Giuse Cao Văn Quang và Têrêsa Đinh Thị Thu Hà
I. DẪN VÀO
Dù ở nền văn hóa hay dân tộc, quốc gia nao... khi nhắc đến
gia đình, chúng ta đều có thể có chung một liên tưởng đến những hình ảnh sống động
như ông bà, cha mẹ và anh chị em - những người có liên hệ máu mủ và ruột thịt với
cuộc sống của mình. Gia đình là nơi cha mẹ trao ban sự sống cho con cái. “Gia
đình là trường học đầu tiên”[1], và cha mẹ là người thầy đầu
tiên giáo dục nhân cách đầu đời cho con cái, giúp con nên người và trở thành
con Thiên Chúa. Gia đình là tổ ấm yêu thương, vì ở nơi đó, cha mẹ và con cái
yêu thương, gắn bó với đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cũng là chốn trở về khi con
cái đạt đến thành công, hay khi con cái có lầm lỡ, thất bại. Gia đình thật là
thiêng liêng và là tổ ấm đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống của
con người. Từ những cảm nghiệm tự nhiên này, chúng ta ý thức rõ hơn về một “ơn
gọi” cao cả của các gia đình Công giáo, đó là cái nôi giáo dục lòng Chúa thương
xót. Ơn gọi này đã được Hội Thánh nêu lên trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô
giáo, Công đồng Vaticanô II nói: “Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một
bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha
nhân”[2]. Tiếp đến Thư chung của Hội
đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như
một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái
yêu thương.. .”[3]. Như thế, gia đình phải là
“Hội Thánh tại gia” để Thiên Chúa giàu lòng thương xót ngự trị qua đời sống cầu
nguyện của gia đình; là trường học để cha mẹ dạy cho con cái hiểu biết và yêu mến
Đấng Thương Xót đã tạo dựng mọi sự và cứu độ muôn loài; là môi trường để mọi
thành viên được học hỏi và thực hành lòng thương xót bằng sự tôn trọng, hy
sinh, quan tâm phục vụ lẫn nhau. Nhân Năm gia đình Amoris laetitia, chúng ta
cùng nhau suy tư về vai trò của gia đình như cái nôi giáo dục lòng Chúa thương
xót.
II. VÌ SAO GIA ĐÌNH LÀ CÁI NÔI GIÁO DỤC LÒNG CHÚA
THƯƠNG XÓT?
1. Giáo dục trong gia đình
Trước tiên, để hiểu được gia đình là cái nôi giáo dục lòng
Chúa thương xót chúng ta cần hiểu giáo dục trong gia đình diễn ra như thế nào?
Ai là nhà giáo dục? Ai là người được giáo dục? Việc tổ chức hoạt động giáo dục
trong gia đình có nội dung gì và phương thức giáo dục ra sao?
Tác giả Bùi Hiền và các đồng tác giả đã định nghĩa giáo dục
gia đình như sau: “Giáo dục gia đình là hoạt động giáo dục con em trong gia
đình bằng những tác động có định hướng của cha mẹ và bằng những ảnh hưởng tự
nhiên của lối sống hằng ngày trong gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên
thường xuyên, gần gũi nhất có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đối với sự hình
thành toàn diện những yếu tố ban đầu của nhân cách. Trẻ em hằng ngày nhận được
sự chỉ bảo, hướng dẫn có tính định hướng giáo dục của cha mẹ, ông bà và các
thành viên lớn tuổi khác, đồng thời cũng quan sát và bắt chước những lời nói, cử
chỉ của người lớn với nhau. Do đó gia đình chỉ trở thành môi trường giáo dục tốt,
khi các hành vi và lời nói của người lớn có tính mẫu mực, làm gương, chí ít
cũng không phải là xấu, khi lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm, khi có sự nhất
trí, thống nhất ý kiến và hành động giáo dục con cái giữa cha với mẹ, giữa cha
mẹ với ông bà. Thiếu vắng những điều trên đứa trẻ sẽ mất phương hướng suy nghĩ
và hành động, sẽ gặp trở ngại lớn trong quá trình hình thành và phát triển nhân
cách, và dễ trở thành kẻ xu thế, xu thời, mạnh đâu theo đó, gió chiều nào theo
chiều ấy”[4].
Như vậy, để gia đình là cái nôi - môi trường giáo dục lòng
Chúa thương xót cho con cái, cần có những yếu tố căn bản sau:
- Nhà giáo dục là người cha người
mẹ, ông bà và các thành viên lớn tuổi.
- Nội dung giáo dục: tri thức về
Thiên Chúa giàu lòng thương xót - Đấng yêu thương tạo dựng vũ trụ và cứu độ
muôn loài; kinh nghiệm sống đức tin với Thiên Chúa và tha nhân; rèn luyện kỹ
năng, nhân đức: yêu thương, tôn trọng, hy sinh, nhường nhịn, quan tâm phục vụ,
...
- Phương thức giáo dục: bằng những
tác động có định hướng của cha mẹ và bằng những ảnh hưởng tự nhiên của lối sống
hằng ngày.
- Yêu cầu: cha mẹ và những người
lớn phải tạo được bầu khí yêu thương trong gia đình; người lớn phải trở thành mẫu
gương trong mọi hành vi và lời nói, lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm (vì
trẻ em học tập phần nhiều qua quan sát và bắt chước); người lớn phải đồng tâm
nhất trí trong phương pháp và nội dung giáo dục.
Qua đây chúng ta nhận thấy, giáo dục trong gia đình rất quan
trọng và được bắt đầu trước cả những hoạt động giáo dục ở nhà trường hay nơi xã
hội. Cha mẹ là nhà giáo dục đầu đời của con cái và thường xuyên trong suốt cuộc
đời của chúng. Nội dung giáo dục không chỉ là những kiến thức về văn hóa, xã hội
trong cuộc sống đời thường mà còn là những hiểu biết về Thiên Chúa thương xót
và cứu độ, về Giáo Hội...; chia sẻ và truyền lại cho con cái những vốn sống -
kinh nghiệm trong đời sống đức tin và cuộc sống tương quan xã hội với mọi người;
tập luyện cho con cái các nhân đức nhân bản, nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy,
đức mến. Phương pháp giảng dạy không chỉ dừng ở phương pháp thuyết giảng hay sử
dụng những phương tiện hiện đại như trình chiếu hình ảnh minh họa, kết nối tư
liệu trên mạng. Mà giáo dục trong gia đình phải được truyền dạy bằng chính đời
sống gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình.
Về thời gian giáo dục: ở nhà trường, thời gian giáo dục có
giới hạn trong tiết học, buổi học, học kỳ, và một số năm học nhất định; trong
khi đó giáo dục trong gia đình diễn ra thường xuyên và lâu dài suốt cuộc đời của
con người.
Về không gian - môi trường diễn ra việc giáo dục: ở nhà trường
chủ yếu diễn ra trên lớp học, những hoạt động ngoại khóa hay dã ngoại rất ít và
dường như không có; còn ở gia đình, không gian giáo dục có thể nói là không giới
hạn, ở đâu cũng có thể có hoạt động giáo dục, một cách hữu ý hoặc một cách tự
nhiên (vô thức), như khi ở trong nhà, nơi bàn ăn, ở sân chơi, ra ngoài đường,
đi nhà thờ, đi dự tiệc,...
Chúng ta thấy rằng, muốn cho việc giáo dục trong gia đình được
thành công, ở nơi mỗi gia đình phải hội đủ những yếu tố căn bản trên đây và nhất
thiết gia đình phải là một tổ ấm yêu thương. Giáo dục con cái nên người, trở
thành một công dân có ích cho gia đình và xã hội đã khó, vậy, gia đình là cái
nôi giáo dục lòng Chúa thương xót thì gia đình Công giáo cần phải như thế nào?
2. Điều kiện cần để gia đình là cái nôi giáo dục
lòng Chúa thương xót
Thứ nhất, gia đình phải là một Hội Thánh tại gia, một Hội
Thánh thu nhỏ, một nơi có Thiên Chúa giàu lòng thương xót ở cùng. Muốn được như
thế gia đình phải tích cực tham gia vào cuộc sống của Hội Thánh: (1) Sống mầu
nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi; (2) Đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi. Gia
đình phải thực thi đầy đủ các sứ mạng làm vua, tư tế và ngôn sứ của Đức Kitô và
của Hội Thánh Người. Cha mẹ phải làm cho sự hiện diện của Đấng giàu lòng thương
xót một cách sống động và cụ thể trong ngôi nhà của mình. Từ việc trang hoàng ảnh
tượng về Thiên Chúa yêu thương cứu độ, trang trí hoa nến trên bàn thờ, và tổ chức
việc cầu nguyện chung trong gia đình một cách thường xuyên, đặc biệt trong những
dịp quan trọng của gia đình như ngày giỗ của cha mẹ, ông bà, kỷ niệm ngày thành
hôn, ngày sinh nhật, lễ bổn mạng của từng thành viên... đến việc trình bày về
Thiên Chúa giàu lòng thương xót cho con cái qua việc học hỏi Lời Chúa, học giáo
lý, qua những câu chuyện về lịch sử cứu độ, về các thanh... Cha mẹ làm gương cầu
nguyện cho con cái noi theo cũng như tập cho con đọc kinh, cầu nguyện từ khi
con còn nhỏ. Cha mẹ tập cho con biết chắp tay và cúi đầu trước bàn thờ Chúa; cầm
tay con làm dấu Thánh giá. Cho con trẻ cùng ngồi hoặc nằm bên cạnh khi cha mẹ đọc
kinh chung mỗi sáng, tối, trước và sau mỗi bữa ăn. Rồi dần dần lời kinh, tiếng
hát và bầu khí cầu nguyện sẽ thấm sâu vào lòng trí của con trẻ, giúp cho con trẻ
đi vào việc cầu nguyện một cách dễ dàng. Cha mẹ sẽ thật vui sướng và hạnh phúc
khi thấy con trẻ hồn nhiên vừa vui chơi, vừa ngân nga đọc kinh hay hát thánh
ca! Lớn hơn một chút, khi trẻ bắt đầu vào các lớp giáo lý khai tâm, cha mẹ sẽ
có thể tập cho con cầu nguyện theo những gợi ý từ các bài học trong chương
trình... Tóm lại, để gia đình là cái nôi giáo dục lòng Chúa thương xót, trước
tiên gia đình phải làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa và lòng thương xót của
Người được diễn tả một cách tự nhiên qua đời sống, hành động, việc làm của cha
mẹ hằng ngày.
Thứ hai, là kết quả của điều thứ nhất, gia đình phải là mái ấm
của lòng thương xót. Nơi gia đình phải có “một bầu khí thấm nhuần tình yêu”, “một
môi trường sống bác ái yêu thương”. Ở đó mọi thành viên hiệp thông và liên đới
chặt chẽ với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt
nhau. Trong mái ấm ấy, cuộc sống của mọi thành viên được an hoà, yêu thương đầm
ấm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau. Những điều này
thật là lý tưởng, là ước mong, và cũng là điều rất quan trọng và cần thiết phải
có để gia đình trở thành cái nôi giáo dục lòng Chúa thương xót. Thấy được sự cần
thiết và quan trọng của gia đình Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói
khi còn là Tổng Giám mục Giáo phận Buenos Aires: “Chỉ những ai đã gặp gỡ lòng
thương xót, được ôm ấp bởi sự thắm thiết của lòng dịu dàng của lòng thương xót,
thì người ấy mới cảm thấy hạnh phúc và an ủi trong Chúa”. Sứ mạng của cha mẹ là
phải làm cho con cái cảm nghiệm được “sự ôm ấp của lòng thương xót của Thiên
Chúa” trên những sai lầm, thất bại, tội lỗi của chúng. Từ cuộc gặp gỡ của cha mẹ
với lòng thương xót, từ kinh nghiệm của cha mẹ với sự ôm ấp đầy dịu dàng của
Chúa Giêsu, một niềm vui sâu sắc và niềm hy vọng được nảy nở trong trái tim cha
mẹ. Chính niềm vui và hy vọng này giúp cha mẹ can đảm chia sẻ với con cái niềm
vui của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.
Như vậy, để gia đình Công giáo là cái nôi giáo dục lòng Chúa
thương xót đòi hỏi gia đình phải không ngừng thực hiện vai trò và trách nhiệm từ
nhỏ cho đến lớn trong gia đình của mình. Mặc dù biết rằng, những điều này là ân
huệ, là vinh dự cao quý gia đình Công giáo được thông chia từ nơi Thiên Chúa,
nhưng cũng nhận ra rằng để thực hiện được hết những đòi hỏi ấy thì cũng không
phải là việc dễ dàng, hay đơn giản chút nào, trong khi gia đình ngày nay đang gặp
không ít khó khăn, rào cản và nhiều thách đố...
3. Thực trạng gia đình ngày nay
Khi nhìn vào bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta
nhận thấy rằng gia đình đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Trong Thư Mục
Vụ năm 2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhận định vấn đề này như sau: “Là
người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới
hoà, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và
xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và
thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một.
Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương.
Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành
gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu
thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu
quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những
phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn
nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ
những gia đình bất hoà, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng
gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng,
ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về
thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương
sự và những người có liên quan”[5]
Tuyên bố chung của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu về Tông đồ
Giáo dân Lần X tại Trung tâm Chăm sóc Mục vụ Camilô, Băng Cốc, Thái Lan - 2015
cũng đã nêu lên thực trạng đời sống gia đình Công giáo hiện nay như sau: “Đời sống
gia đình cũng bị suy yếu không chỉ với những thách thức của công nghệ thông tin
mà còn cả những đe dọa bắt nguồn từ những khía cạnh tiêu cực của việc toàn cầu
hóa. Thế mà, việc thường hay xảy ra là gia đình và giới trẻ không có ai san sẻ,
đồng hành và hỗ trợ trong khi họ phải đối mặt với các cuộc đấu tranh thực sự
trong đời..
Như vậy, hiện trạng chung này đang ngày một gia tăng và mang
tính toàn cầu. Điều này cảnh tỉnh cho các gia đình cần phải trở về để nhìn lại
mình và tìm lại những chân giá trị và vai trò của gia đình; đồng thời, thôi
thúc gia đình tìm ra hướng đi để cứu vãn hiện trạng này và trả lại cho gia đình
về với giá trị nguyên thủy trong ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng nên gia
đình.
4. Thánh Gia - Mẫu gương cho gia đình giáo dục lòng
Chúa thương xót
Thực trạng về gia đình hiện nay cho thấy việc giáo dục trong
gia đình đang ngày càng trở nên bất lợi, và hẳn là sẽ không ít khó khăn trong
việc giáo dục lòng Chúa thương xót. Thấy được những khó khăn, bất lợi này của
các gia đình, Hội Thánh đã tha thiết mời gọi các gia đình nhìn lên và chiêm ngắm
gia đình Chúa Giê su, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Hướng lòng lên Thánh Gia, trước là
xin các Ngài nâng đỡ chuyển cầu cùng Đấng Thương Xót cho chúng ta; sau là để học
hỏi gương sống lòng thương xót của các Ngài trong đời sống gia đình. Các gia
đình Kitô hữu cần phải ngắm nhìn Gia Đình Thánh vì đây là một gia đình gương mẫu
dành cho tất cả các gia đình nơi trần thế này, “gương mẫu của giáo dục tình
yêu”[6]. Đức Giêsu là Đấng giàu lòng
thương xót đã sinh ra và lớn lên từ trong gia đình Đức Mẹ và Thánh Giuse, hẳn
nhiên Người đã được ảnh hưởng từ trong cái nôi yêu thương của Gia Đình Thánh,
đã noi theo gương sống của cha mẹ Người, đã học theo lời ăn tiếng nói của các
Ngài... Vậy, Thánh Gia có những điểm gì đặc biệt để các gia đình có thể noi
gương và bắt chước? Chúng ta thấy rằng các sách Tin Mừng không đề cập nhiều đến
gia đình của Chúa Giêsu. Các Thánh Sử chỉ kể lại vài sự kiện nổi bật khi đó có
sự xuất hiện Ba Đấng như việc Chúa Giêsu sinh ra ở Bê Lem (Lc 2,1-20), Thánh
Giuse và Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ (Lc 1,22-38) và chuyến hành hương
lên Giêrusalem (Lc 2,41-52) v.v... Mặc dù ít được nhắc đến những sinh hoạt
chung nhưng qua một số sự kiện nổi bật đó chúng ta vẫn nhận ra được những dấu
chỉ của một mái ấm đầy lòng thương xót. Sau đây là một vài ví dụ điển hình:
- Khi được Thiên Thần loan báo sẽ
thụ thai và sinh Con Trai, Đức Mẹ đã không khỏi ngỡ ngàng và băn khoăn, nhưng
ngay sau đó, Thiên Thần giải thích thì Mẹ Maria liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần
nói” (x. Lc 1,26- 38). Đức Mẹ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng
hai tiếng “xin vâng”; Ngài từ bỏ ý muốn hiến mình cho Chúa để đảm nhận vai trò
và trách nhiệm trong đời sống gia đình.
- Biết tin Đức Mẹ mang thai, vì
tôn trọng Đức Mẹ, Thanh Giuse đã không lên tiếng phê bình hay chỉ trích mà âm
thầm rời xa Đức Maria, nhưng khi được Thiên Thần báo tin thì Ngài liền bỏ ý định
riêng mà đón nhận Đức Mẹ về nhà (x. Mt 1,18-25). Việc này không đơn giản như việc
làm của một người “xe ôm” chở Đức Maria về nhà là xong mà là sự đón nhận toàn
thể con người và tất cả những gì liên quan đến Đức Maria từ giây phút đó cho đến
mãi về sau.
- Thánh Giuse đã đồng hành và
nâng đỡ Đức Mẹ một cách đặc biệt trong những ngày sinh hạ Hài Nhi Giêsu. Thánh
Giuse đã phải đưa Đức Mẹ đang mang thai nặng nề từ thành Nadarét, miền Galillê,
lên thành Bêlem, miền Giuđê; vất vả tìm nơi trọ; và lúc Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu,
Thánh Giuse đã ở cùng với Đức Mẹ để chăm sóc và bảo toàn mọi sự cho Đức Mẹ và
Hài Nhi; Hài Nhi Giêsu đã được sưởi ấm bằng tình yêu thương của cả cha và mẹ
ngay giây phút chào đời. (x. Lc 2,1-20). Rồi khi được báo mộng có nguy hại đến
tính mạng của Hài Nhi thì “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và
Mẹ Người trốn sang Ai Cập”. Chắc hẳn, giữa đêm trường và đường xa xôi, Thánh
Giuse và Đức Mẹ đã phải hy sinh vất vả khó nhọc rất nhiều... để có được sự an
toàn cho Hài Nhi!
Quả thực, Gia Đình Thánh là mái ấm của lòng thương xót vì ở
trong đó, người con Giêsu - tuy là Thiên Chúa - nhưng đã đón nhận cuộc sống đơn
nghèo, chịu thương chịu khó và hằng vâng phục cha mẹ Giuse và Maria. Đấng giàu
lòng thương xót cư ngụ trong Gia Đình này. Còn Thánh Giuse và Đức Mẹ đã sẵn
lòng đón nhận nuôi dưỡng Con Thiên Chúa - Đấng Thương Xót bằng cách từ bỏ những
ý định riêng của mình để thực hiện chương trình cứu độ, công trình thương xót của
Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thật thế, Thánh Giuse và Đức Mẹ qua sự vâng phục
đã chia sẻ “tình phụ tử của Thiên Chúa” và đã thể hiện tình phụ tử một cách trọn
vẹn trong mái ấm của mình. Hài Nhi đã lớn lên, trưởng thành và trở nên “Con yêu
dấu” của Chúa Cha và “đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng” (x. Mc 1,7-11) là nhờ sự đùm
bọc đầy yêu thương, sự hy sinh vất vả nuôi dưỡng và sự tận tâm giáo dục của Đức
Mẹ và Thánh Giuse. Nói cách khác, Hài Nhi Giêsu đã khôn lớn và trở thành người
loan báo Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót được là nhờ đã sống trong (và
thấm đẫm) “lòng Chúa thương xót” từ mái ấm đầy thương xót của Đức Mẹ và Thánh
Giuse. Đây là Thánh Gia, là mái ấm thương xót mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân
loại hôm nay.
Vậy để có thể củng cố lại thực trạng gia đình cũng như để
gia đình vượt qua mọi trở ngại và trở nên mái ấm lòng thương xót, chúng ta hãy
chạy đến - hướng lòng lên với Thánh Gia. Nhờ đó, gia đình chúng ta được “lôi
kéo” bởi gương sáng ngời của Thánh Gia và được tiếp thêm sức mạnh của ơn Chúa
thúc đẩy nhờ lời cầu bầu của các Ngài; chúng ta tiến bước cùng các Ngài; gia
đình chúng ta có được niềm vui, hạnh phúc và an bình.
III. ĐỂ GIA ĐÌNH LÀ CÁI NÔI GIÁO DỤC LÒNG CHÚA
THƯƠNG XÓT...
Từ việc học hỏi những điểm nổi bật của Thánh Gia và dưới ánh
sáng của Lời Chúa hướng dẫn và giáo huấn của Hội Thánh, mỗi thành viên trong
gia đình cần phải thực hiện được những điều thiết yếu sau:
1. Tôn trọng lẫn nhau
Tôn trọng lẫn nhau bao gồm: vợ chồng tôn trọng nhau, cha mẹ
tôn trọng con cái, con cái kính trọng ông bà, cha mẹ, và anh, chị, em tôn trọng
lẫn nhau.
Trước tiên, tôn trọng bằng sự nhìn nhận nhau. Tình yêu vợ chồng
Kitô hữu được Thiên Chúa Thương Xót đóng ấn và chúc phúc. Người nam và người nữ
đến với nhau nên vợ chồng là do sự quan phòng đầy yêu thương của Đấng hay
thương xót. Nói theo cách nhìn nhận tự nhiên của con người: người nam và người
nữ nên vợ chồng với nhau được là vì “duyên”. Bởi thế, vợ chồng là người bạn đời
của nhau. Vợ không phải là người hầu hoặc nô lệ của chồng; chồng cũng phải là một
nhân viên hoặc đầy tớ của vợ. Cả hai vợ chồng tuy có sự khác biệt nhau, nhưng
bình đẳng với nhau vì đều là hình ảnh Thiên Chúa. Sự bình đẳng này cũng xuất
phát từ lời cam kết “yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời” trong ngày
thành hôn.
Tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho con cái, trước
tiên cũng được thể hiện qua việc cha mẹ tôn trọng con cái. Cha mẹ được cộng tác
với Thiên Chúa trong việc sinh sản con cái và được chia sẻ tình phụ tử của
Thiên Chúa trong việc yêu thương và giáo dục con. Đó là vinh dự và bổn phận của
người làm cha làm mẹ. Tuy vậy, cha mẹ không vì thế mà tự cho mình quyền tối thượng
trên con cái mà phải thể hiện quyền bính với con một cách tôn trọng. Cha mẹ phải
nhìn nhận những đứa con được sinh ra ngoài ý muốn (ngoài dự định, kế hoạch),
hay ngoài sự mong đợi (về giới tính, vẻ đẹp, sự hoàn hảo...), vì con cái là của
Thiên Chúa, là ân huệ cao cả của hôn nhân; vì mỗi con người, dù mới chỉ là phôi
thai, đều là sự sống của Chúa, là một ngôi vị toàn vẹn trước mặt Thiên Chúa cho
dẫu có khiếm khuyết nào đó nơi cơ thể. Khoa học ngày nay đã cho thấy, đứa trẻ
đã có thể cảm nhận được rất sớm, ngay từ trong bào thai, về sự từ chối, không
muốn nhìn nhận con của người cha mẹ; thai nhi thường có các biểu hiện phản ứng
lại sự từ chối của cha mẹ như thu mình lại, thậm chí có tiếng rên trong cung
lòng người mẹ. Do đó, sự nhìn nhận của cha mẹ đối với con cái phải có từ trong
tâm trí mình để rồi có thể truyền tải tình thương vào trong hành động sống với
con cái.
Đến khi con trưởng thành, cha mẹ tôn trọng con trong việc
con tìm - chọn bạn đời cho mình. Trước đây người ta vẫn thường nói: Cha mẹ đặt
đâu thì con ngồi đó; ngày nay thì ngược lại: Con đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó!
Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần phải thi hành bổn phận của mình với con trong việc hướng
dẫn, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên thích hợp.Đồng Thời,việc cha mẹ nhìn nhận
“dâu”, “rể” là con cho thấy tình yêu bao la của cha mẹ, chứ không phải nghĩ rằng
đó là “kẻ chiếm đoạt” con trai hay con gái của mình!
Ngược lại, để gia đình là mái ấm yêu thương thì con cái cũng
phải biết nhìn nhận người đã sinh ra mình là cha mẹ của mình, khi các ngài
không được như cha mẹ của người khác, không có học vấn, địa vị trong xã hội, nhất
là khi cha mẹ mình bị tật nguyền, khiếm khuyết... “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ.
Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ
cho con?” (Hc 7,27-28)
Hơn nữa, sự nhìn nhận cha mẹ mình để hiếu kính và chăm sóc
các ngài còn là mẫu gương sống động cho con cái mình noi theo, và suy cho cùng,
như cha ông ta thường nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” thôi!
Tiếp đến, tôn trọng là phải đón nhận nhau. Gia đình Nadarét
được bắt đầu bằng sự đón nhận: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà
Maria vợ ông về.” (Mt 1,20). Không chỉ
đón nhận những ưu điểm và những điều hợp ý mình, mà còn cả những khuyết điểm,
những điều trái với ý mình, nghĩa là đón nhận trọn vẹn con người của nhau với
quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai. Nhạc sĩ Diệu Hương đã diễn tả rất hay một
tình yêu chân thực: “Không cần biết em là ai. Không cần biết em từ đâu... Không
cần biết em ngày sau. Ta yêu em băng mây ngàn biển rộng... Ta yêu em qua đông
tàn ngày tận. Yêu em, như yêu vùng trời mênh mông... Yêu em, vì chỉ biết đó là
em”. Đón nhận nhau là tôn trọng những khác biệt nơi nhau, khác biệt về cách suy
nghĩ, về cảm nhận, về văn hóa. Thông thường, khi người nam và người nữ mới quen
nhau, họ nhận ra nơi người bạn của mình rất nhiều cái đẹp của nhau, xem ra rất
hợp nhau, giống tính nhau, là một nửa của nhau, và dường như họ lấy những điểm ấy
làm cái “cớ” để ngỏ lời yêu nhau; nhưng khi đã thành hôn và về sống chung với
nhau, họ dần dần khám phá ra có những khác biệt, những khuyết điểm của nhau, thậm
chí có lúc không thể lắng nghe và chấp nhận nhau. Khi đó, vợ chồng cần phải biết
nhớ đến lòng thương xót bao la của Thiên Chúa và nhớ lại lời thề hứa ngày thành
hôn để rồi lại đón nhận nhau mà “tương kính như tân”. Chỉ khi vợ chồng biết đón
nhận nhau mới có thể đi đến giữ gìn cho nhau khỏi những bất hòa, để có thể trao
đổi, lắng nghe, giúp hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi
ngày một nên hoàn thiện.[7] Và, một khi đã thực sự trải
nghiệm việc đón nhận nhau của mình, vợ chồng cũng sẽ dễ dàng đón nhận người
khác trong gia đình, hay nói cách khác: vợ chồng biết cùng nhau san sẻ để đón
nhận những người thân, anh em họ hàng đôi bên gia đình. Đón nhận những quan điểm,
cách suy nghĩ của ông bà, những người thuộc thế hệ trước mình; đón nhận những
giới hạn, chậm chạp, bệnh tật, hay những đãng trí, lú lẫn nơi cha mẹ, ông bà,
do tuổi già sức yếu. Bởi thế, chúng ta hãy nghe lời sách Huấn ca nhắc nhở những
người làm con rằng:
“Hỡi kẻ làm con, hãy
gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống.
Nếu tinh thần người sa
sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người.
Vì của dâng cho cha, sẽ
không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ, sẽ đền
bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của người.
Ai bỏ rơi cha mình thì
khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình,
sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”. (Hc 3, 12-16)
Đồng thời, cha mẹ đón nhận sự khác biệt thế hệ nơi con cái
mình. Lối sống của thế hệ trẻ sẽ khác rất nhiều so với thế hệ lớn tuổi. Điều đó
sẽ dẫn đến nhiều sự làm “trái mắt” người lớn tuổi. Đòi hỏi cha mẹ và những người
lớn phải đón nhận những điều khác với mình, vì đó là tất yếu trong tiến trình
phát triển của xã hội loài người. Chẳng hạn, khác biệt về phong cách sống hiện
đại, về lựa chọn lối sống, về tính tình, về trình độ văn hóa,... Dĩ nhiên, việc
đón nhận này phải là sự đón nhận trong tình yêu và chân giá trị, chứ không bao
hàm hay đồng nghĩa với việc đồng lõa hoặc làm ngơ trước những điều trái với
luân lý đạo đức. Để thực thi được những điều này và để xây dựng gia đình thành
tổ ấm thương xót, chúng ta được mời gọi noi gương Gia Đình Thánh, mỗi người hãy
biết từ bỏ ý riêng để đón nhận những khác biệt và chấp nhận những giới hạn của
nhau trong cuộc sống hằng ngày.
2. Hy sinh cho nhau
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người
đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Dựa vào lời công bố của
Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể nêu lên khẳng định này: “Một trong những bằng
chứng về tình yêu chân thật, đó là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp
nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là yêu nhau thật sự”[8]. Và, khi mỗi người trong
chúng ta càng biết hy sinh trong tình yêu cho nhau thì sẽ làm cho hình ảnh của
Đấng giàu lòng thương xót nơi ta càng được biểu lộ rõ nét hơn. Thực ra, việc vợ
chồng hy sinh cho nhau là điều đương nhiên và phải thực hiện luôn, vì “yêu
thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời” đã là lời cam kết của họ trong ngày
thành hôn, họ đã trở nên một, và do đó, họ không thể không yêu thương - hy sinh
cho nhau, “chẳng ai ghét thân mình bao giờ”; vợ chồng hy sinh cho nhau là yêu
thương chính mình vậy! Sự hy sinh của vợ chồng dành cho nhau cũng sẽ mang lại
hiệu quả cho chính cha mẹ có thể dễ dàng hy sinh cho con cái. Tình yêu của vợ
chồng làm gia tăng sức mạnh cho “tình phụ tử” của cha mẹ đối với con cái. Cả
hai cùng khổ công xây đắp cho mái ấm của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Cả hai cùng đồng hành với nhau để nâng niu hoa trái của tình yêu vợ chồng trong
những ngày tháng mang nặng đẻ đau. Cả hai cùng nhau trong những đêm trường thao
thức lo cho con no lòng, ấm thân và an giấc. Mong cho con được mạnh khỏe và lớn
khôn..., nhất là những khi con cái đau bệnh. Dường như sự hy sinh của cha mẹ đối
với con cái không có thời hạn hay điểm dừng. Sự tần tảo, chắt chiu, dành dụm mọi
sự lo cho con, dường như làm cha mẹ quên lo cho bản thân mình. Quả thật, có thể
nói rằng, có cả hàng ngàn lẻ một những việc không tên mà cha mẹ phải lo, phải
làm, phải hy sinh vất vả..., mà chẳng ai có thể đếm nổi. Tình thương yêu của
cha mẹ dành cho con cái là thế đó. Hy sinh tất cả chỉ vì thương con và mong sao
cho con lớn lên thành người. Đến lượt con cái, một khi cảm nhận được sự hy sinh
vất vả quên mình của cha mẹ, như một quy luật tự nhiên, “sóng trước đổ đâu,
sóng sau đổ đó”, con cái cũng sẽ biết hy sinh đáp đền đối với cha mẹ, và con
cái, các anh chị em trong gia đình, cũng sẽ học lấy tấm gương hy sinh của cha mẹ
mà biết hy sinh cho nhau.
Hy sinh cho nhau trong gia đình là vì hạnh phúc của vợ, của
chồng, của con cái. Có người cho rằng, chỉ những việc gì to lớn mới cần đến sự
hy sinh; hạnh phúc là điều nằm ngoài tầm tay của con người. Nhưng thực ra, hạnh
phúc đến với ta từ những điều giản dị, nhỏ bé, bằng những hy sinh liên lỉ hằng
ngày ta dành cho nhau. Chẳng hạn như ông bà để một phần bánh dành riêng cho
cháu, cha mẹ dành thời gian chơi chung với con, vợ chồng dành thời gian cho
nhau để tâm sự, chia sẻ, đi mua sắm, phụ giúp nhau làm việc nhà, hoặc là một sự
từ bỏ sở thích riêng vì ích chung…[9] Nói theo Mẹ Têrêxa Calcutta
thì, hạnh phúc không hẳn phải là làm hay hy sinh những việc lớn lao, quan trọng
là ở chỗ “làm việc nhỏ với tình yêu lớn”. Bà Helena Alvare cũng đã chia sẻ
trong Ngày Thế giới Hội ngộ của Gia đình Lần VIII tại Philadelphia như sau:
“Tình yêu phải có sự hy sinh, phải bắt đầu biết hy sinh ngay trong gia đình để
rồi mở ra với xã hội. Yêu thương trong gia đình để mở ra với người khác, ngay từ
những việc nhỏ mọn nhất. Ồ! thật là đơn giản, thế mà trong cuộc sống chung đụng
hằng ngày chúng tôi quên mất. Tự ái, ích kỷ đã che điều đơn giản. Tôi tự hứa với
lòng: Lạy Chúa, con phải biết tập nhẫn nhịn, để mang niềm vui cho mọi người
trong gia đình. Con sẽ bắt đầu lại, mỗi ngày phải mang một niềm vui nhỏ cho gia
đình, cho người tôi gặp gỡ. Và quả thật trong những ngày kế tiếp, tôi bắt đầu thực
hành điều tôi nghe, tôi nhận ra niềm vui nối tiếp niềm vui, lòng tôi nhẹ nhàng
hơn. Tạ ơn Chúa”...
Tiếp đến, sự nhường nhịn lẫn nhau trong cuộc sống chung cũng
là một biểu hiện của sự hy sinh. Những hy sinh này sẽ giúp cho gia đình được êm
ấm hơn: “Một điều nhịn, chín điều lành”, “.nhẫn nhịn, để mang niềm vui cho mọi
người trong gia đình”. Cuộc sống chung trong gia đình không phải lúc nào cũng bằng
phẳng, êm ả. Có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có lúc mâu thuẫn do bất đồng
ý kiến, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Những điều đó là bình thường trong
cuộc sống gia đình và khó tránh khỏi; cái chén, cái đĩa gần nhau cũng có lúc va
chạm! Chính Thánh Gia ngày xưa cũng đã trải qua những kinh nghiệm này. Chẳng hạn
khi lạc mất Chúa Giêsu trong lần hành hương lên đền thờ Giêrusalem, Thánh Giuse
và Đức Mẹ đã phải lo lắng chạy đôn chạy đáo đi tìm con ròng rã ba ngày. Trong
những khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng thì sự hy sinh, nhường nhịn nhau, quả thực
là điều rất cần thiết và quan trọng, vì đó là điều kiện cần để các thành viên
có thể ngồi lại với nhau, đối thoại - trao đổi với nhau và cùng nhau giải quyết
vấn đề. Những dịp như thế sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình hiểu nhau
hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt giũa cái “tôi” tự ái và vị kỷ, hầu cuộc
sống gia đình được hài hòa, êm ấm và hạnh phúc.
Sau nữa, sự hy sinh trong gia đình cần được thể hiện qua việc
tha thứ cho nhau. Nhân vô thập toàn. Đã là người, ai cũng có những lầm lỡ, sai
sót. Đã là người, ai cũng cần được tha thứ. Trong lịch sử cứu độ, các Thánh vịnh
đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cao cả nơi hành động tha thứ của Thiên Chúa: “Ngài thứ tha mọi lầm lỗi của ngươi, Ngài chữa
lành tất cả bệnh hoạn của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu,
Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103, 3-4).
Và quả thực, nếu như Thiên Chúa không xót thương và tha thứ thì có ai được cứu
thoát, được ơn cứu độ, như lời Thánh vịnh 130 kêu lên: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài”. Rồi khi đến
trần gian để thực hiện công cuộc cứu độ, trong các dụ ngôn về lòng thương xót,
Chúa Giêsu đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ
bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ
cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót. Và đặc biệt, qua ba dụ ngôn: về
con chiên lạc, về đồng xu thất lạc và về người cha với hai đứa con (x. Lc 15,
1-32), cho thấy Thiên Chúa luôn tràn ngập vui mừng, nhất là khi Ngài tha thứ[10]. Đến Thánh Phaolô, để hướng
dẫn các tín hữu thực thi lời dạy của Tin Mừng, Ngài răn dạy: “Như những người được chọn của Thiên Chúa,
những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ
bi, nhân hậu, khiêm cung ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ
cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ
cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).
Có một điều khiến người ta khó tha thứ cho người khác, kể cả
đối với chính bản thân mình, đó là con người hay có xu hướng tìm kiếm, hoặc nhạy
bén với những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong
con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41). Trong một buổi
sinh hoạt gia đình, có các con, các cháu nội, cháu ngoại đang quây quần trò
chuyện với ông bà. Người ông là một nhà giáo về hưu. Ông đề nghị cho các cháu một
trò chơi nhỏ, đó là một bài trắc nghiệm để xem các cháu nhận thức như thế nào.
Ông lấy một tờ giấy trắng A4 ở giữa có một chấm đen và đưa lên cho các cháu xem
và hỏi: Các con thấy gì nào? - Các cháu tranh nhau để trả lời: “Con thấy có một
chấm đen ở giữa tờ giấy, ông ạ!” Thấy hầu hết đã trả lời mà chưa có cháu nào trả
lời đúng nhất, ông hỏi tiếp: Các con thấy gì nữa? - Cả nhà im lặng một hồi vì
hình như không còn câu trả lời nào khác... Sau đó, một cháu nhỏ nhất đứng lên
nói: Thưa ông, con thấy một tờ giấy trắng ạ. Mọi người ồ lên vỗ tay hoan hô.
Lúc này người ông chậm rãi nói: các con đã nói đúng hết, có một chấm đen ở giữa
tờ giấy và con nhỏ nhất, con nói là tờ giấy trắng cũng rất đúng. Tiếp theo, ông
giải thích: thông thường chúng ta hay thấy điểm đen trên tờ giấy trắng mặc dù
nó nhỏ, đó là điểm xấu, điểm không tốt hay sai sót, lỗi lầm của người khác...;
trong khi đó cả một tờ giấy trắng lại chỉ có một cháu nhỏ nhận ra, thậm chí có
khi không có ai thấy được điều này, đó là phần nhiều của những điều tốt, tích cực
nơi người xung quanh mình. Khi ta chỉ nhìn thấy điều xấu, sai phạm, “bới lông
tìm vết” của người khác. sẽ khiến cho ta có những cảm xúc tiêu cực và đi đến
thái độ phê phán, chỉ trích, xa lánh họ; ngược lại, nếu ta nhìn ra điều hay, điểm
tốt. sẽ tạo nên nơi ta cảm xúc tốt và sẽ dễ dàng chấp nhận hoặc bỏ qua những
sai sót, những điểm hạn chế của họ.
Vì thế, để chúng ta có thể vượt qua trở ngại thực thi lòng
thương xót trong gia đình bằng sự hy sinh, đón nhận nhau, nhường nhịn nhau.
chúng ta cần phải mang trên mình “lăng kính nhân hậu” của Đức Giêsu và luyện tập
cho mình một kỹ năng (làm ngược lại với xu hướng tự nhiên chỉ nhìn thấy điểm
đen, hạn chế, chưa tốt.) nhìn một cách tổng thể và khám phá những điều hay, điểm
tốt, tích cực nơi người thân của mình. Như Thiên Chúa hay vui mừng khi tha thứ,
thì khi chúng ta thực hiện việc tha thứ cho nhau, niềm vui cũng sẽ đến với người
được tha thứ và cả người thứ tha. Nhờ đó, chúng ta mới biết trân trọng “nét đẹp”
của người thân trong gia đình.
3. Quan tâm đến nhau
Sự hy sinh trong gia đình còn được biểu lộ qua việc các
thành viên quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả,
gian khổ vì nhau, nhất là khi trong gia đình có người bị đau bệnh, khó khăn, thất
bại... Đây chính là lúc chúng ta đang sống lòng thương xót với nhau.
Cuộc sống ngày nay đang ngày càng làm cho con người trở nên
bận rộn với công việc, lo toan đủ điều., kèm theo đó là những cám dỗ của các
phương tiện giải trí, các trang mạng xã hội, điện thoại thông minh,... càng làm
cho con người không còn thời gian để quan tâm đến nhau. Hay nói đúng hơn: con
người ngày nay đang mất dần đi độ nhạy cảm quan tâm đến người đang sống ngay
bên cạnh mình và mất đi khả năng thiết lập tương quan với nhau. Đứng trước thực
trạng đời sống xã hội ngày nay, khi nói về quan hệ giữa các thành viên trong
gia đình, trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải nhấn mạnh
rằng: “Một gia đình mà hiếm khi mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có
cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn
đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông
minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa. Khi ngồi tại
bàn ăn mà con cái cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại thông minh và không lắng
nghe người khác, thì đó không phải là gia đình nữa, mà là một nhà hưu dưỡng”.[11] Quả thế, cuộc sống của con
người thời nay đang dần trở nên mỗi người là một ốc đảo; con người chỉ biết sống
trong thế giới riêng của mình, và nhiều khi chỉ là một thế giới ảo. Cho nên, để
gia đình trở nên mái ấm thương xót, mọi người phải biết ra khỏi mình, quan tâm
đến nhau nhiều hơn mới có thể cùng nhau nhóm lên ngọn lửa yêu thương, tạo nên
hơi ấm trong ngôi nhà của mình được. Trong buổi chia sẻ tại Ngày Thế giới Hội
ngộ các Gia đình tại Philadelphia, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục
Manila, đã nói đến điều này một cách dí dỏm qua bài hát ‘về chiếc ghế' như sau:
“Chiếc ghế không có người ngồi vẫn là chiếc ghế, nhưng ngôi nhà không có người
yêu thương nhau, thiếu sự quan tâm nâng đỡ nhau, không trao ban cho nhau những
nụ hôn thì không còn là ngôi nhà nữa!”.
Trong một buổi tĩnh tâm dành cho các Giáo lý viên và các Hội
đoàn trong giáo xứ, có cha Linh hướng căn dặn một cách rõ ràng và cặn kẽ với
các tham dự viên rằng: Giáo hội mời gọi và cổ vũ giáo dân tham gia các hoạt động
đoàn hội trong giáo xứ như Giáo lý viên, Huynh trưởng, ca đoàn, nhóm cầu nguyện,
hội Các bà mẹ Công giáo, hội Gia trưởng... nhưng khi tín hữu dành thời gian để
sinh hoạt ở nhà thờ hoặc đi làm công tác xã hội thì phải nhớ hoàn thành nhiệm vụ
nơi gia đình trước và sắp xếp công việc gia đình chu đáo chứ không thể xem việc
tham gia hội đoàn là một cách tránh việc nhà hoặc cho đó là lý do chính đáng để
vắng nhà. Các bậc cha mẹ không thể cho rằng lý do phục vụ Nhà Chúa mà bỏ bê
ngôi nhà tại thế bừa bộn, con cái không được chăm sóc, giáo dục... Các em thiếu
nhi, bạn trẻ cũng không thể vì làm biếng việc nhà, trốn tránh nhiệm vụ cha mẹ
giao,… Rồi đến nhà thờ để ba mẹ không la mắng.
Vậy, muốn cho ngôi nhà của chúng ta không trở thành một nhà
hưu dưỡng, mà thực sự là ngôi nhà, là tổ ấm yêu thương, nâng đỡ nhau,… Chúng ta
phải làm gì để quan tâm đến nhau?
Trước tiên, muốn quan tâm đến nhau chúng ta phải dành thời
gian cho nhau. “Dành thời gian cho nhau” là một điều kiện cần để ta có thể quan
tâm được đến người khác. Xưa kia người ta hay ví một gia đình hạnh phúc bằng
hình ảnh thật đơn giản mà cũng thật đẹp: Một túp lều tranh hai trái tim vàng. Bởi
vì ở nơi hạnh phúc ấy, tuy nghèo về vật chất, nhưng vợ chồng luôn ở bên nhau và
dành cho nhau thật nhiều tình yêu. Điều này thật dễ dàng vào thuở ban đầu khi mới
yêu nhau, người nam và người nữ sẵn sàng tìm ra thật nhiều lý do để được đến với
nhau và để được ở bên nhau. Tình yêu là thế, tình yêu khao khát sự hiện diện.
Nhưng khi hai người về chung sống với nhau, người ta “quen quá hóa nhàm” và dần
dần làm mất đi cái sự cần thiết “hiện diện” bên nhau này; người ta bắt đầu tìm
đủ các lý do để đi ra ngoài, mỗi người một nơi, mỗi người một việc, đi công
tác, bận việc làm ăn. để lại “túp lều lý tưởng” trở nên lạnh tanh; và nhiều cặp
vợ chồng đã đi tới chỗ đổ vỡ chỉ vì thiếu thời gian ở bên nhau. Đức Thánh Cha
Phanxicô đã có lần nhắn nhủ các gia đình rằng: Cuộc sống rất ngắn ngủi, nếu
chúng ta không dành thời gian để yêu thương nhau, một lúc nào đó trong cuộc đời,
chúng ta sẽ phải hối tiếc! Bởi thế, gia đình muốn trở thành mái ấm, vợ chồng cần
phải thực thi “lòng thương xót” cho nhau qua việc dành thời gian cho nhau, trò
chuyện tâm sự với nhau, chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, nói lên những
suy nghĩ, những ý định của mình trong cuộc sống, cũng như nâng đỡ, an ủi, khích
lệ và cổ vũ lẫn nhau...
Cũng vậy, cha mẹ chỉ thực sự biểu lộ tình thương yêu của
mình dành cho con cái khi cha mẹ biết dành thời gian để quan tâm, chăm lo cho
con cái. Quả thực, vai trò giáo dục của cha mẹ không ai thay thế được và cũng
không nhường cho ai được. Vì thế, cha mẹ không vì lý do quá bận rộn với công việc,
hay phải lo kiếm miếng cơm manh áo cho con cái, mà bỏ bê hoặc “khoán trắng” con
cái cho người khác, như thầy cô ở trường hay người giúp việc nhà; không dành thời
gian để cùng con đi tham dự thánh lễ, đưa đón con đi học Giáo lý, hoặc chỉ xôn
xao đến khi con chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích...
Ngày nay, không ít cha mẹ đã quá lạm dụng các phương tiện giải
trí hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Cho con sử dụng rất sớm
khi con còn rất nhỏ, và dùng nó như một phương tiện để “giữ chân” trẻ để cha mẹ
có thời gian làm việc, hoặc có khi là để thỏa mãn sở thích riêng của mình. Điều
này gây ra nhiều hậu quả không lường cho trẻ em nhỏ như chậm nói, thoái lùi phát
triển, hiện tượng “tự kỷ”, cáu gắt vô cớ,. mà các nhà tâm lý trị liệu gọi là những
“căn bệnh thời hiện đại”; đối với các trẻ em lớn hơn, khi cha mẹ quá bận rộn với
công việc kiếm tiền, không dành thời giờ cho con, thì chúng cảm thấy mình bị bỏ
rơi, thiếu tình thương, nên chúng lâm vào tình trạng chán nản, buồn phiền,
không thích học, chúng trở nên lì lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu
suy nghĩ, nghiện game, hút chích xì-ke/ ma túy. Đến khi cha mẹ ngộ ra vấn đề
thì đã trễ!
Do vậy, cha mẹ muốn cho con lớn lên và trưởng thành một cách
lành mạnh trong mái ấm yêu thương thì nhất thiết cha mẹ cần phải dành thời gian
quan tâm chăm lo đến con cái. Điều này cha mẹ cần phải thực hiện mỗi ngày đã
đành, nhưng cần đặc biệt quan tâm và gần gũi con trong những năm tháng đầu đời
và những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của con, như khi con “khủng hoảng
tuổi thiếu niên” (dậy thì), thi chuyển cấp học, lựa chọn nghề nghiệp hay ơn gọi,...
Tiếp theo việc dành thời gian cho nhau là để quan tâm đến
nhu cầu của nhau trong cuộc sống gia đình. Trong suốt hành trình loan báo Tin mừng,
mặc dù Đức Giêsu phải bận rộn với bao công việc nhưng Người không quên quan tâm
đến những nhu cầu của những người đi theo mình. Người chạnh lòng thương khi thấy
dân chúng không có gì ăn, mệt mỏi và kiệt sức, lạc loài và không người chăn dắt.
(x. Mt 9, 36; 14,14; 15,37). Điều đã tác động Chúa Giêsu trong tất cả các trường
hợp đó, không gì khác hơn là lòng thương xót, một lòng thương xót hiểu được tâm
tư của những kẻ Người gặp gỡ, và Người đến để đáp ứng những nhu cầu chân thực của
họ. Khi gặp bà góa thành Nain đang đưa người con trai duy nhất của mình đi
chôn, Người đã chạnh lòng thương trước nỗi đau tận cùng của người mẹ đang khóc
con, và đã trao lại cho bà người con được hồi sinh từ cõi chết (x. Lc 7, 15)[12]. Quả vậy, Đức Giêsu đã thực
hiện theo như lời Người rao giảng: “Tôi đến
để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Người đã không chỉ
quan tâm những nhu cầu của đời sống tâm linh, cứu rỗi các linh hồn, mà còn quan
tâm đến cả những nhu cầu vật chất - đời thường của con người. Bởi lẽ, Người thấu
hiểu đến tận cùng mọi tâm tư, nhu cầu của họ. Và rồi, để chúng ta cũng được trở
nên giống Người, Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta một kim chỉ nam tuyệt vời, rất
dễ nhớ, để chúng ta thực hiện lòng thương xót với nhau trong gia đình và với mọi
người, đó là: “Tất cả những gì anh em muốn
người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt
7,12), (tương tự như điều người ta vẫn thường nói với nhau trong cuộc sống đời
thường là: Suy bụng ta ra bụng người!)
Quả thực, theo gương Chúa Giêsu chúng ta có thể nói rằng,
lòng thương xót của ta đối với nhau trong gia đình mà chưa “chạm” đến được nhu
cầu của nhau thì chưa thể coi là đã quan tâm thực sự đến nhau. Mà, để có thể thực
thi lòng thương xót qua việc đáp ứng nhu cầu của người khác thì chúng ta phải
hiểu được những nhu cầu của con người, và cần phải có một trái tim nhạy cảm như
Đức Giêsu.
Một cách chung nhất, theo nhà tâm lý học Abraham Maslow
(1943)[13], thì ai trong chúng ta cũng
có chung những nhu cầu từ căn bản đến bậc cao như sau:
- Tầng thứ nhất: Các nhu cầu về
căn bản nhất thuộc “thể lý” (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ,
tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
- Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn
(safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức
khỏe, tài sản được đảm bảo.
- Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao
lưu tình cảm và được trực thuộc (love/ belonging) - muốn được trong một nhóm cộng
đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
- Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng,
kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
- Tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể
hiện bản thân (self-actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể
hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Về điều này, xin đơn cử một ví dụ như sau. Theo Eric
Erikson, nhà tâm lý học phân tâm mới, con người từ thuở lọt lòng đã có những
nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao. Đặc biệt, Erikson cho rằng trẻ sơ sinh và
hài nhi đã có nhu cầu rất cao về giao lưu tình cảm, nhu cầu được thuộc về người
thân, được yêu thương; trẻ có quan hệ xã hội chủ yếu với người thân trong gia
đình, đặc biệt là người mẹ. Sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, âu yếm vỗ về của
người mẹ người cha sẽ giúp cho trẻ phát triển cảm xúc - đời sống tình cảm một
cách bình thường, trẻ sẽ cảm nhận và học được tình yêu và sự tin tưởng với con
người sau này; ngược lại, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn, sợ hãi, mất lòng
tin và nghi ngờ xã hội, hoặc trở nên vô cảm đối với người khác. Như vậy, để con
cái có thể biết quan tâm và nhạy bén với những nhu cầu, với niềm vui nỗi buồn,
thất vọng và sợ hãi... của người khác thì trẻ em cần được đáp ứng những nhu cầu
từ nhỏ để cảm nhận được sự yêu thương chăm sóc của cha mẹ và học được từ những
tương quan, cách ứng xử của người cha người mẹ và các thành viên trong gia đình
với nhau.
Tuy nhiên, nói riêng về nhu cầu tình cảm thì ở mỗi người lại
có mong muốn hoặc thích được người khác đáp ứng theo một cách khác nhau. Theo
Tiến sĩ Tâm lý học Gray Chapman[14], con người có 5 loại nhu cầu
tình cảm trong cuộc sống, và mỗi người sẽ nổi trội hơn về một trong 5 loại nhu
cầu này.
- Nhu cầu về lời nói: Thích nghe
lời nói ngọt ngào như cám ơn, xin lỗi, ngợi khen.
- Nhu cầu về chia sẻ: Thích có ai
đó kề bên để chia sẻ, đồng cảm, động viên trong những lúc khó khăn, vui buồn
trong cuộc sống.
- Nhu cầu về chăm sóc: Thích được
quan tâm, giúp đỡ.
- Nhu cầu về quà tặng: Thích được
tặng quà cả vật chất lẫn tinh thần.
- Nhu cầu về cử chỉ: Thích bắt
tay, có cái ôm, vỗ vai hay một cử chỉ thân mật, trìu mến nào đó.
Vậy, để mỗi người trong gia đình có thể sống trọn vẹn tinh
thần của lòng thương xót thì từng người phải nhận ra mình thuộc loại nhu cầu
nào, và cần phải nói ra nhu cầu của mình cho người khác biết cách đáp ứng một
cách phù hợp; đồng thời ta cần biết được các thành viên khác thuộc loại nhu cầu
nào để mình tôn trọng đáp ứng đúng nhu cầu của người đó. Điều này cũng sẽ tạo
nên văn hóa ứng xử trong gia đình.
Sau cùng, sự quan tâm đến nhau cần phải được thể hiện bằng
những cử chỉ, hành động, việc làm cụ thể. Bởi vì, Chúa Cha đã sai Con Một Ngài
xuống thế nhập thể làm một con người cụ thể để bày tỏ cho con người biết về
Thiên Chúa giàu lòng thương xót vô cùng, không chỉ bằng lời rao giảng mà bằng
những hành động cụ thể: ôm các trẻ em, chúc lành, đặt tay chữa bệnh, đồng bàn với
tội nhân, rửa chân, cầm bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ,...[15]; Nói một cách ngắn gọn là
“bằng cả bản thân Người”[16]. Chính vì vậy mà ngay số đầu
tiên của Tông sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã viết: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô
Giêsu [...]. Nơi Đức Giêsu Nadarét, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu
hình, và đạt đến tột đỉnh”. Cũng vậy, Thiên Chúa muốn dùng đôi mắt, đôi bàn
tay, trái tim, khối óc. của con người để tiếp tục diễn tả lòng thương xót của
Ngài dành cho nhân loại trong mọi thời đại và cho đến tận cùng thế giới. Nói về
những hành động cụ thể biểu lộ lòng thương xót với nhau trong gia đình, Đức
Thánh Cha Phanxicô đã có lần nhấn mạnh với chúng ta rằng, không được xem thường
những cử chỉ hằng ngày của tình yêu và lòng tử tế đến từ ông bà, cha mẹ, anh chị
em. Chính những cử chỉ này giúp chúng ta hàn gắn lại những tổn thương trong cuộc
sống gia đình và giúp chúng ta đi tới. Theo gương Chúa Giêsu và vâng theo lời dạy
ân cần của Đức Thánh Cha, để thực hành việc quan tâm đến nhau bằng việc làm cụ
thể: (1) Một mặt, mỗi ngày chúng ta cần phải kiểm điểm lại đời sống của mình, để
lắng nghe âm thanh của những lời mình nói có dịu dàng, nhẹ nhàng hay gắt gỏng,
khinh thường. xúc phạm đến ai hay làm cho họ buồn lòng; có cử chỉ, hành động
nào của mình làm phiền hay gây tổn thương cho người khác? (Đây cũng được coi là
thước đo của lòng thương xót đối với người thân trong gia đình mình). (2) Mặt
khác, chúng ta nên xây dựng cho mình “ngân hàng lòng thương xót”[17] là những biểu lộ tình yêu
trong cuộc sống thường ngày, để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau[18], và nhất là, những khi gặp
sóng gió trên đường đời, những lúc vợ chồng, con cái có bất hòa, lầm lỗi với
nhau, chúng ta dễ dàng đón nhận, tha thứ cho nhau và bắt đầu lại.
4. Cầu nguyện trong gia đình
Gia đình Kitô hữu là “Hội Thánh thu nhỏ” vì được xây dựng
trên bí tích Hôn phối, là nơi đầu tiên con cái được học biết Thiên Chúa là Cha
giàu lòng thương xót và cảm nhận được lòng Chúa thương xót qua việc gia đình cầu
nguyện chung với nhau.
Ảnh hưởng trào lưu của chủ nghĩa cá nhân, nhất là đối với
gia đình khá giả và có lối sống tự do, người ta rất dễ rơi vào tình trạng sống
cô lập; mỗi người muốn giữ không gian riêng, cách sống riêng; về đến nhà là vào
phòng riêng, đóng cửa lại. Và họ cho rằng, việc cầu nguyện trong gia đình là việc
của những ông già bà cả, của những người gọi là “vô công rỗi nghề”! Nhưng, đối
với người có đức tin, với những người có sự hiểu biết sâu xa về đời sống tâm
linh và với những ai đã cảm nghiệm được sự linh thiêng trong việc gặp gỡ Chúa,
người ta mới thấy được cầu nguyện chung là rất cần thiết và quan trọng cho người
Kitô hữu. Trong gia đình, khi các thành viên cầu nguyện chung với nhau, sự nối
kết gia đình sẽ bền chặt hơn, vì mọi người cảm nhận được sự hiện diện sống động
của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: nếu
ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy,
thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20). Lời bảo đảm của Chúa Giêsu giúp
chúng ta thêm xác tín sức mạnh của việc cầu nguyện, cách riêng là việc cầu nguyện
chung trong gia đình; cầu nguyện chung chắc chắn sẽ “thuyết phục” được lòng
Chúa thương xót xuống trên gia đình dồi dào hơn. Ý thức được giá trị và ích lợi
của việc cầu nguyện sẽ giúp chúng ta thấy được sự khẩn thiết của việc cầu nguyện,
vì: (1) Thực tế ngày nay gia đình đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn
trong cuộc sống, những cám dỗ theo lối sống thực dụng, hưởng thụ, vị kỷ, chủ
nghĩa cá nhân,... (2) Gia đình chỉ có thể trở thành cái nôi giáo dục lòng Chúa
thương xót khi và chỉ khi cái nôi ấy tràn trề lòng xót thương của Chúa. Do đó,
mỗi gia đình và từng cá nhân cần phải cầu nguyện thường xuyên và liên lỉ để có
thể vượt qua những khó khăn, rào cản. Và thực thi lòng thương xót với nhau
trong cuộc sống chung gia đình. Và, khi mỗi thành viên kín múc được dồi dào
lòng xót thương của Chúa qua việc cầu nguyện trong gia đình thì cũng nhờ đó,
các thành viên mới có khả năng sống lòng thương xót với những người xung quanh
mình. Cảm nghiệm sâu đậm về giá trị của việc cầu nguyện mà Thánh Têrêxa
Calcutta đã xác định: “Không có cầu nguyện thì không có bác ái”. Bởi lẽ bác ái
thực sự theo tinh thần của Tin Mừng, theo ý muốn của Chúa, là yêu thương và cho
đi một cách nhưng không như Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương nhân loại một cách
nhưng không. Để yêu được như vậy thì sức riêng của ta khó có thể làm được, bởi
vì cho dù “tinh thần có hăng hái” nhưng “thân xác thì nặng nề, yếu đuối” nên cần
và rất cần phải cầu nguyện, để với ơn Chúa giúp ta mới có thể thực hiện được mọi
sự theo ý Chúa. Thánh Ephrem Syria nói: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện.
Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, lời cầu nguyện ngăn chặn sự tức giận, lời cầu
nguyện ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ, lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào
linh hồn và nâng con người tới Thiên Đàng”. Thánh nhân đã chỉ ra cho chúng ta
thấy rằng, cầu nguyện sẽ giúp ta kiềm chế, kiểm soát được những cảm xúc bốc đồng;
cầu nguyện mới có thể giúp ta biết dẹp bỏ cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, ý riêng. để
đến được với người khác; và cầu nguyện để ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn
thái độ sống cũng như làm cho từng hành động của ta thấm đậm lòng thương xót
Chúa đối với người khác. Và, để mỗi gia đình sống lòng thương xót một cách thực
sự mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ chúng ta: “Gia đình cùng
nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống... Những phần tử của mỗi gia
đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt
của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng
nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa”[19]. Và, như Đức Hồng Y Luis
Antonio Tagle đã nói trong Ngày Thế giới Hội nghị Các Gia đình Lần VIII tại
Philadelphia rằng: “Các vết thương có thể do gia đình gây ra, nhưng cũng chính
gia đình lại có thể là suối nguồn an ủi và chữa lành”, thì quả thực, cầu nguyện
mới cho ta có được linh dược để chữa lành các vết thương đau trong gia đình.
Như vậy, cầu nguyện là một trong những phương thế hữu hiệu để chúng ta thực thi
lòng thương xót dành cho nhau. Cầu nguyện để nài xin Chúa thương xót những người
thân yêu trong gia đình và chính mình, hầu giúp ta có đủ sức và được ơn Chúa hướng
dẫn soi sáng để sống lòng thương xót trong gia đình như Chúa muốn.
Đồng thời, mỗi gia đình Công giáo, để trở thành cái nôi giáo
dục lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy noi gương Thánh gia Chúa Gie6su, Đức Mẹ
và Thánh Giuse. Thánh Gia tuy nghèo nhưng rất giàu ơn thánh vì các Ngài là những
người say mê cầu nguyện. Noi gương Thánh Gia, mỗi gia đình cần phải mời Chúa đến
trong gia đình mình; mỗi người cần mời Chúa Giêsu đến ở trong tâm hồn mình.
Chúa Giêsu chính là Người nối kết các thành viên trong gia đình. Có Chúa Giêsu,
mỗi chúng ta sẽ đủ sức để thực thi lòng thương xót đối với người thân và mọi
người xung quanh, như Thánh Phaolô đã cảm nghiệm và xác tín: “Tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh
cho tôi” (Phil 4,13).
IV. KẾT LUẬN
Gia đình là cái nôi giáo dục
lòng Chúa thương xót. Bởi gia đình Công giáo được sinh ra từ lòng Chúa thương
xót; được tham gia vào đời sống của Giáo hội là thân mình của Đấng giàu lòng
thương xót; được Giáo Hội nuôi dưỡng bằng các bí tích phát sinh từ lòng thương
xót của Chúa; và được Giáo hội giáo dục bằng Lời yêu thương của Đấng hay thương
xót. Đến lượt mình, gia đình trở thành cái nôi giáo dục lòng Chúa thương xót
khi gia đình cộng tác với Thiên Chúa Thương Xót sinh ra những người con và chia
sẻ tình phụ tử của Cha nhân hậu trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Gia đình
được Lời Chúa soi sáng và được Giáo hội giáo huấn - hướng dẫn, các thành viên
thực hành - sống theo tinh thần của Nguồn Cội Lòng Thương Xót trong gia đình:
Trước là sự tôn trọng lẫn nhau được thể hiện qua việc nhìn nhận và chấp nhận
nhau trong cuộc sống chung gia đình. Tiếp đến là sự hy sinh để mang lại niềm
vui, hạnh phúc nho nhau; đồng thời, hy sinh qua việc nhường nhịn nhau, chấp nhận
phần thiệt về mình, để gia đình được ấm êm; và hy sinh còn là sự cảm thông, tha
thứ những lỗi lầm, thiếu sót, nợ nần của nhau. Tiếp theo sự hy sinh cho nhau, mọi
người trong gia đình quan tâm đến nhau bằng việc dành thời gian cho nhau để ở với
nhau, cùng đồng hành và chia sẻ với nhau trong mọi cảnh huống của cuộc sống; cộng
với trái tim nhạy cảm, mọi người trong gia đình quan tâm đến những nhu cầu,
mong muốn và khát vọng của nhau; sự quan tâm dành thời gian chăm lo và đáp ứng
các nhu cầu của nhau mà làm cho gia đình tràn đầy hơi ấm của tình thương xót và
hạnh phúc. Sau cùng, một mái ấm tỏa hương của lòng Chúa thương xót bằng sự
chuyên chăm cầu nguyện để lòng Chúa thương xót mưa tràn xuống trên gia đình và
mọi thành viên trong mái ấm. Để rồi tình thương Chúa phủ lấp và hòa nhập vào
lòng trí đến hành động của người cha người mẹ mà trải dài xuống con cái; các
thành viên chuyển giao lòng thương xót của Chúa đến với nhau trong gia đình, và
từ gia đình đi đến với mọi người trong xã hội... Và để kết cho điều này, xin được
nêu lên một minh chứng về sự cảm nghiệm sâu nặng lòng Chúa thương xót trong gia
đình của người con linh mục nhạc sĩ Kim Long khi đứng trước giờ ra đi của người
mẹ: “Chính Chúa nắn con nên hình nên dạng trong lòng mẫu thân. Vòng tay mẹ hiền
thay bàn tay Chúa âu yếm dẫn con vào đời. Bao la tình sâu nghĩa nặng, ôi bao la
như biển khơi dâng sóng ấp ủ đời con, dẫn đưa con từng bước trong đời. Từng lời
ru cho con khôn lớn, từng nụ hôn ấp nóng con tim. Từng câu kinh dạy con mến
Chúa. Từng lời nói dẫn con nên người. Ôi một cuộc đời trao hiến không từ nan trọn
niềm mơ ước: Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Ôi bao la như biển trời,
mẹ yêu con hay Thiên Chúa thương con. Công ơn như nước trong nguồn tràn lan
trên thân con mãi chẳng vơi. Ôi bao la như biển trời, tình yêu đưa con đi tới
muôn nơi. Con không sao nói lên lời, nguyện ghi trong tâm tư đến muôn đời”.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 &
6 năm 2021)
WHĐ (19.8.2021)
[3]
Thư chung HĐGMVN năm 1980, số 12, tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17699
[19] Tông thư Kinh Mân Côi, 41.