FABC: DIỆN MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG MỘT GIÁO HỘI
ĐỐI THOẠI ĐỂ CẢM THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG GIỮA MỘT Á CHÂU ĐA VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.
MỤC LỤC
I. Bối cảnh Á châu dưới ánh sáng của lòng xót thương
II. Diện mạo Đức Giêsu
Kitô trong FABC
III. Giáo Hội của lòng
thương xót
WHĐ (11.03.2021) - Truyền thống
ngôn sứ chưa chấm dứt, vẫn sống động. Truyền thống ấy vẫn sống động với Giáo Hội,
vì mỗi người Kitô hữu, môn đệ của Đức Kitô, là một ngôn sứ trong vị NGÔN SỨ DUY
NHẤT. Truyền thống ấy không chỉ giới hạn ở những đặc sủng lạ kỳ, nhưng trải rộng
đến cả những nghĩ suy thần học. Nó phải thay đổi lối nhìn và đánh giá về thực tại
của các kitô hữu, cộng đoàn môn đệ của Đấng xót thương. Với sự dẫn dắt của Đức
Giáo hoàng Phanxicô, ta không chỉ nhận ra những chỉ dẫn mục vụ độc sáng. Ta còn
thấy những suy tư thần học mang tính ngôn sứ trong những ngôn ngữ rất sống động
về đời thánh hiến, về đời sống gia đình, về cộng đoàn Giáo Hội.
Điều trên tỏ lộ cách đặc biệt khi
ngài công bố năm thánh đặc biệt của Lòng Thương xót nơi Thiên Chúa. Nó tạo nên
cả một phong trào nhằm canh tân Giáo Hội trong chính cốt lõi của Giáo Hội. Lòng
thương xót như trái tim bơm dòng máu ân sủng làm cho Giáo Hội “sống, hoạt động
và hiện hữu” (Cv 17:28). Khắp nơi chúng ta bắt gặp rất nhiều bài suy tư tiếp
theo Misericordiae Vultus.
Trong dòng chảy ấy, tôi cũng muốn
đọc, tìm hiểu và suy tư những văn kiện của FABC dưới ánh sáng của Thiên Chúa
giàu lòng thương xót. Bài viết được triển khai trước tiên bằng cách đặt rõ sứ
điệp trong bối cảnh khát mong lòng thương xót đích thật tại Á châu. Sau đó, tôi
nêu lên diện mạo Đức Kitô tại Á châu dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Rồi từ
đó, tôi nhìn đến Giáo Hội Á châu trong hướng mục vụ được khởi hứng và hướng dẫn
bởi lòng thương xót thần linh.
I. Bối cảnh Á châu dưới ánh sáng của lòng xót thương
Như bất cứ lịch sử nào, lịch sử của
Á châu cũng đầy những bóng tối mà bài đối đáp với vua của Cao Bá Quát bộc lộ thực
tại: “Nước trong leo lẻo cá đớp cá. Trời nắng chang chang người trói người”. Dĩ
nhiên, lịch sử con người tại Âu cũng như Á chẳng hề thiếu những sự kiện tiêu cực
ấy. Bao nỗi thảm cảnh do những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng gây ra có trong mọi
dân tộc Á châu. Tuy nhiên, giữa những thảm cảnh đó, Á châu không thất vọng,
song được nâng đỡ do những bậc thánh hiền, khôn ngoan. Giữa những nhiễu nhương
của thời đại, Khổng Tử đã dạy một nếp sống quân tử và thương người. Còn Lão Tử
viết:
“Tôi chỉ dạy ba điều: tính đơn giản,
sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Ba điều
này là kho tàng lớn nhất của các con. Đơn giản trong hành động và tư tưởng, các
con trở về nguồn của đời sống; kiên nhẫn với bạn bè và kẻ thù hợp theo đường lối
của mọi sự vật. Trắc ẩn đối với chính mình, các con khiến mọi sự trong thế giới
được hài hòa”.[1]
Nhờ những nhà hiền triết Á châu
đó, các dân tộc Á châu cùng nhìn “Đa nguyên và khác biệt không phải như một vấn
đề mà là như sự phong phú. Ngay cả đối kháng và căng thẳng có thể mang tính
sáng tạo trong viễn cảnh của một sự hài hòa vốn không tĩnh lặng, nhưng năng động
như cuộc sống và chuyển động”.[2] Gia sản này đâu
phải là một cái gì dễ tan biến như làn mây. Nó vẫn sống động, dù nhiều khi như
bị ẩn tàng dưới những sóng cồn hận thù, phân biệt đối xử đủ loại của thời tân
tiến.
Xem ra hôm nay, theo FABC, Á châu
hiện không ở “trong một thời kỳ “bình an” dân quê, nhưng là khủng hoảng khổng lồ
(gigantic crisis)[3] với muôn hình thức của sự
tân thời hóa, toàn cầu hóa, thời kỳ hậu-thực dân, kỹ thuật mới,[4] chủ nghĩa tiêu thụ.[5] Các biến động xã hội nhiều
khi đưa tới một “thứ sợ hãi các dân tộc”, ‘ethnophobia’[6]
Nó giúp tạo ra trong xã hội cả một giới trẻ-nạn nhân, giới trẻ-vong thân, giới
trẻ-thiểu số,[7] một thế giới di dân bị ghen
ghét, bị đối xử bất công, không luật pháp bảo vệ, v.v.[8]
Các Giám mục Á châu nhất trí nhận
định:
Những hình thức nghèo khổ mới gây
ra di dân và đổ vỡ gia đình. Với dòng tư bản không kiềm chế tạo cho thông tin
không giảm sút đi vào, những não trạng và ưu tiên mới đang thay đổi những nền
văn hóa Á châu, nhất là giới trẻ, nhưng không luôn luôn vì sự thiện. Trong nhiều
miền Á châu, quyền lực chính trị vẫn còn là một dụng cụ thống trị hơn là phục vụ.
Chúng tôi xót xa vì sự hòa nhập chính trị đàn áp với sự khéo léo kinh tế, sự
sát nhập tôn giáo với chủ nghĩa bá quyền (sô-vanh) văn hóa.[9]
Trong gia đình chúng ta bắt gặp sự
đau buồn tương tự:
“Phần đa gia đình Á châu hứng chịu
một sự nghèo khổ lớn lao. Họ phải đấu tranh hằng ngày và không thể thoát khỏi
thực tại nghèo khổ bi thảm này. Nhiều người trẻ nghèo gặp khó khăn nghĩ tới lập
gia đình và khởi đầu một gia đình thiếu hết những phương tiện nâng đỡ và hỗ trợ
cơ bản. Nhưng ngày nay nghèo khổ Á châu còn mang một chiều kích mới. Đây là tiến
trình toàn cầu hóa kinh tế với tính chất tân tự do đẻ ra một trật tự thế giới mới
mà mọi quốc gia phải được thích ứng vào, nếu không nó bị bỏ lại phía sau trên
đường tới sự tiến bộ kinh tế được định nghĩa bởi những quốc gia phát triển”.[10]
Bức tranh như cho thấy bộ diện
toàn cầu hóa kinh tế như một thứ “cạnh tranh không thương xót”.[11] Anh sống, tôi chết hoặc ngược
lại. Không thể và không hề có sự khoan dung. Nó khác nào trên một võ đài tỉ thí
một mất một còn. “Những lực lượng đe dọa dẫn tới phá giá những giá trị tích cực”.[12] Các tham dự viên CCA-FABC
Joint Ecumenical Formation (JEF II) nhận định “nỗi đau, nước mắt, tiếng kêu
than của dân chúng… chúng tôi nhận diện các nạn nhân và những người dễ bị là nạn
nhân nhất,đôi khi trên chủng tộc, giai cấp,quốc gia, hệ phái chính trị và trạng
huống kinh tế-xã hội”.[13]
Á châu chứng kiến một thứ xung đột
tôn giáo như thể đang lên ngôi. Điều này rõ ràng đi ngược lại với tính chất hiếu
hòa, hiếu khách, đuề huề của Á châu.[14]
Từ thuở xa xưa, dân chúng Á châu đã từng sống chung bình an mặc dù với những
tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo đã góp phần tạo nên một "hồn" Á châu[15] rất bình dị và chất phác,
an lành mà dưới một góc cạnh nào đó được các câu ca dao Việt Nam bộc lộ rất
hay: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một
giàn", hay "Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người" hay " Lời nói không mất
tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "Lá lành đùm lá
rách". Tâm hồn Á châu đã từng nêu bật "sự hiếu khách nồng ấm, sự sẵn
lòng chân thành để chia sẻ và đối thoại".[16]
Nguyên nhân của những thảm cảnh
này không phải do bởi một Á châu không có tài nguyên hay tài lực, nhưng do bởi
Thần Tài đã ngự trị và chi phối. Thần Mammon đã lũng đoạn các quyền lực quân sự
và chính trị để làm lèo lái chân lý và tự do.[17]
Văn kiện JEF II viết: “Lòng yêu mến tiền bạc và quyền lực cũng như nhu cầu duy
trì địa vị đặc ưu của chính mình và nguyên trạng dường như ở tận gốc rễ của những
sự dữ này”.[18] Đấy là “tác nhân” của mọi bất
công và phân biệt đối xử. Hơn nữa, “có một mối liên hệ gia cố lẫn nhau giữa những
vị lãnh đạo quyền lực chính trị, những người nắm sức mạnh kinh tế, quân sự, đa
phương tiện, và những người xuất sắc (chóp bu) khác mà địa vị của họ tùy vào việc
bảo tồn được nguyên trạng”.[19]
Các tham dự viên trong diễn đàn về
học thuyết xã hội của Giáo Hội trong bối cảnh Á châu xác quyết cùng một điều
như thế:
“Chúng tôi nhìn nhận Á châu là một
lục địa nghèo khổ cùng cực và bóc lột với những đòn bẩy của quyền lực và giàu
trong tay những người thống trị xã hội, cả bên trong lẫn bên ngoài, và ở đó hệ
thống thống trị tiếp tục gây ra đau khổ lớn lao trên những kẻ vô quyền lực và
những người nghèo không có tiếng nói”.[20]
Cơ cấu xã hội cũng cản trở thay đổi.
Á châu muốn nói nhiều hơn đến giáo dục. Nhưng chủ trương giáo dục độc quyền và
độc chiều vẫn còn ngự trị nơi Á châu. Đó đúng là một rào cản cho sự biến đổi
sâu xa và cơ bản trong xã hội,[21] vì nó không cổ xúy sự phát
triển toàn diện nhân vị. Trái lại, nó đề cao một lối nhìn duy lợi về con người,
biến con người không hơn gì một hàng hóa, một vật để thỏa mãn, hay một con vật
sinh lợi mà thôi. “Dân chúng trở thành một phần máy móc của tiến trình sản xuất
và như vậy, lao động trở thành bóc lột và khử trừ nhân phẩm”.[22]
Hay:
“Những giá trị tiêu cực của các nền
văn hóa được liên kết với những lực lượng tiêu cực của thời tân tiến đã kiềm chế
sự phát triển nhân bản chân chính. Những chiều kích tích cực và nguồn lực của
chúng đã bị lãng quên bởi những khuôn mẫu thống trị của sự phát triển”.[23]
Câu hỏi rất lớn về xã hội[24] liên đới với câu hỏi về
luân lý.[25] Dẫu thế mặc lòng, tôn giáo
vẫn đóng một vai trò quan trọng trên đường các người Á châu nghèo khổ dưới mọi
hình thức đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Giữa tất cả vòng xoáy nghiệt ngã đó,
Á châu vẫn không mất hy vọng, vì “những kinh nghiệm và diễn đạt tôn giáo vẫn có
thể đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại một nền văn hóa hài hòa có
nền tảng thật sâu xa”.[26] Chỗ khác, “Sự nhạy cảm trước điều linh thánh là một điều thuộc về
khía cạnh nội tại của văn hóa và dẫn đến điều ta có thể gọi là ‘kinh nghiệm tôn
giáo’… kinh nghiệm tôn giáo, tôn giáo và triết lý về cuộc đời mang tính nhân bản
một cách toàn vẹn và cố hữu”.[27]
Đằng sau những dấu chỉ vừa tiêu cực
vừa tích cực đó, ta khám phá ra Á châu đang luôn khao khát một TÌNH THƯƠNG ĐÍCH
THỰC mà không một cơ chế nhân loại nào có thể cho họ được. Họ tin vào Mầu nhiệm
khôn tả, Đấng Siêu Việt.[28] Họ mong đợi được yêu
thương, được đối xử như một nhân vị và nhờ đó họ cũng trân trọng người khác như
những nhân vị cần được yêu thương. Họ minh chứng điều Đức Gioan XXIII nói về
phương dược của lòng thương xót mới chữa lành con người tân tiến là đúng. Nỗi
khao khát này làm cho họ đối diện với những sự dữ trên không phải như một người
phản kháng, nổi loạn cho bằng với một tâm hồn tôn giáo, kiên nhẫn và dịu hiền.
Họ xác định rõ không độc dược nào độc dữ cho bằng lòng người (Phim Dạ Yến). Họ
đối diện với những thực tại tiêu cực đó với một tâm hồn tôn giáo. “Nhiều tôn
giáo cũng phục vụ một chức năng “hạ nhiệt”: những niềm tin và nghi thức của
chúng có thể làm dịu cơn giận dữ trước bất công”.[29]
“Một cấu tố cơ bản nằm ở chính lõi tủy của những nền văn hóa này, cấu tố đó đảm
bảo sự toàn vẹn và hài hòa liên lỉ trong văn hóa”[30]
không gì khác hơn là mối tương giao úy kính đối với cảnh vực thần linh.
Với nhãn quan này, lối sống Á
châu đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,tức những tương giao nhân bản hơn là những
hận thù và ghen ghét. Đó là những thái độ thường hằng trong tương quan hơn là một
pháo đài cố thủ cho yên hàn. Các dân tộc Á châu “muốn theo đuổi toàn thể thực tại
trong sự đa dạng vô tận song lại duy nhất triệt để”.[31]
Á châu với những tôn giáo luôn đề cao và tạo cơ hội cho nguyện cầu, chiêm niệm,
cho tĩnh lặng tâm linh[32] nhờ đó họ tìm sống hài hòa
với nhau, giữa những khác biệt và đôi khi giữa những chủ trương quá khích
(fundamentalist). Á châu xác tín “ở đâu có sự hài hòa, ở đó có niềm vui”.[33] Với nhãn quan tích cực của
Kitô giáo tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là CỘNG ĐOÀN, là HIỆP THÔNG vĩnh cửu, ta
có thể khẳng định rằng Á châu vẫn luôn được Thần khí hướng dẫn trong tất cả thực
tại của nó: nơi các tôn giáo, các văn hóa, nơi người trẻ, những người di dân,
những người phụ nữ bị xâm phạm dưới mọi hình thức, giữa những đau khổ và thách
đố. FABC/OTC kết luận như sau khi phân tích và nhận diện hoạt động của Thần khí
trong thực tại muôn mặt của Á châu: “Những sức mạnh thiêng liêng đang hoạt động
trong những thăng trầm này và những phát triển mới chúng mang đến đang thách đố
tất cả mọi người ở Á châu, bất kể họ gắn bó với ý thức hệ hay tôn giáo nào”.[34]Thần khí đang làm cho CÂY
TÌNH THƯƠNG KHÔNG HỀ TÀN TẠ xòe tán mát rợp mọi vùng trời mà có khi dân chúng
đang hưởng mà không rõ. “Hãy tỏ lòng hiền dịu với cha mẹ, người thân, trẻ mồ
côi, người thiếu thốn, cho những người lân cận thân thiết với ngươi cũng như
cho người lân cận là kẻ xa lạ”.[35] “Hãy ban lương thực cho người
thiếu thốn, trẻ mồ côi, người tù nhân, từ tình yêu dành cho Ngài”.[36] Làm sao ta lại không thể thấy
được Thần khí của Đấng Xót Thương cũng hiện diện trong những giáo huấn như thế?
Trong bối cảnh như thế, Giáo Hội
tại Á châu cũng phải ra sức đi tìm căn tính của mình.[37]
Bằng không, sẽ không có tương lai.[38]
Vậy ra, những thách đố xuất phát từ một Á châu nghèo khổ, nhưng rất giàu những
giá trị tôn giáo, văn hóa, lại trở thành một KAIROS, thời khắc ân sủng.[39] Đây là lúc Giáo Hội tại Á
châu tìm ra được một cách thức mới để là Giáo Hội, để sống Giáo Hội. Cách thức ấy
tóm gọn vào những thái độ: đi ra, liên đới, nên một, khiêm tốn, can đảm và phục
vụ. Đó là thái độ của một vị ngôn sứ đầy Tin Mừng lân tuất hơn là một người lo
“gìn giữ”, “bảo tồn” và yên ổn một 'ngôi đền'. Thái độ ấy bó buộc toàn Giáo Hội
Á châu phải nhìn đến khuôn mặt dứt khoát và tuyệt đối của Đức Giêsu Kitô, như
Tông huấn Giáo Hội tại Á châu nói đến.
II. Diện mạo Đức Giêsu Kitô trong FABC
Được tiếp nhận trong đức tin với
khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa, những thực tại Á châu lại biến thành Kairos, thời
khắc cho Giáo Hội tại canh tân đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Ngài là nguồn mạch của
căn tính Giáo Hội. Nay Giáo Hội tại Á châu được mời gọi canh tân việc chiêm ngắm
Đức Giêsu-Sự Sống. Tình yêu của Giáo Hội tại Á châu dành cho Đức Giêsu mới thức
tỉnh Á châu được.[40] Quả thế, FABC xác tín mạnh
mẽ rằng “Tin Mừng Đức Giêsu mà chúng ta mang lấy là Tặng Phẩm quí giá nhất
chúng ta mang đến cho Á châu. Chỉ Đức Giêsu luôn vĩ đại hơn mới là ý nghĩa của
cuộc sống, khổ đau, niềm vui và hy vọng của con người”.[41]
Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, các Giám mục Á châu đã muốn xoay hướng tới
“Mối quan tâm của Đức Kitô đối với
dân chúng được nên hữu hình trong một mảnh đất Á châu khác; Đức Kitô cũng là
Chúa của tương lai nhân loại. Vì Ngài hiện diện bên cạnh chúng ta và trong
chúng ta, nên chúng ta xin Ngài giúp chúng ta nâng cao thành đô của anh chị em
chúng ta – một thành đô sẽ phản ánh trong hy vọng và hứa hẹn, Vương quốc mà
Ngài đã đặt nền móng, khi hòa giải mọi người trong Ngài, bằng máu Ngài trên thập
giá; những đường nét của Vương quốc ấy Ngài đã mặc khải trong tình yêu vốn là tặng
phẩm Ngài ban cho chúng ta”.[42]
FABC muốn nhìn và gắn bó Đức Kitô
sống động, hiện thân sống động của lòng thương xót mà dân tộc Á châu có thể chạm
đến theo phong cách Á châu. FABC VIII nói rõ đến một Đức Kitô như Giao Ước Tình
Yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, là Sự Sống qua chia sẻ Tình yêu, sự hiệp
thông và tình liên đới.[43]
“Tình yêu Thiên Chúa không nơi
nào tràn ngập và vượt trội hơn khi Thiên Chúa sai Con một đến đảm nhận nhân
tính chúng ta ngoại trừ tội lỗi […] Là Chủ tể sự sống, ngài hiến mạng sống vì
những người khác để rồi lấy lại […] Ngài là chính sự sống miêu tả sứ mệnh của
mình là ban sự sống cho Vương quốc Thiên Chúa, một Vương quốc ngài nói đến một
cách khác biệt triệt để vì yêu thương những kẻ thấp hèn và khiêm nhường”.[44]
FABC/OE minh định mãnh liệt như
sau:
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa
làm người, ở tại tâm điểm của đức tin chúng ta. Nơi Người, sự tỏ lộ chính mình
ngàn đời trước qua lịch sử nhân loại đã đạt đến tột đỉnh. Nơi Đức Giêsu, chính
Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại và trở thành một thành viên của nhân loại.
Sự đồng nhất trọn vẹn này với chúng ta của Con Thiên Chúa được sắp đặt để chia
sẻ với chúng ta tư cách là Con Chúa Cha của Người. Đức Giêsu hoàn thành sứ mệnh
này qua cuộc đời trần thế của ngài, và một cách phi thường (có một không hai)
qua mầu nhiệm vượt qua của cái chết và phục sinh cũng như tuôn đổ Thánh Thần
trong lễ Ngũ Tuần”.[45]
Hai trích dẫn trên đủ để xác minh
FABC có tương đối hóa vai trò của Đức Giêsu hay không. Hơn nữa, chúng còn cho
thấy cách thức FABC nhìn đến vai trò độc nhất vô nhị hệ tại điều gì: không phải
trong một công thức chết nào đó, nhưng trong thực tại sống động là TÌNH YÊU HY
SINH và ĐẢM NHẬN mọi thực tại nhân loại cách trọn vẹn và tuyệt đối. Dứt khoát,
“Đức tin của các Tông đồ vào Đức Kitô Phục sinh là đức tin của chúng tôi”.[46] Đúng hơn, FABC cho thấy rằng
cần phải gắn bó và đặt nền trên Đức Kitô, lòng thương xót sống động của Thiên
Chúa trên trần và trong lịch sử, để có thể tiến bước cùng với những tín đồ của
các tôn giáo khác. Khác hẳn với thái độ Kitô hữu chịu ảnh hưởng của thứ “ngoại
giáo La mã”, theo lối nói của Aloysius Pieris, tính duy nhất tuyệt đối của Đức
Kitô như nguồn ơn cứu độ không hề chấp nhận chút nào chủ nghĩa loại trừ
(exclusivism) vốn luôn làm sai lạc một Đức Kitô miệt mài tìm con người lạc lối
cho bằng được (x. Lc 15). “Chúng tôi phải công bố Đức Giêsu là Con Thiên Chúa,
là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới, là Đấng hoàn thành những khát vọng sâu xa
nhất của trái tim Á châu vượt quá những giấc mơ nhân loại”.[47]
Vì thế, FEISA VII xác định rằng
“’Cánh Cửa’ của Giáo Hội tới ‘một tầm nhìn mới về thế giới’ được đặt nền trên
lòng thương cảm và xót thương của Chúa Cha đối với sự tăng trưởng của niềm vui
và hy vọng cũng như sự xóa bỏ ưu sầu và thống khổ”.[48]
Làm thế nào để làm cho điều này được hiện thực? FABC/OE trả lời:
“chúng ta hãy trình bày Đức Kitô
như đúng thực là ngài. Hãy để những người nghe chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu như
các Tin Mừng trình bày Ngài, cuộc đời, lời nói, những việc chữa lành, lòng
thương xót và tình yêu, những hành vi tha thứ, những việc ngài đối xử với người
khác, cách thức độc nhất trong đó ngài từ bỏ sự sống mình”.[49]
Còn FEISA VII trả lời vấn nạn
trên bằng cách “miêu tả” thực trạng, “phân tích để hiểu những mãnh lực xâm nhập”
vào các quốc gia Á châu và rồi “tổng hợp cũng như tìm kiếm những câu trả lời đầy
trắc ẩn nằm sâu trong chúng ta như những môn đệ của Đức Kitô và như một Giáo Hội
trong hiệp thông”.[50] Cách chiêm ngắm Đức Giêsu rất
hiện thực đó làm cho FABC nhận ra Chúa Giêsu hằng sống. Như vậy, các Giáo Hội Á
châu thấy rất rõ Chúa Giêsu của Tin Mừng mà Giáo Hội công bố cách trung thành
và sáng tạo mới là câu trả lời mà Á châu đang cần.[51]
Thật thế, “Chỉ từ Đức Kitô mới có thể có những câu trả lời không chút lừa dối
hay gây thất vọng”.[52]
Ta khẳng quyết FABC không sáng
tác ra một Đức Kitô nào mới. Vẫn chỉ là Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội hằng tuyên
xưng “hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời” (Hr 13:8). Tuy nhiên, Giáo Hội ấy
tiếp nhận huấn thị Dominus Iesus theo cách thức của mình trong bối cảnh đa tôn
giáo và văn hóa để tìm ra “những hàm ý của nó cho đối thoại và những tương giao
liên tôn”.[53] Rõ ràng FABC muốn nhìn thấy
một Đức Kitô đối thoại để cứu độ, yêu thương, thuyên chữa, nói tắt, để chạnh
lòng xót thương. Giáo Hội tại Á châu chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ thế
giới. Đấng Cứu độ này không bao giờ loại trừ hay coi nhẹ những vị cứu tinh của
các tôn giáo khác. Trái lại, Đấng Cứu độ ấy hoàn toàn tán thành, trân quí và hậu
tạ bất kỳ ai có thể làm một điều gì đó xoa dịu sự thiếu thốn của các anh chị em
nghèo của ngài, ngay cả một chén nước lã, hay một tấm vải che đậy sự trần truồng
của họ.
“Chúng ta tin vào Đức Giêsu là Đức
Kitô, điều đó không đòi hỏi trục xuất những diện mạo cứu tinh của những tôn
giáo khác, cũng như không chối bỏ giá trị cứuđộ của những tôn giáo khác. Theo
chân Đức Giêsu khiêm nhường và xót thương, chúng ta chia sẻ với những người
khác Đức Giêsu muốn gì nơi chúng ta và vì thế cũng muốn gì nơi người khác”.[54]
Chỗ khác,
“Nơi Đức Kitô, chúng ta nhận biết
Thiên Chúa nhập thể dứt khoát và quyết liệt đi vào thế giới. Đức tin vào Đức
Kitô này không phải là một lời phán xét về những tôn giáo khác”.[55]
Đúng hơn, chính Đức Giêsu ấy lại
giúp Giáo Hội Á châu kính trọng và tìm ra “cách thức mà những diện mạo lịch sử
và những yếu tố tích cực của những tôn giáo khác rơi vào kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa”.[56] Đức Kitô như thế làm cho
Giáo Hội tại Á châu hoán cải và thú nhận những tội lỗi, thiếu sót và phản chứng
mà ta sẽ nói ở phần sau.[57]
Thật vậy, FABC nhìn đến một Đức
Giêsu đối thoại và rộng mở như là cách thức diễn đạt lòng thương xót vô bờ, một
lòng thương xót luôn tiếp đón mọi người và từng người như là mục đích chứ không
phải phương tiện. FEISA I chiêm ngắm Đức Giêsu khai mở “Bữa Tiệc Bạn Hữu”
(Fellowship Table) với những người thu thuế và tội lỗi để khởi sự cuộc đối thoại
cứu độ với họ.[58] Văn phòng Truyền Thông Xã hội
của FABC cũng nhìn đến Đức Giêsu là Đấng Thông Truyền trong đối thoại qua việc
làm và lời nói.[59] FIRA I nói rõ “chúng ta cần
đâm rễ sâu xa nơi Đức Kitô để là những tông đồ của đối thoại”.[60] Đang khi đó diễn đàn về diện
mạo Á châu của Đức Kitô nhấn mạnh đến Đức Kitô với dân chúng và cho dân chúng,
nói không với mọi quyền lực thống trị qua hành động rửa chân các môn đệ. Diễn
đàn ấy nói đến một “Khóe nhìn Thứ Ba” vào Đức Kitô, “từ viễn cảnh của người
nghèo và trong người nghèo và bị áp bức”; cần đến “sự bén nhạy thiêng liêng để
thấy diện mạo Đức Kitô nơi những người nghèo trong những trạng huống khác nhau
của họ”.[61]Hội nghị đó liên kết một
cách rất tuyệt vời giữa một Thiên Chúa đối thoại được thể hiện một cách độc đáo
và dứt khoát nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập thể để đối thoại và băng bó một
nhân loại bị thương do hận thù và ghen ghét với một Giáo Hội đối thoại để tìm
cách hòa giải và thông cảm với anh chị em của mình.[62]
Các Giáo Hội tại Á châu gắn bó dứt
khoát với một Đức Giêsu sống vì Vương quốc Thiên Chúa.[63] FIRA II cho chúng ta diện mạo của Đức Kitô
như sau:
- Việc Ngôi Lời thần linh nhập thể
nơi Đức Giêsu biểu thị việc chính Thiên Chúa xen nhập cách triệt để vào lịch sử
nhân loại.
- Sứ điệp của Đức Giêsu về Vương quốc
Thiên Chúa mang đến một ý nghĩa cứu độ cho tất cả các lãnh vực của đời sống, đặc
biệt cho người nghèo và bị loại ra lề xã hội, và do vậy bộc lộ chiều kích thần
linh của thế giới.
- Qua Đức Kitô chịu đóng đinh,
Thiên Chúa mặc khải chính mình là Thiên Chúa chịu đau khổ với chúng ta, cách
riêng với những người nghèo đang phấn đấu và đau khổ và với những đau khổ của mẹ
trái đất.
- Trong Đức Kitô phục sinh Thiên
Chúa mặc khải chính mình là Thần khí biến đổi đời sống chúng ta thành Tạo dựng
mới.[64]
Các Giáo Hội tại Á châu tuyên
xưng:
“Đức Kitô chịu đau khổ, Thiên
Chúa của những nạn nhân, muốn chết vì người khác; là Bạn và Đấng Giải phóng của
người nghèo; Đấng xây dựng Vương quốc Thiên Chúa; Đấng giàu lòng trắc ẩn, nhân
hậu, tha thứ, khiêm nhường, tự hiến, hiện diện để chữa lành”.[65]
OTC/FABC cùng một nhãn quan khi
chiêm ngắm diện mạo Đức Giêsu-Chúa trong tình ưu ái dành cho kẻ nghèo đủ loại,
phá tan mọi rào cản để cho Nước tình thương của Thiên Chúa lộ hiện và chạm được:
“Ngài đi xuống những người bị đè
bẹp, bước đi với họ, sống với họ, mang lấy gánh nặng của họ, gọi họ là bạn hữu…
Ngài thách đố chủ nghĩa loại trừ trong tôn giáo vốn mang lại phân rẽ người Do
thái và người Samari. Ngài dám chạm đến những kẻ không thể chạm được, kêu gọi
các phụ nữ thành những môn đệ thân cận của mình. Tình yêu ngài chạm đến cuộc đời
đáng thương của những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, tháo bỏ xiềng xích của phi nhân phẩm
và bất an và dẫn họ đi vào sự tự do và niềm vui mà ngài chia sẻ với Chúa Cha…
Ngài tuyên bố một cách thẩm quyền và tin tưởng về Thiên Chúa và sự cai trị của
ngài. Nước Thiên Chúa ở đây giữa anh em. Ngài là đấng xót thương đám đông, khóc
cho một người, khóc cho cả thành. Người vô gia cư, đói nghèo, trần truồng – những
kẻ bé nhỏ - mang lấy bộ mặt của ngài. Không thỏa hiệp trong việc bảo vệ những kẻ
bé nhỏ, việc ngài chạm đến để chữa lành, những lời tha thứ báo hiệu tình xót
thương của Nước Thiên Chúa ùa ngập vào trong không gian và thời gian của chúng
ta… Ngài nói về việc hòa giải với những kẻ thù, cầu nguyện cho họ, yêu mến họ,
tha thứ cho họ. Một tình yêu triệt để vượt xa mọi lời nói!... Ngài kết án sự nô
lệ cho tiền bạc, sự tham lam và ích kỷ vốn đặc trưng hóa việc tôn thờ ngẫu tượng
giàu có… Như một Vị Thầy, ngài phục vụ. Ngài cho thấy quyền lực để làm gì,
không phải để thống trị và đàn áp, nhưng để phục vụ… Việc ngài tự do trao hiến
chính bản ngã mình cho tới chết bởi sự hành hình tàn bạo trên thập giá minh chứng
yêu thương, chia sẻ, phục vụ có nghĩa là gì. Bởi vì ngài yêu thương, ngài chết
vì chúng ta. Bởi vì ngài yêu thương, chúng ta sống”.[66]
Rõ ràng, chúng ta bắt gặp những
nghĩ suy rất hợp với cả truyền thống giáo phụ và của Giáo Hội, song được trình
bày với lối nhìn Á châu: Vì Ngài yêu thương nên chúng ta sống! Chính vì thế,
trong bối cảnh của một Á châu nhiều chia rẽ dù vẫn nỗ lực tìm hài hòa, FABC/OTC
chiêm ngắm Đức Kitô hủy mình ra không dưới lăng kính này một cách thuyết phục:
“Đức Kitô Tôi Tớ đau khổ của sự
Hài hòa: Từ nhập thể tới Phục sinh, đời sống của Đức Kitô được đặc trưng bởi
đau khổ và thập gia. Chính qua sự hủy mình ra không, trở nên vâng phục cho đến
chết trên thập giá mà ngài đồng nhất chính mình trong tình yêu với toàn nhân loại,
cách riêng những người bị chống đối nhất, yếu kém nhất và nghèo nhất. Do đó thập
giá là vinh quang của người Tôi Tớ Đau Khổ và sức mạnh để thiết lập sự hài hòa
giữa nhân loại [….] Nơi Đức Giêsu, tình yêu, lòng xót thương và sự tha thứ của
Thiên Chúa tỏ lộ cho thế giới để các dân tộc, Do thái và dân ngoại được hòa giải
với Thiên Chúa Cha trên trời và với nhau, để trở nên sự hiệp thông của hài hòa
và tình yêu”.[67]
FABC/OTC nói đến mầu nhiệm của
lòng thương xót được nhập thể một cách hiện thực và hiện sinh khi liên kết với
Thánh Thể. Thánh Thể không chỉ là biểu tượng của lòng thương xót đã trở thành Tấm
Bánh cho mọi người, nhưng còn là phương thế Đấng xót thương tuyệt đối dùng để
xây dựng vương quốc Ngài hôm nay:
Thánh Thể Ngài cử hành với những
môn đệ trong đêm trước khi Ngài chết một cách bí tích tưởng niệm tình yêu toàn
vẹn này (Mc 14:22-25; Mt 26: 26-29; Lc 22: 14-20. X. Ga 13: 1-5). Đấng được xức
dầu, Đức Kitô, Đấng hiến mạng sống cho nhân loại qua cái chết đã muốn thế. Ngài
chấp nhận chén đắng đau khổ (Mc 14: 36; Mt 26:39, 42). Phi lý, đúng , nhưng
trong sự thương tổn tàn bạo nhất và toàn diện nhất, trong cái kinh nghiệm nhân
loại phi lý nhất, là quyền năng và sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa (1
Cr 1: 14). Bằng đau khổ và cái chết này, Đức Giêsu chiến thắng sự chết, khôi phục
sự sống. Việc Ngài phục sinh từ kẻ chết làm Ngài thành “Sự Chiến Thắng của Nhân
Loại Đau Khổ”… Ngài là bánh và của uống sự sống, là nước ban sự sống (Ga 6:51;
4: 10-13; 7:37-38). Ngài là sự sống. Ngài hoàn thành những khát vọng sâu xa nhất
của nhân loại tới sự sống sung mãn, một người hoàn toàn cho tha nhân và hoàn
toàn cho Thiên Chúa… Đây là cách thức chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu với một diện
mạo Á châu… Vì như Ngài đã là Tin Mừng cho người nghèo trong thời đại Ngài, thì
ngày nay Ngài không thể không là Tin Mừng cho “hàng triệu đông đảo người Á
châu” Hình ảnh nhân bản này của Đức Giêsu, sinh bởi người nữ, là Thiên Chúa đã
nên nghèo khổ, Thiên Chúa ở với chúng ta, sự bình an, bậc thầy và ngôn sứ, người
thuyên chữa, người của hài hòa, người tôi tớ-lãnh đạo đau khổ, đấng giải phóng,
người ban sự sống, là một hình ảnh cộng hưởng mạnh mẽ với tình trạng nô lệ của
Á châu, với sự phấn đấu của Á châu vươn tới công bằng và hài hòa – với sự phấn
đấu của chúng ta để sống.[68]
Chúng ta bắt gặp ở đây, có thể
nói, bản tổng kết của những diện mạo Đức Giêsu mà Á châu muốn chiêm ngắm. Suy
nghĩ về diện mạo Đức Giêsu như thế theo FABC khiến tôi phải trích dẫn nơi đây
suy tư đầy tâm tình cầu nguyện của thánh Anselmô về Đức Giêsu và tình thương của
Thiên Chúa, dẫu cách xa hàng bao thế kỷ:
Phần tôi, điều gì tôi thiếu do lỗi
của tôi thì tôi tin tưởng dựa vào lượng hải hà của Chúa, vì Người chan chứa
tình thương, và nơi Người không thiếu những lỗ hổng cho tình thương ấy trào ra.
Bọn lính đóng đinh chân tay Người và dùng lưỡi đòng mở cạnh sườn Người ra; và
qua kẽ hở này tôi được nếm mật ong từ hốc đá chảy ra, nếm dầu từ tảng đá cứng
nhất, nghĩa là nếm thử và nhìn coi Chúa tốt lành biết mấy… mũi đinh đóng vào
Người lại trở thành chìa khóa mở ra cho tôi, để tôi nhìn ra ý Chúa. Qua lỗ hổng,
tôi thấy gì? Mũi đinh kêu lên, vết thương kêu lên rằng nơi Đức Kitô, Thiên Chúa
thực sự hòa giải thế gian với mình. Lưỡi đòng đã đâm thấu tâm hồn Người và đụng
tới trái tim Người, để Người biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta.
Qua những vết thương trên thân thể Người, chúng ta thấy lộ ra điều ẩn giấu nơi
trái tim Người, thấy hiện tỏ mầu nhiệm tình thương lớn lao của Người và lòng trắc
ẩn của Thiên Chúa chúng ta, Đấng tự chốn cao vời đã viếng thăm ta. Làm sao lòng
trắc ẩn ấy lại không hiện tỏ qua những vết thương? Lạy Chúa là Đấng dịu dàng,
hiền lành và giàu lòng trắc ẩn, ở đâu lòng trắc ẩn ấy bừng lên cho bằng nơi các
vết thương của Ngài? Quả vậy, không ai có tình thương cao cả hơn người hy sinh
mạng sống cho những kẻ bị lên án tử. Bởi thế công trạng của tôi là tình thương
của Chúa. Tôi không thiếu công trạng bao lâu Thiên Chúa không thiếu tình
thương. Nếu Chúa giàu lòng trắc ẩn thì tôi càng nhiều công trạng. Vậy nếu tôi
biết mình nhiều tội lỗi thì sao? Thật ra, ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng
càng chứa chan gấp bội. Và nếu tình thương Chúa trải qua muôn ngàn thế hệ, thì
tôi cũng ca tụng tình thương Chúa cho đến muôn đời. Chẳng lẽ tôi lại ca tụng đức
công chính của tôi sao? Lạy Chúa, tôi sẽ chỉ nhớ đến đức công chính của Ngài mà
thôi. Đó là đức công chính của con, bởi Thiên Chúa đã đặt Ngài làm đức công
chính cho con.
Dường như rằng tình thương tận
bên trong Thiên Chúa dư tràn quá đến độ phải xuất ra. Hình ảnh được Anselmô
dùng thật độc đáo: Những lỗ đinh trên thân thể Đức Kitô tuôn trào lòng thương
xót của Thiên Chúa. Ngài không thể không xót thương, không thể không ban phát
cách hào phóng tình thương ấy. Ngài không khi nào mệt mỏi để tha thứ, như Đức
Phanxicô thường nói. Nếu ta thường nói “hữu xạ tự nhiên hương”, và nếu Trung cổ
khẳng định “sự thiện tự lan tỏa”,[69] thì thật đúng cho lòng xót
thương của Thiên Chúa. Thật vậy, lòng thương xót luôn hoạt động và sẽ là tiếng
nói chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa. Và đời sống con người chỉ để ca tụng
tôn thờ tình thương Thiên Chúa, một tình thương trở thành đức công chính cho
con người tội lỗi và yếu đuối. Vì thế, FABC III mong muốn các Kitô hữu tại Á
châu nguyện cầu:
“Lạy Chúa, xin là ánh sáng của thế
gian cho các tín hữu Chúa, và là ánh sáng của thế gian cho những người
đang mong đợi lòng thương xót và tình
thương mến của ngài tỏa sáng trên nhân loại. Xin là ngọn đèn soi lối chúng con,
thắp sáng con đường dẫn tới Chúa Cha và tới Thành Đô nơi Ngài cư ngụ trong ánh
sáng”.[70]
III. Giáo Hội của lòng thương xót
Chiêm ngắm Đức Giêsu là lòng
thương xót đã nhập thể, FABC nhận ra vai trò của Giáo Hội: bí tích của lòng xót
thương mang danh Giêsu Kitô cho con người hôm nay. “Diện mạo này sẽ thu hút dân
tộc Á châu trong và qua khuôn mặt của Giáo Hội”. Đứng trước sứ mệnh này, Giáo Hội
tại Á châu thấy mình đã sai lỗi nặng nề:
“Giáo Hội thường bày ra những phản
chứng đối với việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo, thiếu can dự cụ thể vào
việc đối thoại liên niềm tin và thiếu quan tâm thực sự đến hội nhập văn hóa.
Trong nhiều trường hợp, Giáo Hội không lên tiếng nói ngôn sứ trong những vấn đề
bất công bởi vì tình trạng thiểu số của mình xét như cộng đoàn”.[71]
Hay,
Chúng tôi khiêm nhường thừa nhận
rằng trong quá khứ chúng tôi đã gây ra đau khổ không chỉ cho chính mình song cả
cho những người có những niềm tin khác bởi vì sự ngu dốt, sự không khoan nhượng,
tâm trí nông cạn, thái độ cực đoan, sự loại trừ và cảm thức tự tôn của mình.[72]
Theo ánh sáng đó, FABC/OTC chỉ ra
rằng ý nghĩa của người môn đệ Đức Giêsu: Đó là cộng đoàn môn đệ của Chúa Giêsu
mà “chủ nghĩa bách thắng, sự phân biệt đối xử, giáo sĩ trị, thống trị, chủ thuyết
loại trừ, sự thích nghi làm phí mất sự thật và sự công bằng chỉ là một số thái
độ có thể đã được xây dựng trong các cấu trúc của chúng ta”. Đó là cộng đoàn
môn đệ của Đức Giêsu nghèo hèn. “Cộng đoàn Giáo Hội được gọi để đảm nhận một diện
mạo thật sự nhân bản: một giáo hội không chống đối việc được nhập thể trong
nhân loại yếu đuối; một Giáo Hội không quay mặt khỏi những khó khăn của lịch sử;
một Giáo Hội không giữ lại trong việc làm rỗng chính mình”; đó là một cộng đoàn
của Đức Giêsu của cộng đoàn và hài hòa. “Chúng ta không chỉ được gọi tới hiệp
thông như những cá nhân. Chúng ta cũng được gọi tới sự hiệp thông của các dân tộc
và của các cộng đoàn Giáo Hội và vượt thắng những chia rẽ của các Giáo Hội Chúa
Kitô.” Đó là cộng đoàn môn đệ của Đức Giêsu là Tôi tớ của vương quốc Thiên
Chúa. “Nó thúc đẩy chúng ta tới vinh quang chỉ trong việc trở nên tôi tớ khiêm
nhường của Vương quốc, vì tách khỏi đó, chúng ta đánh mất ý nghĩa của cộng đoàn
chúng ta… vì giá trị của vương quốc xét cho cùng mới hiệp nhất chúng ta với
Chúa.” Đó là cộng đoàn môn đệ của Đức Giêsu như vị Ngôn sứ và Dấu chống báng.
“Qua lời loan báo, phong thái sống và sự hiện diện, chúng ta phải phơi bày ra
những giá trị ngụy tạo (sai lầm) dễ dàng được những người Á châu ngày nay ôm ấp
và những hiệu quả làm suy giảm nhân phẩm của họ, cách riêng những người nghèo”.
Đó là cộng đoàn môn đệ của Chúa chịu đóng đinh. “Diện mạo của Chúa chịu đóng
đinh có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách toàn vẹn và không ích kỷ.
Diện mạo của Giáo Hội phải là diện mạo của tình yêu tinh ròng, cách riêng trong
bóng đêm của không thương mến”.[73]
Đối với FABC, chiêm ngắm Thiên
Chúa sẽ thúc đẩy tới một sự hoán cải thật sự của Giáo Hội. Thiên Chúa, chủ tể của
lịch sử, cai trị bằng thương mến, tha thứ qua Giáo Hội tha thứ và liên đới[74] vì xét cho cùng chính Đức
Giêsu là Người Phục Vụ (Tác Viên) Duy Nhất của nhân loại.[75]
Nhưng diện mạo một Giáo Hội như
thế không phải là một Giáo Hội chung chung. FABC muốn nói đến một Giáo Hội địa
phương thật sự sống động theo tâm trí của Đức Giêsu.[76]
FABC nhận ra có một sự đồng nhất phong phú: Giáo Hội với nguyên lý của địa
phương hóa (indigenization and inculturation) cũng là Giáo Hội của nguyên lý của
lòng thương xót và trắc ẩn thần linh, lòng thương mến dịu hiền, sứ mệnh yêu
thương và phục vụ.[77]Asian Bishops' Meeting (ABM)
viết rằng “Giáo Hội địa phương đích thực sẽ vun trồng liên tục và ngày một hơn
“cảm thức sâu xa của tình liên đới”. Nó thúc đẩy các Giáo Hội tại Á châu nhất
quyết là một “Giáo Hội của người nghèo” một cách chân thật hơn.
“Nếu chúng ta phải đặt mình bên cạnh
đám đông dân chúng trong lục địa này, trong lối sống chúng ta, chúng ta phải
chia sẻ một điều gì của sự nghèo khổ của họ. Giáo Hội không thể thiết lập những
hòn đảo giàu có giữa biển cả thiếu thốn và khổ cực. Đời sống cá nhân của chúng
ta phải làm chứng cho tính đơn giản của Tin Mừng, và không ai, bất kể thấp hèn
hay nghèo khổ thế nào, thấy khó khăn đến với chúng ta và tìm thấy nơi chúng ta
những người anh em của họ”.[78]
"Chúng tôi mơ đến một Giáo Hội
tôi tớ: tôi tớ của Thiên Chúa, tôi tớ của Đức Kitô, tôi tớ của kế hoạch cứu độ
của Ngài; cũng là Giáo Hội tôi tớ của các dân tộc Á châu, của những niềm hy vọng,
mong đợi và khát khao sâu xa của họ; tôi tớ của những tín đồ của các tôn giáo
khác của những người nam nữ, một cách đơn giản và toàn vẹn, tôi tớ của tha
nhân. Một Giáo Hội tôi tớ không có sự khoe khoang và yêu sách. Một Giáo Hội tôi
tới không nhấn mạnh trên quyền lợi của mình; Giáo Hội cống hiến những sự phục vụ,
không bị xúc phạm khi không được chấp nhận. Một Giáo Hội tôi tớ giữ im lặng khi
bị phớt lờ, bị lãng quên hay bị đối xử
không công bằng".[79]
Như thế, một Giáo Hội có lối sống
đơn giản, sẽ bộc lộ một cảm thức mạnh mẽ về tình liên đới và diễn đạt được diện
mạo của Thiên Chúa xót thương, vốn tiên vàn không hệ tại ở việc chúng ta cho họ
cái gì, nhưng ở chỗ cách thức chúng ta trao ban. Trên hết họ cần tình yêu, cần
được yêu thương, được kính trọng, nói tắt, được xót thương.[80]
Chính theo ánh sáng này, FABC nói
đến Giáo Hội đối thoại. Không phải Giáo Hội tại Á châu chỉ thực hiện cuộc đối
thoại tam diện: với người nghèo, với văn hóa, với tôn giáo. Nhưng Giáo Hội ấy
muốn là Giáo Hội đối thoại. Nói khác đi, đối thoại thuộc về căn tính và bản chất
và mục tiêu của Giáo Hội tại Á châu. Giáo Hội ấy có cách đọc Lời Chúa với một
cách thức đối thoại: đối thoại với những nguồn phong phú của các nền văn hóa và tôn giáo tại Á châu.[81] FABC quan niệm
“Giáo Hội, cam kết cho Tin Mừng về
Vương quốc Thiên Chúa phải thừa nhận cùng một Vương quốc ấy đang hoạt động
trong những tình trạng xã hội-chính trị và trong những truyền thống văn hóa và
tôn giáo và đi vào đối thoại với chúng… Sự cam kết cho đối thoại như thế không
chỉ mang tính chất nhân học, nhưng tiên vàn có tính chất thần học. Trong Đức
Kitô, Thiên Chúa đối thoại với con người, ban cho họ ơn cứu độ. Chính trong sự
trung thành với sáng kiến này của Thiên Chúa mà Giáo Hội phải cam kết để đối thoại
ơn cứu độ với tất cả mọi người nam nữ… Giáo Hội địa phương của Á châu phải cam
kết đối thoại với những phong trào và lực lượng xã hội-chính trị đang làm việc
hướng đến sự phát triển toàn diện, công bằng xã hội và hòa bình… Vai trò ngôn sứ
của Giáo Hội địa phương tại Á châu thúc đẩy họ cũng đóng vai trò kích thích tố
trong việc làm cho đối thoại nên dễ dàng giữa các lực lượng xã hội-chính trị,
tôn giáo và văn hóa khác nhau… Đối thoại dẫn những người đối tác đến sự thanh
luyện nội tâm và sự hoán cải toàn diện nếu được theo đuổi với sự dễ dạy (thuần
thục) đối với Thần khí”.[82]
Chỗ khác,
“Liều bị thương trong hành vi yêu
thương, tìm cách cảm thông trong một bầu khí hiểu lầm - đấy là những gánh nặng
không nhẹ chút nào để mang vác. Đối thoại đòi hỏi một linh đạo sâu xa vốn làm
cho con người, như Đức Giêsu, có thể lệ thuộc vào đức tin của mình vào tình yêu
của Thiên Chúa, ngay cả khi mọi sự dường như tan rã. Cuối cùng, đối thoại đòi hỏi
một sự hủy bỏ chính mình toàn vẹn như Đức Kitô vậy, để, một khi được Thần khí dẫn
dắt, chúng ta nên những dụng cụ ngày một hữu hiệu hơn để xây dựng vương quốc
Thiên Chúa".[83]
Chẳng lạ gì mà FABC nói đến việc
truyền giáo, loan báo Tin Mừng tại Á châu không thể không đi với sự đối thoại
mà hội nhập văn hóa vừa là dấu hiệu vừa là hiệu quả và đích tới của nó. Hình thức
bình dân của sứ mệnh truyền giáo mang tính đối thoại là kể chuyện Đức Giêsu, là
chia sẻ đức tin. Asian Mission Congress 2006 viết: “Truyền giáo có nghĩa là giữ
cho câu chuyện về Đức Giêsu sống động, hình thành cộng đoàn, tỏ lộ lòng thương
xót, làm bạn với ‘người khác’, mang vác thập giá, làm chứng cho ngôi vị Giêsu sống
động”.[84] Giáo Hội ấy biết điều gì là
quan trọng cần phải làm, chứ không thể theo chủ nghĩa cầu toàn.
“Vì làm sự thật đến trước việc
trình bày giáo lý, các Giáo Hội tại Á châu không đợi một câu trả lời thần học
thỏa đáng trước khi đi xa hơn nữa trong thực hành đối thoại và loan báo… chúng
tôi ý thức rằng việc làm hùng biện hơn lời
nói và yêu thương thì tốt hơn là giảng về yêu thương, đối thoại thì tốt hơn viết
về đối thoại. Cả hai đều cần thiết, nhưng tình yêu là tặng phẩm lớn hơn hết, là
đặc sủng tồn tại đến sau cùng”.[85]
Asian Mission Congress đề nghị kể
chuyện Đức Giêsu trong đời sống chúng ta, trong những dân tộc có những niềm tin
khác, cũng như trong những nền văn hóa của Á châu. Mục đích chính yếu là để cổ
xúy “một văn hóa của phục vụ, thương xót, đời sống có kỷ luật, suy niệm, thinh
lặng, đơn giản, hòa giải và hài hòa”.[86]
Trực giác này khiến FABC ký thác
một vai trò không thể thiếu được trong việc thực thi lòng xót thương cho anh chị
em giáo dân. Họ không chỉ trình bày một Giáo Hội hiệp thông được làm thành cụ
thể bằng cách cổ xúy một Giáo Hội tham gia.[87]
Họ có một chỗ đứng độc đáo: là Giáo Hội cho thế giới và là thế giới cho Giáo Hội.
(x. CELAM). Họ có vai trò thiên sai mà linh mục thừa tác không thể làm suy giảm
được.[88] Chức năng đó cho thấy vai
trò của giáo dân phải liên kết với bình an, hy vọng do yêu thương, để vươn ra
và vươn tới, trình bày việc tông đồ mang đặc tính hướng tới thế giới và hướng tới
Vương quốc.[89] Chính vì thế, “Tư cách môn
đệ Chúa Giêsu tại Á châu được đâm rễ trong các thực tại của Á châu. Linh đạo
Kitô giáo phải được nhập thể… mang tính quy về Đức Kitô và được khởi hứng bởi
Thần khí”.[90] Mà sống theo Thần khí của Đức
Giêsu là gì nếu không phải là Thần khí của xót thương và chiêm niệm? FABC viết
như sau về lối sống của giáo dân:
“Mang đặc tính nhập thể, qui về Đức
Kitô, Kinh thánh, bí tích, Giáo Hội và cộng đoàn, linh đạo của Dân Thiên Chúa
là một hành trình trong Thần khí của Đức Kitô đi vào Vương quốc của Cha. Nó là
một hành trình của tư cách môn đệ, của yêu thương và phục vụ, theo khuôn mẫu của
chính Đức Giêsu chết và phục sinh. Từ trên cao, rõ ràng tận cơ bản chỉ có một
linh đạo Kitô hữu, nghĩa là điều là chung cho tất cả các môn đệ của Đức Kitô
trong Giáo Hội… nếu một linh đạo biệt loại cho giáo dân có thể được nhận diện,
thì chính theo nghĩa rằng giáo dân được gọi để sống tư cách môn đệ của Đức
Giêsu và chia sẻ sứ mệnh của ngài theo phận trần thế riêng của họ trong Giáo Hội….
Giáo dân được chính Đức Giêsu sai phái để truyền những giá trị Tin Mừng vào các
thực tại trần thế và xã hội nhân loại”.[91]
Vì thế, theo FABC, giáo dân trình
bày một cách thuyết phục bằng đời sống hai chiều kích, thần linh và nhân bản, dầu
không đồng nhất với nhau, lại liên hệ với nhau, theo ánh sáng của mầu nhiệm Vượt
qua, thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô, là khung hệ cơ bản của đời sống
Kitô hữu và cuộc đấu tranh hướng tới Vương quốc Thiên Chúa.[92]
FABC tiếp thu cách xác tín hướng đi rất mới song lại rất Tin Mừng của Vatican
II: sự liên kết bất khả phân chia giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa điều thần
linh và điều nhân bản, giữa loan báo Tin Mừng và phát triển toàn diện nhân vị.
Nói tắt, họ có sứ mệnh trình bày một lòng xót thương cảm nhận được theo cách
nhân bản của vị Thiên Chúa làm người. Họ nên như dụng cụ và bí tích của Đức
Giêsu, vị Thiên Chúa-của-con-người-theo-cách-con-người (Schillebeechx).
Nhằm
tạo ra một ý thức về “cách thức mới là Giáo Hội”[93]
FABC cổ xúy những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (Small Christian Communities) và Cộng
đoàn Giáo Hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities) cũng như những cộng đoàn
nhân loại cơ bản (Basic human Communities). Tại đó, yếu tố thông phần, chia sẻ,
liên đới trở thành con đường và đích tới. FABC xác định mạnh mẽ truyền giáo
không phải là chiêu mộ tín đồ (proselytism) hay một kiểu “ăn cắp con chiên”
(sheep stealing),[94] nhưng “chia sẻ Đức Giêsu với
tha nhân là lý lẽ tối hậu của tất cả hoạt động mục vụ của chúng ta”.[95] Theo ánh sáng đó, 1986 với
BISA VII, FABC đã thao thức tìm ra Chu kỳ mục vụ (Pastoral Cycle) mà nổi bật với
thái độ exposure/immersion (tỏ lộ và chìm ngập) mà không gì khác hơn là bộc lộ
một tình xót thương dám dấn thân chia sẻ mọi sự với những người đau khổ.[96] Theo đó, từ năm 1990, với
FABC V tại Bandung, tìm ra lối mục vụ ASIPA, có cội rễ từ các Giáo Hội Phi
châu, để trình bày lối mục vụ của tình yêu có thể chạm được.[97] Nó nhắm “cam kết xây dựng một
xã hội công bằng và trắc ẩn hơn”.[98] Nó trình bày một tư cách
lãnh đạo-tôi tớ, theo mẫu gương của Đức Giêsu, và trao quyền cho giáo dân trong
những tác vụ khác nhau, để đức ái lên ngôi. JEF II suy tư về hai lần “chịu”
phép rửa của Chúa Giêsu như sau:
“Chúng tôi bắt đầu bằng cách suy
tư trên hai lần Đức Giêsu chịu phép rửa… Phép Rửa tại sông Giordan là sự chìm
ngập và chấp nhận của Đức Giêsu đối với giao ước của Thiên Chúa với người
nghèo. Phép Rửa tại Calvê là sự chìm ngập của chính Đức Giêsu vào những cuộc đấu
tranh và đau khổ của người nghèo. Vì thế, nó là cuộc đấu tranh của ngài chống lại
mọi ảnh hưởng khử trừ nhân vị trong thời đại ngài, bao gồm cả những cơ cấu xã hội-tôn
giáo và chính trị đàn áp dân chúng bình dân. Qua tác vụ chữa lành và bữa ăn hay
tình bạn đồng bàn với mọi người không phân biệt, Đức Giêsu mặc khải vương quốc
Thiên Chúa như một vương quốc quan tâm đến giải phóng mọi người, cách riêng người
nghèo. Do vậy, Calvê là giao ước của Thiên Chúa chống lại Thần Tài Mammon, mà
là bất kỳ ai, bất kỳ cái gì, hay bất kỳ cơ cấu nào xói mòn con người và khử
nhân vị của họ”.[99]
Việc đối thoại liên tôn của FABC,
xét cho cùng, luôn được nhìn trong ánh sáng của “sự liêm khiết, kính trọng,
thông cảm và tình yêu”.[100]
Kết luận
Trong bối cảnh của những thăng trầm
và xáo trộn xã hội-chính trị do muôn vàn hình thức được thúc đẩy bởi Thần Tài,
Á Châu luôn khát mong một lòng thương xót của Đấng Siêu Tôn. Những bậc thánh hiền
và Tôn sư của các tôn giáo tại Á châu đã đóng góp phần quan trọng vào hành
trình xây dựng Vương quốc Thiên Chúa mà đã được Thiên Chúa định liệu từ nguyên
thủy và được Đức Giêsu hiện thực như Đấng Tuyệt Hảo cũng như Nguồn Mạch và Cứu
Cánh (Alpha và Omega). Họ không trình bày một thứ cảm thức thiêng liêng ru ngủ,
nhưng mang đến những trực giác để tìm gặp được niềm vui đích thực và chân chính
giữa những khốn cùng nhân loại. Các tôn giáo ấy đã sống lòng thương xót của Đấng
Siêu Tôn theo cách của mình rồi, ngay cả trước khi Đức Giêsu đến.
Nhưng FABC cũng luôn tin vững vai
trò tuyệt đối của Đức Giêsu, Lòng Thương Xót đã nhập thể. Chính Ngài là hiện
thân của lòng thương xót để cho thấy Thiên Chúa không chút hủy bỏ những gì trước
kia song đem chúng đến chỗ thiện toàn. Không một sự thiện hảo của lòng xót
thương nào mà không nói lên Đức Giêsu, ít là cách tiềm mặc, vì Thiên Chúa đã
quyết định như thế.
Và nay FABC cho thấy Giáo Hội xét
như cộng đoàn môn đệ của Đức Kitô, trong đó mỗi người có chỗ đứng, đều thấy phải
nên như dấu chỉ và phương thế của lòng thương xót ấy. Bằng không, Giáo Hội tại
Á châu đánh mất căn tính của mình. Trong nỗ lực ấy, Giáo Hội tại Á châu không dựa
vào mình, nhưng dựa vào Thiên Chúa, Đấng ban ơn cho những ai cầu khẩn. Vì thế,
Giáo Hội tại Á châu thốt lên
Lạy Thiên Chúa yêu thương và ban
sự sống, tự ban đầu ngài đã kêu gọi chúng con tại Á châu vào đời sống, làm giàu
chúng con bằng những văn hóa đa dạng và gây ngạc nhiên, những cách sống và tin
tưởng. Như tội nhân và anh em trong một gia đình Á châu của ngài, chúng con tạ
ơn và ca ngợi ngài vì những tặng phẩm của ngài.
Giữa chúng con là những người
nghèo nhất trong những người nghèo, hàng triệu người không chỉ tìm kiếm một đời
sống tốt đẹp hơn, nhưng tìm sự sống sung mãn mà chỉ mình ngài có thể ban tặng.
Chúng con nghe Con Ngài Đức Giêsu, phục vụ mọi người trong tình yêu toàn vẹn,
trong sự vô vị lời hoàn toàn, một cách tạ ơn (Thánh Thể).
Rõ ràng đây là Giáo Hội đang được
xót thương và đang yêu thương mới có thể hát bài ca mới (x. Thánh Augustinô).
Giáo Hội tại Á châu muốn làm chứng cho thực tại này trong căn tính của mình vậy.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 94 (Tháng
05 & 06 năm 2016)
[2] For All the Peoples of Asia, vol. 2, tr. 151.For All the Peoples of Asia là tựa đề của bộ sưu tập, có thể nói
như thế, gồm những văn kiện và tài liệu của chính FABC hoặc của những văn phòng
trực thuộc FABC. Bộ sách này khởi sự (volume 1) với hai nhà biên soạn Gaudencio
B. Rosales và C.G. Arevalo, rồi sau đó được nhà biên soạn Franz-Josef Eilers tiếp nối.
Theo như tôi biết, nhà xuất bản Claretian Publications , từ năm 1992 cho đến
lúc này, đã phát hành được 4 volumes (1992; 1997; 2002; 2007). Để gọn gàng cho
việc ghi chú, từ đây, xin cho phép tôi chỉ ghi vắn tắt tựa đề, số thứ tự bộ
sách và số trang như sau: For All
..., vol. 2, tr. 151.
[11] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề Cương Giáo Hội tại Việt
Nam: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí
Minh, tháng 10, 2008, tr. 11-15.
[15] X. For All...,
vol. 2, tr. 255-266; cũng x.
http://vovworld.vn/vi-VN/Tap-chi-van-nghe/Trien-lam-anh-Tam-hon-Viet-Nam/384297.vov
[17] X. A.Pieris, God's
Kingdom for God's Poor, Tulana Jubilee Publications, Kelaniya,1999; MYSTICISM OF SERVICE
A short course on Christian Spirituality,
Tulana Publications, Kelaniya, 2000.
[51] x. Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu; những trả lời của
các Giáo Hội tại Á châu trong Thượng Hội Đồng Á châu.
[57] x. For All...,
vol. 2, tr. 144-147; For All..., vol.
2,tr. 196, 240; For All..., vol. 3,
tr. 121.
[77]For All..., vol. 1, tr. 72 và FABC 8; cũng x. Đại hội
dân Chúa 2010); Jon Sobrino, "Principle of Mercy".
[80] x. Bênêđictô XVI, Deus caritas est; cũng x. Đức Phanxicô,
bài giảng tại Koševo Stadium,Saturday, 6
June 2015.
[100]For
All..., vol. 4, tr. 255.