GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC
Gm. Phêrô Nguyễn
Văn Khảm
WGPMT (04.08.2023)
– Gia đình là trường học đầu tiên dạy những giá trị nhân bản qua cách ứng xử
của mọi người trong gia đình, và những xu hướng hình thành trong gia đình sẽ ăn
rễ sâu trong cuộc sống mỗi người.
Giáo dục con người toàn diện là lý tưởng của giáo dục Công
giáo: “Anh chị em cần cung cấp cho học viên một nền giáo dục toàn diện và đào tạo
con người toàn diện, tức là đào tạo cả cái đầu, đôi tay và trái tim (head,
hands, heart): bảo tồn và phát triển mối liên kết giữa học vấn, hành động, và cảm
nhận theo nghĩa cao quý nhất. Bằng cách đó, anh chị em không những cống hiến
chương trình học tuyệt vời mà còn cung cấp một tầm nhìn vững vàng về đời sống
được cảm hứng từ Đức Kitô” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Address to the
Global Researchers Advancing Catholic Education Project, 2022).
Lý tưởng là thế nhưng trong thực tế, không chỉ tại Việt Nam
mà tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhà trường chủ yếu lo về học vấn, còn mặt
đạo đức ít được quan tâm. Tệ hơn nữa, nhiều khi vì ám ảnh thành tích, nhà trường
còn làm gương xấu về đạo đức như các phản ánh trên báo chí cho thấy. Chính ở
đây gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng đến nỗi Hội Thánh Công giáo khẳng
định: “Dù cha mẹ cần đến trường học để bảo đảm cho con cái mình có được nền
giáo dục cơ bản, nhưng họ không bao giờ có thể khoán trắng việc huấn luyện đạo
đức cho con cái nơi một ai khác” (Amoris laetitia, 263).
Để thực hiện công việc này, tông huấn Amoris
laetitia đưa ra nhiều gợi ý thực hành thiết thực, ở đây chỉ xin tập
trung vào ba điều.
Trước hết là bầu khí gia đình. Gia đình là trường
học đầu tiên dạy những giá trị nhân bản qua cách ứng xử của mọi người trong gia
đình, và những xu hướng hình thành trong gia đình sẽ ăn rễ sâu trong cuộc sống
mỗi người (x. số 274). Việc truyền đạt những giá trị nhân bản này không chỉ thực
hiện bằng những bài giảng đạo đức của cha mẹ (dĩ nhiên là có lúc cần), nhưng
trước hết và trên hết là qua bầu khí gia đình mà đứa trẻ hít thở và cảm nhận từng
ngày. Làm sao một đứa trẻ có thể thương người nghèo khi thấy cha mẹ khinh thường
những người nghèo? Làm sao một đứa trẻ có thể sống ngay thẳng khi thường xuyên
thấy cha mẹ gian dối trong làm ăn buôn bán? Làm sao một đứa trẻ có thể sống yêu
thương khi cha mẹ thường xuyên chửi mắng nhau bằng những lời lẽ thô tục? Vì thế
các phụ huynh cần phải cùng nhau xây dựng bầu khí đầm ấm yêu thương trong gia
đình, đó chính là mái trường cần thiết cho những giá trị nhân bản và đạo đức
phát triển.
Thứ đến, các bậc cha mẹ cần tập luyện cho con cái những
thói quen tốt và gieo vào lòng con cái sự hướng thiện ngay từ nhỏ. Một
đứa trẻ có thể có tâm tình tốt lành, dễ hòa đồng với mọi người, nhưng nếu trong
một thời gian dài mà không được người lớn nhắc nhở, không quen nói những tiếng
“làm ơn”, “xin lỗi”, “cảm ơn”, thì tâm hướng tốt lành của nó không dễ dàng được
bày tỏ ra theo cung cách này.
Vì thế phải tập cho trẻ lặp đi lặp lại những hành động tốt,
đến mức trở thành nguyên tắc sống và hành động của trẻ suốt cuộc đời. Giáo dục
đạo đức là tập luyện cho con cái biết sử dụng tự do cách đúng đắn qua các gợi ý
cũng như những áp dụng thực hành, để dần dần hình thành những nguyên tắc bền vững
trong tâm hồn các em, đến mức làm điều tốt một cách tự nhiên, không trở thành
nô lệ cho những xu hướng xấu.
Cuối cùng là giáo dục đức tin. Đức tin là ơn
Thiên Chúa ban nhưng cha mẹ là phương thế Thiên Chúa dùng để giúp cho đức tin của
con cái được phát triển và trưởng thành (x. số 287), và gia đình chính là nơi học
biết những lý lẽ và vẻ đẹp của đức tin, học biết cầu nguyện với Thiên Chúa và
yêu thương tha nhân.
Ở đây cũng thế, gương sáng của cha mẹ là điều rất quan trọng.
Thánh Gioan Phaolô II kể lại khi còn nhỏ, có những đêm chợt thức giấc và thấy
cha của ngài quỳ bên giường cầu nguyện. Hình ảnh ấy thấm sâu vào tâm hồn cậu bé
sau này trở thành Giáo hoàng. Đúng như Tông huấn nói: “Điều quan trọng là con
cái nhìn thấy cách cụ thể đối với cha mẹ chúng, việc cầu nguyện thực sự là quan
trọng” (số 288).
Nguồn: giaophanmytho.net