GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 81: ĐẤNG BẢO HỘ GIA ĐÌNH

Phương An, CND - CSA

Hỏi: Thánh cả Giuse, người thợ mộc, không được Kinh Thánh đề cập nhiều, tại sao lại có thể là người bảo hộ cho các gia đình?

Trả lời:

Tin Mừng ít kể về thánh Giuse. Ngài không để lại di ảnh, bút tích, lời giáo huấn. Không ai biết sinh nhật của thánh nhân, tới lúc thánh nhân ly trần, thì cũng là sự ra đi lặng thầm. Ngài như nhân vật phụ trên sân khấu, diễn xong, rút lui sau tấm màn... Maria có nhiều tước hiệu, thí dụ trong kinh cầu Đức Mẹ. Nhưng thường ta chỉ nhắc đến Giuse qua danh hiệu “dưỡng phụ của Chúa Giêsu”. Hình như Thiên Chúa giữ ngài “trong vòng bí mật” như một huyền nhiệm cuộc đời.

1. “Cuộc đời, sự nghiệp” của Giuse theo Kinh Thánh

 “Giuse” theo nguyên ngữ Hippri: “xin Đức Chúa thêm cho tôi” (St 30,24). Các tranh ảnh hay vẽ thánh nhân là ông già lụ khụ, râu tóc bạc phơ. Tuy vậy, theo một số nhà nghiên cứu, thánh nhân khi đó vẫn còn trẻ, vì nếu nghĩ thánh nhân già, thì “coi thường” việc giữ đức khiết tịnh của ngài. Bạn nghĩ ông già thì sao đủ sức đưa một thai phụ từ Phía Bắc đến tận Phía Nam là Bêlem, rồi sau đó, ông Giuse làm sao đưa vợ con qua Ai Cập, cáng đáng việc mưu sinh nuôi gia đình?

Mátthêu nói vắn tắt về ngài với vài chi tiết qua gia phả và biến cố thời thơ ấu Đức Giêsu ở đầu Tin Mừng: “Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria”.

Máccô không nhắc đến ngài trực tiếp, nhưng có nói xa xa, khi đề cập tới quê quán và nghề của Đức Giêsu, tức là liên quan tới cha Người: “Ông Giêsu Nadarét” (1,24); Đức Giêsu giống cha làm nghề mộc: “ông ta không phải là bác thợ sao?” (6,3); “vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét” (10,47); “cái ông người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì” (14,67); “các bà tìm Đức Giêsu Nadarét” (16,6).

Luca viết vắn gọn về cha và ông nội của Giuse: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse. Giuse là con Êli. Êli con Máttát” (3,23-24). Trong ngụy thư thánh Giacôbê, phụ mẫu của Maria là Gioakim và Anna. Còn mẹ của Giuse là ai và có làm thánh hay không thì chúng ta không được biết thêm thông tin. Truyện về thánh Giuse kết thúc khi Đức Giêsu mười hai tuổi, bị lạc ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua (2,41-50).

Tin Mừng Gioan nói về thánh Giuse: “Chúng tôi đã gặp ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (1,45). Nhưng khi nghe tới đó, Philipphê liền chê: “Nadarét có cái chi hay!” (1,46).

Giáo hội không tuyên xưng tín điều về Giuse như đã công bố bốn tuyên tín về Maria. Đến thời cận đại, Giuse mới được nhắc đến nhiều trong thần học và phụng vụ. Thánh Ambrosiô nói thánh Giuse là chứng nhân cho sự tinh khiết của Maria. Đức Gioan Phaolô II cho rằng, thánh Giuse mang danh hiệu: Người giữ gìn Đấng cứu chuộc, kẻ phục vụ ơn cứu độ .

Hiền phụ của Giêsu phải có điểm tuyệt vời, độc đáo gì đó mới được Chúa tuyển chọn và trao trọng trách! Quả đúng như thế, nhờ ngài mà Đức Giêsu là “con cháu tổ phụ Abraham, mang dòng họ vua Đavít (x. Mt 1,1-6). Ngài có vai trò tiên quyết trong sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu, ngài đưa Giêsu vào lòng dân tộc đặc tuyển. Nếu ngài không nhận bào thai mà Đức Maria đang cưu mang, thì Giêsu trở thành con không cha, căn cước Đức Giêsu sẽ “lờ mờ”, bé Giêsu sẽ bơ vơ. Ngài như “chiến binh” bảo vệ và làm chứng cho “mầu nhiệm giữ kín từ muôn thuở” về Ngôi Lời nhập thể. Ngài là bạn trăm năm đức hạnh của “Maria – đầy ơn phúc”, là tập hợp những nhân đức tuyệt vời của “đầu tàu của gia thất”. Ngài còn là hoa tiêu lèo lái thuyền thánh gia đi đúng hướng. Ngài được ca tụng là ánh sáng của các tổ phụ vì đã tiếp xúc trực tiếp với chính Đấng Cứu Thế.

2. Tính cách của ông thợ mộc Nadarét

a. Tín thác và giữ luật Chúa

Câu chuyện “Truyền tin cho ông Giuse” (x.Mt 1,18-24), cho thấy lời xin vâng của ngài như một điểm tới. Cách ngài hành xử trước mặt Chúa, nhạy với quyết định của Chúa, nói lên: đời ngài là chuỗi cầu nguyện liên tục.

Hiếm gia đình nào truân chuyên như thánh gia thất. Người ta nói “an cư lạc nghiệp”, nhưng thánh Giuse gặp quá nhiều bất ngờ, không có nơi đàng hoàng để vợ sinh con, sống cảnh thanh bần và không có bất động sản, không địa vị xã hội, thời đó ít mạnh thường quân hay tổ chức xã hội nào đứng ra giúp đỡ! Tuy vậy, thánh Giuse luôn tin tưởng trước mọi cảnh huống xảy ra trong đời. Chúng ta không nghe ngài cằn nhằn hay ta thán Thiên Chúa câu nào!

Giuse - “người công chính” (Mt 1,19) – trọn cuộc đời luôn làm điều Chúa dạy. Ngài đăng ký “hộ tịch” pháp lý cho Giêsu, đem con đi cắt bì và tiến dâng cho Chúa theo luật truyền (x.Lc 2, 21-22),...

b. Hạ mình trong lao động

Ngày ngày, bác thợ ẩn danh cần cù đóng đồ gia dụng. Không biết ngài có nhận “học viên” hay không nhưng chắc là ngài vui vẻ sửa đồ đạc giúp bà con lối xóm khi họ cần. Ngài sống với đồng lương không cố định, với vị thế không được tôn vinh. Có lần Đức Giêsu về quê, đồng hương chẳng hồ hởi: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Họ không mặn mà với Chúa Giêsu và suy ra, họ không kính trọng người cha lao nhọc Giuse .

Khi làm chủ gia đình, người ta thích thống trị. Ngược lại, thánh Giuse tạo nguồn thu nhập chính, vẫn nhu mì, không dùng quyền bính nhưng sẵn sàng dịu hiền chăm sóc mái ấm của mình. Ngài còn thường huấn sát sao cho Chúa Giêsu trong nghề nghiệp.

Ngày quốc tế lao động là ngày kính thánh Giuse Thợ vì ngài bảo hộ người lao động. Ai cũng phải làm việc, sinh nghề tử nghiệp. Thánh Giuse là người lao động tử tế, chân chính, nghiêm chỉnh và trung thành, vui sướng dâng hiến hằng ngày như người tôi tớ của Chúa. Mọi người đang công tác ở các ngành nghề, cần học gương thánh cả, cố gắng làm việc với niềm hy vọng, giữ liêm khiết và công bằng trong lĩnh vực của mình.

c. Biết tiên liệu

Là quản gia khôn khéo trong gia thất, thánh nhân che chở Maria và chăm sóc Giêsu từ tấm bé, trông coi gia đình, lo liệu lúc khó khăn. Ngài còn kiên cường, vững chãi khi đưa gia đình tị nạn ở Ai Cập và sống thân phận bấp bênh của di dân. Khi những chông gai không hề thiếu trong đời sống, cam go ập tới, ngài can đảm đương đầu và vượt qua (Đức Giêsu trốn sang Ai Cập, x. Mt 2,13-15; từ Ai Cập về đất Israel x. Mt 2,19-23). Nhờ nhạy bén trước mọi hoàn cảnh, vun vén công việc, quyết đoán, thu xếp trong nhà cách chu đáo, yêu vợ thương con, ngài gầy dựng gia đình Nadarét– tế bào của xã hội – thật yên ổn, tạo nên một bức tranh thánh gia thất thật thanh bình và nhiều màu sắc.

d. Để vạn sự như Ý Chúa

Chúa sai thiên thần đến với thánh nhân ba lần trong giấc mơ (x. Mt 1,20; 2,13.19) nhưng không hiện ra trước mắt như với Dacaria (x. Lc 1,11) hay với Maria (x. Lc 1,26). Điều đó các thánh sử muốn nói: tính cách của Giuse là vâng Thánh ý Chúa, không cần hỏi han gì thêm!

Thánh nhân cùng với Maria và Giêsu, đi trọn hành trình đức tin. Thêm nữa, thánh nhân giám hộ, dạy dỗ Giêsu cách thờ phượng Đức Chúa, hướng dẫn Giêsu lên Đền Thờ, chỉ con cách cầu nguyện với Thiên Chúa theo phong tục và niềm tin của cha ông. Đó là điều mà các bậc phụ huynh cần dạy con trước tiên: học biết Chúa.

e. Kín tiếng và khôi hài

Chưa chung sống với chồng, Maria đã có thai. Dù có thể bị đàm tiếu và vu khống, không ai chia sẻ với mình, nhưng Giuse vẫn âm thầm tính chuyện ra đi. Có thể Giuse bị “tan vỡ trái tim” trước “bi kịch” này, nhưng ngài không tra khảo, truy cứu, hỏi cung Maria. Giuse không muốn “kiểm soát đời tư thầm kín” và tin tưởng cô.

Thánh Giuse không nói gì, không có nghĩa là không phản ứng gì, nhưng là phản ứng bằng cách không nói! Ngôn ngữ vô ngôn này được hướng dẫn bởi thần lành. Xuyên qua mọi rào cản và áp lực, ngài vẫn lặng thinh và để Chúa dẫn dắt. Ngài quy phục hoàn toàn. Ngài lùi lại phía sau để cho công trình của Chúa thành sự.

Khi tìm được Giêsu trong Đền thờ, chúng ta không thấy ngài đối đáp câu nào. Có lẽ không nói gì cũng là nói lên nhiều điều. Phải chăng Giuse là người hướng nội! Nhưng ngài chiêm niệm song hành với hoạt động, vì sau khi nhận lệnh Chúa, ngài liền thi hành.

Có lẽ Giuse có nụ cười tươi và ánh mắt rạng rỡ, vì những biến cố Chúa gởi đến làm ngài ngẫm nghĩ và thấy thú vị. Chỉ mình ngài mới được vinh dự độc nhất vô nhị là sống cùng Maria. Thử tưởng tượng, khi Chúa tỏ ý cho Giuse biết và ông đón vợ về, khi Maria sinh con, chứng kiến Giêsu lớn khôn và hiếu thảo, chắc lúc đó Giuse mừng lắm. Với óc tiếu lâm, ngài dễ xoa dịu những tình huống nan giải, dễ tương giao với Maria, Giêsu và xóm giềng. Tin Mừng không nói có xích mích giữa gia đình ngài và hàng xóm.

3. Đấng nâng đỡ gia thất

a. Giữ cho gia đình ấm êm

Chính ngài đặt tên cho Hài Nhi (x.Lc 2,21). Dù Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã làm người bình thường như bao người khác, thuở thiếu thời có lẽ cũng khóc quấy, hiếu động. Thánh Giuse kiên nhẫn cùng Maria giúp Giêsu khôn lớn, chững chạc và trưởng thành. Cha mẹ trong gia đình cần đồng bộ và thống nhất khi giáo dục con, để bầu khí gia đình luôn đầm ấm, là mái trường đầu tiên cho con cái hấp thụ tình yêu và được nuôi dưỡng lòng cậy trông.

Tương quan tình cảm giữa Giuse – Maria – Giêsu rất tốt. Cả ba ắt đã đối thoại sâu với nhau, nên mới “ăn rơ” như thế! Quả vậy, Giuse – Maria kết hôn nghiêm túc trước luật Do Thái và kết hợp với nhau trong tinh thần. Mối tình của họ có nền tảng là lòng yêu mến Chúa, do đó, nhận được hoa trái của Thánh Thần. Giêsu là tác nhân hợp nhất Giuse – Maria. Vì thế, gia đình cần có những giờ cơm chung, quay quần đọc kinh tối cùng nhau để có Chúa luôn đồng hành, dành thời gian nghỉ ngơi ngày Chúa nhật bên nhau, chứ không phải bên tivi hay iphone! Những cử chỉ quan tâm, thông cảm và khích lệ lẫn nhau sẽ giải giới xung đột, hận thù.

b. Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn

Chạy vạy lo cơm áo gạo tiền, xảy ra hỷ, nộ, ái, ố trong đời sống gia đình là chuyện bình thường. Đôi lúc họ gặp khủng hoảng, giận nhau,... dễ làm tình hình trong nhà căng thẳng. Mùa dịch vừa qua đã có nhiều ca ly hôn, bố giết con,…do không yêu nhau nhưng phải ở với nhau nhiều giờ!

Vợ chồng cần hiểu tâm lý, cảm xúc, quá khứ, tánh tình của nhau, biết người phối ngẫu là típ người nào, vì họ là huyền nhiệm và nhất là đối với người nữ. Ngày xưa, không dễ đi tới ly dị như bây giờ, cho nên, đôi bạn thời nay lại càng cần ân sủng của Chúa để sống tới “đầu bạc răng long”, khi qua thời “trăng mật” và vẫn còn tình nghĩa.

Gia đình nên ôn lại tình yêu thuở ban đầu, hãy chiêm ngắm kế hoạch đính hôn của Maria và Giuse. Kinh Thánh không nói tới việc gây gổ trong thánh gia vì họ đã làm chủ lời ăn tiếng nói. Giuse yêu đủ nên có thể chấp nhận sự kiện “động trời và gây sốc” đến như vậy! Hơn nữa, với sức người, khi gặp khó khăn đã bỏ cuộc ngay, nhưng thánh nhân dù khổ tâm, vẫn để cho Chúa dẫn lối: “Này ông Giuse, đừng ngại đón bà Maria về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (x.Mt 1, 20-21). Đôi khi, nếu không phù hợp ý Chúa, phải chọn bỏ cả cái mà mình cho là tốt.

c. Xử sự tế nhị

Thánh Giuse là người bình tĩnh, chờ hôm sau rồi mới ra đi. Lật lại những trang Tin Mừng, ta thấy phác họa hình ảnh ngài rất bao dung, “không muốn tố giác”, để Maria không bị mất danh dự, tổn thương. Trong đời gia đình, vợ chồng tránh lời nói vô tình làm mất lòng nhau; nếu cả hai đều ứng xử lịch sự, nhã nhặn như thánh Giuse thì cuộc sống hôn nhân sẽ đẹp lắm.

Với đời lứa đôi, Chúa không lấy đi ý mình nhưng nâng nó lên cấp độ cao của cuộc sống để đảm nhận vai trò mới trong Chúa. Giuse đã có ý định tốt lành trong trí trước khi đi tới những hành động ý nghĩa và tâm tình. Cả hai vị đã chuẩn bị những tâm thế để đến với nhau. Hiểu -  biết – phân định – chọn lựa và sống khăng khít,...là những bước mà các cặp hôn nhân cần học gương Giuse – Maria.

d. Kiên nhẫn bên nhau tới cùng

Giuse lặng lẽ chịu bao gian khổ mà không nản lòng. Khi đón Maria về, bà con lối xóm dị nghị; khi đưa vợ con trốn đi, đường xá xa xôi, chắc hẳn ngài mệt mỏi lắm; sống bên đất khách quê người, không biết ngài có nói được ngoại ngữ để giao tiếp và trao đổi với người ta? Khi con trẻ ra đời, có lẽ ngài phải ưu tư để lo tìm chỗ yên ổn cho hài nhi. Ngài luôn tận tụy bên Maria và Giêsu như một người bạn chí thiết! Cha mẹ cũng cần “làm bạn” với nhau và với con cái, nhất là khi các con ở tuổi dậy thì, tập cư xử hòa đồng, thấu hiểu.

e. Bổn mạng gia trưởng

Các dân tộc Á Đông coi trọng tình phụ tử, làm con phải thờ cha kính mẹ. Giêsu yêu kính người cha dưới đất của mình. Lc 2,50 miêu tả Người đã tùng phục cha mẹ mình và sống ngoan nên “hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Phần mình, Giuse sống chính danh, chu toàn bổn phận làm chồng - làm cha. Ngài “vâng lời sứ thần”,  theo dự định của Chúa mặc khải, chấp nhận “gen” mình không được lưu truyền qua thế hệ sau, quên đi những hấp dẫn về cơ thể, làm chủ thân xác khi sống với người yêu Maria để bảo vệ nàng. Lúc ấy, ngài đã thay đổi cách thế hiện diện trước thực tại cuộc sống. Người làm cha nên bắt chước thánh nhân, giữ rường cột gia đình ổn định, cộng tác với Chúa để lo cho con cái nên người, không sống chủ nghĩa cá nhân nhưng sống vì lợi ích gia đình.

Tóm lại, Chúa không sai thánh nhân đi loan báo Tin Mừng hay chịu tử đạo nhưng muốn ngài nên gương cho các gia đình trên thế gian. Thánh Giuse đã chọn con đường của mình và hoàn thành sứ mạng. Ước chi, người sống đời gia đình có thể bắt chước ngài. Ngài có kinh nghiệm về đời sống hôn nhân, là người đàn ông lý tưởng, người chồng mẫu mực, người cha đáng kính. Xin ngài giúp các thành viên gia đình sống đức mến - hoa trái của hạnh phúc viên mãn – bằng cách bày tỏ cụ thể qua tha nhân tình yêu của Chúa.

Thứ Tư hàng tuần, các nơi thường dâng lễ kính thánh Giuse. Thánh nhân được công bố là người bảo trợ Giáo hội hoàn vũ. Đức Phanxicô cho biết ngài thiết lập Năm Thánh này (từ 8-12-2020, kết thúc vào 8-12-2021) để “mọi tín hữu theo gương Thánh Giuse, củng cố đời sống đức tin bằng cách hằng ngày thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa”.

Ngài từng gìn giữ thánh gia, hẳn ngày nay, ngài sẵn lòng tiếp tục bao bọc các gia đình trên cuộc lữ hành trần thế. Thánh Giuse, kẻ được ơn nghĩa với Chúa, sẽ chuyển cầu đắc lực cho chúng ta.

Chúng con rày đang cơn khuẩn bức
Đều tuông đến kêu cầu thánh cả...
Xin thánh cả hộ phù bào chữa
Vì tấm lòng thánh ái thiết tha...
Đấng hộ thủ rất nên dõng lực
Xin đem lòng ái tuất dân nghèo...
Ngửa trông ơn Người cứu độ
Cho chúng con sanh thuận tử an
Hầu hưởng phước tiêu diêu cõi thọ Amen.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (27.3.2023)

Đọc thêm: