GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 64: GIÁO HỘI VÀ VẤN ĐỀ ĐỒNG TÍNH
Hỏi: Người đồng tính có được lên Thiên Đàng không? Tại sao Giáo hội vẫn
chưa cho phép kết hôn đồng tính?
Trả lời:
Con người theo hình ảnh Thiên Chúa
Tự nền tảng, Giáo Lý Giáo hội Công giáo dạy rằng
con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là khởi nguồn
và là cùng đích của mọi con người. Con người được tạo dựng không phải chỉ để sống
cuộc đời chóng qua này, nhưng để hướng đến Thiên Đàng vinh phúc, theo nghĩa hướng
đến một sự kết hợp viên mãn và trọn vẹn với Thiên Chúa. Chỉ cần là con người,
ai cũng có cơ hội được lên Thiên Đàng. Vì thế, cơ hội lên Thiên Đàng đương
nhiên sẽ có cho cả người đồng tính.
Tuy nhiên, câu hỏi của bạn chừng như không đơn
giản chỉ dừng lại ở đó, phải không?
Trong não trạng bình dân, mẫu câu hỏi ai đó
“có được lên Thiên Đàng không” hay được sử dụng cho những trường hợp ngoại thường.
Chẳng hạn: Giu–đa có được lên Thiên Đàng không? Những kẻ chịu trách nhiệm về
cái chết của Chúa Giêsu có được lên Thiên Đàng không? Những người tự tử có được
lên Thiên Đàng không?... Mẫu câu hỏi ấy
hay được dùng cho những người thường bị xem là “có vấn đề” về mặt luân lý, những
kẻ tội lỗi.
Vậy thì điều gì ẩn đằng sau câu hỏi “người đồng
tính có được lên Thiên Đàng không”? Phải chăng tâm trí của chúng ta quan niệm rằng
những người đồng tính là những người có vấn đề theo nghĩa luân lý? Họ là những
kẻ tội lỗi?
Giáo hội chưa bao giờ khẳng định điều này! Ngược
lại Giáo hội thường lên tiếng bảo vệ phẩm giá của những người đồng tính. Trong
Thư gởi Các Giám Mục trên toàn thế giới về vấn đề chăm sóc mục vụ cho những người
đồng tính (Letter to the Bishops of the
Catholic Church on the Pastoral Care of Homosexual Persons), ban
hành tại Rôma ngày 01/10/1986, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã lên tiếng rằng những
hành động xâm phạm hoặc phân biệt đối xử đối với người đồng tính, dù là qua lời
nói hay qua hành động, đều đáng lên án. Bởi lẽ, phẩm giá của mọi con người đều
phải được tôn trọng (số 10).
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên
Chúa, và do đó, không thể đánh giá một con người cách giản lược chỉ qua xu hướng
giới tính của người đó. Mọi con người sống trên mặt đất đều có những vấn đề cá
nhân riêng và những khó khăn riêng. Nhưng ai cũng được mời gọi phải trưởng
thành, phải lớn lên, phải phát triển những khả năng của mình. Giáo hội đặc biệt
lưu tâm đến việc chăm sóc cho con người, và từ chối nhìn con người qua lăng
kính đồng tính hay không đồng tính. Thay vào đó, Giáo hội khẳng định rằng mỗi
con người đều có một căn tính nền tảng: là thụ tạo được tạo dựng bởi ân sủng của
Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa và là người kế thừa phần gia nghiệp sự sống đời
đời (x. số 16).
Bạn có thể hỏi thêm: nếu Giáo hội đã “nói tốt”
về những người đồng tính như vậy, tại sao vẫn chưa cho phép kết hôn đồng tính?
Đây lại là một câu hỏi rất khác. Câu hỏi này vừa đụng chạm đến căn tính của Bí
Tính Hôn Nhân trong Giáo hội Công giáo, lại vừa có liên quan đến quan điểm của Giáo
hội Công giáo về việc thực hành quan hệ tình dục giữa những người đồng tính. Cần
tìm hiểu rõ hơn từng vấn đề một để có thể có một câu trả lời hợp tình và hợp
lý.
Giáo hội nhìn về xu hướng đồng tính
Giáo hội phân biệt rõ giữa người đồng tính và
xu hướng đồng tính. Giáo hội tôn trọng phẩm giá của người đồng tính như là những
con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa
là Giáo hội ủng hộ xu hướng tình dục đồng tính. Trong “Tuyên ngôn về một số vấn
đề liên quan đến luân lý tính dục”, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra một phân biệt quan trọng giúp nhìn và
hiểu rõ hơn những người có xu hướng đồng tính. Theo đó, có những người trở nên
đồng tính do kết quả của một nền giáo dục sai lầm, do thiếu sự phát triển bình
thường về sinh lý, do những thói quen xấu, do theo những mẫu gương xấu, hay những
nguyên do tương tự. Với những người này, xu hướng đồng tính là tạm thời, và có
thể điều chỉnh được. Trong khi đó, cũng có những người thật sự đồng tính do bản
năng bẩm sinh hoặc do cơ cấu bệnh lý của cơ thể, và không thể điều chỉnh được
(x. số VIII).
Trong trường hợp nào đi nữa, Giáo hội dạy rằng
cần nhìn ra tính bất thường và mất trật tự của xu hướng này. Quan niệm sai lầm
về đồng tính sẽ dẫn đến những hành động sai lầm. Chẳng hạn, việc quan hệ xác thịt
giữa những người đồng tính là điều Giáo hội không thể ủng hộ, vì đi ngược lại với
sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa và làm xói mòn phẩm giá con người. Giáo hội
gọi đó là hành động đi ngược luân thường đạo lý. Với những người có xu hướng đồng
tính tạm thời, xu hướng ấy cần được điều chỉnh để vượt qua, với phương thế là
những chăm sóc mục vụ và những điều trị về tâm lý, thuốc men, và những mối
tương quan xã hội. Với những người mà xu hướng này là không thể điều chỉnh và
không thể vượt qua, họ được mời gọi bước theo những phương thế trong lòng Giáo
hội để hướng đến một đời sống lành mạnh, chẳng hạn: tập làm chủ tâm trí và các
giác quan, tỉnh thức và cẩn trọng để tránh những dịp có thể khiến mình phạm tội,
tập thói quen tiết chế và điều độ trong lối sống, giữ thói quen cầu nguyện thường
xuyên và năng tham dự các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể (x. số
VIII).
Bí Tích Hôn Nhân Công giáo
Để hiểu tại sao Giáo hội không cho phép kết
hôn đồng tính, trước hết cần hiểu đôi điều căn bản về Bí Tí Hôn Nhân của Giáo hội
Công giáo.
Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh, Giáo Lý của Giáo
hội Công giáo dạy rằng hôn nhân Công giáo là một Bí Tích. Bí Tích không phải là
phát minh của con người, nhưng có khởi nguồn từ ý định của Thiên Chúa. Trong
hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp một người nam và một người nữ, để khi họ trở thành
“một xương một thịt” (St 2,24), họ có thể truyền lại sự sống con người theo lệnh
truyền của Thiên Chúa “hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất” (St
1,28). Khi truyền lại sự sống con người cho dòng dõi mình, con người cộng tác một
cách độc đáo vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (GLCG, số 372). Hôn nhân Công
giáo có nền tảng vững vàng từ chính lời dạy của Đức Giêsu: “Lúc khởi đầu công
trình tạo dựng, Thiên Chúa làm nên con người có nam có nữ. Bởi thế, người đàn
ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên
Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mc 10,6–9).
Khi Giáo hội Công giáo gọi hôn nhân là một Bí
Tích, Giáo hội xác định rằng hôn nhân ấy bắt nguồn từ lệnh truyền của Thiên
Chúa. Giáo hội chỉ là người thừa hành, và hoàn toàn không có quyền ‘sáng tạo’
ra Bí Tích theo ý của mình. Trong hôn nhân của con người, chính Thiên Chúa, chứ
không phải bất cứ một thành viên nào của Giáo hội, mới là người liên kết. Và
hôn nhân ấy được xác định rõ: là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.
Từ những giáo huấn khởi nguồn từ Kinh Thánh và
truyền thống, Giáo hội Công giáo đã đúc kết: “Hôn nhân là đời sống chung vĩnh
viễn giữa người nam và người nữ, hướng đến việc sinh sản con cái bằng quan hệ vợ
chồng” (Giáo Luật, số 1096).
Cần biết thêm rằng trong đời sống Bí Tích của Giáo
hội, ngoài việc phải có nguồn gốc từ chính ý định của Thiên Chúa, bất cứ một Bí
Tích nào cũng đòi hỏi phải hội đủ những điều kiện để có thể thành sự, đặc biệt
là điều kiện chất thể. Thí dụ: trong Bí Tích Thánh Thể, điều kiện chất thể quan
trọng là phải có Bánh và Rượu để có thể được thánh hoá thành Mình và Máu Thánh
Chúa Kitô. Không thể thay Bánh bằng, cơm, bún, hay một loại chất thể nào khác.
Cũng không thể thay Rượu bằng nước trà, nước lọc, hay một loại chất thể nào
khác. Nguyên nhân là chính Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã dùng Bánh và Rượu để
biến thành Mình và Máu Người. Cũng vậy, điều kiện chất thể của Bí Tích Hôn Nhân
là một người nam và một người nữ, như từ ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa. Giáo
hội không có quyền ‘sáng tạo’ Bí Tích Hôn Nhân theo ý mình, không thể thay người
nam và người nữ bằng người nam với người nam hoặc người nữ với người nữ.
Hôn nhân đồng tính và ngăn trở
Cần biết rằng có thể có nhiều hôn nhân hợp
pháp nhìn từ góc độ tự nhiên và dân sự. Nhưng không phải hôn nhân nào cũng được
xem là có giá trị Bí Tích từ góc nhìn Công giáo. Có nhiều trường hợp hôn nhân mắc
ngăn trở, và không thể được công nhận là Bí Tích Hôn Phối của Giáo hội. Chẳng hạn:
Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, nhưng một trong hai người bị bất lực
trong quan hệ vợ chồng, hoặc tự ý loại khỏi mình khả năng truyền sinh; hôn nhân
của những người đã chịu chức Thánh hoặc khấn trọn, khi chưa hoàn tất thủ tục giải
gỡ lời khấn hoặc miễn chức; hôn nhân của những người đã có gia đình và ly hôn bất
hợp pháp; hôn nhân giữa bà con họ hàng gần; hôn nhân trong trường hợp bị cưỡng
ép, v.v… (x. Giáo Luật 1073–1094).
Cũng vậy, trong Giáo hội Công giáo không thể
có hôn nhân đồng tính được nhìn nhận như là Bí Tích, cả khi hôn nhân ấy là hợp
pháp và được chính quyền dân sự công nhận. Sự kết hợp ấy không thoả điều kiện
chất thể của hôn nhân Công giáo, không thể hướng đến việc truyền sinh và do đó
không phải là sự kết hợp theo ý định của Thiên Chúa. Thế nên trong thư chăm sóc
mục vụ cho những người đồng tính, Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin cũng khẳng định:
Vâng theo ý định của Thiên Chúa, Giáo hội tuyên bố rằng chỉ có trong tương quan
vợ chồng thì việc quan hệ tình dục mới là điều chính đáng và tốt lành. Do đó, từ
góc nhìn của Giáo hội, quan hệ đồng tính là điều phi luân lý. Việc chọn một ai
đó cùng giới tính với mình để quan hệ là điều đi ngược lại với kế hoạch của Đấng
Tạo Hoá khi sáng tạo con người có nam có nữ. Quan hệ đồng tính không phải là một
sự kết hợp bổ trợ theo nghĩa có thể thông truyền sự sống (x. số 7).
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
Đọc thêm: