GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRƯỚC NẠN LẠM DỤNG
TÌNH DỤC TRẺ EM: CHẨN ĐOÁN, PHÁT HIỆN, PHÒNG NGỪA VÀ HÀNH ĐỘNG MỤC VỤ
JB. Phương Đình
Toại, MI
WHĐ (20.9.2020) –
Gần đây, các phương tiện truyền thông Việt Nam đã đăng tải rộng rãi những tin tức
chấn động về nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn ra tại Việt Nam với
mật độ đáng báo động, để lại những tổn thương gần như không thể chữa lành nơi
thể chất và tinh thần của nạn nhân là những trẻ nhỏ, của gia đình các em và
toàn xã hội.
Theo ghi nhận của
Bộ Công An, riêng trong năm 2018 cả nước đã xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em
trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục[1]. Nạn xâm hại
tình dục không phải chỉ diễn ra giữa trẻ em với người lạ, nhưng thực trạng đáng
đau lòng là đa số những người thực hiện các hành vi này lại là người thân của
các em. Theo số liệu thống kê, hơn 60% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người
quen, hàng xóm, trên 21% là người thân; giáo viên và nhân viên nhà trường chiếm
hơn 6%. Và gần đây nhất là một sự kiện chấn động xảy ra khi một người làm một
chức vụ khá cao trong cơ quan hành pháp cũng đang bị truy tố về tội xâm hại
tình dục trẻ em mà chắc có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết.[2]
Từ thực trạng
trên, chúng ta cũng không thể bỏ qua những sự kiện chấn động tương tự xảy ra
ngay chính trong Giáo hội Công Giáo chúng ta, điển hình như những vụ xâm hại và
lạm dụng trẻ em được nhắc đến nhiều nhất tại Chile bởi một linh mục khá nổi tiếng
và từng được nhiều người mến mộ, khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải triệu tập
toàn thể Hội Đồng Giám Mục Chile về Tòa Thánh để giải quyết vấn nạn trên. Sau
đó là những cáo buộc về sự tắc trách trong việc đối diện với vấn lạm dụng tình
dục tại Hoa Kỳ gây nên những làn sóng phản đối trong xã hội và trong lòng nhiều
tín hữu, làm ảnh hưởng trầm trọng đến đức tin của rất nhiều người. Tiếp theo đó
vào tháng 2 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã triệu tập tất cả các chủ tịch
Hội Đồng Giám Mục trên toàn thế giới trong một phiên họp tại Vatican để cùng thảo
luận và tìm ra hướng phát hiện sớm, đồng thời xử lý các cáo buộc về tội lạm dụng
tình dục thiếu niên phạm phải bởi một số giáo sĩ trong Giáo hội, và cũng qua đó
tìm mọi cách phòng ngừa và giúp đỡ những nạn nhân bị lạm dụng để họ có thể tìm
lại được công lý cũng như chữa lành những tổn thương mà các giáo sĩ đó đã gây
ra cho họ.
Đứng trước những
thông tin chấn động và gây sốc cho toàn thể Giáo hội chúng ta nói chung cũng
như những ngờ vực và bối rối của riêng Giáo Hội Việt Nam chúng ta nói riêng, ai
trong chúng ta cũng đặt câu hỏi: Chúng ta phải đối diện với vấn nạn trên theo
cách nào? Làm sao để nhận biết những dấu hiệu nguy cơ, làm sao để phòng ngừa,
và đặc biệt nếu nghi ngờ, làm sao để hiểu tận gốc vấn đề trên và đối diện với
chúng bằng một góc nhìn quân bình và khôn ngoan?
Trong bài viết
này, tôi xin được dùng một vài kinh nghiệm, nghiên cứu và kiến thức về tâm lý
nhằm góp một phần nhỏ trong việc đưa đến sự hiểu biết, cách chẩn đoán và hành động
mục vụ trong vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em, hay xã hội vẫn gọi là hiện tượng
ấu dâm. Một số dẫn chứng và nghiên cứu ở đây được trích từ sách “Giáo hội và Sự
Lạm Dụng Trẻ Vị Thành niên” (Church and the Abuse of Minors) của cha Zollner,
SJ và từ Đức ông Rosetti trong bài viết “Những Dấu Hiệu cảnh báo đối với Lạm dụng
Tình dục Trẻ em” (Some Red Flags for Child Sexual Abuse) nhằm đưa ra góc nhìn
sâu rộng hơn đối với hiện trạng này, đặc biệt khi liên quan đến giáo sĩ phạm tội
ấu dâm trong Giáo hội.
Bệnh Ấu dâm – Pedophilia là gì?
Theo Hệ thống chẩn
Đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần phiên bản thứ V của Hiệp hội Tâm lý học
Hoa Kỳ (DSM V), ấu dâm được liệt kê vào danh sách những bệnh rối loạn tâm thần
liên quan đến sự “lệch lạc về tình dục”. Người mắc bệnh ấu dâm (Pedophilia) là
người có “sự gợi hứng tình dục, thèm muốn quan hệ tình dục, mơ tưởng về hành vi
tính dục và thậm chí quan hệ tình dục với trẻ em từ 13 tuổi trở xuống, và triệu
chứng này kéo dài từ 6 tháng trở lên (Tiêu chuẩn A); Đương sự hành động trên sự
thèm muốn tính dục này, hoặc mơ tưởng về điều này khiến cho tâm trí không ổn định,
gây ra những cản trở và khó khăn trong công việc và tương quan của đương sự
(Tiêu chuẩn B), và đương sự phải từ 16 tuổi trở lên và phải ít nhất lớn hơn trẻ
từ 5 tuổi (Tiêu chuẩn C ). Những dạng ấu dâm và mức độ cũng khác nhau, ví dụ
như có dạng ấu dâm với người thân hay loạn luân, có dạng chỉ với trẻ em, và có
dạng người ấu dâm nhưng vẫn có quan hệ tính dục với người trưởng thành. Cũng
theo DSM V, tỷ lệ những người mắc bệnh ấu dâm trên toàn thế giới vào khoảng
3-5%. Và đây được coi là bệnh lý kéo dài suốt đời, tỷ lệ tái phát cao nếu không
có một chương trình và kế hoạch điều trị cũng như giám sát chặt chẽ sau điều trị.
Tuy nhiên, có một
dạng bệnh lý khác vẫn thường được ghép chung với bệnh ấu dâm (Pedophilia) đó là
Ephebophilia – nghĩa là người có khuynh hướng bị gợi hứng tình dục và tìm cách
quan hệ tình dục với trẻ trong độ tuổi dậy thì (từ 13 đến dưới 18 tuổi). Những
người có khuynh hướng này thường cảm thấy gợi hứng và bị quyến rũ bởi trẻ trong
độ tuổi dậy thì vốn đã phát triển về mặt tính dục và sinh lý. Tuy vậy, các trẻ
này vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên nên chưa có khả năng và hiểu biết để đưa ra
quyết định, sự đồng thuận và trách nhiệm đối với hành vi của mình. Dù mức độ
nghiêm trọng về mặt bệnh lý rối loạn tâm thần trong tính dục có phần nhẹ hơn ấu
dâm, nhưng hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vẫn được coi là lệch lạc
về tính dục và để lại những hậu quả nghiêm trọng, trực tiếp tác động đến sự
phát triển tâm sinh lý của trẻ cho dù trẻ đã ở tuổi dậy thì, và vẫn bị quy
trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Nghiên cứu cũng
cho thấy những người bệnh ấu dâm cũng có kèm theo những bệnh rối loạn hành vi
tâm lý khác, như 70-80% có rối loạn nhân cách (vd. nhân cách ái kỷ) hoặc có bệnh
rối loạn tình dục khác (nghiện sex, nghiện phim khiêu dâm 50-70%) (Harvard
mental health letter, 2010)[3]
Từ những định
nghĩa trên, chúng ta thấy Pedophilia (ấu dâm) và Ephebophilia, được hiểu là hoạt
động tình dục giữa một người lớn và một trẻ vị thành niên. Đa số những người mắc
bệnh này là nam. Hành động ấu dâm này bao gồm cả việc: cởi quần áo để xem trẻ
trần truồng, dùng trẻ để thủ dâm, hoặc thủ dâm bằng miệng trên trẻ, quan hệ
tình dục trên miệng, trong âm hộ, hậu môn của trẻ hoặc dùng tay để thọc vào hoặc
sờ nắn bộ phận sinh dục của trẻ.[4]
Điều trị cho chứng
bệnh ấu dâm thường khá tốn kém, lâu dài và khả năng tái phát cao. Phương pháp
điều trị bao gồm tâm lý trị liệu; dùng thuốc nhằm làm giảm sự thèm muốn tính dục;
tâm lý trị liệu nhóm và đương sự phải được điều trị nội trú. Do việc xâm hại
tình dục liên quan đến pháp luật, người phạm phải tội này còn phải đối diện với
án phạt, và vì tỷ lệ tái phát cao nên những người đã từng được điều trị vẫn phải
luôn được giám sát để ngăn ngừa tái phạm.
Những hậu quả để lại cho trẻ là nạn nhân của lạm
dụng/ xâm hại tình dục
Điều chúng ta thường
nghe và thấy trên truyền thông đó là sự lên án đối với các thủ phạm ấu dâm, tuy
nhiên, rất ít thông tin nhắc tới những hậu quả nghiêm trọng mà các nạn nhân phải
gánh chịu.
Nghiên cứu cho thấy,
các trẻ bị lạm dụng tình dục sẽ bị sang chấn tâm lý nặng và kéo dài, do đa số
các em là trẻ thơ yếu ớt không thể chống cự. Nhiều em gặp phải tình huống khó
khăn và e dè phải kể ra vì người lớn không tin hoặc bỏ lơ. Từ đó, các em phải
chịu đựng thời gian dài do sống trong gia đình và người hại các em lại chính là
cha, chú hoặc ông của các em, khiến các em mất niềm tin nghiêm trọng và luôn sống
trong sự hoảng sợ. Đối với các trẻ bị lạm dụng bởi giáo sĩ, các em mất niềm tin
vào Thiên Chúa, do bởi niềm tin thánh thiêng vào thiên chức linh mục đã bị phá
vỡ. Các em lớn lên với những mặc cảm lớn về bản thân, cảm thấy xấu hổ về mình,
tự trách mình, và thường bị trầm cảm, thậm chí nhiều trường hợp tìm đến tự vẫn.[5] Bởi
cấu trúc thần kinh não bộ bị tổn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến cảm xúc và sự
ham muốn tính dục, nhiều nạn nhân trở nên lãnh cảm, sợ hãi với việc quan hệ
tính dục, không thể lập gia đình, không thể có tương quan bình thường như mọi
người. Một số khác thì trở nên “siêu dục tính” (hyper-sexualized), luôn tìm đến
tình dục để giải quyết mọi vấn đề của mình. Ngoài ra, không ít các nạn nhân sau
này lại tiếp tục để cho mình trở thành nạn nhân trở lại (dễ bị lạm dụng và bị
cưỡng hiếp), hoặc 1/3 trong số đó có khuynh hướng lạm dụng lại các trẻ khác sau
này.[6] Có
thể nói, ảnh hưởng của sự lạm dụng tình dục lên trẻ là rất nghiêm trọng, những
nạn nhân này gần như phải đối diện với những vết thương nặng nề về tinh thần và
tâm sinh lý suốt quãng đời của các em. Vì thế, ngăn chặn nạn ấu dâm là cần thiết,
không chỉ qua việc nhận diện và tìm ra thủ phạm, nhưng còn phải giúp đỡ đồng
hành và chữa trị kịp thời cho nạn nhân.
Tìm hiểu yếu tố tâm lý của những người phạm tội ấu
dâm
Những yếu tố tâm lý và nguy cơ từ trong chính gia
đình
Nghiên cứu về nạn
loạn luân do Seympur và Hilda Parker thực hiện trên nhóm 54 người cha lạm dụng
con (28 người là cha ruột, và 26 người là cha kế) so sánh với một nhóm của các
người cha không lạm dụng đã chỉ ra một số khác biệt như: những người cha lạm dụng
đa số đã trải qua những kinh nghiệm tiêu cực với cha mẹ của họ thời thơ ấu (ví
dụ: xa cách, bạo hành, và lạm dụng), thiếu sự gắn kết cảm xúc – và những người
cha lạm dụng này cũng có những biểu hiện thiếu sự quan tâm đến con của mình,
thiếu sự gần gũi thể lý với con mình. Không chỉ vậy, các mối tương quan khác của
họ cũng rất mờ nhạt, đặc biệt ngay cả với người lớn, và một số khác thì nghiện
rượu cũng như lạm dụng chất kích thích. “Có một bằng chứng cho thấy người lạm dụng
trẻ khác với người không lạm dụng trẻ ở cách họ nhìn nhận con của mình.... Đặc
biệt, nghiên cứu cho thấy cha mẹ lạm dụng trẻ thường gán cho con mình những ý
nghĩ tiêu cực về hành vi của chúng hơn là những người cha mẹ bình thường, ngay
cả khi những hành vi của trẻ xảy ra trong quy luật bình thường của sự phát triển
tâm sinh lý của trẻ. Một nghiên cứu tương tự cũng cho thấy, những cha mẹ lạm dụng
có những mong đợi không thực tế về con của mình vốn vượt quá hoặc đi ngược với
hành vi và sự phát triển bình thường của đứa trẻ trong độ tuổi. Và những cha mẹ
lạm dụng thường có khuynh hướng đổ thừa rằng hành vi của con mình làm cho chính
mình bị căng thẳng, stress hơn là những người cha mẹ bình thường.”[7]
Tương quan với tha nhân khá lạnh nhạt, thiếu biểu cảm cũng là một vấn đề nơi họ.
Những dấu hiệu này thường có nguồn gốc từ một thời thơ ấu bị tổn thương bởi bạo
hành, hoặc bị bỏ rơi (đặc biệt là trong giai đoạn quan trọng của phát triển tâm
lý như giai đoạn cai sữa), để lại một hậu quả là họ khó có thể tương quan với
chính thân thể mình và có sự khủng hoảng của tâm lý phát triển tính dục.
Những người cha
không lạm dụng, ngược lại, thường thiết lập một quan hệ mật thiết với con cái
mình, đặt sự lưu tâm và chú ý đến con cái trong cách tương quan với chúng. Dưới
góc nhìn trên, chúng ta nhận ra rằng vai trò chăm sóc nuôi dưỡng con cái và
cách tương quan với chúng của các bậc cha mẹ là rất quan trọng, góp phần đóng
góp vào tiến trình phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ. Sự thiếu trách
nhiệm hoặc mờ nhạt trong tương quan của cha mẹ với con trẻ có thể tạo ra những
động năng không lành mạnh trong đời sống gia đình. Từ đó ta có thể nhận thấy,
cách mà các bậc cha mẹ sống vai trò làm cha làm mẹ với con cái mình là một yếu
tố quyết định quan trọng, cũng có thể là một trong các nguyên do tạo ra sự thiếu
lành mạnh trong các tương quan gia đình và cho con trẻ sau này.
Những yếu tố tâm lý của giáo sĩ và tu sĩ
lạm dụng tình dục trẻ
Theo Cha Zollner,
SJ -Giáo sư tâm lý học của Giáo Hoàng Học Viện Gregorian, hiện là một trong những
người tiên phong trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội, với kinh
nghiệm nhiều năm của mình, ngài chỉ ra rằng, một đặc điểm quan trọng liên quan
đến động năng tâm lý của người ấu dâm thường được thấy (đặc biệt là giáo sĩ),
đó là những người này thiếu khả năng tương quan với những người đồng trang lứa.
Người ấu dâm thường bị quyến rũ bởi những người trẻ hơn mình do họ yếu hơn và
tuân phục hơn. Sự quyến rũ với người trẻ hơn cho thấy người ấu dâm thường có cảm
giác yếm thế trước người khác vì một trong những dấu hiệu của người có sức khỏe
tâm lý tốt là “người có khả năng tương quan với các bạn cùng trang lứa”[8].
Ngay cả tình yêu mà người này có dành cho trẻ em hoặc người nhỏ hơn mình cũng
thiếu những yếu tố nói lên một tình yêu trưởng thành, ví dụ như sự tôn trọng,
không sở hữu (non-possessiveness), và nhìn nhận ranh giới cá nhân của người
khác (individuality). Và khi trẻ được người ấu dâm yêu phát triển và thành người
lớn, tình yêu của người ấu dâm này sẽ chấm dứt! Người này chỉ cảm thấy dễ chịu
với trẻ bởi qua trẻ anh ta có thể có cảm thức quyền lực và có thực quyền với
người trẻ kia”[9].
Bất cứ một công
việc giáo dục, chuyên môn hay mục vụ nào dành cho trẻ của cha mẹ, giáo viên, huấn
luyện viên thể thao và linh mục tu sĩ… đều đòi hỏi sự say mê, nhiệt huyết và việc
đầu tư thời gian cho trẻ. Sự say mê này có thể trở thành điều đáng quan ngại chỉ
khi người này không có cách nào, không có ai khác để tương quan ngoài trẻ, đặc
biệt là khi người này cảm thấy thiếu thoải mái hoặc cảm thấy bị cô lập khi
tương quan với những người lớn khác, điều này ám chỉ người đó đặt niềm đam mê
và ham muốn của mình ở một mức độ thiếu quân bình đâu đó. “Một câu hỏi phân định
cần được hỏi đó là: ‘Bạn dành thời gian nghỉ của mình với ai, và cho ai?’ Người
ấu dâm, hay người lạm dụng thiếu niên thường sẽ dành thời gian rảnh của mình với
trẻ vị thành niên. Người lớn, người trưởng thành thường dành thời gian rảnh của
mình để ở với người trưởng thành. Đức ông Rosetti, từng là giám đốc trung tâm
trị liệu St. Luke nơi điều trị tâm lý cho linh mục và tu sĩ tại Hoa Kỳ kể rằng,
“khi tôi làm lượng giá về tâm lý để xác định những người có nguy cơ lạm dụng trẻ,
tôi hỏi đương sự, bạn thân của họ là ai, và không ít những đương sự này trả lời
đó là trẻ vị thành niên. Tương tự như thế, tôi có thể hỏi tương quan cá nhân
nào là ý nghĩa nhất đối với bạn. Một lần nữa, một số nói về tương quan của họ với
trẻ vị thành niên; và những người có khó khăn này thường cũng là những người có
nhân cách thụ động, khép kín, lệ thuộc hoặc họ thường bị lầm tưởng là kiểu người
hiền lành, ngọt ngào, và tuân phục, nhưng trong thực tế những người này chỉ tìm
cách làm hài lòng bề trên và giấu kín sự bất an của họ.”[10]
Một dấu hiệu chẩn
đoán quan trọng khác thường tìm thấy trong những người này đó là, trong thời
gian ở tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn, họ đã có những hành vi chống đối xã hội và
có sự phát triển sớm về tính dục được biểu lộ qua cách người trẻ này nói chuyện,
tưởng tượng và tương quan. Những người đã từng bị lạm dụng khi còn nhỏ cũng có
khuynh hướng trong vô thức, quyến rũ người khác một cách dục tính. Thường thì,
đây là cách duy nhất người này biết để thu hút sự chú ý và tương quan với người
khác. “Có một sự công nhận rằng những trẻ nhỏ có hành vi tính dục sớm không phù
hợp là dấu chỉ cảnh báo cho thấy trong tương lai khi trưởng thành, trẻ có nguy
cơ có hành vi lạm dụng. Khi nói đến hành vi tính dục không phù hợp, cũng có
nghĩa là có quan hệ tình dục với đồ chơi hoặc thú vật, bị cố định (fixation)
vào những vấn đề tính dục, thủ dâm cưỡng chế, hoặc có sự thích thú không lành mạnh
với hoạt động tình dục”[11]. Sự
siêu dục tính (hyper-sexuality) trổi lên, một cách không may, làm mất đi sự
phát triển đúng mực của cảm xúc, làm cho tâm cảm gần như lặng chìm, khiến khả
năng phát triển những tương quan không dục tính bên trong người này trở nên khó
khăn hơn, đi theo đó là khả năng có sự mật thiết, mềm dẻo và cho đi chính mình
gần như khó hơn. Đây là hệ quả của việc tính dục (sex) đã trở thành phương thế
duy nhất mà người này có thể dùng để diễn tả chính mình, và truyền đạt cái sâu
xa nhất về bản thân mình.
Tiến sĩ Len
Sperry chỉ ra rằng, mặc dù nhiều người ấu dâm không có khuynh hướng đồng tính,
tuy nhiên, trong số các giáo sĩ phạm tội ấu dâm, thì phần đông những người này
lại là đồng giới (homosexual) hoặc lưỡng giới (bi-sexual), và chỉ có ¼ trong số
này là dị giới (heterosexual).[12] Tỷ
lệ linh mục bị cáo buộc và chẩn đoán mắc bệnh ấu dâm cũng nằm trong khoảng 2%
(linh mục tại Mỹ), con số này cũng tương đương với tỷ lệ dân số bị mắc bệnh ấu
dâm bên ngoài. Đây là số liệu cho thấy những thành kiến của nhiều người cho rằng
linh mục tu sĩ sống đời sống độc thân có nguy cơ phạm tội ấu dâm là không có cơ
sở thậm chí sai lệch. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, đa số những người phạm tội
ấu dâm có một số giới hạn về sự trưởng thành tâm cảm. Một dấu hiệu rõ nét của sự
thiếu trưởng thành tâm cảm đó là không có khả năng thấu cảm (empathy) tức là
không có khả năng đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác. Họ gặp khó khăn
trong việc nhận biết và hiểu cảm giác của tha nhân khi đứng trước một hoàn cảnh
mà người đó đang đối diện.
Trong khi tỷ lệ ấu
dâm trong hàng ngũ giáo sĩ thấp khoảng 2%, tiến sĩ Len Sperry nhận định tỷ lệ
giáo sĩ lạm dụng trẻ ở tuổi dậy thì lại cao gấp đôi số trong số trường hợp bị
cáo buộc. Trong bài trả lời phỏng vấn với báo Avvenire vào tháng 3 năm 2010[13] về
những trường hợp lạm dụng tình dục của giáo sĩ được gửi đến Bộ Giáo Lý Đức Tin
để phán xử, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna cho biết rằng có 60% vụ lạm dụng
tình dục là Ephebophilia (trong trường hợp này là lạm dụng tình dục đồng giới với
trẻ dậy thì); và 30% các trường hợp là liên quan đến lạm dụng tình dục khác giới,
và chỉ có 10% là thật sự ấu dâm theo như định nghĩa của bệnh học về rối loạn
tâm lý (lạm dụng tình dục trẻ dưới tuổi dậy thì). Một nghiên cứu khác cũng cho
thấy, đa số những giáo sĩ lạm dụng trẻ ở tuổi dậy thì cũng bị nghiện phim khiêu
dâm và có hành vi thủ dâm cưỡng chế.[14]
Từ những nghiên cứu
và phát hiện như đã nêu trên, Đức ông Rosetti chỉ ra những dấu hiệu tâm lý thường
thấy ở những người từng lạm dụng trẻ, đây cũng là dấu hiệu để có thể giúp nhận
biết và can thiệp trong môi trường đào luyện khi phát hiện: (1) Một người không
có tương quan với bạn bè và anh em trong cộng đoàn, sống cô độc, một mình hoặc
khép kín, và có tính lệ thuộc; (2) Không thể hiện nam tính mạnh mẽ, hoặc có dấu
hiệu bối rối về căn tính tính dục của mình. (3) Người này thường không cảm thấy
dễ chịu về những vấn đề liên quan đến giới tính. (4) Người thiếu khả năng thấu
cảm và đồng cảm; không thể quản lý cảm xúc của mình.(5) Người có lịch sử thơ ấu
bị bạo hành, thiếu tình thương, hoặc có những kinh nghiệm tính dục từ nhỏ.(6)
Có những hành vi và sở thích mang tính trẻ con. Tuy rằng không thể dựa trên những
dấu hiệu trên để khẳng định rằng một người có ấu dâm hay không, nhưng là những
dấu chỉ quan trọng về sự thiếu trưởng thành tâm cảm của đương sự, để những người
hữu trách trong công tác đào luyện cần lưu tâm đồng hành và đảm bảo rằng đương
sự phải được phát triển hướng đến sự hội nhất trưởng thành tâm cảm cũng như đề
phòng khuynh hướng lạm dụng tình dục trẻ.
Đáp ứng lại vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ
vị thành niên trong Giáo hội Công Giáo
Thời gian gần
đây, song song với những tin tức, diễn biến của vấn nạn tại Việt Nam, nhiều báo
đài quốc tế đã nêu ra những tin tức chấn động về những vụ ấu dâm và lạm dụng
tình dục trẻ trong Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ. Nếu đọc kỹ, chúng ta đều có
thể nhận thấy rằng những vụ việc được phanh phui đều đã xảy ra ở những thập
niên trước. Theo Đức ông Rosetti, những trường hợp cáo buộc liên quan đến giáo
sĩ phạm tội ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ trong những năm gần đây đã giảm rất
nhiều trong nước Mỹ, nhờ vào những quy tắc ứng xử và hệ thống pháp lý chặt chẽ
được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ban hành, và sự nhanh chóng trong việc tiếp nhận
cũng như điều tra các cáo buộc đã giúp ngăn ngừa tệ nạn lạm dụng một cách khá
hiệu quả. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có những đường hướng cụ thể
như Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Cụ thể nhiều nước Châu Á và Châu Phi do hệ thống
luật pháp còn mơ hồ và nhiều người còn tự vệ cho rằng hiện trạng ấu dâm chỉ là
bệnh của người phương Tây do sự phóng khoáng về dục tính.
Những bài học
trong quá khứ cũng cho chúng ta thấy rằng, việc thuyên chuyển một giáo sĩ bị
cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ sang một xứ khác gần như là không thể và thậm
chí gây nguy hiểm cho các trẻ em khác. Một nghiên cứu của trung tâm St. Luke tại
Hoa Kỳ cho thấy, trung bình nếu phát hiện ra một nạn nhân của việc lạm dụng
tình dục, có thể có thêm 3 nạn nhân nữa. Nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình mỗi
giáo sĩ phạm tội lạm dụng thường có tới 4 nạn nhân. Có một trường hợp một giáo
sĩ lạm dụng 500 nạn nhân. Qua đó, việc can thiệp sớm và ngăn không cho phạm
nhân tiếp xúc với trẻ và tìm những nạn nhân còn lại là rất cần thiết để giảm
tác hại đã gây ra cho trẻ. Đồng thời, chúng ta cần ý thức được rằng đây là một
căn bệnh và đương sự cần phải được chữa trị để có thể sống một cuộc sống lành mạnh
không gây hại đến trẻ và cộng đoàn.
Làm sao để nhận diện hoặc phát hiện nguy
cơ lạm dụng tình dục trẻ trong môi trường mục vụ?
Trong kế hoạch
phòng ngừa và phát hiện những nguy cơ lạm dụng tình dục trẻ, Đức ông Rosetti chỉ
ra những dấu hiệu cảnh báo dựa trên các nghiên cứu và kinh nghiệm của Giáo hội
Hoa Kỳ nhằm giúp chúng ta sớm phát hiện và biết cách can thiệp kịp thời đó là:
(1) Dấu hiệu tiềm ẩn, (2) Dấu hiệu cảnh báo cao và (3) Dấu hiệu nguy hiểm.
(1) Dấu hiệu tiềm ẩn: đó là khi một giáo
sĩ, tu sĩ hay chủng sinh thiếu hoặc không có sự tương quan với anh em trong cộng
đoàn, hay linh mục đoàn. Người này thường không thấy thoải mái khi ngồi chung
và chia sẻ với những người bạn cùng lứa, chỉ thích chơi với trẻ, thích những
trò chơi của trẻ con; hay né tránh những chủ đề liên quan đến tính dục, và đặc
biệt là không có dấu hiệu khả nghi nào, không bao giờ than trách gì (bởi mỗi
chúng ta ai cũng có một vấn đề gì đó không hài lòng).
Đây là những dấu
hiệu tiềm ẩn mà người huấn luyện cần chú ý, nếu trong thời gian thụ huấn, người
này cần được giúp đỡ để phát triển nhân cách và trưởng thành tâm cảm. Cần phải
quan sát xem nơi người này còn có những nguy cơ tiềm ẩn khác hay không. Chúng
ta phải bảo đảm rằng người này được học và biết cách tôn trọng cũng như biết giữ
khoảng cách an toàn với trẻ.
(2) Dấu hiệu cảnh báo cao: khi đương sự chỉ
đi chơi với trẻ và đi nhiều, cho trẻ một món quà theo cách không bình thường,
thường xuyên lén lút với trẻ, có vẻ bí mật và riêng tư. Người này cũng làm bạn
với nhiều trẻ trên mạng xã hội. Trẻ có thể cảm thấy rùng mình với một số hành
vi của đương sự. Một số người lớn quan sát cảm thấy có gì đó không ổn trong
cách đương sự tương tác với trẻ. Người này thậm chí còn chứa nhiều đồ chơi
trong phòng riêng.
Những dấu hiệu
trên cho thấy ranh giới của người này với trẻ có thể đã không còn. Chúng ta cần
can thiệp ngay, đưa người này vào cộng đoàn cách ly với trẻ/ không có trẻ.
Chúng ta cần phải kiểm tra các dấu hiệu tổn thương (nếu có) nơi trẻ, và cần phải
kiểm tra sâu để phát hiện những hoạt động tiềm ẩn cũng như phát hiện những hành
vi lạm dụng có thể đã xảy ra.
(3) Dấu hiệu nguy hiểm: khi đương sự đưa trẻ
đi chơi riêng và đưa trẻ vào phòng riêng. Trong phòng và trong máy tính chứa
nhiều hình ảnh của trẻ, người này thường thích chơi vật lộn với trẻ, và dùng
tay để sờ soạng khắp cơ thể của trẻ. Thích sờ trẻ ở vùng da nhạy cảm như đùi,
mông, ngực; Hay nói chuyện bông đùa và gợi ý với trẻ về những chủ đề liên quan
đến tính dục, có trường hợp còn cho trẻ uống rượu và chất kích thích.
Những hành động
trên đã có thể được coi là lạm dụng, và cần phải can thiệp ngay, đưa đương sự
cách ly với trẻ; chúng ta cần phải thực hiện điều tra, nếu hoàn cảnh bắt buộc,
cần có sự can thiệp của cơ quan hành pháp để điều tra. Ngoài ra, việc hỗ trợ
tâm lý, hỗ trợ cho trẻ có liên quan là không thể bỏ qua.
Những dấu hiệu cảnh
báo và tiềm ẩn trên dường như có thể làm cho tương quan của người mục tử và trẻ
thơ bị giới hạn, thậm chí có nhiều nơi xảy ra những thái độ đề phòng thái quá.
Tuy nhiên, đối diện với thực trạng nặng nề về nạn lạm dụng tính dục trẻ, có lẽ
chúng ta phải tập chấp nhận rằng chúng ta không thể ứng xử một cách tự do như
trước kia. Hơn thế nữa, chúng ta cần phải luôn tự hỏi hành vi đó nhằm mục đích
gì? Để đề phòng và đứng trước sự yếu đuối của bản thân, chúng ta phải hiểu rằng,
ngày nay, người giáo sĩ không thể ôm và bế trẻ trên đùi, không thể để cho trẻ
ngủ lại trong phòng của mình cho dù nhiều vùng quê vẫn còn cho rằng đây là những
hành vi bình thường.
Yếu tố cần lưu tâm khi xử lý những nghi
án liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ của giáo sĩ
Đối với Giáo hội
Công Giáo chúng ta, trong Bộ Giáo Luật ( Code of Canon Law 1983) có phần luật bổ
túc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ được gọi là tội phạm nghiêm trọng
(graviora delicta) được bổ túc theo Motu
Proprio Sacramentorum Santitatis Tutela (MPSST), công bố năm 2001 dành cho
những tội phạm vào Điều răn thứ Sáu của giáo sĩ đối với trẻ dưới 18 tuổi được
coi là tội lạm dụng tình dục trẻ em[15]. Việc có
chứa, sở hữu, lan truyền về phim ảnh quan hệ tình dục trẻ cũng được ghép vào tội
danh trên. Người lớn (>18 tuổi) nhưng có sự thiểu năng suy nghĩ và trí tuệ
cũng được coi là tương đương với trẻ (MPSST part 6, #1, n1). Vậy chúng ta có thể
hiểu hành vi xâm hại, hoặc lạm dụng tình dục mà Giáo hội cũng như xã hội lên
án, đó là bất cứ hình thức thoả mãn tình dục nào của người lớn đối với trẻ vị
thành niên, bao gồm việc quấy rối tình dục trẻ, dâm ô trẻ (sờ mó những vùng kín
và bộ phận sinh dục của trẻ) thậm chí sở hữu những phim ảnh khiêu dâm trẻ em
cũng bị ghép vào tội danh trên.
Một điểm quan trọng
cần lưu ý đó là, trong điều số 7 của MPSST có nói đến giới hạn độ tuổi có thể tố
cáo hành vi lạm dụng tình dục của giáo sĩ có thể lên đến 20 năm kể từ khi nạn
nhân được 18 tuổi. Thậm chí với những trường hợp nghiêm trọng, giới hạn giá trị
của việc tố cáo có thể lâu hơn. Đây là một chi tiết của giáo luật cho thấy Giáo
hội nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tội lạm dụng tình dục của giáo sĩ và sự
khó khăn về mặt tâm lý của nạn nhân trước khi nạn nhân có thể can đảm đứng lên
cáo buộc những người đã lạm dụng mình. Hơn thế nữa, luật này cho thấy việc giải
quyết kín đáo và riêng tư với phụ huynh của trẻ để cho mọi chuyện êm xuôi không
được nhắc đến là nguy hiểm. Thứ nhất, hướng giải quyết này không giúp cho phạm
nhân nhận lấy trách nhiệm về hành vi của mình và có thể không được chữa trị
đúng mức. Thứ hai, chúng ta có thể bỏ sót những nạn nhân khác, và kế đến là
chính nạn nhân khi đến tuổi trưởng thành vẫn có thể hồi tố, lúc này người hữu
trách của phạm nhân (như đấng bản quyền và bề trên) cũng có thể bị liên luỵ về
trách nhiệm trước pháp luật và giáo luật. Cuối cùng, do phạm nhân dễ dàng lèo
lái và chối bỏ các cáo buộc trước đấng bản quyền, đồng thời do tính chất phức tạp
của sự lạm dụng tình dục trẻ, việc có một ban tư vấn gồm những người có chuyên
môn về giáo luật, tâm lý… là rất cần thiết để có thể đại diện cho Giám mục tiếp
nhận cáo buộc và điều tra trong sự cẩn mật và khôn ngoan, cũng như can thiệp kịp
thời nhằm bảo vệ sự an toàn của nạn nhân.
Hành Động Mục vụ cần thiết
Trong những lần
thuyết trình về đề tài này, con nhận thấy nhiều người Việt Nam vẫn còn cho rằng
giáo dân Việt Nam rất yêu mến các linh mục, và cho dù có xảy ra chuyện gì họ
cũng muốn giải quyết một cách kín đáo và muốn bảo vệ linh mục. Kế đến nhiều người
vẫn còn cho rằng nạn ấu dâm chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, và rất ít trường
hợp được báo cáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước lời mời gọi tự cáo mình của Đức
Thánh Cha, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách trung thực rằng chúng ta đã có
phần ỷ lại vào lòng đạo đức bình dân của anh chị em giáo dân. Đứng trước những
vấn nạn về xâm hại tình dục trẻ em được các báo giới trong nước đưa lên, và sự ảnh
hưởng của phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có lẽ không ai trong chúng ta
dám quả quyết rằng các linh mục của chúng ta sẽ không bao giờ mắc phải những lỗi
phạm trên. Học hỏi từ những kinh nghiệm của các Giáo hội phương Tây, có lẽ đây
là lúc cần thiết để chúng ta phải nghiêm túc ngồi lại và đưa ra những đường hướng,
những quy tắc ứng xử cụ thể nhằm xử lý, ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục trẻ
trong Giáo hội cũng như kịp thời đồng hành và nâng đỡ các nạn nhân trước những
thương tổn họ phải gánh chịu.
Hơn thế nữa, qua
truyền thông chúng ta cũng được biết nhiều gia đình và cộng đồng vẫn chưa ý thức
được mối nguy hại của vấn nạn lạm dụng và hậu quả của nó để lại. Do đó, ngoài
việc phòng ngừa trong Giáo hội, chúng ta cũng cần lên tiếng để giúp cho các gia
đình và con em trong giáo xứ ý thức được những nguy cơ trên, mời gọi các gia
đình có một cuộc sống quân bình, giáo dục nhận thức cho họ và trang bị cho trẻ
những kiến thức cần thiết nhằm có thể bảo vệ chính mình.
Đức Thánh Cha
Phanxicô đã công bố một chính sách không khoan nhượng của Giáo hội (Zero
Tolerance) đối với tội lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ.[16]
Ngoài ra Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh việc cần thiết lắng nghe nạn nhân trước,
tin vào họ và đứng về phía họ. Ngài mời gọi toàn thể Giáo hội phải có một
chương trình “Tông đồ phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ” (apostolate of
prevention)[17] và
khẳng định rằng “bất cứ ai – cho dù người đó là tu sĩ, giáo dân hay Giám mục…
mà có thái độ làm cho trẻ em không đến được với Chúa Giêsu thì cần phải được
ngăn chặn, sửa dạy một cách kịp thời, hoặc trừng phạt nếu có liên can đến tội
ác của sự lạm dụng tình dục”[18].
Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị về bảo vệ trẻ dành cho các chủ tịch
Hội Đồng Giám Mục và các bề trên thượng cấp của các dòng diễn ra tại Vatican[19], Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc toàn thể Giáo hội Công
giáo cần phải hành động một cách cụ thể để ngăn chặn và phòng ngừa nạn lạm dụng
tình dục trẻ trong Giáo hội. Ngài cũng lưu ý rằng chúng ta phải tránh hai thái
cực nguy hiểm, đó là: (1)Thái độ duy công lý (Giustizialismo) do mặc cảm tội lỗi
vì những sai lầm quá khứ và vì sức ép của truyền thông – tìm kiếm và bắt bớ,
lên án những ai mà ta nghi ngờ. Hoặc (2) Thái độ tự vệ: cho rằng vấn đề này là
vấn đề nhỏ, không phù hợp với hoàn cảnh văn hoá của mình, không xảy ra nơi
mình… dẫn đến việc không giải quyết tận căn mà để lại những hậu quả nghiêm trọng
của tội ác.[20] Tuy
nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh, cần phải tạo một môi trường an toàn và
lành mạnh cho thiếu niên, cho trẻ nhỏ. Ngài mời gọi toàn thể Giáo hội hoàn toàn
nghiêm túc trong việc xử lý các cáo buộc liên quan đến giáo sĩ lạm dụng trẻ,
không che đậy ém nhẹm, và thậm chí Giáo hội phải làm việc với cơ quan hành pháp
để làm sáng tỏ những nghi án trên một cách minh bạch. Đối với Đức Thánh Cha, việc
giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ là một tội ác của người sống đời Thánh hiến, vốn
nhuốm màu đen tối của sự bất trung và làm biến dạng khuôn mặt của Giáo hội.
Ngài mời gọi Giáo hội phải có sự thanh tẩy thật sự, biết tự cáo mình, và ý thức
được rằng dân Chúa có quyền đòi hỏi các mục tử của mình trở nên đồng hình đồng
dạng với Chúa Kitô - vị mục tử nhân lành… Từ đó, Giáo hội chúng ta cần củng cố
việc đào tạo trong chủng viện, nhấn mạnh việc huấn luyện sự trưởng thành tâm cảm,
quân bình trong tâm sinh lý, thể lý và tín lý… để có thể có một “cuộc sống hoàn
toàn tận tuỵ và dấn thân một cách nhất quán; loại bỏ những người thiếu quân
bình về tâm lý, thể lý, và luân lý; không thể chủ quan cho rằng ơn thánh sẽ bù
đắp những khiếm khuyết tự nhiên về vấn đề này” (n.64 Sacerdotalis Caelibatus,
Thánh Phaolô VI). Kế đến, Ngài đề nghị mỗi Hội Đồng Giám Mục phải củng cố đường
hướng mục vụ nhằm khai triển tốt lối tiếp cận phòng ngừa và xử lý triệt để các
trường hợp nghi án, không che đậy, thông qua bộ quy tắc ứng xử cụ thể do Hội Đồng
Giám mục ban hành cho tất cả các giáo phận, giáo xứ, và các cơ sở tổ chức thuộc
Giáo hội.
Một yếu tố quan
trọng mà chúng ta hay bỏ sót đó là thế giới kỹ thuật số, vốn ảnh hưởng nghiêm
trọng lên người trẻ hôm nay, không loại trừ cả với các ứng viên cho đời sống
thánh hiến. Phim ảnh khiêu dâm tràn lan và hiện tượng nghiện phim ảnh này để lại
những hậu quả nghiêm trọng trong sự phát triển tâm lý tính dục của ứng viên và
linh mục. Đối với nạn nhân của sự lạm dụng tình dục, Đức Thánh Cha mời gọi
chúng ta phải biết lắng nghe, tin tưởng và nâng đỡ họ, giúp họ có thể được chữa
lành và được bù đắp xứng hợp trước những thương tổn họ phải gánh chịu.
Ước mong rằng
trong sự khiêm tốn trước mặt Chúa, với lòng yêu mến Giáo hội và những trẻ em vốn
mỏng dòn không thể tự vệ, mỗi chúng ta sẽ làm mọi việc hết sức có thể để bảo đảm
rằng chúng ta sẽ có những vị mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, và những
trẻ em và thiếu niên sẽ luôn được bảo vệ trong một môi trường mục vụ thật an
toàn.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 114 (Tháng 9 & 10 năm 2019)
[1] Đức Bình, “Gần 70% trẻ em Việt
Nam từng bị bạo hành, xâm hại”, tại https://tuoitre.vn/gan-70-tre-em-viet-nam-tung-bi-bao-hanh-xam-hai-20190418102323645.htm, truy cập ngày 20.9.2020
[3] https://www.health.harvard.edu/newsletters/harvard_mental_health_letter/2010/july , truy cập ngày 20.9.2020
[4] Sperry, L., Ministry and
Community: Recognizing, Healing and Preventing Ministry Impairment, Liturgical
Press, Collegeville, Minnesota:2000, 32
[5] https://members.victimsofcrime.org/media/reporting-on-child-sexual-abuse/effects-of-csa-on-the-victim , truy cập ngày 20.9.2020
[6] https://www.counseling.org/docs/disaster-and-trauma_sexual-abuse/long-term-effects-of-childhood-sexual-abuse.pdf?sfvrsn=2 , truy cập ngày 20.9.2020
[7] Emery, R., Laumann-Billing,
L., “Child Abuse,” in M. Rutter, E. Taylor (eds), Child and Adolescent Psychiatry, Oxford, Blackwell Publishing,
2002, 328- 329.
[8] Rosetti, S., “Some Red Flags
for Child Sexual Abuse,” in Human
Development, 15 (1994), No.4, 5-11.
[9] Hanson, R., Prognosis. “How
Can Relapse be Avoided-Discussion” in K. Hanson, K., Pfafflin, F.,Lutz, M.
(eds), Sexual Abuse in the Catholic Church. Scientific and Legal Perspectives,
Città del Vaticano, Editrice Vaticana, 2004, 133-149
[11] Salvatori, A., Salvatori,
S., L’abuso sessuale al minore e il danno
psichico. Il vero e il falso secondo la rassegna della letteratura
internazionale, Milano, Giuffrè, 2001
[12] Sperry, L., Ministry and
Community: Recognizing, Healing and
Preventing Ministry Impairment, op. cit., 32.
[13] https://www.avvenire.it/chiesa/pagine/intervista-pedofilia-scicluna_201003130801409170000_201003311353481630000 , truy cập 20.9.2020
[14] Sperry, L., Ministry and
community:Recognizing, Healing and
Preventing Ministry Impairment, op. cit. 32-33
[16] https://www.franciscanmedia.org/pope-says-church-was-late-fighting-abuse-promises-zero-tolerance/ , truy cập 20.9.2020
[17] https://www.ncronline.org/news/accountability/pope-church-needs-apostolate-prevention-protect-minors-abuse , truy cập 20.9.2020
[19] https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2019/02/24/190224c.html , truy cập 20.9.2020
[20] Ibid.