GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 14: ĐỨC TIN KIẾN TẠO HÒA BÌNH VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Câu hỏi:
Vị trí của đức tin trong việc kiến tạo hòa bình, công bằng
xã hội?
Trả lời:
Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc và bình đẳng
trước Thiên Chúa và con người. Đó là mơ ước của nhân loại. Hầu hết hiến pháp
dân sự đều công nhận các quyền căn bản của con người[1].
Xã hội loài người cũng ước mong xây dựng trong tinh thần đó. Tiếc là thực tế có
quá nhiều điều ảnh hưởng tiêu cực đến quyền chính đáng trên. Bởi thế mới có
tranh giành, bất công, bạo lực và chiến tranh. Từ cổ chí kim, ở khắp mọi nơi,
những dạng thức của bất công đều tồn tại. Sẽ là ảo tưởng nếu cầu toàn một xã hội
hòa bình thực sự, vì lịch sử chứng minh điều đó.
Tôn giáo nói chung, Giáo hội Công Giáo nói
riêng, đòi hỏi tín hữu phải thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Anh em hãy đi
khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.”(Mc 16,15). Lời loan báo Tin Mừng
đó luôn đụng phải những chống đối từ nhiều phía. Khi Thiên Chúa mời gọi con người
kiến tạo hòa bình, sống yêu thương và công bằng với nhau, không ít người hoặc thể
chế chính trị bị đặt vào thế kẹt. Từ những xung khắc thường có, chính Giáo hội
cũng gặp nhiều thách đố để làm chứng cho Tin Mừng.
Tuy nhiên, Giáo hội không bỏ cuộc. Rao Giảng
Tin Mừng là căn tính của Giáo Hội. Kiến tạo một thế giới bình an, cùng với các
thể chế chính trị, là ước mong của Giáo Hội. Dù ở quốc gia nào, Giáo hội trước
tiên mời gọi con cái mình thượng tôn pháp luật, sống đúng với con đường của Tin
Mừng. Từ tâm thế đó, người Công Giáo biết cách hành xử để làm cho môi trường sống
được tốt đẹp hơn. Đó là hoa trái của Tin Mừng, là minh chứng cho sự hiện diện của
Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Cảm ơn bạn đã hỏi một vấn đề mà hầu hết chúng
ta quan tâm. Hòa bình, hạnh phúc và công bằng, là những điều nhân loại luôn
theo đuổi. Tuy nhiên, để đạt được nó, không phải một sớm một chiều. Có khi phải
đổ mồ hôi sôi nước mắt mới mong được chút hoa trái của những từ ngữ trên. Nếu
đi vào nội dung của hiến pháp, của pháp luật dân sự, chúng ta tìm thấy hàng tỷ
gợi ý để xây dựng xã hội xứng với nhân phẩm. Nếu đi vào từng Giáo Lý của các
tôn giáo, vô số điều chúng ta thấy liên quan đến câu hỏi này của bạn. Rất may,
bạn chỉ đặt vấn đề vai trò của đức tin trong công cuộc kiến tạo xã hội, theo hướng
tốt đẹp nhất.
Để trả lời cho câu này. Trước hết, chúng ta
dành đôi dòng để giải thích chút từ ngữ liên quan. Sau đó, từ góc độ đức tin
Công Giáo, chúng ta thấy sáng lên hơn vai trò của nó trong mỗi thuật ngữ chúng
ta đề cập. Đừng quên, chúng ta đã có nhiều chỉ dẫn rất tuyệt vời từ Giáo hội về
vấn đề này: Giáo Huấn Xã Hội của Giáo hội Công Giáo (Docat), hay, Toát Yếu Giáo
Huấn xã hội của Hội Thánh, v.v.
1. Hòa
bình
Chúng ta đều hiểu hòa bình là không có chiến
tranh. Chiến tranh và hòa bình không đội trời chung. Tiếc là làn ranh giữa hai
điều này rất mong manh. Nhất là những vùng đất nhạy cảm, chúng ta thấy chiến
tranh và hòa bình thường luôn được bàn tới. Kết quả là xã hội nơi ấy điêu tàn,
người dân di tản và thế giới bất an.
Dĩ nhiên định nghĩa trên là chưa đủ. Là người
Công Giáo, chúng ta hiểu rộng hơn hòa bình có nghĩa là sự yên bình có trật tự,
sâu xa hơn là hạnh phúc trong trật tự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là đường hướng
để Giáo hội theo đuổi hòa bình. Bởi thế, nhiều lần vị Giáo Hoàng đi đầu trong
phong trào kiến tạo hòa bình giải thích:
“Hòa
bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không phải do bởi tình trạng bấp
bênh không quân bình giữa các sức mạnh; mà hòa bình được xây dựng từng ngày bằng
cách thiết lập một trật tự công bằng hơn giữa loài người như Chúa muốn.” ĐGH Phaolô VI.
Do đó, người Công Giáo dĩ nhiên không thể đứng
ngoài cuộc trong tiến trình dựng xây xã hội. Chúng ta mong xã hội được an bình.
Chú ý là bình an ấy phải đến từ Thiên Chúa và phải là thứ bình an ấy mà thôi.
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban
cho anh em không theo kiểu thế gian.”(Ga 14,27). Chỉ khi nào chúng ta thấm đẫm
được tinh thần này, khi đó mới nói đến chuyện kiến tạo hòa bình theo tinh thần
Kitô giáo. Nếu không, người ta dễ dàng rơi vào con đường xây dựng “hòa bình” của
kẻ độc tài Hitler[2].
2. Công
bằng
Đây là hai từ đau đầu nhức óc cho nhân loại. Nếu
“chia cái bánh thế nào?”, thì thật dễ biết bao. Nhưng “chia cái bánh thế nào
cho công bằng?” lại là một chuyện vô cùng phức tạp, không dễ trả lời! Đó là câu
hỏi người ta cãi nhau suốt dòng lịch sử mà vẫn chưa thấu suốt. Chỉ vì hai chữ
“công bằng” mà nhân loại chia phe phái để tranh giành, gây hấn và tàn sát lẫn
nhau.
Tuy vậy, chúng ta thử đưa ra vài cách hiểu:
– “Công bằng là việc mỗi người tôn trọng quyền
lợi của mình và của tha nhân theo quy định của pháp luật và của quy tác xã hội.”
(Từ Điển Công Giáo)
– “Công bằng là luật đi liền với bác ái.” Công Đồng Vatican II.
– “Công bằng là quyết tâm trả cho Thiên Chúa
những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân.”
(GLCG 1807).
Ba định nghĩa trên đây chỉ là nguyên tắc. Vào
thực tế, công bằng phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn, làm mấy giờ một tuần là công
bằng? Trả tiền lương bao nhiêu là công bằng? Phạt bao nhiêu là công bằng cho
hai bên? Tiền thuế như thế nào mới công bằng? Hàng tỷ câu hỏi liên quan đến vấn
đề này mà không phải dễ thỏa lòng hết mọi người.
Mỗi quốc gia và cả Giáo Hội, một cách chung, đều
chấp nhận áp dụng công bằng theo:
– Công bằng phân phối: quy định của cộng đồng
phải thực hiện cho mỗi công dân tương xứng với sự đóng góp và nhu cầu của họ.
– Công bằng pháp lý: quy định những bổn phận
công bằng của người dân đối với cộng đồng.
– Công bằng giao hoán: điều tiết việc trao đổi
của cải và dịch vụ, theo nguyên tắc tương xứng về giá trị giữa các cá nhân hay
các nhóm với nhau.
Khi ba loại công bằng trên được thực hiện,
chúng ta sẽ có một xã hội công bằng, gọi là công bằng xã hội.
3. Vai
trò của Đức Tin
Tin là hành vi tự nhiên của con người. Một xã
hội cần dựa trên niềm tin tưởng lẫn nhau, tin vào sức mạnh của hệ thống pháp luật
công bằng. Một khi mất đi niềm tin này, xã hội thường gặp nhiều khủng hoảng và
chia rẽ. Bạn tưởng tượng trong gia đình, mỗi thành viên tin tưởng lẫn nhau,
ngoài xã hội chữ tín được đặt lên hàng đầu, khi đó, bộ máy của mọi hoạt động sẽ
vận hành tốt đẹp. Tuy nhiên, trong câu hỏi trên, chúng ta không đề cập đến niềm
tin này.
Chúng ta đang nói đến Đức Tin, một trong ba
nhân đức đối thần (Đức Tin– Đức Cậy– Đức Mến). Theo đó, chúng ta tin vào Thiên
Chúa, Đấng sáng tạo nên vũ trụ[3]
và xã hội loài người, vì tình yêu.
Tiếc là sự dữ đã đi vào thế giới và đang phá hủy
công trình tốt đẹp của Thiên Chúa. Nhiều bất công, bất hạnh và bất an. Trong bối
cảnh đó, Đức Giêsu đã đến thế gian để cứu độ con người. Ngài có chương trình hẳn
hoi, và mời con người cộng tác vào chương trình cứu độ đó. Mục đích là để “ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).
Một cách cụ thể, nếu chúng ta soi những đặc điểm
của Đức Tin vào câu hỏi trên, chúng ta sẽ có câu trả lời của vị trí Đức Tin.
1/ Đức
tin là ơn ban tuyệt vời của Thiên Chúa. Vì đó là món
quà nhưng không, nên tôi cũng cần tạ ơn và biết chia sẻ niềm tin ấy cho người
khác. Khi đến với tha nhân, vào xã hội, người Công Giáo biết lối nẻo dựng xây
xã hội công bằng hơn, bình an hơn.
2/ Đức
tin là sức mạnh siêu nhiên. Đó không chỉ là điều tuyệt
vời để giúp ta nên thánh, nhưng còn là nguồn năng lượng để ta kiến tạo xã hội
theo con đường của Chúa. Đúng là chỉ có những ai không vững tin mới sớm bỏ cuộc
và thoái lui. Ngược lại, nhờ ơn Đức Tin, người Công Giáo không bao giờ từ bỏ
con đường hòa bình. Trong cuốn Dám Nghĩ Lớn, tác giả cũng trích lại câu Kinh
Thánh để cho thấy sức mạnh của đức tin: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải,
thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc.”
(Lk 17,6).
3/ Đức
tin đòi phải có ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng.
Thiên Chúa không buộc chúng ta tin vào Ngài. Mỗi người đều có quyền tự do.
Nhưng nếu đi theo Chúa, nghĩa là chúng ta cũng sống như những điều Ngài mời gọi.
Càng học thuộc, am hiểu đường lối của Ngài, con đường dựng xây xã hội càng
thành công.
4/ Đức
tin là sự chắc chắn tuyệt đối. Một người Công Giáo dấn
thân vào con đường dựng xây xã hội với đức tin lớn lao, người ấy chắc chắn sẽ đạt
kết quả. Ít là tâm hồn họ được bình an. Họ không sống và làm việc một mình.
Chúa Giêsu là chỗ dựa để họ làm chứng. Biết bao dòng máu các anh hùng tử đạo đã
minh chứng cho điều này. Bởi các ngài tin Thiên Chúa luôn bảo đảm cho hành vi dấn
thân của họ.
5/ Đức
tin chỉ trọn vẹn, khi đức tin được thể hiện qua những việc bác ái. Đó là nguyên tắc cho những ai dấn thân xã hội. Hòa bình và công bằng
không thể thiếu vắng tình yêu. Họ không thể xả thân vì lợi ích cá nhân hoặc lợi
ích nhóm, với danh nghĩa dấn thân vì Thiên Chúa. Tiếc thay nhiều người đã chọn
con đường này. Tuy nhiên, dấn thân thực sự với Thiên Chúa luôn thể hiện bằng
tình yêu, lan tỏa niềm vui và bình an của Thiên Chúa cho xã hội. Đừng quên đó
cũng là sức mạnh để thu hút con người. Tình yêu, bác ái chính là đắc nhân tâm.
6/ Đức
tin lớn dần khi ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và hằng cầu nguyện. Đây cũng là điều kiện để người Công Giáo dấn thân xã hội. Họ không thể
lao mình như con thiêu thân. Không phải đường lối dựng xây lúc nào cũng băng
băng trên xa lộ, không phải lúc nào người ta cũng đầy tràn nhiệt huyết để kiên
trì cho công cuộc hòa bình. Do đó, họ cần làm cho đức tin ấy lớn lên trong cầu
nguyện. Nói cách khác, họ không thể dấn thân một mình, nhưng họ cần Thiên Chúa
đồng hành.
7/ Đức
tin cho ta nếm cảm trước niềm vui Thiên đàng ngay ở đời này. Như đã nói, xã hội công bằng và an bình dường như còn quá xa vời. Tuy vậy,
với Chúa và trong Chúa, người ta có thể cảm nhận được cuộc sống bình an trong
tâm hồn. Hơn nữa, họ luôn có hy vọng để gieo vào đời những hạt giống tốt đẹp. Họ
tìm ra những lối nẻo hiệu quả để dấn thân. Đức Tin cho họ cảm nhận được bình
an, niềm vui Thiên Đàng ngay trong những suy tư, bàn thảo và lựa chọn của mình.
Bảy đặc tính trên đây chúng ta có thể thấy rõ
nơi cuộc đời dấn thân của Đức Giêsu. Ngài dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng
Nước Trời, cho công bằng xã hội và cho hòa bình thế giới. Vì những điều này mà
Ngài phải trả giá rất đắt: chết trên thập giá. Sau biến cố sống lại, Ngài trao
cho Giáo hội Tin Mừng phục sinh. Do đó, trước những dấu chỉ thời đại, những bất
công và xáo trộn của xã hội, Thiên Chúa mời gọi chúng ta nhập cuộc. Thực vậy,
nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị đại diện của Chúa Giêsu ở trần gian, nói:
“Một Kitô hữu sống trong thời đại này mà không dám lội ngược dòng thì không phải
là Kitô hữu”.
4. Vài
điều có thể làm
Chúng ta thừa biết dấn thân vào xã hội, cho những
giá trị tốt đẹp, luôn có những khó khăn. Đó là vấn đề nhạy cảm và hiểm nguy. Đừng
quên “chỉ cá sống mới bơi được ngược dòng”. Chúng ta muốn sống và muốn bơi trên
dòng sông an bình, hạnh phúc.
Trong câu hỏi trên, ước gì chúng ta thêm tin
tưởng vào Thiên Chúa. Hãy làm cho Ngài lớn lên trong tim ta, trong tim mỗi người.
Nhất là những người trẻ, phải chăng chúng ta đang thờ ơ với những bất công xã hội,
chán nản kiến tạo hòa bình? Đó không phải là người tín hữu tốt, người có niềm
tin mạnh mẽ.
“Tôi muốn góp tay dựng xây gia đình, xã hội và
đất nước này, vậy phải làm sao?”– Có người đưa tay ý kiến.
Một điều nho nhỏ mà tôi rất thích khi đọc cuốn
Docat. Trong đó Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ:
“Các bạn trẻ thân mến!
Chỉ có sự hoán cải của con tim mới có thể làm
cho thế giới của chúng ta, một thế giới đầy khủng bố và bạo lực, trở nên nhân bản
hơn. Và điều đó có nghĩa là sự nhẫn nại, công bằng, khôn ngoan, đối thoại, sự
liêm chính, tình liên đới với các nạn nhân, những người túng thiếu và những người
nghèo nhất, sự cống hiến vô hạn, yêu cho đến chết vì tha nhân.”
Ngài mời gọi người trẻ “tham gia” vào con đường
Tin Mừng này. Người nghèo đang réo gọi chúng ta. Thiên Chúa liên tục mời chúng
ta tin vào Ngài và làm chứng cho Tin Mừng. Ngài cảnh báo “nền kinh tế này đang
giết chết” chúng ta, bởi nơi đó luôn có nhiều bất công. Hiện nay, khoảng 1 %
dân số thế giới sở hữu 40 phần trăm toàn bộ tài sản của thế giới. Có khi chúng
ta làm một phần trong đó.
Chính các nhà lãnh đạo quốc gia cũng mời gọi
người dân dựng xây đất nước. Chúng ta yêu đất nước này, dân tộc và xã hội này.
Đã đến lúc người Công Giáo để cho Đức Tin biến thành hành động. Theo đó, chúng
ta đừng quên bám vào Chúa, bám vào những chỉ dẫn của Giáo Hội. (Chẳng hạn, Kinh
Thánh, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo hội Công Giáo). Bởi:
“Sẽ không có gì khác thay đổi thế giới ngoài
những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Người đến với
những người sống bên lề xã hội và đến ngay giữa các mảnh đời lem luốc. Hãy đi
vào cả chính trị nữa, và đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, nhất là
cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội.”[4]
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng câu hỏi phần nào có những trả lời thỏa đáng. Dĩ nhiên, chủ đề này luôn còn nhiều tranh cãi. Thật tốt để chúng ta nhìn nhận rõ hơn vấn đề, để thấy: Ý Chúa, đường lối của Giáo hội và tiếng gọi của con tim. Là công dân, tôi có trách nhiệm dựng xây đất nước công bằng và bình an; là con Chúa, tôi có bổn phận mang Tin Mừng vào từng góc gách của cuộc sống. Khi đó, cuộc sống đáng sống hơn nhiều!
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Đọc thêm:
[1] “Chúng ta công nhận rằng các sự
thật hiển nhiên này là mọi người được dựng nên đều bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa
phú ban các quyền bất khả xâm phạm, trong các quyền này là quyền Sống, quyền Tự
Do và quyền mưu cầu Hạnh Phúc.” (Mỹ). “Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và
xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.” (Việt
Nam).
[2] “Mọi lời nói ra từ miệng Hitler là lời dối
trá: Khi ông ta nói hòa bình là ông ta muốn nói chiến tranh, bằng cách thóa mạ
nhất khi ông ta nhân danh Đấng Toàn Năng, là ông ta muốn nói quyền lực của Quỷ
thần Satan.” (Truyền đơn #4 của nhóm kháng chiến Munich “White Rose” ).
[3] “Theo khoa học hiện đại, thì có
thể nói là: Ngài có trước Vụ nổ Big Bang tạo ra vũ trụ và là nguồn gốc của tất
cả các quy luật tự nhiên. Không có Thiên Chúa, mọi sự đang tồn tại sẽ sụp đổ.
Thiên Chúa cũng là đích điểm của mọi loài hiện hữu.” (Docat, số 2)
[4] Trích lời giới thiệu trong cuốn
Docat.