EX CATHEDRA - ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC
ĐỨC GIÁM MỤC THI HÀNH QUYỀN BÍNH GIÁO HUẤN NHƯ THẾ NÀO?[1]
Tác giả:
Richard R. Gaillardetz
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD
WHĐ (16.6.2021) - Có phải bất kỳ điều gì Đức
Giáo hoàng và các Đức Giám mục phát ngôn đều đúng và đều là giáo huấn của Giáo
hội? Quyền bính trong Giáo hội là một vấn đề phức tạp; tuy nhiên, nếu không hiểu
sơ lược về quyền bính giáo huấn của Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục, người
Công giáo dễ có nguy cơ bị hiểu nhầm khi các ngài phát ngôn. Hiểu nhầm làm ảnh
hưởng đến đời sống đức tin chân thực của người tín hữu. Điều này đặt trong bối
cảnh: truyền thông đang lộ mặt trái của nó: tin giả, thông tin cắt ghép, xuyên
tạc, trích dẫn bừa bãi, đưa thông tin ngoài thời gian và bối cảnh,... đã gây ra
những tác động nghiêm trọng đến đạo đức truyền thông và tổn hại đến người tiếp
nhận thông tin. Trường hợp lợi dụng và cắt ghép thông tin làm ảnh hưởng nghiêm
trọng đến Đức Giáo hoàng Phanxicô gần đây là một ví dụ điển hình. Bài dịch sau
đây được trích từ tác phẩm By What Authority? (Bởi Quyền Bính Nào?) của Richard R. Gaillardetz, giáo sư thần học
chuyên về quyền bính và Giáo hội, hy vọng sẽ cung cấp cho độc giả những hiểu biết
nền tảng về giáo huấn của huấn quyền trong Giáo hội và hệ thống áp dụng các văn
kiện trong Giáo hội. Dịch giả ân cần giới thiệu đến người Công giáo Việt Nam
bài này như một phương thế hiểu biết giúp sống đức tin vững vàng trước những lạm
dụng của truyền thông khi tung ra những tin “không chính thức” về giáo huấn của
Giáo hội nhưng lại mượn tiếng nói của các đấng bản quyền.
***
Bạn thức dậy vào sáng Thứ
Bảy, kiểm tra e-mail, đọc nhật báo trực tuyến trong khi nhâm nhi ly cà phê, và
trong mục tôn giáo, bạn đọc thấy Đức giám mục địa phương của bạn vừa ban hành
lá thư mục vụ về chính sách di dân. Một tuần sau, bạn xem bản tin chiều trên
truyền hình và biết rằng Đức giáo hoàng đang lên kế hoạch cho một thông điệp mới
về giáo huấn chiến tranh chính nghĩa mang tính Công giáo. Lại một tuần nữa trôi
qua, bạn đọc được một bản báo cáo được đăng trên mạng rằng một số bộ ngành ở
Vatican đã ban hành một văn kiện mới để chiêu mộ và huấn luyện các chủng sinh.
Vài tuần sau đó, cha xứ của bạn đề cập trong bài giảng của ngài một lá thư gần
đây của Hội đồng Giám mục [...] về việc sùng kính Đức trinh nữ Maria và các
thánh. Ở một nghĩa nào đó, từng việc nêu trên thể hiện việc thực thi chính thức
quyền bính giảng dạy của Giáo hội.
Bạn có thể xem sự tăng
nhanh của các văn kiện của Giáo hội như là cơ hội để giáo dục dành cho người
trưởng thành, tuy nhiên điều này cũng gây ra không ít sự mơ hồ. Giáo hội đánh
giá tầm quan trọng của các văn kiện khác nhau này rao sao? Đây là việc khó, và
nói thẳng, là một vấn đề chưa từng có [đánh giá]. Người Công giáo ngày nay bị
tràn ngập bởi hàng đống và nhiều loại tuyên bố chính thức của Giáo hội, mà việc
này lại trở nên xa lạ đối với các thế hệ trước. Bài này sẽ cung cấp một số hướng
dẫn để phân loại trật tự thông qua sự “mênh mông” của giáo huấn mang tính huấn
quyền.
Một chìa khóa để đánh giá
đặc điểm có tính thẩm quyền của một văn kiện của Giáo hội là phải dựa vào người
đã ban hành nó (chẳng hạn: một giám mục cá nhân, một hội đồng giám mục, một
công đồng đại kết, một đức giáo hoàng) và cách mà nó được đề xuất ra. Một tập hợp
phức tạp về những sự phân biệt liên quan đến thực hành của huấn quyền đã nảy ra
nhiều vấn đề bên cạnh lịch sử hai ngàn năm của Giáo hội Công giáo. Ở cấp độ
chung nhất, chúng ta có thể phân biệt giữa ba dạng thức mà Đức giáo hoàng và
các giám mục thực thi tác vụ giảng dạy phân biệt của họ: (1) huấn quyền thông thường (the ordinary magisterium) nói đến những
thi hành chung hơn về quyền bính giảng dạy của giáo hoàng và các giám mục khi họ
dạy hoặc với tính cách cá nhân hoặc theo hội đồng; (2) huấn quyền ngoại thường (the
extraordinary magisterium) nói đến những thi hành hiếm được thực hiện hơn về
tác vụ giáo huấn của giáo hoàng và các giám mục bằng hình thức định tín [tín điều]
chính thức; (3) huấn quyền phổ quát thông
thường (the ordinary universal
magisterium) nói đến những phán quyết chung của toàn thể hội đồng các giám
mục thế giới (trong sự hợp nhất với Đức giáo hoàng) về một giáo huấn cần phải
được tuân giữ như là tín điều chắc chắn. Biểu đồ sau đây minh họa những sự khác
biệt này.
BẢNG PHÂN BIỆT SỰ THỰC THI
CỦA HUẤN QUYỀN
I. HUẤN QUYỀN THÔNG THƯỜNG
Huấn quyền thông thường (the ordinary magisterium) chỉ những cách
thức khác nhau mà trong đó giáo hoàng và các giám mục, hoặc với tính cách cá
nhân hoặc theo tập thể, có thể giảng dạy một cách có thẩm quyền. Chúng ta hãy bắt
đầu với giám mục cá nhân.
1. Tác vụ
giáo huấn của Đức Giám mục cá nhân
Công đồng Vatican II đề cập
đến tác vụ giáo huấn mục vụ của Đức giám mục trong một số văn kiện. Lumen Gentium số 25 dạy:
Việc rao giảng Phúc Âm là
một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là
những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám Mục
là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho
những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được
áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa
Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt
13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm
lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2 Tm 4,1-4). (Theo bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).
Trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ
Mục vụ của các Giám mục, Christus Dominus
số 12, Công đồng đã dạy rằng “trong việc thực thi nhiệm vụ giảng dạy của họ,
[các Giám mục] phải rao giảng cho loài người tin mừng Chúa Kitô. Đây là một
trong những trách nhiệm nền tảng của họ.”
Các Giám mục mang tính cá
nhân thực thi tác vụ giáo huấn của họ bằng nhiều cách. Giám mục là nhà rao giảng
Tin Mừng đứng đầu và là giáo lý viên đứng đầu trong giáo hội địa phương. Ngài
phải giám sát tác vụ rao giảng và giáo lý của giáo hội nhằm bảo đảm rằng nhờ thừa
tác vụ đó mà tất cả mọi người trong giáo hội địa phương nghe biết về ơn cứu độ
của Thiên Chúa ban. Chính Đức Giám mục sẽ thực thi thừa tác vụ giáo huấn bằng
việc giảng thuyết và dạy giáo lý của ngài, cũng như trong việc ban hành các lá
thư mục vụ và những huấn thị khác mang tính giáo hội. Đằng sau mục vụ trực tiếp
của ngài liên quan đến giảng thuyết và giáo huấn, Giám mục còn có trách nhiệm nữa
là bảo vệ sự thể hiện chân thực của giáo huấn Giáo hội khi tác vụ đó được thực
hiện bởi những người khác trong giáo hội địa phương. Việc này có nghĩa là trách
nhiệm của ngài xét như người giảng dạy bao gồm việc giám sát công tác dạy giáo
lý diễn ra trong giáo phận của ngài.
Các giám mục là các thầy dạy
hiệu quả luôn làm nhiều hơn cả việc đơn thuần là lặp tới lặp lui “giáo huấn
chính thức của Giáo hội.” Theo Vatican II, Giám mục còn hơn là một người phát
ngôn cho Giáo hoàng. Cách lý tưởng, giáo huấn của ngài nên soi sáng cho dân
ngài về bề dày của truyền thống Công giáo. Giám mục phải tha thiết làm thăng tiến
thành quả đức tin thông qua sự thể hiện thích cầu nguyện và am hiểu về truyền
thống Công giáo. Ngài không chỉ đơn giản là lặp đi lặp lại những tín thức xưa
cũ, nhưng tìm cách mang lại những hiểu biết/cảm nghiệm mới đối với giáo huấn
Giáo hội. Ngài không cần phải là nhà thần học chuyên môn, nhưng năng lực thần học
tổng quát và kiến thức thấu đáo về truyền thống Kitô giáo cả về chiều rộng lẫn
chiều sâu sẽ là quan trọng để hoàn thành có kết quả mục vụ giáo huấn của ngài.
Thông thường, các Giám mục
sẽ cảm thấy miễn cưỡng để trình bày những vấn đề phức tạp và đôi lúc gây tranh
cãi liên quan đến một giáo huấn được công nhận của Giáo hội khi áp dụng nó cho
một hoàn cảnh mục vụ cụ thể. Đây là một thực tế khi tôn trọng giáo huấn luân lý
của Giáo hội, nơi mà một Giám mục có thể cần phải thực hiện những quyết định
luân lý cụ thể liên quan đến những vấn đề cụ thể và những vụ việc nổi lên trong
một giáo hội địa phương. Người ta có thể dễ dàng hình dung một Giám mục cá nhân
lên tiếng trên diện rộng về những vấn đề liên quan đến di dân hoặc chính sách
phúc lợi, về chuyện phân phát các dụng cụ ngừa thai ở các trường học công cộng,...
Hiếm hơn những trường hợp
đó là một Giám mục thấy cần thiết phải có một tuyên bố chính thức về một vấn đề
giáo lý. Khi một Giám mục làm một phán quyết giáo lý chính thức thì ngài làm
cách đặc biệt với ý hướng công bố giáo lý Giáo hội theo phương thức có tính thẩm
quyền và tính quy tắc. Trong tình huống như vậy, theo giáo huấn của Công đồng
(LG 25), một Giám mục dạy một cách có thẩm quyền nhưng không phải bằng đặc sủng bất khả ngộ. Điều này có nghĩa là mặc dù
có Chúa Thánh Thần trợ giúp trong mục vụ giáo huấn của ngài, nhưng Giám mục
không được bảo vệ khỏi sai lỗi trong phán quyết mang tính giáo lý. Tuy nhiên,
trong những tình huống như vậy, ngài vẫn giảng dạy bằng quyền bính giáo lý đúng
đắn và những thành viên của giáo hội địa phương có bổn phận tham dự một cách
chu đáo và tôn trọng giáo huấn của ngài.
2. Quyền
bính giáo huấn của các Thượng Hội đồng Giám mục và các Hội đồng Giám mục
Trong Giáo hội sơ khai,
thông thường, các Giám mục gặp nhau trong các Thượng Hội đồng miền để cân nhắc
kỹ về những vấn đề quan tâm chung. Mặc dù thường bận bịu với những quan tâm mục
vụ, những thượng hội đồng này đôi lúc cũng cân nhắc đến những vấn đề của nội
dung giáo lý ở phương diện rộng hơn. Một số những giáo huấn trung tâm nhất của
Kitô giáo lần đầu tiên nổi lên từ những thượng hội đồng miền như vậy. Khi là một
hội nghị miền của hội đồng các Giám mục, các Thượng hội đồng được xem là chân
thực nếu diễn tả một phần tập đoàn tính giám mục (episcopal collegiality), ngay cả khi ngôn ngữ chuyên biệt vẫn chưa
phải là bộ phận của thuật ngữ của Giáo hội. Các thượng hội đồng cũng là những
ví dụ thực tiễn của những gì mà sau này người ta gọi là nguyên tắc phụ trợ (principle of subsidiarity), đơn giản hiểu
theo chủ trương cho rằng những vấn đề địa phương thì tốt nhất là giải quyết ở cấp
độ địa phương. Một quyền bính cao hơn can thiệp chỉ khi nào vấn đề không thể được
giải quyết ở cấp độ địa phương hoặc khi lợi ích của số đông bị đe dọa.
Ngày nay, những cuộc gặp gỡ
của các Giám mục ở phạm vi miền ít được tổ chức. Tuy nhiên, năm 1965, để đáp lại
những thỉnh cầu của các Giám mục tham dự Công đồng Vatican II, Giáo hoàng Phaolô
VI đã thiết lập Thượng Hội đồng các Giám mục Thế giới (the World Synod of Bishops), một sự quy tụ mang tính tham vấn của
các Giám mục đại diện từ khắp thế giới để đệ trình một chủ đề cụ thể nào đó. Những
Thượng hội đồng như vậy gặp nhau theo chu kỳ ba năm thì được gọi là những Thượng
hội đồng thường kỳ (ordinary synod).
Thêm vào đó, Giáo hoàng có thể triệu tập một Thượng hội đồng ngoại thường (extraordinary synod) để nêu ra một vấn đề
đặc biệt quan trọng. Năm 1985, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập một
Thượng hội đồng như vậy để cử hành kỷ niệm 20 năm sau Công đồng Vatican II nhằm
đánh giá tiến trình tiếp nhận giáo huấn của Công đồng. Gần đây hơn, Đức giáo
hoàng Phanxicô đã triệu tập một Thượng hội đồng ngoại thường về hôn nhân và gia
đình để chẩn bị lộ trình cho Thượng hội đồng thường kỳ đã được lên chương trình
như thường lệ, nhằm giải quyết cùng một chủ đề.
Ngày nay, người ta thay thế
cho thực hành xa xưa về các Thượng hội đồng miền bằng Hội đồng Giám mục; đó là
một tổ chức của các Giám mục thuộc một miền hoặc quốc gia cụ thể được lập ra để
phản ánh những vấn đề giáo hội trong nước hoặc ở phạm vi miền. Như chúng ta biết
ngày nay, các Hội đồng Giám mục lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 19. Những
cơ cấu này được chấp nhận lâu dài trong Giáo hội vì giá trị mục vụ thực tiễn của
chúng.
Thật vậy, Vatican II đã khẳng
định giá trị của các Hội đồng Giám mục và đã ban quyền bính quan trọng cho
chúng. Trong Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng, Sacrosanctum Concilium, các Giám mục đã ban cho Hội đồng Giám mục
quyền bính quan trọng trên nhiều vấn đề mang tính phụng vụ (SC 22, 36, 39).
Trong Lumen Gentium, sau khi thảo luận
về tầm quan trọng mang tính Giáo hội của các giáo hội đại thượng phụ xa xưa (ancient patriarchal churches), Công đồng
đã khẳng định rằng “theo cùng thể thức, các Hội đồng Giám mục ngày nay ở vị thế
cộng tác bằng nhiều cách và hiệu quả để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn” (LG
23). Sắc lệnh về các Giám mục cũng phác họa giá trị của các Hội đồng Giám mục
(CD 37-38).
Vào những năm 1980, Hội đồng
Giám mục Hoa Kỳ đã ban hành một số lá thư mục vụ quan trọng trước tiên liên
quan đến chiến tranh và hòa bình và sau đó là kinh tế. Những tài liệu này được
xem là có tính ngôn sứ đối với một số người, và gây phiền toái cho những người
khác. Trong cùng thời gian này, nhà chức trách Vatican đã nêu lên những vấn đề
liên quan đến bản chất và những giới hạn về quyền bính giảng dạy của các Hội đồng
Giám mục. Một số người bảo vệ quyền bính giảng dạy của các hội đồng đã lưu ý rằng
các hội đồng ngang bằng về cấu trúc so với các Thượng hội đồng miền thời xưa.
Các Thượng hội đồng thực thi rõ ràng quyền bính giảng dạy giáo lý thực sự trong
khi bị giới hạn. Số khác đã phàn nàn rằng giáo huấn của Vatican về tập đoàn
tính đã khẳng định quyền bính được chia sẻ chung của toàn thể Hội đồng Giám mục chứ không phải là các nhóm cá nhân riêng
của các Giám mục.[2] Vấn đề chủ yếu được quan tâm
là có thể có những thi hành trung gian về quyền bính Giám mục nằm giữa quyền
bính của Giám mục cá nhân và quyền bính của toàn thể Hội đồng không.
Cuối cùng, sau nhiều thập
niên tranh luận đã dẫn đến motu proprio
của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (sắc lệnh do Giáo hoàng tự chủ động), Apostolos Suos, được ban hành năm 1998.
Trong văn kiện đó, Đức giáo hoàng đã cung cấp một khảo sát mang tính lịch sử về
sự phát triển của các Hội đồng Giám mục. Ngài đã khen ngợi những đóng góp của
các hội đồng đối với đời sống của Giáo hội và khẳng định quyền bính giảng dạy
có giới hạn của các Hội đồng Giám mục. Đức giáo hoàng đã quy định rằng các Hội
đồng Giám mục có thể ban hành những tuyên bố giáo lý ràng buộc khi: (1) Hội đồng ban hành văn kiện từ một
phiên làm việc hoàn toàn (chứ không phải theo cách của một ủy ban), (2) văn kiện phải được phê chuẩn một
cách nhất trí đồng lòng, (3) văn kiện
phải được phê chuẩn bởi hai phần ba đa số và nhận được một recognitio (phê chuẩn chính thức) từ Rôma. Tuân theo những điều kiện
này thì giáo huấn của các Hội đồng Giám mục trở thành một thực thi hợp pháp của
huấn quyền thông thường. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đã thấy trong những điều
kiện này những hạn chế không được bảo đảm. Từ khi ban hành Apostolos Suos, đa số các Hội đồng Giám mục tránh ban hành những
tuyên bố giáo lý nói chung.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã
mở ra một chương mới trong việc hiểu của Giáo hội về vai trò giáo huấn của Thượng
hội đồng Giám mục và các Hội đồng Giám mục. Không lâu sau cuộc bầu chọn của
ngài, Đức Phanxicô đã thông báo chủ hướng của mình để triệu tập cả hai hội nghị
ngoại thường và hội nghị thông thường của Thượng hội đồng Giám mục về đề tài
hôn nhân và gia đình. Ngay sau đó, ngài đã tiến đến làm hồi sinh tiến trình Thượng
hội đồng. Ngài yêu cầu văn phòng tổng thư ký Tòa Thánh chịu trách nhiệm lên kế
hoạch cho Thượng hội đồng để lấy ý kiến trong dân Chúa về đề tài hôn nhân và
gia đình để nghiên cứu. Ngài mạnh mẽ cầu mong rằng những thành viên Thượng hội
đồng hãy tự do phát biểu về những thảo luận mang tính Thượng hội đồng và đừng sợ
bất đồng với nhau hoặc nêu lên những vấn đề khó khăn. Rõ ràng là Đức Phanxicô
nhận thấy các tiến trình Thượng hội đồng cởi mở khi tiếp tục duy trì tầm nhìn của
ngài cho một giáo hội mang tính Thượng hội đồng thực sự.
Đức Phanxicô cũng tin rằng
việc đánh giá vai trò của các Hội đồng Giám mục là cốt yếu nếu Giáo hội muốn
thành công trong việc “phi trung tâm hóa” (decentralization) cần thiết về quyền
bính Giáo hội. Ngài dựa vào việc vai trò quá lớn mà triều giáo hoàng hiện đại
đã gánh vác việc thi hành giáo huấn Giáo hội. Trong Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng viết:
Tôi không tin rằng huấn
quyền giáo hoàng nên được mong đợi để đưa ra một lời dứt khoát hoặc hoàn toàn về
mọi vấn đề tác động đến Giáo hội và thế giới. Giáo hoàng cũng không nên thay thế
các Giám mục địa phương trong sự phân định mọi vấn đề nổi lên trong địa hạt của
họ. Theo nghĩa này, tôi nhận thấy sự cần thiết để khuyến khích sự phi tập trung
hóa (EG 16).
Việc cam kết cho sự phi tập
trung hóa của quyền bính Giáo hội đã dẫn Đức giáo hoàng nhấn mạnh chưa từng có
tiền lệ đến vai trò giáo huấn của Hội đồng Giám mục miền. Trong Evangelii Gaudium, ngài viết:
Công đồng Vatican II tuyên
bố rằng, giống như các Giáo hội đại thượng phụ xa xưa, các Hội đồng Giám mục
ngày nay ở trong vị thế “cộng tác bằng các phương thế hiệu quả cho việc hiện thực
hóa tinh thần tập đoàn.” Nhưng mong muốn này đã chưa hoàn toàn được thể hiện do
tư cách pháp lý của các Hội đồng Giám mục vẫn chưa được triển khai đầy đủ như
là những chủ thể có những thuộc tính chuyên biệt, bao gồm cả quyền bính giảng dạy
chân thực. Hình thức quản trị quá tập trung hóa làm phức tạp cho đời sống và hoạt
động truyền giáo của Giáo hội thay vì giúp ích cho nó. (EG 32)
Kèm theo tham khảo của Đức
Phanxicô đối với chi tiết chưa thỏa đáng về hiểu biết quyền bính mang tính giáo
lý của các Hội đồng Giám mục là một chú thích trong Apostolos Suos của Đức Gioan Phaolô II. Điều này cho thấy rằng Đức
Phanxicô không tin Apostolos Suos diễn
tả lời cuối cùng về quyền bính giảng dạy giáo lý của các hội đồng giám mục.
Đức Phanxicô giữ vững sự tôn
trọng cao về mục vụ giáo huấn của các Hội đồng Giám mục miền sau này được phản
ánh trong việc đề cập thường xuyên của ngài về các hội đồng trong những văn kiện
giáo hoàng. Trong Amoris Laetitia,
Tông huấn Niềm vui Tình yêu, ngài trích dẫn mười lần từ các tài liệu của các Hội
đồng Giám mục miền, và trong Laudato Sí,
chăm sóc ngôi nhà chung, ngài trích dẫn đến hai mươi lần. Rõ ràng, vị giáo
hoàng Dòng Tên đầu tiên của chúng ta tin có chỗ cho các Thượng hội đồng Giám mục
và các Hội đồng Giám mục đóng vai trò lớn hơn trong sứ vụ giáo huấn của Giáo hội.
3. Huấn
quyền Giáo hoàng Thông thường
Giống như các Giám mục cá nhân và các nhóm của các Giám mục như là các Hội đồng Giám mục có thể chia sẻ chung huấn quyền thông thường của Giáo hội, thì Giáo hoàng cũng thi hành một quyền bính giáo huấn thông thường là huấn quyền mang tính giáo hoàng thông thường. Giáo huấn này có nhiều hình thức, là một diễn tả cụ thể về mục vụ đặc trưng của ngài trong vai trò Giáo hoàng để bảo vệ sự toàn vẹn của đức tin tông truyền và cung cấp hướng dẫn mục vụ cho đoàn chiên ngài. Các Giáo hoàng ngày nay có thể thực thi sứ vụ giáo huấn thông thường của họ thông qua việc ban hành nhiều loại văn kiện mang tính Giáo hội. Bảng dưới đây đề cập một số loại văn kiện:
Thông điệp (encyclical letter): những văn kiện do Đức giáo hoàng ban ra
xét như một phần của huấn quyền thông thường của ngài và viết cho (a) toàn thể Hội đồng Giám mục, (b) toàn thể Giáo hội, hoặc (c) toàn thế giới. Những thông điệp thường bày
tỏ những vấn đề thần học/giáo lý nhưng không thường được dùng để xác lập tín
điều Tông thư (apostolic letter): những thư Giáo hoàng thường gửi cho một
nhóm người cụ thể, ví dụ như gửi cho một nhóm các Giám mục Tông huấn (apostolic exhortation): Đức giáo hoàng ban hành các văn kiện để trả
lời cho những nghị quyết của một Thượng hội đồng Giám mục Những phát biểu của Giáo hoàng mang tính sự kiện: các bài diễn văn
được truyền đạt cho những nhóm khác nhau mà Đức giáo hoàng tiếp đón họ ở
Vatican, cũng như là những bài diễn văn mà ngài phát biểu trong những chuyến
du hành của ngài. |
Mặc dù những hình thức
trên là phương tiện chính để Giáo hoàng thi hành chức vụ giáo huấn thông thường
của ngài, các Giáo hoàng có ban hành nhiều loại văn kiện khác mà không mang
tính giáo lý một cách bình thường về bản chất (chẳng hạn như một Tông hiến
[apostolic constitution]). Việc công bố bất kỳ cái nào trong những văn kiện này
có thể lập thành một sự thực thi của huấn quyền mang tính giáo hoàng thông thường,
nhưng ở nhiều cấp độ khác nhau của quyền bính. Ví dụ, ai đó có thể mong đợi rằng
liên quan đến những cố gắng mang tính giáo hoàng để trình bày những vấn đề giáo
lý, thì giáo huấn mang tính giáo hoàng xuất hiện dưới hình thức một thông điệp
(encyclical) sẽ có nhiều sức thuyết phục hơn là được ban hành trong một bài diễn
văn (address) hằng tuần của Giáo hoàng. Những tuyên bố mang tính giáo lý được
ban hành theo cách huấn quyền giáo hoàng thông thường trình bày giáo huấn Giáo
hội chính thức và kêu gọi sự tán thành nội tâm (internal assent) của tất cả người Công giáo. Thêm vào đó, cần chú ý
rằng huấn quyền giáo hoàng thông thường không liên quan đến đặc sủng bất khả ngộ,
và do vậy những giáo huấn này không được bảo vệ khỏi khả năng có lỗi tiềm tàng.
Sự phát triển của triều
giáo hoàng thời hiện đại đã tạo ra những thách đố cho việc đánh giá sự thi hành
huấn quyền giáo hoàng thông thường. Bốn thế kỷ trước, thánh Robert Bellarmine
đã lập luận rằng khi đối diện với quyền bính giáo hoàng, người ta phải phân biệt
giữa giáo huấn của giáo hoàng xét như
người bảo vệ đức tin tông truyền cũng như vị mục tử phổ quát của Giáo hội và giáo huấn của ngài xét như một “bác
sĩ tư” hoặc là một thần học gia. Đức giáo hoàng Benedict XVI đã gần như nói thẳng
ví dụ đương thời về sự phân biệt này. Ngài đã từng là một thần học gia có uy
tín cao trước khi được bầu làm Giáo hoàng. Đức Benedict XVI đã ngăn ngừa được sự
phân biệt này trong phần lời tựa của tập một trong tác phẩm gồm ba tập, Đức Giêsu Thành Nazareth, được xuất bản
khi ngài làm Giáo hoàng:
Sách này không phải là
cách thực thi của huấn quyền, nhưng nó chỉ là diễn đạt tìm kiếm của cá nhân tôi
“về khuôn mặt Thiên Chúa” (x. Tv 27,8). Mọi người cứ tự do mâu thuẫn với tôi.
Tôi chỉ xin những độc giả của tôi có thiện chí đó ngay từ đầu, vì nếu không có
thiện chí ấy thì không thể nào hiểu được.[3]
Có lẽ như sự phân biệt này
quan trọng. Các giáo hoàng chắc chắn thấy tự do để bước vào cuộc bàn luận mang
tính nghiên cứu mở rộng, nhưng những đóng góp của họ không cần phải được xem
như quy chuẩn cho đức tin Kitô giáo theo cùng cách của những tuyên bố giáo lý.
Tuy nhiên, ngay cả khi một
giáo hoàng ban hành những văn kiện Giáo hội chính thức xét như sự trình bày huấn
quyền thông thường của ngài, thì mối quan hệ giữa bất cứ tuyên bố giáo lý ràng
buộc nào trong văn kiện, đồng thời cũng đi kèm với việc trình bày thần học, đã
trở nên phức tạp đáng kể trong suốt 50 năm qua. Các giáo hoàng ngày nay thường
xuyên đưa ra các luận thuyết thần học mở rộng trong các văn kiện mang tính Giáo
hội của họ. Sự phát triển này chắc chắn làm phức tạp thêm nhiệm vụ phân biệt nội
dung trong những văn kiện có quyền bính mang tính giáo lý ràng buộc so với nội dung thể hiện những suy tư thần
học đưa ra nhằm soi sáng cho những tín hữu. Hiện nay, việc này phần lớn để cho
cộng đồng thần học phân định trong một văn kiện mang tính Giáo hội: đâu là một
tuyên bố giáo lý quy chuẩn, và đâu là phần “giao tiếp” đang cung cấp sự mô tả
mang tính thần học.
Một ví dụ điển hình có
tính phổ biến của “thần học về thân xác” thường được liên hệ với Đức giáo hoàng
Gioan Phaolô II. Mặc dù nhiều phần của kiểu thần học đặc trưng này được tìm thấy
trong những văn kiện mang tính huấn quyền, nhưng nguồn gốc của nó lại ở trong
những tác phẩm mang tính thần học và triết học được viết trước khi Đức Gioan
Phaolô trở thành Giáo hoàng. Vậy, người Công giáo tiếp nhận một giáo huấn như vậy
như thế nào? Nó không thực sự cho thấy có nhiều nội dung giáo lý ở đây. Đúng hơn là, Đức giáo hoàng đang đề xuất một phác thảo
thần học mới nhằm đánh giá giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là trong lĩnh vực đạo
đức tính dục và thần học về hôn nhân. Một mặt, trong khi giáo lý của Giáo hội về
những chủ đề này vẫn hợp pháp một cách chính thức đối với những tín hữu, thì những
người Công giáo không bị ràng buộc phải theo phác thảo thần học đặc biệt mà Đức
Gioan Phaolô II đã trình bày. Mặt khác, hiện nay cho thấy, sự phát triển liên tục
của triều giáo hoàng, nên thần học mang tính giáo hoàng hòa nhập ảnh hưởng đến
bàn luận mang tính thần học trong Giáo hội về những chủ đề nhất định.
Những trình bày mở rộng về
“thần học mang tính giáo hoàng” (papal theology) có thể phát sinh vấn đề khi
chúng thủ đắc một đặc tính quy chuẩn được dành riêng cho những tuyên bố giáo
lý, nhưng chúng không phải không có giá trị trong đời sống của Giáo hội. Đức
giáo hoàng Benedict là chuyên gia của hình thức thần học giáo hoàng khi ngài viết
ba thông điệp (encyclical) phức tạp có tính cách thần học, cho thấy ít nội dung
giáo lý mới, nhưng lại cung cấp cho các tín hữu những trình bày kích thích lý
trí và lôi cuốn thiêng liêng về những cam kết mang tính tín điều căn bản. Một
ví dụ về thần học giáo hoàng là sự trình bày uyên bác nhưng dễ tiếp cận của
ngài liên quan đến khoa cánh chung học Kitô giáo trong Spe Salvi; thông điệp này đã giúp cho việc giáo dục đức tin và soi
sáng thiêng liêng cho những tín hữu.
Nghiêm túc mà nói, ngay cả
khi các văn kiện giáo hoàng không cung cấp thêm nội dung giáo lý mới, thì những
suy tư thần học và mục vụ của họ có thể vẫn đóng vai trò phát triển dần dần
giáo lý Giáo hội. Thử xét đến Amoris
Laetitia của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trong Tông huấn này, Đức giáo hoàng
đã đóng góp những suy tư thần học mục vụ sâu sắc và rõ ràng về giáo huấn của
Giáo hội liên quan đến hôn nhân và gia đình. Rõ ràng, văn kiện không có tuyên bố
giáo lý mới, mặc dù nó có một chương tóm tắt một cách trung thành giáo huấn
Giáo hội hiện hành. Tuy nhiên, khi được phổ biến, Đức giáo hoàng đã mở cửa cho
việc thích nghi mang tính mục vụ liên quan đến việc trao ban bí tích Thánh Thể
(rước lễ) cho những cặp vợ chồng nhất định mà ở trong tình trạng ổn định, cho
những cuộc hôn nhân thứ hai mà cuộc hôn nhân đầu tiên chưa được tiêu hôn. Đức
Phanxicô không có điểm nào từ chối giáo huấn của Giáo hội về tính bất khả phân
ly của hôn nhân hoặc sự bất xứng khi rước lễ trong tình trạng “mất ân sủng.” Nhưng,
thích nghi mục vụ này bắt nguồn trực tiếp từ cam kết của Đức giáo hoàng đối với
“Tin Mừng của lòng thương xót” mà có thể góp phần vào sự phát triển giáo lý
liên quan đến hôn nhân Kitô giáo.
Sự phân biệt giữa giáo
hoàng xét như thần học gia cá nhân và giáo hoàng xét như người bảo vệ đức tin
tông truyền còn bị làm mờ đi theo cách khác trong nền văn hóa bị ngập trong
truyền thông. Ví dụ, Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng đầu tiên tận dụng
tính phổ biến đại chúng của việc phỏng vấn mang tính truyền thông rộng rãi. Vào
giữa những năm 1990, chúng ta đã thấy việc công bố chuỗi những phỏng vấn về
Giáo hoàng của nhà báo người Ý, Vittorio Messori, Crossing the Threshold of Hope. Trong phần giới thiệu, phóng viên
phỏng vấn đã ra hiệu một trong những khó khăn đối với thể loại mang tính giáo
hoàng mới này:
Trách nhiệm của tôi cần bảo
đảm với độc giả rằng tiếng nói đang vang lên - bằng con người nhưng cũng bằng
quyền bính - hoàn toàn là tiếng nói của người kế vị thánh Phêrô. Giờ đây là
công việc của những nhà thần học và những nhà phân tích giáo huấn mang tính
giáo hoàng đối diện với vấn đề phân loại một bản văn không có tiền lệ và do đó
đặt ra những khả năng mới cho Giáo hội.[4]
Messori đúng; điều này đã
thực sự cho thấy một tình huống mới. Sự phân biệt của Bellarmine dường như
không áp dụng được trong trường hợp giáo hoàng đang được phỏng vấn, không phải
như một nhà thần học cá nhân, mà đích thực là giáo hoàng. Điều chúng ta đang đối diện thực sự là một thể loại mới
của giáo huấn mang tính giáo hoàng.
Thể loại mang tính giáo
hoàng mới này (phỏng vấn giáo hoàng)
đã phát triển ngoạn mục trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Trong những
trường hợp của cả hai Gioan Phaolô II và Benedict XVI, những cuộc phỏng vấn
mang tính giáo hoàng của họ hầu hết đã dựa trên những câu hỏi đã được chuẩn bị
và biết trước; tương tự, những câu trả lời cũng đã được soạn trước. Tuy nhiên,
Đức giáo hoàng Phanxicô thì nổi tiếng với việc thực hiện cả hai: vừa những cuộc
phỏng vấn chính thức, lại vừa rộng rãi chưa được viết xuống trước (những cuộc
phỏng vấn không chính thức), thường ở trong tình huống du hành, tông du. Ngày
nay, chắc chắn rằng những câu trả lời này của ngài không nên được cho là có
cùng quyền bính giáo lý như một tuyên bố mang tính huấn quyền chính thức. Thêm
vào đó, tôi [Gaillardetz] thấy không được thuyết phục khi cho rằng những câu trả
lời của ngài có thể bị phớt lờ quá dễ dàng như là những bình luận của một nhà
thần học tư vì, xin nhắc lại, Đức giáo hoàng đang được phỏng vấn với tư cách giáo hoàng, như là chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ.
Nhìn trong ánh sáng đó,
người ta lập luận rằng với những cuộc phỏng vấn này, chúng ta đang chứng kiến
cách đơn giản là một sự thi hành quyền bính mang
tính mục vụ của Giáo hoàng hơn là quyền bính giảng dạy mang tính giáo lý. Nhưng sự phân biệt này, tự nó hợp pháp, có thể
không hoàn toàn đánh giá đúng những gì đang xảy ra ở đây. Có lẽ thiên hướng của
Giáo hoàng cho những cuộc phỏng vấn không chính thức và không được lên kịch bản
phản ánh trong thế giới thu nhỏ một thái độ rộng hơn liên quan đến từng sự thi
hành của giáo huấn Giáo hội. Vì một vị giáo hoàng cam kết dành ưu tiên cho “thời
gian hơn không gian” và “thực tế hơn là các ý tưởng,” thì giáo lý không bị áp đặt
nhưng tốt hơn là được “tiêu hóa” nhờ đối thoại kiên nhẫn, đặt vấn đề chân
thành, và phân định xác tín. Có lẽ chúng ta nhận thấy ở đây điều mà Đức Thánh
Giáo hoàng Gioan XXIII suy nghĩ khi ngài phát biểu khai mạc Công đồng Vatican
II, ngài đã kêu gọi một huấn quyền mang tính “mục vụ về bản chất” một cách đích
thực. Đức Gioan XIII đã không đơn thuần mong ước đặt kề nhau cả hai giáo huấn mục
vụ và giáo huấn giáo lý; ngài muốn chúng được đặt trong mối quan hệ có nhiều hiệu
quả hơn.
Với Đức giáo hoàng
Phanxicô, đã qua rồi những ngày Roma
locuta, causa finita—“Rôma đã nói, vấn đề bị đóng lại.” Ngài nhận thức rằng
có thể vẫn cần thiết vào dịp nào đó để thực hiện những tuyên bố giáo lý ràng buộc.
Nhưng Đức Phanxicô cho thấy ngài nhất trí với Đức Gioan XXIII khi cho rằng Giáo
hội có thể tốt hơn là đáp ứng những nhu cầu ngày nay “bằng việc chứng minh hiệu
lực/giá trị của giáo huấn Giáo hội thay vì những sự kết án.” Trong Giáo hội lắng
nghe mang tính thượng hội đồng của Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta chứng kiến sự
nổi lên dần dần của một sự thực thi mới về giáo huấn mang tính giáo hoàng, một
sự thi hành mang tính kiên nhẫn, thuyết phục, và đối thoại hơn. Đó là sự thi
hành giáo huấn mang tính giáo hoàng cách đặc biệt chú ý đến những sự phức tạp
và thách đố của việc sống Tin Mừng trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống hằng
ngày. Đó là giáo huấn đặt trực tiếp vào sự phục vụ của cương vị môn đệ
(discipleship).
II. HUẤN QUYỀN NGOẠI THƯỜNG
Nói thẳng ra, một trong những
giáo huấn gây tranh cãi và bị hiểu nhầm nhất trong Đạo Công giáo Rôma là giáo
lý về tính bất khả ngộ
(infallibility). Để nắm bắt được giáo huấn này, chúng ta cần trở về thời lời hứa
lúc giã từ của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ rằng “Thầy ở cùng anh em mọi ngày
cho đến tận thế” (Mt 28,20). Các Kitô hữu đã dựa theo lời hứa đó suốt hơn hai
thiên niên kỷ, tin rằng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ mặc Giáo hội. Chúng ta cử
hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như là lễ kỷ niệm của Chúa Giêsu ban Thần
Khí của Ngài cho Giáo hội để hướng dẫn cộng đoàn đức tin suốt nhiều thế kỷ.
Chúng ta tin rằng chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động để gìn giữ Giáo hội trung
thành với Tin Mừng. Niềm xác tín Công giáo nền tảng này, tức là nhờ sức mạnh của
Thần Khí, Đức Kitô sẽ không bỏ rơi Giáo hội của Ngài, thường được dùng để chỉ
tính không thể suy tàn
(indefectibility) của Giáo hội.
Lâu trước khi các Kitô hữu
bắt đầu sử dụng những thuật ngữ chuyên môn như “bất khả ngộ” thì đã có niềm xác
tín xa xưa rằng Chúa Thánh Thần thực sự bảo vệ Giáo hội khỏi sai lỗi. Những tác
giả thời Giáo hội sơ khai như thánh Irenaeus thành Lyons, thánh Augustine,
thánh Vincent thành Lérins, và nhiều người khác chủ trương rằng khi các giáo hội
cùng đồng ý với nhau về một vấn đề đức tin, thì các tín hữu xem giáo huấn đó
hoàn toàn đáng tin cậy. Lối hiểu xa xưa này phản ánh sự hiểu biết rộng nhất và
bao gồm nhất về tính bất khả ngộ, tức là tin rằng ơn bất khả ngộ được ban cho
toàn thể Giáo hội để giữ gìn Giáo hội trung thành với Tin Mừng. Công đồng
Vatican II trình bày cách khá rõ ràng niềm tin này khi viết: “Toàn thể tín hữu,
được Chúa Thánh Thần xức dầu, không thể sai lầm trong đức tin” (LG 12).
Giáo hội tiên khởi cũng đã
nhận thức rằng trong khi Chúa Thánh Thần làm linh hoạt toàn thể Giáo hội, thì
các giám mục được ban cho một ơn đặc biệt, “đặc sủng chân lý,” có thể làm cho họ
công bố cách trung thành đức tin tông truyền. Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất,
nhìn chung người ta chủ trương rằng khi tất cả các giám mục họp nhau lại trong
một công đồng đại kết để dạy về đức tin và luân lý, và các giáo huấn của họ được
tất cả các giáo hội đón nhận, thì giáo huấn đó được bảo vệ khỏi sai lầm và là
quy chuẩn cho niềm tin. Theo cách đặc biệt, ơn bất khả ngộ được ban cho toàn thể
Giáo hội được thi hành bởi hội đồng các giám mục, khi họ họp nhau trong một
công đồng đại kết và nhắm vào tuyên bố một cách dứt khoát một vấn đề do Thiên
Chúa mạc khải.
Ngay từ thế kỷ thứ hai
cũng đã có sự xác tín rộng rãi rằng Giáo hội Rôma giữ vị thế đặc biệt ưu tiên
giữa sự hiệp thông của các giáo hội. Nhiều thế kỷ trôi qua, uy thế được ban cho
Giáo hội Rôma lại ngày càng mở rộng cho vị Giám mục Rôma (tức là Giáo hoàng).
Suốt thời gian đó, lịch sử chỉ ra rằng, đối với một số vấn đề gây tranh cãi (ví
dụ như khi nào thì đại lễ Phục Sinh được cử hành, hoặc có nên rửa tội lại cho
người bỏ đạo khi họ quay trở lại với Giáo hội không), thì Rôma kiên định đứng về
phía thành công lúc bấy giờ. Nhiều người nhìn Rôma như là nhân chứng đáng tin cậy
cho Tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, có sự thừa nhận
tăng lên cho rằng Rôma đã không bị lỗi
(Roma had not erred) dẫn đến niềm tin
mạnh mẽ rằng Rôma không thể lỗi (Rome could not err). Niềm tin cho rằng đức
giáo hoàng có thể dạy bằng đặc sủng bất khả ngộ sẽ sớm được chấp nhận rộng rãi
trong Giáo hội ngay cả khi có sự bất đồng liên quan đến phạm vi và những điều
kiện thực thi ơn bất khả ngộ mang tính giáo hoàng. Cuối cùng, ở Công đồng
Vatican I, các giám mục chính thức tuyên tín điều được gọi là tín điều về ơn bất
khả ngộ mang tính giáo hoàng (papal infallibility). Công đồng Vatican II đã khẳng
định lại giáo huấn này về ơn bất khả ngộ mang tính giáo hoàng.
Theo Lumen Gentium, có ba cách mà huấn quyền (magisterium) có thể thực
hành ơn bất khả ngộ, như đã được trình bày trong sơ đồ ở phần trên. Hai cách đầu
là những thực hành của huấn quyền ngoại
thường, bởi vì nó chỉ được thi hành một cách hiếm hoi trong những trường hợp
“ngoại thường.”
Trước hết, tất cả các giám
mục cùng với nhau (luôn kể cả Giám mục Rôma [Đức giáo hoàng]) có thể tuyên tín
long trọng một tín điều khi họ quy tụ tại một công đồng đại kết. Trước đây,
nhìn chung điều này đã xảy ra khi các giám mục đang phản ứng đáp lại một cuộc tấn
công nghiêm trọng vào đức tin của Giáo hội. Ví dụ, công đồng Nicaea đã định tín
long trọng rằng Ngôi Lời, Ngôi Thứ Hai của Ba Ngôi, là “đồng bản thể” (homoousios) với Thiên Chúa Cha. Nhiều
trong số những niềm xác tín Kitô giáo căn bản về Đức Kitô và Chúa Ba Ngôi được
định tín cách long trọng bởi những công đồng đại kết vào thiên niên kỷ thứ nhất.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi
giáo huấn của một công đồng đại kết là một sự thi hành của ơn bất khả ngộ.
Ví dụ, công đồng Vatican II đã không đề cập đặc sủng bất khả ngộ vào trong giáo
huấn của riêng nó.
Ở Vatican I, công đồng rõ
ràng đã thông báo chủ hướng ban hành một định tín long trọng với tín thức như
sau, “chúng tôi dạy và định tín như là một tín lý được mạc khải cách thần
linh.” [5] Tuy nhiên, khi xét đến các
công đồng trước thời hiện đại, vào lúc mà sự phân biệt này chưa được thiết lập
rõ ràng, thật khó để biết được khi nào thì một công đồng đã có chủ ý định tín
cách long trọng một giáo huấn (giáo lý). Các học giả phải cẩn thận nghiên cứu
ngữ vựng của các sắc lệnh công đồng và cân nhắc đến acta công đồng (những bản lưu chính thức của các tranh luận trong
công đồng) để xác định những căng thẳng của một công đồng.
Thứ hai, Giám mục Rôma
(Giáo hoàng), trong sự hiệp thông với các giám mục huynh đệ của ngài, cũng có
thể định tín cách long trọng một tín điều của Giáo hội. Điều này rõ ràng do
Vatican I đã chủ trương. Nhưng, [...] công đồng đã xác định rõ một số những giới
hạn và những điều kiện quan trọng để thực hành ơn bất khả ngộ mang tính giáo
hoàng. Công đồng đã chủ trương rằng Đức
giáo hoàng có thể dạy một cách bất khả ngộ chỉ ex cathedra, nghĩa là “từ ngai tòa thánh Phêrô,” xét như vị chủ
chăn phổ quát của toàn thể Giáo hội. Công đồng cũng nhất quyết rằng các giáo
hoàng không thể định tín giáo lý mới, nhưng chỉ khi nào điều đó đã được mạc khải
cách thần linh và phải thuộc về đức tin tông truyền. Do đó, theo giáo huấn
Công giáo, giáo hoàng không thể thực hành ơn bất khả ngộ trong giảng dạy ở bất
kỳ vấn đề nào ngài muốn—ví dụ, ngài không thể long trọng xác định rằng Đại học
Boston [.] là trường đại học Công giáo tốt nhất trên thế giới, dù thực sự thì
nó có thể đúng! Giáo hoàng không thể giảng dạy cách bất khả ngộ trên những vấn
đề chính trị hoặc khoa học, nhưng chỉ trên những vấn đề đó khi có những liên
quan trực tiếp đến đức tin và luân lý.
Sau cùng, công đồng đã chủ
trương rằng những định tín long trọng của các giáo hoàng thì “không thể cải tạo”
(irreformable) chính nó và không đòi hỏi sự nhất trí của Giáo hội. Ở đây, công
đồng đã từ chối sự cần thiết cho bất kỳ sự phê chuẩn mang tính pháp lý nào bởi các giám mục về một sự định tín mang tính
giáo hoàng. Điều quan trọng chắc chắn là, trước khi Đức giáo hoàng Pius IX long
trọng xác định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854), và trước khi Đức
giáo hoàng Pius XII long trọng định tín Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (1950), thì
các vị giáo hoàng này đã bày tỏ bằng cách viết cho tất cả các giám mục và thăm
dò niềm tin của Giáo hội về những vấn đề này.
Những thực hành thực sự về
ơn bất khả ngộ mang tính giáo hoàng đã thực sự tương đối hiếm trong lịch sử của
Giáo hội. Mặc dù các danh sách về các định tín mang tính giáo hoàng khác chút
ít (trước thời hiện đại, các giáo hoàng, giống như các công đồng, đã không
thông báo rõ ràng khi nào họ đang dạy một cách bất khả ngộ, do đó, xác định những
tình huống thi hành về ơn bất khả ngộ mang tính giáo hoàng đòi hỏi việc nghiên
cứu lịch sử cẩn thận), nhà nghiên cứu và nhà thần học Francis Sullivan đã liệt
kê năm trường hợp mà các giáo hoàng đã long trọng định tín một tín điều độc lập
với một công đồng đại kết:[6] (1) Giáo huấn của Đức Benedict XII về hưởng kiến vinh phúc
(beatific vision) trong Benedictus Desus
[1336]; (2) Sự lên án của Đức
Innocent X đối với năm luận đề của những người theo chủ nghĩa Jansenius trong Cum Occasione [1653]; (3) Sự lên án của Đức Pius VI đối với bảy
luận đề của phái Jansenius được trình bày ở Thượng hội đồng Giám mục tại
Pistoia trong Auctorem Fidei [1794]; (4) Định tín của Đức Pius IX liên quan đến
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Ineffabilis
Deus [1854]; (5) Định tín của Đức
Pius XII liên quan đến Đức Maria Hồn Xác Lên Trời trong Munificentissimus Deus [1950].
III. HUẤN QUYỀN PHỔ QUÁT THÔNG THƯỜNG
Như chúng ta đã biết, hai
cách thường được dùng nhất của việc thực thi ơn bất khả ngộ trong giáo huấn
Giáo hội là những trường hợp của huấn quyền ngoại thường và có liên quan đến những
định tín long trọng của các công đồng đại kết và của các giáo hoàng. Tuy nhiên,
trong Lumen Gentium 25, Vatican II đã
nhận thức thấy một sự liên quan thứ ba về đặc sủng bất khả ngộ trong giáo huấn
Giáo hội. Ở nhiều phương diện, nó đa số là vào thời xưa.
Nhiều giáo huấn Giáo hội
đã được chấp nhận rộng rãi như là mạc khải thần linh mặc dù các giáo huấn đó
chưa bao giờ được định tín long trọng bởi một giáo hoàng hoặc công đồng nào đó.
Chúng ta nên nhớ rằng các giáo hoàng và các công đồng nhìn chung đã định tín
các tín điều chỉ khi nào những giáo lý đó đang bị thách thức một cách nghiêm trọng.
Thế thì còn nhiều giáo lý Giáo hội mà các Kitô hữu đã xem như là trung tâm đức
tin của họ, mà lại chưa bao giờ bị thách thức một cách nghiêm trọng, và do đó
chưa bao giờ được định tín chính thức bởi một giáo hoàng hoặc công đồng thì
sao? Chúng ta có thể hình dung niềm tin của Giáo hội vào các thánh thông công
hoặc tin vào sự phục sinh của thân xác. Những giáo lý này là trung tâm của đời
sống đức tin Công giáo mặc dù chúng chưa bao giờ được định tín cách long trọng.
Vatican II đã dạy rằng khi
những giáo huấn như vậy đã được dạy một cách nhất quán bởi tất cả các giám mục
trong các giáo phận của họ xét như là các giáo lý thì phải được tuân giữ dứt
khoát và không đơn giản xem như là một ý tưởng có khả năng hoặc gần như đúng, mặc
dù các giám mục không định tín cách chính thức những giáo lý này, họ đang thi
hành đặc sủng bất khả ngộ. Hình thức thứ ba này của việc thực thi đặc sủng bất
khả ngộ chính là huấn quyền phổ quát
thông thường.
Về lý thuyết, có thể có việc
thi hành “không phải không thể sai lầm” (non-infallible) của huấn quyền phổ
quát thông thường. Ví dụ điển hình nhất có thể là giáo huấn của một công đồng đại
kết khi nó không phải đang ban hành như một định tín long trọng. Nó chỉ là giáo
huấn “thông thường” vì không có định tín long trọng, và “phổ quát” vì nó có sự
tham gia của toàn thể hội đồng các giám mục. Những trường hợp khác của việc thi
hành “không phải không thể sai lầm” của huấn quyền phổ quát thông thường có thể
là tình huống mà các giám mục trong khi tản mác khắp thế giới, chủ trương giữ
cùng một phán quyết chung liên quan đến một giáo huấn đặc thù nhưng lại không được đồng ý rằng giáo huấn đó phải
được tuân giữ mang tính dứt khoát.
Thật không dễ cho những
người Công giáo bình thường ngày nay nhận ra những cách thức khác nhau mà giáo
hoàng và các giám mục thực thi chức vụ giáo huấn của họ. Thỉnh thoảng các thần
học gia có thể giúp nhận biết khi những hình thức khác nhau này của giáo huấn
mang tính huấn quyền đang được quan tâm. Vì nhiều lý do hiển nhiên, sự phân biệt
quan trọng nhất liên quan đến việc có hay không huấn quyền chủ ý để định tín một
giáo lý cách không thể sai lầm trong một hành động giáo huấn cụ thể. Giáo luật
cung cấp một nguyên tắc quan trọng liên quan đến vấn đề này. Giáo luật số 749.3
tuyên bố rằng “một giáo lý nào chỉ được hiểu là định tín bất khả ngộ khi được
biểu thị rõ rệt như thế.” Về bản chất, điều này có nghĩa là nếu có một câu hỏi liệu huấn quyền đã dạy
điều gì đó cách bất khả ngộ hay không thì
gánh nặng bằng chứng đặt trên huấn quyền nhằm chứng minh rằng điều đó đang diễn
ra theo những điều kiện được thừa nhận và được thiết lập trong truyền thống
Giáo hội. Trong trường hợp nghi ngờ liên quan đến khả năng của một hành động
giáo huấn bất khả ngộ, người đó nên cho rằng đặc sủng bất khả ngộ đã không được tham gia vào cho đến khi
nó được chứng minh cách rõ ràng, không thể khác được.
Phần vừa trình bày đã bàn
đến những cách đa dạng mà giáo hoàng và các giám mục có thể hoàn thành chức vụ
giảng dạy của họ. Đối với những người Công giáo, quyền bính giáo huấn này là một
ơn dành cho Giáo hội, đang hướng dẫn cộng đoàn các tín hữu trên đường cứu độ. Tất
nhiên, có những người xem sự tồn tại thực sự về một tác vụ giáo huấn chính thức
và có thẩm quyền như vậy là không phù hợp với những điều khoản của tính chất hiện
đại, nơi mà tất cả các hình thức của quyền bính phải chịu thách đố. Hơn nữa, có
những người sợ bầu khí choáng váng của sự thay đổi, đeo bám vào những sự chắc
chắn dễ dãi, và trao ban cho huấn quyền một quyền bính căng phồng, mà phớt lờ
những phân biệt quan trọng trong việc thực thi giáo huấn giáo hội có tính thẩm
quyền. Người Công giáo cần tránh cả hai khuynh hướng đó [để không ngừng cảnh tỉnh,
phân định, và sống đức tin trưởng thành hơn khi tiếp cận bất cứ thông tin gì].
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 &
4 năm 2021)
[1] Bài này được dịch từ chương 8 của Richard R. Gaillardetz, By What Authority?: Foundations for Understanding Authority in the Church, ấn bản lần thứ hai có chỉnh sửa và bổ sung (Collegeville, MN, USA: Liturgical Press, 2018). Toàn bộ quyển sách này sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt để phục vụ độc giả Việt Nam vào đầu năm 2021. Dịch giả: Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (Dòng Ngôi Lời) giữ cử nhân Thần học và Thạc sĩ Thần học Hệ thống (Đại học Catholic Theological Union, Chicago, Hoa Kỳ cấp 2018); giữ chứng chỉ dạy tiếng Anh (TEFL Master Certificate do tổ chức Bridge Education Group, Hoa Kỳ cấp 2018). Các sách đã xuất bản: Animating Missionary Discipleship: Mission Theology and Mission of the Vietnamese Catholic Church (2018, tiếng Anh); tổng hợp Các Lời Ca trong Thánh Lễ Tiếng Anh - Responsorial Psalms and Gospel Acclamations (2019); các sách dịch Thần Học Hệ Thống: Tiếp Cận theo Công Giáo Rôma (2020), Bởi Quyền Bính Nào? (sắp xuất bản).
[2] Tóm tắt đầy đủ của tranh luận này có thể đọc trong phần
giới thiệu của Joseph Komonchak về tác phẩm Episcopal
Conferences: Historical, Canonical, and Theological Studies, biên tập
Thomas Reese (Washington, DC: Georgetown University Press, 1989), 1-22.
[4] Thánh Giáo hoàng John Paul II với Vittorio
Messori, Crossing the Threshold of Hope
(New York: Knopf, 1994), viii.
[5] Nguyên văn: “we teach and define as a
divinely revealed dogma.” Xem Vatican I, Pastor
Aeternus, trong Decrees of the
Ecumenical Councils, biên tập Norman Tanner (Washington, DC: Georgetown University
Press, 1990), 2:816.
[6] Francis A. Sullivan, Creative Fidelity: Weighing and Interpreting Documents of the
Magisterium (New York: Paulist Press, 1996), 86.