GIÁO DÂN SỐNG BÍ TÍCH THANH TẨY
TRONG VIỆC XÂY DỰNG MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
LM Giuse Lê Quốc Thăng
WHĐ (01.07.2023) – Mục
tiêu của bài viết là mong cống hiến một cái nhìn đúng đắn về trách nhiệm và bổn
phận của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo hội hôm nay dựa trên nền tảng của
ơn gọi bí tích Thanh Tẩy.
Tính hiệp hành biểu thị một lối sống và cách thực thi sứ vụ
của Giáo hội, nó diễn tả bản chất của Giáo hội là Dân Thiên Chúa cùng nhau lữ
hành và tập họp thành cộng đoàn, được Chúa Giêsu thiết lập trong quyền năng của
Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội
trong đó mọi thành phần đều tham gia và đồng trách nhiệm. Tính hiệp hành mời gọi
sự tham gia của tất cả mọi tín hữu tuỳ theo ơn gọi, bậc sống và sứ vụ của mỗi
người. Sự tham gia dựa trên nền tảng là ơn gọi của bí tích Thanh Tẩy làm cho
người giáo dân thực sự trở nên con Thiên Chúa và là dân của Chúa, là thành phần
làm nên Giáo hội, Nhiệm thể của Chúa Kitô. Bên cạnh đó, mọi người đều được Chúa
Thánh Thần ban cho mỗi người những khả năng, ơn sủng khác nhau để phục vụ lẫn
nhau.
1. Tầm quan trọng của
giáo dân trong Giáo hội
Giáo dân là thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo hội.
Do đó, giáo dân có vai trò rất quan trọng trong Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập
trên nền tảng các thánh tông đồ để tiếp tục sứ vụ của Người trên trần thế cho đến
thời sau hết. Nhờ bí tích Thanh tẩy người tín hữu giáo dân được tháp nhập vào Đức
Kitô và được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và thực sự, họ trở
thành “Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức
Kitô theo cách thức của họ”. Toàn thể Dân Thiên Chúa làm nên Giáo hội, Giáo hội
sống tính hiệp hành cho nên, sự tham gia của giáo dân mang một vai trò thiết yếu.
Giáo dân chiếm đa số trong Dân Chúa, với những ơn huệ đặc biệt của Chúa Thánh
Thần, với những khả năng chuyên môn trong các lãnh vực khác nhau của cuộc sống
con người như văn hoá, kinh tế, chính trị, giáo dục… những lãnh vực cần được
Phúc Âm hoá thì việc tham khảo ý kiến giáo dân là điều không thể thiếu trong
các tiến trình phân định cũng như trong các lãnh vực quản trị của các cộng đoàn
Giáo hội cần đến chuyên môn của họ. Chính lúc này, sự tham gia đồng trách nhiệm
của giáo dân trở nên cần thiết và phải được tôn trọng. Tư duy giáo sĩ trị sẽ
gây tác hại trầm trọng cho việc tham gia của giáo dân, có nguy cơ gạt giáo dân
ra bên lề đời sống Giáo hội. Ngay ở cấp độ Giáo xứ, vai trò của Giáo dân trên
thực tế cho thấy rất quan trọng: nào là sự đóng góp công sức, tiền của xây dựng
cơ sở vật chất và các hoạt động mục vụ; nào là sự dấn thân thực thi bác ái; nào
là sự tích cực tham gia các cử hành phụng vụ nhất là Thánh lễ. Không có sự tham
gia của giáo dân thì chắc chắn đời sống đức tin của giáo xứ sẽ nghèo nàn và sứ
mạng loan báo Tin Mừng không thể thực hiện.
2. Sứ mạng dấn thân
loan báo Tin Mừng
Tín hữu giáo dân sẽ thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi
trường sống và làm việc của mình. Công đồng Vaticanô II đặc biệt đề cao vai trò
của giáo dân trong xã hội trần thế. Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần
thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội
và bằng hữu. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng
lời chứng gương mẫu của đời sống được đâm rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động
qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế
giới lao động, văn hoá, khoa học và nghiên cứu; việc thực hành các trách nhiệm
xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá
nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng
như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo
dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được
tình yêu Thiên Chúa. Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được
nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng. Đối với tín hữu giáo dân, sự hiện
diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính
nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại
mang tính thần học và Giáo hội học nữa. Bởi vì, giáo dân sẽ hoạt động với
tư cách của một con người có phẩm giá cao quý được tạo dựng theo hình ảnh của
Chúa, hơn thế nữa, với tư cách mang một phẩm giá mới cao trọng hơn, tư cách là
người Con Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Bên cạnh đó, người tín hữu
giáo dân khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy họ được gia nhập vào cộng đoàn Dân
Chúa, là thành phần của Giáo hội và làm nên Giáo hội. Họ sẽ hoạt động với tư
cách là thành viên của Dân Chúa. Do đó, họ phải sống đúng phẩm giá làm người,
làm con Chúa trong lòng thế giới và có khả năng hiệp nhất cùng toàn thể Giáo hội
thực thi sứ vụ là điều cần thiết và quan trọng.
Điều này bao hàm một sự hội nhập thực sự của nếp sống Tin Mừng
vào trong những giá trị cao quý của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đồng thời, thúc
đẩy người Kitô hữu biết dùng những giá trị Tin Mừng để thể hiện lòng ái quốc và
cộng tác với mọi thành phần khác trong cộng đồng quốc gia, dân tộc để xây dựng
và phát triển quê hương đất nước mình. Nói cách khác, Kitô hữu phải sống tinh
thần dấn thân phục vụ của Tin Mừng ngay tại quê hương xứ sở, ngay tại môi trường
sống và làm việc của mình.
3. Giáo dân có trách
nhiệm thánh hóa thế giới
Từ đường hướng dấn thân phục vụ này, Công đồng Vaticanô II
đã mời gọi các tín hữu nối kết đời sống của mình với vận mệnh của nhân loại, của
Dân tộc và của Giáo hội: “Với tư cách là công dân nước Trời và nước trần
thế, tín hữu phải nỗ lực và trung thành chu toàn trách nhiệm trần thế của mình
theo sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng. Thực là sai lầm khi có những
người cho rằng quê hương của họ không ở trần gian này và họ đang hành trình về
quê hương vĩnh cửu, cho nên họ nghĩ rằng họ có thể dửng dưng với nhiệm vụ trần
thế. Khi lãng quên những bổn phận đối với đồng loại, tín hữu cũng không chu
toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và hành động này có phương hại đến phần rỗi đời
đời của họ. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể
dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh hoạt ấy xa lạ với
đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng
tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin và cuộc sống
thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời
đại hôm nay.” (GS số 43)
Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian với
ơn gọi thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này và cuộc sống của họ
gắn liền với những thực tại trần thế, bối cảnh xã hội, không gian sống đã định
hướng cho đời sống của giáo dân là nên thánh và làm cho mọi thực tại xã hội gắn
liền với mình nên thánh. Một khi mang trên vai sứ vụ như thế, người giáo dân rõ
ràng đã được thúc đẩy bởi lệnh sai đi vào giữa thế gian của Đức Kitô (x. Ga 17, 18). Được sai đi như thế, một
mặt người giáo dân phải sống theo Tin Mừng của Đức Kitô, một mặt phải chấp nhận
hòa mình vào dòng chảy của cuộc đời. Sống như thế, không phải là đi tìm một lối
sống hai mặt trái nghịch nhau, nhưng luôn phải nỗ lực không ngừng để ở giữa thế
gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian
là một thách đố lớn cho người Kitô hữu, vì những giá trị thế gian rất hấp dẫn,
cần thiết cho cuộc sống nhân sinh nhưng chạy theo nó thì dễ làm cho người giáo
dân từ chối con đường Tin Mừng. Thách đố này đòi hỏi người giáo dân phải biết sống
và chọn lựa những giá trị cuộc sống theo ánh sáng Tin Mừng.
Kết luận
Hiệp hành là vì hiệp thông; do hiệp thông nên tham gia đồng
trách nhiệm để cùng thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Kitô đã uỷ thác cho
các tông đồ và toàn thể mọi thành viên trong Giáo hội. Giáo hội do Chúa Kitô
thiết lập, là Dân Chúa nên không thể đi theo các mô hình thể chế chính trị, nhà
nước của thế gian. Với bí tích Truyền Chức, Chúa Kitô trao ban cho Dân Chúa những
mục tử để thay mặt Người chăm sóc, hướng dẫn Dân Chúa sống và loan báo Tin Mừng.
Vì thế, cơ cấu tổ chức của Giáo hội, cụ thể là Giáo xứ không thể theo những mô thức quyền bính, bầu cử dân chủ của xã hội dân sự. Do đó, tham gia đồng trách nhiệm không có nghĩa là cào bằng, là dân chủ theo kiểu thế gian, ai cũng như ai. Loại trừ triệt để tệ nạn giáo sĩ trị, tôn trọng và đề cao vai trò giáo dân không có nghĩa là đảo cực giáo dân lên làm lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đạo giáo sĩ. Vì Giáo hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng của bí tích Thanh Tẩy và Truyền Chức, do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chăm sóc.
(Trích tài liệu thường huấn cho Ủy ban Giáo dân Giáo tỉnh Sài Gòn năm 2023)