LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (03.06.2023) - Để
hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc
thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn
những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ
trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập
sách Hướng
dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày
29.06.2014.
Số 202, 232-260, 684, 732: Mầu nhiệm Chúa Ba
Ngôi
TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA
202. Chính Chúa Giêsu xác quyết rằng Thiên Chúa là “Chúa Duy Nhất”,
và phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực[1]. Đồng thời, Người cũng minh định rằng chính Người
là “Chúa”[2]. Tuyên xưng “Đức Giêsu là
Chúa” là nét đặc thù của đức tin Kitô
giáo. Điều này không trái ngược với đức
tin vào một Thiên Chúa Duy Nhất. Tin vào Chúa Thánh Thần là “Chúa và là Đấng
ban sự sống” không hề đưa đến sự chia cắt nào nơi Thiên Chúa Duy Nhất:
“Chúng tôi tin
cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng chỉ có Một Thiên Chúa chân thật,
vĩnh cửu, vô hạn và bất biến, vô phương thấu hiểu, toàn năng và khôn tả, là
Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi Vị, nhưng chỉ có một yếu tính,
một bản thể hoặc một bản tính hoàn toàn đơn nhất”[3].
NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH
THẦN
232. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
(Mt 28,19). Trước đó họ đã ba lần trả lời “Tôi tin” để đáp lại ba câu hỏi yêu cầu
họ tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Đức tin của mọi
Kitô hữu cốt tại Chúa Ba Ngôi”[4].
233. Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần,
chứ không “nhân các danh” của các Ngài[5],
bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần:
Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
234. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức
tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của
Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh
sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất
trong “phẩm trật các chân lý” đức tin[6].
“Lịch sử cứu độ chính là lịch sử của đường lối và phương thế, mà Thiên Chúa thật
và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải cho
con người, và giao hoà và kết hợp với Ngài những ai từ bỏ tội lỗi”[7].
235. Trong tiết này sẽ vắn tắt trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi được mạc khải thế nào (I), Hội Thánh đã trình bày giáo lý đức tin về mầu
nhiệm này thế nào (II), và sau cùng, Chúa Cha, nhờ sứ vụ thần linh của Chúa Con
và Chúa Thánh Thần, thực hiện “kế hoạch nhân hậu” của Ngài trong việc tạo dựng,
cứu chuộc và thánh hoá như thế nào (III).
236. Các Giáo phụ phân biệt Theologia
với Oikonomia. Thuật ngữ thứ nhất chỉ
mầu nhiệm sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi
công trình của Thiên Chúa, qua đó Ngài tự mạc khải và truyền thông sự sống của
Ngài. Nhờ Oikonomia mà Theologia được mạc khải cho chúng ta,
nhưng ngược lại, Theologia soi sáng
toàn thể Oikonomia. Các công trình của
Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết Ngài trong bản thể của Ngài, và ngược lại,
mầu nhiệm bản thể nội tại của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu tất cả các
công trình của Ngài. Trong các tương quan nhân loại, sự việc cũng diễn ra tương
tự như vậy. Con người biểu lộ mình qua hành động và càng biết rõ một người nào
đó, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ.
237. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin theo nghĩa hẹp, là một
trong những mầu nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, “mà nếu Thiên Chúa không mạc
khải thì không ai có thể biết được”[8]. Chắc chắn Thiên Chúa đã để
lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng
và trong việc Ngài mạc khải suốt dòng Cựu Ước. Nhưng đời sống nội tại của thực
thể Ngài, là Ba Ngôi Chí Thanh, vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí thuần tuý của
con người không thể nào đạt đến được, và ngay cả đức tin của Israel cũng không
thể biết mầu nhiệm đó, trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được
sai đến.
MẠC KHẢI VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
Chúa Cha được mạc khải nhờ Chúa Con
238. Việc khẩn cầu Thiên Chúa với tước hiệu là “Cha” đã được biết đến
trong nhiều tôn giáo. Thượng Đế thường được coi như “cha của các vị thần và của
người phàm”. Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng
tạo dựng trần gian[9]. Hơn nữa Thiên Chúa còn là
Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu
lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel[10]. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài
là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu
che chở[11].
239. Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu
lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt
trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái
của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh
tình mẫu tử[12]. Hình ảnh tình mẫu tử nói
lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo
của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha
mẹ, các vị này một cách nào đo, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với
con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy rằng, cha mẹ phàm nhân có thể phạm
sai lầm và họ có thể làm méo mó dung mạo của tình phụ tử và mẫu tử. Vì vậy phải
nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân.
Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt
hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm[13],
mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực[14]
của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha.
240. Chúa Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là “Cha” theo một nghĩa chưa
từng có: Ngài là Cha không những vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, nhưng từ đời đời Ngài
là Cha trong tương quan với Con duy nhất của Ngài, Đấng từ đời đời là Con trong
tương quan với Cha của Người: “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng
như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải
cho” (Mt 11,27).
241. Vì vậy các Tông Đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là “Ngôi Lời”, “lúc
khởi đầu … vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), là
“hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), và là “phản ánh vẻ huy hoàng, là
hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).
242. Sau các ngài, Hội Thánh tiếp nối Truyền thống Tông Đồ, trong
Công đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản
thể với Chúa Cha”[15], nghĩa là, Người là một
Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha. Công đồng chung thứ hai họp tại
Constantinôpôli năm 381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu
Nicêa và đã tuyên xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước
muôn đời, Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[16].
Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải nhờ Chúa Thánh Thần
243. Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một
“Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng
đã hoạt động trong công trình tạo dựng[17]
và sau khi “đã dùng các Tiên tri mà phán dạy”[18],
nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn đệ[19],
để dạy bảo họ[20], và dẫn họ tới “sự thật
toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị thần
linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.
244. Nguồn gốc vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần được mạc khải trong ‘sứ
vụ trong thời gian’ của Ngài. Chúa Thánh Thần được sai đến với các Tông Đồ và với
Hội Thánh, hoặc do Chúa Cha nhân danh Chúa Con, hoặc do chính Chúa Con, sau khi
Người trở về với Chúa Cha[21]. Sứ vụ của Ngôi Vị Chúa
Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh[22]
mạc khải một cách đầy đủ mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh.
245. Đức tin tông truyền về Chúa Thánh Thần đã được Công đồng chung
thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381 tuyên xưng: Chúng tôi tin kính “Chúa
Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống; Ngài bởi Chúa Cha mà ra”[23]. Bằng lời tuyên xưng đó, Hội
Thánh nhìn nhận Chúa Cha như “nguồn mạch và cội nguồn của tất cả thần tính”[24]. Nhưng cội nguồn vĩnh cửu của
Chúa Thánh Thần không phải không có liên hệ với cội nguồn của Chúa Con: “Chúng
tôi tin rằng Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất
và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng một bản thể, cùng một bản tính;...
Ngài được gọi là Thần Khí không phải chỉ của Chúa Cha cũng không phải chỉ của
Chúa Con, nhưng một trật là của Chúa Cha và của Chúa Con”[25].
Tín biểu Constantinôpôli của Hội Thánh tuyên xưng: “Ngài được phụng thờ và tôn
vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”[26].
246. Tín biểu theo truyền thống La tinh tuyên xưng rằng Chúa Thánh
Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con
(Filioque) mà ra”. Công đồng Florentina, năm 1439, giải thích: “Chúa Thánh
Thần … có bản tính và hữu thể của Ngài bởi Chúa Cha và một trật bởi Chúa Con,
và từ đời đời Ngài xuất phát bởi Hai Ngôi như bởi một nguyên lý duy nhất và bởi
một hơi thở duy nhất…. Và bởi vì mọi sự, vốn là của Chúa Cha, chính Chúa Cha đã
ban cho Con Một khi sinh ra Con Một, trừ cương vị làm Cha, nên việc Thần Khí xuất
phát bởi Chúa Con, thì từ đời đời Chúa Con có việc xuất phát đó là bởi Chúa
Cha, Đấng cũng sinh ra Chúa Con từ đời đời”[27].
247. Lời khẳng định “và bởi Đức
Chúa Con” (Filioque) không có
trong Tín biểu công bố năm 381 tại Constantinôpôli. Nhưng thánh Giáo Hoàng Lêô,
dựa theo truyền thống cổ xưa của La tinh và Alexandria, đã công bố điều này như
một tín điều vào năm 447[28], trước khi Rôma, tại Công đồng
Chalcêđônia năm 451, biết đến và tiếp nhận Tín biểu của năm 381. Việc sử dụng
công thức này trong Tín biểu được dần dần đưa vào phụng vụ La tinh (từ thế kỷ
VIII đến thế kỷ XI). Tuy nhiên, việc phụng vụ La tinh đưa công thức Filioque vào trong Tín biểu
Nicêa-Constantinôpôli, đã tạo nên sự bất đồng, mãi cho đến nay, với các Giáo Hội
Chính Thống.
248. Truyền thống Đông phương trước hết diễn tả rằng Chúa Cha là cội
nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần. Khi tuyên xưng Chúa Thánh Thần “xuất phát từ
Chúa Cha” (Ga 15,26), truyền thống đó xác quyết Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con (a Patre per Filium procedere)[29]. Còn truyền thống Tây
phương trước hết xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa
Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque
procedere). Truyền thống này nói như vậy là “hợp pháp và hợp lý”[30], bởi vì theo trật tự vĩnh cửu
giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư
cách là “nguyên lý không có khởi đầu”[31],
là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con
duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa
Thánh Thần xuất phát “như từ một nguyên lý duy nhất”[32].
Sự bổ túc hợp pháp này, nếu không bị thổi phồng, thì không tác động gì đến sự đồng
nhất của đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng.
BA NGÔI CHÍ THÁNH TRONG GIÁO
LÝ ĐỨC TIN
Sự hình thành tín điều Chúa Ba Ngôi
249. Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh
đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua
bí tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được
công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện
của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của
các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại
trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của
Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr
13,13)[33].
250. Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã cố gắng trình bày minh bạch
hơn đức tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa để đào sâu sự hiểu biết của
chính mình về đức tin, vừa để bảo vệ đức tin khỏi những sai lạc muốn bóp méo đức
tin. Đó là công trình của các Công đồng đầu tiên, được trợ lực bởi hoạt động thần
học của các Giáo Phụ và được đón nhận bởi cảm thức đức tin của dân Kitô giáo.
251. Để công thức hoá tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh phải
triển khai một thuật ngữ riêng, dựa vào những khái niệm bắt nguồn từ triết học,
như: “bản thể” (substantia), “ngôi”
hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis), “tương quan” (relatio) v.v…. Làm như vậy, Hội Thánh đã
không giao phó đức tin cho sự khôn ngoan phàm nhân, nhưng đã cho các từ ngữ này
một ý nghĩa mới, chưa từng biết đến, những từ ngữ này từ nay sẽ được sử dụng để
nói lên mầu nhiệm khôn tả, vốn “vô cùng vượt trên mọi điều chúng ta có thể hiểu
được theo cách thức phàm nhân”[34].
252. Hội Thánh sử dụng từ “bản thể” (substantia) (hoặc “yếu tính”,
essentia hoặc “bản tính”, natura)
để chỉ Hữu Thể thần linh trong sự duy nhất của Ngài, từ “ngôi” hoặc “ngôi vị” (persona hoặc hypostasis) để chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự
phân biệt thật sự với nhau giữa các Ngài, còn từ “tương quan” (relatio) để chỉ sự phân biệt của các
Ngài trong vấn đề các Ngài quy chiếu về nhau.
Tín điều Ba Ngôi Chí Thánh
253. Tam Vị Nhất Thể.
Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba
Ngôi: “Ba Ngôi đồng bản thể”[35]. Các Ngôi Vị Thiên Chúa
không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn
vẹn: “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế
ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một
Thiên Chúa duy nhất theo bản tính”[36].
“Ba Ngôi Vị đều là thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần
linh”[37].
254. Các Ngôi Vị Thiên Chúa
thật sự phân biệt với nhau. “Chúng tôi tôn thờ và tuyên xưng một Thiên Chúa
duy nhất nhưng không đơn độc”[38]. “Chúa Cha”, “Chúa Con”,
“Chúa Thánh Thần”, không phải đơn thuần là những danh xưng chỉ các dạng thức của
“Hữu Thể” thần linh, bởi vì Ba Ngôi thật sự phân biệt với nhau: “Chúa Con không
phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không
phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con”[39]. Ba Ngôi phân biệt nhau qua
các tương quan về nguồn gốc: “Chúa Cha là Đấng sinh thành, Chúa Con là Đấng được
sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát”[40].
Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị.
255. Các Ngôi vị Thiên Chúa
có tương quan với nhau. Bởi vì sự phân biệt thật sự giữa các Ngôi Vị với
nhau không phân chia thần tính duy nhất, nên sự phân biệt đó chỉ cốt tại các mối
tương quan quy chiếu các Ngôi Vị với nhau. “Trong các danh xưng nói lên mối
tương quan giữa các Ngôi vị, Chúa Cha có tương quan với Chúa Con, Chúa Con có
tương quan với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần có tương quan với Hai Ngôi kia. Khi
xét về tương quan thì chúng ta nói là Ba Ngôi, nhưng chúng ta tin vào một bản
tính hay một ban thể”[41]. Thật vậy, giữa Ba Ngôi “mọi
sự … đều là một, khi không nói đến sự đối lập về tương quan”[42]. “Vì sự duy nhất đó, Chúa
Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con
hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần
hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Con”[43].
256. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, có biệt danh là “Nhà thần học”, cống
hiến cho các dự tòng tại Constantinôpôli bản toát yếu đức tin về Ba Ngôi như
sau:
“Trên hết mọi
sự, tôi yêu cầu, bạn hãy gìn giữ kho tàng quý giá này, kho tàng đó là lý do để
tôi sống và chiến đấu, là điều tôi muốn đem theo khi chết, là điều giúp tôi chấp
nhận tất cả mọi gian khổ và khinh chê mọi lạc thú: tôi muốn nói đến đức tin, đến
việc tuyên xưng vào Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hôm nay tôi trao lời
tuyên xưng đó cho bạn. Với lời tuyên xưng đức tin đó, tôi sắp dìm bạn xuống nước
thanh tẩy, rồi kéo bạn lên. Tôi trao cho bạn để làm người bạn đường, người bảo
trợ suốt đời, lời tuyên xưng vào một Thần Tính và một Quyền Năng duy nhất, cùng
gặp được trong Ba Ngôi, và gồm Ba Ngôi một cách phân biệt, không hơn kém về bản
thể hoặc bản tính, không tăng giảm về sự cao hơn hoặc thấp hơn…. Ba Ngôi vô
cùng, kết hợp với nhau vô cùng. Nếu xét riêng, mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa. Nếu
suy tưởng một trật, Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa…. Tôi vừa suy tưởng đến Thiên
Chúa Duy Nhất, thì lập tức hào quang của Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi vừa
bắt đầu phân biệt Ba Ngôi, thì bị kéo trở lại Thiên Chúa Duy Nhất”[44].
CÁC CÔNG TRÌNH THẦN LINH VÀ
CÁC SỨ VỤ CỦA BA NGÔI
257. “Ôi nguồn sáng, Ba Ngôi diễm phúc, là Căn Nguyên Độc Nhất vũ
hoàn!”[45] Thiên Chúa là hạnh phúc
vĩnh cửu, là sự sống bất tử, là ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình yêu:
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn truyền thông vinh
quang của sự sống hạnh phúc của Ngài. Đó là “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) mà
Ngài đã cưu mang từ trước khi tạo dựng trần gian trong Con yêu dấu của Ngài, và
quả thật “Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô” (Ep 1,5),
nghĩa là, Ngài đã tiền định cho chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của
Ngài” (Rm 8,29) nhờ “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử” (Rm 8,15). Kế hoạch
này là ân sủng “Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở” (2 Tm 1,9), xuất phát trực
tiếp từ tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Kế hoạch đó được thể hiện trong công trình tạo
dựng, và sau khi con người sa ngã, trong toàn bộ lịch sử cứu độ, trong các sứ vụ
của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tiếp nối trong sứ vụ của Hội Thánh[46].
258. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình chung của Ba Ngôi
Thiên Chúa. Vì cũng như Ba Ngôi chỉ có một bản tính, Ba Ngôi cũng chỉ có cùng một
hoạt động[47]. “Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần không phải là ba nguyên lý của thụ tạo nhưng là một nguyên lý
duy nhất”[48]. Tuy nhiên mỗi Ngôi Vị
Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi.
Cho nên, theo sau Tân Ước[49], Hội Thánh tuyên xưng: “Một
Thiên Chúa là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; Một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người;
và Một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài”[50].
Các sứ vụ thần linh là việc Nhập thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh
Thần biểu lộ cách đặc biệt các đặc tính riêng của các Ngôi Vị Thiên Chúa.
259. Toàn bộ Nhiệm cục thần linh là công trình vừa có tính chung, vừa
có tính riêng, nên vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị Thiên Chúa vừa cho thấy
bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông
với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha,
là làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, là
làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy[51]
và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy[52].
260. Cùng đích của toàn bộ Nhiệm cục thần linh là đưa các thụ tạo đến
hợp nhất trọn vẹn với Ba Ngôi Diễm Phúc[53].
Nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta được kêu gọi trở nên nơi cư ngụ của Ba Ngôi Chí
Thánh. Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người
ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ay” (Ga 14,23):
“Lạy Thiên
Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình để an trú
trong Chúa, bất động và thanh thản như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng;
xin đừng để điều gì có thể quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi
Chua, ôi Đấng Bất Biến của con, nhưng mỗi giây phút xin đem con vào sâu hơn nữa
trong mầu nhiệm thẳm sâu của Chúa! Xin ban bình an cho linh hồn con; xin biến
linh hồn con thành thiên đàng của Chúa, thành nơi cư ngụ mà Chúa ưa thích, và
nơi nghỉ ngơi của Chúa. Ước gì con không bao giờ bỏ mặc Chúa một mình, nhưng ước
gì con ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn
thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa”[54].
Chúa Thánh Thần
684. Chúa Thánh Thần, bằng ân sủng của mình, là Đấng đầu tiên trong
việc khơi dậy đức tin của chúng ta và trong sự sống mới, sự sống đó là nhận biết
Chúa Cha và Đấng Chúa Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô[55].
Tuy nhiên Chúa Thánh Thần lại là Đấng cuối cùng trong cuộc mạc khải các Ngôi Vị
trong Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh Grêgôriô Nazianzênô, “Nhà thần học”, giải thích
tiến trình này qua đường lối sư phạm là “sự hạ cố” của Thiên Chúa:
“Cựu Ước đã giảng
dạy một cách tỏ tường về Chúa Cha, nhưng một cách hơi lờ mờ về Chúa Con. Rồi
Tân Ước cho chúng ta thấy cách rõ ràng về Chúa Con, và trình bày một cách lờ mờ
nào đó về thần tính của Chúa Thánh Thần. Còn bây giờ, chính Thần Khí ngự giữa
chúng ta và công bố cho chúng ta một cách tỏ tường hơn về Ngài. Quả vậy, sẽ là
không khôn ngoan, nếu thần tính của Chúa Cha chưa được tuyên xưng, mà đã giảng
dạy cách tỏ tường về Chúa Con; và nếu thần tính của Chúa Con chưa được đón nhận,
thì việc giảng dạy về Chúa Thánh Thần, nói một cách quá đáng, là như chất thêm
một gánh khá nặng cho chúng ta: … Nhờ những tiếp cận âm thầm thích hợp hơn và …
những tiến dần lên, rồi những phát triển và tăng tiến ‘từ sự sáng sủa này đến sự
sáng sủa khác’, ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi chiếu toả những tia sáng rạng ngời”[56].
Lễ Ngũ Tuần
732. Trong ngày đó, mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh được mạc khải trọn
vẹn. Sau ngày đó, Nước mà Đức Kitô đã loan báo, được mở ra cho những ai tin vào
Người: trong sự khiêm hạ của xác phàm và trong đức tin, họ đã được tham dự vào
sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Thánh Thần, nhờ việc Ngài ngự đến, mà
Ngài không ngừng ngự đến, dẫn đưa trần gian vào “thời đại cuối cùng”, thời đại
của Hội Thánh, vào Nước đã được sở hữu làm gia sản, nhưng chưa hoàn tất:
“Chúng ta đã
thấy Ánh sáng thật, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta đã
tìm được đức tin chân chính: chúng ta tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính
Ba Ngôi đã cứu độ chúng ta”[57].
Số 249, 813, 950, 1077-1109, 2845: Chúa Ba Ngôi
trong Hội Thánh và phụng vụ của Hội Thánh
Sự hình thành tín điều Chúa Ba Ngôi
249. Ngay từ buổi đầu, chân lý được mạc khải về Ba Ngôi Chí Thánh
đã có trong những điều căn bản của đức tin sống động của Hội Thánh, chủ yếu qua
bí tích Rửa Tội. Chân lý đó được diễn tả trong quy luật đức tin về phép Rửa, được
công thức hoá trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý và trong kinh nguyện
của Hội Thánh. Người ta đã gặp những công thức như vậy trong các tác phẩm của
các Tông Đồ, như lời chào sau đây làm chứng, lời chào này đã được sử dụng lại
trong Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của
Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr
13,13)[58].
“Mầu nhiệm thánh thiêng của tính duy nhất của Hội Thánh”[59]
813. Hội Thánh là duy nhất vì
nguồn mạch của mình: “Khuôn mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này,
là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con
trong Chúa Thánh Thần”[60]. Hội Thánh là duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình: “Quả thật,
chính Chúa Con nhập thể … đã nhờ cây thập giá của mình mà giao hoà mọi người với
Thiên Chúa … tái lập sự hợp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể”[61]. Hội Thánh là duy nhất vì “linh hồn” của mình: “Chúa Thánh Thần,
Đấng ngự trong các tín hữu, đầy tràn và điều khiển toàn Hội Thánh, làm cho các
tín hữu hiệp thông với nhau cách kỳ diệu và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách
rất mật thiết, cho nên Ngài là nguyên lý của sự hợp nhất của Hội Thánh”[62]. Vì vậy, theo bản chất, Hội
Thánh là duy nhất:
“Ôi mầu nhiệm
lạ lùng thay! Có Chúa Cha duy nhất của vũ trụ, có Ngôi Lời duy nhất của vũ trụ,
và Chúa Thánh Thần duy nhất, và chính Ngài ở khắp nơi. Cũng có một người Mẹ Đồng
Trinh duy nhất; mà tôi thích gọi người mẹ đó là Hội Thánh”[63].
Hiệp thông các của cải thiêng liêng
950. Sự hiệp thông các bí
tích. “Quả vậy, hoa trái của tất cả các bí tích thuộc về hết mọi tín hữu;
nhờ các bí tích này, giống như nhờ những mối dây thánh thiêng, họ được gắn liền
và kết hợp với Đức Kitô, nhất là nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó, như qua một cái cửa,
họ tiến vào Hội Thánh. Các Giáo phụ giải thích rằng, ‘các Thánh thông công’
trong Tín biểu phải được hiểu là sự hiệp thông các bí tích…. Danh xưng [hiệp
thông] này phù hợp với tất cả các bí tích, vì tất cả đều kết hợp chúng ta với
Thiên Chúa…; tuy nhiên danh xưng ấy thích hợp hơn cho bí tích Thánh Thể, là bí
tích thực hiện sự hiệp thông này”[64].
CHÚA CHA, NGUỒN MẠCH VÀ CÙNG
ĐÍCH CỦA PHỤNG VỤ
1077. “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn
vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo
thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ
tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định
cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời,
ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,3-6).
1078. “Chúc lành” là hành động thần linh ban sự sống, và nguồn gốc
của hành động này là Chúa Cha. Việc chúc lành của Ngài vừa là một lời nói vừa
là một hồng ân (bene-dictio, eu-logia). Khi áp dụng cho con người, từ
này có nghĩa “chúc tụng”, nghĩa là tôn thờ và ta ơn Đấng Tạo Hoá của mình.
1079. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc cùng tận thời gian, toàn bộ công
trình của Thiên Chúa đều là chúc lành.
Từ bài thơ phụng vụ về cuộc tạo dựng đầu tiên cho đến những thánh ca về thành
Giêrusalem thiên quốc, các tác giả được linh hứng đều loan báo chương trình cứu
độ như một lời chúc lành triền miên của Thiên Chúa.
1080. Từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã chúc lành cho các sinh vật, đặc
biệt cho người nam và người nữ. Giao ước với ông Noê và với tất cả mọi sinh vật
canh tân lời chúc lành sinh sôi nảy nở này, bất chấp tội lỗi của con người đã
khiến đất đai “bị chúc dữ”. Nhưng khởi từ tổ phụ Abraham, lời chúc lành của
Thiên Chúa mới đi sâu vào lịch sử loài người, một lịch sử đang hướng về cõi chết,
để làm cho nó tiến về cõi sống, tiến về nguồn mạch của nó: nhờ đức tin của “cha
các kẻ tin”, người đã đón nhận lời chúc lành, mà lịch sử cứu độ được khởi đầu.
1081. Những lời chúc lành của Thiên Chúa được bày tỏ qua các biến cố
kỳ diệu và có ý nghĩa cứu độ: đó là việc sinh hạ Isaac, việc xuất hành ra khỏi
Ai Cập (Vượt Qua và Xuất Hành), việc trao ban Đất Hứa, việc tuyển chọn Đavid, sự
hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ, cuộc lưu đày có ý nghĩa thanh luyện và
sự hồi hương của “ít người còn sót lại”. Lề Luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh,
dệt nên phụng vụ của dân Chúa chọn, vừa nhắc nhớ những lời chúc lành của Thiên
Chúa, vừa đáp lại những lời chúc lành đó bằng những câu ca ngợi và chúc tụng tạ
ơn.
1082. Trong phụng vụ của Hội Thánh, lời chúc lành của Thiên Chúa được
mạc khải và truyền thông cách sung mãn: Chúa Cha được nhận biết và được tôn thờ
với tư cách là nguồn gốc và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng
và cứu độ; trong Ngôi Lời của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì
chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Ngài, và nhờ
Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là
Chúa Thánh Thần.
1083. Như vậy, chúng ta hiểu được chiều kích kép của phụng vụ Kitô
giáo xét như lời đáp lại của đức tin và tình yêu đối với những lời “chúc lành
thiêng liêng” Chúa Cha đã ban cho chúng ta. Một đàng, được kết hợp với Chúa của
mình và dưới tác động của Chúa Thánh Thần[65],
Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha “vì phúc lộc khôn tả Ngài ban” (2 Cr 9,15), bằng
việc tôn thờ, ca ngợi và tạ ơn. Đàng khác, cho tới khi kế hoạch của Thiên Chúa
được hoàn tất, Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa Cha “lễ vật là những hồng ân
Ngài ban”, và cầu khẩn Ngài ban Thánh Thần xuống trên lễ vật này, trên chính Hội
Thánh, trên các tín hữu và trên toàn thể trần gian, để, nhờ hiệp thông vào sự
chết và sự sống lại của Đức Kitô-Thượng tế, và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
những lời chúc lành này của Thiên Chúa đem lại hoa trái sự sống “để ta hằng ngợi
khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,6).
CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC KITÔ TRONG
PHỤNG VỤ
Đức Kitô được tôn vinh
1084. Đức Kitô, Đấng “ngự bên hữu Chúa Cha” và tuôn đổ Thánh Thần
trên Thân Thể của Người là Hội Thánh, từ nay hoạt động qua các bí tích do chính
Người thiết lập để truyền thông ân sủng của Người. Các bí tích là những dấu chỉ
khả giác (các lời nói và các hành động) mà loài người chúng ta hiện nay vẫn có
thể hiểu được. Các bí tích thực hiện cách hữu hiệu ân sủng mà chúng nói lên, nhờ
hành động của Đức Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
1085. Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và
hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã
loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu
nhiệm đó bằng các hành động của Người. Khi Giờ của Người đến[66], Chúa Giêsu đã sống biến cố
độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai
táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm
6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng
ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra
một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô
không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của
Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người
đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh
cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại.
Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn
tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.
... từ Hội Thánh thời các Tông Đồ...
1086. “Như Đức Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người
cũng sai các Tông Đồ, được đầy tràn Thánh Thần, như vậy, không những để khi
công bố Tin Mừng cho mọi thụ tạo, các Tông Đồ loan báo rằng Con Thiên Chúa đã
nhờ sự chết và sự sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực
Satan và sự chết, và đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các Tông
Đồ thực thi công trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng, nhờ Hy Lễ và các bí
tích, là trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”[67].
1087. Như vậy, Đức Kitô Phục sinh, khi ban Chúa Thánh Thần cho các
Tông Đồ, đã trao cho các ông quyền thánh hóa của Người[68]:
Các ông trở nên những dấu chỉ bí tích của Đức Kitô. Nhờ quyền năng của cùng một
Chúa Thánh Thần, các ông trao quyền thánh hóa ấy cho những người kế nhiệm. Việc
“kế nhiệm Tông Đồ” này xây dựng nên toàn bộ đời sống phụng vụ của Hội Thánh;
chính việc kế nhiệm đó mang tính bí tích và được lưu truyền qua bí tích Truyền
Chức thánh.
... đang hiện diện trong phụng vụ trần thế...
1088. “Để thực hiện một công cuộc lớn lao như vậy (phân phát hoặc
truyền thông công trình cứu độ của Người), Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh
Người, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh
lễ cũng như trong con người thừa tác viên, “Đấng xưa đã tự hiến trên thánh giá,
thì nay chính Người dâng hiến qua thừa tác vụ của các tư tế”, và nhất là Người
hiện diện dưới hình bánh hình rượu Thánh Thể. Người hiện diện bằng quyền năng của
Người trong các bí tích, đến nỗi khi một ai đó làm Phép Rửa, thì đó là chính Đức
Kitô làm Phép Rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính là Người đang
nói, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Hội Thánh. Cuối cùng, Người hiện diện
khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có
hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18, 20)”[69].
1089. “Trong công cuộc lớn lao như vậy, qua đó Thiên Chúa được tôn
vinh cách hoàn hảo và con người được thánh hoá, Đức Kitô hằng liên kết với Hội
Thánh là Hiền Thê rất yêu quý của Người, và Hội Thánh kêu cầu Người là Chúa của
mình và nhờ Người mà phụng thờ Chúa Cha hằng hữu”[70].
... Phụng vụ trần thế tham dự vào phụng vụ trên trời
1090. “Trong phụng vụ trần thế, chúng ta tham dự như một cách nếm
trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng
ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, là thừa
tác viên của cung thánh, và của nhà tạm đích thực; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo
binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa; chúng ta kính nhớ các Thánh,
và hy vọng được đồng phận với các ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người, là sự sống của chúng ta, xuất hiện,
và chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang”[71].
CHÚA THÁNH THẦN VÀ HỘI THÁNH
TRONG PHỤNG VỤ
1091. Trong phụng vụ, Chúa Thánh Thần là nhà sư phạm về đức tin cho
Dân Thiên Chúa, là Đấng thực hiện “những kỳ công của Thiên Chúa”, tức là các bí
tích của Giao Ước Mới. Điều Chúa Thánh Thần mong muốn và thực hiện trong lòng Hội
Thánh, đó là chúng ta được sống bằng sự sống của Đức Kitô phục sinh. Khi Chúa
Thánh Thần gặp được nơi chúng ta lời đáp lại của đức tin mà Ngài đã khơi lên,
thì đó là một sự cộng tác thật sự. Vì vậy phụng vụ là công trình chung của Chúa
Thánh Thần và Hội Thánh.
1092. Trong việc phân phát cách bí tích mầu nhiệm của Đức Kitô,
Chúa Thánh Thần cũng hành động cùng một cách thức như trong các thời đại khác của
Nhiệm cục cứu độ: Ngài chuẩn bị cho Hội Thánh gặp gỡ Chúa của mình; Ngài nhắc
nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn; Ngài làm cho hiện diện
và hiện tại hoá mầu nhiệm của Đức Kitô bằng quyền năng biến đổi của Ngài; sau
cùng, Thánh Thần của sự hiệp thông kết hợp Hội Thánh vào đời sống và sứ vụ của
Đức Kitô.
Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho việc đón nhận Đức Kitô
1093. Trong Nhiệm cục bí tích, Chúa Thánh Thần hoàn tất các hình
bóng của Cựu Ước. Bởi vì Hội Thánh của
Đức Kitô “đã được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong Cựu Ước”[72], nên phụng vụ của Hội Thánh
giữ lại một số yếu tố của phụng tự Cựu Ước, xét như một phần không thể thiếu và
không thể thay thế, coi đó là của mình:
– Chủ yếu là
việc đọc Cựu Ước;
– Lời cầu nguyện
của các Thánh vịnh;
– và nhất là
tưởng nhớ các biến cố cứu độ và những thực tại đầy ý nghĩa đã được hoàn tất
trong mầu nhiệm của Đức Kitô (Lời Hứa và Giao Ước, Xuất Hành và Vượt Qua, Vương
Quốc và Đền Thờ, Lưu Đày và Hồi Hương).
1094. Chính trên sự hoà hợp này giữa hai Giao Ước[73], mà giáo lý về cuộc Vượt
Qua của Chúa được xây dựng[74], rồi đến giáo lý của các
Tông Đồ và của các Giáo phụ. Giáo lý này khai mở những điều còn bị che giấu
trong văn tự của Cựu Ước: đó là mầu nhiệm của Đức Kitô. Cách giải thích này được
gọi là “tiên trưng”, vì nó cho thấy sự mới mẻ của Đức Kitô khởi từ những “hình
bóng” (biểu trưng) loan báo về Người qua các sự kiện, lời nói và biểu tượng của
Giao ước cũ. Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức
Kitô, các hình bóng được biểu lộ ra[75].
Chẳng hạn, cơn lụt hồng thủy và con
tàu ông Nôê là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội[76]; cột mây và việc vượt qua
Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng
liêng của Đức Kitô[77]; manna trong hoang địa là
hình bóng tiên báo Thánh Thể, “Bánh bởi trời, banh đích thực” (Ga 6,32).
1095. Vì vậy, đặc biệt trong mùa Vọng, mùa Chay và nhất là đêm Canh
thức Vượt Qua, Hội Thánh đọc lại và sống trở lại tất cả các biến cố lớn lao đó
của lịch sử cứu độ trong “ngày hôm nay” của phụng vụ của mình. Nhưng điều đó
cũng đòi hỏi việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu mở rộng tâm hồn để hiểu được
ý nghĩa “thiêng liêng” ấy của Nhiệm cục cứu độ, đúng như phụng vụ của Hội Thánh
bày tỏ và giúp chúng ta sống.
1096. Phụng vụ Do thái và Phụng
vụ Kitô giáo. Việc hiểu biết rõ hơn về đức tin và đời sống tôn giáo của dân
Do Thái, như họ tuyên xưng và sống cho đến nay, có thể giúp chúng ta hiểu rõ
hơn một số khía cạnh của phụng vụ Kitô giáo. Đối với người Do thái cũng như với
Kitô hữu, Kinh Thánh là phần cốt yếu của cả hai nền phụng vụ: công bố Lời Chúa,
đáp lại Lời Chúa, kinh nguyện ca ngợi và chuyển cầu cho người sống và kẻ chết,
sự khẩn cầu lòng thương xót Chúa. Phụng vụ Lời Chúa, trong cơ cấu đặc trưng của
nó, bắt nguồn từ phụng vụ Do thái. Các Giờ Kinh phụng vụ cũng như các bản văn
và công thức phụng vụ khác, cũng song song với phụng vụ Do thái, kể cả các kinh
nguyện đáng kính nhất của chúng ta, như kinh “Lạy Cha”. Các Kinh nguyện Thánh
Thể cũng được cảm hứng từ những kiểu mẫu của truyền thống Do thái. Liên hệ giữa
phụng vụ Do thái và phụng vụ Kitô giáo, kể cả những khác biệt trong nội dung,
có thể thấy rõ cách đặc biệt trong các ngày lễ lớn của Năm phụng vụ, như lễ Vượt
Qua. Các Kitô hữu và người Do thái cùng cử hành lễ Vượt Qua: đối với người Do
Thái đó là lễ Vượt Qua của lịch sử hướng tới tương lai; còn đối với các Kitô hữu,
lễ Vượt Qua đã được hoàn thành trong sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, tuy vẫn
luôn trông đợi sự hoàn tất chung cuộc.
1097. Trong phụng vụ của Giao
Ước Mới, mọi hoạt động phụng vụ, đặc biệt việc cử hành thánh lễ và các bí
tích, đều là cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Cộng đoàn phụng vụ được hợp
nhất “nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, Đấng quy tụ các con cái Thiên
Chúa trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô. Cộng đoàn này vượt trên các mối liên
hệ phàm nhân, chủng tộc, văn hóa và xã hội.
1098. Cộng đoàn phải chuẩn bị
để gặp gỡ Chúa mình, sao cho là một dân đã hoàn toàn sẵn sàng[78]. Việc chuẩn bị các tâm hồn
như vậy là công việc chung của Chúa Thánh Thần và của cộng đoàn, đặc biệt là của
các thừa tác viên của cộng đoàn. Ân sủng của Chúa Thánh Thần tìm cách khơi dậy
đức tin, sự hối cải tâm hồn và sự đồng thuận theo thánh ý Chúa Cha. Phải có những
chuẩn bị này để có thể đón nhận những ân sủng khác được truyền thông trong
chính việc cử hành, và các hoa trái của cuộc sống mới mà việc cử hành nhắm sản
sinh ra sau đó.
Chúa Thánh Thần nhắc nhớ mầu nhiệm Đức Kitô
1099. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh cùng cộng tác để Đức Kitô và
công trình cứu độ của Người được biểu lộ trong phụng vụ. Đặc biệt trong bí tích
Thánh Thể, và một cách tương tự trong các bí tích khác, phụng vụ là Sự Tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ. Chúa
Thánh Thần là ký ức sống động của Hội Thánh[79].
1100. Lời Chúa. Trước hết,
Chúa Thánh Thần gợi cho cộng đoàn phụng vụ nhớ lại ý nghĩa của biến cố cứu độ
khi Ngài ban sức sống cho Lời Chúa đang được loan báo, để chúng ta có thể đón
nhận và sống Lời Chúa:
“Trong cử hành
phụng vụ, Thánh Kinh là hết sức quan trọng. Thật vậy, những bài trích từ Thánh
Kinh được đọc lên, rồi được giải thích trong bài giảng, những Thánh vịnh trong
Thánh Kinh được hát lên; và do sự gợi hứng và thúc đẩy của Thánh Kinh mà những
lời kinh, lời nguyện và các bài phụng ca tuôn trào; và cũng từ Thánh Kinh mà
các hành động cũng như các dấu chỉ có được ý nghĩa của chúng”[80].
1101. Chúa Thánh Thần ban cho người đọc cũng như người nghe, tuỳ
theo việc họ chuẩn bị tâm hồn, sự hiểu biết thiêng liêng về Lời Chúa. Qua các lời,
các hành động và các biểu tượng, dệt thành việc cử hành, Chúa Thánh Thần đưa
các tín hữu và các thừa tác viên vào trong tương quan sống động với Đức Kitô,
là Lời và Hình Ảnh của Chúa Cha, để họ có thể làm sao cho ý nghĩa của các điều
họ nghe, họ chiêm ngắm và họ hành động trong cuộc cử hành, được đưa vào trong đời
sống của họ.
1102. “Chính Lời của ơn cứu độ nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các
tín hữu; nhờ đức tin đó mà cộng đoàn các tín hữu khởi đầu và lớn lên”[81]. Việc loan báo Lời Chúa
không dừng lại nơi một lời giảng dạy nào đó: nó đòi hỏi sự đáp lại của đức tin, xét như một ưng thuận và dấn thân, để có một
Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Chúa Thánh Thần còn ban ơn đức tin, củng
cố và làm tăng trưởng đức tin trong cộng đoàn. Cộng đoàn phụng vụ trước hết là
sự hiệp thông trong đức tin.
1103. Kinh Tưởng niệm
(Anamnesis). Việc cử hành phụng vụ luôn quy chiếu về những lần can thiệp cứu
độ của Thiên Chúa trong lịch sử. “Nhiệm cục mạc khải này được thực hiện bằng
các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa là … các lời
… công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó”[82]. Trong phụng vụ Lời Chúa,
Chúa Thánh Thần “nhắc” cho cộng đoàn “nhớ” tất cả những gì Đức Kitô đã làm cho
chúng ta. Theo bản chất của các hành động phụng vụ và theo các truyền thống
nghi lễ của các Giáo hội, việc cử hành “nhắc nhớ lại” kỳ công của Thiên Chúa
trong phần Tưởng niệm (Anamnesis) được
triển khai dài hay ngắn. Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc cho Hội Thánh nhớ lại như vậy,
cũng thúc giục Hội Thánh tạ ơn và ca ngợi (Doxologia).
Chúa Thánh Thần hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô
1104. Phụng vụ Kitô giáo không những gợi nhớ các biến cố đã giải
thoát chúng ta, mà còn làm cho các biến cố đó hiện diện và tác động trong hiện
tại. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được cử hành, chứ không phải được tái diễn;
chỉ có các cuộc cử hành là được tái diễn; trong mỗi lần cử hành đều có sự tuôn
đổ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mầu nhiệm duy nhất được hiện tại hoá.
1105. Kinh Khẩn cầu Chúa
Thánh Thần (Epiclesis – “khẩn cầu-trên”) là lời khẩn cầu của vị tư tế nài
xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh Hóa đến, để các lễ vật trở thành
Mình và Máu Đức Kitô, và khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chính các tín hữu
cũng trở thành lễ vật sống động dâng lên Thiên Chúa.
1106. Cùng với kinh Tưởng Niệm (Anamnesis),
kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis)
nằm ở trung tâm mỗi cuộc cử hành bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể:
“Bạn hỏi: làm
thế nào Bánh trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô? Tôi xin thưa với
bạn: Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện những điều đó, những điều vượt trên mọi
lời nói và mọi tư tưởng…. Bạn chỉ cần nghe biết đó là bởi Chúa Thánh Thần; cũng
như do Mẹ Thiên Chúa và bởi Chúa Thánh Thần, Chúa đã nhận lấy xác phàm cho Người
và nơi chính mình Người”[83].
1107. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm
cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. Trong việc chờ đợi và
trong niềm hy vọng, Ngài thật sự làm cho chúng ta được tham dự trước vào sự hiệp
thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha, Đấng nhận lời khẩn cầu của
Hội Thánh, sai đến, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những ai đón nhận Ngài và
ngay từ bây giờ, đối với những kẻ ấy, Ngài là “bảo chứng” phần gia nghiệp của họ[84].
Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần
1108. Mục đích của sứ vụ Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động phụng
vụ là để chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô để làm nên Thân Thể Người. Chúa
Thánh Thần như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, mang lại hoa trái nơi các
ngành nho[85]. Trong phụng vụ, sự cộng
tác mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Hội Thánh được thực hiện. Chính Ngài, Thần
Khí của sự hiệp thông, luôn hiện diện trong Hội Thánh, và do đó, Hội Thánh là
bí tích lớn của sự hiệp thông của Thiên Chúa, một bí tích quy tụ các con cái
Thiên Chúa còn đang tản mác. Hoa trái của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ là, một
cách không thể tách rời, sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh và sự hiệp thông
huynh đệ[86].
1109. Kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) cũng là lời nguyện xin cho cộng đoàn được hiệp thông trọn
vẹn trong mầu nhiệm Đức Kitô. “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa
Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13) phải luôn ở với chúng ta
và đem lại hiệu quả vượt ra ngoài lúc cử hành thánh lễ. Vì vậy, Hội Thánh cầu
xin Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để Ngài làm cho đời sống các tín hữu trở
thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, nhờ sự biến đổi thiêng liêng theo
hình ảnh Đức Kitô, nhờ chăm lo cho sự hợp nhất của Hội Thánh và nhờ tham dự vào
sứ vụ của Hội Thánh bằng việc làm chứng và phục vụ bác ái.
“… như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”
2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới
hạn cũng như mức độ[87]. Nếu đề cập đến “những xúc
phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người
chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ
tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch
và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[88].
Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích
Thánh Thể[89]:
“Thiên Chúa
không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn
thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa
bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của
chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[90].
Số 2655, 2664-2672: Chúa Ba Ngôi và cầu nguyện
Phụng vụ của Hội Thánh
2655. Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, trong phụng vụ bí
tích của Hội Thánh, là công bố, hiện tại hóa và truyền thông mầu nhiệm cứu độ,
sứ vụ ấy được tiếp nối trong tâm hồn người đang cầu nguyện. Các linh phụ đôi
khi so sánh tâm hồn với bàn thờ. Việc cầu nguyện làm cho phụng vụ được nội tâm
hóa và trở thành riêng của bản thân, cả trong lúc cử hành lẫn sau khi cử hành.
Việc cầu nguyện, dù ở “nơi kín đáo” (Mt 6,6), vẫn luôn là lời cầu nguyện của Hội
Thánh và là sự hiệp thông với Ba Ngôi Chí Thánh[91].
Kinh nguyện dâng lên Chúa Cha
2664. Kinh nguyện Kitô giáo không có con đường nào khác ngoài Đức
Kitô. Việc cầu nguyện của chúng ta, dù của cộng đoàn hoặc của cá nhân, dù là khẩu
nguyện hay tâm nguyện, không thể dâng lên tới Chúa Cha nếu chúng ta không cầu
nguyện “nhân danh Chúa Giêsu”. Quả vậy, nhân tính thánh thiện của Chúa Giêsu là
con đường, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha
chúng ta.
Kinh nguyện dâng lên Chúa Giêsu
2665. Kinh nguyện của Hội Thánh, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và
việc cử hành phụng vụ, dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Mặc dù kinh nguyện
đó chủ yếu dâng lên Chúa Cha, nhưng trong tất cả các truyền thống phụng vụ, vẫn
hàm chứa những hình thức cầu nguyện dâng lên Đức Kitô. Một số Thánh vịnh, như
hiện được thích ứng trong kinh nguyện của Hội Thánh, và Tân Ước, đặt vào môi miệng
và khắc ghi trong tâm hồn chúng ta những lời khẩn nguyện dâng lên Đức Kitô: Lạy
Con Thiên Chúa, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Chúa, Đấng Cứu độ, Chiên Thiên Chúa, Đức
Vua, Con chí ái của Thiên Chúa, Con Đức Trinh Nữ, Vị Mục tử nhân lành, Sự Sống
của chúng con, Ánh sáng của chúng con, Hy vọng của chúng con, Sự Phục sinh của
chúng con, Bạn của loài người.
2666. Nhưng Danh thánh hàm chứa tất cả các tước hiệu trên là Danh
thánh mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận trong cuộc Nhập Thể: đó là Danh thánh
GIÊSU. Danh Thiên Chúa là siêu phàm, môi miệng loài của chúng ta không được đọc
lên[92], nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa,
khi nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta, đã trao Danh ấy cho chúng ta, và
chúng ta có thể kêu cầu Danh ấy: “Giêsu”, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”[93]. Danh thánh Giêsu bao hàm mọi
sự: Thiên Chúa và con người cùng với toàn thể Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ. Cầu
nguyện danh “Giêsu”, là khẩn cầu Người, là kêu gọi Người. Danh của Người là
Danh duy nhất hàm chứa sự hiện diện mà Danh ấy biểu thị. Chúa Giêsu là Đấng phục
sinh, và bất cứ ai kêu cầu Danh Người thì đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu
thương họ và tự nộp mình vì họ[94].
2667. Lời khẩn nguyện này của đức tin, tuy đơn sơ, đã được khai triển
dưới nhiều hình thức trong truyền thống kinh nguyện Đông và Tây phương. Công thức
thông dụng nhất, được các đan sĩ ở núi Sinai, Syria và núi Athos truyền lại, là
lời khẩn nguyện: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng con,
xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”. Công thức này phối hợp thánh thi
ca ngợi Đức Kitô trong Thư gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) với lời van xin của
người thu thuế và những người xin được sáng mắt[95].
Nhờ lời khẩn nguyện này, tâm hồn được hòa nhịp với sự khốn cùng của con người
và lòng thương xót của Đấng Cứu Độ họ.
2668. Lời khẩn nguyện Danh thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản
nhất của việc cầu nguyện liên lỉ. Được thường xuyên lặp đi lặp lại bởi một tâm
hồn chăm chú cách khiêm tốn, lời khẩn nguyện này không bị phân tán thành những
lời “lải nhải” (Mt 6,7), nhưng “nắm giữ Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết
quả”[96]. Lời khẩn nguyện này có thể
thực hiện “luôn luôn”, vì đây không phải là một công việc bên cạnh một công việc
khác, nhưng chỉ là công việc duy nhất, đó là việc yêu mến Thiên Chúa, công việc
này làm sinh động và biến đổi mọi hoạt động trong Đức Kitô Giêsu.
2669. Cũng như việc khẩn nguyện Danh cực thánh của Chúa Giêsu, kinh
nguyện của Hội Thánh còn tôn sùng Thánh
Tâm Người. Việc tôn sùng này tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể và Thánh Tâm của Người,
Thánh Tâm vì yêu thương loài người, đã để cho bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta.
Kinh nguyện Kitô giáo cũng mộ mến đi Đàng
Thánh Giá, theo chân Đấng cứu độ. Các chặng từ dinh Tổng trấn đến đồi
Gôlgôtha và Mộ Thánh làm thành con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã cứu chuộc trần
gian bằng thánh giá của Người.
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”
2670. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy
không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Mỗi khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với
Chúa Giêsu, thì chính Chúa Thánh Thần dùng ân sủng dự phòng của Ngài, đưa chúng
ta vào con đường cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện khi nhắc chúng ta nhớ
đến Đức Kitô, thì lẽ nào chúng ta lại không cầu nguyện với chính Ngài? Vì vậy,
Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi
sự và kết thúc mọi hoạt động quan trọng.
“Nếu như Chúa
Thánh Thần không đang được tôn thờ, thì làm sao Ngài thần hóa tôi bằng bí tích
Rửa Tội được? Còn nếu Ngài đáng được tôn thờ, thì lẽ nào Ngài lại không được
tôn thờ cách đặc biệt?”[97]
2671. Công thức truyền thống để xin Chúa Thánh Thần là kêu cầu Chúa
Cha, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, để Chúa Cha ban cho chúng ta Thần Khí An ủi[98]. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lời
cầu xin này nhân danh Người, khi Người hứa ban hồng ân là Thần Khí sự thật[99]. Nhưng lời cầu nguyện đơn
giản và trực tiếp nhất theo truyền thống là: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”.
Mọi truyền thống phụng vụ đã khai triển lời nguyện ấy trong các điệp ca và
thánh thi:
“Lạy Chúa
Thánh Thần, xin ngự đến, xin tràn ngập tâm hồn các tín hữu của Chúa, và xin
nhóm lửa tình yêu Chúa trong họ”[100].
“Lạy Đức Vua
thiên quốc, Đấng An ủi, Thần Khí sự thật, Đấng hiện diện khắp nơi và tràn ngập
vạn sự, là kho tàng mọi điều thiện hảo và là nguồn mạch sự sống, xin ngự đến,
xin cư ngụ trong chúng con, xin thanh tẩy chúng con sạch mọi vết nhơ và xin cứu
độ linh hồn chúng con, lạy Chúa là Đấng nhân lành”[101].
2672. Chúa Thánh Thần, mà dầu của Ngài thấm nhập toàn thể con người
chúng ta, là Vị Thầy nội tâm của việc cầu nguyện Kitô giáo. Chính Ngài là Đấng
kiến tạo truyền thống sống động của việc cầu nguyện. Quả thật, có bao nhiêu người
cầu nguyện thì có bấy nhiêu đường lối cầu nguyện, nhưng cùng một Thần Khí hoạt
động trong mọi người và cùng với mọi người. Trong sự hiệp thông của Chúa Thánh
Thần, kinh nguyện Kitô giáo là kinh nguyện trong Hội Thánh.
Số 2205: Gia đình như một hình ảnh của Thiên Chúa
Ba Ngôi
2205. Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu
vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.
Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của
Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức
Kitô. Việc cầu nguyện hằng ngày và việc đọc Lời Chúa củng cố gia đình trong đức
mến. Gia đình Kitô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo.
Bài Ðọc
I: Xh 34, 4b-6. 8-9
"Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân
hậu".
Bài trích sách Xuất Hành.
Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy
cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng
trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa
thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã
sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa
trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là
dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm
cơ nghiệp của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng,
đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang
Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn
vinh muôn đời.
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
3) Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh
muôn đời.
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh,
đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Bài Ðọc
II: 2 Cr 13, 11-13
"Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của
Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích
nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự
bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh
thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh
Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa
Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm:
Ga 3, 16-18
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian
nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không
phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người
giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu
độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt
rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
[45] Thánh thi Kinh Chiều II Chúa nhật, Tuần 2 và 4: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica,
v.3 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 684 và 931; v.4 (Typis Polyglottis
Vaticanis 1974) 632 và 879.
[54] Chân phước Êlisabet Chúa Ba Ngôi, Lời nguyện dâng
Chúa Ba Ngôi: Ecrits spirituels, 50,
ed. M.M. Philipon (Paris 1949) 80.
[57] Officium
Horarum Byzantinum. Vespertinum in die Pentecostes, Sticherum 4: Pentekostarion (Romae 1884) 390.
[71] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 8: AAS 56 (1964)
101; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen
Gentium, 50: AAS 57 (1965) 55-57.
[83] Thánh Gioan Đamascênô, Expositio fidei, 86 [De fide orthodoxa,
4, 13] : PTS 12, 194-195 (PG 94, 1141. 1145).
[91] X.
Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ
Kinh phụng vụ, 9: Các Giờ Kinh Phụng
Vụ, editio typica, v. 1 (Typis
Polyglottis Vaticanus 1973) 25.
[100] Lễ
trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều I: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.
2 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 798; x. Lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh lễ chính ngày, Ca tiếp
liên: Lectionarium, v. 1, editio
typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 855-856.
[101] Officium
Horarum Byzantinum, Vespertinum in
die Pentecostes, Sticherum 4 : Pentekostarion
(Romae 1884) 394.