ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG KÊU GỌI HOÁN CẢI

Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Tháng Hai vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Quyền Năng. Tháng Ba này (trong Mùa Chay thánh), chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kêu Gọi Hoán Cải. Hành trình trần thế của Đức Giê-su cũng chính là hành trình kêu gọi mọi người hoán cải, trở về với chính mình, ăn năn sám hối, hầu có thể đón nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa. Hoán cải là chủ đề xuyên suốt nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Hơn nữa, đây là chủ đề gắn liền với các chủ đề quan trọng khác, chẳng hạn như tội–phạt–hối-cứu (thần học trường phái Đệ-nhị-luật mà các ngôn sứ đào sâu), niềm tin, tình yêu, hy vọng, công chính, thánh thiện.

Trong tiếng La-tinh, 'convertere' (hoán cải) là từ ghép giữa con- (với, cùng với) và vertere (quay về, trở lại). Như vậy, hoán cải (convertere) có nghĩa là quay về với tâm hồn mình, nhìn nhận những tội lỗi, thiếu sót, bất xứng và thống hối ăn năn nhằm biến cải con tim, suy nghĩ, cách nhìn nhận mình, người khác, thế giới xung quanh, hầu có thể củng cố và phát triển các tương quan cách tốt đẹp hơn. Động từ tương đương với 'convertere' (La-tinh) trong tiếng Hy-lạp là μετανοέω (metanoeo). Từ đó, xuất hiện danh từ 'μετάνοια' (metanoia: hoán cải) bao gồm μετά- (meta-) có nghĩa là xa hơn, đằng sau, phía trên, vượt qua, siêu việt, bên ngoài, thay đổi và νοια (noia) có nghĩa là tâm trí, não trạng, hiểu biết. Như vậy, hoán cải (μετάνοια) có nghĩa là vượt qua tâm trí, não trạng hay sự hiểu biết vốn có của mình để hướng tới những gì lành thánh, cao thượng và tốt đẹp hơn. Nói cách khác, hoán cải là vượt qua rào cản của kinh nghiệm hẹp hòi, thói quen bị động của bản thân để nhìn nhận con người, hiện tượng, biến cố 'như họ là, như nó là' hơn 'như mình nghĩ'. Trong tiếng Việt, một số từ tương đương với ‘hoán cải’ được sử dụng khá phổ biến là: ăn năn, hối hận, sám hối, đổi mới tâm can.

Trong Ki-tô Giáo, hoán cải là điều kiện tiên quyết để con người có thể thiết lập tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Tuy nhiên, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tiến trình hoán cải. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa ban ân sủng và tác động trong tâm hồn con người trước khi con người có ý thức rằng mình cần hoán cải. Do đó, hoán cải của con người chỉ có thể xảy ra khi có sự trợ giúp của Thiên Chúa, hay nói cách khác, ân sủng của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi mỗi cá nhân để giúp người đó hoán cải. Vấn đề chính yếu là mỗi người cần ý thức được tầm quan trọng của hoán cải trong đời sống mình. Chúng ta cùng nhau xem xét một số trích đoạn Kinh Thánh liên quan đến điều chúng ta đề cập, chẳng hạn, "Ngài đã sửa trị con và con đã được sửa trị, như con bê chưa vực. Xin đưa con trở về, và con sẽ trở về, vì Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa của con!" (Gr 31,18) hay "Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Đức Chúa, để chúng con trở về. Xin đổi mới cuộc đời chúng con cho được như thời xa xưa ấy" (Ac 5,21).

Hoán cải là điều kiện căn bản để con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình. Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng khi ông Nô-ê cùng những người nghe ông mà hoán cải thì được sống trong ân nghĩa Thiên Chúa. Tương tự như vậy, Giô-na đã kêu gọi dân thành Ni-ni-vê hoán cải: "Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình" (Gn 3,8). Nhờ đó, thành này khỏi bị hủy diệt và mọi người được sống trong bình an. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en diễn tả ý muốn của Thiên Chúa là con người phải hoán cải: "Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại" (Ed 33,11). Tương tự như thế, Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho thấy lòng bao dung quảng đại của Thiên Chúa: "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông" (Is 1,18).

Hoán cải vừa mang chiều kích cá nhân vừa mang chiều kích cộng đoàn, chẳng hạn như sự hoán cải của Đa-vít (Tv 51,1-21), sự hoán cải của Na-a-man (2 V 5,1-14) hay sự hoán cải của toàn dân Do-thái (Đnl 4,29-31; Et 4,1-17). Các ngôn sứ trong lịch sử Do-thái có thể phân biệt nhau về không gian, thời gian, bối cảnh xã hội, nhưng giống nhau về việc kêu gọi dân Do-thái hoán cải. Câu hỏi đặt ra là 'tại sao các ngôn sứ lại quan tâm đến việc đó?' Thưa, tại vì dân này thường bội ước với Thiên Chúa, sống xa huấn lệnh của Người, thiếu kiên nhẫn và chạy theo các tập tục ngoại bang. Thay vì kính thờ Thiên Chúa duy nhất, chân thật, họ lại đam mê các ngẫu tượng. Họ muốn quyết định tương lai bản thân và dân tộc mình mà không màng đến sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Các ngôn sứ mời gọi họ thực thi công bình, sống tình bác ái, biến đổi bản thân, điều chỉnh hướng đi, trở về với Thiên Chúa đích thực. Điệp khúc hoán cải tiếp tục vang vọng với vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, thánh Gio-an Tẩy Giả, người chuẩn bị cho sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su.

Thánh Mác-cô trình thuật: "Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội" (Mc 1,4). Đời sống của ông trong hoang địa thật thanh bần: "Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn" (Mt 3,4). Thánh Gio-an Tẩy Giả loan báo về sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 3,2). Thánh nhân phân biệt giữa Phép Rửa của ngài giúp mọi người tỏ lòng sám hối và Phép Rửa của Đức Giê-su, Đấng đến sau ngài: "Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3,11). Với thánh Gio-an Tẩy Giả, hoán cải là điều kiện tiên quyết để đón nhận Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa. 

Bắt đầu sứ mệnh công khai, Đức Giê-su đã đến sông Gio-đan xin thánh Gio-an Tẩy Giả làm Phép Rửa. Nơi Đức Giê-su chịu Phép Rửa cũng là nơi in dấu biến cố vượt qua của dân Do-thái từ ách nô lệ Ai-cập về với Đất Hứa. Trong thân phận con người, Đức Giê-su đã trở nên mẫu gương cho tất cả mọi người về sự trở về với cõi sâu của lòng mình, 'sâu hơn cả thung lũng Giê-ri-khô'. Hình ảnh Đức Giê-su chịu Phép Rửa giúp chúng ta hiểu biết hơn về sự hạ mình của Con Thiên Chúa. Đặc biệt, hình ảnh Đức Giê-su chịu Phép Rửa cho phép chúng ta ý thức hơn về sự cần thiết của con người trong việc hoán cải để được tha thứ tội lỗi, được giải phóng khỏi sự chết, được tái sinh trong sự sống mới ngay trong hành trình trần thế này và được định hướng về Nước Thiên Chúa viên mãn. 

Thánh Mác-cô cho mọi người biết sự liên kết giữa sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả và sứ mệnh của Đức Giê-su: "Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,14-15). Trong bối cảnh Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô, đây là những lời đầu tiên của Đức Giê-su trong sứ mệnh công khai. Chính Gio-an Tẩy Giả đã chuẩn bị cho Đức Giê-su, chuẩn bị cho những lời của Người vang vọng giữa gia đình nhân loại. Chắc chắn rằng đây phải là những lời quan trọng nhất và cũng là những lời tóm gọn mục đích của Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế. Chủ đề hoán cải không phải là chủ đề mới mẻ trong thời Tân Ước. Điều mới mẻ ở đây là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su cũng chính là sự hiện diện và hoạt động của Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, hoán cải bao gồm hướng đi mới là đặt niềm tin vào Đức Giê-su và sứ điệp của Người. Khi Đức Giê-su mời gọi hoán cải, Người muốn tất cả mọi người hãy biến đổi trái tim, biến đổi nhận thức và biến đổi hành vi của mình. Chúng ta cùng nhau điểm qua một số nhân vật được Đức Giê-su kêu gọi hoán cải cách đặc biệt trong Tin Mừng.

Buổi đầu sứ mệnh công khai, khi Đức Giê-su nhìn thấy Lê-vi đang bận rộn với công việc thu thuế, Người gọi ông và ông đã theo Người. Sau đó, Đức Giê-su dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và tội lỗi khác cùng dùng bữa ở đó. Những người Pha-ri-sêu và kinh sư lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su và Người đã nói: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32). Đối với dân Do-thái, những người thu thuế như Lê-vi không những phản đạo mà còn phản quốc; không những phản truyền thống mà còn phản phúc lợi dân tộc. Tuy nhiên, ánh mắt Đức Giê-su đã chiếu rọi trái tim Lê-vi và từ đó ông không còn để tâm đến những con số trên giấy tờ hay làm việc cho những người Rô-ma nữa, bởi vì 'số ông' đã đổi khác. Ông không còn là Lê-vi thu tiền nữa, nhưng là Mát-thêu thu phục nhân tâm; ông không còn là Lê-vi viết giấy tờ thuế má nữa, nhưng là Mát-thêu viết Tin Mừng Đức Giê-su. Tắt một lời, ông không còn là Lê-vi, đệ tử của hoàng đế Rô-ma nữa, nhưng là Mát-thêu, môn đệ trung tín của Đức Giê-su.   

Tương tự như thế, khi Đức Giê-su đến Giê-ri-khô thì thấy Da-kêu, người thu thuế, đang ở trên cây sung để ngắm xem Người đi qua. Đức Giê-su chủ động đến với Da-kêu, còn Da-kêu tìm mọi cách vượt qua các rào cản để thấy Đức Giê-su và Đức Giê-su đã 'đi bước trước', Người gọi đích danh Da-kêu và đến nhà ông. Da-kêu bị người Do-thái ghen ghét. Đặc biệt, với những người theo truyền thống Rab-bi (Rabbinism), những người thu thuế như Da-kêu bị coi là những kẻ hại dân hại nước. Họ bị trục xuất khỏi các hoạt động tôn giáo kể cả việc lui tới đền thờ hay hội đường. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã dùng bữa tại nhà ông. Ông ước ao đến đền thờ hay hội đường để gặp gỡ Thiên Chúa vô hình nhưng không được phép, thì nhà ông đã trở thành đền thờ, trở thành hội đường. Hơn nữa, thay vì ông ước ao đến đền thờ hay hội đường để gặp gỡ Thiên Chúa vô hình thì ngay tại nhà mình, ông gặp Đức Giê-su, Thiên Chúa hữu hình. Trước nghĩa cử thân thương, cao đẹp của Đức Giê-su, ông đã hoán cải nội tâm và thể hiện hành động: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8).

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giê-su không chỉ đến với dân Do-thái mà còn đến với mọi dân để hoán cải họ. Chẳng hạn, Đức Giê-su chữa con gái của người đàn bà Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri (Mc 7,24-30) hay Đức Giê-su chữa đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13). Chúng ta biết rằng người đàn bà gốc Phê-ni-xi và viên đại đội trưởng là 'dân ngoại', nhưng họ đã hoán cải và đặt niềm tin vào Đức Giê-su và sứ mệnh của Người. Với Đức Giê-su, dân ngoại hoán cải thì hơn những người Do-thái (dân Thiên Chúa) cứng lòng. Mang danh 'dân Thiên Chúa' thì chưa đủ để được hưởng ân sủng của Thiên Chúa. Những người 'hữu danh vô thực' không những đóng mình đối với ân sủng Thiên Chúa mà còn trở nên chướng ngại cho những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa nữa. Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su nói với những người Do-thái bất tín: "Con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng" (Mt 8,12).

Đức Giê-su hoán cải người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp cũng là một ví dụ điển hình giúp chúng ta hiểu biết hơn về sứ mệnh của Người đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại (Ga 4,1-42). Gio-an trình thuật: "Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê. Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri” (Ga 4,3-4). Chữ 'phải' ở đây diễn tả chuyến đi này nằm trong chương trình của Thiên Chúa Cha. Đối với người Do-thái, dân Sa-ma-ri là 'dân ngoại'. Người phụ nữ Sa-ma-ri ra giếng lấy nước ban trưa và gặp Đức Giê-su ở đó. Khi gặp Người, bà đã ngạc nhiên vì Người biết nhiều về bà, đặc biệt, về tình trạng hôn nhân: "Chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị" (Ga 4,18). Đức Giê-su còn nói với bà về nước đem lại sự sống đời đời mà Người sẽ ban để ai uống thì không còn khát nữa. Người cũng nói với bà về việc thờ phượng Chúa Cha cách đúng đắn là thờ phượng Người trong thần khí và sự thật. Cuối cùng, bà đã nhận ra Đức Giê-su không chỉ là một ngôn sứ mà còn là Đấng Mê-si-a và Đức Giê-su cũng đã khẳng định như vậy (Ga 4,25-26.29). Người phụ nữ đã hoán cải và trở thành người loan báo Tin Mừng cho những người Sa-ma-ri khác và họ đã thốt lên: "Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4,42). Sau đó, họ mời Đức Giê-su 'ở lại với chúng tôi' và Người đã ở lại với họ hai ngày.

Tuyệt tác của hoán cải và tha thứ được Đức Giê-su diễn tả qua dụ ngôn 'người cha nhân hậu' (Lc 15,11-32). Theo dụ ngôn, người con thứ xin cha mình chia của cải để 'tự lực tự cường' với hy vọng được giải phóng hoàn toàn và trở nên giàu có. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, anh ta đã phung phá toàn bộ gia tài người cha trao ban và xin đi chăn heo cho một nông phu dân ngoại để sống qua ngày. Theo luật, ai thuộc dòng giống Do-thái thì không được chăn heo. Hơn nữa, người chăn heo là người bị chúc dữ. Anh ta không chỉ chăn heo mà còn muốn ăn thức ăn của heo nhưng không ai cho. Tủi thân trách phận, anh ta chỉ muốn trở về và được người cha chấp nhận như là đầy tớ trong nhà. Tuy nhiên, khi anh ta về, người cha đã đón tiếp anh vượt quá sự tưởng tượng. Người cha đã sai đầy tớ cho anh ta mặc áo đẹp (biểu tượng danh dự), đeo nhẫn (biểu tượng uy quyền) và mang dép mới (biểu tượng tự do). Hơn nữa, ông còn bắt bê béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng (biểu tượng hạnh phúc). Phần kết của dụ ngôn thật có hậu, người con phung phá hoàn toàn biến đổi trong tình thương hải hà của người cha. Với dụ ngôn này, Đức Giê-su cho tất cả mọi người bài học rằng khi con người xa Thiên Chúa thì cũng xa phẩm giá đích thực của mình, nhưng khi hoán cải, con người được phục hồi phẩm giá và được trao ban hạnh phúc viên mãn.

Giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng giúp chúng ta nhận thức rằng hoán cải liên quan đến toàn bộ các khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Tuy nhiên, việc hoán cải nhằm biến đổi tình trạng nội tâm thì quan trọng hơn những biến đổi bên ngoài. Chẳng hạn, khi một số người Pha-ri-sêu và kinh sư trách các môn đệ Đức Giê-su trước khi ăn không rửa tay theo truyền thống, Đức Giê-su nhắc lại Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân" (Mc 7,6-7; Is 29,13). Quả thật, Đức Giê-su không lên án những người rửa tay trước khi ăn, nhưng Người lên án những người xem việc rửa tay quan trọng hơn rửa tâm hồn. Với Đức Giê-su, những gì vô hình thì quan trọng hơn những gì hữu hình, những gì thuộc tâm hồn thì quan trọng hơn những gì thuộc thể xác. Nói cách khác, với Đức Giê-su, rửa bên trong thì quan trọng hơn rửa bên ngoài, rửa hồn thì quan trọng hơn rửa xác, rửa tâm thì quan trọng hơn rửa tay.

Đức Giê-su còn cho biết 'trương độ của hoán cải' về tận khởi thủy và hướng tới cánh chung của thực thể có thể có tên gọi là 'con người'. Trong Tin Mừng, khi các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất giữa họ, Đức Giê-su đã đem một em nhỏ đến và nói: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3). Khi Đức Giê-su nói như thế, dĩ nhiên, Người không nói về việc trở nên như trẻ nhỏ theo nghĩa thể xác, nhưng theo nghĩa tâm linh, nghĩa là trở về 'tình trạng đơn sơ trong trắng'. Điều này giúp chúng ta liên tưởng đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa thuở ban đầu (St 1,26-27). Điều này cũng giúp chúng ta suy niệm về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện bởi Đức Giê-su, nhờ đó, phẩm giá chúng ta không chỉ là 'theo hình ảnh Thiên Chúa' mà còn là 'con cái Thiên Chúa' trong hành trình trần thế này cũng như tương lai mai hậu (Ga 1,12; 1 Ga 3,1-2; Rm 8,14; Gl 4,7). Sứ điệp Đức Giê-su về hoán cải được thể hiện rõ nét trong ơn gọi và đời sống của các môn đệ Người qua muôn thế hệ. Chúng ta điểm qua sự hoán cải của thánh Phê-rô, Phao-lô và Au-gút-ti-nô. 

Phê-rô được Đức Giê-su kêu gọi và trở thành môn đệ Người. Đức Giê-su biết trước rằng Phê-rô sẽ chối Người và sẽ hoán cải. Người nói: "Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22,31-32). Quả thật, trong cuộc khổ nạn, Phê-rô chối Đức Giê-su tới ba lần, nhưng sau đó Phê-rô đã hoán cải và trở nên chứng nhân trung tín của Đức Giê-su không chỉ ở Pa-lét-tin mà còn tận Rô-ma, trung tâm của đế chế hùng mạnh nhất vùng Địa Trung Hải thời bấy giờ. Khi giảng dạy dân chúng, Phê-rô mời gọi mọi người hoán cải: "Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em" (Cv 3,18-19). Với sự giúp đỡ của Phê-rô, Co-nê-li-ô, viên đại đội trưởng người Rô-ma đã hoán cải và trở thành một trong những Ki-tô hữu đầu tiên của Giáo Hội sơ khai (Cv 10,36-48). Với thị kiến được diễn tả ở Cv 10,9-16, Phê-rô nhận ra sự thật rằng Thiên Chúa kêu mời mọi người hoán cải để lãnh nhận ơn cứu độ: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận" (Cv 10,34-35).

Sự hoán cải của Phaolô cũng rất đặc biệt. Ngài được sinh ra ở Tác-xô (Thổ Nhĩ Kỳ), là người Do-thái thuộc chi tộc Ben-gia-min (Pl 3,5; 2 Cr 11,22). Ngài cũng là công dân Rô-ma ngay từ lọt lòng mẹ (Cv 22,25-29). Ngài lớn lên trong môi trường giáo dục bài bản về lề luật và các truyền thống Do-thái. Ngài cũng được đào tạo kỹ càng về văn chương và văn hóa Hy-lạp. Do đó, ngài là nhà hùng biện lỗi lạc với khả năng tư duy trừu tượng và lập luận khôn ngoan theo kiểu Hy-lạp. Ngài thú nhận về quá khứ nhiệt thành của ngài đối với truyền thống Do-thái. Hơn nữa, ngài đã bắt bớ các Kitô hữu và bách hại Giáo Hội Chúa. Ngài nhận mình bất xứng để được gọi là tông đồ của Đức Giê-su. Tuy nhiên, ân sủng Thiên Chúa bao phủ tội lỗi và biến đổi ngài để ngài có thể cộng tác cách đắc lực trong việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Thánh nhân đắm mình trong mầu nhiệm Biến Cố Đức Giê-su và hiến thân trọn vẹn để mưu cầu lợi ích cho muôn người. Trong hầu hết các thư của mình, đặc biệt thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô và thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh nhân mời gọi mọi người hoán cải để được lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Cuộc đời hai thì (tội lỗi và hoán cải) của thánh Au-gút-ti-nô đã để lại cho hậu thế bài học vô giá. Thánh nhân đã ra công tìm kiếm căn nguyên sự dữ nhưng không thể nào có được sự giải đáp thỏa đáng. Với thánh nhân, mầu nhiệm sự dữ chỉ có thể hé mở nhờ mầu nhiệm Biến Cố Đức Giê-su, nhất là mầu nhiệm tử nạn. Do đó, thay vì lao nhọc tìm kiếm những giải thích về sự dữ thì ngài đã chiêm ngắm Đức Giê-su, Đấng vô tội nhưng đã chịu đau khổ vì tội lỗi con người và đã chết để tiêu diệt sự chết, hầu cho mọi người được sống. Thay vì quan tâm đến nguyên nhân của sự dữ thì ngài suy niệm 'cái giá' mà Đức Giê-su phải trả để cứu chuộc con người. Đó là lý do giải thích tại sao thánh nhân đã không ngừng hoán cải và trở nên khí cụ hữu hiệu của Thiên Chúa giữa dòng đời. Ngài chia sẻ kinh nghiệm rằng Thiên Chúa thì ở trong ngài, còn ngài thì ở bên ngoài vì ngài đã đắm chìm trong tội lỗi, bất xứng. Theo ngài, khi con người 'thấy' chính mình cũng là khi con người 'thấy' Thiên Chúa, bởi vì chốn sâu thẳm nhất của con người cũng là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chúng ta có thể tóm lược kinh nghiệm của thánh nhân như sau: Con người càng xa mình bao nhiêu thì càng xa Thiên Chúa bấy nhiêu, càng gần mình bao nhiêu thì càng gần Thiên Chúa bấy nhiêu.

Thánh nhân khác tội nhân bởi tâm hồn hoán cải. Đời sống của các thánh trong lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng thánh thiện đi đôi với hoán cải. Người thánh thiện cũng là người hoán cải và ngược lại. Những vị thánh vĩ đại nhất cũng là những người hoán cải cách triệt để nhất. Như vậy, sự thánh thiện của con người chính là 'sự thánh thiện hoán cải'. Con người trở nên thánh thiện khi nhận thức rằng mình cần trở về với Thiên Chúa, mình cần hoán cải và việc hoán cải được thực thi. Sự thánh thiện hiện diện khi con người biết nhận ra tình trạng tâm hồn mình và chú tâm biến đổi. Sự thánh thiện đích thực là đặt toàn bộ sự hiện hữu của bản thân vào Đường Kêu Gọi Hoán Cải của Đức Giê-su. Đường này giúp con người cải tà qui chính và hướng lòng trí con người về cánh chung của đời mình là Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su loan báo.

Giáo huấn của Đức Giê-su trong Tân Ước cho chúng ta nhận thức rằng hoán cải gắn liền với ba nhân đức: tin, cậy, mến. Quả thật, người hoán cải là người nhận thức được tình trạng tâm hồn mình và tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn chờ đợi sự trở về của mình. Người hoán cải cũng là người luôn hy vọng rằng không có tội lỗi hay sự bất xứng nào của bản thân là quá lớn đối với lòng nhân từ và sự tha thứ của Thiên Chúa. Đồng thời, người hoán cải cũng là người biết mở rộng trái tim mình để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và diễn tả tình yêu đó bằng cuộc sống đượm tình bác ái, yêu thương tất cả mọi người. Đặc biệt, người hoán cải là người biết nuôi dưỡng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, biết hi sinh đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và biết cộng tác với Thiên Chúa trong việc giúp người khác hoán cải.

Hoán cải là điều cần thiết, tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người ngại ngùng thực thi. Quả thực, con người thường đi theo lối mòn và cảm thấy yên tâm với tình trạng vốn có của mình. Nói đến hoán cải là nói đến tự hạ, nói đến hoán cải là nói đến trả giá, nói đến hoán cải là nói đến chấp nhận những mạo hiểm phía trước. Nhiều người muốn biến đổi người khác, biến đổi gia đình, biến đổi xã hội, biến đổi thế giới, nhưng lại không biến đổi chính mình. Chúng ta có thể khẳng định rằng gia đình nhân loại sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người càng ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của hoán cải và thành tâm thực thi việc hoán cải trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Chúng ta luôn được mời gọi cộng tác với ơn Thiên Chúa để kinh nghiệm cá nhân về hoán cải ngày càng được dồi dào hơn. Quả thật, nếu chúng ta không có kinh nghiệm cá nhân về sự hoán cải, chúng ta khó có thể thực thi ơn gọi và đời sống Ki-tô hữu như Thiên Chúa mong muốn. Câu hỏi đặt ra là 'chúng ta phải bắt đầu từ đâu?' Thưa, chúng ta bắt đầu bằng việc nhìn nhận thân phận yếu hèn, tội lỗi, bất xứng của mình trước tình yêu bao la của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta ý thức rằng không ai trên trần gian này có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, bấp bênh trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, không ai trên trần gian này có thể đem lại cho chúng ta sự bình an đích thực, hầu có thể đương đầu với những khổ đau trong cuộc sống, nhất là đương đầu với vực thẳm sâu nhất của thân phận con người là sự chết.

Người theo Đường Kêu Gọi Hoán Cải của Đức Giê-su không chỉ sám hối, ăn năn vì những tội lỗi, bất xứng của mình mà còn từ bỏ những nguy cơ phương hại đến sự hòa hợp của các chiều kích trong đời sống nội tâm cũng như các tương quan giữa mình với anh chị em, với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo và với Thiên Chúa. Người theo Đường Kêu Gọi Hoán Cải của Đức Giê-su cần học cách lắng nghe tiếng Đức Giê-su giữa muôn tiếng ồn ào, náo động của cuộc sống thường ngày. Đồng thời, người theo Đường Kêu Gọi Hoán Cải của Đức Giê-su cần luôn trau dồi, học hỏi, suy niệm và thực thi thánh ý Người. Hơn nữa, trong hành trình dương thế của mỗi người, không bao giờ gọi là 'quá muộn' để hoán cải. Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a diễn tả điều đó: "Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên" (Is 55,6). Bởi vì, "Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương" (Tv 145,8).

Kinh nghiệm của thánh Phao-lô cho chúng ta nhận thức rằng hoán cải không phải là quyết định một lần cho tất cả (once and for all). Hoán cải và tái hoán cải luôn đi đôi với nhau hay nói cách khác: Hành trình con người trên trần thế cũng là hành trình hoán cải. Thánh Phao-lô đã hoán cải, tuy nhiên, ngài nhận ra sự bất xứng của mình, nghĩa là thánh nhân vẫn nghiêng chiều về sự dữ và tội lỗi. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, ngài chia sẻ tình trạng căng thẳng trong tâm hồn mình: "Tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi" (Rm 7,21-23). Thánh nhân cũng tự đặt câu hỏi và có ngay câu trả lời: "Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!" (Rm 7,24-25). Như vậy, hoán cải và tái hoán cải phải là lộ trình xuyên suốt đời sống người Ki-tô hữu.

Theo Kinh Thánh, ăn chay, cầu nguyện và bố thí là ba hình thức chủ yếu diễn tả sự hoán cải cá nhân. Thiên Chúa mời gọi những ai hoán cải cần phải quan tâm đến tình trạng đau khổ của anh chị em đồng loại. Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết điều đó: "Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?" (Is 58,6-7). Như thế, những hi sinh, tiết chế bản thân đem lại cho người hoán cải tâm hồn cao thượng, biết yêu thương những người đang lâm cảnh bị bỏ rơi, đau khổ, ngặt nghèo trong xã hội.

Trong thông điệp Laudato Si’ (2015; LS 5), lấy lại tư tưởng của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong bài Giáo Lý ngày 17 tháng 1 năm 2001, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi mọi người quan tâm đến sự hoán cải sinh thái toàn cầu (a global ecological conversion). Theo ngài, con người không chỉ là 'chủ' mà còn là 'nhà quản lý' môi trường thiên nhiên. Quả thực, con người đã 'đối xử bất công' với môi trường thiên nhiên. Hậu quả là môi trường thiên nhiên bị khai thác quá mức, một số sinh vật bị tận diệt và các hình thức ô nhiễm lan tràn. Do đó, con người cần hoán cải để bảo vệ và làm cho muôn vật muôn loài ngày càng phát triển phong phú hơn, đồng thời, luôn ý thức về tương quan và lệ thuộc giữa con người với muôn vật muôn loài. Theo thánh Phao-lô, con người và muôn vật muôn loài liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngài còn quả quyết: "Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở" (Rm 8,22). Trong nhãn quan của ngài, muôn vật muôn loài liên đới với con người trong tội của A-đam. Do đó, muôn vật muôn loài cũng liên đới với con người trong sự chúc lành của Thiên Chúa được diễn tả cách đặc biệt nơi biến cố Đức Giê-su (Ep 1,9-10; Cl 1,20).

Trong bối cảnh thế giới hôm nay, nhiều người quá chú trọng tương lai và chạy theo phát triển đến nỗi không màng tới nguồn gốc, lịch sử và căn tính của mình. Lời Chúa trong sách Khải Huyền nhắc nhở mọi người: "Hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải" (Kh 2,5). Do đó, chúng ta cần ý thức rằng không có hoán cải thì sự tự cao tự đại nơi mỗi người sẽ gia tăng. Không hoán cải thì không thể hiểu biết hay nhận ra những bất toàn của bản thân; không có hoán cải thì không có đổi mới; không có hoán cải thì không nhận ra đâu là sự thiện, đâu là sự thật, đâu là xảo trá. Do đó, tất cả mọi người được mời gọi hãy trở về, hãy tìm hiểu, hãy trả lời, hãy thay đổi, hãy tiến tới. Đặc biệt, tất cả các Ki-tô hữu được mời gọi trở thành chứng nhân cho Đường của Đức Giê-su, Đường Kêu Gọi Hoán Cải, giữa những thăng trầm của đời sống mình.

Sứ mệnh loan báo Đức Giê-su, Đường Kêu Gọi Hoán Cải, thuộc về bản chất của Giáo Hội, thực thể được Đức Giê-su thiết lập và tiếp tục hiện diện trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Tất cả con cái Giáo Hội đều được mời gọi tham dự sứ mệnh này. Trong việc loan báo Đức Giê-su, cả người loan báo và người đón nhận đều cần phải hoán cải. Người loan báo cần hoán cải để có thể nhận diện những giá trị tốt đẹp, lành thánh của nền văn hóa nơi Đức Giê-su chưa được loan báo. Bởi vì, những giá trị này không xa lạ với những giá trị mà Đức Giê-su đã sống và chuyển tải. Người đón nhận Đức Giê-su cần xác tín rằng Người là Đấng Cứu Độ duy nhất và họ được mời gọi đoạn tuyệt những gì ngược với giáo huấn của Người. Đặc biệt, người loan báo và người đón nhận Đức Giê-su cần tìm được tiếng nói chung để sống hòa hợp, yêu thương và phục vụ lẫn nhau như Đức Giê-su hằng mong muốn. 

Chúng ta có thể kết luận rằng Đường của Đức Giê-su là Đường Kêu Gọi Hoán Cải. Hành trình dương thế của Người cũng là hành trình kêu gọi mọi người hoán cải. Sau khi sống lại, Người trao ban sứ mệnh này cho các môn đệ. Giáo huấn hoán cải của Đức Giê-su có thể tóm lược như sau: (1) Vì tội lỗi, con người sống xa đường lối Thiên Chúa; (2) lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi con người; (3) Thiên Chúa luôn đi bước trước để giúp con người hoán cải; (4) con người được mời gọi luôn trở về với tâm hồn mình; (5) con người cần định dạng tâm hồn mình theo thánh ý Thiên Chúa; (6) bao lâu còn trên đường lữ hành dương thế, bấy lâu con người cần phải hoán cải; (7) mỗi người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc hoán cải anh chị em mình. Hôm nay, Đức Giê-su cũng đang nói với mỗi người chúng ta, với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).

WHĐ (01.03.2021)