ĐỨC
GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG VÂNG PHỤC
Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Viên
Tháng 9 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Tha Thứ Tội Lỗi. Tháng 10 này, chúng ta
cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su
Ki-tô – Đường Vâng Phục. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng vì
Nguyên Tổ bất tuân phục, con người trở thành nô lệ tội lỗi và sự chết. Nhờ Đức
Giê-su vâng phục, con người được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ đó. Trong
hành trình trần thế, Đức Giê-su luôn vâng phục Đức Chúa Cha, vâng phục cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá. Đặc biệt, Người dạy các môn đệ luôn
biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh để minh chứng cho tình
yêu của Người giữa dòng đời.
Tiếng Do-thái cổ không có động từ ‘vâng phục’ hay ‘vâng lời’ như trong
các ngôn ngữ hiện đại. Động từ ‘שמע’
(shama) của Do-thái tương đương với ‘vâng phục’ trong tiếng Việt hay ‘obey’
trong tiếng Anh. Động từ ‘שמע’ có các nghĩa chính yếu
như nghe (St 27,6; Lv 26,14; Is 1,2); lắng
nghe (St 27,5; 2 Sm 11,26; Ed 3,7; Tv 132,6); lắng nghe và đón nhận (Is 46,3); nghe đồng nghĩa với hiểu (St 11,7; 1 V 3,6); vâng lời (St 22,18; Xh 24,7; 1 Sm 15,22; 2 V 14,11). Động từ tương
đương với ‘שמע’ trong tiếng Hy-lạp
là ‘ὑπακούω’/hupakouo (obey), danh từ là ‘ὑπακοή’/hupakoe (obedience) và tính từ
là ‘ὑπήκοος’/hupḗkoos (obedient). ‘Vâng phục’ có nghĩa là ‘nghe’ hay ‘lắng
nghe’ lời của người có thẩm quyền, người bề trên, người quan trọng trong các
hình thái xã hội loài người. Đặc biệt, đối với dân Do-thái, lắng nghe, tin tưởng
và thực thi lời của Thiên Chúa cách tự nguyện là trung tâm của đời sống họ. Bởi
vì, những gì thuộc thánh ý Thiên Chúa đều chân thực, lành thánh và sinh hoa
trái dồi dào cho mọi người. Trong Kinh Thánh, vâng phục được diễn tả dưới nhiều
hình thức khác nhau, chẳng hạn như vâng phục Đức Chúa (Đnl 28,1), vâng phục lề
luật của Thiên Chúa (2 Mcb 7,30), vâng phục sự thật (Gl 5,7), vâng phục Tin Mừng
(Rm 1,5), vâng phục đạo lý (Rm 6,17), vâng phục Đức Ki-tô (2 Cr 10,5), vâng phục
đức tin (Ep 2,8-10), vâng phục quyền bính dân sự (Rm 13,1-7), vâng phục trong
gia đình (Ep 5,21-33).
Chủ đề vâng phục được trình bày ngay từ buổi đầu của gia đình nhân loại,
gắn liền với giao ước giữa Thiên Chúa và Nguyên Tổ (A-đam và E-và), được diễn tả
qua ngôn ngữ biểu tượng: A-đam và E-và được ăn mọi trái cây trong vườn, ngoại
trừ cây giữa vườn. Tuy nhiên, A-đam và E-và đã ‘nghe lời con rắn’, đã sa chước
cám dỗ. Như vậy, Tội Nguyên Tổ là tội bất tuân phục, tội không nghe lời của
Thiên Chúa (St 3,1-7). Quả thực, A-đam và E-và đã được Thiên Chúa phú ban những
điều kiện cần thiết hầu có thể sống xứng đáng với phẩm giá của mình, nhưng họ
đã bất tuân phục thánh ý Người. Vì A-đam và E-và, tội lỗi xâm nhập trần gian và
tội lỗi gây nên sự chết và sự chết lan tràn đến mọi người (Rm 5,12). Dưới nhãn
quan Kinh Thánh Cựu Ước, khi con người bất tuân phục Thiên Chúa cũng là khi con
người sống xa tình yêu của Người và hậu quả là con người trở thành nô lệ của
các thế lực sự dữ đang hoành hành trong thế giới thụ tạo.
Chương trình Thiên Chúa đối với con người không kết thúc với việc bất
tùng phục của Nguyên Tổ và hậu quả của tội này. Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng
hành với con người trong mọi biến cố của lịch sử. Đặc biệt, Thiên Chúa đã kêu gọi
Áp-ra-ham, để từ đây, Người diễn tả chương trình cứu độ của Người đối với toàn
thể nhân loại. Áp-ra-ham ban đầu có tên là Áp-ram, Thiên Chúa phán với ông như
sau: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà
cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân
lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ
là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Quả thực, kêu gọi một người từ bỏ xứ sở
quen thuộc của mình để đến nơi khác luôn là việc rất khó khăn. Tuy nhiên,
Áp-ra-ham hằng vâng phục Thiên Chúa và diễn tả tinh thần vâng phục trong mọi
hoàn cảnh cuộc sống của mình, ngay cả việc sẵn sàng hiến tế đứa con trai yêu dấu
của mình cho Thiên Chúa (St 22,1-19). Áp-ra-ham trở thành mẫu gương vâng phục
cho các tín hữu Do-thái Giáo, Ki-tô Giáo và Hồi Giáo cũng như những ai thành
tâm thiện chí trong gia đình nhân loại.
Hành trình của dân Do-thái bắt đầu với Áp-ra-ham trong dòng lịch sử cũng
là hành trình diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa và sự bất tuân phục của
dân này. Chẳng hạn, trên đường về với Đất Hứa, dân Do-thái đã lắm phen phản nghịch
thánh ý Thiên Chúa. Tương tự như thế, thời các vua, không chỉ dân chúng bất
tuân phục mà những người lãnh đạo dân cũng vậy. Chẳng hạn, vì sự bất tuân của
vua Sa-un đối với Đức Chúa, Sa-mu-en đã nói với vua: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta
vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe
thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sm 15,22). Thời các ngôn sứ, dân Do-thái vẫn
chứng nào tật ấy với não trạng bất tuân phục. Lời của Thiên Chúa trong sách
ngôn sứ Giê-rê-mi-a minh chứng điều đó: “Hãy
nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta.
Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc. Nhưng
chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa
ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến” (Gr 7,23-24). Sự vâng phục, lắng
nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su trong
hành trình trần thế của Người.
Tân Ước cho chúng ta biết rằng với sự vâng phục và cộng tác của Đức
Ma-ri-a, Đức Giê-su đã ‘trở nên người phàm’ của gia đình nhân loại. Trong hành
trình trần thế, Người hằng vâng phục cha mẹ Người. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình
thuật rằng sau khi tìm được Đức Giê-su ở đền thờ Giê-ru-sa-lem, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về
Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Chúng ta nhận ra điều kỳ diệu của gia đình
Na-da-rét bởi vì trong gia đình này ‘Trời ở với người’, ‘Đấng Sáng Tạo chung
nhà với thụ tạo’, ‘Thiên Chúa vâng phục con người’. Chúng ta biết rằng con người
vâng phục Thiên Chúa là chuyện thường tình, phải lẽ. Tuy nhiên ở đây, Đức
Giê-su là Thiên Chúa lại vâng phục Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Quả thực, điều
này vượt quá tâm thức tôn giáo của các dân tộc qua muôn thế hệ.
Trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa, khi Người vừa lên khỏi nước thì
các tầng trời mở ra, Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời
phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài
lòng về Người" (Mt 3,17). Sau này, trong biến cố Đức Giê-su Hiển Dung
cũng có tiếng từ đám mây phán: “Đây là
Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”
(Mt 17,5). Khởi đầu sứ mệnh công khai, Đức Giê-su kêu gọi mọi người diễn tả tâm
tình vâng phục bằng việc sám hối và tin vào Tin Mừng mà Người loan báo (Mc
1,14-15). Như vậy, vâng phục trở thành lời kêu gọi đầu tiên của Đức Giê-su. Đây
không phải là lời kêu gọi chung chung giữa những lời kêu gọi khác mà là lời kêu
gọi chính yếu trong sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện.
Trong bài giảng về Giáo Hội là Nước Thiên Chúa ở trần gian, thánh
Mát-thêu trình thuật rằng khi các môn đệ hỏi Đức Giê-su ai là người lớn nhất
trong Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đem một em nhỏ đặt giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở
lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình
như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,3-4). Nói đến
trẻ em là nói đến tính đơn sơ, vâng phục, chẳng hạn như vâng phục cha mẹ hay
vâng phục những người lớn tuổi hơn mình. Điều Đức Giê-su muốn nhấn mạnh ở đây
là những ai muốn theo Người thì lắng nghe và thực thi lời Người truyền dạy với
tâm tình đơn sơ, phó thác. Quả thực, khi con người không biết lắng nghe, không
biết cúi đầu, không biết nhìn nhận những giới hạn của bản thân mình thì khó có
thể làm môn đệ Đức Giê-su được. Chúng ta biết rằng, trong đời sống xã hội, trẻ
em sẽ không thể hòa nhập cộng đồng cách đầy đủ nếu bỏ ngoài tai những chỉ dạy của
cha mẹ hay những người hữu trách. Tương tự như vậy, trong đời sống tâm linh,
các môn đệ Đức Giê-su sẽ không thể trưởng thành khi bỏ qua nhân đức vâng phục,
hay không quan tâm nhân đức này cách phù hợp.
Thánh Mác-cô trình thuật rằng khi Đức Giê-su đang nói chuyện với đám
đông thì có người báo tin Mẹ của Người là Đức Ma-ri-a và những người thân muốn
gặp Người. Đức Giê-su đáp: “Ai là mẹ tôi?
Ai là anh em tôi? Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: Đây
là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là
anh em chị em tôi, là mẹ tôi" (Mc 3,33-35). Đức Giê-su không nói rằng
Đức Ma-ri-a không phải là Mẹ của Người hay những người đang đứng ngoài kia
không phải là thân nhân của Người. Điều Người muốn diễn tả là gia đình Người
không chỉ bao gồm những ai cùng huyết tộc gần gũi mà là bất cứ ai lắng nghe và
thực thi thánh ý của Thiên Chúa. ‘Lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa’
là diễn nghĩa của ‘vâng phục’. Lời của Đức Giê-su cho thấy sứ mệnh của Người nhằm
thiết lập Gia Đình Thiên Chúa trên trần gian để những ai vâng phục, gắn bó với
Gia Đình này thì được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Gia Đình Thiên Chúa
viên mãn.
Khi Đức Giê-su đánh đuổi những người mua bán trong đền thờ, các thượng tế
và kỳ mục thách thức thẩm quyền của Người: “Ông
lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21,23). Đức
Giê-su kể cho họ dụ ngôn rằng một người kia có hai con trai, ông đến nói với đứa
thứ nhất hãy đi làm vườn nho. Ban đầu nó không đi nhưng sau đó hối hận và đi.
Ông đến gặp đứa thứ hai và nó đồng ý đi, nhưng cuối cùng lại không đi. Đức
Giê-su hỏi họ: “Trong hai người con đó,
ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21,31). Họ đã trả lời: Người thứ
nhất. Đức Giê-su liền nói với họ rằng những người thu thuế và những cô gái điếm
vào Nước Thiên Chúa trước họ. Người
dùng dụ ngôn này để cho các thượng tế và kỳ lão biết những người tội lỗi vâng
phục, hối cải thì hơn những người cho mình là công chính không chịu hối cải ăn
năn. Trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi, Người nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước
Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới
được vào mà thôi” (Mt 7,21). Như vậy, vâng phục đồng nghĩa với thực thi
thánh ý Thiên Chúa là điều kiện cần thiết của tất cả những ai thuộc về Nước
Thiên Chúa.
Vâng phục Đức Chúa Cha là tâm tình căn bản của Đức Giê-su trong hành
trình dương thế. Chẳng hạn, sau cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ
giếng Gia-cóp, các môn đệ mời Đức Giê-su dùng bữa. Người nói với họ rằng: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em
không biết... Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và
hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,32-34). Khi các môn đệ xin Đức Giê-su
dạy họ cách thức cầu nguyện, Người đã dạy họ Kinh Lạy Cha, trong đó có câu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng
ngày” (Mt 6,11). Lương thực ở đây không chỉ là lương thực cho đời sống thể
xác mà còn cho đời sống tâm linh nữa, nghĩa là lương thực theo thánh ý Thiên
Chúa. Sau dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn và đi trên mặt Biển
Hồ mà đến với các môn đệ, tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su nói với dân
Do-thái: “Tôi tự trời mà xuống, không phải
để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đức
Giê-su diễn tả sự vâng phục trong yêu thương và căn dặn các môn đệ phải thực
thi như vậy: “Thầy yêu mến Chúa Cha và
làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31); “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình
thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình
thương của Người” (Ga 15,10).
Là con người, Đức Giê-su cũng đương đầu với nhiều cơn cám dỗ. Người
không chỉ bị cám dỗ trong thời gian ở sa mạc bốn mươi đêm ngày mà còn nhiều dịp
khác nữa. Tuy nhiên, Đức Giê-su chưa bao giờ sa chước cám dỗ. Tại sao vậy?
Thưa, tại vì Người luôn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha. Chẳng hạn, Thánh
Mát-thêu trình thuật: “Quỷ lại đem Người
lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và
vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ
đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Đức Giê-su liền nói: Xa-tan kia, xéo đi! Vì
đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải
thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,8-10). Bái lạy hay cúi đầu diễn tả
sự vâng phục bằng cử chỉ. Đức Giê-su đã không bái lạy, không cúi đầu trước ma
quỷ. Câu trả lời của Người cho chúng ta biết cần phải vâng phục ai trong hành
trình trần thế này. Đức Giê-su bị cám dỗ thể hiện quyền năng tại quê hương Người
là Na-da-rét, thể hiện quyền năng trước những người Pha-ri-sêu và các kinh sư,
thể hiện quyền năng trước Hê-rô-đê hay Phi-la-tô. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Đức
Giê-su cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “Lạy
Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý
Cha" (Mt 26,42). Khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá, các thượng tế,
kinh sư, kỳ mục nói: “Hắn cứu được thiên
hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay
bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu
hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!”
(Mt 27,42-43). Đức Giê-su đã ‘không vâng phục’, không thể hiện quyền năng đối với
bất cứ ai thách thức Người.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng từ thuở đời đời, Đức Giê-su
là ‘Con Đức Chúa Cha’, do đó, Người hằng vâng phục Đức Chúa Cha. Trong chương
trình cứu độ nhân loại, Đức Giê-su vâng phục Đức Chúa Cha để nhập thể, sống
thân phận con người, đồng lao cộng khổ với tất cả mọi người, chịu đau khổ và chịu
chết trên thập giá. Như vậy, thập giá là đỉnh cao diễn tả sự vâng phục của Người
hầu đền bù tội bất tuân phục của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Trên thập giá, Đức Giê-su cầu xin cho ý của Đức Chúa Cha được thực hiện. Đây là
sự vâng phục cao quý nhất và câu nói cuối cùng của Đức Giê-su trước khi tắt thở
(trao ban Thần Khí) là câu nói diễn tả sự vâng phục sâu thẳm: “Lạy
Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc
23,46). Qua Đường Vâng Phục, Đức Giê-su đã đánh bại các hình thức sự dữ cũng
như kẻ thù cuối cùng của con người là sự chết, hầu ban ơn cứu độ và giải thoát
tất cả mọi người.
Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su không chỉ vâng phục thánh ý Thiên
Chúa, Người còn diễn tả thẩm quyền của Người trên thế giới thụ tạo nữa. Chẳng hạn,
sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai
con cá của một em bé, các môn đệ xuống thuyền đi về Ca-phác-na-um. Khi thuyền rời
bến khoảng năm hoặc sáu cây số, Đức Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các môn
đệ (Ga 6,16-21). Theo mặc khải Kinh Thánh, quy luật tự nhiên được Thiên Chúa
thiết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Đức Giê-su biến đổi quy luật tự
nhiên. Điều này giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Chủ của
thế giới thụ tạo, của quy luật tự nhiên: Chủ có thẩm quyền trên quy luật tự
nhiên cũng như muôn vật muôn loài. Chúng ta cần quan tâm hai điểm quan trọng
liên quan đến việc Đức Giê-su biến đổi quy luật tự nhiên (chẳng hạn như đi trên
mặt nước hay làm cho sóng yên biển lặng): (1) Đức Giê-su không làm cho quy luật
tự nhiên ‘xuống cấp’ và (2) Người biến đổi quy luật tự nhiên nhằm gia tăng những
gì lành thánh, tốt đẹp cho con người.
Nhờ sự vâng phục Đức Chúa Cha và trở nên người phàm, Đức Giê-su giống
con cháu A-đam và E-và trong mọi sự, nghĩa là Người cũng bị giới hạn bởi không
gian, thời gian cũng như lệ thuộc những gì trong đó. Người bị cám dỗ nhưng
không sa chước cám dỗ, nghĩa là không phạm tội, bởi vì Người luôn hướng về Đức
Chúa Cha và vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha trong mọi sự. Thánh Phao-lô viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên
Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta
nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Khi so sánh Đức Giê-su với A-đam,
thánh nhân viết: “Cũng như vì một người
duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất
đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công
chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không
vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất
đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm
5,18-19). Thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đối nghịch giữa A-đam
cũ bất tuân phục và A-đam Mới là Đức Giê-su luôn vâng phục.
Bởi vâng phục Đức Chúa Cha, Đức Giê-su đã đi ngược lại con đường của
A-đam. Đường của A-đam là đường bất tuân, đường dẫn tới tội lỗi và sự chết; đường
của Đức Giê-su là Đường Vâng Phục, đường dẫn tới ân sủng và sự sống. Con người
vừa mang hình ảnh A-đam vừa mang hình ảnh Đức Giê-su, nghĩa là vừa mang hình ảnh
của người bất tuân phục vừa mang hình ảnh của Đấng Vâng Phục; vừa mang hình ảnh
của người phải chết vừa mang hình ảnh của Đấng Hằng Sống; vừa mang hình ảnh của
người muốn định đoạt số phận mình vừa mang hình ảnh của Đấng luôn phó thác mọi
sự trong tay Đức Chúa Cha. Nhờ Đức Giê-su, Đấng Vâng Phục, con người được giải
thoát khỏi Tội Nguyên Tổ và những hậu quả của Tội này, đồng thời, được Đức
Giê-su hướng dẫn về với cõi phúc đích thực. Do vậy, mọi người được mời gọi luôn
hướng về Đức Giê-su, Đấng Vâng Phục để kín múc từ Người nguồn sinh lực cho cuộc
sống hiện tại và tương lai vĩnh cửu.
Kinh nghiệm về sự gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh giúp thánh Phao-lô minh định
rõ ràng và khúc chiết về ‘nguồn gốc’ và ‘sự vâng phục’ của Người trong thư gửi
tín hữu Phi-líp-phê. Điều đáng để chúng ta quan tâm là trong các thư của ngài,
thánh Phao-lô thường diễn tả việc Thiên Chúa gửi Con của Người xuống trần gian,
nhưng ở đây thánh Phao-lô nhấn mạnh sự tự do dâng hiến của Đức Giê-su: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà
không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chúng ta ngạc nhiên trước cách diễn tả của thánh Phao-lô: Đức Giê-su vốn dĩ
là Thiên Chúa (ἐν μορφῇ Θεοῦ/ in very nature God), nhưng Người trút bỏ vinh
quang, hay ‘làm cho mình trở nên trống rỗng’ (ἑαυτὸν ἐκένωσεν/ emptied
himself). Chúng ta nhận thức ‘hai tình trạng nên một’ cách huyền nhiệm nơi Đức
Giê-su: (1) là Thiên Chúa và (2) là con người; chúng ta cũng nhận thức được
‘hai chuyển động nối kết’ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta: (1) Thiên Chúa trở
thành con người và (2) Người không phạm tội. Hơn nữa, theo thánh Phao-lô, Đức
Giê-su không chỉ vâng phục Thiên Chúa và trở nên người phàm như nhiều người
bình thường khác, Người còn trở thành nô lệ (δούλος), nghĩa là trở thành thành
phần của những người rốt hết trong xã hội loài người. Đặc biệt, Đức Giê-su còn
vâng phục chịu chết trên cây thập giá.
Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái giúp chúng ta hiểu thêm về sự vâng phục
của Đức Giê-su và hiệu quả của sự vâng phục này như sau: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được
thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên
nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được
Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5,8-10).
Phẩm vị của Đức Giê-su thật cao cả, Người là Đấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện.
Tuy nhiên, trong thân phận con người, Đức Giê-su đã vâng phục để học hỏi hầu có
thể trưởng thành như bao người khác. Vị Thiên Chúa ‘phải học cho biết thế nào
là vâng phục’ quả là khó hiểu đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức
rằng tình yêu của Người đối với chúng ta là vô ngần vô hạn thì chúng ta có thể
lãnh hội được (Rm 5,8-9; Ep 2,4-5; 1 Ga 4,10). Là con người, Đức Giê-su cần học
để được lớn lên như chúng ta, để cảm nghiệm được đau khổ, cảm nghiệm được tình
trạng bi đát của con người dưới mãnh lực của sự dữ trong môi trường thế giới thụ
tạo. Người học vâng phục bằng ngôn ngữ và kinh nghiệm của con người để dạy con
người cách thức vâng phục xứng hợp với thánh ý Thiên Chúa. Người vâng phục đến
chết để có được cảm nghiệm đau khổ tột cùng của con người và đem lại ơn cứu độ
vĩnh cửu cho con người. Nơi Đức Giê-su, chúng ta thấy rõ hệ quả của vâng phục:
Không chỉ bản thân được tôn vinh mà còn đem lại ơn lành cho người khác.
Nhìn lại lịch sử Mặc khải Ki-tô Giáo, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa diễn
tả quyền năng của Người theo nhiều cách thức khác nhau và Biến Cố Đức Giê-su
trong hành trình trần thế là Biến Cố có tính quyết định. Trong Biến Cố này, quyền
năng lớn lao nhất mà Đức Giê-su thực hiện không phải là thực thi các điềm
thiêng dấu lạ mà là quyền năng vâng phục. Quyền năng đó giúp con người thoát khỏi
vũng bùn kiêu căng, tội lỗi và sự chết. Quyền năng đó đánh bại sự tự cao tự đại
của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Nhờ quyền năng của Đức Giê-su, con người và tất
cả vạn vật được biến đổi, được tiến triển và thành toàn cách mỹ mãn theo ý định
từ muôn thuở của Thiên Chúa. Như vậy, quyền năng vâng phục mãi mãi là quyền
năng con người cần phải suy gẫm, học hỏi, khám phá và thực thi trong đời sống
mình.
Dưới nhãn quan của một số người, vâng phục là tâm trạng của kẻ yếu, của
người không có năng lực hay thẩm quyền gì đáng kể giữa bao người khác. Trong thực
tế, người vâng phục không phải là người yếu thế, nhưng là người ý thức về những
giới hạn của mình. Người vâng phục ý thức sự cần thiết để kín múc năng lượng từ
người khác hầu có thể điều chỉnh tư cách, đời sống và sứ mệnh của bản thân
trong khi không đánh mất những gì chân thật và lành thánh của mình. Người vâng
phục xác tín rằng con người không thể tự mình biến đổi cách xứng hợp. Họ cần sự
hướng dẫn của những người có thẩm quyền đáng tin cậy, những người thực thi thẩm
quyền mà không thiên kiến, không vì lợi ích cá nhân hay hình thức vị kỷ nào đó.
Như vậy, càng đề cao sự vâng phục, con người càng nhận ra tình trạng thực thụ của
bản thân mình và sự cần thiết để biến đổi sao cho phù hợp với thánh ý Thiên
Chúa qua các trung gian của Người.
Thông thường, theo bước chân Nguyên Tổ, con người hay quy hướng về mình,
quan tâm đến những gì phát xuất từ bản thân hầu thỏa mãn ‘cái tôi’ chứ không phải
vâng phục. Người vâng phục là người bị động, người đón nhận, người lĩnh hội,
trong khi đó, người có thẩm quyền là người chủ động, người ra lệnh, người thẩm
định. Do đó, nhân đức vâng phục khó thực thi hơn các nhân đức khác bởi vì người
thực thi nhân đức này phải từ bỏ ý riêng của mình để lắng nghe, tin tưởng và
làm theo ý của người khác. Trong một số trường hợp, người vâng phục nhận thức
được những sai sót nhất định của người có thẩm quyền, nhưng vì ‘đức vâng phục’
nên vui lòng chấp nhận. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, vâng phục là hiến tế rất cao
quý. Chúng ta có thể nói rằng người vâng phục Thiên Chúa cách trọn hảo cũng là
người tử đạo theo nghĩa rộng với tên gọi là ‘tử đạo vâng phục’. Các vị tử đạo
trong lịch sử Giáo Hội có điểm chung là vâng phục Thiên Chúa theo gương Đức
Giê-su, thà chịu chết hơn là làm những điều ngược lại với giáo huấn của Người.
Có những người cho rằng vâng phục và tự do như nước với lửa, mặt trăng với
mặt trời, bóng tối với ánh sáng hay vâng phục là thù địch của tự do. Trong thực
tế, vâng phục đích thực cũng là tự do đích thực và ngược lại. Vâng phục làm cho
tự do đúng hướng và tự do làm cho vâng phục được viên mãn. Điều này có nghĩa là
con người không mất tự do của mình khi vâng phục Thiên Chúa. Con người vâng phục
Thiên Chúa không giống máy móc làm việc theo chỉ thị của người điều khiển. Trái
lại, khi con người vâng phục Thiên Chúa cũng là khi con người diễn tả sự tự do
của mình cách đúng đắn và đầy đủ nhất. Như vậy, ở đây không có sự xung khắc giữa
tự do và vâng phục đích thực trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa.
Xung khắc nếu có là về phía con người khi lạm dụng tự do của mình, chiều theo cạm
bẫy của thế giới bóng đêm, thế giới sự dữ. Con người chỉ có thể trưởng thành thực
sự khi vâng phục thánh ý Thiên Chúa và làm cho thánh ý Người được thẩm thấu và
lan rộng trong mọi chiều kích của cuộc sống mình. Người ta có thể ghép tự do và
vâng phục với nhau và khẳng định rằng tự do đích thực là ‘tự do vâng phục’. Điều
này có nghĩa rằng người vâng phục hiểu được giá trị của những gì mình tuân giữ
bởi vì những giá trị này giúp mình ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Một trong những đặc tính của người vâng phục là thinh lặng. Người vâng
phục là người biết suy gẫm, biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong mọi nơi mọi
lúc. Người vâng phục là người đơn sơ, đồng thời cũng là người chú tâm nhiều hơn
về sự thiêng thánh của phẩm giá con người trong cõi thinh lặng. Người vâng phục
biết chấp nhận những gì Thiên Chúa gửi đến cho mình, đồng thời biết sẵn sàng chịu
đựng muôn hình thức đau khổ trong cuộc sống với tâm tình hiền hòa, kiên nhẫn,
phó thác. Người vâng phục biết tìm bình an giữa những gian nan khốn khó; tìm
thinh lặng giữa những ồn ào náo động; tìm thánh ý Thiên Chúa giữa những cám dỗ
giăng đầy; tìm sự thật giữa những gian dối bội bạc; tìm tình yêu giữa những oán
thù ghen ghét. Nói cách khác, người vâng phục biết thinh lặng sống theo những
giá trị của Nước Thiên Chúa giữa biển đời đầy giông tố bão bùng này.
Như đã được đề cập ở trên, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, “Đức Giê-su đã trải qua nhiều đau khổ mới học
được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Tất cả chúng ta được mời gọi học nơi Đức
Giê-su cách thức vâng phục. Chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Người,
do đó, chúng ta hãy noi gương Người trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Nhiều lúc chúng ta ý thức được sự cần thiết của vâng phục, nhưng lại dị ứng với
những gì giúp chúng ta thực thi điều đó. Chẳng hạn, nói đến vâng phục là nói đến
hy sinh, nói đến quên mình, nói đến đau khổ, nhưng chúng ta lại dị ứng với những
điều này. Dưới nhãn quan của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, vâng phục mà vắng
bóng đau khổ không phải là hình thức vâng phục mà Đức Giê-su đã học hỏi và diễn
tả trong hành trình trần thế của Người. Chúng ta chỉ có thể vâng phục thực sự
khi chúng ta trải qua quá trình học hỏi từ những đau khổ, sai lầm của bản thân
cũng như của người khác. Tác giả Thánh Vịnh viết: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv
119,71). Qua đau khổ, chúng ta học biết cách lắng nghe, cách cảm nhận, cách đồng
hóa lời của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.
Quả thực, vâng phục phải là trọng tâm của đời sống con người trong hành
trình trần thế này. Bởi vì, vâng phục tạo điều kiện cho chúng ta đắm mình trong
mầu nhiệm của chương trình Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn
loài trong thế giới thụ tạo. Vâng phục cho phép chúng ta vượt qua những yếu đuối
và tầm nhìn hạn hẹp của bản thân về các sự kiện, biến cố hay tương quan trong
cuộc sống. Vâng phục giúp chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn cũng như tâm hồn
luôn biết cởi mở và hướng về Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Gốc và Đích Đến của
chúng ta cũng như muôn vật muôn loài. Vâng phục khuyến khích chúng ta biết làm
chứng cho Thiên Chúa giữa những khó khăn, bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Đồng
thời, vâng phục gia tăng niềm tin, tình yêu và hy vọng của chúng ta đối với
Thiên Chúa. Vâng phục mở đường cho chúng ta vào đời sống công chính, thánh thiện
giữa thế giới đầy cạm bẫy của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Vâng phục thúc đẩy
chúng ta đóng góp phần mình vào việc xây dựng trật tự và hòa hợp trong gia đình
cơ bản và các hình thức gia đình khác trong xã hội.
Theo một nghĩa nào đó, vâng phục chính là nhân đức của các nhân đức
trong đời sống con người. Các Ki-tô hữu được mời gọi sống và thực hành nhân đức
này cách trung tín nhất. Đặc biệt, những người sống đời độc thân dâng hiến cần
phải quan tâm nhiều hơn đến nhân đức vâng phục. Các nhân đức khác, chẳng hạn
như khiết tịnh hay nghèo khó không thể thực hiện được nếu thiếu nhân đức vâng
phục. Nhân đức này thường được diễn tả qua việc lắng nghe và thực thi ý định của
những người có thẩm quyền với lòng thâm tín rằng, ý của người có thẩm quyền diễn
tả thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn, sự vâng phục của một tu sĩ đối với bề trên của
mình không theo nghĩa ‘cá nhân với cá nhân’, nhưng theo nghĩa ‘cá nhân với thẩm
quyền hợp pháp’ của Giáo Hội nhằm mục đích xây dựng trật tự, hòa hợp và phát
triển của cộng đoàn. Theo Công Đồng Vatican II: “Đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá,
nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên
Chúa” (Perfectae Caritatis 14)
hay “Việc noi theo và làm chứng đức ái
cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên
Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam
nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người.
Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: Hơn
cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục
vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng
lời cách hoàn toàn hơn” (Lumen
Gentium 42). Như vậy, người vâng phục là người thâm tín rằng mình hoàn toàn
thuộc về Thiên Chúa khi biết phục tùng những người được Thiên Chúa chọn gọi để
đồng hành và hướng dẫn mình. Vì thế, trong đời sống thánh hiến, nhân đức vâng
phục được xem như ‘nhân đức cả’, bao trùm hai nhân đức còn lại là nghèo khó và
khiết tịnh.
Đức vâng phục được diễn tả trong gia đình là tế bào của xã hội. Theo
thánh Phao-lô, trong đời sống gia đình, người vợ cần vâng phục người chồng: “Tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người
nam là Đức Ki-tô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Ki-tô
là Thiên Chúa” (1 Cr 11,3). Thánh nhân cũng viết: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội
Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25). Như vậy, sự vâng phục trong gia
đình không phải là sự ‘vâng phục một chiều’, mà là sự ‘vâng phục hỗ tương’ nhằm
đem lại bình an, hòa thuận trong gia đình. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng
trong đời sống gia đình, vợ và chồng vâng phục lẫn nhau cũng có nghĩa là yêu
thương nhau. Giao ước tình yêu giữa vợ và chồng sẽ bị lung lay thậm chí tan vỡ
nếu thiếu vắng nhân đức vâng phục. Thánh Phao-lô cũng đề cập đến sự vâng phục của
con cái đối với cha mẹ: “Kẻ làm con hãy
vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Đến
lượt mình, cha mẹ cần quan tâm con cái cách phù hợp và đúng đắn nhất: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực
tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21).
Đức vâng phục cần được diễn tả trong đời sống xã hội bởi vì mỗi người
không phải là hữu thể độc lập nhưng là hữu thể tương quan với nhiều người khác.
Trong bất cứ hình thức xã hội nào, tất cả mọi người đều được mời gọi vâng phục
thẩm quyền chính đáng và hợp pháp, vâng phục lề luật vì lợi ích chung. Một xã hội
mà các thành phần không vâng phục thẩm quyền hợp pháp hay lề luật thì xã hội đó
sẽ hỗn loạn, thậm chí tan rã. Lời Thiên Chúa trong sách Khôn Ngoan đối với những
người có thẩm quyền là: “Hỡi những người
cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm
Người. Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người,
sẽ được Người tỏ mình cho thấy” (Kn 1,1-2). Thánh Phao-lô khuyên dạy các
tín hữu: “Đừng chỉ vâng lời trước mặt,
như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn
thi hành ý Thiên Chúa. Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải
người ta” (Ep 6,6-7). Trong hành trình dương thế, Đức Giê-su không bao giờ
xem thường thẩm quyền hay lề luật xã hội dân sự. Chẳng hạn, những người
Pha-ri-sêu sai các thuộc hạ của họ cùng đi với những người thuộc phe Hê-rô-đê đến
hỏi Đức Giê-su: “Có được phép nộp thuế
cho Xê-da hay không?” (Mt 22,17). Sau khi xem quan tiền và biết được hình ảnh
và danh hiệu là của Xê-da, Đức Giê-su nói: “Của
Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Dưới
nhãn quan nội dung đức tin Ki-tô Giáo, trong các hình thức vâng phục lề luật,
thì vâng phục lề luật Thiên Chúa phải đứng hàng đầu. Đây là hình thức ‘vâng phục
tiêu chuẩn’ của các hình thức vâng phục khác (Cv 5,27-32). Thánh Phê-rô khẳng định:
“Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời
người phàm” (Cv 5,29). Điều đáng để chúng ta quan tâm là tất cả các hình thức
lề luật giúp con người phát triển toàn diện và phù hợp với phẩm giá con người
trong thế giới thụ tạo đều đến từ Thiên Chúa và phản ánh tình thương của Người.
Những ai theo Đường Vâng Phục của Đức Giê-su thì được mời gọi loan báo
Tin Mừng của Người. Tân Ước cho chúng ta nhận thức rằng trong buổi đầu loan báo
Tin Mừng, sau khi các môn đệ gặp gỡ Đức Giê-su, nhất là lắng nghe và chứng kiến
những việc Người làm, họ đã vâng phục theo lời mời gọi của Người, từ bỏ tất cả,
để trở thành những môn đệ của Người. Chẳng hạn, thánh Phê-rô nói với Đức
Giê-su: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”
(Lc 5,5). Trước mẻ cá lạ, thánh nhân sấp mặt xuống đất và nói với Người: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội
lỗi!” (Lc 5,8). Đức Giê-su căn dặn thánh Phê-rô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10). Sự
trở lại của thánh Mát-thêu và các môn đệ khác cũng cho chúng ta thấy được sự
vâng phục của các ngài đối với Thầy mình là Đức Giê-su. Như vậy, ai muốn trở
thành môn đệ và tông đồ trung tín của Đức Giê-su, người đó phải là chứng nhân
cho Đường Vâng Phục của Người bằng chính cuộc sống mình.
Chúng ta có thể kết luận rằng vâng phục có nghĩa là lắng nghe và thực
thi thánh ý Thiên Chúa và Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường
Vâng Phục. Người đã kiện toàn thánh ý Đức Chúa Cha với tâm hồn vâng phục: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực
thi ý Ngài” (Dt 10,7; Tv 40,8-9). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người
nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ
lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Với Đức Giê-su, vâng phục phải là chủ đề quán
xuyến tâm hồn con người. ‘Vâng phục hơn của lễ’, sứ điệp ngắn nhưng rất dồi dào
ý nghĩa. Đức Giê-su đã kiện toàn sứ điệp đó bằng đời sống vâng phục, hy sinh,
dâng hiến. Suy niệm về Biến Cố Đức Giê-su giữa dòng đời, chúng ta nhận thức rằng
vâng phục là điều kiện tiên quyết diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của người
Ki-tô hữu. Hơn nữa, vâng phục Thiên Chúa là khuôn mẫu và nền tảng vững chắc cho
các hình thức vâng phục khác của con người. Chúng ta hãy thành tâm học hỏi Đường
Vâng Phục của Đức Giê-su và loan báo Đường này cho anh chị em đồng loại. Đặc biệt,
trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy đi theo Đường Vâng Phục của Người hầu diễn tả
cách tốt đẹp nhất tương quan giữa mình với Thiên Chúa, với anh chị em và với
muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.