GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:
SUY TƯ VỀ MỘT TINH THẦN HAY LINH HỒN CỦA THAM GIA

Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ năm 2023

WHĐ (28.11.2023) – Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ký ngày 22 tháng 9 năm 2023 bởi Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch HĐGMVN, đề ra định hướng cho năm 2024 là thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội. Chắc chắn trong năm 2024 chúng ta sẽ có nhiều dịp để tiếp cận những suy tư gợi hứng, những chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy khả năng tham gia của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội. Bài viết này không có ý bàn đến những lý thuyết hay thực hành tham gia, hiểu như là hành động hay một chương trình mục vụ cho cộng đoàn hoặc mỗi cá nhân; trái lại, đi tìm một tinh thần hay linh hồn cho sự tham gia. Chúng ta có thể suy nghĩ về điều đó trong ý nghĩa giống như cách mà Mẹ thánh Têrêsa Calcutta diễn tả tình yêu như là linh hồn của phục vụ, người nói: “Điều có giá trị không phải là bạn đã làm được bao nhiêu công việc, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đã đổ vào đó.”

Quan sát thực tế đời sống đạo của mình và những người xung quanh, không khó để chúng ta nhận ra rằng dường như có hai xu hướng khá phổ biến của việc tham gia trong đời sống Giáo hội. Một đàng, có người chọn hình thức “tham gia tối thiểu”, nghĩa là người ta chỉ giữ vài điều tối thiểu theo ngôn từ nặng tính luật lệ như phải “xem lễ ngày Chúa Nhật,” hoặc tham dự một cách miễn cưỡng vào các khóa giáo lý hay các lớp chuẩn bị hôn nhân… Cũng trong xu hướng này, có khi người ta lại chọn hình thức “sống đạo tại tâm”, theo nghĩa là (họ) sống đạo trong lòng, “giữ đạo” thế nào mình và Chúa biết, từ đó chẳng mảy may dành một chút không gian mở ra cho đời sống của con người thời đại nói chung, của Giáo hội, cách riêng là những người bên lề xã hội, những người ở “ngoại biên” cuộc sống. Một cách tiêu cực hơn, có khi người ta lại chọn thái độ “tham gia như khán giả,” nghĩa là sống như thể là khán giả của một vở diễn, để quan sát, tán thưởng hay phê bình, khích lệ hay chỉ trích.

Đàng khác, nếu nhìn sự tham gia chỉ thuần túy như một hoạt động, có thể chúng ta tạm an lòng rằng mình đang tham gia tích cực trong đời sống Giáo hội. Cụ thể là có khi thấy mình đang dấn thân trong một sứ vụ khó khăn ở một nơi xa xôi nào đó; cũng có khi người ta thấy mình đang là thành viên của các phong trào, nhóm thiện nguyện về bác ái hay môi trường, hoặc đang là những tông đồ nhiệt thành trong môi trường nào đó với bao thành tích nổi trội. Cứ điếm những con số công việc như thế chúng ta cảm thấy hài lòng và có phần an tâm rằng ít nhiều thì cũng còn nhiều người đang miệt mài tham gia trong đời sống Giáo hội. Thực sự, những thái độ và sự dấn thân như thế là cần thiết và đáng khích lệ; nhưng chúng ta phải dám nhìn nhận rằng, có khi những hoạt động thật tích cực của chúng ta lại không phải là sự tham gia thực sự, nếu nó thiếu một linh hồn. Hơn nữa, nếu chỉ đánh giá sự tham gia dựa trên giá trị những công việc và thành quả thực hiện được, chúng ta dễ dàng rơi vào “cái bẫy công việc”, nghĩa là chọn công việc như mục đích chính, đánh giá thành công dựa trên công việc và thành quả công việc, rồi đến cả con người cũng sẽ bị đánh giá theo tiêu chuẩn đó. Nếu là như thế, nói như ngôn từ của thánh Phaolô, chúng ta sẽ coi thường, không cần, hoặc bỏ qua rất nhiều thành phần là những chi thể xem ra thấp kém và yếu đuối, thậm chí bị coi như vô dụng và không cần thiết trong Thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô (1 Cr 12).

Như vậy, điều quan trọng trước hết cho mỗi Kitô hữu để có thể dấn thân vào mầu nhiệm Giáo hội tham gia, không phải chỉ là thể loại hay số lượng công việc và những thành quả được nhắm đến, nhưng là có được một tinh thần cho sự tham gia! Điều đó nghĩa là gì?

Trong ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua vũ trụ năm 2021, dịp khai mạc Thượng Hội Đồng (THĐ) ở cấp giáo phận, sau khi đọc kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêrô, Đức thánh cha Phanxicô đã hướng về mọi Kitô hữu trên toàn thế giới, cách riêng các bạn trẻ, ngài khuyến khích: sống trong Giáo hội, chúng ta hãy cảm thấy như mình đang ở trong gia đình, và cảm thấy mình như những tác nhân chính, một phần không thể thiếu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Lời nhắn nhủ này có thể được xem như là một thông điệp vắn tắt nhưng rõ ràng về tinh thần cho việc tham gia trong một Giáo hội hiệp hành là thế nào. Chúng ta suy nghĩ về tinh thần tham gia theo hai khía cạnh đó.

1. Sống trong mầu nhiệm Giáo hội, chúng ta hãy có cảm nhận như mình đang ở trong gia đình

Trước hết, điều này có ý nghĩa là: Kitô hữu cần nuôi dưỡng và phát triển cảm thức yêu mến Giáo hội – Giáo hội như gia đình. Nói đến gia đình, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng theo những kinh nghiệm của mình tùy thuộc hoàn cảnh, bầu khí gia đình. Có người nghĩ ngay đến mẫu gia đình hạnh phúc với sự dư thừa vật chất, gia đình hòa thuận, gia đình ấm cúng, gia đình yêu thương, tương trợ nhau…; trái lại, cũng có thể người ta hình dung về những gia đình quanh năm phủ bóng bởi những áng mây đen dày đặc của đau khổ thể lý cũng như tinh thần.

Ở đây, với lời khuyên của Đức thánh cha – sống cảm nhận Giáo Hội như gia đình – chúng ta có thể gợi lên hai hình ảnh lý tưởng về gia đình mà có lẽ bất cứ ai, dù hoàn cảnh thực tế gia đình mình thế nào, cũng có thể hiểu và cảm nhận được:

Trước hết, chúng ta có thể suy nghĩ về Giáo hội như gia đình dựa theo kinh nghiệm của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô: Sống cảm nhận Giáo hội như gia đình theo nghĩa là chúng ta là chi thể trong một thân thể duy nhất, Thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong thân thể này mọi chi thể đều rất quan trọng, mỗi chi thể dù chức năng khác biệt nhưng có giá trị bởi chính mình, và mọi chi thể cần đến nhau, quan tâm, lo lắng và liên đới với nhau để làm vững mạnh một thân thể. Bởi lẽ, một chi thể khỏe mạnh thì mọi chi thể khác cùng vui và trái lại một chi thể đau thì toàn thân cùng đau, những chi thể yếu đuối xem ra lại được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận hơn. Hơn nữa, tất cả các chi thể trong thân thể phải liên đới với nhau để hướng đến một mục đích. Đó là điều mà THĐ về tính Hiệp hành vừa diễn ra tại Roma quan tâm và nhắc lại: mọi chi thể trong gia đình Giáo hội “liên kết với nhau và cùng nhau thực thi ơn gọi nên thánh, loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho thế giới”[1].

Hình ảnh phong phú thứ hai có thể gợi đến cảm nhận Giáo hội như gia đình, đó là cộng đoàn Giáo hội sơ khai, thời các Tông đồ, như được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ. Họ sống như một gia đình với số thành viên không ngừng gia tăng, nhưng bất chấp những khác biệt, tất cả chỉ có “một lòng một ý”: một gia đình mà mỗi thành viên, dù khác nhau về hoàn cảnh, địa vị xã hội, nhưng không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, đối với họ, mọi sự đều là của chung. Chính vì thế, trong gia đình đó, không ai phải thiếu thốn, không ai bị bỏ lại phía sau hay bị loại hẳn đi vì sự thập kém của mình.

Như vậy, Kitô hữu cần mang trong mình cảm thức yêu mến Giáo hội một cách cụ thể – Giáo hội như gia đình. Một đàng, như chi thể của nhau trong toàn Thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi kiến tạo tình liên đới và yêu thương; đồng thời tương trợ, săn sóc và liên kết với nhau để hướng đến việc hoàn thành ơn gọi và sứ vụ của Giáo hội cũng như của mỗi cá nhân. Như vậy, sống trong Giáo hội và giữa cộng đoàn nhân loại cách chung, Kitô hữu cần nhận ra rằng, mình thuộc về một thân thể, mình chỉ có sự sống và hoàn thành mục đích tối hậu của đời mình khi có sự tương quan mật thiết với các chi thể khác.

Đàng khác, mỗi người được mời gọi hướng đến khả năng duy trì hiệp nhất trong Giáo hội – sống một lòng một ý. Bởi lẽ, nhiệm vụ phục vụ sự hiệp nhất vừa là một đặc ân, và cũng là một trách nhiệm. Là đặc ân vì hiệp nhất là sự sống của chính mình xét như một chi thể trong thân thể sống động; là trách nhiệm vì mỗi chi thể, theo chức năng riêng biệt, phải duy trì vai trò của mình trong sự liên đới với các chi thể khác, hiệp nhất với nhau và với đầu.

2. Cảm thấy mình là vai chính, không thể thiếu, trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội ngày nay.

Lời gợi ý này của Đức Thánh Cha có thể được gọi là cảm thức truyền giáo. Chúng ta suy gẫm mẫu gương thánh Phaolô về cảm thức mạnh mẽ loan báo Tin Mừng. Người cảm thấy trách nhiệm rao giảng Tin Mừng như một mối quan tâm duy nhất trong cuộc sống; nó như một mệnh lệnh thiêng liêng nhất không thể cưỡng lại, và cũng là lý do lớn nhất để hiện hữu như người môn đệ: Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1 Cr 9).

Thế nhưng, có thể ai đó cho rằng: có mấy người thông thái và hoạt ngôn như thánh Phaolô; có mấy ai được sự mạnh mẽ và lòng can đảm rao giảng Tin Mừng như người… Thực sự, nếu có sự thôi thúc rao giảng Tin Mừng trong lòng, nếu cảm thấy mình như là vai chính, không thể thiếu trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo hội, thì mỗi người, dù không thể “ra đi” về khoảng cách địa lý, hay không thể rao giảng bằng lời trong những hoàn cảnh riêng biệt, vẫn có thể sống được kinh nghiệm rao giảng Tin Mừng như thánh Phaolô. Chúng ta có thể tìm thấy gần chúng ta minh chứng hùng hồn và cụ thể về niềm xác tín đó qua những ngày tháng tù đày của thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh[2].

Tiếp theo, chúng ta nhìn ngắm những Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai, đa số là những con người đơn sơ và nghèo khó cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, điều mà họ có được một cách phong phú và không bị ai cướp mất, đó là sự kiên định và niềm vui sống Tin Mừng. Chúng ta có thể lý giải điều đó như sau: Niềm tin vào Tin Mừng đã biến đổi tận căn các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai, làm cho họ trở thành những con người sống có niềm hy vọng, hay nói cách khác, họ có khả năng dùng chính đời sống hàng ngày đã được biến đổi để minh chứng cho niềm tin và như một câu trả lời cho mọi chất vấn về niềm hy vọng của mình (1 Pr 3, 13-17). Thực vậy, các Kitô hữu trong Giáo hội sơ khai đã bắt đầu đón nhận Lời, tức là tin vào Tin Mừng, và do đó được trao ban một niềm hy vọng chắc chắn. Chính nhờ đức tin và với niềm hy vọng chân thật được đón nhận, họ dấn thân thay đổi lối sống của mình theo tinh thần mới (Ep 5), thay đổi quan niệm về các bậc thang giá trị trong cuộc sống của một thời chưa đón nhận đức tin (Pl 3, 1-16) và cả những trật tự về đẳng cấp xã hội xa lạ với tinh thần Tin Mừng (Phl 1, 8-21), để trở nên những con người đảm nhận cuộc sống với niềm vui và niềm hy vọng chắc chắn được đặt nơi Thiên Chúa dù vẫn còn đấy những thăng trầm và xáo trộn (Cv 5, 41). Cứ như thế Tin Mừng được loan báo một cách đơn giản và tự nhiên. Và kết quả là: giữa cơn bách hại, các Kitô hữu phân tán đến đâu thì Tin Mừng được gieo trồng và trổ sinh hoa trái ở đó.

Như vậy, ý nghĩa thứ hai về một tinh thần của tham gia chính là cảm thức về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Nếu cho rằng mình khó bắt chước thánh Phaolô, thì ít là chúng có thể đóng vai chính trong việc loan báo Tin Mừng như cách mà cộng đoàn tín hữu sơ khai đã rao giảng, nghĩa là biến đổi cuộc sống và môi trường xung quanh bằng một đời sống đã được thấm nhuần giá trị Tin Mừng.

Chúng ta là Giáo Hội, một Giáo Hội với căn tính là rao giảng Tin Mừng, vì bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa (AG, s. 3). Do đó, suy nghĩ về một tinh thần tham gia theo ý nghĩa này chính là gợi lên trong lòng mình một thao thức, một trách nhiệm rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là điều mà THĐ nhắc lại cho mọi thành phần trong Dân Thánh về ơn gọi trở thành “môn đệ” và trở thành “thừa sai”: tất cả đều có “trách nhiệm thể hiện và truyền tải tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa cho một nhân loại bị tổn thương”[3].

Tóm lại, trong thời gian này, Giáo hội đang muốn làm mới lại “lối sống” của mình như một Giáo hội Hiệp hành. Là chi thể trong Giáo hội, chúng ta được mời gọi đón nhận sứ điệp đó bằng một tinh thần tham gia tích cực. Tuy nhiên, điều mà Giáo hội mong muốn cho việc tham gia, trước tiên, không phải là giải quyết những vấn đề có tính thời sự, khối lượng và giá trị các hoạt động, cũng không phải là thành quả mục vụ, nhưng là một tinh thần hay một linh hồn của tham gia, được thổi vào trong chính đời sống và mọi hoạt động của Giáo hội, từng cá nhân cũng như cộng đoàn[4]. Tinh thần đó được Đức Thánh Cha gợi đến như một cảm thức yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, và cảm thức về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng.

Trong ý hướng đó, chúng ta có thể mạnh mẽ và hăng say dấn thân vào hành trình tham gia trong một Giáo hội Hiệp hành.



[1] x. WHĐ, Thượng Hội đồng: 10 điểm nổi bật và quan trọng của Bản Tổng hợp, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-10-diem-noi-bat-va-quan-trong-cua-ban-tong-hop-52903

[2] X. Hai bức thư của Thánh Lê Bảo Tịnh gửi chủng viện Kẻ Vĩnh, 24/4/1843, tại https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=1019

[3] x. WHĐ, Thượng Hội đồng: 10 điểm nổi bật và quan trọng của Bản Tổng hợp, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-10-diem-noi-bat-va-quan-trong-cua-ban-tong-hop-52903