GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 77: KHÔNG BIẾT KHÔNG THỂ PHỤC VỤ
Hỏi: Mỗi khi nói đến nhân quyền, nhiều người trẻ
e sợ vì động đến chính trị. Vậy Giáo huấn của Giáo hội Công giáo nói thế nào về
vấn đề nhân quyền? Chúng con có cần quan tâm đến chính trị nước nhà?
Trả lời:
Khi đọc câu hỏi của bạn, chúng tôi nghĩ ngay đến một tài liệu dành cho người
trẻ: DOCAT[1].
Đó là những chỉ dẫn đặc biệt liên quan đến xã hội và chính trị. Đó còn là những
học thuyết của Giáo hội mà chúng ta dựa vào đó để hành xử. Chẳng hạn, phần Quyền
Lực và Luân Lý: Cộng Đồng Chính Trị, chúng ta sẽ hiểu hơn về cách Giáo hội hiểu
và sống trong môi trường chính trị như thế nào. Chẳng hạn trong đó chúng ta có
thể tìm thấy câu trả lời ngắn gọn về những vấn đề: Tại sao các Kitô hữu không
thể đứng ngoài chính trị? Tại sao các Kitô hữu ủng hộ tự do và công lý cho tất
cả mọi người? Và tại sao trở thành công dân tốt lại là mối quan tâm ý nghĩa nhất
của các Kitô hữu? (x. Docat câu hỏi 195 tới 228).
Xét về yếu tố
nhân loại, Giáo hội không thể tách biệt hoàn toàn với chính trị và xã hội. Bạn
và tôi cũng không thể sống mà không có căn cước, đất nước, chính quyền hoặc hệ
thống chính trị. Mỗi người đều bị chính trị xã hội chi phối. Giáo hội tuy ít
nhiều bị chính trị ảnh hưởng, nhưng Giáo hội luôn lấy giá trị Tin Mừng và con
người làm gốc để đối thoại và hợp tác với mỗi quốc gia. Tiếc là thường có những
xung đột, thậm chí là dân Chúa bị bách hại. Dẫu sao, Thiên Chúa mời gọi mỗi người
cần dựng xây môi trường sống một cách tốt đẹp nhất.
Vài thuật ngữ
- Chính trị
Chính trị là một
khái niệm khá rộng. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu đó là các hoạt động hoặc quyết
định liên quan đến nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có nhà nước, chính
quyền, nhân dân và hệ thống pháp luật, v.v. Từ thời xa xưa, người ta đã thấy cộng
đồng chính trị thường là một cộng đồng người điều hành các vấn đề chung của một
xã hội, của một quốc gia (res publica). Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với quan điểm
của triết gia Aristotle: con người là “sinh vật chính trị”. Nghĩa là ai cũng
quan tâm đến chính trị. Tùy địa vị của mỗi người mà mức độ quan tâm ấy lớn hay
nhỏ.
- Chính quyền
Trong khi đó,
chính quyền là thế lực chính trị theo hiến định để điều hành một quốc gia hay một
địa phương. Chính quyền có thể do các công dân bầu ra hoặc do một cơ quan quyền
lực cao hơn đặt định. Dĩ nhiên về lý tưởng, chính quyền có trách nhiệm phục vụ
công dân nhằm xây dựng, đảm bảo và duy trì sự công bằng, ổn định, an ninh và an
sinh xã hội[2].
Ở chiều ngược lại, theo giáo huấn của Giáo hội, người dân cũng phải tùng phục
chính quyền, vì mọi quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa và do Ngài thiết lập[3].
Ngược lại, Giáo hội cũng mong các nhà cầm quyền là tôi trung và là tác viên của
Thiên Chúa được đặt lên vì lợi ích của nhân dân. (x Rm 13,1–7).
- Nhà nước
Nếu mở từ điển
Công giáo mục từ “Nhà Nước”, bạn sẽ thấy định nghĩa: “Nhà nước là chủ thể chính
trị có lãnh thổ, dân chúng và có quyền theo hiến định.” Theo quan điểm của Giáo
hội: Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến công ích của xã hội dân sự, của
các công dân và các tổ chức trung gian. (Giáo Lý số 1910).
Có thể bạn sẽ ngạc
nhiên với câu trả lời của Giáo hội: “Đối với Kitô hữu, nhà nước luôn được coi
là thứ yếu so với con người, hoặc nói cách khác, là thứ yếu so với cộng đồng của
những người mà ngày nay chúng ta gọi là xã hội dân sự.”[4]
Giáo hội muốn nhà nước phải đặt con người làm trung tâm của mọi chính sách và
điều hành đất nước. Bởi đơn giản, chúng ta biết nhân phẩm là món quà của Thiên
Chúa. Ngài đòi buộc nhà nước cũng như mọi tổ chức xã hội gìn giữ và bảo vệ phẩm
giá của con người. Do đó, Giáo hội luôn đòi ưu tiên là “coi trọng nhân vị của họ,
rồi đến xã hội, và cuối cùng mới đến nhà nước.” Tóm lại, “Con người là nền tảng
và mục tiêu của đời sống chính trị.” (Tóm Lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội
384).
Nhân phẩm và quyền con người
Do đó chính trị tốt
là nền chính trị nhằm hướng đến phát triển con người chứ không phải để cai trị.
Hướng đến con đường chính trị chung của thế giới, hẳn là mỗi người mong ước nền
dân chủ. Về mặt lý thuyết, Việt Nam cũng đang theo hướng này; nghĩa là lấy quyền
lực của nhân dân làm gốc (democracy: demo:
nhân dân, kratos: quyền lực). Một
trong những đặc tính của nền dân chủ là: phẩm
giá mà mỗi người đều có và không phụ thuộc vào nguồn gốc, dòng dõi của
mình. (Docat 205). Mặt khác, Giáo hội ghi nhận điều này: “Chế độ dân chủ không
phải tốt hơn chế độ quân chủ hay chế độ quý tộc vì nó hiệu quả hơn, nhưng đúng
hơn là vì nó có một đặc điểm (ethos) khác dựa trên quyền con người và còn là một
khuôn khổ tổ chức tốt hơn cho sự đầy đủ trọn vẹn của con người.”[5]
Dĩ nhiên Giáo hội không lý tưởng hóa nền dân chủ, vì nó cũng là một chế độ có
thể vướng sai lầm và thiếu sót. (x Docat 221).
Chúng ta thường
nghe đến nhân quyền hoặc quyền con người. Theo đó quyền con người là: được mưu
cầu hạnh phúc, quyền hưởng cuộc sống xứng hợp trong: của ăn, quần áo, nhà ở. Đó
còn là quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục,
quyền làm việc, được bảo vệ thanh danh, được kính trọng, được thông tin đúng đắn,
quyền hành động theo luật ngay chính của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng
tư và có được tự do chính đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo. (xem Docat số 2
và 26).
Hãy quan tâm đến đời sống chính trị!
Tới đây hy vọng
chúng ta thấy vai trò của người tín hữu trong một thể chế chính trị. Một mặt,
chúng ta cần quan tâm đến chính trị để cùng nhau dựng xây đất nước thật sự công
bằng, dân chủ và văn minh. Mặt khác, là người chủ của đất nước, chúng ta cần thấy
được những bất công hoặc những điều đang gây tổn hại đến quyền của con người, nếu
có. Trong buối cảnh đó, Giáo hội có nhiệm vụ lên tiếng để bảo vệ con người. Nếu
phải trưng dẫn, chúng ta cần nhớ đến lời này của Đức thánh cha Phaolô VI, sau này
thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắc lại:
“Giáo hội tha thiết với các vấn đề liên hệ đến
nhân quyền và tự do: Việc dấn thân của Giáo hội trong lãnh vực này hoàn toàn ăn
khớp với sứ mạng đạo đức và tôn giáo của mình. Giáo hội mạnh mẽ bênh vực nhân
quyền vì xem các quyền ấy là một yếu tố cần thiết của bổn phận phải nhìn nhận
phẩm giá của nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu chuộc
bởi Chúa Kitô.”[6]
Trong câu hỏi
trên, chúng ta phải tách chiều kích chính trị và tôn giáo ra với nhau, như Chúa
Giêsu cũng đã làm với lời tuyên bố: “Những gì của Xê–da, hãy trả cho Xê–da, và
những gì của Thiên Chúa, hãy trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21). Ngài chẳng thuộc phe phái chính trị nào. Nếu như chính
trị thường chạy theo quyền lực, tiền tài, danh vọng và áp đặt, thì Giáo hội
theo mẫu gương của Đức Giêsu: không phải để thống trị, nhưng để phục vụ. “Ai muốn
làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,26).
Do đó, về mặt
chính trị, Giáo hội không liên quan cơ cấu chặt chẽ với nhà nước. Hoặc nói theo
Đức Phanxicô: “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải tham dự vào chính trị”[7].
Theo ý nghĩa này, quyền tự trị và độc lập của Giáo hội và Nhà Nước được đặc biệt
nhấn mạnh. Lý tưởng mà nói, Giáo hội và Nhà Nước phải cùng làm việc với nhau
cách hợp lý tốt đẹp. Dù ai đang ở trong bộ máy chính trị hoặc điều hành đất nước,
Giáo hội vẫn hy vọng họ theo đuổi con đường phục vụ nhân dân!
Vô tri bất mộ
Bạn thân mến,
Là người trẻ, tôi
đồng cảm nhận với bạn khi nhìn về chính trị nước nhà. Đó là ngôi nhà chúng ta
sinh ra và lớn lên, là môi trường để chúng ta thành người và nên con Chúa. Nhiều
người nhận xét rằng: “Giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến chính trị nước nhà!” Điều
ấy hình như đúng vì người trẻ còn nhiều mối bận tâm thú vị khác. Thực tế nhiều
bạn cũng quan tâm đến chính trị, nhưng không tiện nói ra hoặc thể hiện. Có nhiều
bạn sợ hãi hoặc e dè!
Với những chia sẻ
về Giáo huấn của Giáo hội trên đây, chúng ta thấy chính trị quan trọng cho mỗi
người. Việt Nam mình nói rất hay: “Vô tri bất mộ – Không biết không thể yêu.” Cũng vậy, không biết không thể phục vụ. Nếu bạn
và tôi không biết hiện tình đất nước, làm sao chúng ta có thể phục vụ? Nếu đứng
ngoài thời cuộc, làm sao chúng ta có thể cùng với Giáo hội phục vụ con người? Nếu
không muốn tìm hiểu đời sống chính trị đang diễn ra, làm sao chúng ta có thể dấn
bước vào đời? Dẫu sao khi mỗi người dấn thân vào đời sống xã hội, lúc đó họ dễ
bị xem là có động cơ chính trị, đứng về một phe, một đảng phái hay thế lực
chính trị nào đó. Thực tế là họ bị các nhóm khác coi là thù địch.
Là người trẻ,
chúng ta thường có nhiều hoài bão và muốn phục vụ, cả trong Giáo hội lẫn ngoài
Xã Hội. Đó là thế mạnh của người trẻ. Cụ thể mới đây cả Giáo hội, qua lời của Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, đặc biệt nhắn với người trẻ:
“Mặc dù dưới một hình thức khác so với các thế hệ
trước, việc tham gia xã hội là một tính năng cụ thể của giới trẻ ngày nay. Bên
cạnh một số em vẫn thờ ơ, có nhiều em khác sẵn sàng tự nguyện cung cấp các sáng
kiến, làm công dân tích cực và đoàn kết xã hội: điều quan trọng là phải hỗ trợ
và khích lệ các em phát huy tài năng, kỹ năng và óc sáng tạo, và khuyến khích
tinh thần trách nhiệm của các em. Sự tham gia xã hội và tiếp xúc trực tiếp với
những người nghèo vẫn là một cơ hội cơ bản để khám phá và đào sâu đức tin cùng
phân định ơn gọi của chính mình. Việc chuẩn bị để dấn thân vào đời sống chính
trị ngõ hầu xây dựng công ích cũng được ghi nhận.”[8]
Cuối cùng, thiết
tưởng lời sau đây của Lm. Nguyễn Hai Tính SJ có ý nghĩa quan trọng: “Những quyết định liên quan đến những tình huống cụ thể sẽ được thực hiện
bằng thái độ và phương thế phân định thiêng liêng, cá nhân cũng như tập thể, để
tìm ra, trong cầu nguyện và qua việc lãnh nhận các ân sủng bí tích, đâu là Ý
Chúa muốn chúng ta thực hiện ở đây và lúc này.”[9]
Được như thế, hy
vọng bạn và tôi mỗi ngày hiểu hơn về đời sống của người dân hơn. Càng để tâm,
chúng ta càng hiểu thêm về hiện tình của đất nước mình hơn. Khi đó, chúng ta
cùng với Giáo hội dấn thân vào con đường phục vụ cho đất nước thật sự công bằng,
dân chủ và văn minh. Bạn nhé!!!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
Đọc thêm: