GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ
luật các Bí tích)
WHĐ (20.05.2023) - Để
hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo
lý vào bài giảng, Ban
Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng
thuyết được công
bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
|
Số 659-672, 697, 792, 965, 2795: Cuộc Thăng Thiên của Chúa Giêsu
659. “Sau khi nói với họ, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu
Thiên Chúa” (Mc 16,19). Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống
lại; điều này được chứng tỏ qua các đặc tính mới và siêu phàm mà thân thể của
Người được hưởng từ đó và mãi mãi về sau[1].
Nhưng trong bốn mươi ngày, khi Người ăn uống thân mật với các môn đệ của Người[2], và dạy dỗ họ về Nước Trời[3], thì vinh quang của Người vẫn
còn được che giấu dưới những nét của một nhân tính thông thường[4]. Lần hiện ra cuối cùng của
Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần
linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây[5] và trời[6],
nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa[7].
Một cách ngoại lệ và duy nhất, Người sẽ tỏ mình ra cho thánh Phaolô “như cho một
đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,8) và trong lần cuối cùng này, Người đặt ông
làm Tông Đồ[8].
660. Tính chất còn che giấu của vinh quang của Đấng Phục Sinh trong
thời gian này được soi sáng qua những lời bí nhiệm Người nói với bà Maria
Magđalêna: “Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ:
‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy,
cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,17). Điều này nói lên sự khác biệt của
việc biểu lộ giữa vinh quang của Đức Kitô phục sinh và vinh quang của Đức Kitô
được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Lên Trời, vừa có tính lịch sử đồng thời
vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang
kia.
661. Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên,
nghĩa là với việc từ trời xuống thế, được thực hiện trong việc Nhập Thể. Chỉ có
Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô[9]. “Không ai đã lên trời, ngoại
trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13)[10].
Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”[11], không thể đạt tới sự sống
và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người
tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con,
nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà
chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”[12].
662. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ
kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Việc bị giương cao trên thập giá có ý chỉ
và loan báo việc được đưa lên trời của mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập giá là khởi
đầu của Thăng Thiên. Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và
vĩnh cửu, “đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra… nhưng Người đã
vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho
chúng ta” (Dt 9,24). Trên trời, Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người một cách
thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” “nhờ Người mà tiến lại gần
Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới
tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của phụng vụ tôn vinh
Chúa Cha trên trời[13].
663. Đức Kitô, từ nay, ngự
bên hữu Chúa Cha: “Khi nói rằng Người ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta muốn
nói đến danh dự và vinh quang của thần tính, trong đó Con Thiên Chúa, với tư
cách là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ trước muôn đời,
nay sau khi trở thành xác phàm, Người ngự một cách có thể nói được là thể lý, với
thân thể Người đã đảm nhận, trong chính vinh quang đó”[14].
664. Việc Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha có nghĩa là sự khai mạc Nước
của Đấng Messia, sự hoàn thành thị kiến của tiên tri Đaniel về Con Người: “Người
được trao cho quyền thống trị, vinh quang và Nước; muôn người thuộc mọi dân tộc,
quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền
vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Nước Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14). Kể
từ lúc ấy, các Tông Đồ trở thành chứng nhân của “Nước sẽ không bao giờ cùng”[15].
665. Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh dấu việc nhân tính của Chúa
Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại
đến[16], nhưng trong khoảng thời
gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta[17].
666. Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta
vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống
trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.
667. Chúa Giêsu Kitô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho
mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng
luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.
Đức Kitô đã hiển trị nhờ Hội Thánh…
668. “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống
cũng như kẻ chết” (Rm 14,9). Việc Đức Kitô lên trời cho thấy nhân tính của Người
cũng được tham dự vào quyền năng và uy quyền của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu
Kitô là Chúa: Người nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất. Người “vượt trên mọi
quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được” vì Chúa Cha “đã đặt tất
cả dưới chân Người” (Ep 1,20-22). Đức Kitô là Chúa của tất cả vũ trụ[18] và của lịch sử. Nơi Người,
lịch sử của con người, kể cả toàn bộ công trình tạo dựng, tìm gặp được “nơi quy
tụ” của mình[19], tột đỉnh siêu việt của
mình.
669. Là Chúa, Đức Kitô cũng là Đầu Hội Thánh, Thân Thể của Người[20]. Được đưa lên trời và được
tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội
Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô
thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần[21].
“Nước của Đức Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm”[22]
trong Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế”[23].
670. Khởi từ cuộc Thăng Thiên, kế hoạch của Thiên Chúa bước vào
giai đoạn hoàn thành. Chúng ta đang sống trong “giờ cuối cùng” (1 Ga 2,18)[24]. “Quả vậy, những thời đại
cuối cùng đã đến với chúng ta và sự canh tân trần gian đã được thiết lập một
cách không thể đảo ngược, và trong thời đại này sự canh tân đó đã được tiền dự
một cách hiện thực nào đó: thật vậy, Hội Thánh nơi trần gian được ghi dấu bằng
sự thánh thiện thật, tuy còn bất toàn”[25].
Nước Đức Kitô đã biểu lộ sự hiện diện của mình nhờ những dấu chỉ kỳ diệu[26] đi kèm theo việc loan báo
Nước đó nhờ Hội Thánh[27].
... cho tới khi mọi sự quy phục Người
671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của
Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[28] do việc Vua ngự đến trần
gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[29],
mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới
khi mọi sự quy phục Người[30], “cho tới khi có trời mới đất
mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế
của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại
chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết
và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên
Chúa”[31]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu
nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[32],
để Đức Kitô mau lại đến[33], bằng cách thưa với Người:
“Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[34].
672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng
chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel
mong đợi[35], Nước đó phải mang lại cho
mọi người, theo lời các tiên tri[36], một trật tự vĩnh viễn của
công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời
gian của Thần Khí và của việc làm chứng[37],
nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[38] và bằng sự thử thách của sự
dữ[39], thời gian này không buông
tha Hội Thánh[40], và khởi đầu cuộc chiến của
những ngày sau cùng[41]. Đây là thời gian của sự
mong đợi và tỉnh thức[42].
697. Áng mây và ánh sáng.
Hai biểu tượng này là không thể tách biệt trong các cuộc tỏ hiện của Chúa Thánh
Thần. Trong các cuộc thần hiện thời Cựu Ước, áng mây khi mờ tối, khi chói sáng,
vừa mạc khải Thiên Chúa hằng sống và cứu độ, vừa che khuất sự siêu việt của
vinh quang Ngài; với ông Môisen trên núi Sinai[43],
trong Lều Hội Ngộ[44] và suốt cuộc hành trình
trong hoang địa[45]; với vua Salômôn dịp cung
hiến Đền Thờ[46]. Rồi những hình ảnh này được
Đức Kitô hoàn thành trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần ngự đến trên Đức
Trinh Nữ Maria và “phủ bóng” trên Bà, để Bà thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu[47]. Trên núi Hiển Dung, chính
Chúa Thánh Thần đến trong đám mây bao phủ Chúa Giêsu, ông Môisen và ông Êlia,
cùng với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ đám mây có tiếng phán rằng:
‘Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’” (Lc
9,35). Cuối cùng, cũng chính đám mây này “quyện lấy Chúa Giêsu khuất mắt” các
môn đệ trong ngày Thăng Thiên[48] và sẽ mạc khải Con Người
trong vinh quang của Người vào ngày Người ngự đến[49].
792. Đức Kitô là “Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh” (Cl
1,18). Người là Nguyên Lý của cả công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc.
Khi được siêu thăng vào trong vinh quang của Chúa Cha, “Người đứng hàng đầu trong
mọi sự” (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh, Người mở rộng Nước
của Người trên mọi sự.
965. Đức Maria, sau cuộc Thăng thiên của Con mình, “đã trợ giúp Hội
Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình”[50].
Cùng với các Tông Đồ và một số người phụ nữ khác, “chúng ta thấy … Đức Maria
cũng dùng lời cầu nguyện của mình mà khẩn cầu hồng ân là Thần Khí, Đấng đã phủ
bóng trên ngài trong ngày Truyền tin”[51].
2795. Thuật ngữ “ở trên trời” hướng chúng ta đến mầu nhiệm Giao ước
mà chúng ta đang sống, khi chúng ta cầu nguyện với Cha chúng ta. Ngài “ở trên
trời”, đó là nơi Ngài ngự, là nhà của Cha, nên cũng là “quê hương” của ta. Tội
lỗi đã khiến chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao ước[52],
còn hối cải tâm hồn sẽ dẫn đưa chúng ta trở về cùng Cha “ở trên trời”[53]. Quả vậy, trời đất được
giao hòa trong Đức Kitô[54], bởi vì chỉ có Chúa Con đã
“từ trời xuống”, và chính Người đã dẫn đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ thập
giá, sự Phục sinh và Thăng thiên của Người[55].
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11
"Trước sự chứng kiến
của các ông, Người lên trời".
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường
thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người
lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng
dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn
sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi
ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho
các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người
nói: "Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng
nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".
Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy,
có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng:
"Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do
quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống
trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả
xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất". Nói xong, Người được
cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo
Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng:
"Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa
lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên
trời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa
ngự lên trong tiếng kèn vang.
Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng
Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên
khắp trần gian.
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa
ngự lên trong tiếng kèn vang.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa
ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa' hãy ca mừng, ca
mừng Vua ta!
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa
ngự lên trong tiếng kèn vang.
3) Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy
xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự
trên ngai thánh của Người.
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa
ngự lên trong tiếng kèn vang.
Bài Ðọc II: Ep 1,
17-23
"Người đặt Ngài ngự
bên hữu mình trên trời".
Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Êphêxô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc
khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em
biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia
nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của
Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền
năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài
từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp
trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu
được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài,
và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của
Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con
hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
- Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
"Ðang khi Người
chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi
Chúa Giêsu đã chỉ trước.
Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có
ít kẻ còn hoài nghi.
Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi
quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy
muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.