GIÁO XỨ, ĐAU KHỔ VÀ NGUỒN CHỮA LÀNH
Tác giả: Linh mục Harrison Ayre[1]
Chuyển ngữ: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org[2]
1. Hội Thánh: hợp nhất chúng ta cách bí tích 2. Công ích: Một nguyên tắc hành động theo luân lí Công
Giáo 3. Giáo xứ: Biểu hiện của Hội Thánh tại địa phương 4. Đặc tính cứu độ của đau khổ |
WGPMT (28.6.2021) - Tôi sẽ không bao giờ quên
khoảnh khắc ấy. Đó là vào thứ Năm ngày 12 tháng 3 năm 2020. Tôi đang chuẩn bị
Thánh lễ thì một email từ giáo phận gửi đến: Bắt đầu từ thứ Sáu, chúng ta sẽ
đóng cửa các nhà thờ. Chúng tôi có một nhóm nhỏ tham dự Thánh lễ ngày hôm đó, họ ngồi
cách xa nhau, các băng ghế được giăng dây. Sau khi tôi công bố Tin Mừng, tôi
báo tin rằng chúng ta sẽ bị đóng cửa. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc vào thời
điểm đó. Tôi đã nín lặng khi thông báo tin này cho giáo dân của tôi. Cho đến
nay chưa bao giờ trong cuộc đời linh mục ngắn ngủi của mình, tôi nghĩ tới việc
phải nói với giáo dân của mình là nhà thờ sẽ đóng cửa. Nó không chỉ là khoảnh
khắc xúc động đối với tôi; nó cũng là khoảnh khắc xúc động đối với giáo dân: nó
là khoảnh khắc chia sẻ đau khổ và nỗi buồn.
Để chia sẻ đau khổ và nỗi buồn với nhau, có lẽ
thật khó, không chỉ là một cuộc gặp gỡ và kinh nghiệm sâu sắc của Hội Thánh với
tư cách là Thân mình của Đức Kitô mà còn là một phần trong chính sứ mạng của Hội
Thánh. Đại dịch, khủng khiếp như nó cho thấy, là một ân sủng sâu sắc để lôi kéo
chúng ta trở về trung tâm và ý nghĩa của Hội Thánh. Thời điểm tôi đã nói ở trên
thật sự là một thời điểm của Hội Thánh, được thể hiện cách cụ thể giữa cuộc sống
của giáo xứ. Chúng ta hãy khảo sát ý tưởng này thêm một chút nữa.
Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô: Đó là sự hợp nhất
mầu nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội trong ngôi vị Đức Kitô. Khi
chúng ta được rửa tội, chúng ta được trở thành các chi thể của Thân Thể Đức
Kitô, qua nhưng chi thể này Đức Kitô tiếp tục làm cho chính Ngài hiện hữu trong
thế gian. Bởi vì lí do này Công đồng Vatican II gọi Hội Thánh là “bí tích phổ
quát của ơn cứu độ” (Lumen Gentium 48):
Hội Thánh là một bí tích, một dấu chỉ hữu hình thể hiện một thực tại vô hình.
Khi đó, Hội Thánh làm cho Đức Kitô không chỉ hiện diện mà còn hữu hình đối với
thế gian.
Vì chúng ta đều là chi thể của Thân Thể Đức
Kitô, điều đó có nghĩa là chúng ta tất cả chia sẻ sứ mạng của Đức Kitô, sứ mạng
đó không gì khác hơn là cứu thế gian khỏi sự thống trị của tội lỗi và cái chết,
và được chìm đắm trong Đức Kitô, trong Ngài chúng ta có sự sống đích thực.
Nhưng Hội Thánh, vì là Thân Thể của Ngài, muốn nói rằng chúng ta, các chi thể,
được liên kết với nhau hết sức mật thiết. Đó là lí do thánh Phaolô nói rằng “nếu
một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một bộ phận nào được vẻ
vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26). Ở trong Thân Thể Đức Kitô có
nghĩa là các đau khổ chúng ta chịu đựng không chỉ là của Đức Kitô mà còn là của
tất cả chúng ta, các chiến thắng và niềm vui không chỉ là của riêng chúng ta
nhưng thuộc về tất cả mọi người. Trước hết và trên hết, điều này có nghĩa là trở
thành một Kitô hữu là có tính hội thánh, là được hợp nhất với Hội Thánh. Tuy nhiên,
một điều được bày tỏ cho Hội Thánh trong thời gian này là bằng cách nào chúng
ta đã để cho một hình thức đạo đức cá nhân xâm lấn vào đời sống tâm linh của
chúng ta. Đức tin là một hồng ân đến với chúng ta từ Hội Thánh, và vì thế, đức
tin chỉ được ban cho trong sự hợp nhất với Hội Thánh bằng một lối sống chia sẻ,
một đời sống chia sẻ các bí tích,… Nhưng lòng đạo đức cá nhân mà chỉ làm cho
tôi quan tâm đến lợi ích riêng khi lãnh các bí tích, chỉ để chăm sóc cho tinh
thần của riêng tôi, và chỉ dựa trên những thứ tôi muốn khi tham dự phụng vụ,
cho thấy thiếu một đức tin có tính hội thánh. Sự việc này diễn ra như thế này
và tại sao thì quá rộng so với suy tư của chúng ta ở đây. Nhưng những gì thời
gian này cho chúng ta thấy là lời mời gọi tái khám phá hình thức đức tin có
tính hội thánh. Nghĩa là hiểu rõ rằng đời sống bí tích, mặc dù thật sự tốt cho
mỗi cá nhân chúng ta, nhưng có mục đích nhằm phục vụ thiện ích của toàn thể Hội
Thánh. Nghĩa là coi trọng và khao khát nhiều hơn cho lợi ích chung. Nghĩa là phải
nhìn giáo xứ rộng lớn hơn yếu tố thể chế đơn thuần của giáo xứ. Và có nghĩa là chịu đau khổ vì ơn cứu độ
của giáo xứ cụ thể của mình.
1. Hội Thánh: hợp nhất chúng ta cách bí tích
Các bí tích phục vụ sự hợp nhất của Hội Thánh và
bảo đảm sự hợp nhất này. Điều này có nghĩa là đời sống bí tích của chúng ta nên
được hướng tới sự hợp nhất này. Ví dụ, khi chúng ta rước lễ, mặc dù chúng ta nhận
lãnh ân sủng, việc rước lễ là một ân ban để trao cho những người khác trong Hội
Thánh. Giống như Chúa Kitô không giữ lại gì khi Ngài trao ban chính mình cho
chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể, vì vậy, chúng ta cũng làm cho cuộc sống của
mình thành một món quà cho những người khác trong Hội Thánh cũng như trong thế
giới. Những lời “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” cũng là một mệnh lệnh cho Hội
Thánh: Thân Mình đã hiến tế và phục sinh mà chúng ta lãnh nhận nơi Bí tích
Thánh Thể là để được biểu lộ nơi chúng ta. Việc chúng ta đón nhận Bí tích Thánh
Thể không chỉ khiến chúng ta bắt chước con đường của Chúa Kitô mà còn là ân sủng
được ban cho chúng ta làm chúng ta có khả năng tham dự con đường của Chúa Kitô,
đó là con đường thập giá. Vì thế, mặc dù việc đến với Thánh Thể đối với chúng
ta có thể giới hạn vào lúc này thôi, nó cũng là cơ hội Chúa ban cho chúng ta để
suy tư về món quà tuyệt vời này: Tôi có đang thể hiện nơi thân xác tôi những gì
Đức Kitô đã ban cho tôi qua thân xác của Ngài không? Hay tôi chỉ đón nhận Thánh
Thể mà không muốn cho đi chính mình? Bằng việc sống con đường của Đức Kitô
trong chúng ta qua ơn ban này, bằng cách đó chúng ta xây dựng Thân Thể Đức
Kitô, bởi vì chúng ta nhận ra rằng món quà này được ban cho chúng ta để làm
lương thực mà nhờ đó chúng ta trao ban chính mình cho người khác.
2. Công ích: Một nguyên tắc hành động theo luân lí
Công Giáo
Chính món quà Thánh Thể ban sức mạnh cho chúng
ta sống vì người khác. Hồng ân này bắt đầu bày tỏ mục tiêu chính của đời sống
luân lí Công Giáo. Các hành động và quyết định của chúng ta được làm vì công
ích, vì thiện ích của mọi người. Mặc dù rõ ràng các hành động đạo đức của chúng
ta có ảnh hưởng cá nhân, chúng ta thường thấy mình nghĩ về các lựa chọn đạo đức
có liên quan đến cách chúng ảnh hưởng đến mình chỉ trên bình diện cá nhân,
nhưng nếu có điều gì năm nay đã cho chúng ta thấy, thì đó là sự cần thiết nghĩ
về lợi ích của người khác khi thực hiện một quyết định nào đó. Ví dụ, lí do
đóng cửa nhà thờ ở nhiều điểm là để những người dễ bị tổn thương nhất không chết
cách vô ích. Đây là một việc tốt và cao quí nhờ khao khát cân nhắc mọi sự. Thỉnh
thoảng, mưu cầu ích chung có nghĩa là chúng ta sẽ phải chịu đựng sự phiền phức
để những người không thể tự bảo vệ có thể tiếp tục sống, và điều đó có được khi
chúng ta để ý đến ích chung trong các cân nhắc đạo đức của mình. Đây là điều
quan trọng chúng ta cần học để tiến bộ. Chúng ta không chỉ phải cân nhắc đến
tác động mà các lựa chọn và hành động của mình ảnh hưởng đến cá nhân mình, mà
còn phải cân nhắc các liên hệ rộng hơn của chúng đến cuộc sống của người khác.
Sống nguyên tắc công ích nghĩa là các quyết định của tôi bắt nguồn từ kinh nghiệm
có tính hội thánh đã được đề cập ở trên, từ việc chúng ta là một Thân Thể, và từ
việc hành động của chi thể này có ảnh hưởng đến các chi thể khác. Điều này
không chỉ đúng ở cấp độ Hội Thánh toàn cầu mà còn đúng ở cấp độ giáo xứ cụ thể.
3. Giáo xứ: Biểu hiện của Hội Thánh tại địa phương
Nếu các bí tích giúp chúng ta thực hiện sứ mạng
Kitô hữu trong thế gian nhờ đó chúng ta tìm kiếm công ích, thì đời sống của
giáo xứ là nơi sứ mạng này được thể hiện. Và một lần nữa, mặc dù nhiều thứ đã bị
lấy đi khỏi chúng ta về khía cạnh đời sống phụng vụ, nó trở thành một cơ hội để
nhận ra rằng giáo xứ thật sự là cách Hội Thánh làm cho mình hiện diện tại địa
phương. Trong việc thực hiện sứ mạng của chúng ta vì công ích, công việc của
giáo xứ nảy sinh khi chúng ta gọi điện cho một người bạn chúng biết là đang cô
đơn, mang một bữa ăn cho một nhân viên tuyến đầu không có giờ nấu ăn, hoặc tìm
cách để vươn ra và thực hiện thừa tác vụ bằng sức mình. Đại dịch đã thật sự trở
thành cơ hội cho chúng ta nhận ra trách nhiệm của chính mình trong đời sống
giáo xứ, và cũng biết trách nhiệm này vượt ra ngoài khía cạnh thể chế của giáo
xứ. Ý nghĩa thứ hai này có sức quy tụ chúng ta lại với nhau, và khi được quy tụ
chúng ta cũng được trao sứ mạng mang Chúa Kitô đến cho thế giới. Nếu chúng ta cảm
thấy “giáo xứ” không làm đủ trong thời gian đóng cửa, có lẽ đó là một thử thách
đối với chúng ta để tạo cảm hứng cho chúng ta hành động và sống Tin Mừng. Không
phải mọi sự đều phải thông qua cha sở của bạn! Điều quan trọng là chúng ta nhận
ra trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Hội Thánh bằng việc ra đi truyền
giáo.
Không có sự dấn thân của mọi người, giáo xứ
không thể phát triển. Vì thế, các giáo xứ cần cấp bách thể hiện đức tin có tính
hội thánh, chủ động đi bước đầu trong thời gian này, và sáng tạo các cơ hội để
vươn ra và đưa người ta đến với Chúa. Chúng ta có thể đưa ra rất nhiều ví dụ: tổ
chức một bữa ăn mỗi tuần và mời một người chúng ta chưa biết trong giáo xứ đến
nhà, tổ chức các nhóm nhỏ muốn nghiên cứu sách, tìm kiếm người nghèo và mang
cho họ thức ăn hoặc mời họ đi uống cà phê. Đây là một vài ví dụ nhỏ và đơn giản,
nhưng không hề gì, mọi việc chúng ta làm nhân danh Chúa đều là công việc của
giáo xứ. Thời điểm chúng ta bắt đầu nhận ra điều này, có thể tạo cảm hứng cho
chúng ta trong sứ mạng của mình và giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải thể
hiện sứ mạng của Hội Thánh tại địa
phương.
4. Đặc tính cứu độ của đau khổ
Như tôi đã đề cập ở phần đầu của chương này, đau
khổ là một việc chúng ta cùng nhau chịu. Trong việc này chúng ta không đơn độc,
bởi vì Chúa, qua Bí tích Rửa tội, bảo đảm rằng trong việc này chúng ta tất cả sẽ
có nhau. Lặp lại một lần nữa, chỉ cần một người đau, tất cả cùng đau. Những gì
chúng ta trải nghiệm thì không bao giờ đơn độc, nhưng luôn luôn có nhau như một
sự hiệp thông trong Hội Thánh. Sứ mạng của Hội Thánh là cứu độ thế giới, và một
trong những cách mạnh mẽ nhất chúng ta có thể giúp Chúa Giêsu trong sứ mạng này
là tham dự đau khổ của Ngài.
Chính tại đây giáo xứ có thể phát triển và tồn tại.
Khi chúng ta chịu đau khổ, chúng ta thể hiện sứ mạng của Chúa Kitô tại địa
phương, cho những người trong phạm vi giáo xứ của chúng ta. Chúa Giêsu đã chịu
đau khổ không phải để cất đi đau khổ, ít nhất không phải vậy cho đến khi xác
loài người ngày sau sống lại, nhưng đúng hơn là để Ngài có thể biến đổi đau khổ
thành một điều có tính cứu độ.
Đây là sứ mạng của giáo xứ: được hợp nhất với thập
giá của Chúa Kitô để địa phương của chúng ta được thánh hóa và cứu độ nhờ thập
giá của Ngài. Đây là cách Hội Thánh làm bí tích phổ quát của ơn cứu độ: bằng việc
thực hiện công việc này tại địa phương; qua các giáo xứ cụ thể, mang sự cứu rỗi
đến cho những người đang cần – thập giá của Chúa Kitô. Và giáo xứ địa phương thực
hiện điều này bằng cách chịu đau khổ và thông phần vào thập giá này.
Thánh Têrêsa Calcutta làm sáng tỏ điều này một
cách đặc biệt. Đặc sủng của mẹ và đặc sủng của hội dòng của mẹ là bác ái, và
bác ái là cho đi chính mình để người khác được sống. Thánh Têrêsa đã sống điều
này bằng cách chịu một đêm dày – nghĩa là mẹ cảm thấy Thiên Chúa vắng bóng – hầu
như suốt thời mẹ làm một nữ tu thừa sai bác ái. Mẹ chịu đau khổ này vì những
người mà mẹ phục vụ, biết rằng mẹ thông phần vào đêm tối của họ và nhận nó vào
bản thân mình để họ có thể thấy ánh sáng của Chúa Kitô. Việc tâm linh sâu sắc
này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay nơi các nữ tu thừa sai bác ái và những người
Đồng lao khổ với các chị, những người hiến dâng các đau khổ của mình vì sứ mạng
phục vụ người nghèo của hội dòng.
Hội Thánh, và cụ thể hơn là các giáo xứ của
chúng ta, sẽ học được nơi thánh Têrêsa. Đau khổ chúng ta đang phải chịu trong
năm nay là có thật và khó lường. Nhưng nó cũng có tính cứu độ. Chúng ta đón nhận
nó, hiểu rõ nó, và kết hợp nó với Chúa để chúng ta có thể là những thừa sai bác
ái trong giáo xứ nơi mình ở, tìm kiếm điều tốt cho người khác qua ân sủng chúng
ta nhận được trong đời sống bí tích của Hội Thánh. Đây là phương dược chữa lành
được ban cho chúng ta ngay bây giờ từ nơi Chúa Kitô; đó là những gì Chúa đang dạy
Hội Thánh.
Nguồn: giaophanmytho.net
[1] Harrison Ayre là cha sở của Nhà thờ
thánh Phêrô ở Nanaimo, British Columbia. Các bài viết của ngài được đăng trên
SimplyCatholic.com, và ngài là đồng phát hành podcast hàng tuần Clerically Speaking.
[2] Trích
từ ebook Catholicism after
Coronavirus, A Post-COVID Guide
for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus,
Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid)
của Word on Fire, trang 70-80.