GIẢI ĐÁP
THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 121: NGƯỜI BÍ ẨN TRONG BỮA TIỆC LY
Câu hỏi: Con là người mới vào đạo,
có lần con nghe người ta nói rằng: người ngồi cạnh Đức Giêsu trong bích họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo da Vinci
là Maria Magdalena. Vợ con nói không phải; đó là thánh Gioan. Xin giải thích giúp con được không ạ?
Trả lời:
Trước hết,
chúc mừng bạn đã trở nên con Chúa trong Hội
thánh của Ngài. Là người mới vào đạo, dĩ nhiên có nhiều bỡ ngỡ và rất nhiều câu hỏi cần được giải
đáp. Với câu hỏi của bạn,
tôi
chia sẻ như sau:
Có lẽ trong lịch sử hội họa, Leonardo da Vinci (1452–1519) phải là một trong những người nổi tiếng nhất ở mọi thời. Là người Ý, nên ông được hít thở bầu không khí đạo Công giáo từ thuở nhỏ. Ông là người học sâu hiểu rộng, là kỹ sư, nhà khoa học và kiến trúc sư tài năng. Tuy nhiên, người đời luôn ngưỡng mộ nhất ở ông là lãnh vực hội họa, với những bức tranh sơn dầu đã làm nên chuẩn mực cho ngành hội họa sau này. Thú vị là những bức tranh ấy thường liên quan đến Kinh Thánh: The Adoration of the Magi (1478–1482), The Virgin of the Rocks (1483–1493), The Last Supper, v.v. (Mona Lisa cũng là của ông, hiện được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Pháp, Louvre). Ngày nay, người ta vẫn nghiên cứu những bí ẩn đằng sau những bức tranh vừa đẹp đẽ, quyến rũ, vừa chứa đựng những bí mật đáng kinh ngạc.
Trước khi vào câu hỏi của bạn, chúng ta đã biết câu chuyện về bức họa: Đấng Cứu Chuộc Trần Gian – Salvator Mundi (vẽ năm 1499–1510). Năm 2005, người ta chỉ đấu giá bức họa Salvator Mundi[1] chưa tới 10 ngàn USD, bởi họ chưa biết tác giả của nó là ai. Từ năm 2006, giới chuyên gia đã vào cuộc để phân tích tác giả đích thật của bức họa này. Năm 2012 người ta biết chính xác là của Leonardo da Vinci, kéo theo là mức đấu giá của bức họa lần lượt là: 75 triệu $ (2013), 127.5 triệu và 380 triệu $ (năm 2018). Nói như thế để thấy tầm ảnh hưởng của Vinci là vô cùng lớn lao.
Ngoài bức ảnh đấu giá trên đây, mỗi khi nhắc đến Leonardo da Vinci, người
ta phải nhắc đến công trình kinh điển của ông: The Last Supper–Bức họa
Bữa Tiệc Ly (1492–1498). Hiện nay bức họa được trưng bày tại nhà nguyện
Santa Maria delle Grazie, Milan, nước Italy. Bức họa diễn tả Bữa Ăn Cuối Cùng của
Đức Giêsu với 12 môn đệ, mà thánh Gioan, người có mặt buổi hôm đó, kể chi tiết
trong Tin Mừng của mình[2] (x. Ga
chương 13 đến 17). Nếu phân tích bản văn, buổi hôm đó chỉ có Đức Giêsu và các
môn đệ (μαθητῶν). Các học giả
Kinh thánh đều đồng ý về dữ kiện này. Chúng ta thấy trong bữa ăn này, có người
môn đệ Đức Giêsu thương mến dựa đầu vào lòng Đức Giêsu. Chúng ta đều biết danh xưng của người môn đệ
này chính là thánh Gioan. Vì được thương mến, nên Gioan được ưu tiên ngồi
gần thầy mình lúc này. Khi nghe Đức Giêsu nói: “Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga
13,21), thánh Phêrô liền khều vai Gioan đề nghị ông hỏi lại xem, thầy Giêsu
đang nói về ai vậy. Lúc này Gioan liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi:
“Thưa Thầy, ai vậy ?” Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính
là kẻ ấy.” (Ga 13,24-26). Chúng ta cũng thấy điều này khi Leonardo da Vinci họa lại chi tiết thánh Phêrô
đang hỏi thánh Gioan, chứ không chỉ Gioan dựa vào ngực Đức Giêsu!
Như vậy, “trong bức tranh của Da Vinci, người ngồi bên phải Chúa Giêsu
có phải là Maria Magdalene không?”, câu trả lời là
KHÔNG nhé bạn! Nhưng vấn đề
thú vị là tại sao lại có hoài nghi này?
Chúng ta phải thừa nhận rằng Maria Magdalena là người luôn theo Đức
Giêsu trong hành trình rao giảng cho đến tận chân thập giá. Là người vùng Galilê, nên Maria Magdalena có lẽ đã đi theo Chúa Giêsu từ rất
sớm. Chính
Maria cũng là người đầu tiên gặp Đức Giêsu phục sinh. Về thân phận của nhân vật
này, có người tin rằng bà là người được
Đức Giêsu chữa lành khỏi 7 quỷ (Lc 8,2), cũng có
truyền thống cho bà là người phụ nữ ngoại tình được Chúa cứu khỏi bị ném đá. Một
số học giả xác định Maria Madalena là người phụ nữ đã xức dầu lên chân của Đức Giêsu (Lc 7,36-50). Bà cũng có thể
là người phụ nữ xuất thân từ làng gần hồ Galilê, mà nay là ngôi làng mang bên
bà. Dẫu sao chúng ta thấy trong Tin Mừng, Maria Magdalena luôn gần gũi với Đức
Giêsu và các môn đệ. Có lẽ vì lý do này mà người ta gán ghép bà với Đức Giêsu
trong bức họa trên đây.
Lý do nữa là vào thời Trung Cổ, nhất là thời Phục Hưng (tk 14-17), người ta bài xích Giáo hội. Họ chống đối Giáo hội không chỉ bằng sách báo, mà cả bằng những câu chuyện bịa đặt, vốn phỉ báng đức tin Công giáo. Một trong những cách dễ nhất là họ bóp méo các câu chuyện Tin Mừng.
Có lẽ lý do mạnh nhất đến từ các đề tài văn chương hoặc phim ảnh. Nhất
là những đề tài càng gây tò mò, đụng đến niềm tin và tôn giáo, sách phim của họ
lại càng được quan tâm. Một số tác giả tiểu thuyết hiện đại, chẳng hạn tác giả
của cuốn sách Máu Thánh, Chén Thánh[3] (Holy
Blood, Holy Grail, 1982), hoặc nhà văn người Anh, Dan Brown trong tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci (đã được chuyển thể thành phim, 2003). Ví dụ, dựa vào bức họa Bữa Tiệc
Ly, Dan Brown đã thêu dệt nên tiểu
thuyết ly kỳ về “nhân vật Đức Giêsu thương mến - τῷ κόλπῳ τοῦ Ἰησοῦ, ὃν ἠγάπα” trong bức họa
trên, chính là Maria Magdalena. Dĩ nhiên là ông đã hoàn toàn viết sai sự thật về
câu chuyện Kinh Thánh liên quan tương quan giữa Đức Giêsu và Maria Magdalena!
Tóm lại, theo nghiên cứu chuyên môn trên bình diện Kinh Thánh và hội họa,
người ta chỉ thấy có 12 môn đệ và Đức Giêsu trong bức ảnh này. Hơn nữa, đừng
quên thời Trung Cổ, Vatican đích
thân nhờ những họa sĩ tài đức về vẽ những bức tranh liên quan đến Kinh Thánh,
dưới sự giám sát chặt
chẽ của Giáo hội. Do đó, những ai cho rằng Maria Magdalena ngồi gần Đức Giêsu trong bức họa là
sai sự thật, bịa đặt với ý hướng mờ ám nào đó.
Dẫu sao cũng cảm ơn bạn về câu hỏi thú vị này. Đừng quên Maria
Magdalena là một vị thánh được yêu mến trong Giáo hội. Do đó, nếu có những câu
chuyện gây cho chúng ta chút hoang mang, cứ bình tĩnh tìm hiểu vấn đề và chia sẻ
với nhiều người về sự thật mà chúng ta đang tin.
Mở ngoặc nơi đây. Nếu nhìn vào bức họa, chúng ta dễ nhận thấy các môn đệ, ba người một
nhóm. Họ đang trò chuyện về câu hỏi: ai là người nộp Chúa Giêsu. Trong khi đó,
chúng Chúa Giêsu ngồi ở giữa. Dường như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng đang
hiện diện với Chúa Giêsu, để làm nên một nhóm thứ 5: Thiên Chúa Ba Ngôi!
Trích Giải
Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021
[1] Quanh bức họa này cũng đã có hai phim tài liệu
mới: Bức họa mất tích của Leonardo' và 'Rao bán Đấng Cứu Thế: Kiệt tác thất lạc
của da Vinci? Hai phim đều kịch tính và hồi hộp của một câu chuyện trinh thám.
Tuy nhiên về những gì liên quan đến đức tin, chúng ta phải cân nhắc đến tính
xác thực.