Giải đáp thắc mắc cho người trẻ - Gia đình Công Giáo đóng góp cho xã hội Việt

02/05/2022


GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 50: GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO ĐÓNG GÓP CHO XÃ HỘI VIỆT

Phương An, CND _CSA

Hỏi: Con thấy người Công Giáo thường có những khác biệt trong xã hội nước mình. Vậy gia đình Công Giáo đóng góp điều gì cho xã hội Việt Nam hiện tại?


Trả lời:

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên người nam, nữ để họ sống bên nhau và bổ túc cho nhau. Hôn nhân có chỗ đứng quan trọng trong chương trình của Chúa. Gia đình là nguồn gốc, cơ sở và nền tảng của xã hội. Tuy nhiên, vài quan niệm trong xã hội hiện nay mà gia đình Công Giáo không thể theo đường lối ấy, như phá thai, ly dị,…

Bài viết xin đương cử một số nét tích cực của các gia đình Công Giáo trên đất Việt. Trong cuộc sống nhân sinh, cho tới bây giờ, họ vẫn cố hết sức giữ các giá trị Kitô giáo. Ấy là cảm thức về tầm quan trọng của nhân phẩm, nhân quyền, tự do theo Thần Khí, văn minh tình thương và sự sống, tinh thần các mối phúc, v.v.

1. Thủy chung

Bí tích hôn phối: vẻ đẹp độc đáo và chứng tá bền vững của hôn nhân Công Giáo. Hai người nam nữ đưa nhau đến Nhà Thờ, sánh duyên với nhau, sinh con cái, lập thành mái ấm có Chúa hiện diện ở giữa. Do đó, gia đình Công Giáo còn là gia đình thiêng liêng, siêu nhiên. Vợ chồng tùng phục, yêu thương và tôn trọng nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Đó là lời thề trước mặt Giáo Hội: thuộc về nhau và thuộc về Chúa. Họ phải trung thành suốt mọi ngày trong đời vì được Thiên Chúa se kết và không thể phân ly. Giáo Hội không chấp nhận việc ly dị và hôn nhân đồng tính vì nó trái tự nhiên và luật Chúa. Sự trung tín của cha mẹ sẽ giúp con cái và xã hội không phải khổ vì những cuộc chia ly cùng với hậu quả kéo theo của nó!

2. Công bình và bác ái

Gia đình Công giáo thực thi giới răn trọng nhất: “thờ Chúa và thương người thân cận như chính mình”. Vì xác tín mọi người là con cùng một Cha, họ không để người nghèo bị loại ra ngoài. Nhiều người Công giáo ở mọi độ tuổi tham gia các hoạt động xã hội; đồng thời cố gắng đem vương quốc bình an đến những nơi còn bất công, tàn bạo. Giữa môi trường họ đang sống, người Kitô hữu biểu lộ khả năng cảm thông và đón nhận, chung chia số phận với kẻ khác trong nỗ lực nhằm đạt những gì cao quý hơn.

Chẳng hạn:

- Các bạn trẻ đến đọc sách cho người khiếm thị ở mái ấm.

- Tổ chức “mùa hè vui”, dạy học và tạo thư viện lưu động cho thiếu nhi vùng sâu.

- Tham gia làm sạch môi trường, tình nguyện hiến máu.

- Hàng tuần, các bà mẹ Công Giáo có những “bữa ăn tình thương” cho người khuyết tật, đi thăm viếng và an ủi kẻ liệt, người già neo đơn, di dân, bệnh nhân.

- Thiếu nhi sẵn lòng thực hành việc tốt mỗi ngày theo sức của mình.

- Các vị cao niên thì đọc kinh cầu nguyện cho mọi người.

- Nhiều gia đình có suất học bổng cho sinh viên nghèo, nhận cưu mang trẻ mồ côi, chia sẻ mùa chay, khoan giếng, dựng nhà cho người gặp khó khăn.

Bạn có thể thường xuyên nhìn thấy họ tỏ tình liên đới cách âm thầm, phục vụ như một điều tự nhiên.

3. Mối tình Ba Ngôi hiệp nhất

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình thương không kết thúc; là mái trường đầu tiên cho trẻ thơ học tương giao, nhân bản, giúp phát triển toàn diện, thăng tiến và khám phá chính mình. Không những thế, gia đình Công Giáo cùng nhau sống từ bàn tiệc của ăn tới bàn tiệc Thánh Thể, qua đó, các thành viên tạo mối thâm tình sâu sắc trong cộng đoàn nhỏ tại gia.

Điều đó không dễ, nhưng họ phải “bắt đầu và lại bắt đầu” tạo bầu khí chan hòa, hiệp thông. Cha mẹ thương nhau – tấm gương sáng chói – là sự ngưỡng mộ của con cái. Họ sẽ cho ra đời những người trưởng thành có tuổi thơ ấm áp, tin tưởng lẫn nhau. Được nuôi dưỡng bằng dòng sữa tình mến, Giáo Hội tại gia trở thành tế bào xã hội viên mãn – cộng đồng đẹp giữa trần gian.

4. Yêu quê hương

Ai sinh ra cũng gắn bó với quê hương. Có những người, vì hoàn cảnh, phải phiêu bạt, xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng có lẽ, tình yêu ấy luôn chảy trong lòng những người dân trên mảnh đất hình chữ S này. Gia đình là điểm tựa, bến đỗ cho mỗi người. Các thành viên của ngôi nhà ấy còn là công dân trong một chính thể xã hội, nên họ phải tôn trọng luật lệ quốc gia. Tôi tớ Chúa, Ðức Hồng Y P.X. Nguyễn Văn Thuận nhắn nhủ:

Là người Công Giáo Việt Nam, con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc, sôi trào trong huyết quản con.
... Con phục vụ hết tâm hồn, con trung thành hết nhiệt huyết.
Con bảo vệ bằng xương máu, con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào, buồn nỗi buồn của Dân Tộc[1],…

Vì cùng một tổ quốc, gia đình Công Giáo luôn muốn mở lòng với mọi bạn hữu, đồng hành với dân tộc, đùm bọc lẫn nhau. Nhiều người đã hợp tác để xây dựng quê hương: Giới trí thức cộng tác trong công việc giáo dục. Giới y khoa lo chăm sóc y tế. Sinh viên tích cực làm xanh sạch đẹp môi trường, góp phần đẩy lui tệ nạn bằng cách thay vào đó những điều tốt đẹp. Các thành phần khác sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ dân mình.

Điển hình, họ đã gặp nhau, đưa ra đề xuất sáng tạo, đóng góp cách vô vị lợi, vô điều kiện, cho việc ngăn chặn cơn đại dịch Covid–19 vừa qua. Họ hiện diện ở tất cả mọi nơi, trước mặt người đời, để mang lại cho đất nước gương mặt rạng ngời về tình người. Bên cạnh đó, dù công nghệ số phát triển, người trẻ năng động hơn, nhưng họ vẫn cố giữ bản sắc dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt, học biết về lịch sử, văn hóa của dân mình.

5. Truyền thống gia đình

Gia đình Công Giáo là cái nôi sự sống, lớp học đầu đời về giá trị đạo đức và niềm tin. Đó còn là ngôi nhà thờ phượng, nơi ấy, các thành viên được chăm lo, huấn luyện về phương diện thể chất,  tinh thần, được giáo dục trở thành Kitô hữu tốt. Sau những giờ kinh chung, họ vui vẻ trò chuyện với nhau. Thiếu nhi đến với lớp giáo lý, hướng đạo,... và có cơ hội được đào tạo, giao lưu, tương quan bằng hữu, tham gia hoạt động cộng đồng, mở rộng và rèn luyện trong nhiều lĩnh vực, từ đó có khả năng đối diện thách thức.

Hơn nữa, các cha mẹ quảng đại thường khích lệ con cái đáp lại tiếng gọi hiến dâng, xả thân giúp đời, sống tử tế, khiêm tốn, không chửi thề nhưng kiến tạo tình huynh đệ đại đồng, nghĩ tới tha nhân – vẻ đẹp của lòng thương xót, kín múc sức mạnh thiêng liêng từ cầu nguyện, trân quý sự sống, gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên. Mong sau này ra đời, họ cố giữ môi trường làm việc minh bạch, lương thiện, bênh vực sự thật,...

6. Đối thoại liên tôn và đại kết

“Đối thoại là sinh hoạt có phẩm cách riêng, được hướng dẫn bởi sự tôn trọng sâu đối với những gì Thánh Thần, “Đấng thổi ở đâu tuỳ ý Ngài”, đã tác động trong con người. Giáo hội khám phá “hạt giống của Ngôi Lời”, “những tia chân lý soi dọi mọi người” được tìm thấy nơi những con người trong các truyền thống tôn giáo”[2]. Người Công Giáo Việt tiếp xúc ngày càng nhiều với các đồng bào tín đồ tôn giáo khác. Họ gặp gỡ, cộng tác với anh chị em tôn giáo bạn. Thí dụ: Phòng khám Kênh 7: các thành viên trong gia đình Phật Giáo, Tin Lành và Công Giáo cùng làm việc với nhau. Đó không phải là xây dựng sự hòa hợp dân tộc sao?

7. Kính nhớ tổ tiên

Gia đình Công Giáo ráng dạy trẻ học cám ơn, trước hết là tri ân Chúa, nhớ ơn các bậc sinh thành, những người đã làm ơn cho mình dù chỉ là một điều rất nhỏ.

Gia đình tôi có người thuộc tôn giáo bạn. Khi tôi hỏi họ ấn tượng điều gì nhất ở đạo Công Giáo, người đó nói, họ “ưa” cách bên Công Giáo tổ chức lễ tang cầu nguyện cho người đã ra đi. Điều ấy thật chân tình, linh thiêng, ấm áp và “có hậu”. Lúc đưa tiễn người thân ra nơi an nghỉ cuối cùng, giáo dân và gia đình hát, đọc kinh, cha và các hội đoàn hiệp thông chia sẻ với gia quyến, không rải vàng mã gây ô nhiễm môi trường,... Do vậy, họ thích được kết thúc hành trình cuộc đời theo nghi thức Công Giáo!

Thật vậy, người Công Giáo tin có đời sau, có sự thông công. Các thánh trên thiên quốc chuyển cầu cho chúng ta. Còn chúng ta, những ngày đặc biệt như mồng ba tết và tháng 11, ngày giỗ và hằng ngày cầu nguyện, xin lễ cho ông bà, để nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Nhiều gia đình thường đến thăm người quá cố tại nhà chờ Phục Sinh hoặc ra đất thánh viếng mộ. Ấy là một phong tục đẹp về đạo hiếu mà ông cha ta lưu truyền và được đưa vào nghi lễ Công Giáo.

Bạn và tôi đều từng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo và cùng sống trong một bối cảnh xã hội. Chắc bạn hiểu, ngày nay có nhiều biến động trong gia đình: tục hóa, sống ảo, sống vội, buông thả, trào lưu hưởng thụ, con cái đi học hay làm xa nhà, chủ nghĩa cá nhân, bạo lực, kỹ thuật số đã kéo thành viên trong gia đình “tuy gần mà xa”. Cho nên, một số gia đình Công Giáo Việt Nam chưa sống được như những ý nêu trên, nhưng đó là ao ước của họ. Xin Thánh Gia Thất giúp các gia đình được vững vàng tin yêu trước mọi thử thách...

“Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cụ thể và đem lại cho gia đình những phẩm giá sung mãn, cao quý nhất. Gia đình cũng tìm được nền tảng vững chắc nhờ đặt trong viễn tượng mới mẻ ấy”[3]. Mong rằng các gia đình Công Giáo sống tình làng nghĩa xóm mặn nồng, dốc tâm lực dấn thân cho dãy đất Việt này, để đạo Công Giáo mãi là “đạo yêu thương”.

Dĩ nhiên bạn có thể liệt kê nói tiếp danh sách trên đây! Bạn nhé!

 (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (2.5.2022)

Đọc thêm:



[1] P.X. Nguyễn Văn Thuận. Đường Hy Vọng. Trang 8384.

[2] x.Thông điệp Đối Thoại và Rao Truyền RM

[3] Bản Tóm lược Học thuyết Xã Hội, số 210

LỊCH PHỤNG VỤ