GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 86: NGƯỜI NGOẠI ĐẠO CHẾT, LINH HỒN SẼ ĐI ĐÂU?

Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết SJ

Hỏi: Là con cái Thiên Chúa, sau khi chết chúng ta hy vọng được trở về bên lòng Chúa xót thương. Thiên Đàng là nơi chúng ta hướng về. Tuy nhiên, con không biết những người chưa được rửa tội, những người không theo đạo Công giáo, vậy sau khi chết, linh hồn họ sẽ ra sao? Con cảm ơn!

Trả lời: Bạn thân mến,

Cám ơn bạn vì đã hỏi câu hỏi này. Đó cũng là điều mà rất nhiều người thường đặt ra. Ngay cả đặt ra cho thầy trong thời gian mục vụ và gặp gỡ. Xin chia sẻ với bạn về hai hướng chính. Thứ nhất là những điều mà Hội Thánh từng trải và suy tư. Thứ hai là những câu chuyện thực tế cụ thể. Vì là việc trả lời một cách ngắn gọn, nên thầy sẽ không nói quá chi tiết và chuyên môn. Nếu muốn, bạn có thể đọc tham khảo chuyên sâu về các tài liệu sách vở.

Những điều mà Hội Thánh đã suy tư

Thời Hội Thánh sơ khai, tức là thời các môn đệ các tông đồ của Chúa, lúc ấy mọi người quy tụ nhau trong những cộng đoàn nhỏ. Lúc đầu, tất cả đều là người Do Thái. Và đương nhiên, khi ấy “người ngoại đạo”, tức là người ở ngoài đạo của mình, ngoài tôn giáo của mình (ở đây là Do Thái giáo), có nghĩa là những người không theo Đạo Do Thái. Hồi đó, người Do Thái nhìn người Hy Lạp, nhìn người Roma là dân ngoại. Rồi các cộng đoàn môn đệ theo Chúa Giêsu dần dần độc lập hơn, và tách khỏi cộng đồng Do Thái giáo. Và lần đầu tại một cộng đoàn có tên là Antiokhia, gần Đất Thánh, các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Trong bối cảnh này, nếu gọi là “người ngoại đạo”, thì có nghĩa là chúng ta (là các các Kitô hữu) đang nói về những người chưa phải là Kitô hữu.

Cũng thời đó, nếu đọc các sách Tin Mừng, thì bạn cũng biết về cuộc đời Chúa Giêsu, và Chúa “rất không muốn phân biệt” chuyện người “trong đạo” hay “ngoài đạo”. Vì Chúa đã chữa lành cho nhiều người không phải là người Do Thái. Ngay cả việc, Chúa không ngần ngại lấy người ngoại đạo (là minh chứng cho tình thương của Thiên Chúa) làm gương mẫu cho các tông đồ và mọi người noi theo. Đó là câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu. Hơn nữa, có lần các môn đệ thấy người ta nhân danh Thầy mình để chữa bệnh, để trừ quỷ, thì các môn đệ “tức tối” và “mách lẻo” với Chúa và còn kể là các ông ra sức ngăn cản. Nhưng Chúa đã nói, đừng ngăn cản người ta.

Cũng thời ấy, trong dân Do Thái, có nhiều nhóm khác nhau, có nhóm gọi là Pharisêu, tin vào sự sống đời sau, tin vào sự sống lại. Nhưng nhóm Xađốc tại không tin như thế. Còn với người Hy Lạp, thì họ có đặt câu hỏi về sự bất tử của linh hồn một cách rất nghiêm túc trong triết học, hoặc diễn tả niềm tin ấy rất mạnh mẽ trong các câu chuyện.

Thời đó, cũng là thời của Đế quốc La Mã, và các hoàng đế tự xưng mình là thần linh. Điều này cũng tựa như các hoàng đế Trung Hoa tự xưng mình là thiên tử (tức là con của Trời, thay Trời thực thi việc cai trị, thực thi công lý). Và có những hoàng đế đã tàn ác đến độ bắt dân phải thờ mình như thờ một vị thần. Trong bối cảnh ấy, các Kitô hữu không chịu khuất phục quyền bính ác độc của hoàng đế, nên bị bách hại. Không chỉ các Kitô hữu bị bách hại mà thôi, mà cả những nhóm khác cũng bị bách hại nữa.

Hơn 300 năm như thế, đến thời Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc La Mã. Có nhiều chuyện vui mà cũng không thiếu chuyện buồn. Nếu bạn muốn tìm hiểu lịch sử, thì cứ bỏ giờ để tìm hiểu thêm. Trong bối cảnh ấy, “người ngoại” lại được nhìn theo những hướng khác. Vì có câu “ngoài Hội Thánh, không có ơn cứu độ”. Hiểu theo “nghĩa đen và thiển cận”, thì có nghĩa là: tất cả những ai ngoại đạo, đều chết sa hỏa ngục.

Cũng vì lý do này, vào thế kỷ 17, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên, đến truyền giáo tại Đất Việt, thấy người dân mộ đạo, tốt lành, lại rất thích hỏi về câu hỏi: “Ông bà tổ tiên của con ngày xưa, rất tốt lành, mà chưa biết Đạo Chúa; vậy thì bây giờ linh hồn các ngài đang ở đâu?”. Các nhà truyền giáo Dòng Tên đã “né”, “tránh” trả lời trực tiếp, vì thực tình không biết phải giải thích làm sao nữa. Vì nếu theo lý mà nói, thì không thật tâm. Vì nếu theo tâm mà nói, thì cái lý không có rõ, không biết phải nói sao cho phải. Nên các ngài “phó mặc cho Chúa” trong thinh lặng và chần chừ. Thế mà lại hay! Vì thực sự, thì chỉ có Chúa mới biết được.

Phải đợi cho đến Công Đồng Vatican II (năm 1962), với những tài liệu chính thức của Hội Thánh, mới quan tâm đặc biệt về điều này. Hội Thánh lúc đó xác nhận rằng, hạt giống Lời Chúa được gieo vãi ngay cả một cách âm thầm và ẩn giấu, trong lòng người và giữa các nền văn hóa (ngoài Kitô giáo). Rằng, những người ăn ngay ở lành với lương tâm ngay thẳng, ngay cả không có cơ hội biết Chúa, và chưa biết Chúa, thì vẫn được ở trong tình thương yêu quan phòng của Ngài. Về bí tích Rửa Tội, cũng có cách hiểu mở rộng hơn, sâu xa hơn. Đó là bí tích được đón nhận một cách cụ thể qua việc cử hành trong Hội Thánh. Đó là bí tích được đón nhận bằng phúc tử đạo. Đó là bí tích được đón nhận bằng lòng khao khát. Và cũng có một lời khác, còn mạnh mẽ hơn nữa, khi nói về tình thương yêu quan phòng của Chúa: Thiên Chúa hoạt động ban ơn qua các bí tích, nhưng không bị giới hạn trong các bí tích.

Những câu chuyện thực tế cụ thể

Lần kia, khi các thầy đi thăm bệnh nhân trong bệnh viện. Dù không phải thân thích gì, nhưng tự nhiên có người đến thăm, mọi người đều rất vui. Các thầy đều làm như thế các cuối tuần. Nếu gặp người có đạo và đang trong tình trạng sẵn sàng, thì có thể được rước Mình Thánh Chúa. Nếu ai muốn xưng tội, sẽ được các thầy mời Cha tới trong ngày gần nhất có thể. Nếu ai không có đạo, thì các thầy thăm hỏi động viên. Giúp được gì thì giúp, không giúp được thì thôi. Thế rồi, có một cụ bà, xúc động quá, cụ thốt lên: “Con cám ơn các thầy nhiều lắm, các thầy tốt quá. Các thầy ơi, sau này các thầy làm cha thì cứ tiếp tục như thế nhá, chúng con được phúc lắm!” Chưa hết, khi nhìn các thầy nói chuyện thăm hỏi hết mọi người, không phân biệt lương giáo, cụ còn nói một điều làm chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên và vui mừng. Cụ nói: “Hóa ra Chúa thương hết tất cả mọi người à, chứ đâu riêng gì người có đạo như con”. Lần ấy, trên đường về lại nhà Dòng, tôi cứ xúc động mãi về lời nói và ánh mắt của cụ.

Tại một làng quê kia, trong một gia đình ngoại đạo, người bố khi tuổi cao bệnh nặng, đã tỏ ý muốn chịu Phép Rửa. Thực ra, ông đã có những ấn tượng rất tốt về Đạo Chúa, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người theo Đạo. Thế rồi, không hiểu sao, trong những ngày tháng nằm bệnh, ông suy nghĩ nhiều và quyết định chịu Phép Rửa. Gia đình ông cũng không có chi ngăn cản. Thế là có Cha đến để giúp ông dọn mình chịu bí tích. Và một thời gian ngắn sau, ông ra đi trong bình an và hạnh phúc. Mọi sự diễn ra tốt đẹp. Một thời gian nữa, ngắn thôi, sau khi ông qua đời, bà bắt đầu có những bối rối lương tâm.

Bà và các con hỏi rằng: “Cả gia đình dòng tộc tôi, chẳng có ai theo Đạo cả. Chúng tôi tin rằng, một người tốt lành, khi chết, sẽ đi vào thế giới bên kia trong hạnh phúc cùng tổ tiên ông bà”. Chúng tôi cũng biết rằng: “Ông nhà tôi, bố của chúng tôi bây giờ cũng hạnh phúc trong Nước Chúa”. Nếu như thế: “Thực sự bây giờ, ông ấy ở bên nào, bên Chúa hay bên ông bà tổ tiên, hay là các bên lại “giành giật” ông ấy, như thế có tội nghiệp cho ông ấy hay không…”

Câu chuyện ấy đến tai tôi, và tôi đã nhờ người nói lại với gia đình rằng: Mọi người đừng lo, đừng suy nghĩ chi nhiều. Ông đã sống rất tuyệt vời, và ra đi rất bình an hạnh phúc. Ông cũng đang hưởng hạnh phúc trong Chúa, cùng với tổ tiên. Một cách cụ thể như nào, thì Chúa là Đấng thông suốt vô cùng, đầy tình thương vô cùng, Ngài biết là cần làm gì tốt nhất cho ông. Phần chúng ta, không có chi phải lo cả. Cứ cầu nguyện cho ông, rồi khi ông được hưởng phúc lành, ông lại cầu nguyện cho mọi người. Thực sự, đó là mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (22.5.2023)