GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 62: CHỈ MỘT LẦN SỐNG TRÊN ĐỜI,
NÊN SỐNG SAO CHO TRỌN VẸN?
Hỏi: Có nhiều người vẫn tin rằng đời người chỉ
có một lần, nên hàng ngày đã đi làm, cuối tuần phải tranh thủ đi
chơi, đi tiệc. Nhiều khi chọn đi tiệc, đi chơi, bỏ Lễ Chủ nhật. Có
tiệc là có mặt, còn Lễ thì ít khi thấy. Làm sao để giáo dân hiểu,
ăn tiệc với Chúa quan trọng hơn?
Câu hỏi của Bạn đưa tôi về lại với một kinh
nghiệm cách đây vài năm.
Mùa Thu trời bắt đầu trở lạnh, lá vàng thay
nhau rụng rơi, bầu khí ảm đạm hơn, trong ngôi thánh đường của Đất Thánh, chúng
tôi cử hành Thánh Lễ đưa tang cho một người mới qua đời trong sự ngỡ ngàng của
tất cả.
Ngỡ ngàng và bất ngờ, vì suốt cả cuối tuần vừa
qua anh còn nhậu nhẹt vui vẻ với bạn bè. Say sỉn về nhà vào tối Chúa Nhật rồi
ngủ luôn. “Ngủ luôn” đến nỗi, sáng thứ hai ông chủ hãng không thấy bóng dáng
đâu, nên phải gọi điện cho người thân. Người thân đến nhà mở cửa mới thấy anh nằm
chết trên giường sau một cuối tuần chỉ có bạn bè và rượu chè, mà không màng tới
Thiên Chúa và cũng chẳng Thánh Lễ chi cả.
Làm đám tang mà Lời Chúa kêu gọi “tỉnh thức”
không ngớt vang lên trong tâm trí: “Vậy
anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em
hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức,
không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn
sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt
24,42-44).
“Vậy anh
em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời,
kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập
xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,34-36).
Những lời kêu gọi tỉnh thức đưa chúng ta vào
thực tế cuộc sống của chúng ta, cuộc sống mang một giá trị cao quý mà Chúa đã
ban cho mỗi người.
Giá trị
cao quý của cuộc sống
“Tại sao Bạn và tôi có mặt trên trái đất này?”
Với tôi câu trả lời thành thật là: chúng ta không thể trả lời tường tận. Chúng
ta chỉ nhận ra rằng, sự sống của mỗi người là một quà tặng và ân ban của tình
yêu, tình yêu của Mẹ Cha, tình yêu của Thiên Chúa. Trong tình yêu, mỗi người
chúng ta là viên ngọc quý giá của Thiên Chúa, và là kho tàng của Cha Mẹ chúng
ta. Vì thế cuộc sống của mỗi người mang một giá trị thật cao quý.
Chúng ta thử chiêm ngắm một em bé được sinh
vào đời xem. Ôi một sự sống tuyệt vời của tình yêu huyền nhiệm và vô điều kiện.
Được sinh ra bởi tình yêu, được vào đời bằng tình yêu, được nuôi nấng với tình
yêu và được lớn lên trong tình yêu.
Sự tuyệt vời của sự sống không chỉ ở nơi các
em bé, mà tôi còn nhận ra nét tuyệt vời của sự sống nơi những người vô gia cư.
Tại Paris, trong ngôi nhà mở rộng cửa đón nhận người nghèo của các thầy Dòng
Bác Ái sống theo tinh thần của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta, chúng tôi được phép dâng
Thánh Lễ với 50 người vô gia cư thuộc mọi chủng tộc. Trong bài giảng và với sự
xúc động về tình yêu Thiên Chúa làm nên giá trị của đời người, đặc biệt với các
anh chị vô gia cư nghèo khó ở trước mặt, tôi nghẹn ngào nói: “Anh Chị Em thân mến,
Thiên Chúa yêu thương và dựng nên chúng ta, và tình yêu của Ngài đưa lại phẩm
giá cao quý cho cuộc sống của mỗi người chúng ta. Dù chúng ta là ai và ở trong
hoàn cảnh nào đi nữa, thì ‘trong đôi mắt của Chúa, mỗi người chúng ta đều rất
quý giá”, và luôn được Chúa trân trọng mến thương (x.Is 43,4)”.
Sự nghẹn ngào của tôi bắt gặp những giọt nước
mắt đang tự động chảy thật chậm trên khuôn mặt của một số anh chị em. Sau Thánh
Lễ, một số người đã đến và cám ơn về những lời thật an ủi và tràn đầy yêu
thương họ được nghe. Lời yêu thương này là lời của chính Chúa gởi đến chúng ta.
Lời yêu thương này là lời của Cha trên trời, Đấng Tạo dựng nên chúng ta nhắc lại
và tiếp tục nhắc lại cho chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Mẹ Tê-rê-sa
Can-cút-ta có nói rằng: “Khi bạn cảm thấy cô đơn, khi bạn cảm thấy mình thừa
thãi, khi bạn thấy yếu ớt và bị quên lãng, hãy nhớ rằng bạn vẫn là đứa con yêu
dấu đối với Chúa. Ngài yêu bạn. Hãy đáp lại tình yêu đó bằng tình yêu đối với
người khác, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đến để dạy chúng ta”.
Bạn là con yêu dấu của Chúa, dù bạn thế nào đi
nữa. Từ ngày Thiên Chúa tạo dựng nên bạn và tôi, Thiên Chúa đã nói: “Ôi, tốt đẹp
chừng nào” (St 2,24). Cái tốt đẹp nhất Thiên Chúa cấy vào trong chúng ta, là
Ngài đã ban tặng cho cuộc sống của mỗi người một giá trị cao quý: “con người
mang hình ảnh của Thiên Chúa”. Hơn nữa, Thiên Chúa cũng mời gọi con người biết sống cuộc sống cho thật trọn vẹn, đầy ý
nghĩa và tốt lành, hầu trở nên người như lòng Chúa ước mong.
Đời người
chỉ một lần sống, nên cần sống cho ra người thật
“Con người không nhất thiết đã là người”. Câu
nói “trêu trọc và gây khó chịu” của một triết gia giúp cho chúng ta biết mở ra
và ý thức hơn. Được Chúa cho sinh vào đời là người nhưng vẫn luôn ở trên đường
để “trở nên người”.
Trong yêu thương Thiên Chúa đã “cấy vào” trong
chúng ta những khả năng phát triển để cuộc sống được sung mãn hoàn toàn. Sự
phát triển của thân thể với những kỹ năng và ý thức chăm sóc thân thể qua tập
thể dục thường xuyên. Cơ thể phát triển cao hơn qua sự khéo tay và tôi luyện của
con người trong các ngành nghề khác nhau.
Rồi khả năng tâm trí qua việc học biết suy
nghĩ cho hợp lý, biết phân định cái xấu, cái tốt và cái tốt hơn để chọn lựa và
quyết định. Khả năng tâm trí phát triển còn làm cho con người mỗi ngày càng có
tri thức cao hơn trong mọi ngành nghề với những sáng tạo và thích ứng. Khả năng
tâm trí phát triển kéo theo sự phát triển của cảm xúc. Con người biết nhìn đến
mình, để hồi tâm xét mình, để làm chủ được cảm xúc và sống ý thức về chính mình
hơn. Một kiểu “biết mình” rất quan trọng trên hành trình tâm linh.
Nhưng con người không bao giờ là “một hòn đảo”
lẻ loi, mà con người còn là “con vật có xã hội tính”. Vì thế, con người học biết
để phát triển các giao tiếp. Từ sâu thẳm trong bản chất của con người, Thiên
Chúa đã “lập trình” để tất cả đều có lòng ao ước muốn mở ra với người khác, và
đặc biệt mở ra với Thiên Chúa. Con người không thể là người thật, khi chỉ sống
một mình trên hoang đảo; con người không bao giờ là người thật, khi vắng bóng
Thiên Chúa.
Giao tiếp với người khác để có tình bạn, để có
những quan hệ tin tưởng, qua đó có thể mở lòng chia sẻ, trao đổi các suy tư, dự
định, kế hoạch, cũng như để được đồng hành và đồng hành với người khác. Một
cách sống chú tâm, tương trợ đỡ nâng nhau trên hành trình “trở nên người thật”.
Vì thế, gặp gỡ, kết nối, hiệp thông luôn cần thiết cho sự phát triển làm người
thật. Nhưng ông bà cha mẹ rất chí lý khi khuyên nhủ: “Nhớ chọn bạn mà chơi”. Chọn
bạn tốt để được đón nhận “vết dầu loang tốt lành” của bạn, để cùng bạn phát triển
làm người thật như lòng Chúa ước mong.
Phát triển theo hướng tốt, nghĩa là con người
được mời gọi luôn hướng về “Chân Thiện Mỹ”.
Tất cả đều hướng về Chân Lý, về sự thật. Vì thế,
thật phúc cho các Ki-tô hữu không bao giờ đui mù mải miết chỉ đi tìm tiệc tùng,
nhậu nhẹt, đi tìm của ăn vật chất, đến nỗi quên luôn cả của ăn thiêng liêng và
bàn tiệc tạ ơn là chính Thánh Lễ, cũng như quên cả Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý,
nguồn mạch, lẽ sống, con đường, đích đến và là Đấng cầm quyền sinh tử của đời
người.
Tất cả đều mong sao đời mình tràn đầy sự thiện
và tốt lành. Vẫn nhớ những lời la mắng, những làn roi của Cha Mẹ làm cho đôi
tay đau nhói, vì thằng bé nghịch ngợm, lỗi phạm. Vì yêu thương mà Cha Mẹ phải
“lèo lái” con mình hướng về Sự Thiện.
Tất cả đều hướng về vẻ đẹp. Ai lại không ngây
ngất trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Ai lại không thích ngồi trên bàn
ăn với những món ăn không chỉ “ngon miệng” mà “ngon cả đôi mắt”, vì nét trưng
bày thật đẹp của người chuẩn bị. Và ai lại không thích tiếp xúc với những tâm hồn
đẹp với những nét đẹp trong lời nói và cung cách hành xử của họ.
Để sống và trở nên là người thật sự, con người
luôn ý thức “mình đang ở trên đường” và tiếp tục hướng về phía trước để nỗ lực
trau dồi và phát triển. Có như vậy, đến một lúc nào đó con người sẽ trở thành
người thật, một kiểu người trưởng thành trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc
biệt với Ki-tô hữu là trong đời sống Đức Tin vào Thiên Chúa.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
Đọc thêm: