GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 82: ĐỂ TRỞ NÊN CHA MẸ CÔNG GIÁO TỐT
Hỏi: Chúng con đang chuẩn bị đón thành viên đầu
tiên trong gia đình. Xin cho chúng con hỏi Kinh Thánh hoặc Giáo hội khuyên như
thế nào để trở nên cha mẹ tốt?
Trả lời:
Các bạn muốn trở nên cha mẹ tốt, điều đó thật
tuyệt vời. Theo yêu cầu của các bạn, chúng tôi dựa vào Kinh Thánh và chọn ra 7
lời khuyên cho các bạn (số 7 tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn), đồng thời dựa
vào Sách Giáo lý cũng như một số văn kiện của Hội Thánh để trình bày.
1. “Này
con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3)
Lời khuyên thứ nhất này giúp chúng ta xác tín
rằng: Con cái không phải là tài sản của cha mẹ, càng không phải là “của nợ” của
gia đình, nhưng là hồng ân và cũng là trách nhiệm Chúa trao. Ý thức được điều
này các bạn sẽ yêu thương con mình đúng cách hơn; yêu con không phải chỉ vì
chúng xinh đẹp, lễ phép, thông minh; hay vì chúng thực hiện được ước mong của
các bạn, lập được những thành tích đem lại vẻ vang cho các bạn… nhưng là yêu
thương vô điều kiện, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, cho dù con mình có như thế
nào. Ngay cả khi đứa con sinh ra ngoài sự mong đợi của các bạn, thì các bạn
cũng hãy tin tưởng vào Chúa để vui lòng đón nhận đứa trẻ này với sự cởi mở và
lòng âu yếm[1].
2. “Có
con cái ư? Hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng ngay thuở còn thơ.” (Hc 7,23)
Dạy dỗ và uốn nắn con cái là quyền và bổn phận
quan trọng của cha mẹ. Quyền và bổn phận này không thể thay thế hay chuyển nhượng
được, cũng không thể khoán trắng cho người khác hay bị người khác chiếm đoạt[2].
Trong Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Giáo hội
xác định: “Vì là người lưu truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ phải là những
nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu..., gia đình chính là trường học đầu tiên”[3]. Như thế việc dạy dỗ con phải được thực
hiện ngay từ lúc ấu thơ, thậm chí từ khi con còn ở trong bụng mẹ. Ngay trong thời
gian này, các tâm tình và thái độ ứng xử của cha mẹ đều có ảnh hưởng đến tâm
tính và sức khoẻ của thai nhi. Cho nên, ngay trong thai kỳ, các bạn hãy điều chỉnh
tâm tình và lối sống sao cho thật lành mạnh, vợ chồng tránh cãi vã nhau, tránh
những ưu sầu phiền muộn, những giận ghét, lắng lo... gây ảnh hưởng xấu cho thai
nhi. Trái lại hãy tạo cho gia đình một bầu khí yên vui, thánh thiện, năng lui tới
nhà thờ, thường xuyên nghe nhạc thánh ca... những điều ấy chắc chắn sẽ tác động
rất tốt cho đứa con của bạn.
3. “Hãy
dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ.” (Cn 22,6)
Dạy cho đứa trẻ con đường nó phải đi có thể hiểu
là giúp cho con cái phát triển con người toàn diện, cả về nhân bản và đức tin[4].
Về thể dục: Các bạn cần giúp con có thói quen
ăn uống hợp lý, tích cực vận động để trau dồi và giữ gìn sức khỏe là của cải
quý báu Thiên Chúa trao ban.
Về trí dục: Các bạn cần giúp con trau dồi về học
vấn để phát triển tri thức. Nhưng cũng không nên ép con mình học quá nhiều, khiến
trẻ trở thành “những chiến binh thi cử”, tệ hơn nữa là “những con robot vô cảm”,
thiếu năng động, thiếu kỹ năng sống, thiếu tương quan xã hội và nguy hiểm nhất
là thiếu đời sống tâm linh.
Về đức dục: Các bạn cần dạy con biết tránh
thói hư tật xấu và tập luyện các đức tính tốt, biết nói năng và cư xử lễ độ, biết
“kính trên nhường dưới”, biết “ăn quả nhớ người trồng cây”, biết giữ vệ sinh
chung, biết nhận lỗi và xin lỗi, biết rộng lượng tha thứ, biết quảng đại cho
đi… những điều rất căn bản để con bạn trở thành người tốt và hữu ích cho gia
đình và xã hội.
4. “Anh
em phải lặp lại những lời [tuyên xưng đức tin] cho con cái, phải nói lại cho
chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy.”
(Đnl 6,7)
Những lời thúc giục mạnh mẽ trên cho thấy
trách nhiệm giáo dục đức tin của cha mẹ là hết sức quan trọng. Bổn phận của cha
mẹ không chỉ là xin cho con cái được lãnh nhận Bí tích Rửa tội rồi sau đó không
biết làm gì hơn. Với sự hiểu biết giáo lý và đời sống đức tin quá nghèo nàn,
khi vào đời, trước bao nhiêu trào lưu và tư tưởng thế tục, các em khó lòng giữ
vững được đức tin và luân lý Kitô giáo.
“Gia đình là nơi cha mẹ trở nên các thầy cô đầu
tiên về đức tin của con cái”[5].
Cha mẹ phải có trách nhiệm dạy cho con cái nhận biết về sự hiện hữu của Thiên
Chúa và bước đi theo đường lối của Ngài.
Để làm được điều ấy, ngay từ bây giờ, các bạn
phải hiểu biết giáo lý để truyền đạt lại cho con, dành thời giờ cùng con ôn lại
các bài giáo lý con học ở trên lớp. Các bạn nên đưa việc đọc Kinh Thánh vào
sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn dành thời gian sau bữa ăn tối để đọc hay kể truyện
Kinh Thánh cho con nghe; đọc một đoạn Tin Mừng trong các buổi cầu nguyện gia
đình.
Giờ cầu nguyện chung trong gia đình chính là
phương thế hữu hiệu và là điều không thể thiếu trong việc giáo dục đức tin cho
con cái. Nhờ các buổi cầu nguyện mà con cái hấp thụ được tinh thần đạo đức của
gia đình. Để tạo thành nền nếp, các bạn hãy ấn định thời giờ cụ thể cho việc cầu
nguyện chung gia đình và coi đó là “giờ thánh”. Truyền hình, máy vi tính, mạng
xã hội… phải ngưng hoạt động trong gia đình vào giờ đó.
Để việc giáo dục đạt kết quả, điều không thể
thiếu là chính các bạn phải nêu gương tốt cho con cái học theo[6].
Các bạn hãy cương quyết sống những gì mình muốn truyền đạt. Gương sáng của cha
mẹ sẽ dẫn dắt con cái đi theo đường ngay nẻo chính, vì như người ta vẫn thường
nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”. Nếu các bạn có
gương sáng và được con cái tín nhiệm, thì cho dù khi chúng đã trưởng thành, và
dù có đi xa vạn dặm, chúng sẽ vẫn nhớ đến các bạn khi cần lời khuyên bảo.
5. “Những bậc làm cha mẹ, hãy giáo
dục con cái thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6,4)
Để khuyến khích con phát huy những điều tốt mà
con bạn đã thực hiện được, các bạn nên khen thưởng và cho chúng biết là cha mẹ
vui mừng về điều đó; nhưng hãy chừng mực, công bằng, không nên tâng bốc con
thái quá, kẻo chúng trở nên kiêu căng ngạo mạn. Ngược lại, khi trẻ có điều sai
trái, cha mẹ phải biết sửa dạy chứ không được xem thường. Sách châm ngôn nói:
“Tâm trí trẻ con vốn dại khờ, lấy roi sửa phạt là giúp nó nên khôn” (Cn 22,15).
Tuy nhiên, việc sửa dạy con cần chừng mực và
khôn khéo. Phải hết sức tránh hình phạt có tính sỉ nhục, vô lý. Đừng bạo hành
con cho thỏa mãn cơn tức giận, cũng đừng lạm dụng roi đòn vì sẽ làm cho trẻ bị
rối loạn tâm lý, trở nên những người lì lợm, bướng bỉnh. Các bạn cũng cần phải
tế nhị, tránh sửa phạt con trước mặt mọi người, đừng đem lỗi lầm của con kể cho
người khác, đừng nhắc lại những lỗi lầm đã qua rồi; đừng cằn nhằn mắng nhiếc
dai dẳng những chuyện không cần thiết… Vì tất cả những điều ấy sẽ làm trẻ suy
nghĩ tiêu cực. Các bạn phải cho con biết điều quan trọng này là: cha mẹ chỉ
trích cái sai của con chứ không hề ghét bỏ con.
Người cha và người mẹ phải nhất trí với nhau
trong đường hướng và phương thức giáo dục. Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược” giữa cha và mẹ sẽ khó đem lại kết quả tốt nơi con cái. Bản thân người
cha người mẹ cũng đừng thiếu nhất quán, nay thế này mai thế khác, vì như thế sẽ
khiến trẻ rối loạn nhận thức. Tốt hơn, cả gia đình nên cùng theo một nguyên tắc,
để khi con làm sai, cha hay mẹ theo đó mà sửa dạy. Chẳng hạn quy định cụ thể giờ
học, giờ chơi, giờ đi ngủ, giờ phải có mặt ở nhà buổi tối...
6. “Những bậc làm cha mẹ đừng làm
cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3,21)
Để trở thành cha mẹ tốt, các bạn cần phải biết
cách để cho con cái cảm nhận được giá trị và tình yêu thương trong việc giáo dục,
phải xem con cái như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những
nhân vị.
Khi con còn nhỏ, các bạn hãy tìm hiểu về tính
tình, năng khiếu của từng đứa con, giúp chúng phát huy những khả năng đó, đừng
làm thui chột những khả năng sẵn có của con cái mà ép buộc chúng theo mong muốn
của mình. Cũng đừng ép con mình phải thực hiện những ước vọng nằm ngoài khả
năng của chúng.
Các bạn cần sắp xếp thời giờ để nói chuyện với
con mỗi ngày, nhất là phải tạo một bầu khí cởi mở giúp con cái có thể thổ lộ những
tâm tư hoặc những khó khăn rắc rối mà chúng gặp phải, nhờ đó mà các bạn hiểu
con hơn và có thể giúp đỡ con kịp thời và chu đáo hơn.
Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có quyền chọn
lựa nghề nghiệp và bậc sống. Các bạn phải tránh ép buộc con trong việc chọn nghề,
cũng như trong việc chọn người bạn đời. Tất nhiên, các bạn vẫn có thể giúp đỡ
con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi chúng chuẩn bị lập gia đình.
Phần con cái cũng cần bàn hỏi, lắng nghe ý kiến và lời khuyên bảo của cha mẹ.
Trong trường hợp đặc biệt, nếu con của các bạn
nhận được tiếng Chúa mời gọi dâng mình trong đời sống tu trì hay trong hàng
giáo sĩ, thì các bạn hãy nhận ra đó là một ân phúc lớn lao. Các bạn hãy tôn trọng
và tạo thuận lợi cho ơn gọi ấy. Các bạn phải ý thức và dạy dỗ cho con biết rằng
theo Đức Giêsu là ơn gọi ưu tiên của người Kitô hữu[7].
7. “Ông Gióp dậy thật sớm, dâng lễ
toàn thiêu cho mỗi người trong các con ông…” (G 1,5)
Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta hình mẫu một
người cha tốt lành, thường xuyên quan tâm cầu nguyện cho các con của mình.
Trong thực tế những người như ông Gióp không phải là hiếm. Những bậc cha mẹ như
thế, chắc chắn con cái họ sẽ không bao giờ hư mất. Mà dù có hư, họ cũng dễ có
ngày quay bước trở về, nhờ công đức và lời cầu nguyện của cha mẹ, như gương bà
thánh Monica, người đã kiên trì cầu nguyện cho đứa con trai ngang bướng của
mình và cuối cùng đã chinh phục được người con trai ấy trở về đường ngay nẻo
chính, hơn thế nữa, còn trở nên một vị thánh, là thánh Augustinô.
Các bạn ạ, trong việc nuôi dạy con cái, chỉ cậy
vào sức tự nhiên của mình thôi thì chưa đủ, cần nương tựa vào Chúa nữa. Những
gì các bạn có thể làm, hãy gắng làm hết khả năng của mình, phần còn lại, hãy
phó thác nơi Thiên Chúa.
* * *
Tóm lại, để trở nên cha mẹ Công giáo tốt lành,
Kinh Thánh và Giáo hội mời các bạn hãy yêu thương con với một tình yêu vô điều
kiện; hãy giúp con phát triển con người toàn diện, nhất là chăm lo cho con cái
sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Chúa.
Chúc các bạn thành công. Chúc các bạn trở
thành những người cha, người mẹ Công giáo tốt như ý Chúa muốn và như chính tâm
nguyện của các bạn.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)