GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 65: CHÚA ƠI! CON LÀ NGƯỜI NGOẠI
GIÁO
Hỏi: Con muốn nói Chúa nghe nỗi lòng của con, nhưng
con không biết làm sao để Chúa hiểu con nói, vì con là người ngoại đạo, nhưng
con tin Chúa?
Trả lời:
Bạn mến, bạn đã
có câu trả lời ngay chính trong câu hỏi của bạn rồi. Mình rất vui để
trò chuyện với bạn ngang qua câu hỏi này.
Con tin Chúa ơi
Để nói chuyện với
ai, bạn cần biết người đó đang hiện diện, và bắt đầu làm quen. Qua thời
gian, bằng nhiều cách thức khác nhau, gián tiếp hay trực tiếp, bạn
cảm thấy tin tưởng người đó. Tới lúc này, bạn muốn đi vào một mối
tương quan thân tình hơn và khao khát được ở gần người đó.
Với Thiên Chúa cũng
tương tự như thế. Dù Ngài là Đấng ta không thấy được bằng mắt, không
nghe được bằng tai, không chạm được bằng tay, không thể ngửi hay nếm
được Ngài, nhưng bạn cũng như nhiều người khác tin “có Ông Trời”. Hơn
chút nữa, Ông Trời chạm đến đời bạn qua việc ban cho bạn thời tiết
bốn mùa, cảnh sắc trời đất, hoa màu, con người đầy kỳ thú… Ông Trời
ấy dun dủi cho bạn gặp những cơ may điềm lành, được an ủi khi gặp đau
khổ, được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Để tỏ lòng biết ơn, con người
lập Bàn thờ Thiên, tế đàn… Con người không chỉ tin có Ông Trời mà
còn muốn nối kết với Ông Trời.
Nỗi lòng
Bạn không chỉ muốn
kết nối với Ông Trời để kể chuyện nắng mưa, bạn muốn kết nối với
Đấng mà bạn gọi tên là Thiên Chúa để kể cho Ngài nghe nỗi lòng của
bạn. Tuyệt vời làm sao! Bạn đã chạm đến điều căn cốt nhất của việc
tất cả những người tin gọi là cầu nguyện.
Công giáo định
nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên
cùng Thiên Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu, để cầu xin những
ơn cần thiết” (GLCG. 2590). Bạn hướng lòng về Ngài, nói gì đó với
Ngài bằng lời hay thầm nghĩ trong lòng. Khi đó bạn đang diễn đạt nỗi
lòng của mình – điều chân thật nhất nơi mình – cho Đấng mà bạn tin
là Ngài đang nghe bạn.
Muốn nói Chúa nghe
Khi than trách “Ông Trời không có mắt”, bạn muốn
nói rằng Ngài biết mọi sự, nghe thấy mọi sự sao không hành động gì
trước hoàn cảnh bất công này, lẽ sai trái kia. Nếu Ông Trời cứ tự
động hành động thì đó là tình yêu đơn phương! Chắc chắn Ngài vẫn
hành động để chăm sóc bạn cách kín đáo, nhưng tình yêu chỉ đẹp khi
đó là tình yêu song phương.
Trong mối tương quan
song phương đó bạn muốn nói cho Chúa nghe nỗi lòng của bạn—dù đó là
một nỗi đau, một lời than trách hay một tâm tình biết ơn—thì đó luôn
là cách bạn đang diễn đạt tình yêu bạn dành cho Ngài. Bạn đang tương
quan với Ngài. Bạn muốn tương quan với Ngài.
Làm sao để Chúa hiểu điều con nói
Có người sau khi gia
nhập đạo Công giáo một số năm, khi được mời dâng một lời cầu nguyện
trước nhóm thì vội từ chối mà rằng: tôi là đạo mới, không biết cầu
nguyện thế nào. Vâng, người ấy cảm thấy mình không thuộc kinh, không
biết nên dùng từ ngữ hay phải mở đầu kiết thúc thế nào thì mới
đúng là cầu nguyện!
Bạn mến, đọc kinh
hay biết cách cử hành bất cứ nghi thức đạo nào thì cũng mới chỉ
là một trong những cách thế cầu nguyện thôi. Bạn cứ tự tin hướng
lòng về Chúa, nói với Chúa bằng ngôn ngữ của bạn, theo cách bạn
cảm nghiệm và nhìn nhận cuộc sống. Chẳng lẽ Đấng đã tạo dựng nên
bạn, ban cho bạn trí hiểu, trí nhớ, cảm xúc… và luôn đồng hành bên
bạn lại chẳng thể hiểu những gì bạn đang muốn diễn đạt sao?
Một số cách thức cầu nguyện
Để bạn cảm thấy tự tin
hơn, mình gợi tóm ở đây vài cách thức cầu nguyện để bạn tham khảo.
* Khẩu
nguyện: Đọc kinh, riêng một
mình hoặc với một nhóm.
* Trí
nguyện: Dùng khả năng suy tư để
suy tư về cuộc đời và suy xét làm chọn lựa để sống tốt hơn hoặc đọc hiểu Kinh
Thánh và các lời Kinh quan trọng.
* Thân
nguyện: về tư thế, có thể quỳ
gối, phủ phục hoặc nằm ngửa mặt lên trời, ngồi, đứng, chắp hoặc ngửa bàn tay
(x. Linh Thao số 76), ngồi kiểu thiền
định, hướng về một phương hướng nào đó phù hợp; có thể kết hợp với nhịp thở (x.
Linh Thao số 258–260). Về nội dung,
niệm một câu Kinh Thánh ngắn, hoặc lặp đi lặp lại một câu hay từ nào đó để lòng
mình thấm và chìm sâu vào nội tâm.
* Tâm
nguyện: Dùng khả năng cảm nếm
nhờ việc nhớ lại, quan sát, tĩnh lặng bên Chúa… để ở với Chúa và nhận biết Ngài
đang ở bên bạn, đồng hành với bạn. Bạn lắng nghe Ngài và cảm nghiệm về Ngài hơn
là “nói” với Ngài.
Các hình thức cầu nguyện
này đôi khi đan xen vào nhau.
Chuyện kể
Có câu chuyện kể về
một ông cụ nọ lần kia đến nhà thờ và quên mang theo sách kinh. Ông cụ
lúng túng không biết phải đọc kinh gì và bắt đầu như thế nào. Một
lát sau, ông thưa với Chúa rằng: “Chúa
ơi, hôm nay con quên sách kinh ở nhà, mà con lại không thuộc kinh nào
cả. Con biết Chúa rất thông minh, nên con sẽ đọc một lượt bảng chữ
cái từ đầu đến cuối, xin Chúa tự sắp xếp lại thành bản kinh nhé!”
Thiên Chúa không cần
bản kinh của ông cụ, nhưng chắc chắn Chúa sẽ mỉm cười với ông vì tâm
tình đơn sơ, chân thành và dễ thương như thế mà cụ dành cho Chúa.
Khi người ngoại giáo cầu nguyện…
Có nhiều bài hát
viết về tâm tình cầu nguyện của người ngoại giáo. Xin gợi lên hai bài
như món quà dành tặng cho bạn, người con ẩn danh của Chúa.
Bài thứ nhất là Lời người ngoại đạo của nhạc sĩ Phạm
Duy. Bài thứ hai là bài Trời chưa muốn sáng của nhạc sĩ Thiện Thanh. Bạn có thể tìm nghe và đọc
lời bài hát để cảm nghiệm về cách thức họ cầu nguyện, nội dung và
ngôn ngữ họ dùng.
Hãy tự tin bạn nhé! Cầu nguyện kiểu nào Chúa cũng hiểu, thậm chí Ngài còn vượt trên cả ngôn ngữ để hiểu bạn qua một tiếng thở não lòng, qua tiếng cười sảng khoái, qua ánh mắt đong đầy hy vọng…
(Trích Giải
Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo,
04/2021)
Đọc thêm: