FIDES, RATIO, SCIENTIA: CUỘC TRANH LUẬN VỀ TIẾN HÓA

Tác giả: Đức hồng y Christoph Schönborn
Trích trong: Creation and Evolution, A Conference with Pope Benedict XVI, in Castel Gandolfo, San Francisco: Ignatius Press, 2007, 84–106.
Thiên Triệu giới thiệu và chuyển ngữ

WHĐ (11.11.2020)Các sinh viên của nhà thần học Joseph Ratzinger (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI), có thói quen hằng năm gặp gỡ thầy cũ của mình để trao đổi thần học. Năm 2006, từ ngày 1–3 tháng chín, họ thảo luận về đề tài Tạo dựng và Tiến hóa. Trong dịp này, Đức hồng y Christoph Schönborn, cũng là học trò của Đức Bênêđictô XVI, đã thuyết trình về chủ đề “Fides, Ratio, Scientia: Cuộc tranh luận về tiến hóa”. Tác giả đã không chỉ nói đến Fides và Scientia, nhưng đặt Ratio (lý tính) ở giữa hai từ Đức tin và Khoa học. Chỉ nguyên chọn lựa đó cũng phần nào nói lên ý hướng của bài thuyết trình. Đức tin cần được xây nền trên lý tính, và cả khoa học cũng cần được lý tính hướng dẫn để khỏi rơi vào thứ khoa học “mù quáng”. Sau đây là bài thuyết trình của Đức hồng y Christoph Schönborn.

* * *

Năm 1686, Isaac Newton hoàn tất tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica, được xuất bản ở Luân Đôn vào năm sau đó. Trong lần tái bản vào năm 1713, ông thêm phần Scholium Generale. Một trong những mối quan tâm của Newton là phi bác lý thuyết của Descartes về những chuyển động của các hành tinh, mà ông cho là lý thuyết duy vật. Quan điểm của Newton là sự hoàn thiện và điều hòa của những chuyển động này không thể phát xuất từ những nguyên do cơ học thuần túy.

Theo ông, “Hệ thống tuyệt vời của mặt trời, các hành tinh và sao chổi chỉ có thể phát xuất từ sự khôn ngoan và quyền thống trị của một Hữu Thể thượng trí và toàn năng. Và nếu những định tinh là những trung tâm của các hệ thống khác tương tự, thì những định tinh ấy, vốn được hình thành từ sự khôn ngoan nói trên, cũng phải lệ thuộc quyền thống trị của Đấng duy nhất... Hữu Thể này cai quản mọi sự, không phải như linh hồn của thế giới, nhưng là Chúa của mọi sự”.


Ảnh: Thiên Chúa tạo ra A–đam – Tranh vẽ trên trần nhà thờ Sistine
(Creation of Adam Painting on the Sistine ceiling)
Tác phẩm của Michelangelo Buonarroti (1475–1564), hoạ sĩ thời Phục Hưng người Ý

Thế nhưng liệu chúng ta có thể biết Ngài không? Chúng ta không có ý tưởng hay ý niệm nào về bản thể và yếu tính của Ngài. “Chúng ta chỉ biết Ngài qua những thuộc tính của Ngài, cũng như qua những cấu trúc khôn ngoan tuyệt đỉnh của sự vật và những nguyên nhân cứu cánh của thế giới. Chúng ta thán phục Ngài về sự hoàn hảo nơi Ngài”.

Để những nhận định trên được sáng tỏ hơn, Newton còn phê bình gay gắt quan niệm về thiết kế (nghĩa là giảm thiểu công trình của Thiên Chúa vào hoạt động của “người thợ làm đồng hồ”, chỉ hiện diện ở điểm khởi đầu mà thôi):

“Một Đấng Thiên Chúa mà không cai quản, quan phòng và xác định cứu cánh, thì cũng chẳng là gì khác hơn Định Mệnh và Tự Nhiên. Sự thiết yếu mù quáng về mặt siêu hình không thể sản sinh ra tính đa dạng nơi sự vật. Sự đa dạng mà chúng ta thấy nơi các sự vật trong thiên nhiên, đúng lúc đúng nơi, không thể phát sinh từ hư vô nhưng phải từ ý tưởng và ý muốn của Hữu Thể hiện hữu tất yếu (ab ideis et voluntate entis necessario existentis solummodo oriri potuit)”.

Newton kết thúc phần Scholium Generale bằng một ghi nhận quan trọng: “Như thế, việc suy tư về Thiên Chúa khởi đi từ những hiện tượng các sự vật là thuộc lãnh vực triết lý tự nhiên”. Ghi chú này hàm chứa trong nó những câu hỏi căn bản vẫn còn mang tính thời sự khi người ta bàn đến mối tương quan giữa khoa học, lý trí, và đức tin.

Một vấn đề nóng bỏng

Tại sao những vấn đề này lại được tranh luận sôi nổi suốt từ thời Galileo và Newton đến nay? Dĩ nhiên vẫn luôn có những tranh luận giữa các học giả và sẽ mãi như thế. Thế nhưng giả như có cuộc tranh luận về một bản thảo mới tìm được có thực sự là công trình của thánh Augustino hay không, thì cuộc tranh luận ấy chỉ được một nhóm nhỏ quan tâm. Ngược lại, câu hỏi về vũ trụ này, hành tinh này cùng với loài người chúng ta, phát xuất từ “định mệnh mù quáng” hay từ “một kế hoạch cực kỳ khôn ngoan”, đó là câu hỏi chạm đến rất nhiều người, bởi lẽ nó hàm ngậm những vấn đề mà mỗi người sớm hay muộn cũng đặt ra cho mình: Chúng ta từ đâu tới? Rồi sẽ đi đâu? Ý nghĩa đời sống này là gì?

Tuy nhiên, những câu hỏi ấy lại chẳng phải là những câu hỏi được đặt ra trước hết cho tôn giáo hay sao? Vậy có cần đến câu trả lời từ khoa học tự nhiên không? Như thế lại chẳng phải là đòi hỏi quá nhiều từ khoa học hay sao? Thế nhưng giả như khoa học, dựa vào những nghiên cứu về thiên nhiên, đi đến kết luận rằng tất cả mọi sự đều có thể giải thích như kết quả của may rủi và tất yếu thì sao? Khi đó câu trả lời của tôn giáo cho những vấn nạn căn bản của con người lại chẳng trở nên những câu trả lời thiếu nền tảng hay sao, vì chẳng có lý do hay nền tảng nào để khẳng định rằng có một kế hoạch và ý nghĩa đằng sau mọi sự, và rằng mọi sự đều có một mục đích tối hậu mà Thiên Chúa đã đặt để. Xa hơn nữa, nếu quả quyết rằng thế giới là bằng chứng về một kế hoạch và mục đích được Đấng Tạo Hóa xác định, đang khi đó quả quyết này lại không được minh chứng bằng khoa học, thì chính niềm tin vào Đấng Tạo Hóa và sự quan phòng của Ngài sẽ trở thành phi lý. Khi đó niềm tin vào Đấng Tạo Hóa giỏi lắm cũng chỉ là credo quia absurdum. Niềm tin mà chỉ dựa vào sự phi lý thì không còn là niềm tin nữa, mà chỉ là ảo tưởng. Vậy phải chăng niềm tin vào Đấng Tạo Hóa chỉ là một ảo tưởng không có tương lai, như Sigmund Freud đã cố chứng minh?

Scholium Generale của Newton là một phần trong cuộc tranh luận này. Như đã thấy, với Newton, sự đối xứng và điều hòa của các hành tinh là hiện tượng không thể lý giải bằng “những nguyên nhân thuần túy cơ học”. Hệ thống tuyệt vời này chỉ có thể hiện hữu nhờ sự khôn ngoan và quyền thống trị của Đấng thượng trí. Từ những hiện tượng tự nhiên, chúng ta đi đến khẳng định chắc chắn về Đấng Tạo Hóa.

Vậy phải chăng có một bằng chứng về mặt vũ trụ luận cho sự hiện hữu của Thiên Chúa? Những hiện tượng hết sức phức tạp trong thiên nhiên lại chẳng nói rõ ràng với chúng ta về một “thiết kế khôn ngoan” đó sao? Newton cho rằng sự đa dạng trong thiên nhiên không thể nào phát xuất từ sự may rủi hoặc tất yếu mù quáng. Thế nhưng lý thuyết tiến hóa đang thịnh hành ngày nay lại nói ngược lại. Các chủng loại trong tính đa dạng của nó phát xuất từ những lực chuyển động và chọn lọc tự nhiên, không có định hướng nào cả. Vậy nếu Newton khẳng định như trên thì phải chăng chính niềm tin của ông vào Đấng Tạo Hóa đã làm cho ông nhìn mọi sự như thế? Hãy tạm để câu hỏi này lại một chút.

Trước hết, xin nhắc lại câu truyện nổi tiếng của Voltaire: Một buổi chiều tối, Newton ngồi trong khu vườn của cha mẹ, dưới gốc cây táo. Một quả táo rơi xuống. Newton nhìn quả táo rơi, rồi ông nhìn lên mặt trăng đang chiếu sáng khi trời ngả về đêm. Lúc ấy ông tự đặt ra câu hỏi quyết liệt: Nếu quả táo rơi xuống đất, tại sao mặt trăng không rơi? Nếu lực hấp dẫn của trái đất làm cho quả táo rơi xuống đất thì lực ấy cũng phải tác động đối với mặt trăng chứ, dù nó ở tầm xa hơn? Thực tế là mặt trăng không rơi xuống trái đất. Nếu nó đứng yên một chỗ, có thể nó sẽ rơi. Nhưng vì nó chuyển động cách nhịp nhàng với trái đất nên nó không bị chi phối bởi lực hấp dẫn của trái đất. Cả hai lực, chuyển động của mặt trăng và lực hấp dẫn của trái đất, làm việc hài hòa với nhau. Và Newton tính toán sự tương tác giữa hai lực này. Tuy nhiên ông xác tín rằng những chuyển động điều hòa này không thể phát xuất từ những nguyên nhân cơ học, nhưng chỉ từ sự khôn ngoan và quyền thống trị của một hữu thể thượng trí mà chúng ta gọi là Thiên Chúa.

Newton còn đi xa hơn khi giả định rằng sự quan phòng của Thiên Chúa can thiệp khi này khi khác để bảo đảm cho tính bền vững của quỹ đạo các hành tinh và thái dương hệ. Không có sự can thiệp đặc biệt này của Đấng Tạo Hóa, xem ra không thể giải thích được trật tự hài hòa trong quỹ đạo các hành tinh.

Leibniz phản bác lại vì ông cho rằng, theo Newton, “Thiên Chúa tối cao thỉnh thoảng lại phải lên giây cót cho đồng hồ, nếu không, đồng hồ không chạy”. Như vậy “công trình của Thiên Chúa quá bất toàn...đến nỗi thỉnh thoảng Ngài lại phải điều chỉnh, giống như ông thợ đồng hồ”. Leibniz cho rằng Newton đã hạ thấp sự toàn năng của Thiên Chúa và tự mâu thuẫn với chính mình khi nói đến “trật tự tuyệt vời được sắp xếp từ trước”, biểu lộ sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa.

Cách đây một trăm năm, Laplace đã có thể đưa ra cách giải thích hoàn toàn “cơ học” về quỹ đạo các hành tinh. Khi Napoléon hỏi ông về vai trò của Thiên Chúa trong cách giải thích này, Laplace đã có câu trả lời nổi tiếng: Tôi không cần đến giả thuyết này (Je n’ai pas besoin de cette hypothèse).

Nếu Thiên Chúa được trình bày như Đấng lấp đầy những lỗ hổng trong tri thức của nhân loại, thì vị trí của Ngài càng ngày càng bị thu hẹp lại khi con người giải thích được những điều trước đây không thể giải thích. Khoa học tự nhiên càng thành công, cộng đồng khoa học càng chiến thắng, và “giả thuyết Thiên Chúa” càng trở thành không cần thiết.

Phân biệt giữa lý thuyết khoa học về tiến hóa và chủ thuyết tiến hóa

Charles Darwin cũng cùng một lập trường. Như giáo sư Stanley L. Jaki trình bày rất thuyết phục, Darwin “bị ám ảnh” vì quyết tâm cống hiến một cách giải thích khoa học và thỏa đáng về nguồn gốc các loài, không cần đến những hành động sáng tạo rời rạc và đặc thù của Thiên Chúa. Lý thuyết mà sau này được gọi là thuyết tiến hóa là một lý chứng dài, nhằm chứng minh cách giải thích thuần vật chất và cơ học về nguồn gốc các loài. Ong khẳng định lập trường đối nghịch với Newton: Các loài trong sự đa dạng của nó đều bắt nguồn từ những chuyển động tình cờ và may rủi để tồn tại. Không cần đến bất cứ sự can thiệp đặc biệt nào của Đấng Tạo Hóa.

Theo nghiên cứu của Stanley Jaki, không nghi ngờ gì nữa, lý thuyết khoa học của Darwin muốn đem lại chiến thắng cho chủ thuyết duy vật. Vào thế kỷ 19, Darwin không phải là người duy nhất chủ trương duy vật. Cũng không phải ngẫu nhiên khi Feuerbach và Karl Marx nhiệt tình chào đón lý thuyết của Darwin như nền tảng khoa học cho lý thuyết của họ.

Lý thuyết của Darwin đã trở thành một thế giới quan. Có lẽ chính yếu tố mang tính ý thức hệ này đã làm cho cuộc tranh luận về tạo dựng và tiến hóa trở thành sôi nổi cho đến ngày nay. Vì thế tôi cho rằng qua nẻo đường của triết học tự nhiên, cần làm sáng tỏ một số điều.

1. Trong lý thuyết của Darwin (và những phát triển sau này), cái gì là khoa học thực sự và cái gì là những yếu tố ý thức hệ, xa lạ với khoa học? Chúng ta phải giải thoát Darwin khỏi “chủ thuyết Darwin”, giải thoát ông khỏi những yếu tố ý thức hệ, và có những lý do chính đáng để tin rằng có thể làm được điều này.

2. Phải tiến hành việc phê phán cách khách quan những khía cạnh ý thức hệ trong chủ thuyết Darwin. Tại sao lại cấm không cho phép nêu vấn đề Thiên Chúa trong các bài học về khoa học ở nhà trường, đang khi lại thoải mái dạy chủ thuyết duy vật cùng với lý thuyết của Darwin? Sẽ không xảy ra điều trái nghịch này nếu việc giảng dạy về sinh vật học không kèm theo những yếu tố ý thức hệ vốn xa lạ với chủ đề khoa học.

3. Xa hơn nữa, cần có sự tự do hoàn toàn khi tranh luận về những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lý thuyết về tiến hóa. Thông thường, trong “cộng đồng khoa học”, bất cứ câu hỏi nào liên quan đến những điểm yếu về khoa học trong thuyết tiến hóa đều bị khép lại. Ở mức độ nào đó, đây chính là thứ kiểm duyệt mà người ta hay nặng lời tố cáo Giáo Hội.

4. Tuy nhiên câu hỏi quyết định ở đây không nằm trên bình diện khoa học tự nhiên hay thần học, nhưng là bình diện ở giữa, tức là triết học tự nhiên. Càng ngày tôi càng xác tín rằng sự tiến bộ có tính quyết định trong cuộc tranh luận về thuyết tiến hóa sẽ được tiến hành trên bình diện triết học tự nhiên, trên hết là siêu hình học.

5. Những sự kiện mới đây cho tôi thấy rõ một điều, đó là sự đơn giản hóa đến mức quá đáng và là bức tranh hí họa, khi người ta giảm thiểu mọi sự vào cuộc xung đột giữa những người chủ trương tiến hóa (evolutionists) và những người được gọi là “creationists” (họ tin vào Thiên Chúa tạo dựng nhưng Giáo Hội công giáo không nhìn nhận cách họ giải thích Kinh Thánh. Trang đầu tiên của Kinh Thánh không phải là một khảo luận khoa học về sự hình thành thế giới trong sáu ngày. Kinh Thánh không dạy chúng ta “bầu trời chuyển vận ra sao” nhưng dạy chúng ta “đường lên trời”).

Tiến hóa: do tình cờ hay có mục đích?

Vậy niềm tin vào Đấng Tạo Hóa và thuyết tiến hóa có thể tương hợp với nhau không? “Chủ thuyết hòa hợp”, một ý kiến phổ biến rộng rãi ngày nay, cho rằng “thần học và thuyết tiến hóa không bao giờ xung đột với nhau, vì hai ngành này thuộc hai bình diện hoàn toàn tách biệt nhau”. Theo tôi, không thể chấp nhận lập trường này. Phải có sự “giao thoa” giữa thần học và các khoa học tự nhiên, giữa tin, suy tư, và nghiên cứu. Niềm tin vào Đấng Tạo Hóa, vào chương trình của Ngài, vào quyền cai trị của Ngài, vào sự hướng dẫn của Ngài để đưa thế giới đến một mục đích, niềm tin ấy không thể không có những điểm gặp gỡ các nghiên cứu cụ thể về thế giới. Do đó không phải mọi biến thái trong thuyết tiến hóa đều phù hợp với niềm tin vào Đấng Tạo Hóa.

Adrian Walker thuộc Viện Gioan Phaolô II ở Washington D.C. nhận định rằng: “Luận đề cho rằng sự tương tác giữa chuyển động gien (genetic) và sự chọn lọc tự nhiên là đủ để giải thích về sự phát triển những hình thái mới của sự sống, tôi gọi đó là chủ thuyết Darwin theo nghĩa chặt. Nếu sự chuyển động và chọn lọc trên là đủ để giải thích sự phát triển này, thì không có lý do gì mà lại không nhìn nhận vật chất mù quáng chính là cội nguồn đầu tiên của sự sống. Một luận đề như thế không thể tương hợp với giáo lý Kitô giáo về tạo dựng”.

Thông thường, người ta tìm cách thoát ra khỏi khó khăn này khi nói rằng sinh vật học, hoặc khoa học tự nhiên nói chung, chỉ mang tính duy vật về mặt phương pháp luận thôi, chứ không tôn vinh chủ thuyết duy vật xét như một thế giới quan. Dù vậy chăng nữa, điều hiển nhiên là việc chọn lựa phương pháp luận chính là một hành động trí thức bao hàm lý trí, ý chí và tự do. Chỉ nguyên điều đó thôi cũng đủ cho thấy cách hiểu về phương pháp khoa học như một tiến trình vật chất thuần túy không thể biện minh cho toàn thể thực tại.

Ghi nhận của Newton vẫn đúng cho ngày nay: nhiệm vụ của triết học tự nhiên là đưa ra những khẳng định về Thiên Chúa khởi đi từ những hiện tượng tự nhiên. Đức tin công giáo cùng với Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, khẳng định mạnh mẽ rằng lý trí có thể nhận biết cách chắc chắn sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa khởi đi từ những dấu vết của Ngài trong công trình tạo dựng, mặc dù không phải không có những khó khăn.

Vậy lý trí có thể biết được điều gì? Trước hết, lý trí biết được rằng nó hiện hữu và nó là cái gì lớn hơn những tiền đề vật chất. Cho phép tôi làm sáng tỏ điều này bằng câu truyện của triết gia Hans Jonas. Vào cuối đời, ông viết một tác phẩm quan trọng về đạo đức trách nhiệm, cuốn The Imperative of Responsibility: In Search of an Ethics for the Technological Age. Theo ông, nói về đạo đức và trách nhiệm mà không nói đến cái tâm, linh hồn, lý trí và ý chí tự do thì quả là vô nghĩa. Các gien không có trách nhiệm. Người ta cũng không đem chúng ra tòa nếu chúng sản xuất những tế bào gây ung thư. Các loài vật cũng không phải chịu trách nhiệm. Chỉ có con người mới chịu trách nhiệm và phải trả lẽ về những gì mình làm. Cuộc sống thường ngày là sự phủ nhận thường xuyên quan điểm duy vật. Trong việc làm ăn buôn bán chẳng hạn, tôi phải có trách nhiệm. Con ong con kiến có thể làm những điều lạ lùng nhưng hành động của chúng là do bản năng điều khiển, và vì thế chúng không phải chịu trách nhiệm về những lầm lỗi. Chỉ có những hữu thể tự do mới chịu trách nhiệm về những lầm lỗi mình gây ra.

Dù cuộc sống thường ngày thường xuyên phủ nhận quan điểm duy vật như vậy, thế mà khối kẻ trí thức vẫn rơi vào sai lầm này. Cho nên trong lời tựa cho cuốn sách về đạo đức trách nhiệm, Hans Jonas phi bác chủ thuyết duy vật về mặt triết học. Ong kể câu chuyện về ba nhà khoa học trẻ tuổi và đều muốn trở thành những học giả nổi tiếng. Họ gặp nhau ở Berlin năm 1845 và “thề hứa cách trọng thể sẽ thiết lập và thúc đẩy người ta chấp nhận chân lý này, đó là: không có một lực nào khác hơn những lực vật lý hóa học thuần túy hoạt động trong các cơ thể”. Cả ba người đã trung thành với lời thề hứa này. Thế nhưng Hans Jonas nhận xét: “Chỉ nhìn vào chính sự kiện họ thề hứa thôi thì cũng đã thấy họ tin vào một điều gì đó hoàn toàn phi vật chất, cũng như mối tương quan của họ với chân lý và với quyền lực vốn ở trên lời thề hứa, đang khi nội dung lời thề lại phủ nhận nó.”

Vậy thì lực nào đang hoạt động ở đây? Để có thể hứa một điều gì, nỗ lực giữ lời hứa đó trong khi có nguy cơ thất hứa: tất cả những việc này không thể nào lại là kết quả của những lực thuần túy vật chất. Sự phát triển một lý thuyết khoa học là một tiến trình tri thức, cho dù lý thuyết ấy chủ trương duy vật. Alfred North Whitehead đã mỉa mai những người theo chủ thuyết Darwin phủ nhận bất cứ mục đích nào trong thiên nhiên rằng: “Những người tận tụy cho mục đích chứng minh rằng không có mục đích nào cả, thì chính họ đã là đề tài thú vị cho việc nghiên cứu rồi”. Con người kinh nghiệm về bản thân mình như là một hữu thể biết đặt ra mục đích và mục tiêu. Hoạt động nhân loại không thể hiểu cách nào khác hơn là hoạt động hướng đến một mục tiêu. Điều đó lại càng rõ nét hơn trong hoạt động khoa học, cách riêng là khoa học tự nhiên.

Thế còn đối với các loài vật, cây cối, khoáng vật, và chính vũ trụ vật chất này thì sao? Có mục đích ở đó không? Nếu có, thì ai đặt ra mục đích ấy? Ai theo đuổi mục đích đây nếu không có ý chí xác định mục đích ấy? Có lẽ đây là câu hỏi then chốt trong cuộc tranh luận về tạo dựng và tiến hóa. Một nhận xét của Darwin trong lá thư gửi cho J. Hooker năm 1870 có thể đồng hành với chúng ta trong vấn đề này. Ong viết: “Tôi không thể nhìn vũ trụ như kết quả của sự may rủi mù quáng. Tuy nhiên tôi không thấy được bằng chứng của bất cứ loại thiết kế nào về chi tiết”.

Việc quan sát thiên nhiên, nghiên cứu vũ trụ, trái đất và sự sống cung cấp cho chúng ta bằng chứng thuyết phục về trật tự, kế hoạch, sự hài hòa, ý định và mục đích (của công trình tạo dựng). Vấn đề là: ai nhận ra bản thiết kế đó và nhận ra bằng cách nào? Darwin nói rằng khi nghiên cứu thiên nhiên cách chi tiết, ông không thấy có bất cứ bản thiết kế nào. Với phương pháp đo lường khoa học ngày nay, chắc cũng không thấy có bản thiết kế nào. Martin Rhonheimer nhận xét rằng: “Cái chúng ta có thể thấy và quan sát được trong thiên nhiên không phải là những kế hoạch hay ý định, nhưng cùng lắm là những sản phẩm của kế hoạch và ý định ấy. Chúng ta thấy những hoạt động hướng đến mục đích (teleology), thấy sự sắp xếp đẹp đẽ và có mục đích trong thiên nhiên. Còn “những ý định” hoặc “thiết kế khôn ngoan” có thực sự là nguyên lý hoạt động trong tiến trình tự nhiên này hay không, thì chúng ta không thấy được. Cái chúng ta thấy trong thiên nhiên không phải là bản thiết kế, nhưng đúng hơn là cái gì đó đặt nền cho bản thiết kế đó”.

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn hay nói là “Tự Nhiên” sắp xếp cách này, tổ chức cách khác, làm như thể Tự Nhiên là một chủ thể có lý tính, đặt ra mục đích và hành động để hoàn thành mục đích. Kể cả những người theo thuyết Darwin và ngay chính Darwin cũng vẫn hay nói về Tự Nhiên theo kiểu “như nhân”, dù cho họ có điều chỉnh lại một chút như Julian Huxley: “Thoạt nhìn, lãnh vực sinh vật học xem ra đầy những mục đích. Các cơ thể được hình thành như thể được thiết kế hướng tới mục đích...Nhưng như thiên tài Darwin đã cho thấy, mục đích ấy chỉ là vẻ bên ngoài thôi”.

Phải chăng Tự Nhiên hoạt động như thể có mục đích? Trong ngũ đạo của thánh Tôma Aquinô, con đường thứ năm trình bày lập luận như sau: Trong thiên nhiên, các loài không có trí khôn cũng hoạt động hướng đến một mục đích tốt hơn cho chúng. Chúng đạt đến mục tiêu ấy không phải bằng sự tình cờ nhưng là có ý hướng (non a casu, sed ex intentione). Nhưng chúng đạt đến mục tiêu ấy không phải bằng ý hướng riêng của chúng, vì chúng không có trí khôn. Đúng hơn, chúng đạt đến mục tiêu nhờ một trí năng điều khiển chúng hướng đến đích điểm, giống như người bắn cung điều khiển cung tên. Chúng ta gọi trí năng (lý tính) điều khiển mọi sự trong thiên nhiên hướng đến mục đích ấy là Thiên Chúa (Summa Theologiae I, q.2. art.3).

Thánh Tôma còn có một đoạn văn rất hay và sống động để mô tả công trình của Đấng Tạo Hóa. Ngài so sánh Tự Nhiên với nghệ thuật và kỹ thuật (có thể dịch từ ars theo hai nghĩa): “Tự Nhiên được phân biệt với nghệ thuật / kỹ thuật ở chỗ Tự Nhiên là nguyên lý nhân quả nội tại, còn nghệ thuật / kỹ thuật là nguyên lý ngoại tại”. Để giải thích nguyên lý nội tại, thánh Tôma so sánh: “Nếu kỹ thuật đóng tàu nội tại trong gỗ, thì tự gỗ sẽ làm nên con tàu”. Rồi ngài giải thích thêm: “Tự Nhiên không là gì khác hơn kế hoạch của một nghệ thuật/kỹ thuật nào đó, ở đây là nghệ thuật của Thiên Chúa. Nghệ thuật ấy được đặt vào trong các sự vật, và qua nghệ thuật đó, chính các sự vật được điều khiển hướng đến cùng đích của nó”. Ở một chỗ khác, ngài nói thêm: “Cứ như thể người thợ đóng tàu có thể thổi vào những mảnh gỗ khả năng tự chuyển động, nhờ đó có thể làm nên con tàu”.

Martin Rhonheimer nhận xét: “Tự Nhiên hành xử có mục đích (như thể nó hoạt động có suy nghĩ và theo một kế hoạch), nhưng bởi vì trong chính Tự Nhiên, không có lý tính và những nguyên nhân hậu quả về ý hướng, nên nguyên nhân về lý tính này phải được tìm ở ngoài nó”.

Cũng như con tàu dẫn đến câu hỏi “Ai làm nên con tàu?” thì cũng thế, kinh nghiệm rõ ràng của chúng ta khi nhìn thấy trật tự, vẻ đẹp, mục đích nơi thiên nhiên dẫn chúng ta đến câu hỏi “Những sự vật này do đâu mà có?” Thuyết tiến hóa cùng với phương pháp khoa học của nó không thể đưa ra câu trả lời; nó chỉ có thể nghiên cứu những nguyên nhân thường nghiệm đang hoạt động trong thiên nhiên. Do đó, “không thể quả quyết thuyết tiến hóa chứng minh rằng có hay không có Đấng Thiên Chúa là vị thiết kế và tâm trí Ngài là nguyên nhân của thiên nhiên và sự tiến hóa”.

Người ta thường trích dẫn nhận định của George G. Simpson: “Con người là kết quả của một tiến trình duy vật chất và không có mục đích, và trong tiến trình đó, không có kế hoạch để con người xuất hiện lúc nào đó”. Nếu Simpson cho rằng với phương pháp nghiên cứu khoa học thuần túy cơ lượng (quantative–mechanical), chúng ta không thể xác định được kế hoạch từ đó phát sinh con người, thì tuyên bố của ông có thể đúng. Thế nhưng chính cách quan sát sự vật như thế đã là một chọn lựa hữu ý, có phương pháp và có mục đích rồi.

Việc giới hạn cách quan sát của con người vào những gì tính được, đo đếm được, nghĩa là những điều kiện và tương tác vật chất, điều đó đã góp phần cho những thành tựu lớn lao của khoa học tự nhiên. Thế nhưng nếu ai đó tuyên bố rằng tất cả những gì không tính được và không đo đếm được, đều không hiện hữu – bắt đầu từ chính lý trí và ý chí tự do, nhờ đó mới có chọn lựa về phương pháp – thì tuyên bố đó phải bị đặt lại vấn đề.

Thực sự là bản đồ về gien nơi con người chỉ khác chút xíu với bản đồ gien nơi loài khỉ đột. Thế nhưng con người lại đạt đến mức độ có thể nghiên cứu về chính bản đồ gien nơi mình và nơi loài khỉ!

Tôi xin lấy một ví dụ để minh họa cho vấn đề về những giới hạn của phương pháp khoa học. Ngày 3 tháng 8 năm 2006, trên tuần san Die Zeit có một bài dài nói về mối tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Ý chính của bài báo là đặc tính kỹ thuật ngày càng cao trong y khoa có nguy cơ xóa mờ khía cạnh nhân văn trong nghề thầy thuốc. Một vấn đề đã cũ nhưng nay được đặt lại cách sắc bén. Paul Tournier, một bác sĩ ở Geneva và là người sáng lập phong trào Médecin de la Personne, thường nói rằng các bác sĩ có hai tay và phải dùng cả hai: một tay là kiến thức khoa học về con người, về các bộ phận trong cơ thể và sự vận hành của nó. Tay khác là con tim, trực giác, lòng thương cảm. Muốn giúp bệnh nhân thực sự, không thể chỉ dùng một tay. Con người không phải là cái máy, cho dù cơ thể con người được cấu tạo bằng những cấu trúc và vận hành vật chất, phức tạp. Tuy nhiên không có bác sĩ nào chỉ nhìn con người như thế, họ còn quan tâm đến tâm hồn của bệnh nhân. Chẳng có bác sĩ nào đến với bệnh nhân chỉ với cách nhìn của Georges Simpson.

Và đây là kết luận có tính quyết định từ hình ảnh so sánh nói trên: bác sĩ phải dùng cả hai tay, cả khí cụ khoa học lẫn trực giác có được nhờ kinh nghiệm, lòng thương cảm và sự hiểu biết về bản tính nhân loại. Cả hai đều thuộc y khoa. Phải có sự cộng tác của cả hai thì mới có bác sĩ tốt.

Hướng đến cuộc đối thoại giữa đức tin, lý trí và khoa học

Liệu mô hình này có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn vấn đề đang được bàn đến ở đây? Tôi xin giải thích điều này bằng ba ví dụ liên quan đến những lãnh vực chính trong cuộc tranh luận về thuyết tiến hóa.

1. Ví dụ thứ nhất là ý niệm về chủng loại. Tác phẩm nổi tiếng của Darwin có tựa đề Nguồn gốc các loài. Thế nhưng liệu có những thứ như là “loài” ngay từ đầu không? Liệu một phương pháp thuần túy đong đếm vật chất có thể nắm bắt được ý niệm về “loài” không? Phải chăng những khái niệm như “loài” và “giống”, như thế giới động vật và thực vật, chỉ là nomina nuda, nghĩa là những từ ngữ đơn thuần và không tương ứng với thực tại nào? Trên bình diện của những gì đo lường và tính toán được, “loài” và “giống” là những từ ngữ trống rỗng. Nhưng cặp mắt của tâm trí lập tức hiểu rất rõ sự kiện là có các loài, ví dụ loài mèo.

2. Sự cần thiết phải dựa vào “cặp mắt của tâm trí” lại càng rõ nét hơn khi bàn đến một vấn đề mà ngày nay một số người cho là “thiếu khoa học” vì thực ra đây là những vấn đề siêu hình, vượt trên cái vật chất thuần túy: đó là những mô thể bản thể (substantial form). “Trong khi lương tri bình thường cho rằng những sự vật như cây cối, con voi, rõ ràng là những sự vật, những hữu thể độc lập chứ không chỉ đơn thuần là tổng hợp những thành tố vật chất, thì lý thuyết duy vật về tiến hóa lại giảm thiểu những sự vật ấy thành những tổ hợp chóng qua của vật chất, và chỉ có vật chất là thực tại duy nhất, tối hậu trong vũ trụ. Phân tích cho đến cùng thì chẳng có cây cối, chẳng có con voi nào cả, mà chỉ có những tổ hợp chóng qua của những yếu tố vật chất, rồi chúng ta gán cho nó những cái tên” (Walker, Schopfung und Evolution).

Thành ra để vượt lên trên lối nhìn duy vật về tiến hóa, điều ưu tiên là phải lấy lại khái niệm về mô thể (như Aristotle và Goethe hiểu). Adolf Portmann nhấn mạnh đặc biệt đến điều này khi phê phán chủ thuyết Darwin. Mọi sinh vật đều thể hiện chính nó như một mô thể, hiểu như là sự diễn tả tính nội tại, vốn là cái gì lớn hơn những yếu tố vật chất. Về mặt phương pháp, dù những nghiên cứu về sinh–hóa có thể không quan tâm đến vấn đề mô thể, nhưng về lâu về dài khoa học có thể trở nên mù quáng nếu không biết đến câu hỏi cái gì làm cho một cái cây hay một con chó là chính nó. Bởi lẽ mọi việc đo lường và tính toán đều giả thiết điều này là: sinh vật ấy – con người này, con vật kia, cái cây nọ – hiện hữu như một toàn thể độc lập và trí khôn con người hiểu được điều đó.

Cũng như người thầy thuốc không thể chỉ nhìn bệnh nhân là lá gan, quả tim, hay một bộ phận nào đó, nhưng trước hết phải nhìn bệnh nhân như một con người, và con người ấy có lá gan hay quả tim đang suy yếu. Cũng thế, khi nghiên cứu một sinh vật, nhà sinh vật học phải nhìn nó như một toàn thể và coi những chi tiết khác như những yếu tố của toàn thể sống động đó. Như Hans Urs von Balthasar diễn tả, phải cố gắng “nhìn thấy mô thể”, cái mà không có nó thì những phương tiện đo lường trở nên mù quáng. “Nhìn thấy mô thể” cũng là con đường khám phá những dấu vết của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng.

3. Suy nghĩ đó đưa tôi đến ví dụ thứ ba là đọc những dấu vết của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng. Phải chăng đó là công việc của khoa học? Các nhà khoa học ở những thời trước, từ Copernicus đến Galileo rồi Newton, vẫn xác tín như thế. Ngoài sách Kinh Thánh, họ làm quen với cuốn sách của tạo thành, ở đó Thiên Chúa nói với chúng ta bằng thứ ngôn ngữ nghe được và hiểu được.

Điều mà quan niệm duy vật về khoa học bỏ qua là thái độ ngỡ ngàng trước “ý nghĩa” của thực tại. Thiên Chúa ngỏ lời bằng thứ ngôn ngữ của công trình tạo dựng, và tâm trí chúng ta vốn cũng là thụ tạo, có thể nghe và hiểu được Ngài. Đó lại chẳng phải là lý do tại sao khoa học hiện đại phát triển trên miền đất Do Thái–Kitô giáo là những tôn giáo tin vào Đấng Tạo Hóa sao? Quan điểm duy vật về khoa học đã làm cho người ta chỉ đọc chữ thay vì đọc bản văn. Nghiên cứu và phân tích từ ngữ là đòi hỏi phải có để có thể đọc bản văn. Thế nhưng từ ngữ không phải là chính bản văn, đúng hơn, nó chỉ là người chuyên chở ý nghĩa của bản văn. Ở đây cũng giống như trong trường hợp người thầy thuốc, nếu khoa học chỉ tự giới hạn chính mình trong những điều kiện vật chất mà thôi, nó sẽ trở thành “người dùng có một tay” và “một chiều”. Nó thiếu hẳn cái làm cho con người là người, tức là khả năng vượt lên trên những điều kiện vật chất nhờ hiểu biết và trực giác để hướng đến ý nghĩa và chân lý, cũng là “sứ điệp của tác giả bản văn”.


Từ những suy nghĩ phác thảo ở trên, chúng ta có thể rút ra những đòi hỏi thực hành nào? Tôi chỉ xin rút ra hai điều:

1. Làm thế nào “chủ thuyết tiến hóa” với dấu ấn duy vật của nó lại hầu như trở thành một thứ tôn giáo? Tại sao người ta ra sức bảo vệ chủ thuyết này? Ở thời điểm hiện nay, tôi dám nói rằng không có lý thuyết khoa học nào mà có nhiều điều còn bị đặt vấn đề cho bằng thuyết tiến hóa, nhưng đồng thời lại được nhiều người ra sức bảo vệ như cái gì đó thánh thiêng. Ở đây xin nhắc lại những phê phán quan trọng nhất đối với chủ thuyết tiến hóa:

• Thiếu đường dây liên kết: sau 150 năm nghiên cứu, người ta vẫn không trình bày được những hình thức chuyển tiếp giữa các loài.

• Không thể phân tích và hệ thống hóa tiến trình biến đổi chi tiết từ loài này (vd. loài bò sát) sang loài khác (vd. chim).

• Nghi vấn về cái gọi là “sự tồn tại của loài thích ứng tốt nhất”. Marco Bersanelli đã chứng minh rằng sự tồn tại thường là “chuyện may mắn”, tình cờ, chứ không phải là bằng chứng về sự thích ứng tốt nhất. Loài khủng long và nhiều loài khác đã bị tiêu diệt vì tai họa thiên nhiên chứ không phải không có khả năng thích ứng.

Đây chỉ là một số vấn nạn (giữa nhiều vấn nạn khác) đặt ra cho thuyết tiến hóa. Nhưng tại sao người ta lại cứ khẳng định đó là lý thuyết khoa học vững chắc? Là vì cho đến nay chưa có lý thuyết nào tốt hơn. Và bởi vì xét như một lý thuyết khoa học, nó vừa đơn giản vừa “hấp dẫn”.

Nhưng tại sao lý thuyết khoa học này lại bị nhuốm mầu ý thức hệ duy vật nhiều đến thế? Thưa vì nó trình bày một thế giới quan đối nghịch với niềm tin vào Đấng Tạo Hóa. Tin vào Đấng Tạo Hóa cũng là tin rằng qua công trình tạo dựng, Ngài gửi gắm chúng ta một sứ điệp. Hệ luận là có một trật tự luân lý đạo đức, có mệnh lệnh phải làm điều này, phải tránh điều kia, ví dụ trong quan hệ giới tính và trong việc bảo vệ sự sống. Một lối nhìn duy vật về tiến hóa sẽ phù hợp hơn với chủ trương duy vật và tương đối. Không phải ngẫu nhiên mà chủ thuyết tiến hóa là cánh cửa khoa học cho cả chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã. Và đến cả ngày nay, nó cũng là cánh cửa cho chủ nghĩa Darwin về kinh tế và xã hội, biện minh cho thứ “đấu tranh để sinh tồn” trong kinh tế và xã hội. Chính Richard Dawkins, người cổ võ chủ nghĩa Darwin về mặt ý thức hệ, cũng phải nói rằng ông không muốn sống trong một xã hội theo chủ trương Darwin, vì nó quá phi nhân.

2. Tuy nhiên, còn có một lý do khác làm cho chủ thuyết Darwin có vẻ hấp dẫn hơn. Đó là niềm tin vào Đấng Tạo Hóa tốt lành (và vào bản thiết kế khôn ngoan trong vũ trụ) bị đặt thành vấn đề trước sự độc ác khủng khiếp trong dòng tiến hóa. Tại sao lại phải thực hiện việc tiến hóa trải qua hằng tỉ năm với bao nhiêu chết chóc, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu hủy diệt? Đấng Tạo Hóa tốt lành ở đâu? Thiết kế khôn ngoan ở đâu? Lại chẳng phải là hữu lý hơn khi nhìn tất cả mọi sự chỉ là trò chơi mù quáng của những tai nạn trong thiên nhiên?

Để kết thúc những suy tư này, có một điều cần lưu ý là: Trong khoa hộ giáo của chúng ta, không nên quá vội vã để ở đâu cũng thấy “thiết kế khôn ngoan” của Thiên Chúa. Cũng như ông Gióp, chúng ta không biết trả lời ra sao khi đối diện với đau khổ. Chúng ta chỉ biết đón nhận câu trả lời. Và Thiên Chúa là Đấng cung cấp câu trả lời. Logos (Ngôi Lời) – Đấng mà qua Ngài và trong Ngài, mọi sự được tạo thành – đã mặc lấy xác phàm, và cùng với xác phàm ấy là toàn bộ lịch sử vũ trụ, lịch sử tiến hóa, với tất cả vẻ bi hùng của nó. Ngài đã mang trên mình tất cả gánh nặng của khổ đau, của hủy diệt, và cả sự ác luân lý. Thập giá là chìa khóa của sự khôn ngoan và kế hoạch nơi Thiên Chúa. Sứ điệp của thập giá là sự khôn ngoan tối thượng của Thiên Chúa. Qua thập giá, Ngài giao hòa thế gian với Thiên Chúa, và thập giá là cửa ngõ dẫn đến Phục sinh: “Nếu chúng ta mượn ngôn ngữ của thuyết tiến hóa để diễn tả, thì Phục Sinh là “sự chuyển động” vĩ đại nhất, là bước nhảy quyết định vào trong một chiều kích hoàn toàn mới, chưa bao giờ có trong lịch sử sự sống và phát triển của nhân loại. Đó là bước nhảy vào một trật tự hoàn toàn mới, và bước nhảy ấy liên quan đến tất cả chúng ta và tất cả lịch sử.... Đó là bước nhảy về “chất” trong lịch sử “tiến hóa” và trong sự sống nói chung, hướng đến sự sống tương lai, hướng đến một thế giới mới. Sự sống và thế giới ấy, khởi đi từ Chúa Kitô, đã thấm vào thế giới này để biến đổi nó và lôi kéo nó đến với Ngài” (Bênêđictô XVI, Bài giảng lễ Vọng Phục sinh 2006).

Nếu sự phục sinh của Chúa Kitô là “chuyển động vĩ đại”, hoặc như Đức Bênêđictô XVI diễn tả trong cùng một bài giảng, “sự bùng nổ của tình yêu làm tan chảy mối liên kết không thể tách rời giữa ‘chết và trở thành’, thì chúng ta cũng có thể nói: Đây chính là “điểm đến của tiến hóa”, là cùng đích, sự hoàn thành và cả ý nghĩa của tiến hóa. Mặc dù trong những bước đi riêng lẻ, xem ra dòng tiến hóa không có mục đích và định hướng, nhưng từ viễn tượng lễ Phục Sinh, dòng chảy ấy có ý nghĩa. Nói như thế không có nghĩa là “con đường là mục đích” nhưng muốn nói Phục Sinh chính là ý nghĩa của con đường.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 74 (Tháng 1 & 3 năm 2013)