GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: GIÁO HỘI NHÌN TỪ BÊN TRONG
(Bài chia sẻ dành cho các tu sĩ về Giáo hội hiệp hành)
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Am, SDB
Dẫn nhập
Cám ơn anh chị em đã hưởng ứng tích cực trước những hướng đi
của Đức Phanxicô và qua đó của toàn Giáo hội (GH), trong đó có GH tại VN. Chúng
ta đã luôn cầu nguyện và hiệp thông với GH hoàn vũ, được cụ thể hoá nơi vị Đức
Phanxicô, đại diện Vị Chủ Chăn Tối Cao và Nhân lành của GH, Đức Giêsu Kitô.
Đó chính là công trình của Thánh Thần nơi tất cả chúng ta.
Đó là cảm thức đức tin, là bản năng đức tin mà dầu Thánh Thần luôn đảm bảo cho
chúng ta trong chân lý Tin mừng. Chúng ta hãy can đảm tiến bước.
Hôm nay, xin được chia sẻ với anh chị em, cách riêng các tu
sĩ, về GH hiệp hành. Nhưng với chủ đề khác: Hãy nhìn, hãy sống, hãy là GH từ
bên trong.
Xin anh chị em hiểu cho, bài này tôi hướng tầm nhìn cách
riêng tới các tu sĩ nam nữ. Nhưng không phải như một giới riêng biệt. Song đúng
hơn, như những tín hữu, như những môn đệ Đức Kitô được thôi thúc để sống ơn gọi
thánh tẩy một cách sung mãn và tròn đầy hơn. Nó không tạo cho các tu sĩ nam nữ
như một thành phần ưu tuyển cho bằng là một chứng từ sống động để nói rằng ơn gọi
thánh tẩy, ơn gọi theo Đức Kitô cách triệt để là có thể được trong ơn sủng của
Thiên Chúa, đấng hoàn thành những gì tốt đẹp ngài đã khởi sự nơi các tín
hữu Đức Kitô.
I. ĐỊNH VỊ NGƯỜI TU
SĨ
Một cách sơ lược, chúng ta biết rằng đời sống tu sĩ được
phát sinh từ đời sống thánh tẩy trong đó có một nhịp độ kép: thoát ra khỏi lối
sống và hành động của thế gian và hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa.
Vatican II đã muốn canh tân đời tu sĩ bằng cách kêu gọi trở
về nguồn, bỏ đi những gì không làm sáng tỏ giá trị cội nguồn của đoàn sủng và
thích ứng, nghĩa là, can đảm trình bày đoàn sủng ấy một cách mới mẻ trong sự
trung thành. Đó không phải chỉ là một sự thay đổi suông, như thể đi mỹ viện. Phải
hơn, đó là một cuộc hoán cải mang tính GH ngay trong hoàn cảnh hôm nay của mỗi
tu sĩ, xét như cộng đoàn, hội dòng và cá nhân. Công đồng đảm bảo rằng giá trị đời
tu không nằm ở chỗ quyền bính, phẩm trật trong GH, nhưng liên quan đến sự thánh
thiện của một GH hoàn toàn đam mê Thiên Chúa và đam mê những con người. Và đó
là một trong những chọn lựa cao quý nhất mà một người tín hữu có thể làm được.
Ơn gọi tu sĩ có thể coi như triều thiên của cộng đoàn đức
tin. Ơn gọi đó không đến cách ngẫu hứng hay bất chợt. Nó luôn có chỗ rất lớn
dành cho công nghiệp, cầu nguyện, chứng tá của cộng đoàn GH. Song không phải
lúc nào ta cũng thấy được điều đó. Nó xuất phát từ GH, sống và tăng trưởng
trong GH và vì GH.
Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II, và Bênêđictô XVI, Đức
Phanxicô lại cho thấy rằng người tu sĩ ở tận sâu trong lòng GH. Trực giác đó,
chị Têrêsa Hài đồng, diễn đạt rất đúng: trong GH tôi muốn là tình yêu. Nếu vậy,
ta phải xác định mạnh mẽ rằng: từ tình yêu mãnh liệt đối với Đức Giêsu nhất thiết
phát sinh tình yêu mến dành cho GH, bất chấp GH có là gì đi nữa. Ta không được
để hai tình yêu đó tách rời hay cao thấp. Người tu sĩ cùng lúc hiến thân tuyệt
đối cho Đức Kitô, thì cũng cùng lúc sống chết cho GH, Hiền thê của Ngài. Trực
giác này không diễn đạt bằng lời, song bằng đời sống: một chị Teresa Calcutta,
một Maximilian Kolbe, một Phanxicô Assisi, một Gioan Bosco, một Ignatio hay
Anphongso. Ta chỉ kể ra một số rất nhỏ.
Vậy: người tu sĩ phải ở trong lòng GH cách mãnh liệt, phải
cùng nhau bộc lộ GH là gì và GH sống cho điều gì. Ta có thể nói không sợ sai,
song thật mạnh mẽ và thách đố rằng người tu sĩ, cá nhân cũng như cộng đoàn, giống
như là một GH thu nhỏ để nói cho thế giới biết rằng Đức Kitô là trên hết, Thiên
Chúa tình yêu lấp đầy mọi khát vọng yêu thương và tự do của con người và phụng
sự Thiên Chúa trong GH là một niềm vui khôn tả.
Tại sao phải đặt mình ở trong: GH nhìn từ bên ngoài, ta cũng
chỉ thấy những mảnh lắp ghép của cơ sở, thể chế, hiệp hội, hội đoàn. Và chúng
chẳng là gì cà, nếu đúng là thể. Nhưng điều ấy mới chỉ là một mảnh của sự thật.
Trong Giáo hội, chúng ta đang ở trong bình diện đức tin. “tôi tin có Hội thánh
duy nhất...” Giống như ở ngoài nhà thờ chính toà, các tấm kiếng màu chỉ như là
những tấm kiếng thô kệch, không đồng nhất. Chỉ khi ở trong chúng ta mới nhận ra
vẻ đẹp của bức tranh xuyên qua những tấm kính khác nhau đó. Đó chính là điều đức
Giêsu trong Tin mừng Marcô nói về người ở bên trong và bên ngoài đối với những
dụ ngôn của ngài.
II. ĐỊNH VỊ NGƯỜI TU
SĨ, CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐOÀN, TRONG THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2021-2023
Câu hỏi thường đặt ra: chúng tôi, các tu sĩ, đóng góp gì cho
Thượng Hội đồng Giám mục? Trong đó, ta có thể thấy ít nhất hai điều này: tôi và
cộng đoàn tôi đóng góp cho Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới một vài ý kiến, một
số thách đố, một số vấn đề mà Giáo hội đang gặp phải tại địa phương tôi. Và thứ
đến, Thượng Hội đồng Giám mục thật xa với chúng tôi. Bất quá chúng tôi chờ mong
kết quả của những vị chuyên viên đưa ra, cũng như tông huấn hậu Thượng hội đồng
Giám mục đó. Rồi thêm vào kho thư viện của chúng tôi. Nói tắt, Thượng Hội đồng
Giám mục không phải của chúng tôi. Chúng ta đã từng làm như thế. Các Thượng Hội
đồng Giám mục có tác động gì mấy trên chúng ta đâu. Không phải là nhiều chuyện
khác gần chúng ta hơn hay sao?
Thái độ sống đó đúng là thái độ “chúng tôi đã từng làm như vậy
mà”. Nhưng đó lại là điều mà Đức Phanxicô xác quyết: Không được nữa rồi. Nó chỉ
bộc lộ một thái độ xa lạ, nếu không nói là dửng dưng, đối với Giáo hội thiết
thân với ý nghĩa và đời sống của tôi.
Chính điều này cho chúng ta thấy: GH vẫn còn là một thực thể
xa với chúng ta cách nào đó. Thực tại GH vẫn chưa phải là mối quan tâm canh
cánh bên lòng chúng ta. Và điều này, chúng ta muốn thay đổi, canh tân.
Trong nhiệm vụ xây dựng Giáo hội, Đức Phanxicô mời gọi dân
Chúa, và dĩ nhiên, các tu sĩ hăng hái, sẵn lòng và quảng đại để làm cho Thượng
Hội đồng Giám mục này trước hết và tiên vàn là cho từng cộng đoàn: gia đình,
dòng tu, giáo xứ, giáo phận, vùng miền, hoàn vũ. Nghĩa là nó muốn mang lại một
sức năng động mới cho đời tin, cậy, mến nơi mỗi cộng đoàn.
Thật không vậy? Hay chỉ là “tưởng tượng”, nếu không nói là bịa
đặt. Rất thật là thế. Trong tài liệu làm việc, chúng ta thấy đưa ra những điều
cốt lõi để duyệt xét.
Những đề tài ấy là như sau:
1) Những người bạn đồng
hành: “Trong Hội thánh và xã hội, chúng ta sát cánh bên nhau trên cùng một
nẻo đường”. Điều này có quả thực đang được sống trong các cộng đoàn giáo hội:
gia đình, các hội đoàn, giáo xứ. Toàn nhóm giáo hội chân thành và can đảm duyệt
lại và nhận diện xem những ai đang là những người ở bên lề cuộc đời của chúng
ta, như cá nhân và như cộng đoàn GH. Những thành phần nào trong giáo xứ, trong
giáo hội không có chỗ trong chúng ta; nếu có, bức tranh về một GH hiệp hành quả
là chưa tròn.
2) Lắng nghe: “là
bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến.” Điều GH
hiệp hành được gọi để làm không gì khác hơn là LẮNG NGHE. Đã có một thời
gian ecclesia discens và ecclesia docens tách lìa nhau đến độ
phẩm trật là THẦY DẠY, còn giáo dân là HỌC TRÒ. Ta đã đánh mất một điều quan trọng:
Toàn GH đều là học trò/môn sinh. Và chỉ khi nào GH hoàn toàn là môn sinh, GH mới
có thể là thầy dạy. Mãi mãi GH là người môn đệ. Nếu đúng là như vậy, thì chúng
ta lắng nghe được gì từ các thành phần Dân Chúa, từ những người ở xa và bị loại
bỏ? Có một loại ‘diễn đàn’ cho họ không? Nhưng ý nghĩa không phải là thực hành
một kiểu cách dân chủ “vox populi, vox
dei”, nhưng là để lắng nghe Thần khí tự do đang thổi nơi các Giáo hội.
3) Phát biểu: “mọi
người được mời gọi can đảm (parrhesia)
lên tiếng” cách tự do, trong chân lý và bác ái. Tài liệu chuẩn bị mời gọi mọi
phần tử GH chia sẻ những nghĩ suy của mình, theo như Thần khí thúc đẩy và khởi
hứng. Chính trong sự bạo dạn của đức tin này, nguyên lý được Đức Gioan
XXIII nhắc lại từ Augustinô phải được hiện thực một cách mới mẻ: “Trong
những điều cốt yếu, ta hiệp nhất; trong những gì không cốt yếu, ta được tự do,
và trong mọi sự, có đức ái.” Như thế, sự bạo dạn ở đây không có nghĩa là đấu
tranh đảng phái, lập trường, nhưng là sự bạo dạn của đức ái, một đức ái hy vọng
mọi sự, tin tưởng mọi sự, tha thứ mọi sự. Như thế, làm sao để nói lên được điều
quan trọng đối với chúng ta?
4) Cử hành. Chính
trong ánh sáng đó, sự tụ họp của Giáo hội hiệp hành không phải là một sự tụ họp
xã hội, giao lưu. Không. Đúng hơn, đây là một cuộc cử hành, cuộc canh tân giao
ước, giống như Dân Israel quy tụ ở Sinai, ở Giêrusalem sau thời lưu đày (x. Nkm
81-9:37; Er 6:19-22). Tụ họp để cử hành Thiên Chúa ở giữa chúng ta.[1] Chính vì thế, cùng nhau
tiến bước trong GH không chỉ tuỳ vào thiện chí của con người mà thôi. Nó phải
khởi sự và dẫn vào cầu nguyện dựa trên Lời Chúa và trung tâm là Thánh Thể. Lời
Chúa và Thánh Thể phải chi phối những quyết định quan trọng của cộng đoàn để phục
vụ Nước Thiên Chúa giữa những con người đau khổ.
5) Đồng trách nhiệm
trong sứ vụ. Chúa không trao cho mỗi người chúng ta một sứ mệnh riêng biệt.
Không phải. Toàn GH chỉ nhận lãnh một sứ mệnh của chính Đức Giêsu.[2] Chính Đức Giêsu cho
toàn GH chia sẻ sứ mệnh của ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh chị
em.” Không có một sứ mệnh cá nhân trong GH. Chính vì thế, tất cả đều đồng trách
nhiệm trong việc thực thi sứ vụ, dẫu với những hình thức hay dạng thức khác
nhau theo ơn gọi riêng của mình. Chính trong GH-môn đệ truyền giáo, mỗi người
chúng ta là môn đệ truyền giáo, chứ không chỉ làm việc truyền giáo.[3] Chúng ta hiệp hành để
thành cộng đoàn giáo hội truyền giáo. Nhất thiết cần làm cho mọi tín hữu thấy
trách nhiệm chia sẻ, loan báo Tin mừng khi mình được tin mừng hoá, như một chứng
nhân.
6) Đối thoại trong Hội
thánh và xã hội. Thách đố rất lớn trong GH tiền Vatican II liên quan đến đối
thoại. Thách đố ấy đã được Vatican II giải gỡ bằng cách dứt khoát đến với thế
giới, đi vào thế giới và đối thoại với mọi người, kể cả anh chị em vô thần.
Vatican II đã nhận ra đối thoại chính là phương cách của Thiên Chúa cứu độ con
người và quy tụ nhân loại. Chính dựa trên chân lý này mà GH buộc phải đi vào đối
thoại như phương cách thiết yếu để mời gọi con người đến với tình yêu cứu độ.
Phương cách này làm cho GH trở thành người bạn đồng hành với thế giới.[4] Nếu đó là sự thật, thì
đối thoại có chỗ đứng nào trong các cộng đoàn GH và từ đó trong các cộng đoàn
xã hội. Các tín hữu Chúa Kitô đối thoại thế nào với các thực tại văn hoá, kinh
tế, chính trị, xã hội, người nghèo? đấy là cách sống một GH hiệp hành vậy.
7) Với các hệ phái
Kitô hữu khác. Toàn GH đều nhận ra sự chia rẽ trong lịch sử GH đã làm cho
chiếc áo không đường may của Chúa Kitô đã bị rách nát. Nó đã thành muôn mảnh.
Đó là sự phản chứng nặng nề. Và vì thế, Vatican II đều đặt đại kết trở thành một
nghị sự thiết yếu, một đích tới cho mình.[5] Dẫu
còn dài đến mấy, thì con đường đại kết mà Vatican II nêu ra và tiến bước không
thể ngừng lại nữa. Nếu thế, một GH hiệp hành mới có khả năng hiệp nhất với anh
chị em Kitô hữu khác để cùng tiến bước về Thiên Chúa trên những nẻo đường nhân
sinh. Chính Công đồng Vatican II đã mở ngỏ rằng đang khi việc đại kết theo khía
cạnh giáo lý còn một đường xa lắm, thì GH vẫn có thể cùng với anh chị em hệ
phái Kitô hữu khác cộng tác trong việc biến đổi xã hội, truyền giáo, bác ái...
Một GH hiệp hành sẽ tìm được lối đi đại kết của mình.
8) Thẩm quyền và tham
gia. Chúa Giêsu không thiết lập một GH “cá đối bằng đầu”. Ngài đã thiết lập
một Tông đồ đoàn trong đó Phêrô kiện cường anh em mình. Ngài muốn có một Giám mục
đoàn trong đó Giám mục Roma như nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất
của GH. Nhưng điều đó không huỷ bỏ, trái lại, còn đẩy mạnh sự tham gia. Sự hiệp
thông không thể chỉ ngừng lại trên lý thuyết, song phải được hiện thực và tỏ lộ
mạnh mẽ trong sự tham gia. Thẩm quyền và tham gia không phải là hai cực đối
kháng nhau. Đó là hai thực tại tương thuộc nhau, vốn vẫn luôn thường
căng thẳng với nhau. Chính vì thế, một GH hiệp hành cũng là một GH hình thành
được tiến trình lấy quyết định mà trong đó mọi người đều cảm nhận được tham
gia, cho dù những quyết định được lấy không hoàn toàn được nghe theo. GH
hiệp hành không thể là một GH bị cào bằng hay “cá mè một lứa”, song cũng
không phải là một GH “vô ngã”, một tập thể không người chịu trách nhiệm cuối
cùng.
9) Phân định và quyết
định. Tiến trình hiệp hành ta theo đuổi không chỉ lắng nghe. Đó chỉ là bước
đầu. GH còn phải phân định và đi tới quyết định hiện thực những gì Chúa tác động
ở đây và lúc này vì những con người.[6] Thánh
Phaolô không chỉ nói các cộng đoàn GH không dập tắt các thần khí, song còn phải
phân định các Thần khí. Vatican II nói đến việc đọc dấu chỉ thời đại để biết được
ý định của Thiên Chúa. Thần học hiện đại luôn đặt mình trong bối cảnh nhân sinh
để suy niệm điều Chúa nói cho các Giáo hội. Làm sao để tiến trình phân định và
quyết định xuất phát và làm hiển hiện “sự vâng phục Thần khí của cả cộng đoàn.”
Ta cần tìm ra phương cách hiện thực điều này.
10) Tự đào tạo trong
tiến trình hiệp hành. Thiên Chúa luôn kiên trì huấn luyện các tông đồ và
môn đệ Ngài. Ngày nay, Ngài cũng tiếp tục huấn luyện các tín hữu qua tiến trình
hiệp hành. Khi chia sẻ chân thành ngự trị trong một cộng đoàn, các thành phần
được đào tạo sâu xa, vì nó đi vào nội tâm. Tiến trình cùng nhau phân định và
quyết định lại là cách Thiên Chúa huấn luyện con cái mình, là cách người tín hữu
đào tạo chính mình để nên người môn đệ lắng nghe ngày một hơn và nhờ đó trở
thành vị thầy linh đạo. Tiến trình này là cách thức Thiên Chúa đang biến đổi
trái tim của người môn đệ thành trái tim của Chúa Giêsu. Đó là trái tim mới của
người môn đệ vậy.
Mười chủ đề cốt lõi này làm lộ hiện một GH không chấp nhận
quy chiếu về chính mình, khi biết rằng đó là cám dỗ thường hằng của mình. Chúng
cho thấy một GH chỉ lấy Chúa Kitô và cung cách của Ngài làm tiêu chuẩn hành động
và sống cho mình. Chúng cho thấy một GH không sống theo kiểu hoài cổ với chuẩn
mực “trước kia chúng tôi đã từng làm như thế.
Thượng Hội đồng Giám mục này mong đợi cộng đoàn tu sĩ sẽ tỏ
lộ được một cộng đoàn môn đệ được thương mến của Đức Kitô khi thực sự lấy TIÊU
CHUẨN: CÙNG NHAU ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU KITÔ Là cách sống và hành động của
mình: lắng nghe – phân định – tiến bước cùng nhau. Không phải một thành phần
nào kéo lê mọi phần khác. Trái lại, mọi người lấy tư cách vai chính của mình.
III. ĐỊNH VỊ NGƯỜI TU
SĨ TRONG GIẤC MƠ CỦA TOÀN GH ĐỂ XÂY DỰNG MỘT GH HIỆP HÀNH
A. CÙNG MƠ VỀ MỘT GH DÙNG TOÀN BỘ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ VÀ MÌNH
LÀ CHO SỨ MỆNH LOAN BÁO Nước Thiên Chúa
Ước mơ của Vatican II là trình bày một GH dân Thiên Chúa, tất
cả cùng nhau tiến về sự thánh thiện của Tin mừng. Không một ai trong GH không
được kêu gọi tới đó. Điều ấy toàn GH đã nỗ lực và bộ mặt GH với Vatican II đã để
lại những vẻ đẹp không thể chối cãi.
Nhưng thời gian với những lo lắng sự đời có thể làm phai nhạt
sự nóng cháy này. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm như thế, y hệt như các tín hữu
sơ khai, chẳng hạn tín hữu Thessalonica đã mỏi mệt chờ mong Chúa đến. Và Thiên
Chúa không mệt để nhắc lại và thúc đẩy chúng ta một lần nữa. Ngài không mệt để
quay trở lại với chúng ta, động viên chúng ta, như đã từng tăng sức và động
viên cho Elia trên đường dài tới núi Horeb trong cơn bị bách hại do hoàng hậu
Izabel. Ngài là vị mục tử nhân lành, có những lúc đi đầu đoàn chiên, có những
lúc đi giữa đoàn chiên, và có những lúc đi cuối cùng đoàn chiên để đảm bảo rằng
“những gì Cha đã ban cho tôi, tôi không để mất một ai”.
Đức Phanxicô cho thấy rằng Vatican II cũng muốn cả một sự
hoán cải trong cơ cấu, trong mục vụ, chứ không chỉ trong thiêng liêng và thần học
mà thôi. Mạnh mẽ hơn, ngài còn nói đến một sự hoàn cải của quyền giáo hoàng
(conversion of papacy), để mang tính tập đoàn hơn nữa, để bộc lộ GH đúng là dân
Thiên Chúa hơn nữa, vì GH và Synodos, cùng đi với nhau cho sứ mệnh, thì đồng
nghĩa.
Chính vì thế, ngài xác quyết Thiên Chúa muốn GH của thiên
niên kỷ thứ ba phải trình bày được một diện mạo GH hiệp hành.
GH đó cùng chung tay dùng tất cả những gì mình có và mình là
cho việc truyền giáo, không được hiểu như một sự chiêu mộ tín đồ, cho bằng là
“không thể không nói lên điều tai nghe mắt thấy” về chính Đức Giêsu và tình yêu
của ngài dành cho con người. GH không còn làm một vài việc tông đồ hay việc
truyền giáo, song toàn GH là môn đệ truyền giáo. Không một ai trong GH được miễn
khỏi sứ mệnh này. Trực giác này được chị Têrêsa diễn đạt khi được tuyên phong
là bổn mạng các vùng truyền giáo. Tất cả các bệnh nhân trong GH đều tham dự vào
sứ mệnh này bằng cách biết rằng những đau khổ của họ mang một sắc thái mới, một
ý nghĩa mới khi tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô vì nhân loại. Một GH
sống niềm vui đến độ dám ra khỏi vùng yên ổn và thoải mái của mình để làm bạn với
những người bị đẩy ra ngoài lề; để băng bó vết thương cho những người thương tổn
như thể mình thật sự là kẻ bị thương; để khóc với nhân loại đang khóc dưới mãnh
lực xâu xé của THẦN TÀI.
Băng bó vết thương có nghĩa là DÁM ĐẶT MÌNH VÀO TÌNH TRẠNG BỊ
NGUY CẤP ĐỂ CHO NGƯỜI BỆNH ĐƯỢC SỐNG. Đó là cách nhập thể lối sống của chính Đức
Giêsu đến để chết cho người khác.
B. DỰA TRÊN KINH NGHIỆM HIỆP THÔNG CHÚA BAN CHO CÁC TU SĨ
Mọi ngày trong cộng đoàn tu sĩ, những con người cùng một chí
hướng luôn gặp nhau; mỗi tháng đều tụ họp lại để phân định Ý Chúa. Như thế, xét
trên nguyên tắc, sự hiệp thông được tỏ lộ như bầu khí các tu sĩ sống, làm việc,
hoạt động và cử hành.
Như chúng ta đã rõ: hình ảnh lý tưởng được Luca vẽ ra trong
sách Công vụ về cộng đoàn tín hữu sơ khai một lòng một chí quanh Chúa Giêsu được
đại diện bởi các tông đồ được hiện thực một mức nào đó trong cộng đoàn tu sĩ.
Các vị sáng lập dòng đều lấy cảm hứng thần linh từ đó cho đặc sủng/đoàn sủng của
mình.
Cộng đoàn tu sĩ được Đức Gioan Phaolô II định nghĩa như cộng
đoàn hằng ngày bước theo linh đạo hiệp thông trong đó huấn luyện chúng ta thành
những người có thể nhìn thấy Đức Giêsu Kitô nơi mọi người, nhất là những người
bị bỏ ra bên lề.
Tuy nhiên, nhiều lần chúng ta nghĩ về người khác hơn là
trong chính cộng đoàn mình: trong cộng đoàn tu sĩ có ai bị loại ra ngoài lề
không? Cộng đoàn tu sĩ có thực sự cùng nhau phân định Thánh Thần đang nói cho mình
hay không? Cộng đoàn dám đón nhận tiêu chuẩn sống truyền giáo hơn là “bo bo bảo
tồn những cơ sở và cơ cấu” hay không? Nếu duyệt xét được như thế, thì đó đã là
một đóng góp quý báu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023 rồi. Như vậy chính
tiến trình hình thành một GH hiệp hành trở thành “phần rỗi” cho cộng đoàn tu
sĩ, vì cộng đoàn đó đang được Thánh Thần đào tạo thành cộng đoàn tu sĩ hiệp
hành.
Hiệp hành là cấu tố của GH; cũng là “cấu tố” của cộng đoàn
tu sĩ vậy. Nơi đó, quyền bính là một tác vụ, sự phục vụ chân thật. Hình ảnh
“Kim tự tháp lộn ngược” nói gì cho cộng đoàn tu sĩ? Đơn giản: những người đứng ở
dưới người khác như người tôi tớ. Và một điều tỏ lộ hơn hết: ecclesia docens và
ecclesia discens không còn chia tách nữa. Phải hơn ecclesia docens sẽ sai lầm nếu
trước đó không phải là ecclesia discens; học kép: Thiên Chúa và con người.
Lắng nghe, Phân định trong đối thoại là chuyện thường hằng
chứ không phải tuỳ dịp. Không ảo tưởng được: đừng hòng có một GH hiệp hành, một
cộng đoàn tu sĩ hiệp hành, một GH hiệp hành tại gia mà không có đối thoại.
Không thể có GH ấy, nếu chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”, không thể dám gặp
nhau để thảo luận các vấn đề chung cũng như riêng; kinh nghiệm này, Đức
Phanxicô đã nói nhiều lần bằng những hạn từ, thí dụ rất cụ thể và hiện sinh.
Sự lắng nghe, phân định và đối thoại đây không phải là chuyện
tìm đa số theo kiểu chính trị dân chủ hay đảng phái. Nó bộc lộ ý nghĩa sâu xa của
sự hiệp thông: hiệp thông với Thánh Thần, với các sự thánh và với các thánh.
Nhưng nó còn diễn đạt sự hiệp thông phẩm trật (communio hierarchica), sự hiệp
thông của các GH (communio ecclesiarum) và s75 hiệp thông các tín hữu (communio
fidelium) và tất cả nói lên một sensus fidei fidelium: không thể sai lầm trong
đức tin và phong hoá nhờ dầu Thánh Thần. Giống như LG chương hai bối cảnh hóa
chương 3 (phẩm trật) và chương 4 (giáo dân) thì communio fidelium bối cảnh hoá
communio ecclesiarum và communio hierarchica.
C. GIÁO HỘI HIỆP HÀNH TRONG
TRUYỀN GIÁO
Dân Chúa vui mừng vì trong đại dịch, anh chị em tu sĩ đã
chung tay góp sức như một Giáo hội ra khỏi chính mình, chết cho chính mình để
anh chị em chúng ta được sống, được an ủi, được yêu thương.
GH hiệp hành không có mục đích nào khác hơn là trở thành cộng
đoàn môn đệ truyền giáo. Không chỉ là làm vài việc truyền giáo, song là trở
thành GH truyền giáo. Điều này mới đảm bảo cho chúng ta truyền giáo không phải
là chuyện chiêu dụ tín đồ.
Lắng nghe, phân định và đối thoại để thấy rõ ý định cứu độ của
Thiên Chúa xuyên qua chúng ta: thanh tẩy và biến đổi chúng ta thành dụng cụ hữu
hiệu của tình thương ngài.
Kết luận: Hạt nhân
sinh động của tiến trình xây dựng một GH hiệp hành
Đòi hỏi ba điều: thời gian. Không thể vội vàng, một sớm một
chiều sẽ có ngay một GH hiệp hành: ăn tô cháo nóng phải chậm chậm đi từ vành
ngoài; một sự xây dựng lại, phục hồi không chỉ những truyền thống linh đạo của
Giáo hội hay những cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng là khôi phục nguồn mạch
cảm thức đức tin (resourcement of the sensus fidelium), một sự phục hồi việc
dân Chúa như cộng đoàn nhớ lại ơn sủng tuyệt vời được ban cho mình; và sứ mệnh:
Dân chúa nhìn vào trong chính mình, qua những thực hành hiệp hành và cơ cấu, để
sống trung thành giữa những bối cảnh đặc thù, nhưng còn học để sống tiếng gọi
tông đồ là gặp gỡ người khác và chia sẻ tin mừng.
Nguồn: tgpsaigon.net (08.01.2022)