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 36.

[24] Nt.

[25] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 41.

[26] Joseph Ratzinger, Einfuehrung in das Christentum, Bản tiếng Việt: Đức tin Kitô giáo – Hôm Qua và Hôm Nay, do Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, NXB Tôn giáo, 2009, tr. 79.

[27] Đức Phanxicô, Thông điệp “Ánh Sáng Đức Tin” (Lumen Fidei), ban hành ngày 29-6-2013, số 28.

[28] Thái Thảo, Đâu là nơi nương tựa khi trẻ hụt hẫng? Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dau-la-noi-nuong-tua-khi-tre-hut-hang/ 

[29] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 154. Nguồn https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964 

[30]Nt., số 152.

[31] Nt., số 155.

[32] Tô Nam, Phải chăng Giới trẻ đang khủng hoảng niềm tin? https://www.bbc.com/vietnamese/mobile/forum/2012/12/121204_daoduc_niem_tin.shtml 

[33] Tài liệu Kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục giới trẻ lần XV, ngày 27-10- 2018, tại Roma, số 17.

[34] Đức Phanxicô, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”, số 41. Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964