GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ
luật các Bí tích)
WHĐ (22.4.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-28
"Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong
cõi chết".
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng
nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy
biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời
này: Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng
những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng
Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa
đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác
mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải
thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể
nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Ðavít đã nói về Người rằng: 'Tôi
hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao
núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ
trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để
Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và
cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa
cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của
con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con".
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con
tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa
ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt
của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ,
cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước
thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!
Ðáp: Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh.
Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 17-21
"Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Ðức
Kitô, Con Chiên tinh tuyền".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Ðấng không thiên vị ai khi
xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt
thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc
hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng
bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được
tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh
em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết,
và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên
Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus,
cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc
vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa
Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người.
Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?"
Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất
ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày
nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên
can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực
trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà
các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh
Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel.
Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm
chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không
thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống.
Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các
phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã
nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?"
Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất
cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả
vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại
với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với
các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo
nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người
đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy
họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ
họp. Họ bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon".
Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người
lúc bẻ bánh như thế nào.
Ðó là lời Chúa.
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Số 1346-1347: Thánh Thể và kinh nghiệm của các môn
đệ Emmaus
1346. Phụng vụ Thánh lễ diễn tiến theo một cấu trúc căn bản đã được
duy trì qua các thế kỷ cho đến thời đại chúng ta. Phụng vụ Thánh lễ được triển
khai trong hai phần chính, làm thành một thể thống nhất:
– Tập họp, Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc, bài giảng và lời nguyện phổ
quát;
– Phụng vụ Thánh Thể với việc tiến dâng bánh rượu; kinh tạ ơn thánh
hiến [Kinh nguyện Thánh Thể] và hiệp lễ.
Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ
Thánh Thể cùng tạo thành “một hành vi phụng tự duy nhất”[1];
thật vậy, bàn tiệc được dọn ra cho chúng ta trong Thánh Lễ vừa là bàn tiệc Lời
Thiên Chúa, vừa là bàn tiệc Mình Chúa”[2].
1347. Đó không phải là diễn tiến bữa tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu
phục sinh với các môn đệ Người sao? Khi đi đường, Người giải thích Kinh Thánh
cho họ, rồi khi vào bàn ăn với họ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và
bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30)[3].
Số 642-644, 857, 995-996: Các tông đồ và các môn đệ
là những chứng nhân của sự Phục Sinh
642. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày lễ Vượt Qua đó, đòi
buộc mỗi vị Tông Đồ, đặc biệt là ông Phêrô, xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên đã bắt đầu từ sáng ngày Vượt Qua. Với tư cách là những chứng nhân của Đấng
Phục Sinh, các ngài mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh Người. Đức tin
của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con
người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ.
“Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô”[4]
trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, nhưng không chỉ có các vị ấy: ông
Phaolô nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với
ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ[5].
643. Trước những lời chứng đó, không thể giải thích rằng sự phục
sinh của Đức Kitô nằm bên ngoài trật tự thể lý, và không thể không công nhận sự
phục sinh đó có tính cách là một sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện, người ta thấy
rõ là đức tin của các môn đệ đã bị lung lay tận gốc do cuộc khổ nạn và cái Chết
trên thập giá của Thầy họ, mà chính Người đã báo trước[6].
Sự chấn động tâm hồn do cuộc khổ nạn gây nên là mạnh mẽ đến nỗi các môn đệ (hoặc
ít nhất một số người trong họ) không tin ngay lời loan báo về việc Sống Lại.
Các sách Tin Mừng không hề trình bày cho chúng ta thấy một cộng đoàn đầy hứng
khởi thần bí; nhưng cho chúng ta thấy những môn đệ mất tinh thần (“buồn rầu”:
Lc 24,17) và hoảng sợ[7]. Vì vậy họ đã không tin các
phụ nữ thánh thiện từ ngôi mộ trở về, và những lời của các bà, họ “cho là chuyện
vớ vẩn” (Lc 24,11)[8]. Khi Chúa Giêsu hiện ra với
Nhóm Mười Một chiều ngày Vượt Qua, “Người khiển trách các ông không tin và cứng
lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người
sống lại” (Mc 16,14).
644. Các môn đệ, cả khi đứng trước thực tại Chúa Giêsu phục sinh, vẫn
còn nghi ngờ[9]; đối với các ông, coi như
không thể nào có việc ấy: họ tưởng là thấy ma[10],
“các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng” (Lc 24,41). Ông Tôma
cũng đã nghi ngờ như vậy[11], và trong dịp hiện ra lần
cuối cùng mà sách Matthêu thuật lại, “có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Vì
vậy, giả thuyết cho rằng sự Phục Sinh là “sản phẩm” của lòng tin (hay sự dễ
tin) của các Tông Đồ, không có cơ sở. Hoàn toàn trái lại, đức tin của các ông
vào sự Phục Sinh phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại Chúa Giêsu sống
lại, dưới tác động của ân sủng của Thiên Chúa.
857. Hội Thánh có đặc tính tông truyền vì được đặt nền trên các
Tông Đồ, và điều này được hiểu theo ba nghĩa:
– Hội Thánh đã và đang được xây dựng
trên “nền móng là các Tông Đồ” (Ep 2,20)[12],
là những chứng nhân đã được chính Đức Kitô tuyển chọn và sai đi[13];
– Với sự trợ giúp của Chúa Thánh
Thần, Đấng hằng ngự trong Hội Thánh, Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn[14], kho tàng quý báu, những lời
lành thánh nghe được từ các Tông Đồ[15];
– Hội Thánh tiếp tục được giảng dạy,
thánh hóa và hướng dẫn bởi các Tông Đồ cho đến khi Đức Kitô trở lại nhờ những vị
kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự trợ giúp của
các linh mục, hợp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội
Thánh”[16].
“Lạy Chúa là Mục
Tử hằng hữu, Chúa không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Đồ,
Chúa luôn che chở giữ gìn để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa
đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa…”[17].
995. Làm chứng nhân cho Đức Kitô là “làm chứng nhân về sự phục sinh
của Người” (Cv 1,22)[18], là đã ăn, đã uống “với Người
sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại” (Cv 10,41). Niềm hy vọng Kitô giáo về
sự phục sinh được ghi dấu cách tuyệt đối bằng những cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục
sinh. Chúng ta sẽ phục sinh như Người, với Người và nhờ Người.
996. Ngay từ đầu, đức tin Kitô giáo về sự phục sinh đã gặp những phản
ứng không hiểu và chống đối[19]. “Trong đức tin Kitô giáo,
không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái
cho bằng vấn đề thân xác sống lại”[20].
Thông thường, người ta chấp nhận là sự sống của nhân vị, sau khi chết, được tiếp
tục một cách thiêng liêng. Nhưng làm sao tin được rằng thân xác hiển nhiên là
phải chết này lại có thể phục sinh vào đời sống vĩnh cửu?
Số 102, 601, 426-429, 2763: Đức Kitô là chìa khóa để
giải thích tất cả Kinh thánh
102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một
Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả
về chính mình Ngài[21]:
“Anh em hãy nhớ
rằng một Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một
Lời duy nhất vang trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên
Chúa hướng về Thiên Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ
thuộc thời gian”[22].
601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công
Chính” bị giết[23] đã được báo trước trong
Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta
khỏi ách nô lệ tội lỗi[24]. Thánh Phaolô, trong lời
tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[25],
tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)[26].
Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời
tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[27].
Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh
sáng về Người Tôi trung đau khổ[28]. Sau khi Người sống lại,
Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[29], rồi cho chính các Tông Đồ[30].
426. “Phai xác quyết ngay rằng, ở trung tâm của việc dạy giáo lý,
chủ yếu chúng ta gặp một nhân vật: đó là Chúa Giêsu Kitô Nazareth, ‘Con Một của
Chúa Cha’…. Người đã chịu khổ hình và đã chịu chết vì chúng ta; và Người, từ
khi song lại, luôn luôn sống với chúng ta…. Dạy giáo lý là giúp người ta nhận
ra toàn bộ kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong con người Đức Kitô; là tìm hiểu
ý nghĩa các hành động và lời nói của Đức Kitô, và các dấu lạ Người đã thực hiện”[31]. Mục đích của việc dạy giáo
lý là “dẫn đưa con người đến hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô; chỉ một mình Người
mới có thể dẫn người ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và đến
chỗ được thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh”[32].
427. “Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô, là Ngôi Lời
nhập thể và là Con Thiên Chúa, những điều khác phải được quy chiếu về Người; chỉ
một mình Đức Kitô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải là phát ngôn
viên của Người, phải để Đức Kitô nói qua miệng lưỡi họ…. Mọi giáo lý viên đều
phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Chúa Giêsu: ‘Đạo lý
tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’” (Ga 7,l6)[33].
428. Ai được kêu gọi rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, trước hết phải
tìm “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô”; người ấy phải “đành mất hết”, “để
được Đức Kitô và được kết hợp với Người”, và để “biết Người quyền năng thế nào
nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng
hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được
sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-11).
429. Từ việc nhận biết Đức Kitô với tâm tình yêu mến, sẽ nảy sinh ước
ao loan báo Người, ước ao “rao giảng Tin Mừng” về Người, và ước ao dẫn đưa người
khác đến chỗ “chấp nhận” đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhưng đồng thời, người ta
cũng cảm thấy nhu cầu phải luôn hiểu biết đức tin ấy một cách tốt hơn. Nhằm mục
đích đó, theo thứ tự của Tín biểu, trước hết các tước hiệu chính của Chúa Giêsu
sẽ được trình bày: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa (Mục 2). Tiếp đó Tín biểu tuyên xưng các mầu nhiệm chính yếu của cuộc
đời Đức Kitô: các mầu nhiệm về việc Nhập Thể của Người (Mục 3), các mầu nhiệm về cuộc Vượt Qua của Người (Mục 4 và 5) và sau cùng các mầu nhiệm về
sự Tôn Vinh Người (Mục 6 và 7).
2763. Tất cả sách Cựu Ước (Lề luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh)
đều được ứng nghiệm nơi Đức Kitô[34]. Tin Mừng chính là “Tin vui
mừng” đó. Thánh Matthêu đã tóm lược việc loan báo đầu tiên của Tin vui mừng đó
trong Bài giảng trên núi[35]. Mà lời kinh dâng lên Cha
chúng ta nằm ở trung tâm của lời loan báo này. Chính trong bối cảnh đó mà mỗi lời
cầu xin trong Lời Kinh Chúa dạy được sáng tỏ:
“Lời Kinh Chúa
dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo…. Nhưng trong Lời kinh đó, không những chúng ta
cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật
tự những điều đáng ước ao nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu
xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta”[36].
Số 457, 604-605, 608, 615-616, 1476, 1992: Chúa
Giêsu, Con Chiên hiến tế vì tội lỗi chúng ta
457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa
chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài
đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài
đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá
bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):
“Bản tính
chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy,
vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự
thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối,
nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đày nên mong người cứu chuộc; bị thua trận,
nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại
là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay
sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại,
trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[37].
604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu
lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng
của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên
Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của
lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10)[38].
“Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó
là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
605. Tình yêu này không loại trừ một
ai. Chúa Giêsu nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy,
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn
này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá
chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời
tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể
nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy[39]. Hội Thánh, theo sau các
Tông Đồ[40], dạy rằng: Đức Kitô đã chết
cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này,
không có một ai mà Người [Đức Kitô] không chịu khổ nạn cho”[41].
608. Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Chúa Giêsu giữa các tội
nhân[42], ông Gioan Tẩy Giả đã thấy
và giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian[43]. Như vậy ông cho thấy rằng
Chúa Giêsu đồng thời vừa là Người Tôi trung đau khổ, im lặng chịu đem đi làm thịt[44] và mang lấy tội lỗi muôn
người[45], vừa là Chiên Vượt Qua, biểu
tượng cho việc Cứu Chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên[46]. Cả cuộc đời của Đức Kitô
diễn tả sứ vụ của Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người[47].
615. “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa,
mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên
Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Chúa Giêsu, bằng sự
vang phục cho đến chết của Người, đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi trung
đau khổ, là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người
và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ[48].
Chúa Giêsu đã đền bù các lỗi lầm của chúng ta và tạ tội với Chúa Cha vì tội lỗi
của chúng ta[49].
Trên thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất
hy tế của Người
616. Tình yêu thương đến cùng[50]
mang lại cho hy lễ của Đức Kitô giá trị Cứu Chuộc và đền bù, đền tội và tạ tội.
Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người dâng hiến mạng sống mình[51]. “Tình yêu Đức Kitô thôi
thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người,
thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14). Không một ai, dù là người thánh thiện nhất,
có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì
mọi người. Nơi Đức Kitô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hơn hẳn vừa
bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Kitô là Đầu của toàn thể nhân loại,
và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người.
1476. Chúng ta gọi những điều thiện hảo thiêng liêng của mầu nhiệm
“các Thánh thông công” là kho tàng của Hội
Thánh, “thật ra đây không phải là như tổng số các điều thiện hảo giống như
tổng số của cải vật chất được tích lũy qua bao thế kỷ, nhưng là giá trị vô cùng
vô tận trước nhan Thiên Chúa của những việc đền tội và những công phúc của Chúa
Kitô, tất cả được dâng lên để toàn thể nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi
và được hiệp thông với Chúa Cha; chính Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc, trong Người
có, và có một cách dư dật, những việc đền tội và những công phúc do Ơn cứu chuộc
của Người”[52].
1992. Sự công chính hóa là
công trạng nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô cho chúng ta, Người là Đấng đã tự
hiến trên thập giá như của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và
Máu Người trở nên dụng cụ đền tội vì tội lỗi của mọi người. Sự công chính hóa
được ban nhờ Phép Rửa, là bí tích của đức tin. Nó làm cho chúng ta nên phù hợp
với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng nhờ quyền năng của lòng thương xót của
Ngài làm cho chúng ta nên công chính tự bên trong. Sự công chính hoá có mục
tiêu là vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô, và hồng ân của đời sống vĩnh
cửu[53].
“Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môisen. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do hồng ân Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Ngài đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Ngài muốn cho thấy rằng Ngài vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính” (Rm 3,21-26).