GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 76: MỘT GIÊSU CHO NGƯỜI TRẺ
Hỏi: Hiện
nay, truyền đạo cho giới trẻ như thế nào thì hiệu quả?
Trả lời:
Muốn truyền đạo,
phải sống đạo trước đã.
Nhóm Barna ở Mỹ
đã dành ra năm năm cho dự án nghiên cứu về “Những cơ hội và những thách đố
trong đức tin đối với người trẻ”.[1]
Nhóm đã đưa ra sáu lý do tại sao người trẻ bỏ đến nhà thờ. Những lý do đó là
gì?
1. Nặng lý thuyết, xa rời thực tế
2. Nhàm chán
3. Nhiều người Kitô Hữu quá tự tôn cho rằng
mình biết mọi sự
4. Khắc khe trong vấn đề tính dục
5. Thái độ độc tôn, thiếu tinh thần đối thoại
liên tôn
6. Không thân thiện
Đó là chuyện bên
Tây. Mà Tây thì khác ta lắm, nên không hẵn tất cả những lý do trên đều đúng, và
phù hợp với tâm tình, kinh nghiệm, và lối sống của giới trẻ Việt Nam. Tuy
nhiên, những lý do trên cũng đáng để ta suy gẫm và đặt ra câu hỏi: Vậy xu hướng
sống của người trẻ Việt Nam là gì? Họ đang nghĩ gì về Giáo hội? Hoặc họ đang cần
gì, đang mong đợi điều gì nơi các nhà truyền giáo, những người đang đồng hành với
họ trong đời sống đức tin?
Nếu là bảy năm về
trước, tôi sẽ không mất thời gian đặt ra cho mình câu hỏi này. Thay vào đó, tôi
sẽ tập trung chuẩn bị những điều tôi cần làm, chứ không quan tâm làm
những điều người trẻ cần. Giáo xứ nơi tôi từng phục vụ đa số là tân tòng,
nên tôi nghĩ các bạn trẻ cần tôi truyền
đạt cho họ những kiến thức giáo lý cơ bản để kịp lãnh các bí tích nhanh nhất có
thể, vì không khéo các bạn sẽ phải rời làng quê, lên thành phố lớn đi làm, rồi
lại bỏ lỡ các bí tích. Nghĩ vậy, nên tôi tranh thủ giúp các bạn “nạp” hết những
điều phải tin và phải giữ. Và thế là, tôi không có giờ để hỏi xem cuộc sống của
các bạn như thế nào, các bạn đang nghĩ gì
về Giáo hội, hoặc đơn giản hơn, là các bạn đang cần gì nơi tôi, nơi lớp giáo lý
các bạn đang tham dự. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thiếu sót quá, tôi xin lỗi
các bạn ấy thật nhiều.
Từ giây phút nhận
ra vai trò của người trẻ trong Giáo hội, tôi đã dành thời gian để QUAN SÁT–TIẾP
CẬN–LẮNG NGHE và ĐỒNG HÀNH cùng các bạn. Chủ ý này đã giúp tôi khám phá nhiều
điều.
Thứ nhất, tôi tiếp cận được xu hướng
sống của họ. Chẳng hạn, một trong những xu hướng nổi bật ngày nay là YOLO. Vậy
YOLO là gì? Đó là từ viết tắt của câu “you
only live once”, tạm dịch là: Bạn chỉ
sống một lần. Đối với người trẻ hiện nay, họ sống hết mình với hiện tại và
đam mê, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân cho những điều mình thích.[2]
Bên cạnh những mặt hạn chế, xu hướng sống này phá vỡ những rào cản của sự nhút
nhát, do dự nơi người trẻ vì họ có khao khát mãnh liệt được là chính mình. Từ
đó, họ trân quý những gì họ có trong hiện tại: gia đình, cha mẹ, bạn bè, đam mê
và thời gian.
Sau khi biết xu
hướng sống của các bạn, tôi tiếp tục đặt cho mình câu hỏi: Vậy người trẻ cần gì
nơi tôi? Và tôi được họ chia sẻ rằng, họ cần những người truyền cảm hứng tích cực,
để giúp họ có những định hướng đúng đắn trong tư duy và khơi dậy năng lực sống
bên trong. Thế là, tôi không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho họ vì tôi muốn
họ biết rằng, ngoài một Thiên Chúa “phép
tắc vô cùng hằng có đời đời”, Chúa Giêsu cũng là một con người, cũng trải
qua thời trẻ trung như các bạn. Ngài cũng có những hoài bão, đam mê, và những định
hướng sống cho cuộc đời mình và cho mọi người. Đọc lại Tin Mừng xem, thanh niên
trẻ Giêsu là người đã truyền cảm hứng cho biết bao con người về thái độ sống
tích cực. Những điều đó là gì?
Một, sự tự do nội tâm. Đức Giêsu chu toàn mọi
lề luật trong tinh thần tự do. Ngài chịu phép Rửa bởi Gioan (Mt 3,13–17), chịu
cắt bì theo truyền thống người Do Thái ((Lc 2,21), hành hương theo luật định
(Lc 2,41–52), nộp thuế cho đền thờ (Mt 17,22–27).... những điều mà Ngài, Con
Thiên Chúa, không buộc phải giữ. Còn các bạn, những người trẻ, các bạn có đang
nhìn về những giáo lý, giáo luật, và truyền thống của Hội Thánh như phương tiện
để thánh hóa bản thân và giúp mình sống đức tin, và gần gủi, bác ái hơn với tha
nhân không? Điều gì đang làm các bạn do dự, hoặc ngăn cản sự tự do thi hành những
điều đó?
Hai, yêu hết mình. Đức Giêsu cũng là một người
trẻ. Cuộc đời Ngài sống chết cho tình yêu. Ngài bắt đầu và kết thúc mọi sự
trong tình yêu. Tình yêu là nền tảng trong mọi lời nói, việc làm, và trong mọi
tương quan của Ngài. Hãy nhìn về Bêlem mùa băng tuyết, nơi hang đá nghèo nèn, một
Tình Yêu giáng sinh cho nhân loại. Hãy nhìn về hành trình ba năm rong ruổi khắp
miền Galilê, Ngài cùng các môn đệ đã gieo rắc Tin Mừng yêu thương như thế nào.
Và hãy nhìn lên cao nữa trên đỉnh đồi Golgotha, một Giêsu dám hiến mình đền
thay tội lỗi thế nhân. Còn những người trẻ hôm nay, điều gì làm các bạn can đảm
dấn thân? Đâu là những giá trị mà các bạn đang theo đuổi?
Ba, là bao dung, tha thứ. Các bạn trẻ giờ hay
nói với nhau: “ông trời tạo ra địa chấn,
và sợi dây chuyền em đeo là điểm nhấn”. Rồi nhiều câu tương tự như vậy. Những
câu nói được bắt chước nhau trên mạng như thế tạo ra trend nói, thu hút rất đông đảo các bạn trẻ tham gia. Tôi cũng bị ảnh
hưởng. Nhưng tôi không chắc ai tạo ra địa chấn. Ông trời? Thiên nhiên? Hay con
người? Và “điểm nhấn” nơi người đối diện còn tùy thuộc vào người nhìn, và điều
họ quan tâm.
Phần mình, tôi thấy
sự bao dung, tha thứ thì rõ ràng là điểm nhấn nơi con người Đức Giêsu. Không ít
lần Ngài dạy các môn đệ mình hãy bao dung, tha thứ: (Mt 6,14; Ep 4,32...). Bao
dung với tội nhân, tha thứ cho kẻ thù, và làm ơn cho những kẻ bách hại mình. Vậy,
nếu các bạn trẻ cũng muốn có “điểm nhấn” giống như vậy, thì hãy đến và học theo
trend Giêsu, là hiện thân của một
Thiên Chúa rất bao dung và tha thứ. Noi gương Ngài, ta sẽ sống bình an, và hàn
gắn lại những vết thương trong từng mối tương quan. Đồng thời cũng góp phần kiến
tạo cho mình một thế giới đầy ắp vị tha, và tình người. Ngạn ngữ Đức cũng đã từng
khẳng định: “Nếu Thiên Chúa không bao dung, thiên đàng sẽ trống rỗng”. Cũng vậy,
nếu chúng ta không biết bao dung, tha thứ cho nhau, thì địa ngục cũng đang hiện
hữu trong lòng rồi.
Sơ sơ thôi đó, những
điều tích cực tôi học được nơi con người Đức Giêsu. Và tôi muốn chia sẻ lại cho
các bạn như con đường dẫn đến sự hoàn thiện, và hạnh phúc. Mỗi người Kitô hữu đều
được mời gọi để đi theo, bắt chước, và sống với những điều tích cực ấy. Còn bạn
thì sao? Nếu bạn đang thao thức tìm cho mình một con đường dẫn đến hạnh phúc,
thì đây quả là một sự khởi đầu cho hành trình tìm kiếm giá trị mang tính bền vững.
Hãy sống tự do. Hãy yêu hết mình. Và không quên bao dung, tha thứ… như Chúa.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
Đọc thêm:
[1] The Barna Group. Six Reasons
Young Christians Leave Church.
https://biologos.org/articles/six-reasons-young-christians-leave-church.
[2] Vi Linh. Yolo là gì? Ảnh Hưởng Của
Thông Điệp YOLO đến thế hệ trẻ? https://timviec365.vn/blog/yolo-nghia-la-gi-new4135.html