GIẢI ĐÁP
THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 116: VÀI CÁCH CẦU NGUYỆN
Câu hỏi: Xin chia sẻ giúp con
vài cách cầu nguyện phù hợp với môi trường sinh viên? Con cảm ơn
nhiều.
Trả lời:
Chào bạn,
Chúng tôi thực lòng muốn dành cho bạn một lời khen. Nếu bạn là sinh
viên, chúng tôi còn khen nhiều hơn nữa, vì trong khi các bạn trẻ khác mải mê
tìm kiếm danh vọng thành tích hoặc những trò ăn chơi thì bạn lại khao khát gặp
gỡ Chúa nơi cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của bạn và cho bạn được
gặp gỡ Ngài.
Bản chất của cầu nguyện
Ngày nọ có một người đã chất vấn chúng tôi rằng: “Khi tôi đói, bảo tôi vào nhà nguyện tạ ơn
Chúa vì đã cho tôi cảm thấy đói, thật là một chuyện nực cười; bảo tôi đọc Kinh
Thánh để suy tư về cái đói là điều không gì ngu xuẩn bằng, cũng ít bao giờ nhờ
lời cầu xin mà ngay lập tức tôi được no bụng. Vậy cầu nguyện để làm gì?” Ý của người
này muốn nói rằng: “Đừng
có rỗi hơi mà cầu nguyện, đọc Kinh Thánh. Đó chỉ là những việc mất giờ vì nó chẳng
giúp ta được no bụng. Hãy làm một việc gì đó thiết thực hơn đi!” Vâng, khi đói,
tốt nhất hãy đi kiếm cái gì ăn, và để không rơi vào tình cảnh đói khổ, hãy lo
kiếm một việc gì đó để làm. Nhưng việc đi kiếm cái gì đó để ăn và kiếm một công
việc để làm chẳng có gì mâu thuẫn với chuyện cầu nguyện cả!
Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải luôn cầu nguyện, nhưng
cũng không quên nói thêm rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân
ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời…” (Mt 6,7) Kỳ thực, cầu
nguyện không phải là cái gì đó đến từ bên ngoài, nhưng là một thúc đẩy căn bản
xuất phát từ bên trong của mọi con người. Tâm tình cầu nguyện nảy sinh từ cảm
thức của mình về một Đấng Tối Cao ở trên mình và khi nhìn về Đấng ấy, ta thấy
mình nhỏ bé vô cùng. Chỉ có loài người chúng ta mới biết cầu nguyện, vì chúng
ta có một cảm thức tôn giáo mà loài khác không có. Giữa thế giới này, chúng ta
luôn hiên ngang hãnh diện vì mình có thể khống chế được mọi loài khác, nhưng
chúng ta cũng cảm thấy một nỗi kính sợ dành cho những bậc thần thiêng. Khi rơi
vào túng quẫn, bỗng dưng ta thầm thĩ và cầu mong một sự trợ giúp; khi bất chợt
có được một niềm vui khôn tả, ta oà khóc và mặc lấy tâm tình cảm ơn; khi nhìn
thấy một cảnh đẹp ngoạn mục, tự trong lòng ta nảy sinh một sự khâm phục trầm trồ;
thậm chí khi bất mãn với đời, ta cũng thốt lên: “Trời ơi…”. Tâm tình muốn
được giúp đỡ, tâm tình tri ân và tâm tình muốn thốt lên khen hay trách cứ ấy
chính là một thái độ cầu nguyện, khi ta đưa mình lên cao, gặp gỡ với siêu việt.
Như thế, bởi vì cầu nguyện là cái xuất phát từ bên trong, nên có thể nói, chẳng
bao giờ con người có thể thôi cầu nguyện được.
Phần lớn chúng ta thường hiểu sai về cầu nguyện, cho rằng cầu nguyện là
đọc nhiều kinh, lần nhiều chuỗi, xin lễ nhiều tiền, đóng góp cho thật nhiều cho
nhà xứ… Một kiểu quan niệm sai lạc về cầu nguyện như thế vô tình biến các Kitô
hữu thành những người mê tín dị đoan, biến tôn giáo của chúng ta thành một trò
cười và biến Thiên Chúa thành một kiểu công cụ phục vụ cho nhu cầu của chúng
ta. Có nhiều người dùng tiền bạc để trao đổi ân sủng với Chúa. Những người khác
thì quá sùng đạo đến độ quên mất bổn phận của mình với mọi người trong gia
đình, bỏ cả lao động, thậm chí không cần đi bác sĩ, vì cho rằng chỉ cần đọc
kinh đi lễ là có đủ của ăn của mặc, có thể lành bệnh. Số khác cố gắng lần chuỗi
thật nhiều như thể Chúa, Mẹ cần những lời kinh của chúng ta để tồn tại.
“Hãy cầu nguyện liên lỉ”
Lời khuyên “hãy cầu nguyện liên lỉ” của Đức Giêsu dành cho chúng ta,
không biến chúng ta thành những kẻ lơ ngơ khù khờ, không màng chi đến những bổn
phận và tương quan của chúng ta trong cuộc sống này. Đúng hơn, Đức Giêsu muốn
nhắn nhủ chúng ta đừng bao giờ quá chăm chú vào thế giới mau qua này mà đánh mất
đi bản chất tâm linh sâu thẳm của mình và mối liên hệ vốn có của ta với siêu
nhiên. Cầu nguyện là một thái độ đặt mình trước Tuyệt Đối và thiết lập tương
quan gắn bó với Ngài. Tất cả những điều khác như đọc kinh, lần chuỗi, đọc sách
thiêng liêng, đọc Kinh Thánh, suy gẫm… chỉ là phương tiện để giúp đạt đến điều
này. Khi đang bực dọc, cầu nguyện chính là để tâm hồn lắng xuống, xua tan những
thúc đẩy bồng bột mà cơn bực dọc gợi lên trong ta. Khi đang thất vọng, cầu nguyện
chính là bình tĩnh lại, cố gắng nhìn nhận vấn đề để một niềm hy vọng nào đó được
bừng lên.
Khi có chiến tranh, khi có tai nạn, cầu nguyện chính là để lòng mình
lên tiếng, để nỗi thổn thức của ta chạm tới Thiên Chúa và rồi cảm nghiệm xem
mình được thôi thúc để làm gì. Chính trong sự tĩnh lặng của tâm hồn như vậy,
con người thực sự của ta sẽ được phơi bày, chân lý sẽ được mặc khải cho ta. Bởi
thế, chỉ cầu nguyện không thôi thì không đủ để “mang đến hòa bình cho thế giới”, không đủ “làm cho người ta
không còn thấy đói khát”, không đủ để “mang đến màu xanh cho địa cầu, vườn cổ
tích thơ mộng cho các em thiếu nhi”, nhưng nó là bước đầu để giúp những điều đó
có thể được trở thành hiện thực. Không có cầu nguyện, những điều trên mãi mãi
chỉ là mộng tưởng vì người ta sẽ chỉ biết thương cảm, buồn tủi, xót xa, than
trách mà không biết phải làm gì để vượt qua nỗi đau và xây dựng thế giới.
Chúa Giêsu bảo chúng ta phải luôn cầu nguyện chính là muốn chúng ta trở
thành một con người đúng nghĩa. “Một con người đúng nghĩa” là một con người biết
căn cội thần linh của mình. Đó là một giống loài ý thức mình yếu kém, bất tài,
hèn mọn và nhờ đó mà luôn hướng về Đấng có thể giải cứu mình khỏi những tấn
công của sự dữ nơi trái đất này. Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ đánh mất
tương quan giữa mình với Thiên Chúa, đừng bao giờ tách lìa khỏi Ngài, đừng bao
giờ có tham vọng tự mình làm chủ chính mình mà không cần Ngài. Một thái độ cầu
nguyện đúng là một thái độ ý thức rằng “mình được dựng nên giống Thiên Chúa và
theo hình ảnh Thiên Chúa” nên phải luôn “giữ liên lạc” và khuôn mình theo Ngài.
Khác với một thái độ cầu nguyện sai là thái độ “mình tạo nắn Thiên Chúa theo
hình ảnh và ý muốn của mình”.
Bởi thế, nếu hiểu cầu nguyện như là một phương thế nối kết mình với
Thiên Chúa, thì chẳng bao giờ cầu nguyện là thừa thãi và không cần thiết cả. Thậm
chí, càng đứng trước những thảm cảnh của cuộc đời, khi ta thấy mọi thứ như bị
vây kín bởi màn đêm dày đặc của tuyệt vọng, ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn nữa,
vì nếu ta không tìm thấy chung quanh một hướng đi nào thì vọng lên trên là lối
thoát duy nhất. Rồi từ trên cao ấy, một luồng sáng sẽ chiếu xuống soi lối cho
ta, giúp bước chân ta thêm vững vàng mà tiến.
Cách thức cầu nguyện
Từ nãy đến giờ chúng tôi đã nói khá nhiều lý thuyết về cầu nguyện. Có
thể bạn đã biết những điều đó rồi, nhưng thiết tưởng rằng nếu nhắc lại, bạn sẽ
hiểu hơn về bản chất của cầu nguyện, và sẽ cảm thấy dễ dàng cầu nguyện hơn, mỗi
ngày yêu thích cầu nguyện hơn. Người ta thường nói “cầu nguyện là nâng tâm hồn
lên với Chúa”. Như thế, cầu nguyện không phải là chuyện của phàm tục, nó đòi hỏi
một sự “nâng lên”, nhấc bổng lên khỏi cái thường hằng. Đối tượng cần nâng không
phải là một sự vật vật chất nào nhưng là “tâm hồn của mình”. Đó là một hành vi
tâm linh, hướng trọn vẹn con người mình về cõi trời cao, nơi Thiên Chúa đang ngự
trị.
Vì cầu nguyện là cái gì đó rất tự nhiên của con người chúng ta khi đặt
mình trước Thiên Chúa, nên suy cho cùng, nó không cần một kỹ thuật hay chỉ dẫn
gì cả. Hãy cứ để cho chính bạn tự mở lòng với Chúa ngang qua những cảm xúc,
chuyển động, hay nói chung là tình trạng hiện tại của bạn. Nói nôm na, bạn đang
có gì trong lòng thì cứ thản nhiên thưa chuyện với Chúa. Đây là cách cầu nguyện
khá đơn giản mà bạn có thể thực hành ở bất cứ nơi nào. Bạn cũng không cần phải
chuẩn bị gì cả, chỉ đơn giản là giữ thinh lặng một chút nhìn về bản thân, xem
lòng mình đang có gì và đang muốn diễn tả điều gì với Chúa. Thông thường, đó sẽ
là những tâm tình như tạ ơn (khi bạn thấy là mình đã nhận được điều gì từ
Chúa), ngợi khen chúc tụng (khi bạn thấy một điều gì đó thật tuyệt vời mà bạn
tin là chính Chúa đã làm), xin lỗi (khi bạn thấy mình đã làm điều gì đó không
đúng, có lỗi với Chúa), xin ơn (khi bạn thấy mình đang thiếu điều gì đó và cần
được Chúa giúp đỡ). Nếu bạn có những tâm tình như vậy, bạn cứ tự nhiên bày tỏ với
Chúa bằng những từ ngữ của chính mình.
Nếu bạn không biết phải nói gì, hoặc không chưa tìm thấy những tâm tình
nơi thâm sâu cõi lòng, bạn có thể mượn những lời kinh hoặc lời cầu nguyện của
người khác để thân thưa với Chúa như thể đó cũng là nỗi lòng của bạn. Dễ nhất
là những kinh thông dụng như Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Bạn có thể lần chuỗi
khi đang chờ xe buýt, khi đang “ở không”. Vừa đọc vừa ngẫm những gì mình đọc
hay ngẫm về các mầu nhiệm liên quan. Bạn cũng có thể sưu tầm những lời nguyện của
các thánh như Kinh hòa bình, Kinh
dâng hiến, Kinh quảng đại… và rất nhiều lời kinh mà các linh mục tu sĩ đã soạn…
Mỗi sáng thức dậy, mỗi tối trước khi ngủ, hãy nhớ đến Chúa. Trước khi bắt đầu
việc gì đó, hoặc sau khi làm xong, xin ơn Chúa hoặc tạ ơn Chúa, hoặc chỉ cần
làm một cử chỉ cung kính, tỏ lòng thờ phượng như làm dấu, cúi đầu, để tay lên
ngực… Tất cả những thực hành nhỏ bé này cũng giúp bạn thân quen với sự hiện diện
của Chúa.
Việc cầu nguyện gắn liền với sự thinh lặng đến nỗi người ta có thể đánh
đồng hai điều này với nhau. Thinh lặng ở đây không chỉ có nghĩa là không nói
gì, nhưng là sự im bặt của tâm trí và cõi lòng, một sự lắng đọng sâu sắc. Đạt
được tới sự thinh lặng, người ta dường như đã làm hết những gì cần làm để gặp gỡ
Thiên Chúa. Vì thế, có đôi khi bạn không cần phải nói gì, làm gì khi cầu nguyện,
nhưng chỉ đơn thuần là lắng tâm hồn xuống, gạt bỏ mọi nỗi bận tâm, để tâm hồn
được nghỉ ngơi với Chúa. Để làm được điều này, bạn cần một nơi thanh vắng yên lặng
nào đó. Bạn có thể đến nhà thờ, nhà nguyện, một công viên, hoặc ở phòng riêng.
Bạn có thể đến trước giờ lễ một chút hoặc sau thánh lễ, có thể ở lại một chút,
hướng mắt chiêm ngắm Thánh Thể, hoặc tượng Chúa chịu nạn. Hoặc tốt hơn, khi nào
có thể (chẳng hạn vào dịp cuối tuần), bạn có thể tham gia một khóa tĩnh tâm ngắn ngày. Bạn
cũng có thể đăng ký tham gia sinh hoạt ở một nhóm cầu nguyện.
Về phương pháp, có rất nhiều cách thức cầu nguyện. Chắc là bạn đã nghe
nói đến cách cầu nguyện lectio divina.
Đây là một cách cầu nguyện cổ điển dựa vào Kinh Thánh dựa vào 4 bước: lectio (đọc
Lời Chúa), meditatio (suy niệm), oratio (cầu nguyện), contemplatio (chiêm niệm).
Cũng có kiểu cầu nguyện nhẹ nhàng và thịnh hành trên thế giới hiện nay: cầu
nguyện theo phương pháp Taizé. Lối cầu nguyện này chủ yếu dựa trên việc
lặp đi lặp nhiều lần một đoạn nhạc nhẹ, vừa sâu lắng vừa truyền cảm, và để cho
lời của nó từ từ thấm vào trong lòng mình, giúp mình cảm thấy thật bình an. Bạn
cũng có thể cầu nguyện theo kiểu “nhìn lại cuộc sống”. Đơn giản chỉ là để lòng
mình lắng xuống, bạn từ từ nhìn lại những chuyện vừa xảy đến với mình: những biến
cố nói gì với mình, mình đã hành xử tốt chưa, có điều gì cần điều chỉnh lại cho
tốt hơn không?... Bạn có thể áp dụng kiểu cầu nguyện này vào cuối ngày, hoặc cuối
tuần… Áp dụng thường xuyên, nó sẽ giúp bạn biết mình hơn và làm chủ mình tốt
hơn.
Để dễ dàng hơn cả cho bạn, chúng tôi khuyên bạn có thể dùng Tin Mừng hằng
ngày để gặp gỡ Chúa. Mỗi ngày, bạn có thể đọc Tin Mừng một cách chậm rãi, suy
nghĩ về nó, để xem Chúa muốn nói gì với bạn, hoặc tự hỏi xem mình có thể ứng dụng
Lời Chúa dạy hôm nay trong cuộc sống của mình thế nào. Bạn cũng có thể đọc các
bài đọc hoặc Thánh Vịnh (đáp ca) của ngày hôm ấy. Nếu không có nhiều thời gian,
bạn chỉ cần chọn một câu nào đó đánh động tâm hồn bạn, đọng lại lâu trong lòng
bạn và suy gẫm nó trong suốt ngày sống. Việc trung thành đọc và suy niệm Lời
Chúa hàng ngày sẽ giúp bạn thân quen với Lời và chính Lời sẽ trở thành ánh sáng
chỉ đường dẫn lối cho bạn, cũng như sẽ biến đổi cuộc sống của bạn một cách nhiệm
mầu.
Cuối cùng, nếu bạn không biết phải cầu nguyện thế nào, hãy xin Chúa
Giêsu chỉ cho bạn như các môn đệ đã làm (x.Lc 11,1), hoặc hãy xin Thánh Thần
giúp bạn như lời thánh Phaolo nói (x.Rm 8,26-27).
Thân chúc bạn mọi điều tốt đẹp! Và khi cầu nguyện, xin đừng quên chúng
tôi!
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập
6, (Nxb Tôn Giáo, 05/2021)