GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 80: KINH THÁNH CÓ
THẬT LÀ LỜI CHÚA?
Hỏi: Làm sao chúng ta biết Kinh Thánh là lời của Chúa?
Có bằng chứng nào xác minh?
Trả lời:
Chúng tôi xin trả lời
câu hỏi của bạn bằng câu chuyện sau.
Có một người vô tín trêu
người bạn mình là một tín hữu Công giáo:
Người vô tín: Tôi thấy ông thật ngớ ngẩn. Tin vào những điều tầm
phào.
Người Công giáo: Tôi tin tầm phào cái gì?
Người vô tín: Rõ ràng cuốn sách Kinh Thánh gì gì đó là do con
người viết, sao các ông cứ khăng khăng là lời Chúa. Làm sao ông biết đó là lời Chúa?
Ông chứng minh tôi xem nào?
Người Công giáo: Ông muốn tôi chứng minh như thế nào? Tôi phải làm
gì để ông tin? Chẳng lẽ bảo Chúa hiện ra nói với ông đó là lời Chúa à?
Người vô tín: Nếu Chúa hiện ra thì tốt quá. Nhưng Chúa có hiện
ra đâu. Tất cả đều do mấy ông rảnh rỗi, thêu dệt, bịa chuyện để chiêu dụ người
ta theo tôn giáo của mấy ông thôi.
Người Công giáo: Nếu ông nghĩ như vậy thì tôi cũng chịu thôi. Cũng
có thể ông đúng, vì tôi chẳng biết làm sao để chứng minh cho ông theo kiểu của
toán học được. Nhưng bỗng dưng ông làm cho tôi suy nghĩ.
Người vô tín: Ông suy nghĩ cái gì?
Người Công giáo: Tôi tự hỏi làm sao ông biết người mà ông gọi là “bố”
là bố của ông thật?
Người vô tín: Này, này, ông đừng có vô duyên nhé!
Người Công giáo: Vô duyên gì chứ! Ông chứng minh tôi xem thử coi.
Người vô tín: Trong giấy khai sinh ghi như thế. Mẹ tôi nói như
thế. Ông bà tôi nói như thế. Hàng xóm tôi xác nhận điều đó.
Người Công giáo: Trời, ông từng tuổi này rồi mà lại đi tin vào những
gì người ta nói à. Biết đâu người ta lừa ông thì sao. Giấy khai sinh ghi sai
thì sao. Báo chí vẫn đăng đầy những câu chuyện lừa gạt nhầm lẫn đấy thôi.
Người vô tín: Tôi có thể đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ADN sẽ
chứng minh được thôi.
Người Công giáo: Vậy thì ông lại phải tin vào cái máy làm xét nghiệm,
rồi tin vào người làm xét nghiệm nữa. Lỡ người làm xét nghiệm làm sai, hoặc ông
ta nhầm lẫn với kết quả của ai đó, hoặc ông ta lừa ông thì sao? Biết đâu cái
máy xét nghiệm có trục trặc gì đó khi làm xét nghiệm cho ông thì sao?
Người vô tín: Ông định bắt bẻ tôi đấy à? Làm gì có chuyện đó? Tại
sao gia đình tôi phải lừa tôi chứ?
Người Công giáo: Tôi chỉ hỏi thôi mà. Còn tại sao người ta lừa ông
thì ai mà biết. Nhưng ông cũng không thể chứng minh cho tôi cách chắc chắn rằng
người đàn ông mà ông gọi là “bố” kia là bố thật của ông, đúng không?
Người vô tín: Ông không thấy tôi giống bố tôi như đúc à. Ai cũng
bảo thế!
Người Công giáo: Thế gian này có thiếu gì người giống người, mà họ
có máu mủ gì đâu. Vả lại, ông nói thế thì chẳng lẽ đứa bé sinh ra không giống
cha mẹ nó như đúc thì không phải là con của họ à.
Người vô tín: Nhưng tôi khẳng định đó là bố tôi.
Người Công giáo: Này này, ông đừng có vô lý thế. Nói cái gì cũng phải
có bằng chứng chứng minh thuyết phục chứ. Khẳng định là khẳng định thế nào.
Người vô tín: Tôi tin như thế, vì từ bé đến lớn, tôi cảm nhận được
sự gần gũi của bố với tôi. Tôi thấy giữa tôi với ông có một mối dây gì đó rất
thiêng liêng mà tôi không có với bất kỳ người đàn ông nào khác trên đời. Tôi
cũng cảm nhận thấy bố tôi yêu thương tôi nhiều hơn bất cứ ai.
Người Công giáo: Vậy tại sao hồi nhỏ bố ông lại không giúp ông kinh
doanh mà bắt ông phải một mình tự lập. Ông không thấy có gì đó mâu thuẫn với
cái mà ông gọi là tình yêu à?
Người vô tín: Thì lúc đầu tôi không hiểu tại sao bố tôi làm thế,
nhưng dần dần, khi lớn lên tôi hiểu hơn. Cũng nhờ mẹ tôi giải thích cho tôi hiểu
rõ ngọn ngành, nên tôi mới hiểu ra những gì ẩn giấu trong đầu của bố. Tôi yêu bố
nhiều hơn và tôi tin rằng ông ta là bố tôi thật, cộng với những bằng chứng lúc
nãy tôi nói mà ông không chịu tin nữa.
Người Công giáo: Vậy rốt cuộc là mình cũng quy về chữ “tin”, đúng
không? Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Dĩ nhiên là niềm tin của mình không phải
là một niềm tin vớ vẩn, vô căn cứ. Nhưng nó dựa trên những bằng chứng được cho
là khá xác thực để mình tin.
Người vô tín: Nhưng nãy giờ ông cứ vặn vẹo tôi chuyện này để làm
gì?
Người Công giáo: Thì để trả lời cho cái điều mà ông vặn vẹo tôi đó?
Người vô tín: Tôi vặn vẹo ông bao giờ?
Người Công giáo: Lúc nãy, chẳng phải ông đã nói tôi là “hâm” khi tự
dưng nói quyển sách Kinh Thánh là lời Chúa đấy thôi? Tôi chả có bằng chứng gì để
chứng minh cho ông, cũng giống như ông chẳng có gì để thuyết phục tôi chuyện
người mà ông gọi là “bố” đích thực là bố ông. Nhưng chúng tôi tin, cũng giống
như ông tin rằng người đó là bố ông vậy. Và cũng giống như ông, chúng tôi không
tin một điều mà chúng tôi không có căn cứ. Giáo hội Công giáo của chúng tôi
không tự dưng lấy ngẫu nhiên quyển sách nào đó của ai đó rồi phán “đó là Lời
Chúa”, dù người đó có nổi tiếng đến thế nào.
Niềm tin của chúng tôi
trước hết đặt ở một con người tên là Giêsu. Qua những gì Người nói và Người
làm, và chính Người cũng khẳng định thân phận “từ trời” của mình.
Tin vào con người đặc biệt này dẫn chúng tôi đến việc tin những gì Người nói.
Khi còn sống, Người đã sử dụng cái mà chúng tôi gọi là Kinh Thánh Cựu Ước như
là lời của Thiên Chúa để giảng dạy cho chúng tôi. Sau khi Người về trời, các
môn đệ và những người thân tín đã ghi lại những gì Người dạy cho chúng tôi biết.
Những tác phẩm này được gọi là Tân Ước.
Thực ra, có rất nhiều
tác phẩm về Người được viết ra, nhưng không phải tác phẩm nào cũng được xem là
lời Chúa. Phải trải qua một thời gian dài thẩm định, kiểm chứng, cùng với ơn
soi sáng mà Thiên Chúa ban cho một số vị Thánh, Giáo hội mới đi đến xác quyết về
một số cuốn phản ánh chân thực chân lý đức tin và mặc khải của Thiên Chúa. Từ
đó, chúng tôi có trọn vẹn cuốn Kinh Thánh như ngày hôm nay.
Người vô tín: Nhưng nếu Kinh Thánh là lời Chúa, thì tại sao lại
có những chỗ khó hiểu, thậm chí không giống và trùng khớp với nhau?
Người Công giáo: Thì cũng giống như chuyện ông không hiểu về những
quyết định của bố ông vậy. Có những cái ông phải tìm hiểu kỹ. Đôi khi ông phải
nhờ đến sự giải thích của mẹ ông, là người hiểu rõ bố ông nhất thì mới khám phá
ra và hiểu đúng ý của bố ông. Ban đầu, ông rất khó chịu khi bố ông có vẻ rất
cương quyết với ông, nhưng dần dần, ông hiểu ra ý bố và yêu bố hơn. Chúng tôi
cũng vậy. Không phải lúc nào chúng tôi cũng hiểu đủ và hiểu đúng lời Chúa. Bởi
vậy, trước khi phán xét và chê bai, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ và nhờ những người
có hiểu biết giải thích cho chúng tôi. Khi hiểu rồi, chúng tôi càng tin chắc
hơn Kinh Thánh là lời Chúa, vì nó đụng chạm đến từng ngõ ngách cuộc đời chúng
tôi, giúp chúng tôi vươn lên một cảnh vực mới.
Người vô tín: Nhưng tôi vẫn cảm thấy nó sao sao á?
Người Công giáo: Có một loại kiến thức không đến từ chứng minh của
khoa học, nhưng đến từ trực giác của con tim. Không phải tôi, hay một vài người
tin rằng Kinh Thánh là lời Chúa, mà cả hơn một tỷ người. Trong số những người
tin vào Kinh Thánh cũng có không ít người là những khoa học gia, bác học uyên
thâm, chứ không phải là những người ít học, kém hiểu biết. Bởi thế, với tất cả
những chứng cứ này, ông bảo tôi có lý không khi tin Kinh Thánh là lời Chúa? Mà
thực ra, nếu ông không thể cảm nhận được thì cũng không sao, chỉ cần ông mở
lòng ra, bỏ đi thành kiến, thì một ngày nào đó, ông sẽ được cho thấy thôi.
Người vô tín: Thôi, tôi không tầm phào với ông nữa. Tôi phải đi
kiếm cơm đây.
Người Công giáo: Ừ, tôi cũng vậy. Chào ông nhé!
Bài cùng chủ đề: Michel Quesnel, Những câu hỏi đầu tiên về Kinh Thánh: Tổng quát
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn
Giáo, 04/2021)
Đọc thêm: