Nền tảng Thánh Kinh

Khi Thánh Phaolô hỏi các môn đệ ở Êphêsô rằng: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ trả lời, “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói” (Cv 19,2). Chúa Thánh Thần có lúc trở thành người bị lãng quên trong đời sống của Giáo hội và đời sống của người tín hữu. Vào lúc Truyền tin, Đức Maria được báo trước rằng đời Mẹ sẽ được rợp bóng và chìm ngập trong Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35).

Trong Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần được hiểu theo 4 cấp độ: (i) Thần Khí của Thiên Chúa (Ruah trong tiếng Do thái). Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước từ buổi đầu trong công trình tạo dựng (x. St 1,2). Thiên Chúa thổi Thần Khí của Ngài vào Ađam. Thần Khí của Chúa ngự xuống trên các vua và các ngôn sứ. Thần Khí ấy cũng ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan. Tại Caphanaum, khi Chúa Giêsu nói, ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi’, thì Người ám chỉ đến chính Thần Khí này (x. Lc 4).

(ii) Thánh Thần của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, thổi hơi và nói: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22). Ở đây, Chúa Thánh Thần chính là hồng ân mà Chúa Giêsu trao tặng cho các tông đồ.

(iii) Ngôi Thứ Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong diễn từ cáo biệt (x. Ga 13-16), Chúa Giêsu hứa với các tông đồ rằng, Người sẽ cử Đấng bào chữa, trợ giúp, và an ủi đến với các ông. Ở đây, Chúa Giêsu chỉ Ngôi Thứ Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Công thức Thiên Chúa Ba Ngôi thời kỳ đầu cũng ủng hộ điều này. Thánh Phaolô thường kết thúc các thư của ngài với những dòng sau đây: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13,13) và

(iv) Trong văn phẩm của Thánh Phaolô, đặc biệt trong thư gửi tín hữu Galata, chúng ta đọc được những cách diễn tả ‘ham muốn của xác thịt’ và ‘ước muốn của Thần Khí’. Thánh Phaolô dùng những thành ngữ này để chỉ ra tính phân cực vẫn tồn tại trong chúng ta và kết luận rằng Thần Khí vốn là bẩm sinh nơi chúng ta.

Trong Cựu ước, Thần Khí Thiên Chúa được hiểu trong một nghĩa hạn hẹp: (i) Thần Khí của Thiên Chúa chỉ được tuôn đổ trên những cá nhân được chọn. Ngài ngự trên các vua và các ngôn sứ, nhưng không ở nơi những người bình thường. (ii) Ngài được ban với điều kiện. Thần Khí được ban cho có thể bị thu hồi, nếu cá nhân không xứng đáng. Ví dụ, Thần Khí của Chúa đã rời bỏ Samson và Saul, (iii) Thần Khí là sức mạnh. Thần Khí thì không ngôi vị. Nhưng trong Tân Ước, chúng ta có một cách hiểu rộng hơn: (i) Thần Khí được tuôn đổ trên tất cả mọi người. Các tông đồ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đều nhận được Chúa Thánh Thần. Khi các tông đồ cầu nguyện cho những người khác, Chúa Thánh Thần cũng được ban xuống trên họ, (ii) Chúa Thánh Thần là hồng ân vô điều kiện. Chúa Thánh Thần sẽ không bị thu hồi một khi được ban cho. Ngài trở thành dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng các tín hữu, (iii) Chúa Thánh Thần là một ngôi vị. Ngài là ngôi thứ ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài tương quan với mỗi người như là đấng trợ giúp và an ủi.

Trong Cựu Ước, vinh quang của Thiên Chúa đã rợp bóng trên Lều Hội Ngộ. Đức Maria cũng được rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần và toàn thể con người Mẹ cũng được chìm ngập trong Chúa Thánh Thần.

Ý nghĩa của Hiệp hành

Tài liệu Chuẩn bị có 44 điểm quy chiếu về Thần Khí. Tiến trình thỉnh ý hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Ưu tiên trước nhất của việc thỉnh ý là lắng nghe Chúa Thánh Thần[1]. Không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, thì Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là một quốc hội[2]. Giữa các mục tiêu mà Tài liệu Chuẩn bị nhắc đến, có hai mục tiêu hướng đến Chúa Thánh Thần: “Nhắc nhở cách thức trước đây, trong lịch sử Chúa Thánh Thần đã mở đường dẫn lối cho Giáo hội và ngày nay kêu gọi chúng ta cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa;... Nhận biết và trân quý tính đa dạng phong phú của những ân huệ và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần rộng rãi tặng ban vì lợi ích của cộng đoàn và toàn thể gia đình nhân loại”[3]. Tài liệu Chuẩn bị cũng thêm rằng: “Bất chấp những bất trung của chúng ta, Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong lịch sử và biểu lộ quyền năng tác sinh của Ngài”[4]. Tài liệu còn thêm: “Trong bối cảnh này, hiệp hành được coi là con đường chính yếu dành cho Giáo hội, vốn được kêu gọi canh tân dưới tác động của Chúa Thánh Thần và nhờ lắng nghe Lời Chúa… Để “cùng nhau cất bước hành trình”, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải vốn là điều thiết yếu”[5]; “Đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy (1 Tx 5,19-21)”[6]. “Để Giáo hội được lớn lên trong việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?... Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu qua những kinh nghiệm này?”[7]; “Theo phong cách hiệp hành, các quyết định có được qua việc biện phân, dựa trên sự đồng thuận xuất phát từ lòng vâng phục Thần Khí của cả cộng đoàn”[8].

Theo chân Đức Maria, chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần cư ngụ trong mỗi người chúng ta, và nhờ lắng nghe Ngài, chúng ta có thể phân định “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (22.06.2024)


[1] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 2.

[2] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.

[3] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 2

[4] Ibid., số 7

[5] Ibid., số 9

[6] Ibid., số 14

[7] Ibid., số 26

[8] Ibid., số 30