GIẢI
ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 99: NGUỒN SỐNG ĐANG BỊ ĐE DỌA
Hỏi: Lúc này ở Việt Nam đang vào mùa hè, nhiều
nơi thiếu hụt nước để sử dụng. Cho con hỏi, Giáo hội nhận định thế nào trước
tình hình khan hiếm nước như hiện nay? Người trẻ có thể tham gia gì trong công
tác bảo vệ và gìn giữ nguồn nước?
Trả lời:
Tôi hiểu băn khoăn của bạn. Lúc này mùa hè nắng
nóng, việc có được nguồn nước sạch để sinh hoạt và sản xuất thật không dễ. Tôi
được sinh ra nơi vùng miền sông nước. Ngày xưa, người dân quê di chuyển bằng xuồng,
đò; đi đâu cũng thấy kênh rạch chằng chịt, cầu tre lắt lẻo bắt qua những con
sông xanh mát và nhiều phù sa. Nơi đây, khi chúng tôi thảy một hạt giống xuống
đất thì không bao lâu sau có cây để ăn! Thế nhưng, giờ này quê tôi cũng đang
khát, ruộng đồng khô cằn, vườn cây ăn trái và cây kiểng khô rụi. Đó là một nghịch
lý phải không bạn?
1. Nước
quyết định sự tồn vong
Thuở xa xưa, con người đã có những cách tế trời,
thờ thần sông, cúng thần biển vì họ coi trọng nguồn nước. Nước chảy đến đâu, đất
đai được bồi đắp màu mỡ, các sinh vật phát triển tới đó. Bằng chứng là người
dân thường tập trung ven sông hồ vì họ nhận ra lợi ích của nước đem lại, phù hợp
cho việc canh tác, dễ dàng tìm kiếm nguồn dinh dưỡng để tồn tại.
Quả thật, nước có “chỗ đứng” trong công trình
sáng tạo của Chúa. Nó giúp xây dựng và tạo nên hệ sinh thái tự nhiên, đóng vai
trò thiết yếu trong sự bảo đảm phát triển xã hội loài người, an ninh lương thực,
công nông nghiệp, giao thông, thương mại và giải trí,...
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hành tinh này không
còn nước? Chúng ta biết, nước chiếm 70-80% trong cơ thể con người. Tuy nhiên,
nước không phải là vô tận. Theo ước tính của Liên hiệp quốc năm 2019, thế giới
hiện có 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch. Ngày nay, với tốc
độ phát triển của nhân loại, nguồn nước ngày càng trở nên hiếm hoi. Dân số
ngày một đông dẫn tới rác sinh hoạt bị ứ đọng; các nhà máy sản xuất công nghiệp
cần sử dụng lượng nước lớn và thường thì không xử lý hết chất thải trước khi nó
được đổ ra sông ngòi; sản xuất nông nghiệp đưa vào môi trường những chất độc
như phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu.
Nước cần thiết cho sự sống, thế nhưng khi bị
biến đổi, ô nhiễm thì gây ra những hiểm họa khôn lường. Còn nhớ ở Sài Gòn, trước
đây người ta rùm beng vụ công ty Vedan gây ô nhiễm cho dòng sông đến nỗi mà Báo Nhân Dân vào tháng 9/2008 có nhan đề: “Ai là tác nhân gây cái chết của con sông
Thị Vải?” hoặc vụ công ty Formosa ở Hà Tĩnh gây sự cố cho môi trường biển năm
2016,... Đúng là đã đến lúc phải gây ý thức cho các tín hữu trẻ Việt Nam về vấn
đề sinh tử này.
Chúng ta biết, nước là yếu tố đơn giản và quý giá, nhưng đáng buồn thay, tiếp cận được nguồn nước sạch đối với nhiều người thật khó khăn. Một điển hình vào hè 2020, miền Tây Việt Nam nơi chín nhánh Cửu Long chảy qua, vậy mà đã xảy ra tình trạng hạn mặn khốc liệt gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào nhiều tỉnh, làm cho diện tích lúa bị mất trắng hơn 20.000 ha, 80.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nông dân “bó tay” khi nhìn ruộng đồng khô héo từng ngày, vì nước uống còn không có, lấy gì mà tưới! Một đoạn mà báo Tuổi Trẻ đăng năm 2020: “Nông dân hoảng hồn khi nước trong các mương vườn lên đến 4-5% độ mặn. Đây là hiện tượng rất lạ, ngay cả những bậc cao niên cũng cho biết chưa năm nào nước mặn lên sớm và nhanh khủng khiếp đến vậy”. Trong khi nước máy bị nhiễm mặn không thể tắm giặt thì người dân phải mua nước ngọt với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3.
Thật vậy, bảo vệ nguồn nước không phải là nhiệm
vụ của riêng cá nhân, tổ chức, khu vực hoặc quốc gia nào mà là của toàn thể cộng
đồng nhân loại vì chúng ta hiện hữu cùng nhau.
2. Giáo
hội kêu gọi bảo vệ nguồn sống này
Thiên Chúa đã giao con người trách nhiệm trông
coi công trình của Ngài. Vì thế, đối với các Kitô hữu, việc gìn giữ, bảo vệ
thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là
nghĩa vụ cao cả, vì lẽ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.
Tác giả sách Sáng Thế kể lại sau khi tạo dựng mọi vật, Thiên Chúa tạo dựng con
người và Ngài chuẩn bị mọi sự cho họ, giống như cha mẹ chuẩn bị đầy đủ mọi đồ
dùng cần thiết trước khi đứa con yêu quý chào đời. Khi tạo dựng Ađam và Evà,
Thiên Chúa trao cho ông bà quyền điều khiển mọi loài và khai thác đất đai, sông
ngòi. Thế rồi Ngài phán: “Nước phía dưới
trời phải tụ lại một nơi… Nước phải sinh ra đầy rẫy những sinh vật…Hãy làm bá
chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,9-28). Vũ trụ được Thiên Chúa sáng
tạo có mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa và với con người, “Thiên – Địa – Nhân”.
Con người gọi thiên nhiên với danh xưng thân
thương trìu mến: Mẹ. Như người mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, Mẹ Thiên
Nhiên luôn hào phóng cung cấp đủ lương thực, nước uống và những nhu cầu của cuộc
sống hằng ngày. Nhờ đó nhân loại từng thế hệ nối tiếp nhau sinh sống và phát
triển. Nhận lãnh quyền từ Thiên Chúa, con người được mời gọi thay Ngài canh tác
đất đai và tiếp tục làm cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa tới mức hoàn mỹ.
Nhờ ủy thác này, nhân loại mạnh dạn khám phá
và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học hình thành và phát
triển. Qua khoa học kỹ thuật, con người ngày càng mở rộng chủ quyền của mình
trên toàn thể đất - nước, hành tinh và vũ trụ. “Được tạo dựng giống hình ảnh
Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục trái đất cùng với tất
cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng” (GS
34).
Có rất nhiều bản văn của Giáo hội kêu gọi bảo
vệ sinh thái cũng như lên tiếng trước tác động của ô nhiễm môi trường và phá hoại
thiên nhiên, mà dẫn tới hậu quả là phần đông con người trên thế giới này, nhất
là những người nghèo đang phải gánh chịu hậu quả. Trong khuôn khổ bài viết này
chỉ xin đương cử vài bản văn gần thời điểm hiện nay nhất.
Tông thư Octogesima
Adveniens của Đức Phaolô VI năm 1971 kêu gọi người Kitô hữu quay về với
chính những nhận thức mới này, để rồi cùng với những người khác, đảm trách một
vận mệnh mà từ nay đã trở thành của chung, ấy chính là bảo vệ thiên nhiên mà
trong đó có việc bảo tồn nguồn nước (x. số 21).
Nhân dịp kết thúc năm Laudato Si', Đức Thánh Cha đã phát động nhiều phong trào để kỷ niệm
năm công bố thông điệp này. Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã tổ
chức “Tuần lễ Laudato Si'” từ 16-25/05/2021. Một trong những vấn đề về sinh thái
toàn diện được đem ra bàn thảo có nói đến chủ đề về tránh lãng phí trong việc sử
dụng nguồn nước.
Trước tình cảnh của con người trên thế giới
đang lao đao vì bị thiếu nhu cầu căn bản là nước sạch. Giáo hội bênh vực quyền
lợi của những người khốn khó ấy. “Được có nước uống an toàn là quyền căn bản và
phổ quát cho hết mọi người, bởi vì nó thiết yếu cho sự sinh tồn và đó là điều
kiện để thực thi những nhân quyền khác. Thế giới chúng ta đang mắc một món nợ lớn
đối với người nghèo đang thiếu nước uống. Họ bị khước từ quyền được hưởng cuộc
sống phù hợp với phẩm giá bất biến của họ.” (Laudato Si’, 30).
Bên cạnh đó, sứ điệp của Đức Thánh Cha hôm
1/9/2018, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên, chủ đề “Tôn
trọng nước như yếu tố quý giá và việc đạt được nước uống như một nhân quyền”.
Trong sứ điệp, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho việc chăm sóc
thiên nhiên, đặc biệt là việc bảo vệ các nguồn nước và ngài cũng kêu gọi chấm dứt
nạn làm ô nhiễm đại dương. Sứ điệp nêu lên những lập trường hết sức đúng đắn
như sau: “Nước kêu mời chúng ta suy tư về cội nguồn của mình. Qua văn thể
gợi hình, mở đầu sách Sáng Thế viết rõ rằng ngay từ khởi thủy, thần khí Đấng Tạo
Hóa “đã bay lượn trên mặt nước” (1,2). Đối với Kitô hữu, nước được Thánh Thần
thánh hóa, là chất liệu Chúa dùng để ban sự sống và làm cho chúng ta thành người
mới. Đức Giêsu đã hứa ban loại nước có khả năng thỏa mãn cơn khát của nhân loại
(x. Ga 4,14), và “Ai khát
hãy đến với Ta mà uống” (Ga 7,37).
Ước gì lời Ngài thốt ra trên thánh giá – “Ta khát” (Ga 19,28) – không ngừng vang vọng trong tâm hồn chúng ta. Ngài
kêu mời chúng ta cho Ngài uống trong thân phận những người đang khát hôm nay:
“Ta khát và các ngươi đã cho Ta uống” (Mt 25, 35).
Trong ngôi làng toàn cầu, cho uống không những là một cử chỉ bác ái cá nhân, mà
còn biểu hiện những lựa chọn và quyết tâm bảo đảm cho hết mọi người tài nguyên
quý báu này.”
Thêm nữa, cũng có những động thái của Giáo hội
địa phương trong công tác bảo vệ sinh thái, giữ nguồn nước sạch. Liên Hội đồng
Giám mục Châu Á tổ chức cuộc hội thảo tại Thái Lan ngày 31/1/2011 thảo luận về
trách vụ của Giáo hội ở đại lục này đối với việc bảo vệ môi trường và kêu gọi ứng
phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn trong Lá thư Mục tử, 2009, khẳng định
thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết thảy mọi
người. Không ai tạo dựng nên thiên nhiên. Khi họ sinh ra, thiên nhiên đã có rồi.
Đời sống con người gắn liền với thiên nhiên. Quà tặng và tài nguyên này, bao gồm
cả đất, nước, sinh quyển “được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành
riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện
tại mà còn cho cả thế hệ tương lai”.
3. Vài
đề nghị cụ thể
Sự hiểu biết của con người cao hơn nhờ học
hành và dễ dàng tiếp cận thông tin, hy vọng họ cũng sẽ thấy nguy cơ của việc cạn
kiệt nguồn nước. Vậy nếu ngay bây giờ bạn và tôi không nỗ lực khắc phục tình trạng
đó thì e rằng đã quá trễ. Nhân đây xin mạn phép đưa ra vài đề nghị nho nhỏ
trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta có thể cùng thực hiện trước nhu cầu cấp
bách là chăm sóc các nguồn nước:
- Tiết kiệm nước khi
sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày, mở nước tại các vòi nước cách vừa phải; kiểm
tra, bảo trì cải tạo lại đường ống chứa nước để hạn chế thất thoát nước; dùng lại
nguồn nước rửa rau, nước mưa vào những việc thích hợp như chà sân, tưới cây, rửa
xe.
- Giữ sạch nguồn nước
bằng cách không xả rác, phóng uế bừa bãi.
- Tránh ảnh hưởng đến
nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn,
đúng liều lượng và thời gian.
- Chụp ảnh liên quan
tới nước và đưa lên mạng xã hội để gây ý thức và tôn vinh nét đẹp của nguồn nước
sự sống ví dụ cảnh mưa xuống thành những hạt ngọc phản chiếu ánh dương, niềm
vui trong những sinh hoạt thường nhật bên sông hồ, sương rơi đọng trên những ngọn
cỏ ban mai,…
- Phân loại rác, nhất
là đối với kim loại nặng, pin, thiết bị điện tử.
- Hạn chế dùng túi
nilon, những vật liệu khó phân hủy và hạn chế dùng phân tươi để bón rau.
- Trồng cây, trồng rừng
ngập mặn - một cách giữ đất, giữ nước, giữ ẩm không khí và “cải thiện bữa ăn”.
- Vì nước tầng mặt
tương tác với tầng ngầm, cho nên cần giảm thải trực tiếp ra ao hồ, gây ô nhiễm
nguồn nước - đó cũng là cách tự bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
- Tái sử dụng giấy
(vì mỗi lần sản xuất, xí nghiệp giấy sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, nước
thải màu vàng chảy ra từ ống ngầm, bốc mùi hôi nồng nặc, là gánh nặng cho môi
trường), hạn chế xài đồ nhựa, những loại dùng một lần rồi bỏ.
- Dọn dẹp khu phố, cống
rãnh, bãi biển.
- Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
- Cầu nguyện cho việc
bảo vệ và giữ gìn nguồn nước.
- Có những sáng kiến,
cộng tác với bạn bè để chung tay thực hiện, chẳng hạn chiến dịch mới đây của
Caritas mang tên “Marathon cầu nguyện cho thiên nhiên”.
Tóm lại, nước - mạch sống của trái đất - cần
được quan tâm hơn nữa. Ước chi chúng ta làm như lời Đức Thánh Cha Phanxicô căn
dặn trong sứ điệp ngài gởi nhân ngày Thế giới Chăm sóc Nhiên nhiên: “Chúng ta
hãy cầu nguyện để nước không trở thành dấu chỉ sự chia cách giữa các dân tộc,
nhưng là dấu chỉ sự gặp gỡ đối với cộng đoàn nhân loại”. Nếu mọi người cùng hợp
tác, tương trợ và chung tay thì sẽ được hưởng trọn vẹn thế giới tốt đẹp này, vì
cùng một mái ấm mà!
Là người Việt Nam, chúng ta không quên truyền
thống uống nước nhớ nguồn. Từ tận đáy lòng và trực giác, chúng ta biết mình
không phải nguyên lý của vạn vật. Khi tri ân Đấng đã tạo ra nước cho chúng ta
hưởng dùng, tâm tình đó được diễn đạt để nói lên niềm tin vào Đấng vốn là
nguồn gốc, qua cách chúng ta sống và bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ hồng ân “Chị
Nước” độc đáo mà Chúa đã ban.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (11.09.2023)