ĐỨC GIÊSU VÀ GIẤC MƠ VỀ MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
1. Đức Giêsu hiệp hành với các người bé nhỏ trong cộng đoàn,
phụ nữ và trẻ em 2. Đức Giêsu hiệp hành với các tội nhân 3. Đức Giêsu hiệp hành với Dân Ngoại 4. Đức Giêsu hiệp hành với các môn đệ |
Dẫn nhập
Chúng ta hay quên rằng dưới mắt của những người
đương thời với Đức Giêsu thì Ngài là một giáo dân, một người làng Nadarét, vùng
Galilê, một người không có học thức cao (Ga 7,15). Ngài không phải là một luật
sĩ hay Pharisêu. Ngài là một người đi giảng lang thang, một người chữa bệnh.
Nhưng đừng quên, ngài hay được mời đọc Sách Thánh trong các hội đường, Ngài giảng
ở hành lang Solomon. Tuy là một giáo dân, Ngài đã nhiều lần đụng độ với các vị
lãnh đạo của Do-thái giáo (thượng tế, kỳ mục, kinh sư). Trong Tin Mừng Gioan,
Ngài bị coi là phạm thượng khi nói về mình (Ga 5,18; 10,33), bị bắt bớ (Ga
7,30.32; 10,39; 11,57), bị tìm giết (Ga 7,1; 8,40; 11,50-53), bị nộp (Ga
13,2.21; 18,5), hai lần bị ném đá (Ga 8,59; 10,31; x. 11,8). Ngài đã phải “lánh
đi” trước những nguy hiểm đe dọa (Mt 12,15; 14,13; 15,21). Ngài không khinh thường
Luật Môsê, nhưng Ngài đặt vấn đề về các luật truyền khẩu của người Pharisêu (Mt
7). Đức Giêsu vẫn giữ những luật căn bản như lên Đền thờ vào các đại lễ, vẫn đến
hội đường vào ngày sabát, vẫn đòi giữ luật thảo kính cha mẹ (Mc 7,8-13), vẫn bảo
anh người phong đi trình diện tư tế để được xác chuẩn là đã khỏi bệnh (Mc
1,44). Ngài không phá đạo Do-thái, nhưng làm cho nó hoàn hảo (Mt 5,17).
Đức Giêsu không biết từ “hiệp hành,” nhưng
Ngài biết rõ “cùng đi với nhau” nghĩa là gì.[1]
Ngài đã cùng đi với bao người trong suốt gần ba năm sứ vụ. Thời của Ngài, chưa
có các phương tiện di chuyển như ngày nay, nên chủ yếu Ngài đã đi bộ, từ vùng
này sang vùng khác. Trong đời Ngài, rất nhiều lần Ngài đã đi từ Galilê lên
Giêrusalem dự ba đại lễ hằng năm, con đường quanh co có thể dài tới 150 km. Hẳn
Ngài không đi một mình, nhưng đi với một nhóm hành hương (x. Lc 2,44). Sau này
khi có các môn đệ, Ngài cùng đi với họ. Có bao nhiêu chuyện để nói với nhau
trên con đường dài. Có bao nhiêu chuyện xảy ra trong cuộc hành trình có thể làm
đề tài cho một bài giáo huấn. Một số người Do-thái đạo đức không muốn đi ngang
qua vùng của người Samari, nên đi qua bên kia sông Giođan rồi đi dọc theo sông
mà vào lại Giêrusalem. Còn Ngài thì chẳng sợ nhơ uế, nên vẫn không tránh đất
Samari, nơi có lần Ngài gặp người phụ nữ bên giếng nước (Ga 4,3-6). Đức Giêsu
cũng đi đến các vùng ngoài Israel, như Tia, Xiđon, hay đi thuyền sang những
vùng bên kia sông Giođan như Thập Tỉnh, hay đi đến tận Xêdarê Philipphê...
Bài viết sau đây là một cái nhìn phác thảo về
Đức Giêsu dựa trên các sách Tin Mừng. Cách đây hai ngàn năm, người giáo dân
Giêsu đã có một ước mơ lớn về hiệp hành. Do-thái giáo thời của Ngài không dành
chỗ cho một số thành phần. Có những người không được coi trọng như phụ nữ, trẻ
em, người nghèo. Có những người bị loại trừ như các tội nhân, người thu thuế,
dân ngoại. Cả những bệnh nhân, tật nguyền cũng bị coi là do Thiên Chúa phạt.
Như thế Do-thái giáo có vẻ chỉ gồm những người công chinh, chu toàn Luật Môsê một
cách trọn vẹn. Các thượng tế, luật sĩ, kỳ mục và các người Biệt phái hẳn nằm
trong số này. Đức Giêsu đến và cho thấy khuôn mặt một Thiên Chúa khác hẳn, một
Thiên Chúa không loại trừ ai, một Thiên Chúa thương người tội lỗi và đứng về
phía những kẻ bị loại ra bên lề.
Chính vì rao giảng một Thiên Chúa như thế và sống
như Thiên Chúa ấy mà người giáo dân Giêsu đã chịu đóng đinh. Nhưng giấc mơ của
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, về một Hội Thánh hiệp hành, một Hội Thánh mở ra cho
mọi người, vẫn là giấc mơ chưa tròn, dù hai ngàn năm đã trôi qua. Chúng ta được
mời gọi hoàn thành giấc mơ ấy trong cộng đoàn Hội Thánh hôm nay.
1. Đức Giêsu hiệp hành với các người bé nhỏ trong cộng đoàn, phụ nữ và trẻ
em
Vào thời Đức
Giêsu, các em nhỏ không có vị thế trong cộng đoàn, bị coi là thấp kém so với
đàn ông. Các em được đặt dưới sự chăm sóc của phụ nữ, và các em là thành phần của
thế giới phụ nữ. Trong mắt người Do-thái, trẻ em không phải là hình ảnh của sự
đơn sơ, khiêm tốn hay vô tội. Thái độ của Đức Giêsu với các em thật khác thường.
Ngài quý các em (Mt 18,1-4; 19,13-15). Tin Mừng Máccô kể lại hai lần Ngài ôm
các em trong cánh tay (Mc 9,36; 10,16). Hơn nữa, Ngài coi các em là mẫu mực cho
những ai muốn vào Nước Trời (Mt 18,6; Mc 10,5). Chúng ta phải học nơi các em sự
hoàn toàn lệ thuộc và vâng phục trước Thiên Chúa, chấp nhận mình yếu đuối và bất
lực. Đón nhận Nước Trời như trẻ thơ là đón nhận như một người chẳng có quyền gì
để đòi, chỉ có tay trắng. Đón tiếp các em là đón tiếp chính Đức Giêsu, và là
đón tiếp Thiên Chúa (Lc 9,48).[2]
Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu, khi giảng về
cộng đoàn tín hữu, đã nhắc đến những người bé nhỏ (mikroi: Mt 18,6.10.14). Họ là những người không có nhiều tài năng,
trí thức hay đạo đức. Họ có những mặt yếu kém và không thuộc số những người nổi
bật của cộng đoàn. Đức Giêsu đòi ta không được gây cớ cho họ phạm tội (Mt
18,6), nhất là không được khinh họ, vì “các thiên sứ của họ ở trên trời luôn
chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy trên trời” (Mt 18,11). Cha trên trời không muốn một
người nào trong họ bị hư mất (Mt 18,14). Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu hân
hoan trong Thánh Thần và tạ ơn Cha vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn (nêpioi: Lc 10,21) mà không cho những người
khôn ngoan thông thái. Chính những người bé mọn là những người được Đức Giêsu
chọn để mặc khải cho về Thiên Chúa Cha (Lc 10,22). Như thế phẩm giá của một
thành viên trong cộng đoàn không hệ tại nơi trình độ, đức độ hay khả năng phục
vụ của họ, mà ở nơi chính con người họ.
Không thể nói về những người bé nhỏ mà lại
không nói đến những người nghèo trong đất Israel vào thời Đức Giêsu đang sống.
Có những người giàu, nhưng đa số dân chúng là người nghèo, cuộc sống bấp bênh.
Họ là những tiểu nông, tá điền, người làm thuê, hành khất, chăn chiên thuê, thợ
thuộc da, cô nhi, quả phụ, ngoại kiều, lính tráng... Những người này có thể nằm
trong đám đông dân nghèo, “dân của đất” (am
ha eretz), dân “không biết Luật” (x. Ga 7,49). Vì vất vả sống qua ngày nên
họ không thể giữ tỉ mỉ luật ngày sabát, luật ăn thức ăn được phép (kosher), hay luật nộp thuế thập phân.
Những người này không có chỗ tốt trong Do-thái giáo, nhưng họ chiếm chỗ trong
trái tim của Đức Giêsu. Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo là sứ mạng của Ngài
(Lc 4,18; 7,22). “Phúc cho anh em là những người nghèo” (Lc 6,20).
Phụ nữ Do-thái trong thời Đức Giêsu phải được
kể là những người nghèo thật sự, vì văn hóa Do-thái ở Palestine là một trong những
nền văn hóa gia trưởng nhất ở vùng lưỡi liềm Địa Trung Hải.[3]
Vai trò của người chồng, người cha và người đàn ông lấn lướt vai trò của phụ nữ.
Thế giới của phụ nữ là ở trong gia đình, nhưng ngay ở đó, họ cũng không phải là
chủ. Họ được tham dự nghi thức ở hội đường, nhưng không được kể vào số những
người cấu thành hội đường (quorum).
Việc có kinh nguyệt bị coi là ô uế, cản trở cho việc lên Đền thờ hay nắm vai
trò quan trọng trong hội đường.[4]
Phụ nữ không buộc phải đọc kinh Shema hằng ngày hay phải hành hương lên Đền thờ
hằng năm vào ba dịp đại lễ. Họ có thể bị chồng ly dị chỉ vì một lý do không
đâu. Bởi thế, sau năm 70 A.D., những người đàn ông Do-thái vẫn tạ ơn Thiên Chúa
vì họ sinh ra không phải là phái nữ (Tosefta
Berakot 7,18). Trong bầu khí trọng nam khinh nữ như vây, Đức Giê su đã làm
gì cho các phụ nữ thời của Ngài? Hẳn Ngài đã chẳng đứng lên phê phán thói gia
trưởng hay đề cao nữ quyền. Nhưng qua lời nói và cách cư xử của mình, Đức Giêsu
đã làm những thay đổi lớn từ bên trong. Trong tất cả các trình thuật có liên
quan đến phụ nữ, không hề có dấu hiệu của sự phân biệt hay khinh khi từ phía Đức
Giêsu. Ngài đã nói chuyện với người phụ nữ Samaria bên giếng nước, điều này khiến
các môn đệ ngạc nhiên vì Thầy làm điều không được phép (Ga 4,27). Ngài mến (phileô) Mácta, em gái của cô và Ladarô
(Ga 11,5). Ngài để cho người phụ nữ vốn bị coi là tội lỗi và người phụ nữ băng
huyết chạm vào Ngài, và cả hai đều nhận được cùng một lời chúc lành (Lc 7,50;
8,48). Đức Giêsu đã chữa cho nhiều phụ nữ yếu đau: mẹ vợ của ông Phêrô (Mc
1,30-31), con gái của ông Gia-ia (Mc 5,41-42), và người phụ nữ bị còng lưng mười
tám năm (Lc 13,10-17). Một số thần học gia nữ quyền coi bà còng lưng tượng
trưng cho tình cảnh khòm lưng của người phụ nữ, cả về mặt xã hội lẫn tôn giáo.
Khi được chữa khỏi, bà có thể đứng thẳng, rũ bỏ mọi xiềng xích, và tôn vinh
Thiên Chúa (Lc 13,13).
Nhưng điểm nổi bật nơi Đức Giêsu là chấp nhận
để cho phụ nữ cộng tác trong sứ vụ của mình, cùng với các môn đệ nam giới.
Thánh sử Luca có soạn một “tóm lược”[5]
(Lc 8,1-3) để nói về chuyện một nhóm phụ nữ đi theo Đức Giêsu. Đây là những người
đã được Ngài chữa lành, đã “hiệp hành” với Ngài, và trợ giúp Ngài trong sứ vụ ở
Galilê. “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được chữa
khỏi tà thần và bệnh tật” (Lc 8,2). Sau đó là tên riêng của ba bà, và còn nhiều
bà khác không kể tên. Ngày nay chúng ta không bị sốc khi đọc câu trên, nhưng
vào thời Đức Giêsu, chuyện các bà bỏ nhà, đi theo Ngài và một nhóm đàn ông, là
chuyện không thể tưởng tượng nổi và gây cớ vấp phạm.[6]
Các bà này được Luca gọi là “những phụ nữ đến từ Galilê,” họ đã chứng kiến Đức
Giêsu tắt thở trên thập giá và đã ra mộ (Lc 23,49.55). Cũng các bà này đã ra
thăm mộ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (Lc 24,1-11. 22-24). Như thế các
bà đã theo Đức Giêsu từ Galilê đến Giêrusalem, từ Khổ nạn đến phục sinh. Tuy
không bao giờ được gọi là môn đệ, nhưng trên thực tế, các bà đã theo Đức Giêsu
như những môn đệ đích thực.[7]
Hẳn là Đức Giêsu đã cho phép nên các bà mới dám theo. Và đây thật là một cuộc
cách mạng, một đột phá.
2. Đức Giêsu hiệp hành với
các tội nhân
Đức Giêsu là Đấng Thánh (Lc 1,35; Mc 1,24),
nhưng Ngài lại không xa tránh tội nhân, thích giao du gần gũi họ. Đây là một
trong những “tội” lớn của Ngài, làm gai mắt những kinh sư và Pharisêu. Ngài đã
phạm tội này nhiều lần, không sao bỏ được (Lc 5,30; 7,34; 15,1-3; 19,7). Không
bỏ được vì đây là mục đích của cả đời Ngài: “Tôi không đến để kêu gọi người
công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,32). Ngài say mê tội nhân và
làm mọi cách để họ sám hối. Khi một bữa tiệc được khoản đãi tại nhà ông Lêvi
(hay Mátthêu), có lẽ là tiệc chia tay, Đức Giêsu có mặt cùng với các môn đệ, và
các bạn đồng nghiệp của ông thu thuế. Không thấy có sự dè dặt hay phân biệt nào
trong bữa tiệc tưng bừng này. Vào thời Đức Giêsu, đồng bàn là chia sẻ cuộc sống,
là biểu tượng cho tình bạn thân thiết. Khi tiếp đón và ăn uống với tội nhân,
Ngài trả lại cho họ điều quan trọng nhất mà họ đã đánh mất, đó là phẩm giá của
một người Israel bình thường. Ngài không chọn người có lý lịch sáng sủa vô
nhóm, nhưng đã dám chọn một người thu thuế mà không sợ làm mất tiếng của nhóm
môn đệ.
Khi đoàn lũ người Do-thái từ khắp nơi đổ về để
nhận phép rửa sám hối của Gioan, thì Ngài cùng đi với đoàn dân đó. Ngài đến với
Gioan và chịu phép rửa của ông một cách khiêm hạ. Ngài đứng chung với các tội
nhân, trong đó có các người thu thuế (Lc 3,12). Ngài đã sống mầu nhiệm liên đới
với tội nhân cho đến ngày nhắm mắt. Ngài đã cùng đi với hai tên gian phi đến
núi Sọ, và cùng chịu đóng đinh với họ (Lc 23,33).
Đức Giêsu và người phụ nữ tội lỗi (Lc
7,36-50). Ngài biện minh cho hành vi táo bạo của chị này: mọi cử chỉ của chị là
để diễn tả lòng biết ơn và yêu mến đối với người đã tha thứ cho chị. Ngài cho
ông Pharisêu thấy cách tiếp khách của ông kém xa cách của chị này, vì ông không
yêu nhiều hay vì ông không thấy mình được tha nhiều. Người tội lỗi gặp Đức
Giêsu bao giờ cũng thấy mình trở lại như mới và được mời gọi giở sang một trang
mới: “Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Ngài trả lại phẩm giá cho họ, điều họ bị mất
khi phạm tội. Trong các sách Tin Mừng, ta thấy có hai chỗ Đức Giêsu minh nhiên
tha tội cho tội nhân (Mc 2,5 và Lc 7,48). Tha tội là đặc quyền của Thiên Chúa,
ngay cả Đấng Mêsia hay Con Người cũng không được ban cho quyền này.[8]
Hơn nữa, Đức Giêsu nhiều khi cũng không đòi tội nhân phải làm những việc đền tội
theo đúng quy trình phức tạp của lề luật.[9]
Câu chuyện Đức Giêsu và người phụ nữ bị bắt quả
tang phạm tội ngoại tình là một thí dụ khác (Ga 8,1-11). “Tôi không kết án chị
đâu. Chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa.” Trong trường hợp này, ta thấy Đức
Giêsu đã hai lần tạo ra những khoảng lặng cần thiết để mọi người suy nghĩ về
hành động của mình, bằng cách cúi xuống viết trên đất hai lần (Ga 8,6.8). Câu
nói sau đây của Ngài đã vang lên trong sự thinh lặng của bầu khí và của trái
tim các kinh sư và người Pharisêu: “Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy
đá ném chị này trước đi” (Ga 8,7). Câu nói đó đã làm họ thay đổi ý định ban đầu,
ý định dùng người phụ nữ như một cái cớ để tố cáo Đức Giêsu (Ga 8,6). Ngài đã
không kết án chị ấy mà vẫn không bị tiếng là phá Luật Môsê được viết trong sách
Đệ nhị luật 22,23-29.29: phải ném đá. Ngài chỉ đòi chị ấy không tái phạm. Đức
Giêsu đã cứu một mạng người và một đời người. Thánh Âutinh viết: đây là cuộc gặp
gỡ giữa lòng thương xót và người được thương (misericordia và misera).
Hiệp hành có khi đơn giản là chuyện hai người
đi tìm nhau. Dakêu, ông trưởng thu thuế giàu có, là người muốn gặp Đức Giêsu,
có lẽ vì ông đã nghe nói nhiều về thái độ cởi mở bao dung của Ngài đối với những
người thu thuế. Ông tìm cách để thấy mặt Ngài, nhưng đám đông và vóc dạng của
ông lại là một cản trở. Ông đã làm hết sức để vượt qua những cản trở tự nhiên ấy.
Ông đã chạy và leo: chạy để vượt qua đám đông, leo để vượt qua vóc dạng thấp
bé. Khi ông đã yên vị trên một cành sung, vui sướng vì biết mình sắp được mãn
nguyện, thì sự cố xảy ra. Đức Giêsu dừng lại dưới gốc sung, nhìn lên và mời ông
xuống mau, “vì hôm nay tôi phải ở lại trong nhà ông” (Lc 19,5). Đây là điều
hoàn toàn không nằm trong kịch bản của Dakêu. Vừa xấu hổ bối rối, vừa sung sướng
hãnh diện, Dakêu đã vâng lời “xuống mau” trước sự khó chịu phản đối của mọi người
(Lc 19,7). Bây giờ gió đổi chiều. Hiệp hành bây giờ không phải là Dakêu đi sau
Đức Giêsu, nhưng chính ông là người dẫn đường đưa Ngài về nhà mình. Chắc đã có
một bữa tiệc ra trò. Ta không thấy nói đến chuyện Đức Giêsu giảng một bài dài về
sự sám hối, hay về sự cần thiết phải bỏ nghề thu thuế ngay. Chỉ thấy sau khi
Ngài gọi
tên ông, đến nhà ông (căn nhà ô uế lẽ ra không
nên đến), và có lẽ đã ăn uống trò chuyện bình thường với những người trong nhà,
thì Dakêu đã có một thay đổi không tưởng. Đối với ông bây giờ mọi thứ vật chất
không còn cuốn hút nữa. Ông chỉ muốn chia sẻ và đền bù lại quá khứ. Đức Giêsu
dĩ nhiên ngây ngất với sự hoán cải này, và Ngài tuyên bố điều không ngờ: “Hôm
nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi ông này cũng là con của Abraham” (Lc 19,
9). Là con của Abraham tức là một người Do-thái có phẩm giá như những người
Do-thái khác. Kết quả của hiệp hành rất ấn tượng. Có hai người đi tìm nhau, gặp
nhau, rồi đi với nhau, rồi được biến đổi. Chính Đức Giêsu cũng tự nhận mình là
người đi tìm (Lc 19,10).
3. Đức Giêsu hiệp hành với Dân Ngoại
Những ai không được cắt bì, dưới mắt người
Do-thái, đều là dân ngoại. Tin Mừng Mátthêu chủ yếu viết cho người Do-thái, nên
đôi lúc chúng ta thấy dân ngoại có vẻ bị coi thường (Mt 5,47; 6,7.32). Chúng ta
có thể bị sốc khi nghe Đức Giêsu căn dặn các môn đệ hãy đến với chiên lạc nhà
Israel chứ “đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người
Samari” (Mt 10,5). Và chính Ngài cũng khẳng định: “Thầy chỉ được sai đến với những
chiên lạc nhà Israel thôi” (Mt 15,24). Dường như dân ngoại không nằm trong mối
bận tâm của Đức Giêsu. Thế nhưng, ngay trong Tin Mừng Mátthêu, chúng ta lại thấy
nhiều dấu hiệu cho thấy cái nhìn tích cực của Ngài đối với dân ngoại.
Dân ngoại, trong cái nhìn lâu dài, lại có chỗ
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thậm chí trong mối quan tâm của Đức
Giêsu. Mátthêu thường dùng từ “muôn dân” (ta
ethnê) để chỉ dân ngoại. Đức Giêsu đã sống như Người Tôi Trung của Is
42,1-4. Người Tôi Trung này “sẽ loan báo công lý trước muôn dân”, và “muôn dân
đặt niềm hy vọng nơi danh Người [= Tôi Trung]” (Mt 12,18.21). Nếu trong Tin Mừng
Mátthêu, lúc sai họ lên đường, Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ đừng vội tập
trung vào dân ngoại (Mt 10,5), thì sau khi được phục sinh, Chúa Giêsu, Đấng được
ban toàn quyền trên trời dưới đất lại truyền lệnh cho các môn đệ của mình “Hãy
đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bằng cách làm phép rửa cho họ và dạy bảo
họ những gì mình đã được lãnh nhận (x. Mt 28,19-20). Như thế chưa bao giờ dân
ngoại hay “muôn dân” nằm ngoài tâm trí của Chúa Giêsu (x. Lc 24,47). Họ cũng được
mời gọi để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu như các môn đệ xưa của Thầy Giêsu.
Truyền giáo đơn giản là làm cho một người trở thành môn đệ Chúa Giêsu, bằng
cách dạy cho người ấy những điều Thầy đã dạy mình. Lệnh truyền minh nhiên ở Mt
28,19-20 là nền tảng vĩnh viễn cho việc loan báo Tin Mừng qua mọi thế hệ. Những
ai không do lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng, nếu nhờ ơn thánh, họ nỗ lực
sống theo lương tâm ngay thẳng thì họ có thể được hưởng ơn cứu độ (LG 16). Đúng
là họ không có lỗi, nhưng chúng ta lại có lỗi, vì đã thiếu sót trong việc loan
báo Tin Mừng cho họ.
Tuy Đức Giêsu khẳng định: “Thầy chỉ được sai đến
với những chiên lạc nhà Israel thôi” (Mt 15,24), nhưng trong thực tế, Ngài đã đến
với đất của dân ngoại và đã gặp gỡ họ. Đối với người Do-thái, tất cả những gì
thuộc về dân ngoại đều không thanh sạch, và không được phép tiếp xúc. Vùng đất
của dân ngoại, đồ ăn, nhà cửa, vật dụng, con người của họ, tất cả đều ô uế. Mọi
đụng chạm đều khiến ta trở nên ô uế. Bởi đó có một bức tường rất cao ngăn cách
dân Do-thái và dân ngoại. Người Do-thái tự hào mình là dân của Chúa, nên khinh
dân ngoại, và chắc chắn không thể có chuyện hiệp hành với dân ngoại. Đức Giêsu
đã phá vỡ bức tường kiên cố này. Ngài bắt đầu sứ vụ của mình ở “Galilê, đất của
dân Ngoại” (Mt 4,15). Ngài đã đến Gađara, vùng ở bên kia sông Giođan, thuộc miền
Thập Tỉnh (Decapoli, Mt 8,28), đã đi
Xêdarê Philípphê (Mt 16,13). Cả Mátthêu và Luca đều kể chuyện Đức Giêsu chữa
cho anh đầy tớ của viên đại đội trưởng dân ngoại (Mt 8,5-13; Lc 7,1-10). Có một
khác biệt trong hai trình thuật, đó là trong Mátthêu, viên sĩ quan có gặp mặt Đức
Giêsu (Mt 8,5), còn trong Luca, ông này thấy mình không xứng đáng gặp trực tiếp,
nên đã sai hai phái đoàn ra gặp Ngài (Lc 8,3.6). Trong cả hai trình thuật, Đức
Giêsu đều không vào nhà viên sĩ quan Rôma này, bởi lẽ ông này đã ngăn cản: “Tôi
chẳng xứng đáng Ngài vào nhà tôi, xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ của tôi được
khỏi” (Mt 8,8; Lc 7,6-7). Thái độ và lời nói của viên sĩ quan cho thấy sự hiểu
biết tinh tế của ông về tập tục của người Do-thái: không tiếp xúc, không vào
nhà dân ngoại. Hơn nữa, câu nói khiêm tốn của ông (câu nói đã đi vào Thánh lễ,
trước khi hiệp lễ) còn cho thấy lòng tin lớn lao của ông đối với “một lời” (logos) của Đức Giêsu (Mt 8,8; Lc 7,7).
Vì là sĩ quan cấp cao, ông hiểu sức mạnh của lời của vị chỉ huy khi ra lệnh (Mt
8,9). Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy lực tương tự: Ngài có thể chữa lành
từ xa, không cần đến nhà tiếp xúc với bệnh nhân. Câu nói của ông đã làm Đức
Giêsu kinh ngạc về ông (ethaúmasen,
Lc 7,9). Ngài ca ngợi ông trước đám đông đang theo Ngài, vì một niềm tin lớn
như thế thì Ngài cũng không tìm thấy ngay cả trong dân Israel (Lc 7,9). Đức
Giêsu không ngại đề cao đức tin của một người dân ngoại, vượt trội niềm tin của
những người Do-thái. Trong Mát-thêu, Ngài còn long trọng cho thấy một viễn tượng
về ngày cánh chung, khi nhiều người dân ngoại từ Đông sang Tây sẽ ngồi chung
bàn tiệc trong Nước Trời với các tổ phụ của người Do-thái là Abraham, Isaac và Giacóp
(Mt 8,11). Như thế dân ngoại có hy vọng được cứu độ nhờ có đức tin như viên sĩ
quan.
Khi gặp nguy hiểm, Đức Giêsu thường rút lui (anakhôreô) đến một nơi an toàn hơn (Mt
12,15). Khi có phái đoàn từ Giêrusalem gồm các người Pharisêu và các kinh sư đến
để gặp Ngài (Mt 15,1-2), Đức Giêsu đã rút lui về miền Tia và Xiđôn (Mt 15,21).
Tại vùng dân ngoại xa xôi này Ngài gặp một phụ nữ dân ngoại. Thái độ và lời nói
của Đức Giêsu trong câu chuyện do Mátthêu kể có thể làm chúng ta bị sốc, nhưng
kết thúc lại rất đẹp (Mt 15,21-28). Chúng ta không hiểu được tại sao Ngài không
đáp lại lời nài xin của người mẹ đáng thương có đứa con gái bị quỷ ám, và từ chối
cả lời yêu cầu của các môn đệ (Mt 15,23-24), tại sao Ngài lại ví dân ngoại với
lũ chó con (Mt 15,26). Có thể nói Đức Giêsu rất cương quyết trong định hướng của
mình: không giúp dân ngoại, chỉ giúp dân Israel thôi, bởi Ngài được Thiên Chúa
sai đến để làm việc ấy (Mt 15,24). Ai sẽ khiến Đức Giêsu đổi ý, hay ít nhất chấp
nhận một ngoại lệ? Chính người phụ nữ vùng dân ngoại này. Tình yêu mãnh liệt của
bà đối với đứa con đã khiến bà làm một loạt hành động đối với Đức Giêsu như: đi
ra, kêu lên, xin thương xót, tuyên xưng Ngài là Mêsia, lẽo đẽo theo sau và kêu
lên, đến và bái lạy Ngài, xin cứu giúp. Trước sự từ chối dứt khoát của Đức
Giêsu, bà không hề bị tổn thương hay nhụt chí, nhưng với một lòng tin khiêm hạ,
mạnh mẽ, bà đã dựa vào chính lời của Đức Giêsu để tiếp tục nài xin. Bà nhận
mình là chó con, không dám xin bánh của con ông chủ, chỉ xin vụn bánh rơi từ
bàn ăn (Mt 15,27). Có thể nói, Đức Giêsu như bị “thua” người phụ nữ, người mẹ
có trái tim đầy tình yêu con. Dù “thua” Ngài vẫn reo lên với sự thán phục: “Bà
ơi! Lòng tin của bà lớn thật. Bà muốn sao thì được vậy nhé!” (Mt 15,28). Con
gái bà đã khỏi từ giờ ấy vì được hưởng vụn bánh của Đức Giêsu.
Vào thời Đức Giêsu, dân Samaria cũng bị coi
như dân ngoại, dù họ có nhiều nét chung với người Do-thái. Sau những mâu thuẫn
và tranh chấp, hai dân tộc trở nên như kẻ thù của nhau, mỗi bên có đền thờ
riêng. Người Do-thái đạo đức khi từ Galilê lên Đền thờ Giêrusalem, hay ngược lại,
thường tránh đi qua vùng đất Samaria, vì họ coi đất này là ô uế. Tin Mừng thứ
tư kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria bên
giếng Giacóp vào lúc giữa trưa (Ga 4). Câu nói đầu tiên của Ngài với chị này là
một lời xin có vẻ bình thường của một người đang mệt và khát: “Chị cho tôi uống
với!” (Ga 4,7). Tuy nhiên, lời xin này của Đức Giêsu đã làm chị sửng sốt, ngỡ
ngàng: “Ông là người Do-thái, tôi là phụ nữ Samaria, làm sao ông lại xin tôi nước
uống?” Chị sửng sốt là phải, vì khi xin chị nước uống, Đức Giêsu đã bước qua
nhiều bức tường ngăn cách giữa đôi bên: giữa đàn ông và đàn bà, giữa dân
Do-thái và dân Samaria, giữa hai người thuộc hai tôn giáo khác nhau, giữa thanh
sạch và ô uế, giữa thánh thiện và tội lỗi. Các môn đệ cũng ngạc nhiên khi thấy
Thầy mình nói chuyện với một phụ nữ không quen (Ga 4,27). Đối với người Do-thái,
vùng đất Samaria, người dân và nước giếng ở đó đều bị coi là không thanh sạch.
Hơn nữa, người phụ nữ Samaria này đã có tới năm đời chồng và hiện đang sống với
người thứ sáu không phải là chồng mình (Ga 4,18). Sau cuộc nói chuyện với Đức
Giêsu, người phụ nữ tin Ngài là một ngôn sứ, còn Ngài nhận mình chính là Đấng
Kitô (Ga 4,19.26). Chị đã trở thành người làm chứng và lôi kéo những người
Samaria khác ra giếng gặp Đức Giêsu. Ngài đã ở lại với dân thành Xykha và họ đã
tin Ngài là Đấng Cứu độ trần gian (Ga 4,42). Kết quả này thật kỳ diệu. Đức
Giêsu biến một phụ nữ Samaria thành người loan báo Tin Mừng cho dân thành của
mình, chỉ sau một cuộc trò chuyện, sau một lần xin nước uống. Đức Giêsu có cái
nhìn tích cực về người Samaria, dù có lần bị họ từ chối đón tiếp (Lc 9,51-56).
Chúng ta không quên hình ảnh người Samaria nhân hậu cứu giúp một nạn nhân nằm
bên đường (Lc 10,29-37), hay người phong Samaria duy nhất quay lại cám ơn Chúa
sau khi được khỏi (Lc 17,11-19). Để đối thoại, để hiệp hành, cần vượt qua những
tập tục và truyền thống lỗi thời, những thành kiến về người khác. Đức Giêsu đã
tôn trọng người phụ nữ Samaria, và trước khi cho, Ngài đã đến như người ngửa
tay xin.
Đức Giêsu chắc không tập trung sứ vụ của mình
vào dân ngoại, nhưng những lần ít ỏi Ngài gặp gỡ một số người dân ngoại, có thể
đã làm thay đổi cái nhìn của Ngài về họ. Ngài nhận ra nơi dân ngoại những phẩm
chất đức tin mà người Do-thái chưa chắc đã có. Những phẩm chất này là cánh cửa
mở để họ trở thành môn đệ, thuộc về đoàn dân mới của Thiên Chúa (Mt 21,43).
4. Đức Giêsu hiệp hành với
các môn đệ
Môn đệ là người được gọi để đi theo sau Thầy
Giêsu. “Hãy theo tôi” là lời mời ta luôn gặp (Mc 1,17; Mt 8,22; Lc 9,59; Ga
1,34).[10]
Chính vì thế tự bản chất họ là những người cùng đi với Thầy, và Thầy luôn
là người đi trước họ, đi với họ trên những con đường của Israel, qua lại trên
thuyền bên này và bên kia sông Giođan, đôi khi đi tới tận Tia, Siđôn hay Xêdarê
Philípphê. Thầy trò chủ yếu là đi bộ, đi từ làng nọ sang làng kia, từ thành này
qua thành nọ. Theo Tin Mừng thứ tư, chắc họ đã không ít lần cùng nhau lên Đền
thờ Giêrusalem để dự các đại lễ (Ga 2,13; 6,3; 12,12). Có thể nói Đức Giêsu đã
dùng nhiều thời gian để cùng đi trên đường với các môn đệ trong những năm rao
giảng. Những con đường là nơi Ngài trò chuyện với họ, nơi xảy ra nhiều sự cố bất
ngờ, nên cũng là nơi Ngài huấn luyện họ. “Hãy đến với tôi” và “hãy học với
tôi”. Trường học của Thầy Giêsu không có bảng đen phấn trắng hay sách vở. Thầy
dạy học trò những bài học từ cuộc sống, những bài học thực tế khi cùng nhau đi
trên đường.[11]
Tin Mừng Gioan kể về hai anh môn đệ đầu tiên
đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Họ rụt rè không biết phải mở đầu câu chuyện như thế
nào, nên chính Ngài là người quay lại và mở lời trước: “Các anh tìm gì vậy?” Tất
cả cuộc đối thoại khởi đi từ câu hỏi đơn sơ ấy. “Thầy ở lại đâu?” “Hãy đến mà
xem.” Hai môn đệ đã đến và xem nơi Thầy đang ở, và họ đã ở lại với Thầy ngày
hôm ấy (x. Ga 1,38-39). Hiệp hành dẫn đến đối thoại, đối thoại dẫn đến gặp gỡ
nhau sâu hơn. Từ cuộc hạnh ngộ này, một trong hai môn đệ là Anrê đã mau mắn kéo
em mình là Simôn đến với Đức Giêsu, Đấng mà Anrê tin là Mêsia (Ga 1,40-42).
Trên đường đi, Đức Giêsu lần thứ hai nói với
các môn đệ về cuộc Khổ nạn (Mc 9,30-32), và cũng trên đường đi ấy, họ đã cãi
nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Giêsu đã cho họ biết người thực sự lớn nhất
chính là kẻ phục vụ mọi người (Mc 9,33-35). Trên đường lên Giêrusalem, lần thứ
ba Ngài đã nói riêng với Nhóm Mười Hai về cuộc Khổ nạn sắp đến của mình ở đó
(Mc 10,32-34). Các môn đệ tuy cùng đi với Thầy, nhưng lại không chia sẻ cùng mối
bận tâm của Thầy. Hai anh Giacôbê và Gioan chỉ nghĩ đến việc làm sao có ghế ngồi
hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy lên ngôi trong vinh quang (Mc 10,37). Chúng ta
phải tưởng tượng xem Đức Giêsu bị sốc đến mức nào, khi thấy các môn đệ không thể
chia sẻ được nỗi đau của mình, vì họ mải mê chuyện thế tục. Câu chuyện Chúa phục
sinh đi với hai môn đệ Emmau là câu chuyện mẫu mực về hiệp hành. Chúa Giêsu có
sáng kiến đến với họ khi họ đã bỏ về quê. Ngài “tiến đến gần và cùng đi với họ”
(Lc 24,15). Tất cả cuộc trò chuyện diễn ra “trên đường” (en tê hodô, Lc 24,32.35). Ngài gợi chuyện và lắng nghe họ trải
lòng, rồi Ngài soi sáng các biến cố bằng Kinh Thánh. Khi Ngài ngồi vào bàn và bẻ
bánh thì họ nhận ra Ngài. “Đường” vẫn là nơi Chúa phục sinh hẹn gặp chúng ta
hôm nay, kể cả khi ta muốn bỏ cuộc.
Các môn đệ học được nhiều điều chẳng những khi
đi đường với Thầy Giêsu, mà cả khi đi thuyền với Thầy nữa. Có một cơn cuồng
phong bất ngờ ập tới lúc Đức Giêsu đang ở trên thuyền với các môn đệ (Mc
4,35-41). Ngài ngủ rất ngon ở đàng lái, bất chấp sóng ào vào thuyền, khiến thuyền
đầy nước. Các ông cuống cuồng đánh thức Ngài vì sợ chết. Sau khi làm cho biển lặng
sóng yên, Ngài đã trách các ông thiếu lòng tin nên mới sợ như thế. Một lần
khác, lần này thì không có Ngài trong thuyền với các ông, sau khi làm phép lạ
bánh hóa nhiều, Đức Giêsu bắt các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia, giữa đêm tối,
còn Thầy ở lại bên này (Mt 14,22-33). Trong tối hôm ấy, họ đã học được bao bài
học bổ ích: tự mình chống chọi với gió ngược khi không có Thầy, thấy Thầy đi
trên mặt nước mà đến với họ, tưởng Thầy là ma, khi Thầy vào thuyền thì gió lặng
ngay. Riêng Phêrô còn có kinh nghiệm đi được trên mặt nước, kinh nghiệm hoảng hốt
khi thấy gió mạnh, kinh nghiệm được Thầy cứu, dắt vô thuyền. Phêrô bị Thầy chê
là có lòng tin nhỏ nên mới hoài nghi, từ đó dẫn đến sợ và chìm.
Đức Giêsu có khả năng tạo ra một bầu khí tin cậy
trong nhóm môn đệ. Khi sai họ đi sứ vụ, Ngài chia sẻ tất cả quyền năng của mình
cho họ, không giữ lại điều gì: quyền trên thần ô uế, quyền chữa lành mọi bệnh tật,
quyền rao giảng về Nước Trời đến gần (Mt 10, 1.7). Chính vì thế các môn đệ cũng
tin tưởng Thầy. Khi trở về, họ kể lại cho Thầy tất cả những việc họ đã làm và
đã dạy (Mc 6,30). Có một khoảng không gian riêng tư giữa Đức Giêsu với các môn
đệ, tách biệt với không gian có đám đông dân chúng. Môn đệ gặp Thầy mình trong
không gian riêng tư này (kat' idían).
Ở đó họ có thể hỏi Thầy xem tại sao có lúc họ không đuổi được quỷ (Mc 9,28-29),
hay xin Thầy giải nghĩa về một điều mà họ chưa hiểu (Mc 10,10; Mt 13,36;
15,15). Có vẻ các môn đệ không đóng góp gì nhiều khi Đức Giêsu phục vụ dân
chúng. Tuy vậy, trong phép lạ bánh hóa nhiều, ta lại thấy vai trò nổi bật của họ,
bởi lẽ Thầy Giêsu mời họ cộng tác. Khi môn đệ xin Thầy cho dân về để mua đồ ăn,
thì họ nhận được một câu trả lời làm họ chưng hửng: “Họ (= đám đông) không cần
phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16), nghĩa là ăn miễn phí,
không phải bỏ tiền ra mua. Chuyện đó hẳn không thể nào xảy ra được, vì người
thì quá đông mà bánh họ có lại ít. Đức Giêsu đã làm phép lạ từ những tấm bánh
ít ỏi đó. Điều đặc biệt ở đây là “Ngài đã trao bánh cho các môn đệ, và các môn
đệ trao chúng cho đám đông” (Mt 14,19), trao tận tay. Lời của Đức Giêsu đã được
ứng nghiệm: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Và lời này còn là một mệnh lệnh cho đến
tận thế.
Đặc biệt Tin Mừng Máccô cho ta thấy sự thân
tình trong tương quan giữa Thầy và trò. Đôi khi các môn đệ nói với Thầy Giêsu
những câu có vẻ thiếu kính trọng. “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy
chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38; // Mt 8,25; Lc 8,24). “Thầy coi, đám đông chen lấn
Thầy như thế, mà Thầy còn hỏi: Ai đã chạm vào tôi?” (Mc 5,31; // Lc 8,45).
“Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất cứ điều gì chúng con xin
Thầy” (Mc 10,35). Những câu nói khá tự nhiên trên đây có thể cho ta thấy Thầy
Giêsu không phải là một người khó gần hay quá đáng kính khiến người ta phải khiếp
sợ, Thầy cũng không phải là người bám giữ tôn ti trên dưới vốn được người
phương Đông coi trọng.[12]
Thầy Giêsu sống gần gũi với các môn đệ, Ngài
đi từ tương quan giữa Thầy với trò đến tương quan giữa những người bạn (x. Ga
15,15). Các môn đệ trở thành bạn hữu của Thầy vì Thầy đã thổ lộ cho họ biết những
điều kín ẩn Ngài nghe được từ Chúa Cha. Họ được đưa vào tình bạn thân thiết với
Thầy Giêsu, rồi từ đó họ được đưa vào thế giới của Cha. “Không ai biết Cha trừ
Con và kẻ Con muốn mặc khải cho (Mt 11,27). Nhưng Thầy Giêsu đã không ngừng ở
đó. Ngài còn muốn tạo nên một tương quan gia đình giữa những kẻ tin và theo
Ngài. Ngài đặt câu hỏi và tự trả lời: Ai là anh em của tôi? Ai thi hành ý muốn
của Cha tôi, người ấy là anh chị em của tôi (Mt 12,48-50). Đó là gia đình mới của
Ngài, gắn kết với nhau không phải bằng máu mủ ruột thịt, nhưng bằng việc sống
theo ý Cha.[13]
Đức Giêsu đã sống trọn vẹn ý Cha. Ai sống theo ý Cha sẽ trở nên anh chị em của
Ngài. Dưới chân thập giá, khi biết mình sắp lìa đời, Đức Giêsu hấp hối vẫn quan
tâm đến gia đình thiêng liêng này. “Thưa Bà, đây là con của Bà,” “Đây là Mẹ của
anh” (Ga 19,26-27). Ngài gắn kết người môn đệ Ngài yêu với Mẹ của Ngài. Người
môn đệ này là đại diện cho mọi tín hữu. Mẹ của Ngài trở thành Mẹ của mọi tín hữu.
Mọi tín hữu có Ngài là Anh Trưởng, và có Đức Maria là Mẹ. Sau khi được phục
sinh, Ngài đã nói với Maria Mácđala: “Hãy đi gặp anh em của Thầy” (Ga 20,17//
Mt 28,10). Như vậy Thầy Giêsu đã sống với các môn đệ như người Bạn, người Anh.
Hiệp hành không cào bằng mọi chức vụ trong Giáo Hội, nhưng lại biến đổi tận căn
mọi chức vụ đó. Thầy Giêsu, Chúa Giêsu đúng là Thầy, là Chúa (Ga 13,13), nhưng
cũng là Bạn, là Anh, hơn nữa còn là người phục vụ: “Thầy đây, Thầy ở giữa anh
em như người hầu bàn, người phục vụ (ho
diakonôn, Lc 22,27), người rửa chân (Ga 13,14), người hiến mạng (Mc 10,45).
Một mình Đức Giêsu khi sống với các môn đệ, đã đóng tất cả những vai mâu thuẫn
đó một cách hài hòa. Điều này thật sự cần cho một Giáo hội hiệp hành, trong đó
những vị lãnh đạo chấp nhận đi với giáo dân thuộc đủ mọi trình độ.
Có thể nói Đức Giêsu hiệp hành với các môn đệ
là chuyện không dễ hơn hiệp hành với các nhóm khác. Các môn đệ trong Tin Mừng
Máccô khá chậm hiểu và chậm tin (Mc 4,13; 6,52; 7,18), nên có lúc Đức Giêsu như
bị mất bình tĩnh trước sự cứng cỏi của họ. Mặc dù Ngài đã làm cho bánh hóa nhiều
hai lần, nhưng khi Thầy trò cùng nhau đi thuyền qua bờ Đông của sông Giođan,
thì các ông lại rất lo lắng và bàn tán về chuyện cả nhóm chỉ mang theo có một ổ
bánh, sợ không đủ (Mc 8,14.16). Điều này làm Thầy Giêsu tức giận nên đã đặt cho
họ một loạt tám câu hỏi dồn dập (Mc 8,17-21). Trong Tin Mừng Mátthêu, các môn đệ
được gọi là những kẻ có “lòng tin nhỏ” (oligópistoi, Mt 8,26; 16,8; 14,31; 17,20).
Còn trong Tin Mừng Gioan, sau lời dạy về Bánh hằng sống, nhiều môn đệ “đã rút
lui và không còn đi với Ngài nữa” (Ga 6,66). Ngay cả Nhóm Mười Hai cũng không
hiệp hành đến cùng: Phêrô đã chối, còn Giuđa đã phản bội và các môn đệ khác “bỏ
Ngài mà chạy trốn hết” (Mc 14,50). Đức Giêsu chắc chắn đã chịu đau khổ vì các
môn đệ bất trung, nhưng Ngài không bỏ họ. Cái hẹn của Ngài với các ông trước
khi chịu Khổ nạn, là dấu chỉ của sự tha thứ: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến
Galilê trước anh em” (Mc 14,28; 16,7). Galilê nơi môn đệ được gọi, nơi tình bạn
tổn thương được chữa lành, cũng là nơi họ được sai đến với cả thế giới (Mt
28,19-20). Điểm son của Đức Giêsu là Ngài đã chịu đựng, đã kiên nhẫn mở mắt cho
môn đệ (x. Mc 8,22-26) và không bao giờ bỏ cuộc.
Kết luận
Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, tính hiệp hành (synodality) là một “chiều kích cấu
thành” của Hội Thánh, được Công đồng Vaticanô II tái khởi động.[14]
Mọi thành phần Dân Chúa “đi với nhau” hay “hiệp hành” là giấc mơ của Đức Giêsu
cách nay hai ngàn năm. Ngài không chỉ mơ, nhưng đã bắt đầu thực hiện giấc mơ
đó, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Ngài đón nhận những kẻ bị tôn giáo
và xã hội thời đó loại trừ, Ngài nhìn nhận và trả lại cho họ phẩm giá trước mặt
Thiên Chúa và con người. Ngài lắng nghe, tôn trọng, quý mến, đối thoại và mời họ
cộng tác với Ngài. Nước Trời có chỗ cho trẻ em và những người bé mọn, cho phụ nữ
và dân ngoại, cho người thu thuế và các cô gái điếm (Mt 21,31-32).
Hội Thánh hôm nay cũng không để một kitô hữu
nào đứng ngoài gia đình Hội Thánh, vì mỗi người đã nhận Thánh Thần từ khi chịu
Phép Rửa. “Như thế, tính hiệp hành đưa đến việc chọn lựa một thái độ đối thoại
với mọi người và từng người, và với tất cả thực tại của thế giới, chứ không chọn
lựa thái độ chống đối, đối đầu hay không đối đầu, hay thậm chí khép kín. Tính
hiệp hành còn đưa đến việc chọn lựa thái độ đối thoại giữa các kitô hữu, giữa
những người công giáo, cũng như giữa các truyền thống bên trong Giáo hội, mà
không nại đến phẩm trật như nguyên lý duy nhất có thẩm quyền. Đối thoại là
phong cách riêng của tính hiệp hành.”[15]
Hiệp hành không bao giờ dễ. Nếu chúng ta không
hoán cải và từ bỏ chỗ đứng cũng như quan điểm của mình, thì lắng nghe, đối thoại,
góp ý, cộng tác giữa những thành phần rất đa dạng và khác biệt của Hội Thánh,
là những điều không thể thực hiện được. Chỉ khi Hội Thánh cùng đi với nhau như
đoàn Dân Chúa trong hiệp nhất và hiệp thông, chúng ta mới có thể làm chứng về
Chúa cho thế giới hôm nay.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
[1] “Hiệp hành” là một từ mới để dịch một từ khác
cũng khá mới: synodality (syn = cùng; hodos = con đường). Vậy hiệp hành không
phải là cùng nhau hành động, mà là cùng đi với nhau. Có một chút khác nhau giữa
“đồng hành” và “hiệp hành.” Theo một lối chiết tự, chữ “đồng” gồm chữ “phàm” và
chữ “khẩu,” cho thấy nhiều người mở miệng cùng nói về một vấn đề. Còn chữ “hiệp”
gồm chữ “tập” và chữ “khẩu,” cho thấy một nhóm hội họp lại cùng nhau bàn chuyện.
Trong bài viết này, “hiệp hành” được dùng như một danh từ và như một động từ,
đơn giản với nghĩa là “cùng đi.”
[2] Joseph A. Fitzmyer kết luận: “Để chấp nhận và
kính trọng Thiên Chúa cũng như Đấng Ngài sai đến, ta phải sẵn sàng chấp nhận và
kính trọng ngay cả người nhỏ nhất trong xã hội loài người,” trong The Gospel According to Luke I-IX (NY:
Doubleday, 1983) 816.
[3] Ben Witherington III, “Women (NT)” trong Anchor Bible Dictionary VI (New York:
Doubleday, 1992) 957.
[4] Bernadette L. Brooten, Women Leaders in the Ancient Synagogue (California: Scholars Press,
1982).
[5] Theo Robert J. Karris, một “tóm lược” nhằm mô
tả một tình trạng kéo dài, hay một sự kiện xảy ra nhiều lần trong một khoảng thời
gian nào đó. Xem “Women and Discipleship in Luke” trong The Catholic Biblical Quarterly 56 (I,1994) 6.
[6] John P. Meier lý luận cho rằng chuyện nhóm
các bà, có bà đã có chồng, đi quanh vùng Galilê cùng với Đức Giêsu và mười hai
môn đệ phái nam, mà không có chồng đi kèm, chuyện đó khó lòng do Luca bịa ra.
Xem A Marginal Jew, vol. III (NY:
Doubleday, 2001) 76.
[7] John P. Meier giải thích tại sao các bà lại
không được gọi là môn đệ: “Vào thời Đức Giêsu - và trong thời các rabbi cũng vậy
- từ “môn đệ” và “các môn đệ” trong tiếng Hípri và Aram chỉ có dưới dạng giống
đực, đó là talmid và talmidim trong tiếng Hípri, và talmida và talmidayya trong tiếng Aram,” xem A Marginal Jew, vol. III, 78.
[10] Briant O. McDermott khẳng định: “Được gọi, được
ở với và được sai đi, làm nên những nét căn bản về người môn đệ của Đức Giêsu”
trong Word Become Flesh: Dimensions of
Christology (Minnesota: Liturgical Press, 1993), 58.
[11] Ralph Martin đã viết: “Việc giáo dục của Đức
Giêsu có tính thực tế, chứ không nặng tính sách vở. Các môn đệ thủ đắc nền giáo
dục này trên hết là nhờ sống với Đức Giêsu, và nhờ tiếp xúc hằng ngày với con
người trong những hoàn cảnh của đời sống thực” trong Mark: Evangelist and Theologian (Michigan: Zondervan, 1973) 112.
[12] R. E. Brown nhận xét rằng: “Việc Máccô mô tả
Đức Giêsu như không biết một số điều, và bị các môn đệ đối xử thô lỗ, chuyện đó
phản ánh một sứ vụ khiêm hạ” trong “Aspects of New Testament Thought” art. 81, The New Jerome Biblical Commentary (New
Jersey: Prentice Hall,1990) 1358.
[13] J. R. Donahue thấy Đức Giêsu dùng “hình ảnh
gia đình và người trong nhà” để nói về cộng đoàn các môn đệ, trong The Theology and Setting of Discipleship in
the Gospel of Mark (Wisconsin: Marquette University Press, 1983) 33.
[14] Đức thánh cha Phanxicô, Discours pour la commémoration de 50è anniversaire de l'institution du
Synode des évêques, 17 octobre 2015.
[15] Brigitte Cholvy, “Deux pistes pour ‘marcher
ensemble,'” Spiritus (Décembre, 2021)
423.